Sự dành riêng này xin đừng hiểu là những lời lên lớp hay tranh khôn, tài khôn mà chỉ với một mong muốn rằng: các bạn có thể rút ra được điều gì từ họ, áp dụng hoặc cải tiến để làm sao những kẻ câu cá giải trí như chúng tôi được hưởng những dịch vụ mẫn tiệp hơn; được sống trong cái qui chế câu cá minh bạch và vô tư, công bằng hơn; được giao lưu với nhau ở một sân chơi mà ở đó, mỗi người đều có thể mang về chút niềm vui nho nhỏ sau những ngày làm việc vất vả; được mua hàng trước một ông chủ, bà chủ luôn luôn bặt thiệp, mến khách và những tư vấn thiết thực; được hít thở một bầu không khí câu kéo giải trí lành mạnh, vì môi trường và tầm văn hóa; mong muốn chúng ta không thua bất cứ tầm văn hóa nào của khu vực và toàn cầu…
Mong muốn sẽ còn nhiều nhưng với tôi, hình dung tạm như vậy.
Trước tiên nói về các cơ sở hạ tầng, qui mô thiết kế, xây dựng và qui hoạch của người Trung Hoa hơn hẳn. Cái này nói ra sẽ buồn lòng những bác khoái cảm khái tầm vóc tự tôn dân tộc này nọ. Có khi còn bị cho là hóng hớt, chém gió và bình luận những cái xa ngoài câu kéo. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, những sở hạ tầng, qui mô thiết kế, xây dựng và qui hoạch…vv…cũng góp phần làm cho việc câu kéo giải trí của họ hoành tráng hơn, thành công hơn. Với chặng đường vài trăm cây số, nhưng không có một phút kẹt xe, không có môt phút chờ phà hay chờ giao lộ thì việc tính toán giờ đón, giờ tập kết dễ như trở bàn tay. Với cái bến Bắc Cảnh rộng và qui mô như vậy thì dẫu hơn chục chiếc ghe, tàu cũng cập dễ dàng và ngon ơ cùng xuất phát…
Tôi xin đánh giá những vấn đề chính:
Thứ nhất, cái được lớn nhất của họ theo tôi là đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối về NGƯỜI- TÀI SẢN. Với 194 nhóm câu qui ra xấp xỉ 800 cần thủ, ủng hộ viên, tài xế, hướng dẫn khoảng 200 người nữa, trọng tài, ban tổ chức khoảng 300 người nữa, phục vụ vòng ngoài, ghe thuyền, nấu ăn, bốc vác…khoảng 100 người. Như vậy, cuộc chơi thu hút 1500 người tham gia với các hoạt động dã ngoại xa bờ, xa trung tâm, trong điều kiện khó khăn, hiểm trở của rừng núi, sông hồ, trong cường độ câu cá khá căng thẳng và vất vả…nhưng không hề xảy ra một ca cấp cứu, ngộ độc hay chấn thương hoặc mất trộm, mất cắp. Có thể nói: đó là một thành công đáng kính nể Ban Tổ Chức.
Thứ hai về qui mô tổ chức: Chỉ với cấp Huyện (diện tích hơn hoặc bằng 1 tỉnh của ta) mà họ tổ chức được một cuộc chơi tổng tập, hoành tráng như vậy cho thấy năng lực tổ chức của họ không tồi. Suy ra: cấp Huyện đã ở tầm như vậy thì cấp Tỉnh hoặc toàn quốc thì qui mô sẽ hơn nhiều. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, toàn Trung Quốc thống kê được khoảng 10 triệu cần thủ câu cá có đẳng cấp và có tính chuyên nghiệp cao.
Cuộc chơi chỉ là giải trí nhưng có cả những cán bộ đầu Huyện tham gia, cả bí thư Huyện ủy trao giải, đọc diễn văn…cho thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đối với loại hình câu cá thể thao giải trí, coi nó là một trong những loại hình giải trí đại chúng và bổ ích.
Việc bố trí đón tiếp của họ đối với khách rất chu đáo. Từ cách đặt ăn đến bố trí nơi ngủ, phòng ngủ hình như đều có tìm hiểu và nghiên cứu kỹ khách từ trước. Ngay cả những chi tiết nhỏ trong phòng khách sạn như để hộp trà với nước sôi, ấm sứ…cho thấy họ không bỏ qua một sở thích nhỏ nào của bạn câu Việt Nam chúng tôi.
Trong tiếp xúc, họ rất chân tình nhưng luôn muốn tỏ ra trọng thị. Ví như cái baner khẩu hiệu chào mừng các bạn câu cá Việt Nam, họ cũng đặt tiếng Việt bên trên và tiếng Trung bên dưới. Trong khi trao giải câu cá, cơ cấu giải có nhiều cấp nấc (80 giải), nếu trao hết giải họ phải mất chừng 2 giờ đồng hồ; ở đây, họ chỉ trao 7 giải cao nhất. Thế nhưng với Đoàn Việt Nam, dù đứng giải thứ 29 nhưng Ban Tổ Chức cũng ưu ái, hữu nghị đọc trân trọng và mời lên nhận giải.
Thứ Ba: cách tính giải của họ cũng khiến ta suy nghĩ: dù anh câu bao nhiêu con cá, nhưng họ chỉ cho phép người câu chọn ra 6 con cá câu trên mặt, 6 con cá câu dưới đáy để mà tính điểm. cách này cho phép người câu chủ động, toàn tâm tính toán làm sao cho câu hiệu quả nhất. (tôi đã phân tích kỹ ở bài trước kiểu tính điểm này). Thực tế đã cho thấy: 3 đội câu giải cao nhất đều là những nhóm câu đầy kinh nghiệm, trang bị chuyên nghiệp, có sức khỏe và họ rất tự tin. Qua tìm hiểu, họ là những người câu nhiều, hiểu biết cá và địa hình câu cá…
Thứ Tư: cái này tôi cảm nhận là chính: họ là những người luôn biết chấp nhận và xử lý tốt tình huống- nhất là sự tế nhị.
Thứ Năm: các hồ câu dịch vụ của họ tổ chức qui mô. Những khu câu dịch vụ, luôn có 2-4 hồ câu các loại cho nhiều loại hình câu thi. Cách thiết kế, bài trí bao giờ cũng làm hợp nhãn người sử dụng dịch vụ. Qui chế câu cá của họ rất nghiêm túc (cái này tôi sẽ đề cập kỹ trong một bài viết khác) và họ tôn trọng tuyệt đối qui chế đó. Một điều lạ nữa là tinh thần tự giác chấp hành của cần thủ rất cao (Y hệt tham gia giao thông vậy. Đèn đỏ là dừng tuyệt đối). Có một mâu thuẫn mà họ xử lý rất thành công là: không đánh đồng qui chế nghiêm túc với những ràng buộc dài dòng, mất thời gian, bẻ chữ, bẻ nghĩa như bên ta.
Thứ sáu: Những người bán đồ câu sẵn sàng tư vấn và kiên nhẫn phục vụ bạn; mục đích của họ là bán hàng nhưng trong đó còn có muốn thấy người mua vui và hài lòng
Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, tôi thấy họ cũng còn có những điều đáng bàn sau:
1- Công tác bốc thăm chia nhóm, làm các thủ tục tốn nhiều thời gian. Các cần thủ phải chờ đợi khá lâu.
2- Món vệ sinh còn phải bàn vì trong câu dã ngoại, anh em cũng tự phóng, tự phụt chứ chưa có chỗ quây, che. Những nhóm có phụ nữ đi cùng có vẻ hơi bất tiện.
3- Trong các thủ tục, giống y hệt một số hội nghị hay sự kiện ở ta: mất thời gian về những hình thức dài dòng như thay nhau giới thiệu, nói dài, lạm dụng màu sắc…
5- Bây giờ sang mục tự vấn cá nhân: kiểm điểm lại ngần ấy ngày phượt phẹt xứ người, mình đã làm gì? Đã phát ngôn gì? Phát ngôn? Chỉ quanh quẩn câu kéo với lỵ mấy chữ cảm ơn rồi chọc ghẹo đôi ba bà người dân tộc Choang và hí hí cười với họ. Cũng chỉ đến xã giao, khoác vai chụp tấm ảnh làm màu chứ xa hơn nữa thì có cho kẹo cũng không dám (he he)
Dưng mà cái đận Mát xa với chân dài Nam Ninh tôi cứ nghĩ mãi rằng không biết như thế có …ảnh hưởng lối sống hay không? Nói chính xác thì mình là người cầm bút. Nhiều khi có thói quen vừa viết vừa tự kiểm duyệt mình rồi (khổ nhể), cho nên khi sắp mát xa, bước vào cái bồn tắm men sứ sực mùi thuốc Bắc với lều bều hoa nhài với hoa cúc nổi trên mặt như ao bèo cái Hà Tây quê mình thì thằng tôi cũng đã tự hỏi: thế này lối sống có băng hoại hay không? Câu giả nhời lại là không vì cái cảm tưởng thơ ấu lúc đấy nó tràn về. Mình hụp xuống cái bồn men sứ y hệt hụp xuống cái ao làng thả đầy bèo cái với bèo tấm. Dưới đít mình chạm vào mấy quả táo tàu với mấy cánh hoa hồi cũng chả khác gì lúc trẻ thơ hụp xuống ao tiện tay quờ quạng mò lên con ốc bươu, ốc vặn. Mình té nước, vớt nước vung lên cũng như hồi thơ lội rẩy. Cái cô phục vụ hôm đó lảu tảu khảu cười với lị cằn nhằn đáng yêu với mình cũng chả khác những bà dì họ xa hay bà chị nhà ông bác họ ngày xưa mắng yêu thằng cháu. Khác mỗi một điều: ngày xưa mình trẻ con; bây giờ cũng trẻ con nhưng là trẻ con đã xơi nhiều cái Tết!
Còn những thứ khác xung quanh? Không biết thì rồi khắc biết! có hơn gì nhau về công năng đâu? Quê mình thì dùng hòn đá cuội kỳ lưng. Ở đây nó cũng làm gần giống như thế. Chỉ có điều, chúng nó nhét điện hay nhét pin vào mà nó cứ chập trùng xoa các cơ quan đoàn thể của mình cho ra cái cảm giác hứng chí lạ hơn thôi…
Ôi! Không có nhẽ!? Nhưng mình quá đủ tỉnh táo để hiểu rằng: chỉ vài giờ nữa thôi, cái cô gái đang chiều chuộng mình đây sau giờ tan ca, có gặp mình trên xe buýt hay trong tiệm ăn thì không bao giờ còn nhìn mình chứ đừng nói mỉm cười. Còn thằng mình thì khi bước qua cái cửa trải thảm hồng thơm lựng hoa nhài này cũng cố mà đóng xơ vin cho ra dáng một ông già đáng kính.
Nhưng bạn đọc sẽ hỏi: hiểu như thế, nghĩ như thế mà còn vô đây làm gì cho tốn tiền? À! Cái này lại hơi…nhạy cảm. Mình nghèo nhưng em út, con cháu nó không nghèo. Chả là khi nghe tin mình có chuyến Phượt Trung Hoa, con em nó nhét vào tay ít trăm đô. Nó bảo: anh già rồi. mang đi ăn được gì thì ăn. Uống được gì thì uống. Cần đánh bài cứ đánh bài. Cần…mát xa cứ mát xa cho bằng với người ta. Tôi lúc đó đã bảo: thôi, anh để dành sau này chữa bệnh hoặc không may có nằm xuống thì có sẵn cái hòm (he he). Con bé nó trợn mắt như muốn thiêu tôi ra tro:” Không! Anh mà bệnh đã có nhà nước, có các em, các con. Em hứa anh nằm xuống em lo đâu ra đó. Tiền này là để anh dùng. Phải dùng! Gái nó dễ thương mà nó cười với thì anh cũng đừng tiếc…”. Khổ thân con bé. Nói xong câu ấy nó bưng mặt muốn khóc, giọng nghèn nghẹn:” Nghe em đi! Cái ngày anh mang em đi, nuôi em rồi em lấy chồng, trên người chỉ có 2 bộ quần áo. Bây giờ…”. Ừ thôi được rồi! Nhưng mà lối sống? Ơ! Gõ phím đến khúc này rồi thì nói cái lối sống nó lạc hậu bỏ xừ rồi. Bởi vì, sau mấy cú chi phí cao cấp kiểu vừa rồi thì thằng tôi “ cốt khỉ trở về cốt khỉ” còn gì mà so đo…lối sống? Đúng là Tuyên huấn muôn năm!!!
Thôi dừng nhể? Kết luận vấn đề như sau:
Tóm lại, anh em chúng tôi đi 9, về 10. Thành công tốt đẹp. Dù giải thưởng của anh em chưa cao nhưng cũng đã tạo được những đánh giá trọng thị trong giới câu bên bạn.
Trước tiên nhất, xin cảm ơn Ông Cậu, Bà Cậu phù hộ cho anh em chuyến đi thông đồng bén giọt, gặp những may mắn cùng thuận lợi. Xin cảm ơn các bà vợ và những người con trong các gia đình đã tạo điều kiện cho thành viên là Chồng, Cha, Bồ Bịch là 12 gã chúng tôi yên tâm phượt lên núi, phượt xuống phố, phượt siêu thị…lúc câu kéo, lúc tham quan để chất thêm những niềm vui, kinh nghiệm cho cái cuộc sống của mỗi người. Xin cảm ơn anh em, bè bạn đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho mỗi chúng tôi. Xin cảm ơn ban Tổ chức đã dành cho anh em chúng tôi sự đón tiếp chân tình, trọng thị, thu xếp ăn, ngủ chu đáo. Xin cảm ơn các nhân viên chính quyền, nhân viên xã hội, nhân viên dịch vụ…như tiếp tân, tài xế, hướng dẫn, trọng tài, phiên dịch…vv.. đã giúp đỡ anh em chúng tôi trong những ngày du câu trên đất bạn…
Với riêng tôi, có lẽ còn phải cảm ơn một số anh em, bạn bè khác nữa.
Xin chào và hẹn gặp lại- 27/07/2013 13:42 - Bài tiếp theo: Tìm hiểu sơ bộ về Phật Giáo
- 19/07/2013 09:56 - Bài Phi Lộ trước khi viết về Phật Giáo-Chùa...
- 03/07/2013 04:14 - Tường thuật Lễ thọ Sadi giới
- 19/06/2013 20:13 - Đây là Đài truyền thanh...anh nói trước hay em nói trước?
- 19/06/2013 08:33 - Đồng bằng sông CL- nỗi lo căn bệnh ung thư
- 04/04/2013 15:03 - Phượt TQ (bài dành riêng cho đàn ông)
- 04/04/2013 11:02 - Phượt Câu Nam Ninh-Quảng Tây TQ (bài 10)
- 04/04/2013 06:10 - Phượt câu Nam Ninh- Quảng Tây TQ (bài 9)
- 04/04/2013 03:37 - Phượt Câu Nam Ninh-Quảng Tây TQ (bài 8)
- 28/03/2013 15:33 - Phượt câu Nam Ninh- Quảng Tây, TQ (bài 7)