Uocmonho.com

TRỞ LẠI CHÙA SÓC LỚN (Phóng sự: Việt Hòa)

Lâu lắm chả biên Phóng sự - Cái thể loại nửa Văn, nửa pha Báo chí mà cái mình ưa thích biên mấy chục năm trước nhẽ đang trở lại.

Bởi, khi xê dịch, ngó nghiêng mà cái mạng mỡ ta cứ nóng lên, chữ nghĩa cứ muốn trào ra trước những chứng kiến và cả cảm xúc là biên Phóng sự nhẽ ăn. Rồi cũng xê dịch ấy, ta dừng nghỉ, thẩm thấu, ngấm đẫm rồi biên với những lắng đọng, chiêm nghiệm với cảm nhận...ta cho vào cái giỏ Bút ký. Tựu trung hai món giống nhau. Khác tý ti và bữa nay biên nhé:

Nói về chùa Khơ Me Sóc Lớn ở Lộc Ninh thì rất nhiều người đã đến, biên và cả chép sử ở đây. Nhưng mà kiểm ra, hơi bùn vì hình như họ cứ...mượn của nhau để dựng bài. Tất nhiên, Bối cảnh ra đời, vị trí địa lý, tinh thần và nét văn hóa vẫn chỉ là một. Ta biên khác đi là uốn éo.

Nhưng...GÓC NHÌN!

Tôi về Sóc Lớn theo chương trình hẹn củng Ước Mơ Nhỏ. Cố gắng thu xếp của UMN là dịp Tết Chol Chnam Thmay này về thăm, trao quà và học bổng. Về để thấy! Về để cảm nhận xem không khí lễ hội còn giống ngày xưa hay không và nhất là về để chứng kiến các bạn hữu của Ước Mơ Nhỏ bên các em học sinh nghèo. Các bạn ấy cùng UMN  trao cho các bạn học sinh nhỏ học bổng, dụng cụ học tập, nhu phẩm thiết yếu...và hơn tất cả là tay nắm tay, dìu nhau động viên đẻ em mình thêm nghị lực đến trường!

Tất cả là nhiêu đó. Chả dài dòng và đoàn người chúng tôi hẹn nhau thẳng tiến. Gần 30 con người Hợp Thành mang khí thế của lòng thiện tâm và sự háo hức trở lại vùng đất đã có những nặng tình. Cũng bấy nhiêu đó lôi cuốn và thúc giục chúng tôi – Ngày Chủ Nhật hữu ích!

Những con xe lăn mải miết nhằm hướng Biên Giới Việt –Cam. Những vị ngồi cạnh tôi suy nghĩ gì tôi không dám hỏi. Riêng tôi, sự cảm nhận trên từng cung đường bởi những kỷ niệm xa cũ cứ ầm ập trở về...

Sáng sớm, trời Sài Gòn trong xanh văn vắt. Hôm nay hứa hẹn một ngày nắng không bé. Ngã tư Bình Phước đây rồi. Nó dâng lên trong tôi cái cảm xúc nghèn nghẹn của gần nửa thế kỷ trước. Ngã tư này, sau lưng là phồn hoa Sài Thành êm ấm. Rẽ phải về đơn vị Sóng Thần quân lệnh như sơn và đi thẳng là đường ra Mặt Trận. Từ đây, qua Đất Thủ là Sông Bé xưa rồi ngược về Lộ 13 ra biên giới...

Xưa chúng tôi đi hướng này lòng lo thắt. Liệu còn có ngày về?

Hôm nay tôi đi, lòng bồi hồi. Không nhẽ vẫn là mình?

Lại dông dài rồi...

Đường phẳng tưng, kẻ lề, phân cách...rất ra gì. Bác Tài bẩu cứ suốt thế này lên giáp Biên Giới ngon ơ. Thích nhỉ? Chả bù cho ngày xưa, hành quân mà được ngồi xe Reod đã là hạnh phúc. Nhưng ngày ấy đã nhớ đừng ngủ gật vì đường lên rất xấu. Có những ổ gọi là ổ Trâu (Miệt Phước Long ngày ấy còn có ...Ổ Voi cơ). Thi thoảng xe gằm xuống, trồi lên và thằng người lính chúng tôi nẩy cao chạm...gió hùa.

Thật trùng và nhẽ đã là kịch bản của người Khơ Me? Họ ăn Tết và vui tết ở thời điểm giao mùa giữa nắng và mưa đánh dấu sự hòa quyện giữa trời và đất. Mùa này,  cây cối đua nhau mọc mầm và phát triển. Người Khơ Me nói đây thời điểm khởi đầu cho một năm mới, được gọi là Chôl Chnăm Thmây. Và hôm nay bắt đầu vào Tết. Ừ! Cây cối 2 bên đường đang muốn xanh trở lại. Những hàng cao su lá đỏ cứ nghiêng vào lòng đường...

Sau 3 giờ xe chạy, chúng tôi đã đến Chùa Sóc Lớn ở xã Lộc Khánh huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Từ đây, chỉ còn khoảng chục cây số là đến Biên Giới nước bạn Campuchia. Nhẽ không thể trộn lẫn được bởi đã thấy bóng dáng của rừng Le. Hàng Khộp, Thốt Nốt...

Bên kia đường, nơi căn cứ Trung Ương Cục xưa còn đó. Ngôi Chùa cũng từng là nơi giấu Cán Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

Những con xe của đoàn chúng tôi uốn lái, nắn nót tiến và Bãi đỗ sân Chùa.

Do quen biết từ trước nên chúng tôi được đón tiếp thân tình. Xà thú Lành thay!

Vào ngày Tết đi Bát, rước Hoa, Tiền... nên Chùa hôm nay đông và vui. Xe hơi xếp lớp và xe máy thì...bao la. Ai cũng mặc đẹp. Khách thập phương càng đẹp. Họ là những Doanh Nghiệp, những nhà Thiết kế, Tổ chức sự kiện, những nhà Hảo tâm, những người Thiện nguyện... Tất cả hướng về Đức Phật – Hướng về ngôi Chùa Cổ của hệ phái Nam Tông cùng tôn chỉ: ĐẾN ĐỂ THẤY!

Xin không kể sâu vào kiến trúc bởi những biên trước, tôi đã tả về các mái hiên của chùa, các hoa văn hình ảnh tiên nữ, chim thần. Những hình tượng linh vật dân dã...và những hình ảnh tín ngưỡng dân gian của người Khmer...

 

Biên này tôi nói về NGƯỜI và cảm nhận!

Từ Tổ đình Bửu Long, nhà sư Minh Phương hiện diện cùng đoàn Phật tử trang phục trắng. Họ cùng các nhà sư của chùa Sóc Lớn theo truyền thống rước Xá Lợi nhiễu Phật 3 vòng rồi về Chánh điện.

Sư Trụ trì Tụng kinh, các Phật tử đảng lễ và rồi cũng đến chương trình trao học bổng, cúng dường.

Chủ trì thủ tục trao học bổng là Ban Tổ chức Chùa. Giá trị Học bổng do Ước Mơ Nhỏ chủ trương phân bổ và có sự đồng hành của Nhóm Hội Đồng Tu bên Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí và các nhà thiện tâm. Cụ thể gồm 20 suất học bổng trị giá 1 triệu/suất kèm quà tặng. Quà tặng cho học sinh nghèo gồm tập vở, bút viết 20 phần; vải 20 phần; ba lô học sinh 20 phần...

Ngoài ra, đoàn này còn cúng dường và tịnh tài, đặt bát cho 150 vị chư tăng...

Rất đáng nói thêm là trong chuyến đi này cô giáo dạy tiếng Anh Đào Ngọc Thanh Uyên và mẫu thân là bà Tịnh Ngọc cùng chị Anh Thư, chị Bùi Thị Nga...tiếp lửa phong phú.

Cảm ơn Nhóm Hội đồng tu và các vị Thiện tâm. Học sinh của UMN được học bổng và thêm chút gì  là chúng tôi mừng hết lớn.

Bây giờ, biên ngoặt sang lễ hội...

Bắt đầu đi Bát. Gọi là Đi Bát cho đơn giản nhưng thực chất đây là hình ảnh của Đức Phật thể hiện hơn 2000 năm trước mà các nhà sư Phật Giáo Nguyên Thủy duy trì mãi mãi. Đó là hình ảnh Khất Thực Gieo Duyên! Đức Phật từng đi gieo duyên khắp các vùng xa cùng ngõ hẻm với Y Bát Trì Bình. Ai cho gì dùng nấy. Tứ Vật dụng là cần cầu. Rồi, mọi sự từ Trì Bình Khất Thục đến dùng bữa đều trước Ngọ.

Hôm nay và nhiều nơi cửa Phật khác, các nhà sư giữ truyền thống đi Bát này nhưng đa phần chỉ ở trong khuôn viên Chùa. Bây giờ đã đến lúc...

Tiếng trống Chùa vào cuộc Đi Bát mới đầy cảm xúc làm sao. Tôi đã từng thẩm thấu tiếng Khèn của người Dao, tiếng chiêng ché của người Mường và tiếng cồng chiêng của Ê Đê... Tất cả với khuôn cảnh thực tế từng thấm vào tôi  lúc thì say đắm, lúc thì rộn ràng...

Nhưng tiếng trống hôm nay cho một cảm xúc rất khác. Hùng và chút bi khiêm rồi vang vọng, thúc giục...

Tiếng trống gợi lại cho tôi hình ảnh nhẫn nại của nhà sư chân đất, cúi đầu chầm chậm mỗi sáng cuối tuần nơi Kinh thành Huế.

Khách thập phương và những người dân Phum, Sóc...đứng hai bên dọc đường kính cẩn vái lạy chư tăng. Họ gửi vào Bình Bát của Sư những tờ tiền, những vật dụng thiết thực. Dòng người thật đông và dài nhưng rất trang nghiêm, kính cẩn. Nắng vàng chiếu nhuộm xuống sân Chùa. Những giọt mồ hôi chảy xuống thử thách người đi và người đặt Bát. Nhưng mà không! Các nhà sư vẫn chầm chậm trên lối đi và những người dân vẫn kính cẩn giao lưu cùng đảnh lễ...

Tuyệt vời! Đã rất lâu rồi tôi mới lại thấy những gương mặt kính cẩn và những nụ cười hoan hỉ như vậy.

Rõ ràng: ĐẾN ĐỂ THẤY!

Rồi...Lễ diễu hành và dâng bông bạc trong tết Chol Chnam Thmay ở chùa. Những cây bông vàng, bông bạc có đính tiền được làm thủ công bởi bàn tay khéo léo của bà con xã Lộc Khánh. Họ nói với chúng tôi rằng: Bông Hoa tượng trưng cho cái đẹp và Tiền tượng trưng cho tài sản. Mong đẹp và sung túc...

Người diễu hành sẽ mặc những trang phục truyền thống. Có những người đeo mặt nạ và hóa thân vào các nhân vật trong truyền thuyết như: Ta Ây Cha, Đés, Tinh Môn, KTơi. Chỉ đơn giản rằng: Họ là những người làm việc thiện!

Có một điều rất tiếc rằng tôi không được thấy bởi chuyến đi này rất gấp. Không đủ thời gian để Thấy ngôi Chùa Sóc Lớn vào đêm Tết Hội. Nhưng điệu Múa, những trang phục cầu kỳ của các cô gái Khơ Me tôi được xem, được thấy rất nhiều. Nhưng bao giờ xem lại cũng thấy lôi cuốn và tâm trạng.

Những cô gái Khơ Me trẻ trung và thanh khiết, khuôn mặt mộc mạc, giản dị, khiêm nhường là thế nhưng mỗi khi các bạn ấy cười thật hồn nhiên và rạng rỡ. Ừ! Làm sao để những cô gái mỉm cười? Những cô gái múa rất dẻo cùng một nụ cười sẽ cho bạn một tâm trạng nhẹ nhàng và cảm mến.

Mà rất lạ là hình như bất kỳ người Khmer nào ở đây cũng đều biết múa những điệu múa truyền thống. Dù già hay trẻ, dù gái hay trai thì khi có nhạc vang lên là họ cùng nhau múa nhịp nhàng theo điệu nhạc. Đã hơn một lần, tôi cũng nhào vào và...học theo! Đấy là nói cái “Nhào vào học” của 40 năm trước!

---

Đã đến lúc chúng tôi phải về Thành Phố.

Đành vậy. Tuổi già đâu được phép tự do? Không con cháu thì bà quản gia cũng kiểm tra, lên lớp. Thôi thì...ta hãy Ngoan!

Tất nhiên, trước khi kết thúc bài Phóng sự không giống ai này, tôi phải nói đến những món ăn ngày Tết được thưởng thức nơi đây.

Bánh tét, bánh ít và cơm lam là những món ăn truyền thống không thể thiếu vào các dịp quan trọng. Trong Tết Chol Chnam Thmay thì các món đó nhẽ là chủ đạo.

Các Sư kể cho tôi nghe rằng: không khí gói bánh chuẩn bị đón năm mới vô cùng nhộn nhịp. Tất cả là làm công quả, mỗi người phụ một tay trong nhiều công đoạn.

Bánh tét gói bằng lá chuối, bên trong là nếp và nhân đậu xanh, thịt heo. Bánh ít vỏ làm từ bột nếp và nhân đậu xanh. Cơm lam được nướng trong ống tre, làm từ nếp và đậu đen.

Sao bác? Ngon và rất ngon! Ngon như Hạt Gạo Làng ta xưa, có nắng tháng Ba và có mưa tháng Bảy!

 

Hình ảnh trong bài: Việt Hòa, Minh Trí (10 tuổi) và nhà sư Sóc Lớn chuyển cho.

Sư trụ trì chùa Sóc Lớn (Ngồi trên) Sư Minh Phương (ngồi dưới)

Đoàn UMN Hoan Hỉ

Nhiễu Phật 3 vòng

Học bổng và quà tặng học sinh do UMN, Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí trao tặng

Học bổng và quà tặng học sinh do UMN, Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí ...trao tặng

Học bổng và quà tặng học sinh do UMN, Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí, chị Bùi Thị Ngà... trao

Học bổng và quà tặng học sinh do UMN, Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí, chị Bùi Thị Ngà...trao tặng

Học bổng và quà tặng học sinh do UMN, Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí trao tặng

Nhẽ Sư người sáng lập UMN đứng ngoài cuộc?

Rồi đi quạt...

Rồi Quạt cho các Phật tử?

Cúng dường do Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí ...

Cúng dường do Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí ...

Cúng dường do Nhóm Hội Đồng Tu của Chị Huỳnh Ngọc Thanh Thảo, anh Minh Trí ...

Quá hoan hỉ

Trai Tăng - Ảnh Minh Trí

Đến Chùa là có gạo!

Ta cùng cầu Nguyện...

Rất Hoan hỉ

Tác giả vài tấm ảnh bài này: Anh Minh Trí (B)


Bài: VietHoa

Ảnh: VietHoa, Minh Trí, Chùa Sóc Lớn...

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất