Cái cuộc đời này
của tôi từng có đến hàng ngàn chuyến đi. Mỗi chuyến đi, tôi thấy đều có cái lạ,
cái mới. Sự trải nghiệm và cảm nhận từng chuyến đi có lẽ cùng một sự thẩm
thấu của một tâm hồn hơi bị cổ lỗ sĩ là tôi,
.
nhưng các vấn đề là thức ăn cho thẩm
thấu và cảm nhận thì luôn có tính thời sự và mới lạ. Chuyến ra Miền Trung này,
cái mới lạ cũng nhiều và vui buồn đủ cả. Tôi nhớ đến nhà
báo Hoàng Thành. Vâng và vâng! Anh có còn nhớ cái ngày đầu tiên chúng mình đến
với ngôi trường kia không nhỉ? Cái cảm giác của tôi sau năm 2 rồi năm 3 tiếp tục trong tâm tư chúng tôi một chút tủi phận. Tủi phận của một người đi xa
trở về bị lạnh nhạt dẫu rằng trước đó, khi ôm những phần quà bé nhỏ cho bọn trẻ
trong lòng mỗi chúng ta khấp khởi và mong đợi, bồi hồi …biết bao nhiêu. Sự tủi thân này cứ lặp lại trong tôi (mà không chỉ riêng tôi đâu nhé). Ở dưới ấy, anh thông cảm cho chúng tôi...
Nhưng trước hết, tôi nghĩ đó chỉ là một hạt sạn. Hạt sạn này không nên viết ra đây. Ước Mơ Nhỏ không phải là nơi dung tải một hạt sạn nhỏ bé trong bát cơm thơm thảo đầy tình nghĩa mà bao nhiêu người đã vun xới. Trong đó, có nhiều vị chư tăng, lãnh đạo, doanh nhân đáng kính; có những tập thể thầy, cô tận tụy và nhất là 300 em học sinh và sinh viên của gia đình Ước Mơ Nhỏ hàng năm nhận học bổng đến hẹn lại lên.
Tôi đã từng hạnh phúc biết bao nhiêu. Hạnh phúc cứ nhân lên và nhân lên…
Nhớ một lần, em
học sinh Mỹ Hải của trường Nguyễn Chí Thanh (Huế), cháu nhận học bổng của UMN. Cháu
nói rằng: nhờ học bổng của UMN và sự giúp đỡ của thầy cô, hàng xóm, bà con…cháu
đã khắc phục khó khăn, học thật giỏi và đỗ điểm cao vào 2 khối A và B Đại Học.
Quĩ Ước Mơ Nhỏ bàn nhau lập tức cấp tiếp học bổng cho cháu hàng năm 4 triệu đồng.
Mà thật lạ với cái cô bé nhỏ thó này nhận học bổng không giống ai. Năm ngoái,
chúng tôi tìm mãi mới ra số điện thoại của cháu. Gọi cho hắn xong còn đợi cả giờ
đồng hồ vì hắn còn đang dở học trên giảng đường. Lúc trao học bổng chỉ có Tôi,
Thọ Dũng và cháu. Năm nay còn càng không giống ai. Lúc gọi tên danh sách ở Huyền
Không thì chả thấy. Gọi theo số điện thoại thì không thấy nhấc máy. Lạ chưa hè?
Tới khi cháu gọi lại thì…Con đang lội dưới ao kéo rau phụ mẹ mà điện thoại thì
cất ở nhà vì bữa nay chủ nhật bác ơi! Thế là bác cháu chúng tôi lại hẹn nhau bữa
sau gặp, rồi năm nay lại chỉ có hai bác cháu. Tôi trao học bổng cho cháu ở cái sảnh khách
sạn giữa thành Huế. Thế nhưng hình như tôi có nhắn nhủ cùng cô bé sinh viên Y
khoa này đôi điều. Mà tôi đã nói gì nhỉ? À! Nhớ rồi: “Mi yêu ai cứ yêu nhưng lấy
ai thì điều đầu tiên đưa ra với chồng là hắn phải quí trọng và thương yêu mẹ
cháu nhé!”. Ơ hay! Con bé như sắp khóc. Thôi đi đi con! Hãy cố gắng thật nhiều…
Chủ nhiệm qũi Ước Mơ Nhỏ trao ngay học bổng 4 triệu đồng cho sinh viên Y Mỹ Hải
Trường hợp mới
tuần trước thôi ở Nghi Lộc 1, trước mắt tôi là một cháu học sinh sắp lên nhận học
bổng của Ước Mơ Nhỏ. Cháu bé nhỏ thó, đen đúa nhưng vất vả nhất là hai tay em
không còn. Vậy mà ham học và lại học rất khá. Nhìn cậu bé nhỏ thó đứng bên bạn
của mình, chị Ý Ngọc – một doanh nhân đi cùng đoàn và cũng là bà mẹ trẻ của 3 đứa
con, mắt đỏ hoe rớm lệ nói thật nhỏ: “ Em muốn nhân dịp có mình có mặt ở đây phụ
thêm cho cháu một chút nữa…”. Rôi chị đến chỗ cháu đang ngồi, chuyển sang túi cậu
bé chiếc phong bì. Chỉ nghe tiếng cảm ơn thật nhỏ từ bờ môi em học sinh. Chúng
tôi vỗ tay nhung hình như ai cũng xúc động. Ôi! Lại một khung cảnh CHO và NHẬN
thật ý nghĩa và thiết thực thẫm đẫm tình người…
Chị Ý Ngọc, một doanh nhân tặng tiền hỗ trợ cho học sinh vượt khó Nghi Lộc 1
Một kỷ niệm thật
xúc động và sẽ ghi nhớ mãi trong tôi là tình cảm của thầy trò trường Tam Giang.
