Ước Mơ Nhỏ trở lại – Tức là tôi – người biên bài cũng trở lại. Nhẽ chả có gì đáng nói cái vụ trở lại với đa số người. Nhưng với tôi thì trở lại biên Ước Mơ Nhỏ là cả một sự phấn đấu.
Bởi mình quá đát rồi. Già khú đế rồi. U 80 thì chữ nghĩa, suy tư còn hay ho với ai. Con cháu nó cũng bẩu ông nghỉ đi...
Nhưng có 3 lý do rất lý do để miềng trở lại. Thứ Nhứt cái Ước Mơ Nhỏ này tiếp tục sáng đèn. Dù chả ăn nhằm gì với mình. Nhưng cũng là kỷ niệm. Cái kỷ niệm lạ lùng nhất không tự nghĩ ra mà lại là cậu thi công Webmasterr này nói ra là:” Bác nhẽ là một Admin già nhất Việt Nam!
Giời đất! Không có ai làm, hay làm chưa trúng ý nhà Sáng Lập UMN nên mình cứ học mà làm thôi. Chứ phọt phẹt đấy. Hay ho gì! Nhưng cũng là có tý vui vui trong khi các bạn cùng tuổi ông thì lo nhậu, ông thì lo thuốc Nam, thuốc Bắc, riệu ngâm hoặc xe lăn, chống gậy khật khờ... Mình còn gõ phím được là may lắm.
Thứ Hai, "thằng bạn" Thọ Dũng vong niên nó gọi. Trót hứa từ xưa. Làm nốt kiếp này cho tròn lời vàng đá. (Bây giờ nói là Sư Em hắn gọi)
Nhưng lý do Thứ Ba mới là không lăn tăn. Tôi kể luôn đây. Bởi cái sự học Ngoại Ngữ và Văn Hóa là động đến sự cầu thị và sự quí kính nơi tôi. Nhất là liên quan đến hệ phái Nam Tông. Ừ! Liên quan đến một nhà sư tôi vô cùng kính trọng và khâm phục. Tôi đã viết kỹ về Ngài hơn 10 năm trước, khi Sư Ông còn đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Trường Đại Học Sư Phạm Huế. Đó là Hòa Thượng Pháp Tông – tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Thông!
Cũng là cơ duyên, Ước Mơ Nhỏ gặp gỡ với Hệ Phái Nam Tông. Ngày ấy, chúng tôi trao nhưng suất học bổng cho các sinh viên Đại Học Y Dược Huế, các Bác sĩ giỏi tương lai, các trường THCS, tiểu học...ở Huế. Đặc biệt biết đến Chùa Huyền Không Sơn Trung- Nơi Sư Pháp Tông trụ trì đang có những lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo.
Tôi xin copy ra đây một đoạn bài viết hơn 10 năm trước về Ngài Pháp Tông để rõ vì sao tôi khâm phục triết lý dạy học của Sư Ông:” Đi sâu vào chương trình học. Về văn hóa, các Thầy Cô trao đổi rằng: Với chương trình học Phổ thông hiện tại, các em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa thật khó lòng có điều kiện học thêm ở các trung tâm cho nên kiến thức không bao giờ theo kịp các em học sinh ở thị trấn và thành phố. Những tháng hè, các em có thể đăng ký học miễn phí, củng cố kiến thức. Riêng với hệ thống các lớp Anh Ngữ của Huyền Không, Hội đồng Anh Văn, Ban Giám Hiệu đã có những bước đi đột phá: ”Sau khi xem xét và khảo sát, nghiên cứu sự học ngoại ngữ ở các quốc gia lân cận và các nước tiên tiến trên thế giới, năm nay, trung tâm Anh Ngữ Huyền Không có những bước thay đổi cách dạy và cách học. Cụ thể, chương trình học sẽ chú trọng tập trung vào việc học kỹ năng nghe và nói. Việc kiểm tra, thu hoạch cũng theo 4 kỳ (2,5 tháng/kỳ). Hội đồng giáo viên họp, thảo luận, thống nhất biên soạn giáo án và sách học phù hợp với phương pháp học mới…”(trích báo cáo)
Có thể nói, từ ngày Thượng Tọa Pháp Tông nhận trách nhiệm Chủ trì chùa Huyền Không Sơn Trung, từ việc bố trí, thiết kế không gian đến phát triển sự nghiệp Hoằng Pháp ở lĩnh vực giáo dục có những bước đột phá rõ rệt...” (xin xem đầy đủ bài ở đây: http://www.uocmonho.com/index.php?option=com_content&view=article&id=584:bai-tim-hieu-pg-7-huyen-khong-son-trung-va-su-nghiep-trong-nguoi&catid=105:chuyen-hang-tuan&Itemid=900
Cái tài nhất ở đây là các lớp học đều miễn phí.
