Uocmonho.com

Bình Tam Quốc 2: Tào Tháo, Gian Hùng trong Anh Hùng

Loạt bài Bình luận Tam Quốc: tổng hợp-Bình bủm-Chua trét: VietHoa
Tào Tháo, người tỉnh An Huy (đất Bái xưa), tổ phụ Tào Tháo là Tào Đằng - một đại hoạn quan có địa vị lớn trong cung. Phụ thân Tào Tháo là Hạ Hầu Tung xuất thân con nhà nghèo khổ, sau làm con nuôi Tào Đằng, đổi sang họ Tào, nên Tháo mang họ Tào.

.

Thời vua Hán Ninh đế (vốn có tính xa hoa), giữa lúc triều đình nguy ngập, quốc khố trống rỗng, vẫn tổ chức xây một cung điện cực lớn bên cạnh Ly Cung. Do thiếu tiền nên theo lời xàm tấu của lũ hoạn quan đã cho công khai bán tước quan để lấy tiền bù đắp chi phí thổ mộc. Khi ấy Tào Tung đã bỏ ra số tiền 10 vạn đồng để mua một chức quan khá lớn và có địa vị đáng kể trong triều đình nhà Hán, tuy vậy do mua quan mà có tước nên không được kính trọng.

Nói về ông Tháo, Sử liệu và Tam quốc thể hiện khác nhau hoàn toàn về tính cách cũng như quan điểm. Thực chất chúng ta là đời sau, không biết tin vào bố con ông nào. Chúng ta chém gió cứ chém. Chính sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ có chép rằng: "Thái tổ (tức Tào Tháo) ít để ý đến cái nhỏ, tính tình phóng đãng, nhưng rất ham đọc, đặc biệt là sách binh thư, là người có quyền biến, nhiều mưu mẹo". Nói như thế thì thông minh cực còn gì?
Sau khi Tào Phi lên ngôi đế có nói rằng: "Cha ta khi còn sống rất thích đọc Thi – Thư. Khi đi chinh chiến, trận mạc thường không rời quyển sách. Người bảo: “Phải học ngay từ khi còn trẻ, bởi sau này khi nhiều tuổi thì trí nhớ sẽ dần kém đi, dẫu có chịu khó đọc thì hiệu quả cũng vẫn giảm đi nhiều. Dẫu có thế cũng vẫn cần cố gắng đọc sách thêm chút nữa". Cái này thì con làm sao không khen cha. Nhưng cứ tạm tin bởi vì ngày ấy con người ta cũng chưa đến nỗi nói không biết ngượng mồm. Hơn nữa, theo bác La Quán Trung mô tả trong Tam Quốc thì Tào Phi cũng được lắm chớ.
Còn hình ảnh Tào Tháo ngày nhỏ trong Tam Quốc mà tác giả La Quán Trung miêu tả thì nhà văn vẽ lên cái “tuổi thơ dữ dội” của ông Tào Tháo có vẻ cứng đầu, khó dạy và còn mất dạy nữa: “Tháo ngày nhỏ là người chỉ thích chơi bời, săn bắn, hát xướng không thích làm gì” Rồi đưa cả tình tiết Tào Tháo nghĩ ra mẹo lừa cha ghét chú.
Tin hay không cũng chẳng sao bởi vì tác giả cho nhân vật của mình sống thế nào mà chả được? Như tôi đã nói ở bài trước là tác giả La Quán Trung yêu nhà Hán. Cái quan điểm bảo hoàng này xuyên suốt tác phẩm của ông. Khi nhắc đến 3 nhân vật chủ chốt trong tập đoàn Lưu Bị là anh Lưu, anh Quan Công và Gia Cát tiên sinh thì ông La Quán Trung đều gọi là Huyền Đức, Vân Trường và Khổng Minh. Nhưng các nhân vật khác thì không được ưu ái như vậy, đặc biệt là anh Tháo, anh Trác, anh Phi...Xét thế đủ thấy ông La Quán Trung khi viết truyện dành sự tôn kính cho tập đoàn Lưu Bị, coi bác Tào Tháo là giặc nhà Hán vậy. Đến khi ông Mao Tôn Cương bình giảng, không may cho bác Tào Tháo lần nữa là quan điểm của nhà phê bình, chỉnh lý này còn bảo hoàng hơn nữa. Cái cuộc đời khi khai và duyệt lý lịch mà gặp đến hai nấc dìm hàng thế kia có khác gì cán bộ La Quán Trung và ông thẩm tra lý lịch Mao Tôn Cương đổ toẹt cả lọ mực Tàu vào hồ sơ Tào Văn Tháo (tức Hạ hầu Tháo) thì còn gì trong sạch đây? Thế là anh Tháo chết giấc với những hành vi và ý chí dã man…

