Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi bị bác hỏi nhưng câu rất thú vị và cũng rất tâm đắc. Chẳng mấy chốc, chúng tôi trò chuyện tương đồng. Anh là người rất thông minh và uyên bác. Rất nhanh, chúng tôi hiểu nhau. Anh uyên bác kiểu Google, tôi tập tọe đọc ít cuốn sách về Phật. Anh nói về Bắc Tông còn tôi về Nam Tông. Không hề gì vì cùng xuất xứ của Đức Thế Tôn.
Khi nói đến Nghiệp và Báo. Có vẻ hơi trừu tượng một tý nhưng căn bản vẫn là hiểu nôm na. Mà nôm na trong lúc này đã là quá tốt. Bởi căn bản đời này nó tinh vi chứ cóc nôm na.
Cặp bài trùng nôm na chúng tôi ngồi với nhau rất lâu. Nếu không có hẹn ngoài Hà Tĩnh thì chắc hai thằng 1 già, 1 trẻ ngồi thâu đêm ở cái sảnh Phương Đông luôn.
Nói đến Nghiệp. Ví dụ mãi chả thấy cái nào sát thực. Chả hiểu sao, lúc ấy mình lại quên tiệt mọi ví dụ.
Nhưng hôm nay, sau khi nghe kể từ một ông khách chứng kiến sự việc trên chuyến xe đò. Tôi chợt à ra rằng: Tạo Nghiệp là đây chắc? Nhưng mà sao cái Nghiệp bây giờ nó “Báo” nhanh kinh nhể? Dạo trước, các cụ bảo: đời này ăn mặn, đời sau khát nước. Sao bây giờ mới dọa ăn mặn đã bị nước khát nước rồi đi …toa lét ngay thế này? Hay là mỗi thằng người trong chúng ta đều được “nâng cấp phần mềm” theo tốc độ xử lý của Pentium. À! Hình như mình bắt đầu ngộ ra rằng: Phần mềm thì nâng rất nhanh, còn “phần cứng” (tức cơ thể) thì sẽ bị xử lý từ từ bằng fookmon trong phở, thuốc ngóc trong rau, hóa chất trong trái cây và giảm liều lượng vắc-xin chích ngừa???. (Nếu không có biện pháp chế tài thì 15 năm nữa các cơ thể sẽ theo nhau mà “đơ” hết, khỏi cần ai xâm lược mí lỵ chiến tranh…
Câu chuyện dưới đây, giá như cậu lơ xe cứ xởi lởi như một cậu lơ xe tôi gặp cách đây ba chục năm. Tôi nhớ in một cậu lơ tuyến Tây Ninh – Sài Gòn đứng cửa xe đò ngày ấy: “ Ếp ếp! cho con tấp vô bác xe đạp ơi! Cô bác nào xuống Suối Sâu thì bước ra cho con nghe. Dạ. Trảng Bàng còn xa mà chú. Chừng nào sắp tới con cho hay! Zdo! Zdo bà con cô bác ơi! Nước sôi! Nước sôi!...”.
Tình cờ, hơn hai mươi năm sau, tôi vẫn nhận ra anh lơ trong cái gara sửa xe gần ngã tư An Sương. Hỏi sao rồi? Anh cười: Con còn cực lắm chú ơi! Hai cô công chúa đang học Đại Học. Lo tiền sách cũng là mệt! Nhưng mà vui!”.
THú thật, mình cũng mong ráng sống để thấy cậu Lơ xe của câu chuyện bên dưới thay đổi khác đi và sẽ tạo nghiệp khác đi…Thôi thì nó chẳng được “Pháp Trắng” thì cũng cố phấn đấu cho vào “ Pháp không trắng không đen”
Xin bắt đầu câu chuyện nóng hổi:
Ký sự dọc đường, giá như đừng tham!
Chẳng là, vào hồi 19h hôm nay (19/9/2013) nhà cháu ra bến xe Giáp Bát bắt xe về Ninh Bình
thăm Vừng. Chuyến xe Giáp Bát Thanh Hóa hứa hẹn đưa em về Ninh Bình sau 2 giờ
lăn bánh. Thế nhưng nó đã trễ tới 3 giờ.
Xe cũng kín chỗ, nhưng nhà xe cảm thấy chưa hài lòng với số lượng hành khách đã
lên tới 35 người /xe 29 chỗ nên quyết tâm quay như lạc rang tới hơn 3 lần,
ngoài ra còn tự ý tăng giá vé lên 10 ngàn/khách với lý do... cuối tuần và tối
rồi. Khách cũng đành câm nín như mọi lần (Nhẫn mà).
Tuy nhiên, một vị khách cứng tuổi, đầu đội mũ cối, chân đi dép lê và một cậu
choai choai tầm 18 tuổi đã kiên quyết không trả số tiền 160 ngàn cho hai người
để từ Giáp Bát về Cao Bồ, Nam Định (đoạn đi qua trạm thu phí đường cao tốc mới
Hà Nội - Ninh Bình). Cậu phụ xe xách mé bảo: "Ông không đi thì thôi,
xuống!". Lặng lẽ không nói gì, ông già đội mũ cối và chàng trai nọ lủi
thủi bước xuống xe, ngay đoạn cao tốc vắng vẻ quạnh hiu.
Trên xe mọi hành khách đều xót xa cho hai bố con (có vẻ thế) ông lão nghèo khổ, có tiếng người phụ nữ xì xào: "Bọn nó ác thế, thả bố con ông ấy xuống đây thì sao mà bắt được xe mà về nhà"
Nhưng rồi, chuyện đó chả ai ngờ.
Xe khách vừa qua đoạn thu phí cao tốc mới, tức là đến địa phận xã Cao Bồ, tỉnh
Nam Định thì dừng lại. Bởi trước mặt là 3 chiếc xe máy dàn hàng ngang, cùng
hàng chục thanh niên cởi trần trùng trục, tay lăm lăm gậy gộc đừng đón lõng
giữa đường.
Xe khách chạy chậm dần và bị bủa vây bởi thanh niên làng Cao Bồ.
Thấp thoáng trong đám trai làng là người đàn ông đội mũ cối và người con trai
của ông. Hóa ra, ông ta đã bắt taxi về và gọi dân làng ra vây xe khách để …"dạy
cho chúng nó một bài học".
Lái xe mau chóng khóa các cửa, báo hành khách ngồi im. Phụ xe mới hồi nãy còn
ba hoa chích chòe, chém gió thành bão, nay nhũn như con chi chi chui xuống nép
vào giữa nhưng hành khách mà mới vừa lúc nãy anh ta còn quát nạt.
Có người ý ới bảo gọi 113, gọi cảnh sát. Tôi và nhiều hành khách khác móc điện
thoại ra gọi 0303 113 nhưng mà không gọi được!
Mọi người rất bối rối. Có người ca thán hôm nay đi phải cái xe đen đủi. Không
khí vô cùng căng thẳng, bởi phía bên ngoài xe có tiếng la hét đòi khiêng xe vất
xuống ruộng nếu lái xe không lôi thằng phụ xe ra để xử! Tiếng gậy đập bồm bộp
vào cửa kính. Tiếng người la hét. Tiếng chửi rủa choe chóe. Đèn pin loe lóe soi
từ ngoài vào xe để tìm tay phụ xe (lúc này gã đang run cầm cập nằm rạp xuống
sàn).
Trước áp lực quá khủng khiếp của đám đông, của sự giận dữ, lái xe
đành xuống van xin đám người kia và bảo thằng phụ xe đã xuống ở đoạn Phủ Lý
rồi, mong các bác tha cho cháu, cháu có làm gì lên tội. Không bằng lòng với câu
trả lời, hàng chục thanh niên đạp cửa xe, xông lên xe. Một số hành khách co rúm
người lại, một số hành khách ngồi im phăng phắc, một số móc điện thoại ra gọi
người thân, một số đứng lên rồi lại ngồi xuống,... còn tôi thì chết lặng (cố
gắng tìm cách gọi cho cảnh sát, người thân vì điều tôi lo lắng nhất là người ta
lại đánh thằng phụ xe chết như bao thằng trộm chó).
Rồi người ta cũng tìm được thằng phụ xe. Lúc này, chắc cũng lường trước được
những gì sắp phải chịu đựng, nó khuỵu người xuống van xin đám trai làng đang
trần trục trùng, sát khí đằng đăng. Anh ta luôn mồm kêu xin kêu quen anh này
anh kia.
Một người phụ nữ lớn tuổi đứng ra can ngăn nhưng không đủ, một vài hành khách
đứng lên xin cũng không thể làm cho cơn cuồng nộ của đám trai làng dịu bớt.
Và rồi tay phụ xe bị lôi xềnh xệch xuống dưới đất. Điều gì đến thì cũng đến....
Hành khách nhấp nhổm, có người sốt ruột chạy xuống rồi lại chạy lên vì sợ bị vạ
lây.
Cảnh sát cũng không ai gọi được.
Một lúc sau, phụ xe được người ta vất lên xe, nằm co ro như con mèo gặp nước.
Quả bom được tháo ngòi, cơn khát đánh đập tự xử được thỏa mãn. Dân làng giãn
ra. Lái xe cho xe đi về nơi phải đến.
Trên xe lại rì rầm những câu nói giá như, giá mà chúng nó đừng tham.
Nhưng có một ai đó cuối xe bảo: Tạo Nghiệp thì có Nghiệp!
- 31/10/2013 01:54 - Dâng Y Kathina Huế: Chùa Huyền Không Sơn Thượng
- 31/10/2013 01:20 - Dâng Y Kathina Huế: Chùa Định Quang
- 30/10/2013 12:55 - Dâng Y Kathina Huế: Tịnh thất Gottami
- 30/10/2013 08:53 - Dâng Y Kathina Huế: Chùa Tăng Quang
- 29/10/2013 08:44 - Tường thuật Lễ dâng Y Kathina Huế (PGNT)
- 20/09/2013 09:15 - Bài PG 9: Vài dòng Sắc, Sắc, Không, Không...
- 14/09/2013 20:04 - Vài hình ảnh khất thực Gieo Duyên tại Huế tháng 9-2013
- 11/09/2013 03:26 - Bài PG 8: Huyền Không Sơn Hạ - Nhà sư Thầy Thuốc
- 25/08/2013 07:07 - Bài tìm hiểu PG 7: Huyền Không Sơn Trung và sự nghiệp trồng người!
- 23/08/2013 03:36 - Bình luận về tấm ảnh ngày Hội Khất thực Huyền Không