.
Với cái nhìn của người ngoại đạo. Hình như có một lần, tôi đã nói quả quyết rằng: dầu là một vị Tỳ kheo (Đại Đức, Thượng tọa, Ni cô…) đối với cuộc đời này cũng như một trạm thu phát. "Thu" nôm na là: Học &Tu sửa bản thân. "Phát": giảng pháp, hoằng pháp cho chúng sinh. Cho đến phút này, tôi vẫn giữ nguyên nhận định như vậy.
Bằng chứng để suy diễn, củng cố cho cảm nhận của tôi là sự kiện vào ngày 15/12/1999, khóa họp thứ 54 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết lấy Phật giáo làm tôn giáo điển hình cho toàn nhân loại. Trong khi thực tế tại Đại Hội Đồng LHQ có đông đủ đại biểu đại diện cho nhiều tôn giáo khác, họ cũng đưa ra những ý kiến ủng hộ tín ngưỡng của mình, nhưng cuối cùng khóa họp đã đi đến sự thống nhất như trên. Thật không đơn giản khi họ có sự thống nhất vậy. Có lẽ bởi: đã có biết bao nhà khoa học trên thế giới từng ngưỡng mộ và ca ngợi đạo Phật, vì chính đạo Phật không bao giờ tách rời khoa học mà còn dẫn dắt khoa học đi trên đường thiện..
Anhxtanh đã nói:” Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó " và: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"
V. Hugo thì: Trước đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đối với khắp quần sinh; trước một kiến thức vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối…
Thực lòng, trong bài viết của mình, tôi rất mong muốn làm mát lòng mát dạ những người tu hành và những Phật tử chân chính của Phật giáo. Tôi hoàn toàn không có ý nghĩ báng bổ quí vị. Nhưng, xuyên suốt những quãng thời gian tìm hiểu, chứng kiến, tiếp xúc, thâm nhập…của một quá trình cầm bút. Tôi phải buồn bã mà thú nhận rằng: Có lẽ, những người cầm bút lúc này cần phải mổ xẻ thật đích đáng và rạch ròi cái thực, cái ảo, cái minh, cái mờ, cái mê và mông muội…đang xen kẽ thể hiện trong cái thời kỳ (theo tôi) gọi là …Mạt pháp này!
Không còn tồn tại ở hiện tượng để cho những nhà lý luận chuyên ngành …Lý giải, nó vượt thành phổ biến. Sự việc đã đến lúc phổ biến. Ngay trong lĩnh vực tu hành, trong những dòng Phật học, người ta cũng đã có những tranh chấp âm thầm, quán súy lặng lẽ, dè bỉu xa gần cách làm và hành vi của nhau. Nói một cách văn hoa: người ta chưa tâm phục hay không hoàn toàn đồng tình về hoằng pháp của nhau.
Đã có không ít những tâm sự rằng: Phật Giáo ở VN hiện nay đang bị biến tướng và trở thành một công cụ gì đó! Thật đấy! Nhiều người đi chùa về rồi mê tín đến nỗi quên hết mọi người xung quanh, người ta đổ xô đến chùa cốt để cầu được vinh hoa phú quý! Ai cũng cho rằng Chùa chiền là nơi để cúng bái! (Nhưng Phật có cho "vinh hoa phú quý" được đâu, tất cả là do nhân - quả của con người thôi)!
Hiện có bao nhiêu ngôi Chùa giả và Chùa xây dựng không có phép trên lãnh thổ Việt Nam?
Hiện có bao nhiêu Sư giả và những thùng công đức không vì Tam Bảo, không vì người Nghèo đặt trên khắp lãnh thổ Việt Nam?
Hiện có bao nhiêu bộ kinh với văn phong quái dị, lời lẽ thô ngôn phát triển bất chấp căn bản của Tam tạng?
Sẽ là rất nhiều! Đã là rất rối rắng, mê muội cùng với sự lý giải gò bó, làm lấy được…mà mục đích là hướng tới u mê tín đồ, chúng sinh.
Thực tế
xã hội chúng ta có rất nhiều nhà tu hành lánh đục về trong, ngày thường thì tụng
kinh kệ, tham thiền tu đạo, lúc cần thì xuất thế để giúp đời, sống thanh tịnh
và đợi ngày viên mãn.
Xuất thế để nhập thế. Nhập thế để xuất thế. Có tiếp xúc với những nhà tu hành
thực sự ấy và những Phật Tử chân chính, chúng
ta sẽ hiểu được những giá trị đạo đức được nói đến trong kinh sách không hề ảo.
Có những người đã dành cả cuộc đời để truy cầu chân lý, sống một cuộc đời thánh
thiện, chánh trí, chánh đẳng, chánh giác. Họ không nổi tiếng, mà vô danh, vô lợi,
vô cầu. Nhũng lời ngợi ca, tụng ca trân trọng về họ là đích đáng.
Song, các cuộc đời tốt đạo đẹp đường tu như vừa nhắc dù nhiều nhưng không đủ ảnh hưởng để giáo hóa những hành vi và tư tưởng mạt pháp. Bởi lẽ, những nhà tu hành luôn gắn cho bản thân mình cái sự khiêm yếm của tư tưởng Phật. Họ nghĩ rằng: Không động tới ai thì không ai động tới ta. Họ cho rằng: Mỗi người cần phải sửa mình chứ không ai làm thay cho họ được. Có lẽ, góc nhìn này sau 2500 năm đã đi vào bảo tàng rồi chăng. Có thể lúc Phật dạy cho môn đồ và chúng sinh quan điểm này thì số nhân khẩu trên hành tinh này chỉ là con số lẻ của non chục tỷ người hiện nay. Đất rộng, người thưa và con người đang tiến hóa tới những hoàn thiện bản ngã. Còn bây giờ, những sân lân, giằng xé và phấn đấu trong sinh tồn, sống còn, cùng hoàn thiện tới mức quyết liệt (thậm chí ác liệt) thì thiết nghĩ, người tu hành cũng không thể khoanh tay mà đứng nhìn chúng sinh. Càng không thể lập luận rằng: Vì Phật dạy như thế, như thế mà thấy “vô can” với những nhung nhiễu, bất nhân và ác đức. Không thể! Bởi vì chính các nhà tu hành nếu không có tín đồ, Phật tử và chúng sinh thì họ sống với ai (nhờ ai và vì ai???).
Lịch sử Phật giáo của chúng ta từng có những Tỳ kheo, Giới tử, Ni cô…trút áo tu hành khoác lên người màu áo chiến binh chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì Hòa bình và Hạnh phúc của Nhân dân cơ mà. (viết hoa).
Với người viết bài, vốn chẳng hiểu gì về Pháp và chẳng thuộc nổi một câu kinh. Nhưng càng đọc sách, càng tìm hiểu về Phật và các dòng Phật học thì càng thấy rõ một điều: Đức Phật không chỉ là người đáng cung kính và khâm phục về đường tu, về cách sống và tư tưởng mà ở Ngài tôi thấy rất thông minh. Ngay một chuyện giáo Pháp cho chúng sinh, ngài cũng chỉ rất rõ rằng: tùy từng nhận thức, từng hoàn cảnh của chúng sinh mà đưa ra những hoằng pháp giúp người ta hiểu và bắt kịp. Những môn đệ, tri thức thì Ngài dạy những lý thuyết uyên thâm. Những người bình dân, căn cơ thì Ngài chỉ bằng những hình tượng dân dã, đơn thuần. Thế nhưng ngược lại, chúng sinh thì không được như Ngài. Cái cuộc đời này, cái bến mê này u hoặc biết bao nhiêu con người mà chỉ đơn giản rằng: họ không hiểu mình đang làm gì, đang sống ở đâu và từ đó, họ tạo hết Nghiệp này tới Nghiệp khác…Ôi! Chỉ có mỗi một bước đi từ Vô Minh tớiMinh thôi, thoắt cái đã hết cả một đời!
Ngẫm cho cùng: Phật thật vất vả!
Ngẫm cho cùng: Chúng sinh quá rắc rối. Ngay cái câu: “Bụt chùa nhà không thiêng” của người xưa nhủ lại cũng thấy bao hàm cái rắc rối của chúng sinh. Nhiều ngôi chùa, dân sở tại thì ít đến. Trong khi bá tánh thập phương thì người nọ rỉ tai người kia tấp nập tới cúng dường và lễ bái. Cá biệt, có ngôi chùa trước kia chẳng hề náo nhiệt và ít lộc, nhưng chỉ vì có…mẹ và vợ của một quan chức thường xuyên ghé tới. Lập tức Chùa nhộn nhịp và có “Nét” hẳn ra. Không có nhẽ những ngôi chùa như thế “thiêng” hơn những ngôi chùa không như thế?
Vậy đó, sẽ là miên man khi liệt kê ví dụ hoặc trôi theo những luồng biện luận. Nhưng một điều nếu ai để tâm nghiên cứu về Phật sẽ thấy rằng: trong tâm ta có Phật chứ không phải là một tín đồ suốt ngày đốt nhang và đi chùa đã thấy Phật. Có người cả đời họ chẳng bao giờ đi chùa mà vẫn là người đạo Phật vì đơn giản trong Phật không có sự thù hằn, Phật là từ bi, không hại ai, không tranh giành và không quy tội cho ai cả. Cao siêu hơn nữa, những tâm Phật khi dấn thân vào các sinh hoạt nhiêu khê của xã hội mà vẫn giữ vững tâm bồ đề. Vậy thì, mỗi chúng ta có còn cần tìm ở đâu nữa khi trước tâm mình có 3 chữ: TÍNH BẢN THIỆN???
Ðạo Phật dựa trên nền tảng nhân quả, nghiệp báo, luân hồi.
Trong quá trình tìm hiểu, tôi trân trọng mọi dòng tôn giáo và các dòng Phật học. Nhưng hình như trong tôi, tôi thấy có cảm tình nhiều hơn với dòng Phật học Nam Tông. Ở đây, người hoằng pháp thực hiện để người sống trông thấy, nghe hiểu và thực hành Giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Họ không dựa vào nghi thức tôn giáo của mình để trưng bày, phô diễn hình thức hay tạo tín ngưỡng pha trộn huyền bí hay mê tín dị đoan. Phương châm của họ là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Nghi thức Nam tông không có cúng cô hồn, chẩn tế, xem ngày xấu, ngày tốt...
Còn góc nhìn và kết luận quan điểm của tác giả ư? Xin dẫn lời Phật dạy rằng:
"Hãy dựa vào bản thân mình, như là ngọn đèn sáng cho chính mình. Hãy dựa vào sức của bản thân mình là chính. Hãy dựa vững vàng vào Chánh Pháp. Đừng có tìm một chỗ dựa nào khác ngoài bản thân mình"; “Tất cả mọi người, không kể trí, ngu, sang, hèn, nếu thành tâm cầu đạo, ăn năn lỗi trước, đều có thể Tu đạo, và Chứng đạo...”, và: “ Giác ngộ và giải thoát là một thực nghiệm cá nhân, nghĩa là không ai có thể giác ngộ hay giải thoát thay cho ai được cả”.
Từ đó suy ra rằng: Không có nghĩa rằng cứ đặt lên bàn thờ cúng một thủ lợn to, đuôi lợn lớn với vàng, mã, ngựa ngoằn…là có thể cầu xin rũ bỏ được tội lỗi hoặc xin thỉnh được lộc, tài.
Nếu có thể được. Nếu có ai vấn lục (như em Trà Sen Hội An từng hỏi tác giả) về Phật? Tôi cũng vẫn chỉ vào bụng mình (như từng làm với em Trà Sen) rằng: Với tôi, Phật là chính tôi đấy!
- 31/10/2013 01:20 - Dâng Y Kathina Huế: Chùa Định Quang
- 30/10/2013 12:55 - Dâng Y Kathina Huế: Tịnh thất Gottami
- 30/10/2013 08:53 - Dâng Y Kathina Huế: Chùa Tăng Quang
- 29/10/2013 08:44 - Tường thuật Lễ dâng Y Kathina Huế (PGNT)
- 21/09/2013 03:30 - Hình như phải sửa phần Cứng, điều chỉnh phần Mềm....
- 14/09/2013 20:04 - Vài hình ảnh khất thực Gieo Duyên tại Huế tháng 9-2013
- 11/09/2013 03:26 - Bài PG 8: Huyền Không Sơn Hạ - Nhà sư Thầy Thuốc
- 25/08/2013 07:07 - Bài tìm hiểu PG 7: Huyền Không Sơn Trung và sự nghiệp trồng người!
- 23/08/2013 03:36 - Bình luận về tấm ảnh ngày Hội Khất thực Huyền Không
- 20/08/2013 16:47 - Tìm hiểu PG 6: Sự nghiệp Dựng Chùa, trồng rừng & văn chương