Năm Tháo 15 tuổi, có hai vị danh sỹ phái Thanh Lưu đặc biệt khen ngợi Tháo.
Hà Ngung (bạn của Lý Ưng và Trần Phiên) khi nói chuyện với bạn bè đã thổ lộ:"Nhà Hán sắp mất, an định thiên hạ có lẽ là Tháo vậy!"
Kiều Huyền khen Tháo rằng: "Thiên hạ sắp nhiễu loạn, yên được lê dân trăm họ, ổn định quốc gia ắt phải có người như anh”.
Sách Dị đồng tạp ngữ chép: “Hứa Thiệu (một nhà tiên tri thời ấy) đã bảo Tháo rằng: "Anh là năng thần đời trị, gian hùng đời loạn". Tháo nghe nói cả cười mà đi"

Từ những tình tiết trên có thể thấy rằng, ngay từ khi còn trẻ Tháo đã rất nổi tiếng, có những biểu hiện cực kỳ xuất sắc. Lời nhận xét của những bậc danh sỹ đã dự báo trước rằng Tháo có một tiền đồ hết sức sáng sủa sau này.

Tào Tháo chết tên đi với hai chữ: gian hùng! Cái gian của anh Tháo nó thể hiện ở cái cười của anh Tháo sau câu nói của Hứa Thiệu bảo với Tháo rằng Tháo sẽ là gian hùng thời loạn. Có mỗi câu nói ấy mà chết tên thành gian hùng? Không đâu! Hàng loạt hành vi của Tháo làm người đọc cứ lảng bảng đến hai chữ Gian Hùng. Cái này nói sau nhưng xét ra tay Tào Tháo lại cả cười thì cái cười ấy quả là ghê gớm, đã tiềm ẩn cái sự gian hùng trong đó vậy. Thêm nữa, những hành vi, câu nói của Tháo mà ông La Quán Trung cho phát ngôn kinh bỏ mẹ. Ví như cái vụ giết cả nhà Lão Bá Xa. Đành rằng lúc đầu thì giết nhầm. Sau thấy nhầm lại không xin lỗi mà phơ cả nhà người ta luôn cho gọn. Phơ xong còn phán ráo hoảnh:” Chẳng thà mình phụ người chứ đừng để người phụ ta”.

Lúc anh Tháo còn bé mà anh ý đã nghĩ ra cái trò gạt cha để cha không nghe chú nữa để anh ý được tự do chơi bời thì anh Tháo biết gian từ bé còn gì. Vấn đề là cái đối tượng anh Tháo anh ý “vu vạ” là ông chú mình cơ. Đừng nói là bé nên anh Tháo anh ý không có suy nghĩ rằng đối tượng nào nên lừa hay không nên lừa. Thời xưa người ta trọng đạo lắm từ bé tí người ta đã học đủ thứ rồi. Chả thế mà có người 13 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên. Vụ này anh Tháo là gian rành rành.