Tình cảm dành cho đoàn chúng tôi thì có thể nói là lẽ thường. Nhưng tình cảm của
Thầy, Cô và học trò nơi ấy thật cảm động. Số là khi chúng tôi đến trao học bổng
năm 2013 -2014 và thưởng cho các em tân sinh viên của Ước Mơ Nhỏ (4 em) thì có
một em học sinh tên là Nguyễn Duy Hiền mặt buồn như người có lỗi. Cháu nói với
bạn rằng: cháu không phải là tân sinh viên vì cháu không thể đi học được nữa.
Gia đình Hiền nghèo đến cùng cực, đỗ vào trường ĐHBK Đà Nẵng nhưng em không thể
đi học vì người anh của Hiền đang học năm cuối của Y Dược Huế. Nếu cả hai anh em
theo học sẽ không biết lấy gì ăn chứ đừng nói học phí. Có một doanh nghiệp mới
hứa với em, nếu sang năm em thi đậu vào Y Khoa thì học sẽ hỗ trợ tiền học phí.
Sang năm ư? Chờ đợi! trong khi đó, ước mơ cháy bỏng của em là thi đỗ vào Bách
Khoa Đà Nẵng và hiện giờ đã đỗ. Tôi hỏi cháu: Nếu con có học bổng, con có dám
vươn lên đi học không? Chàng trai gầy gò quả quyết: Học là mơ ước của đời con
mà! Tôi nhìn sang thầy Hoàng Đức Diễn, Thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng và
Phó hiệu trưởng của trường Tam Giang. Các anh như gật đầu đồng cảm. Thầy Phúc
nói thêm:” Học sinh này ở gần nhà tôi. Tôi hiểu sự phấn đấu của em. Em cũng là
một trong những học sinh học giỏi nhất của trường Tam Giang. Bà con lối xóm của
em thương lắm. Họ quyên góp tạo điều kiện cho em học hành.Thầy cô cũng thương em lắm. Nhưng quả thật thì
làng quê dân cũng không dư rả gì. Học phí Đại học quả là điều nan giải…”. Ngay
lập tức, Ước Mơ Nhỏ đặt vấn đề hỗ trợ cho Nguyễn Duy Hiền. Một “hợp đồng hành động”
kết hợp giữa nhà trường và Ước Mơ Nhỏ hình thành. Thầy Diễn và Thầy Phúc hứa đảm
bảo can thiệp, hỗ trợ mọi thủ tục cho em nhập học vì đã trễ gần 2 tuần. Ước Mơ
Nhỏ chịu trách nhiệm vận động tạo học bổng hàng năm cho em với mức 4 triệu đồng/năm.
Nhìn ánh mắt chứa chan hi vọng từ cậu thanh niên Nguyễn Duy Hiền, tôi lại nhủ
lòng là: Thêm một cơ duyên!! Đó là sự cho đi. Còn nhận lại? Tôi bảo cháu Hiền: bác chỉ cần nhận lại mảnh giấy báo điểm từng tín chỉ hoặc các môn học của cháu
vào cuối năm. Cậu bé vui vẻ gật đầu…
Tân sinh viên Nguyễn Duy Hiền
Trở lại với bà
con trong Hội Phật tử Huyền Không. Ước Mơ Nhỏ cũng được biết một gia đình Phật
tử thân thiết, đầy trách nhiệm với Trường, Chùa Huyền Không có hai cháu năm nay
đỗ vào Đại Học nhưng sẽ phải bỏ học. Vì theo lời bác Được thì:” Nhà hắn cái ăn còn không đủ nói gì theo học”.
