Tháng 4 năm 1954, đại diện 9 bên Nam-Bắc VN, Lào, Cambodia, Trung Hoa, Pháp, Anh, Mỹ, và Liên Xô gặp nhau tại Genève, Thụy Sỹ để thương thảo 1 giải pháp hoà bình cho VN.
Theo như hiệp định Genève thì VN tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam-Bắc, để đến năm 1956 thì thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước trở lại. Tuy nhiên, do chính quyền Ngô Đình Diệm trong Nam phản đối hịêp thương, nên mãi đến năm 1975 nước ta mới thống nhất được.
Trong thời kỳ 54-75, bóng đá 2 miền VN đều có những bước tiến nhất định. Nhưng do chỉ có miền Nam gia nhập FiFA, nên chỉ có thành tích của Nam Việt Nam là được chính thức công nhận.
BÓNG ĐÁ MIỀN NAM
Sau ngày đất nước chia đôi, CLB bóng đá mạnh nhất miền Nam vẫn là Ngôi Sao Gia Định. Nhưng rồi do nhiều lý do khác nhau, các danh thủ của Ngôi Sao Gia Định lần lượt bỏ đội để sang đầu quân cho các đội khác.
Về tổ chức, giải Nam Việt Nam
bao gồm có 2 hạng: Hạng danh dự và hạng nhất. Số lượng CLB ở mỗi hạng từ mùa bóng 1969 trở về trước thì không còn tư liệu nào nhắc tới; từ mùa 1970 đến 1975, hạng danh dự gồm 12 đội, hạng nhất gồm 7 đội.
Năm 1969, Cúp C1 châu Á lần thứ 2 được tổ chức, với 10 CLB tham gia, đại diện cho Nam Việt Nam là đương kim VDQG Cảnh Sát. Cảnh Sát nằm ở bảng A cùng với Yangzee của Hàn Quốc, Manila Lions của Philippines, Bangkok Bank của Thailand, và Mysore State của Ấn Độ. Đại diện NVN đè bẹp Manila Lions 7-0, thủ hoà Bangkok Bank 1-1, nhưng để thua Mysore State 1-2 và Yangzee 1-4 , chung cuộc xếp hạng 4 trên 5 tại vòng đấu bảng. (Vô địch năm ấy là Maccabi Tel Aviv của israel). Đáng buồn thay, do thiếu kinh phí nên đó cũng là lần duy nhất 1 CLB NVN tham dự cúp C1.
Đội tuyển quốc gia Nam Việt Nam ngày ấy cũng thuộc vào loại có “máu mặt” tại châu lục. Tại giải Vô Địch Châu Á lần 1 và 2 năm 1956 và 1960, Nam Việt Nam đều đứng hạng 4. Tuy vòng chung kết châu Á khi ấy chỉ gồm 4 đội, và hạng 4 cũng đồng nghĩa với hạng chót, nhưng không vì thế mà phủ nhận những nỗ lực của đội tuyển, vì ít ra thì họ cũng vượt qua được vòng loại. Tại giải Vô Địch châu Á 1956 ở Hong Kong, NVN thủ hoà đội chủ nhà 2-2, thua israel 1-2 và Hàn Quốc 3-5. Tại giải năm 1960 ở Hàn Quốc, đội thua cả 3 trận trước Hàn Quốc 1-5, israel 1-5, và Đài Loan 1-3.
Đội Nam VN đã giành đó là chiếc huy chương vàng SEAP GAMES 1959. Thế hệ cầu thủ ngày ấy đã đánh bại Thailand 3-1 ngay tại Bangkok để đăng quang ngôi số 1 Đông Nam Á. Cũng trong năm 1959 này, trong khuôn khổ cúp Merdeka (Độc Lập) ở Malaysia, NVN đã hạ gục đương kim vô địch châu Á là Hàn Quốc với tỷ số 3-2.
Có thể nói 1959 là thời điểm mà thanh thế của bóng đá NVN lên đến đỉnh cao. Khi tuyển Nhật Bản ghé thăm thi đấu giao hữu tại Sài Gòn. Trong chuyến giao hữu này, tuyển quốc gia Nhật đã thua tan tác trước hội tuyển Quân Đội và Hội tuyển Sài Gòn cùng với tỷ số 1-3. Mỉa mai thay, hiện nay Nhật Bản đã trở thành 1 cường quốc có thể tranh tài ngang ngửa cùng các đội Âu-Mỹ, còn Việt Nam thì vẫn đang lóp ngóp trong cái “vũng” Đông Nam Á.
Cùng với chiếc huy chương vàng Seap Games 1959, 1 thành tích danh giá khác của NVN là cúp vô địch Merdeka 1966.( Cúp Merdeka được tổ chức từ năm 1957, do sáng kiến của Thủ Tướng Malaysia Abdul Rahman. Vào những năm 1960 thì Cúp Merdeka đó là 1 giải đấu uy tín hàng đầu trong châu lục. Đội hình vô địch năm ấy được dẫn dắt bởi đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang và HLV người Đức Karl Heinz Weigang.
Tại vòng bảng cúp Merdeka 1966, NVN thắng giòn giã Singapore 2-1, Nhật 2-0, Malaysia 5-2, Trung Hoa Quốc Gia 3-0. Trong trận đấu cuối, đội đưa ra đội hình dự bị để dưỡng chân cho các ngôi sao, và chịu thua Ấn Độ 0-1. Vào trận chung kết gặp MYANMAR, NVN thắng khít khao 1-0. Bàn thắng do Nguyễn Văn Chiêu ghi từ 1 đường chuyền vượt tuyến của Tam Lang.
Các giải đấu quốc tế mà tuyển NVN tham gia từ 1954 đến 1975 bao gồm: Sea Games, Asiad, Giải Vô Địch châu Á, Vòng loại World Cup,Vòng loại Olympic, Kings Cup (ở Thái Lan), Cúp Tổng Thống (ở Hàn Quốc), Cúp Merdeka (Malaysia), Cúp Tokyo (Nhật). Ngoài ra, Nam Việt Nam còn đứng ra tổ chức Cúp Quốc Khánh, 2 lần tổ chức quy mô nhất là vào các năm 1967 và 1974. Tại cúp Quốc Khánh 1967, NVN giành huy chương đồng, sau khi thua Hàn Quốc 0-3 ở bán kết, thắng Malaysia 4-1 trong trận tranh ¾. Năm 1974, đội đăng quanh ngôi vô địch, sau khi thắng Thailand 3-2 ở bán kết và indonesia 2-0 trong trận chung kết.
Ngoài 3 lần vô địch cúp các loại vào các năm 1959, 1966,1974, NVN còn đạt được những thành tích sau:
Hạng nhì Sea Games 1967, 1973
Hạng 3 các Sea Games 1961, 1965, 1969, 1971
Những trận đấu xuất sắc nhất trong lịch sử của tuyển NVN, đó là trận thắng Hàn Quốc 3-2 đã kể ở trên, thắng Nhật Bản 2-0 tại cúp Merdeka 1971, thắng New Zealand 5-1 tại cúp Quốc Khánh 1967, thắng Philippines 10-0 tại vòng loại Olympic cũng năm 1967, thắng israel 2-0 ngay tại Tel Aviv ở vòng loại Olympic vào năm 1964….
Về ngôi sao bóng đá NVN thời đó thì thủ môn có Phạm Văn Rạng, Lâm Hồng Châu, hậu vệ có Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Có, tiền vệ và tiền đạo có Võ Bá Hùng, Đỗ Thới Vinh… Các danh thủ Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Ngôn, Đỗ Thới Vinh từng được chọn vào đội hình “Các Ngôi Sao Châu Á”, riêng thủ thành Phạm Văn Rạng, biệt danh “Lưỡng Thủ Vạn Năng”, được coi là thủ môn xuất sắc nhất toàn châu lục. Văn Rạng và Tam Lang là 2 tên tuổi rực rỡ nhất của nền bóng đá NVN…
BÓNG ĐÁ MIỀN BẮC
Sau năm 1954, các CLB mạnh ở miền Bắc chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Hải Phòng. Hà Nội có 4 đội là Thể Công, Công An Hà Nội, Tổng Cục Bưu Điện và Tổng Cục Đường Sắt. Hải Phòng có 5 đội là Xi Măng HP, Cảng HP, Sông Cấm, Quân Khu 3, và Điện Lực. Trong những đội trên thì mạnh nhất đương nhiên là Thể Công, CLB giữ kỷ lục 10 lần vô địch Miền BácViệt Nam. lần cuối vào năm 1978. (Năm 1979, chức vô địch được tổ chức lần sau cùng, với danh hiệu về tay Quân Khu Thủ Đô, từ năm 1980, giải VDQG Việt Nam thống nhất ra đời).
Nói đến bóng đá Miền Bắc thì cũng gần đồng nghĩa như nói đến Thể Công (sau đổi tên là CLB Quân Đội, rồi lại đổi trở lại thành Thể Công). Đội Thể Công ra đời từ phong trào thể thao của Quân Đội Nhân Dân VN, chính thức thành lập ngày 23 tháng 9 năm 1954, với lứa cầu thủ đầu tiên là những Tý Bồ, Bửu, Nghĩa, Đô, và Thành,…
Được coi là đại diện cho bộ mặt thể thao Miền Bắc, Thể Công được cấp trên ưu ái nhiều lần cho đi tập huấn tại nước ngoài. Chẳng hạn như chuyến tập huấn 1 năm tại CHDCND Triều Tiên năm 1967. Tập huấn 6 tháng ở Hungary năm 1969. Nên nhớ CHDCND Triều Tiên lúc đó là niềm tự hào của Á Châu sau khi vượt qua Italy 1-0 ở World Cup 1966. Còn Hungary tuy không còn là “đội tuyển vàng” nhưng vẫn thuộc vào nhóm những đội hàng đầu châu Âu, được tập huấn dài hạn tại những nơi này là những cơ hội tuyệt vời để nâng cao trình độ. Chính do được trui rèn trong môi trường tốt mà Thể Công đã sản sinh ra những ngôi sao như Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Văn Sỹ Ch i(thân phụ của Văn Sĩ Hùng-Thủy-Sơn-Linh hiện nay), và sau này là cặp anh em Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường.
Cũng phải nói thêm rằng trong thập niên 1970 thì CLB Công An Hà Nội vươn lên như 1 đối trọng đáng kể của Thể Công, trên hàng công của đội bóng Hà Nội lúc bấy giờ là Hùng “xồm” và Hiển “cóc” (tức Trần Hùng và Từ Như Hiển). Sau 1975, Hùng và Hiển vẫn là cặp tiền đạo ăn ý nhất ở VN.
Năm 1960, do yêu cầu xây dựng “mũi nhọn đỉnh cao”, Trường Huấn Luyện Thể Dục Thể Thao Trung Ương được thành lập. Các cầu thủ của trường huấn luyện, hợp cùng với Thể Công, đã tạo nên nòng cốt của đội tuyển quốc gia những năm 54-75. Dưới sự dẫn dắt, giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, tuyển BVN lúc bấy giờ cũng tương đối mạnh, thực lực không kém mấy so với các đội như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, thậm chí có lần còn thắng cả đội trẻ Liên Xô 1-0 ở Moskva, hay thắng đội trẻ CHDC Đức 1-0 ở sân Hàng Đẫy (bàn thắng do công Từ Như Hiển). Tuy nhiên như đã nói, vì không gia nhập FiFA nên các thành tích của Miền Bắc không được quốc tế công nhận. Vả lại các trận đấu của đội cũng chủ yếu chỉ là giao hữu hữu nghị. 2 giải Cúp duy nhất mà Miền Bắc tham dự thường xuyên là GANEFO (Games of The New Emerging Forces) và cúp Việt-Trung-Triều-Mông (còn gọi là giải vô địch các nước cộng sản Á Châu).
Tại giải GANEFO 1963 ở Jakarta, đội tuyển thi đấu rất thành công. Ở vòng đấu bảng hạ Lào 9-1, Chile University 4-1, thua UAR 1-4, xếp thứ nhì. Vào tứ kết lại đè bẹp Argentina University 6-1. Đội thua CHDCNH Triều Tiên 0-2 ở bán kết và chia sẻ ngôi đồng hạng 3 với Urugoay University sau khi cầm chân đội này 2-2 ở trận tranh huy chương đồng. Năm 1966 tại giải GANEFO châu Á, đội tuyển tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3, sau CHDCND Triều Tiên và Trung Hoa. Cũng tại giải này, đội có được trận thắng đậm nhất trong lịch sử khi vượt qua North Yemen với tỷ số 9-0
KỶ NGUYÊN KHÔNG PHÊ (1975-1995)
Sở dĩ gọi thời kỳ 1975-1995 là kỷ nguyên đen tối là vì trong giai đoạn này, bóng đá Việt Nam gần như mất dạng trên trường quốc tế. Từ năm 1975 đến 1991, do chính sách “bế quan toả cảng”, đội tuyển Việt Nam đã không hoà nhập vào sân chơi khu vực, cho nên trong suốt 16 năm này, FIFA đã không ghi nhận bất cứ trận cầu quốc tế nào của nước ta. Từ 1991 đến đầu 1995, với cơ chế thông thoáng hơn, đội tuyển quốc gia bắt đầu tham gia thi đấu nhiều giải lớn, nhưng do tổ chức kém, khâu huấn luyện dở nên đi đến đâu là thất bại đến đấy. Gọi là đen tối 1 phần lớn cũng bởi thời kỳ này là đỉnh cao của tệ tiêu cực móc ngoặc, bán độ tại VN. Một cựu cầu thủ từng khẳng định không có bất cứ CLB nào lúc đó mà lại không dính líu vào những chuyện lằng nhắng như “xin điểm” và “cho điểm”.
Sau khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, các CLB bóng đá miền Bắc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, riêng các đội miền Nam như AJS, Cảnh Sát, Việt Nam Thương Tín,… đều bị giải thể. Dàn cầu thủ của các đội này được phân bổ lại để tập hợp thành những CLB mới như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Hoá Chất, Thực Phẩm, Tổng Cục Vật Tư (sau đổi tên thành Xi Măng Hà Tiên, rồi Sở Công Nghiệp),…Trong những năm đầu sau giải phóng, chưa có 1 giải vô địch bóng đá quốc gia cho toàn quốc, miền Bắc vẫn tổ chức giải vô địch riêng cho đến tận năm 1979, gọi là giải Hồng Hà. Miền Trung thì có giải Trường Sơn và miền Nam có giải Cửu Long.
Năm 1980, giải vô địch quốc gia toàn Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên, gồm 2 hạng thi đấu là A2 và A1. Tham dự giải A1 lần đầu tiên ấy có 17 CLB. 4 CLB của TP HCM là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công Nghiệp Thực Phẩm. Các CLB đặt trụ sở tại Hà Nội gồm Tổng Cục Đường Sắt, Công An Hà Nội, Quân Khu Thủ Đô, và Phòng Không. Hải Phòng có 2 đại diện là Cảng Hải Phòng và Công Nghiệp Xây Dựng Hải Phòng. Công Nhân Nghĩa Bình (Bình Định) và Phú Khánh( Khánh Hòa) là 2 CLB của miền Trung, trong khi Đồng Bằng sông Cửu Long có 4 đội: Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đại diện duy nhất cho lực lượng Quân Đội là Quân Khu 3, còn CLB Quân Đội (Thể Công) do bận đi tập huấn nên không có mặt. CLB Tổng Cục Đường Sắt năm đó thi đấu xuất sắc, đá tổng cộng 12 trận thắng 7 hòa 5, ghi được 15 bàn, để lọt lưới 6, giành chức VĐQG.
3 CLB phải rớt hạng là An Giang, Đồng Tháp, và Tiền Giang. Vua phá lưới quốc gia đầu tiên là cầu thủ Lê Văn Đặng, do thành tích này mà Lê Văn Đặng được chọn vào danh sách vận động viên thể thao tiêu biểu toàn quốc cùng năm.
Trong những thập niên 70-80, CLB Quân Đội là quyền lực mạnh nhất tại Việt Nam, 1 phần vì thực lực, 1 phần do được “cấp trên” ưu ái. Dẫn dắt hàng công Quân Đội lúc bấy giờ là Nguyễn Cao Cường và Nguyễn Thế Anh, còn thủ lĩnh hàng thủ là Quản Trọng Hùng. Về các CLB mạnh khác ở miền Bắc thì có Công An Hà Nội với cặp sát thủ Hùng, Hiển. Tổng Cục Đường Sắt với Mai Đức Chung. Công Nghiệp Hà Nam Ninh với Nguyễn Văn Dũng. Trong Nam thì có Cảng Sài Gòn với các cựu tuyển thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Tư Lê, và sau này là Nguyễn Đình Thăng, Nguyễn Văn Thòn, Đặng Trần Chỉnh…Hải Quan cũng rất mạnh với Hồ Thanh Cang, Nguyễn Kim Hằng, Nguyễn Hoàng Minh (Minh “Nhí”), Lưu Tấn Liêm,…Thực Phẩm thì nối tiếng về hàng thủ thép với những hậu vệ Dư Tân, Đỗ Cẩu (thân phụ Đỗ Khải), và cựu thủ môn tuyển miền Nam Trần văn Đực.
Trong khoảng 1980-1991,các CLB miền Bắc giữ thế áp đảo tại giải VĐQG, ngoài Tổng Cục Đường Sắt vô địch lần đầu tiên và CLB Quân Đội 4 lần vô địch, Công An Hà Nội và Công Nghiệp Hà Nam Ninh đều từng 1 lần đăng quang. Cảng Sài Gòn và Hải Quan đem về 2 chiếc cúp cho TP HCM, trong khi Đồng Bằng sông CỬu Long chỉ 1 lần được ăn mừng với chức vô địch của Đồng Tháp năm 1989.
2 ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này là 2 tiền đạo Nguyễn Cao Cường và Nguyễn Văn Dũng. Cường có lối chơi bóng kỹ thuật hào hoa, còn Dũng thi đấu đơn giản nhưng thông minh và hiệu quả. Cao Cường đăng quang ngôi vua phá lưới năm 1983 với số bàn thắng kỷ lục trong 1 mùa giải là 22 (Lê Huỳnh Đức phá kỷ lục này năm 1996 với 24 bàn). Nguyễn Văn Dũng lập 1 kỷ lục khác: 3 lần liên tiếp đoạt danh hiệu Vua phá lưới (84,85,86) (Anh Dũng còn giành danh hiệu Vua Phá Lưới lần thứ 4 vào năm…1998).
Về tuyến phòng thủ thì nổi bật nhất ở VN là thủ môn Dương Ngọc Hùng của Công Nhân Nghĩa Bình, nhiều người đánh giá Hùng là thủ môn xuất sắc thứ nhì của bóng đá VN qua mọi thời đại, chỉ sau có Phạm Văn Rạng.
Không có gì nhiều để nói về đội tuyển quốc gia Việt Nam trong thời gian này. Như đã trình bày ở trên, trong “sổ sách” FIFA thì khoảng 16 năm 1975-1991 là 1 trang sách trống không của đội Việt Nam. Sự thật thì thỉnh thoảng đội cũng có thi đấu quốc tế, nhưng chủ yếu chỉ là giao hữu “hữu nghị”, và đa phần lại chỉ đấu với các CLB (như Bát Nhất Trung Quốc, CSKA Liên Xô), mà chúng ta đều biết 1 trận đấu quốc tế chính thức phải là giữa 2 đội tuyển quốc gia. Các giải quân đội SKDA của những nước XHCN là giải duy nhất mà đội tuyển QG tham dự. Sự kiện bóng đá nổi bật nhất VN trong thập niên 80 là khi nước ta đăng cai giải SKDA 1984 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Năm 1986, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu quá trình “đổi mới” tại Việt Nam. Năm 1989, thể thao Việt Nam lần đầu tiên hoà nhập “làng Đông Nam Á” khi tham dự Sea Games 15 tại Malaysia, giành được 3 huy chương vàng ở môn bắn súng. Tuy nhiên, phải đến Sea Games 16 ở Philippines, bóng đá VN mới chính thức trở lại đấu trường khu vực. Để đến được Philippines, đội tuyển quốc gia đã phải trải qua lắm gian nan. Đầu tiên là do các nhiều thành viên của Ủy Ban Olympic quốc gia không tán thành việc cho bóng đá tham dự Sea Games, lý do là vì nội tình của bộ môn này quá rắc rối, với đủ thứ tệ nạn tiêu cực, tình trạnh “liên minh”, “cho điểm”, “cứu bồ” diễn ra ở khắp mọi nơi…(nhưng không ai xử lý được vì… chứng cứ đâu? Mà... “cả làng” cùng tiêu cực thì lấy ai đứng ra xử đây?
Nhưng rồi cuối cùng, do áp lực của người hâm mộ và từ phía các HLV, cầu thủ, Ủy Ban Olympic đã phải nhượng bộ.
Sau khi được phép dự Sea Games, đội tuyển VN được gọi tập trung, với các cầu thủ nòng cốt thuộc Quảng Nam Đà Nẵng. Nhưng chẳng bao lâu thì rắc rối lại xảy ra. Do chế độ đãi ngộ cho các tuyển thủ quốc gia lúc ấy quá tệ, điều kiện tập huấn ở trung tâm huấn luyện quốc gia thì thiếu thốn đủ thứ, các cầu thủ đã trở nên bất mãn. Rốt cuộc, 11 trụ cột, bao gồm bộ khung Quảng Nam Đà Nẵng: Phan Công Thìn, Bùi Thông Tân, Trương Văn Lợi,…cùng với Trương Văn Dưỡng (Hải Quan), Đặng Trần Chỉnh(CSG),… đồng loạt lên tiếng tẩy chay đội tuyển. Để chữa cháy, Liên Đoàn triệu tập bổ sung hàng loạt cầu thủ CLB Quân Đội và dùng CLB Quân Đội làm nòng cốt thay cho Quảng nam Đà Nẵng. Do là “chữa cháy” nên “nòng cốt Quân Đội” ấy lại bao gồm cả những cầu thủ còn khá non như Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thanh Hải, và những ông già “tứ tuần” như Quản Trọng Hùng. Đến đây vẫn chưa hết rắc rối, do “nòng cốt” Quân Đội không phục HLV trưởng Vũ Văn Tư, rốt cuộc "các vị quan chức" đành phải đưa ông Tư xuống làm phó, và mời HLV trưởng CLB Quân Đội là Nguyễn Sỹ Hiển kiêm chức HLV tuyển quốc gia. Với nội tình “rối như canh hẹ” như vậy, chẳng lạ lùng gì khi tuyển VN thảm bại tại Sea Games 16, thi đấu 3 trận thua 2, chỉ hoà được với đội chủ nhà quá yếu Philippines.
2 năm sau, tại Sea Games 17, tuyển VN có khá hơn, đấu 3 trận vẫn thua 2, nhưng thắng được Philippines 1-0. Tuy thế, nếu như tại Sea Games 16 đội ghi được 3 bàn thì kỳ này chỉ chỉ được 1 bàn duy nhất. Mỉa mai thay là bàn thắng đó được ghi bởi hậu vệ dự bị Nguyễn Văn Long, còn hàng tiền đạo (chính thức lẫn dự bị) gồm Phan Thanh Hùng, Hà Vương Ngầu Nại, Lê Huỳnh Đức thì hoàn toàn tịt ngòi.
Có phải đội tuyển Việt Nam những năm 91-95 yếu hơn đội tuyển VN từ năm 1995 cho đến nay? Xin thưa là hoàn toàn không, tại những Sea Games 16, 17 khi gặp indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam thường chỉ thua khít khao 0-1, 1-2, chứ không phải hứng “rổ trứng”, chứng tỏ trình độ 2 bên cũng tương đương nhau. Thậm chí tại vòng loại World Cup 1994, Việt Nam từng hạ indonesia 1-0 (bàn thắng của Lư Đình Tuấn), và chỉ riêng CLB Quân Đội trong chuyến tập huấn nước ngoài năm 1991 cũng đủ sức hòa Indonesia 2-2. Điều ấy cho thấy cái thiếu của bóng đá VN những năm 91-95 không phải là tài năng cầu thủ mà là sự đầu tư và sự quan tâm đúng mức của cấp trên cộng với trình độ của huấn luyện viên. Do huấn luyện viên không biết cách chỉ đạo, lại không chú trọng rèn thể lực, tuyển VN thường hụt hơi trong những trận đấu quyết định căng thẳng. Nếu có được sự quan tâm đúng mức vào thời điểm ấy, có nhẽ thể đội tuyển VN rất có cơ giành huy chương vàng Sea Games, vì trình độ Thailand lúc đó chưa cao lắm.
Bóng đá cấp CLB ở nước ta cũng bắt đầu hoà nhập với khu vực khi Quảng Nam Đà Nẵng (QN-DN) đại diện cho Việt Nam tham dự cúp C2 châu Á vào năm 1992, đó là lần đầu tiên 1 CLB VN tham dự cúp châu Á kể từ chuyến thi đấu của Cảnh Sát năm 1969. Do các đối thủ lần lượt bỏ cuộc nên QN-DN chỉ ngồi không cũng vào được đến vòng 3. Sau dừng bước trước FC Nissan của Nhật. Thành tích vào vòng 3 của QN-DN đã là cao nhất ở VN, vì các CLB của nước ta tham dự các cúp C1-C2, vào những năm sau đều bị loại sớm. Ngay cả khi bóng đá cấp đội tuyển khởi sắc sau năm 1995 thì bóng đá CLB vẫn cứ bết bát trên trường quốc tế. CLB chúng ta thua 1 phần là do trình độ kém nhưng 1 phần cũng vì không có tiền. Nếu như càng vào sâu tại cúp châu Á, thì càng phải chi trả nhiều những khoản vé máy bay, rồi ăn ở tại nước ngoài, không ngân sách CLB nào chịu cho thấu, cho nên tốt nhất là…thua cho xong. Thậm chí có lần sau này đội VDQG là SLNA được quyền tham dự cúp C1 đã ...bỏ cuộc luôn để khỏi phải tốn tiền.
Năm 1992 đánh dấu 1 mốc quan trọng trong làng bóng đá Việt Nam: Cúp Quốc Gia lần đầu tiên được tổ chức, đội vô địch là Cảng Sài Gòn.
Khoảng thời gian 1991-1995 cũng là giai đoạn suy thoái của ông lớn CLB Quân Đội. Quảng Nam Đà Nẵng vươn lên như 1 quyền lực thống trị với chức vô địch quốc gia năm 1992 và cúp QG năm 1993. Tuy nhiên, quyền lực này nhanh chóng suy tàn, và QN-DN xuống hạng năm 1995. Sau chức VDQG lần đầu tiên năm 1986, CSG vô địch lần 2 năm 1994 với 1 hàng tiền vệ bậc nhất Việt Nam bao gồm Lư Đình Tuấn (ngôi sao số 1 VN khi ấy), Võ Hoàng Bửu, và Trần Quan Huy.
Còn tiếp
- 19/07/2024 17:33 - VĨNH BIỆT ANH NGUYỄN PHÚ TRỌNG
- 06/04/2024 13:51 - LỊCH SỬ BÓNG ĐÁ VIỆT NAM (TIẾP VÀ HẾT)
- 04/04/2024 12:16 - Lịch sử bóng đá Việt
- 03/04/2024 06:01 - Bình Lựng bóng đá bài 3
- 31/03/2024 19:46 - bình lựng bóng đá bài 2
- 30/03/2024 02:04 - BÌNH LỰNG BÓNG ĐÁ...
- 14/05/2018 12:05 - Đi Đài Loan tiếp theo