Ngoài vụ giết cả nhà Lã Bá Xa thì còn vụ triệt giết Trần Cung. Thử nghĩ mà xem, Cung đã từng tha cho Tháo hơn một lần, mà Tháo chẳng tha cho Cung lấy một lần. Nói Tháo giết Trần Cung là ghét tài thì đọc Tam Cuốc thấy nhiều người tài hơn Cung nhiều, Tháo giỏi hơn Cung, thực lực hơn Cung nhiều, sợ cóc gì mà phải tận diệt như thế hỉ. Sao không tha lại cho ảnh một lần cho tương đồng khí phách đàn ông? Hẹp lòng bỏ xừ! Liên hệ đến vụ cửa núi Hoa Dung, Quan Công tha cho Tháo, ơn nghĩa phân minh như thế, vậy mà bản chất anh Tháo hẹp hòi cứ giết anh Cung bằng được. Đến chỗ này chợt nghĩ tới vụ án oan Bắc Giang vụ anh Chấn. Sao mấy bác điều tra viên không rộng lòng mà tha cho anh Chấn hồi đó giữ lấy chuẩn đạo đức mà cứ cố tình ghép ảnh vào tội giết người để thanh toán? Thì cái ý chí của các ảnh cũng giống như ý chí của Tháo. Bất cần nhân đạo và nhân quả! Cứ theo mục đích của mình mà hành sự. Mục đích của Tháo là ghen tài và trừ hậu họa. Mục đích của bác điều tra viên Bắc Giang chỉ đơn giản là  bảng thành tích. Hai sự việc cách nhau 2000 năm nhưng bản chất lạnh lùng và bạo liệt như nhau. Chỉ khác là Tháo lúc giết xong lại có ý thương khóc (còn bây giờ thì hỏi "bằng chứng đâu" - văn minh hơn chút). Đểu cùng cực hỉ? Anh Tháo quá ác và quá đểu đấy chứ. Nhưng lại giật mình: Ác bởi vì ông tác giả La Quán Trung muốn thế! Đểu vì cả ông Mao và ông la cùng muốn thế.

Đoạn này cũng hơi tốn giấy mực. Ngồi chém gió với nhau ở quán cà phê Chợt Nhớ, thằng em họ khăng khăng bảo vệ anh Tháo là có suy nghĩ hiện đại rạch ròi. Nó lý giải vụ ông Tháo “phơ” gọn ông Trần Cung rồi khóc than là rất quân tử rạch ròi và đặt nhiệm vụ lên trên hết. Giết Cung là vì phải loại đi một đối thủ giỏi trong tuơng lai. Khóc Cung là tiếc cho cái nghĩa nguời ta cứu mình thoát chết! Công việc là công việc, tình cảm là tình cảm, rõ ràng thế mới là công dân của thời đại. (kinh ốm nhể - Thằng này chắc hậu duệ của Tháo đầu thai sang Việt Nam roài)

Vụ cắt tóc chứng minh cái trí trá của anh Tháo lên cao ngất trên cành quất. Độc đáo, bố thằng Tây lông cũng không nghĩ ra được. Độc vì ngày xưa tóc với râu là quan trọng ghê lắm. Nhìn xem thời nhà Thanh họ bắt dân Hán gọt đầu kiểu Mãn Thanh, người ta phản đối ghê gớm thế nào! Anh Tháo cao thủ thật đấy. Tiên sư anh Tào Tháo! Nói thêm là: vụ cắt tóc, anh Tháo chắc đau khổ và nhục lắm. Người xưa người ta quí trọng giữ gìn râu tóc (chân răng kẽ tóc là vóc con người mà) Nhưng quả tình nếu ông La Quán Trung không có đoạn này thì Tam Quốc cũng giảm phần hay của nó nhiều.

Vụ quan coi lương thì thấy cách phơ đầu người của Tháo này bá đạo kinh khủng. Nói thật nha: suốt một chiều dài lịch sử làm Tướng chưa thấy nhà quân sự nào bá đạo như thế. Nhưng kết thúc được cái hiệu quả phi thường. Khen hiệu quả thì khen nhưng tàn nhẫn và lạnh lùng bỏ xừ. Ta hãy đặt câu hỏi: Nếu quan coi lương ấy là con hay em nhà anh Tào Tháo thì không biết anh Tháo sẽ làm sao nhỉ?