Quả thật, đây cũng là một ca cực khó vì kinh phí vận động cho quĩ đã bị thâm hụt
khá lớn. Anh em trong quĩ Ước Mơ Nhỏ lại ngồi suy tính bàn nhau. Bàn gì thì bàn
vì hai cháu học sinh này thực sự đang vô vọng và chúng ta đưa tay cho cháu lúc
này thật cần thiết. Nhìn cô bó Nguyễn Thị Thúy mảnh mai như một thân mai. Nhưng
chúng tôi đọc trong ánh mắt của cô bé 18 tuổi này những tố chất tinh anh của một
khả năng. Bên cạnh đó, chàng trai cao dong dỏng Lê Quang Minh hơi bẽn lẽn nhưng
vầng trán thật phẳng và giang rộng. Đồng ý! Ước Mơ Nhỏ cũng đồng ý thu xếp hỗ
trợ cho các cháu. Trả lại ư? Cũng chỉ mảnh photo sổ điểm cuối năm hoặc cuối kỳ.
Lạ chưa kìa: cô bé Nguyễn thị Thúy chia sẻ với tôi:” Con đỗ nguyện vọng vào Đại Học Ngoại Ngữ Huế, khoa Anh bác à.
Con sẽ lên Huyền Không dạy Anh Văn cho học sinh ở đó nữa". Tôi lại bất ngờ. Bất
ngờ về cái Tùy Duyên. Thế là Thầy Pháp Tông chẳng phải tìm đâu xa một cô giáo
Anh Văn thay cho cô giáo Nguyễn Thị Rôn vài tháng nữa đi định cư tại nước
ngoài. Học trò thật may mắn vì không hụt hẫng người truyền thụ. Nhưng…(Có lẽ
trong lòng người lớn chúng ta thì thật là hụt hẫng. Chúc cô giáo vạn điều may mắn
và hạnh phúc).
Giấy báo nhập học của Thúy và Minh
Sự cảm động còn
rất nhiều và bài viết như đã rất dài cần phải khép lại.Tình nghĩa thật đáng nhớ. Bất giác, tôi lại nhớ lời chị Nguyễn Phi Nga, doanh nhân năm ngoái đi khảo sát với UMN. Chị nói: có đi thế này mới mong bản thân kiếm được thật nhiều tiền để mà giúp các em....
-----
Chỉ còn 15 phút
nữa, tôi sẽ lên xe chạy về Phú Mậu 1 –trường tiểu học có nhiều học sinh thật
nghèo. Các em là con, cháu bà con vạn chài, vạn đò. Nơi chúng tôi từng ứa nước mắt khi
nghe kể có đến 230 gia đình thật nghèo và con họ đi học chưa có tiền mua nổi một
cuốn sách giáo khoa Anh Ngữ. Ừ! Thọ Dũng ạ, ông dốc ống đi. 30 xuất học bổng thực
sự cần thiết cho các cháu. Tôi gửi thêm vài tấm hình các cháu vui đùa giờ ra
chơi nhé…
Ngoan chưa nào?!
Vĩ thanh: Chúng tôi đến với các cháu học sinh tiểu học Phú Mậu 1 thật chân tình. Thương lắm! có nhà 3 anh em đang cùng học một lớp 2. Cô bé da ngăm đen nhất trong tấm hình khi cầm phong bì hé mở rồi reo lên: Cô ơi! thế là con có tiền đóng học rồi nè. Chúng tôi thấy đôi mắt cô giáo chủ nhiệm rớm lệ....
VietHoa
Tin mới hơn:
- 26/07/2014 03:45 - Trò chuyện với Thượng Tọa Pháp Tông
- 05/07/2014 11:56 - NHẬT KÝ KHẢO SÁT ƯỚC MƠ NHỎ: VỀ TAM GIANG TÌM LẠI HAI HỌC SINH NGHÈO
- 03/03/2014 12:41 - Thành kính Phân Ưu
- 28/01/2014 15:41 - học sinh Chùa Huyền Không, Huế liên hoan văn nghệ mừng Xuân
- 11/12/2013 11:49 - Nhật ký Sri Lanka của một Sư ông
Tin trước đây:
- 30/07/2013 10:26 - Gieo mầm ước mơ ở vùng quê nghèo Quảng Thái
- 22/07/2013 12:28 - Tâm sự của cô giáo Anh Ngữ chùa Huyền Không
- 02/04/2013 02:07 - HỌC SINH BỎ HỌC Ở MIỀN TÂY NAM BỘ- UMN LÀM GÌ?
- 07/02/2013 17:45 - Tin Văn Nghệ
- 06/02/2013 07:43 - Bài cho Tết Quý Tỵ: Tấm lòng Vàng & Nụ cười Hồng