Cái thực tế nhất ở đây chính là các em sau khóa học có kỹ năng NGHE VÀ NÓI nhiều em đã trở thành hướng dẫn viên, lập nghiệp tốt bằng vốn Anh ngữ.
Cũng khoe thêm rằng: Với một người hay bắt bẻ, thắc mắc, tìm hiểu như tôi thì Thầy Pháp Tông chẳng nhưng không giận mà thường cho phép đàm đạo vượt thời gian. Mỗi lần hoàn thành những tiểu luận, đề cương...thầy đều gửi tặng cho tôi và những tài liệu này tôi quí trọng gìn giữ đến bây giờ (xem ảnh chụp).
Kể ra đây để muốn nói rằng cứ nói đến học là tôi thích rồi. Bể học là bao la. Nhưng có bể mà đến, mà thấy mới là ...
Với những đứa con, cháu tôi, tôi cũng chỉ mong một điều: Học! Nhà mình nghèo, không vai vế, không thân thế...các con chỉ còn cách học cho giỏi, cho đủ để có kiến thức, tay nghề mà làm ăn, kiếm sống, nuôi con, thành người...
Chính vì vậy, khi nghe ông Sư Em Minh Phương nhắc đến chương trình học ngoại ngữ cho các Chư tăng và Giới tử, người Giúp việc ở Chùa. Tôi hình dung đó là một chương trình đúng và cần thiết.
Trở lại buổi khai mạc lớp Anh Ngữ tôi vừa dự khán ở Chùa Bửu Long. Thật là nghiêm cẩn và bài bản. Học thật thích vì có cả máy chiếu đàng hoàng. Lớp có 20 học viên gồm Các nhà Sư, Giới Tử, Người giúp việc, Người Công quả...Mỗi người ở một trình độ khác nhau. Hai Cô giáo Đào Ngọc Thanh Uyên và Nguyễn Ngọc Tường Vy – họ là hai giáo viên của trường IELTS Private Tutoring đã tiến hành test từng học viên để có phương pháp truyền đạt hữu hiệu nhất.
Cũng cần nói thêm rằng:” Các cô giáo đi đến từ Nội thành Sài Gòn xa Chùa, nhưng họ đều vui vẻ nhiệt tình nguyện làm Công quả. Nhưng thù lao có cũng chỉ nhận tượng trưng! Vậy còn gì để nói nữa? Bây giờ chỉ có Học và Học!
Tôi hình dung ra: khi một chị làm công quả chăm sóc hoa cỏ ở Chùa, một du khách nước ngoài tới vãng cảnh hỏi thăm về cây, về hoa...Chị làm công thưa gửi và trao đổi tiếng Anh với họ. Rõ ràng, cái câu “Đến để Thấy” thật quá thực tế.
Trong tương lai, Chùa Bửu Long với diện tích hơn 11 Ha, sẽ mở mang ra. Đó sẽ là một ngôi Chùa Nam Tông du lịch.
Hiện chùa Bửu Long với sự lộng lẫy, sang trọng trong lối kiến trúc đã thu hút một lượng lớn tăng ni, phật tử và du khách đến tham quan, khấn viếng hàng năm và đặc biệt đây được mệnh danh là ngôi chùa không nhang khói lớn nhất tại Sài Gòn. Tạp chí Mỹ National Geographic bình chọn vinh danh Bửu Long trong top 20 kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới.
Vì vậy, Chùa cần có (hoặc nâng tầm) giao tiếp Quốc Tế đến từng Giới Tử, Sadi và cả những người giúp việc. Ngoại ngữ - Nhất là tiếng Anh – sẽ là cầu nối, là chìa khóa mở lòng Người với Người, Chùa với Du khách...
Ước Mơ Nhỏ thật vui và Hạnh Phúc, Hoan hỉ khi được đồng hành với Chương trình này ngay từ buổi học ban đầu.
Xà Thú Lành Thay
Hai Cô giáo Đào Ngọc Thanh Uyên và Nguyễn Ngọc Tường Vy trên lớp
Đặng Thọ Dũng bên Sư ông Pháp Tông
Các Thầy, Cô Giáo trong Hội Đồng Giáo Viên Huyền Không
Luận Văn Thạc Sĩ của Hòa Thương Pháp Tông (năm 2013 Ngài đang là Thượng Tọa)
Tác giả được chụp hình với Ngài Hòa Thượng Thích Pháp Tông Trụ trì Chùa Huyền Không Huế
- 16/04/2024 04:26 - TRỞ LẠI CHÙA SÓC LỚN (Phóng sự: Việt Hòa)
- 21/03/2024 08:35 - TRỞ LẠI...
- 15/05/2021 11:47 - Một thời và một người (tiếp theo và hết)
- 15/05/2021 03:33 - Một thời và một người (tiếp theo)
- 14/05/2021 03:39 - Một thời và một người
- 29/01/2018 17:36 - ghi: trao học bổng Miền Tây 1018 (tiếp)