Vụ đôi nàng Kiều thì xem ra tôi quá khoái. Khoái vì thấy khía cạnh này của anh Tháo giông giống bản thân mình là…máu gái!
Xem nào. Xét toàn diện thì mình chỉ “máu gái” trong ý nghĩ chứ anh Tháo này có nhiều hành vi, cư xử về gái khác lắm: vụ Uyển Thành xơi gọn bà vợ của chú tay Trương Tú, lại còn bảo là: “Vì nàng nên tha cho Tú!”. Giả sử như anh Tháo dẹp xong Đông Ngô thời anh ấy thì chắc việc đầu tiên là tìm chén hai nàng Đại Kiều (Vợ Tôn Sách) và Tiểu Kiều (vợ Chu Du). Tôi còn nghi cái trận Xích Bích cũng có mục đích Tháo bình định Đông Ngô để chiếm hai người đẹp này. Mỹ nhân Giang Nam nổi danh thiên hạ, chắc chắn đẹp hơn gái xứ Cổn Châu của Tháo nhiều. Cái mơ mộng “Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều” của Tháo chẳng đã trăn trở khi anh Khổng Minh giở rói hé hàng rồi đó sao?

------------

Lần giở những trang về Tào Tháo: Năm Tháo 20 tuổi, thi đỗ Hiếu Liêm, được phong chức Đô uý - chỉ huy quân cảnh bị kinh thành, bắt đầu bước đường sĩ đồ. Lý tưởng của Tào Tháo lúc ấy là triệt để ủng hộ quyền lực của vương triều, dùng quyền lực để tạo phúc cho dân. Một việc khiến cho Tháo rất nổi danh vào thời kỳ ấy là việc giết người chú của đại hoạn quan Kiển Thạc khiến cho giới đặc quyền vừa kinh hãi vừa căm ghét. Sau sự việc đó Tháo bị “đì” điều động liên miên từ chỗ này đi chỗ khác và sau cùng bị phân làm một chức quan chẳng có mấy quyền hành. Tuy nhiên Tào Tháo không hề thoái chí, mà lấy thơ ca để thể hiện lý tưởng chính trị của mình. Nghe đâu còn lưu truyền mấy bài thơ của Tháo, trong đó có hai bài là "Đối tửu" và "Độ Quan sơn"

Trong những tháng năm này, để thấy rõ lý tưởng của Tào Tháo, có thể đọc bài châm sau đây:
“Trong khoảng trời đất, con người là quý.
Vua sáng chăn dân, làm ra phép tắc.

Xe bon ngựa chạy, bốn hướng rõ ràng.
Quét sạch bóng đêm, lê dân hoà lạc.
Hậu thế ngợi ca, cải phong dịch tục.
Dân vì vua sáng, chẳng tiếc sức lực.
Đời vua Nghiêu Thuấn, khắp chốn yên vui.
Di Tề ở ẩn, gương sáng còn lưu.
Chớ bày xa hoa, kiệm cần làm đích ..."

Trong sự biến loạn cung đình, có thể thấy Tào Tháo là người đầy mưu mẹo và xử lý tình huống cực kỳ tinh tế. Hành động phản đối việc kéo quân các xứ về kinh trừ hoạn quan của Hà Tiến và Viên Thiệu, phản ứng mau lẹ của Tháo với việc Thái hậu triệu Hà Tiến vào cung theo đề nghị của hoạn quan (kết cục là Hà Tiến không nghe lời phải nên thân chết, cung đình náo loạn). Mọi người có thể giở ngay cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa trên kệ sách để đọc những khúc này do Tháo thể hiện….
Khi Đổng Trác tràn vào Kinh đô, do Tháo có danh tiếng tích cực nên Trác tin dùng, phong cho chức quan Tư lệnh kỵ binh Kinh thành, chính là muốn mượn tay Tháo để đề cao uy quyền của vương triều mới. Nhưng xét thấy Đổng Trác là người tàn bạo, khác xa với lý tưởng của Tháo nên Tháo đã trở mặt định “luộc” hụt Đổng Trác. Việc không thành và Tháo nhanh trí vẽ ra kế dâng dao quý, sau đó ba chân bốn cẳng chạy khỏi kinh thành.

Tào Tháo thoát về đến quê hương, để theo đuổi lý tưởng của mình đã bán cả gia tài, chiêu mộ được 5000 nghĩa binh, đương nhiên có một đội quân riêng, trở thành một lực lượng vũ trang công khai chống Đổng Trác trong 17 lộ quân chư hầu Quan Đông.
Dưới sức ép của đội quân Quan Đông, Đổng Trác bỏ kinh thành, bức vua chạy về Tràng An, khi tất cả các chư hầu không cùng lý tưởng với Tháo là phò vua giúp nước thì Tháo tự dẫn quân bản bộ đuổi theo, nhưng thực lực không đủ mạnh nên bị quân của Trác đánh cho tơi tả.

Qua kinh nghiệm lần này, Tháo nhận rõ tình thế, biết được ý đồ của các lộ quân chư hầu không phải là phò vua giúp nước mà chỉ nhăm nhăm quyền lợi cho bản thân. Tháo đã than rằng: "Không thể mưu việc lớn cùng bọn trẻ con được". Mặc dù khi ấy lực lượng của Tháo rất nhỏ, nhưng ý chí của Tháo đã có những biểu hiện kiệt xuất, vượt lên trên tất cả đám tướng lĩnh lãnh đạo các châu quận đương thời.
Khi Tháo đóng quân ở Hà nội, tàn dư quân Hoàng Cân ở Thanh châu còn rất mạnh, đã đánh vào vùng Cổn châu. Quan trấn thủ Cổn châu lúc đó là Bào Tín bị chết trận, Tháo nhân cơ hội tự lĩnh chức Cổn châu mục, một mặt đánh dẹp, một mặt phủ dụ, ân uy đủ cả nên nhanh chóng tạo ra sự ổn định ở Cổn châu. Kết quả là sau sự kiện này Tháo thu được đội quân rất lớn gồm 30 vạn người chính là đạo quân Thanh Châu. Từ đấy Tháo có địa bàn hoạt động, có quân đội riêng hùng mạnh, chiêu nạp được rất nhiều nhân sỹ tài năng như Tuân Úc, Trình Dục cùng các chiến tướng xuất sắc như Điển Vi, Hứa Chử... đặt nền móng đầu tiên cực kỳ vững chắc để tranh bá với thiên hạ.
Cái “nghiệp” báo oán kể ra đã có từ lâu. Tháo cũng không chạy khỏi nghiệp ấy. Ông ta giết cả nhà người ta thì cả Tào Gia cũng bị dư đảng của Hoàng Cân là Trương Khải giết chết. Tháo không ngộ ra mà lại cực kỳ căm phẫn nên đã khởi đại quân Cổn Châu sang đánh Đào Khiêm, Trương Khải với ý chí quyết giết sạch dân Từ Châu. Sử có ghi lại sự kiện này rất rõ ràng. Đào Khiêm thua trận ở Đàm Thành, dân từ Châu bị Tháo giết vài vạn người, nước sông Tứ Thuỷ tắc nghẽn không chảy được vì quá nhiều thây người chết. Điều này khiến tiếng ác của Tào Tháo kinh động cả xứ Hoa Hạ (đối chiếu việc Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa với việc cả Tào gia bị người khác giết mới thấy Tháo là người tàn nhẫn)
Ngay sau sự kiện đó Tháo cũng lập tức phải rút khỏi Từ châu vì bị Lã Bố đánh úp ở đại bản doanh Cổn châu. Kể từ đó Tháo luôn tìm cách bành trướng thế lực, ngấm ngầm mưu đồ lớn là mở rộng địa bàn, tranh giành thiên hạ.
Trong giai đaọn này, nước cờ mạo hiểm, cao tay đặc biệt, có lẽ xuất sắc nhất trong cuộc đời chính trị của Tào Tháo chính là rước vua Hán Hiến đế lúc đó đang long đong cơ khổ về yên vị tại Hứa Đô. Nước cờ này cao vì Tháo nghiễm nhiên từ địa vị một chức mục ở một châu bước thẳng lên vũ đài, nắm quyền lớn ở vị trí sai khiến chư hầu. Nhưng đây cũng là một nước cờ mạo hiểm bởi vì khả năng thành công không cao, xác xuất rủi ro lớn vì bỗng nhiên trở thành cái đích chịu nhiều mũi tên bắn từ phía các chư hầu khác trong toàn quốc (có thể lấy Đổng Trác là tấm gương soi ngay trước mắt). Hơn nữa, việc phụng sự Thiên tử đâu có dễ dàng, công khanh đại thần thì nhiều ý, nếu quá nhu nhược thì mục đích chính trị không đạt được, nếu quá cứng rắn sẽ vấp phải sự phản kháng của số đông, như thế chẳng khác nào để ngay quả bom nổ chậm ngay trong nhà mình?

Sau hành động quả quyết của Tháo, dù cái được rất lớn, nhưng sự chống đối với Tháo cũng rất nhiều, các sự kiện biến động trong cung vi xảy ra dồn dập và Tháo đã phải dùng những biện pháp rất mạnh trong các như vụ Đổng Thừa, Phục hoàng hậu và nhiều vụ sau đó nữa. Đó cũng là lẽ tự nhiên mọi sự phải xảy ra như thế không có con đường khác. Tiếng gian hùng của Tháo cũng từ đó nổi lên, tiếng tăm để lại nghìn năm. Và sau này khi Tào Tháo lên ngôi Vương (trước đó ngỏ ý chỉ mong tước hầu), rồi Tào Phi cướp ngôi nhà Hán càng minh hoạ cho sự gian hùng của Tháo.
Trong suốt 5000 năm lịch sử Trung Hoa, những người có tầm nhìn thấu đáo về đại cục đi kèm với khả năng quân sự tuyệt vời như Tháo không phải là nhiều. Về mặt quân sự, tài năng của Tháo đã được khẳng định rõ ràng. Trong thời Tam Quốc, nhân tài xuất hiện trùng điệp cầm giữ nhau liên miên, Tháo chính là người xuất sắc nhất. Trong ba vị đế vương của thời Tam Quốc là Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền thì bác Mao Tôn Cương về sau bình giảng Tam Quốc dù rất ghét Tháo cũng phải công nhận rằng: “Xét một cách toàn diện (Hặc!), Lưu Bị, Tôn Quyền không thể so với Tháo được”.
Từ khi thế đơn lực bạc, Tháo nắm giữ Cổn Châu, sau đó đánh dẹp Lã Bố, diệt anh em Thiệu, dụ Trương Tú, thu hàng Kinh Châu .... để trở thành bá chủ quần hùng. Cuộc đời của Tào Tháo cơ hồ không dừng vó ngựa chiến, thắng cũng lắm, bại cũng nhiều, nhưng trong các tình huống cực kỳ khó khăn thì Tào Tháo đều vận dụng cách sách lược, chiến lược cũng như mưu mẹo cực kỳ linh hoạt để vượt qua. Ngoài khả năng chỉ huy trận mạc, Tháo còn là nhà binh pháp xuất sắc, tác phẩm Nguỵ Vũ chú Tôn tử của ông đến nay vẫn được giới quân sự đánh giá là tác phẩm chú giải binh pháp Tôn Tử rõ ràng nhất.


Tô Đông Pha, một trong tứ đại bát gia Đường Tống đã khen Tháo bằng mấy câu thơ rằng:
Dụng binh từ thượng cổ.
Tào Tháo chẳng ai bằng
Một trận diệt Viên Thiệu

Trí lự rõ tài năng.
Nói thực bụng, khi đọc và ngẫm về anh Tháo, VietHoa tôi cứ luôn xuất hiện cái bình luận rằng: "Hình như anh Tháo này cái mộng đế vương và niềm say mê đánh giết, thể hiện bản thân cứ ngang nhau. Anh ta một ngày không cưỡi ngựa, bắn tên chắc không chịu nổi!"
Còn tiếp
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất