NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH(1995-2000) VÀ BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHiỆP
Bước ngoặt lớn đến với bóng đá VN vào tháng 1 năm 1995, khi vị HLV người Brazil Edson Tavares được mời về
dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Chỉ qua 3 tuần dưới bàn tay huấn luyện “nhà nghề” của Tavares, các cầu thủ VN hoàn toàn lột xác. Đoàn quân rệu rã tại Sea Games 17 ngày nào đã không còn, thay vào đó là 1 đội tuyển với thể lực mạnh mẽ và đầy chất kết dính giữa các tuyến. Tham dự giải cúp quốc tế Độc Lập tổ chức tại TP HCM, 2 đội VN1 và VN2 của ông Tavares đều lọt vào tới bán kết, đặc biệt tại vòng đấu bảng, VN1 đã xuất sắc vượt qua đội tuyển Estonia đến từ châu Âu với tỷ số 1-0 (Lê Huỳnh Đức ghi bàn). Chứng kiến 2 đội VN với lối chơi thể lực hừng hực tại cúp Độc Lập, ai cũng phải sửng sốt, thậm chí có người còn nghi ngờ ông Tavares cho các cầu thủ dùng….thuốc kích thích.
Tuy nhiên, các “quan chức bàn giấy” ở Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam trước giờ đã quen “chơi trèo” các HLV nội địa, nay lại “quen thói” đè nén luôn cả ông Tavares. Kết qủa là ông Tavares phẫn nộ khăn gói ra đi chỉ sau 1 tháng làm việc tại Việt Nam, và Liên Đoàn phải cấp tốc đi tìm 1 HLV ngoại mới. Sở dĩ nhất thiết phải là HLV ngoại đương nhiên là vì chuyên môn của họ tốt hơn, song cũng 1 phần là vì chỉ có “người ngoài” mới “trị” nổi các tuyển thủ, chứ các vị thầy nội địa thì do vướng mắc phải đủ thứ “liên minh ma quỷ” cho nên thường rất là “cả nể” và đôi khi lép vế trước các học trò (điển hình là trường hợp HLV trưởng Vũ Văn Tư bị các cầu thủ CLB Quân Đội “knoc-out” tại Sea Games 16 đã kể ở trên).Vị thầy ngoại mới mà Liên Đoàn tìm về lần này hoá ra lại là 1 gương mặt cũ, đó là HLV Đức Karl Heinz Weigang, người đã dẫn dắt tuyển Nam Vịêt Nam đến chức vô địch cúp Merdeka gần 30 năm trước.
Thừa hưởng gia tài để lại của Edson Tavares, Karl Heinz Weigang đưa đội tuyển VN đi tranh tài tại Sea games 18 tại Chiang Mai, Thailand. Tuy đã có những kết qủa ban đầu đáng khích lệ tại cúp Độc Lập, nhưng do nỗi ám ảnh 2 kỳ Sea Games trước vẫn còn, nên cũng chẳng mấy ai đặt hy vọng vào tuyển quốc gia, đài truyền hình thậm chí cũng chẳng thèm tường thuật trực tiếp 2 trận đầu tiên của VN tại giải. Nhưng rồi tuyển VN đã làm nức lòng người hâm mộ khi lần lượt vượt qua những đối thủ khó chơi như Malaysia (2-0), indonesia(1-0), và Myanmar(2-1), trước khi dừng bước trong trận chung kết (thua chủ nhà Thailand 0-4). Chiếc huy chương bạc Sea Games 95 là huy chương đầu tiên của bóng đá VN tại khu vực kể từ năm 1973, nó đánh dấu sự trở lại của VN ở vị trí hàng đầu Đông Nam Á, và lứa cầu thủ năm ấy, với những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Võ Hoàng Bửu,… được mệnh danh là “Thế hệ vàng”.
Sau chiếc huy chương bạc Sea Games 18, tuyển VN của HLV Weigang tiếp tục giành hạng 3 giải bóng đá Vô Địch Đông Nam Á-Tiger Cup lần 1 năm 1996. Đáng buồn thay, nơi đằng sau hậu trường, mâu thuẫn giữa ông thầy người Đức và các quan chức liên đoàn ngày càng trầm trọng hơn. Weigang vốn là người ngay thẳng trực tính, đương nhiên không thể để cho Liên đoàn khống chế mình, do đó mà không ngọt canh. Nhưng với những thành tích tuyệt vời tại Sea Games 95 và Tiger Cup 96, ông Weigang đã “chiêu dụ” được toàn thể người hâm mộ, cũng như giới truyền thông VN, đứng về phía mình. Các vị liên đoàn, đặc biệt là ông Tổng thư ký Trần Bảy, bị báo chí đập cho tơi tả, đến nỗi 1 số vị buộc phải từ chức. Cũng từ đó trở đi, Liên đoàn bóng đá VN đỡ quan liêu hơn.
Về phần Weigang thì tuy đã thắng ổn một bước, nhưng quan hệ của ông và Liên Đoàn thì chẳng bao giờ được cải thiện. Do thế, nhân sau thất bại của tuyển VN tại giải cúp mời Dunhill năm 1997, ông cũng quyết định chia tay bóng đá VN.
Có thể nói, chiếc huy chương Sea Games 18 có tác dụng như một đòn bẩy, nó cho thấy tiềm năng của bóng đá nước nhà, và môn bóng đá từ đó trở đi, được quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều, xứng đáng với vị trí “môn thể thao vua” ở VN. Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) quyết định thành lập 1 giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam. Quả Bóng Vàng Việt Nam đầu tiên, năm 1995, được trao cho trung phong Lê Huỳnh Đức, Quả bóng Bạc thuộc về thủ môn Nguyễn Văn Cường, Quả Bóng Đồng thuộc tiền vệ Nguyễn Hữu Đang. Cho đến nay, Giải Quả Bóng Vàng vẫn được trao mỗi năm.
Ngoài Giải Quả Bóng Vàng, năm 1997, Báo SGGP còn lập ra thêm giải Chiếc Giày Vàng dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong nước. Chủ nhân Chiếc Giày Vàng đầu tiên cũng vẫn là Lê Huỳnh Đức, với Chiếc Giày Bạc và Đồng về tay Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Công Vinh. Tuy nhiên, do…kinh phí eo hẹp nên đó cũng là lần duy nhất cho đến nay giải Chiếc Giày Vàng được trao.
Cái chuyện “làm rồi bỏ, bỏ rồi làm” tiền hậu bất nhất như thế cũng là 1 vấn nạn trong bóng đá VN. Nhiều giải cúp do Liên Đoàn Bóng Đá đứng ra tổ chức cũng chịu chung số phận như Chiếc Giày Vàng. Ví dụ điển hình là Cúp Độc Lập, ban đầu được Liên Đoàn dự tính tổ chức thường niên tại Việt Nam, giống như các giải Merdeka của Malaysia, Cúp Nhà Vua của Thailand. Dự tính là thế, nhưng sau lần tổ chức đầu tiên năm 1995 thì Cúp này cứ xuất hiện chập chờn, năm có năm không. “Đồng phận” với cúp Độc Lập là Cúp Dunhill, giải cúp giành cho 8 CLB đứng đầu giải VDQG tranh tài mỗi năm, có thể coi là tương đương với League Cup ở nước Anh. Nhưng trong khi League Cup bao năm nay vẫn tranh tài, thì Cúp Dunhill chỉ tồn tại được đúng có 2 mùa vào các năm 1998 và 1999, sau khi công ty thuốc lá Dunhill cắt tiền tài trợ cho Liên Đoàn thì Cúp này cũng mất luôn.
May mắn hơn cúp Độc Lập và Dunhill là Siêu Cúp Quốc Gia Việt Nam. Siêu Cúp được tổ chức lần đầu năm 1998 với chức vô địch về tay Thể Công (CLB Quân Đội). Tưởng như Cúp cũng chết luôn khi phải huỷ bỏ vào năm 1999 do không tìm được nhà tài trợ. Nhưng cuối cùng thì cũng có “Mạnh Thường Quân” nhảy vào, và Siêu Cúp được tồn tại.
Công tác tổ chức lằng nhằng như thế, nhưng việc hàng loạt cúp mới ra đời cũng là một điểm tích cực ở VN. Đội tuyển nước ta, với “Thế Hệ Vàng 1995”, vẫn tiếp tục thành công tại đấu trường khu vực. Đội duy nhất có thể cản đường Việt Nam tại Đông Nam Á là Thailand, và chính do thua Thailand mà Việt Nam chỉ có thể giành được huy chương đồng tại Sea Games 1997 và huy chương bạc Sea Games 1999. Đáng tiếc nhất là ở giải Tiger Cup 1998 tổ chức trên sân nhà, tuyển VN dưới quyền dẫn dắt của HLV người Áo Alfred Riedl đã giành được thắng lợi lịch sử 3-0 trước Thailand ở trận bán kết, nhưng lại để lỡ mẩt ngôi vô địch khi thua 1 cách “khó hiểu” trước Singapore trong trận đấu cuối cùng. Cũng tại giải này, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn của VN đã giành danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất”, danh hiệu này đã đem về cho anh giải thưởng “Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Châu Á” trong tháng đó. Hồng Sơn trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận được danh hiệu “số 1 châu Á”.
“Thế hệ vàng” đã đem lại những chiến tích rực rỡ cho Việt Nam nhưng rồi họ cũng phải già đi. Tiger Cup 2000 đã đánh dấu chấm hết cho thế hệ ấy, khi lần đầu tiên sau 5 năm, tuyển VN phải ra về trắng tay ở một giải đấu tầm Đông Nam Á. Trong bầu không khí khủng hoảng, đội tuyển U23 VN lại tiếp tục thảm bại tại Sea Games 2001 (kể từ năm 2001, giải Sea Games chỉ dành cho các cầu thủ U 23). Phải chăng bóng đá VN sẽ trở lại cái thời của những năm 1991, 1993? Không, đó chỉ là khủng hoảng tạm thời, bởi vì một thế hệ vàng thứ 2 đã hình thành tại giải vô địch U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng năm 2000. Đội U16 Việt Nam với lối chơi quyến rũ đã giành ngôi vị hạng 4 châu lục, và cầu thủ trẻ Phạm Văn Quyến nhận danh hiệu Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất giải.
Về bóng đá cấp CLB, thời kỳ 1995-2001 ghi nhận sự trở lại của ông lớn Thể Công. Trong những năm 1997-1999, Thể Công là đội có lối chơi đẹp và hấp dẫn nhất tại Việt Nam, họ giành chức VDQG lần thứ 5 vào mùa 1998 một cách cực kỳ xứng đáng. Các cầu thủ của Thể Công lại làm nên bộ khung của đội tuyển quốc gia. Hàng tiền vệ của Thể Công gồm Triệu Quang Hà, Nguyễn Hồng Sơn, Thương Việt Hoàng cũng là hàng tiền vệ của đội tuyển; trong lúc cao điểm, dự tuyển Việt Nam có đến 10 cầu thủ Thể Công.
Nhưng dường như đó là lần tỏa sáng cuối cùng trước khi tắt ngấm của các chiến sỹ quân đội. Từ năm 2000 trở đi, họ lại bắt đầu đuối, lối chơi hấp dẫn bỗng trở nên bế tắc và tẻ nhạt. Hàng tiền đạo Thể Công thì dường như quên mất việc ghi bàn. Trung tâm bóng đá Việt Nam được chuyển từ miền Bắc vào xứ Nghệ, với Sông Lam Nghệ An giành cúp Mùa Xuân năm 1999 và chức VĐQG 2000.
Cũng phải ghi nhận những thành tích của bóng đá TP HCM trong thời kỳ này, khi CSG và Công An TPHCM (CA TPHCM) đều giữ vững vị thế của “những ông lớn”. Khi giành chức VĐQG năm 1995 với 1 đội hình “toàn sao” gồm những Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Chu Văn Mùi,…CA TPHCM được đánh giá là một đội bóng “không gì cản nổi”. Nhưng sau đó, đội bóng này lại thích “móc ngoặc” hơn là giành chức vô địch. Suốt nhiều năm liền, đội CA TPHCM nổi tiếng về chuyện “cho điểm”, họ có thể thắng bất cứ đội bóng mạnh nào, những cũng có thể thua ngay cả những đội yếu nhất.
CA TPHCM chỉ là một trong nhiều đội bóng dính líu đến tiêu cực trong khoảng 1995-2001. Tiêu cực trong bóng đá VN là chuyện dài nhiều tập. Nhưng so thời đen tối trong thập niên 1980 và đầu 90 thì phải công nhận là đã giảm nhiều. Liên Đoàn Bóng Đá cũng đã dám đem vài vụ ra ánh sáng. Đã có những cầu thủ đã phải lãnh án tù như Trương Văn Dưỡng, đã bị cấm thi đấu suốt đời như Lã Xuân Thắng. Nhất là khi bóng đá tiến lên chuyên nghiệp, mức sống cầu thủ được cải thiện nhiều, thì nạn “móc ngoặc” có thể sẽ được xoá sổ.
BÓNG ĐÁ NỮ
Như đã nói, bóng đá nữ ở VN khởi phát từ năm 1932, nhưng chẳng bao lâu thì nhanh chóng lụi tàn trước những thành kiến khắt khe của xã hội. Mãi đến đầu thập niên 1990, môn này mới bắt đầu được phát triển trở lại, ban đầu chỉ ở Quận 1, TPHCM, do công sức gầy dựng của ông trưởng phòng Thể Thao quận là ông Trần Thanh Ngữ. Từ quận 1, phong trào Thể Thao lan rộng ra toàn thành phố, rồi các tỉnh thành khác. Những thành kiến về bóng đá nữ lúc bấy giờ vẫn còn nhiều, và mãi đến khi đội tuyển quốc gia nữ VN, nòng cốt là đội quận 1-TPHCM, đánh bại các địch thủ Đông Nam Á để đăng quang vô địch giải tiền Sea Games năm 1997, tương lai của các nữ cầu thủ mới được rộng mở. Tuy thế, do thiếu tiền đạo chủ chốt Lưu Ngọc Mai (chấn thương), nên ở kỳ Sea Games sau đó, tuyển nước ta chỉ giành được hạng 3.
Tại Sea Games 2001, đội tuyển nữ VN với những Minh Nguyệt, Ngọc Mai, Kim Hồng, Mai Lan, Thúy Nga, Hiền Lương, dưới sự dẫn dắt của HLV Steve Darby, đã giành ngôi vị Nữ Hoàng Đông Nam Á, trong khi các đồng nghiệp nam phải xách va ly về nước ngay sau vòng 1. Tiền đạo Lưu Ngọc Mai giành chức vua phá lưới tại Sea Games và cuối năm đó lập 1 chiến tích “độc nhất vô nhị” (có lẽ là trên toàn thế giới): giành giải thưởng Quả Bóng Đồng của SGGP trong 1 cuộc bầu chọn cầu thủ xuất sắc tính chung cả nam lẫn nữ..
Chức vô địch Sea Games 2001 đã đem lại cho đội tuyển nữ nhiều sự đầu tư và quan tâm hơn, tuy chưa thấm vào đâu so với đội nam, nhưng cũng là cải thiện rất nhiều so với trước, chất lượng giải VĐQG nữ cũng được nâng cao hơn. Kết quả của sự đầu tư này là đội tuyển đã bảo vệ thành công ngôi số 1 Đông Nam Á tại Sea Games 2003.
BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHiỆP
Để chuẩn bị chuyên nghiệp hoá nền bóng VN, Liên Đoàn Bóng Đá đã tổ chức cho hơn 400 lượt cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm tại các nước Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Thụy Sỹ. Liên đoàn lại cũng mở 4 lớp cho gần 200 lượt cán bộ quản lý, HLV, và mời các vị Tổng Thư ký AFC, Tổng thư ký AFF sang trực tiếp giảng dạy kiến thức về bóng đá chuyên nghiệp. Tháng 10 năm 2000 thì giải VĐQG chuyên nghiệp đầu tiên tại VN được khởi tranh. Đương nhiên, CHUYÊN NGHỊÊP chỉ là cái tên, chứ cách tổ chức vẫn còn nhiều bất cập. Dù sao cũng phải ghi nhận những đổi thay lớn lao theo chiều hướng tích cực trong nền bóng đá nước nhà.
Trước hết là sự nâng cao mức thu nhập, cụ thể là tiền lương cầu thủ. Từ đồng lương
“chết đói” vài trăm ngàn, mức thu nhập của những cầu thủ chuyên nghiệp bét ra cũng vài triệu. Lương bổng như thế giúp cho cầu thủ an tâm thi đấu và góp phần làm giảm nạn bán độ.
Cùng với chuyên nghiệp hoá là tiến trình “tư nhân hoá” hay “doanh nghiệp hoá” các CLB từ chế độ bao cấp nhà nước hay địa phương. Chẳng hạn đội Gia Lai thuộc về công ty Gỗ Hoàng Anh để trở thành Hoàng Anh-Gia Lai (HAGL), đội Long An về với công ty gạch Đồng Tâm để trở thành Gạch Đồng Tâm Long An(GDT-LA), CA TPHCM thì dứt bỏ cơ quan chủ quản là ngành Công An để trở thành Ngân Hàng Đông Á(NHDA)….
Tiếp tục duy trì chế độ bao cấp hay chuyển sang doanh nghiệp hoá, cái nào lợi cái nào hại thì đã có câu trả lời quá rõ ràng. Những đội bảo thủ thì hoặc là xuống hạng như CSG, hoặc là đang ngắc ngoải như Thể Công. Những CLB biết thức thời thì lên như diều gặp gió, điển hình là HAGL và GDT LA. Mới năm 2002, hai CLB này còn đang ở giải hạng nhất thì đến năm 2003, họ đã chia nhau ngôi vô địch và Á Quân của giải chuyên nghiệp và cơ ngơi sân bãi của họ thì cũng chẳng kém gì các đội bóng châu Âu. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, mà cung cách quản lý mới giữ phần chủ đạo. Chính do thế mà những đội như NHĐA, dù chi rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa làm nên được gì, còn GĐT LA thì trong mùa giải 2004 đang phải chạy đua …chống xuống hạng. Bên cạnh đó, có những đội bóng tuy không giàu nhưng vẫn thi đấu thành công, nhờ chú trọng công tác đào tạo cầu thủ trẻ, điển hình là SLNA.
Nét mới nữa trong giải VĐQG VN là sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại, từ cầu thủ ngoại đầu tiên là David Serene người Pháp của CATPHCM, đến nay ngoại binh đã trở thành một phần không thể thiếu của các CLB VN. Nhưng hồi đó, Thể Công vẫn cương quyết xài “đồ nội” và sắp xuống hạng. Nước ta thành 1 “thiên đường” mới tại Đông Nam Á cho những “lính lê dương”. Các CLB ta cũng trở thành những “đại gia” trong việc chiêu dụ cầu thủ. HAGL đã mua được cầu thủ số 1 ĐNA là Kiatisak Senamuang sau khi đánh bại sự canh tranh của các CLB Thailand và Singapore. NHĐA cũng giành được cầu thủ xuất sắc nhất Champions League châu Á là Chairman ngay trước mũi các CLB Nhật Bản. Do lực lượng mạnh, tài chính hùng hậu, nên các CLB Việt Nam cũng không còn tinh thần chủ bại khi tranh tài tại các cúp châu Á, tại vòng đấu bảng cúp C1 vào tháng 2 năm 2004, HAGL đã “thay đổi diện mạo bóng đá VN” khi đè bẹp đại diện Indonesia Makassar 5-1.
Có đi thì cũng phải có lại, có cầu thủ nước ngoài đến VN thì cũng có cầu thủ VN sang nước ngoài. Tiền đạo Lê Huỳnh Đức đã trở thành cầu thủ VN đầu tiên đi thi đấu cho Lifan Trùng Khánh của Trung Quốc một thời gian ngắn theo hợp đồng cho mượn. Rồi sau đó đến những Phi Hùng, Việt Thắng,… cũng được HAGL cho sang Rajpracha của Thailand.
Trên đấu trường đội tuyển quốc gia, các U16 ngày nào đã trưởng thành và cho phép chúng ta hy vọng ở một tương lai tươi sáng. Những Như Thuật, Văn Quyến, Quốc Vượng… Đã giành được huy chương bạc Sea Games 2003 sau thất bại khít khao trước Thailand, xoá đi nỗi buồn tại Sea Games 2001. Đặc biệt cũng trong năm 2003, tuyển VN còn bất ngờ hạ gục cả đội bóng hạng 4 World Cup là Hàn Quốc với tỷ số 1-0. Một khi đã thắng Hàn Quốc thì tại sao lại không có quyền hy vọng và ước mơ nhỉ??!
Tại AFF Cup (năm 2007), Đội Tuyển Việt Nam (Đồng hạng 3). Đội vô địch là: Singapore.
AFF Cup (năm 2008), Đội Tuyển Việt Nam Vô địch. Trận chung kết: Việt Nam 3 – 2 Thái Lan (lượt đi + về).
SEA Games (năm 2009), U23 Việt Nam (Xếp thứ 2). Đội vô địch là: U23 Malaysia. Trận chung kết: Malaysia 1 – 0 Việt Nam.
AFF Cup (năm 2010), Đội Tuyển Việt Nam (Đồng hạng 3). Đội vô địch là: Malaysia. Trận chung kết: Malaysia 4 – 2 Indonesia (lượt đi + về).
SEA Games (năm 2011), U23 Việt Nam (Xếp thứ 4). Đội vô địch là: U23 Malaysia.
AFF Cup (năm 2012), Đội Tuyển Việt Nam (Loại vòng bảng). Đội vô địch là: Singapore.
SEA Games (năm 2013), U23 Việt Nam (Loại vòng bảng). Đội vô địch là: U23 Thái Lan.
AFF Cup (năm 2014), Đội Tuyển Việt Nam (Đồng hạng 3). Đội vô địch là: Thái Lan.
SEA Games (năm 2015), U23 Việt Nam (Xếp thứ 3). Đội vô địch là: U23 Thái Lan.
AFF Cup (năm 2016), Đội Tuyển Việt Nam (Đồng hạng 3). Đội vô địch là: Thái Lan.
SEA Games (năm 2017), U23 Việt Nam (Loại vòng bảng). Đội vô địch là: U23 Thái Lan.
Từ ngày Ông Park Hang Seo về làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
AFF Cup (năm 2018), Đội Tuyển Việt Nam (VÔ ĐỊCH).
Trận chung kết: Việt Nam 3 – 2 Malaysia (lượt đi + về).
SEA Games (năm 2019), U22 Việt Nam (VÔ ĐỊCH).
Trận chung kết: Việt Nam 3 – 0 Indonesia.
(năm 2020) do dịch Covid – không tổ chức
AFF Cup (cuối năm 2021 đầu 2022), Đội Tuyển Việt Nam (xếp thứ 3). Đội vô địch là: Thái Lan.
SEA Games 31 (năm 2022), U22 Việt Nam (VÔ ĐỊCH).
Trận chung kết: Việt Nam 1 – 0 Thái Lan (vào ngày 22/5/2022).
AFF Cup “Mitsubishi Electric” (cuối năm 2022 đầu 2023), Đội Tuyển Việt Nam (về Nhì). Đội vô địch là: Thái Lan.
- 19/07/2024 17:33 - VĨNH BIỆT ANH NGUYỄN PHÚ TRỌNG
- 06/04/2024 13:22 - LỊCH SỬ BÓNG ĐÁ ViỆT NAM (tiếp)
- 04/04/2024 12:16 - Lịch sử bóng đá Việt
- 03/04/2024 06:01 - Bình Lựng bóng đá bài 3
- 31/03/2024 19:46 - bình lựng bóng đá bài 2
- 30/03/2024 02:04 - BÌNH LỰNG BÓNG ĐÁ...