Có lẽ, cuộc đời viết chữ của tôi khó khăn nhất khi viết những dòng bút ký này. Tôi đã chuẩn bị và gõ phím 2 năm trước. Nhưng thật kỳ lạ rằng: có cái gì đó luôn cản trở tôi ngồi trước bàn phím. Lúc thì bận bịu. Lúc thì ốm đau; lúc thì không có hứng thú và nhất là cái cảm giác không nỡ viết ra. Không nỡ viết vì…tiếc!
Tôi cũng tự hỏi rằng: mình tiếc cái gì? Hỏi mãi và câu trả lời chẳng câu nào thỏa mãn.
Gần hai mươi năm…
Tôi quen gã đã gần hai mươi năm. Quen từ cái ngày gã là một nhân viên chạy vòng vèo mới cưới vợ. Mà lạ lắm: gã có vợ nhưng lại vẫn thân thiết với bạn gái cũ. Càng lạ kỳ khi hai người phụ nữ ấy không ghét nhau mà lại thân nhau. Trong khi đó, cái đam mê của gã thật chả giống ai. Mê nhiều thứ lắm! Nhưng mê câu cá thì trội zen hơn cả. Tôi chứng kiến gã ra khỏi nhà, miệng không đánh răng, mặt không rửa kịp…chỉ kịp ghé quán phở mua cho mỗi người trong nhà một bát phở để đó rồi rón rén ôm túi đồ câu cá lòn cửa ra ngoài…đi biệt!
Hồi ấy, tôi cũng mê câu cá. Hứng lên, tôi còn soạn cả sách câu cá. Cùng mê câu, tôi và gã dễ gần nhau mặc dù tôi hơn tuổi gã khá nhiều. Không quan trọng! Câu cá không bao giờ là già hay là trẻ. Nó chỉ có niềm đam mê và…nghệ thuật Lưỡi – Phao – Mồi!
Tất nhiên, dưới con mắt của tôi, ai cũng là bạn câu. Mặc cho họ xuất xứ, hiện tại, tuổi tác hay sang hèn giàu nghèo gì gì tôi chả cho quan trọng. Đối với gã cũng vậy!
Nhưng…cái sự kết hợp thì hai chúng tôi đúng là rất hạp nhau. Tôi rất khá môn căn phao, dọn ổ, chọn dây, lưỡi còn gã thì rất khá món làm mồi câu. Thế là chúng tôi thường gặp nhau ở các hồ câu dịch vụ. Cá câu lên nhiều, đa phần gã cho tặng.
Cách nay hơn 10 năm, một buổi trưa cơm hộp tại chỗ, gã khoe với tôi rằng bản thân có vài triệu đồng. Gã muốn dùng vài triệu này giúp cho mấy đứa học sinh thật nghèo mà ham học. Gã hỏi tôi có biết hoàn cảnh đứa nào thực sự khó khăn mà mong học hành không? Lúc ấy, tôi cười như Tào Tháo nhủ rằng: Mày mang tiền đi cho thì cứ ra đầu cổng, coi đứa nào nhìn lam lũ đi qua thì gọi đưa chứ cần gì phải tìm hỏi!
Nhưng gã lại nói khác:” Em muốn biết rõ nó, còn muốn thỉnh thoảng giúp nó tiếp tục giấc mơ học hành…”. Lúc đó, tôi bắt đầu nghi ngờ cái đầu hơi ấm của thằng bạn vong niên này. Tôi tạt nước:” Làm con người phải tự lực, phải nỗ lực bươn chải kiếm sống. Mày cho nó hôm nay, mài có mà cho mãi được không? Hay chỉ là một phút mày bốc đồng hả Dũng?”.
Tự nhiên, giọng cái gã tên Dũng nhỏ lại bất ngờ:” Nhưng nhìn những đứa trẻ nghèo thất học thì em thương lắm!”.
Tôi nhìn gã thật đáng thương. Bất ngờ tôi bảo:” Mày mà có tiền cho bọn học sinh nghèo thì tao cùng bên cạnh mày giúp sức. Nhưng nói trước là tao cũng nghèo rớt nên chả có tiền phụ cho mày. Tao chỉ bỏ chút công sức. Nhưng cái chính là mày không phải trả thù lao cho tao”. Sau câu nói này, đôi mắt gã sáng lên, gã đưa bàn tay như một kiểu móc nghéo với tôi.
Còn tôi, thừa hiểu sau những phút bốc đồng kia thì thằng em này sẽ trở về thực tại. Tôi vẫn là tôi và sẽ chẳng mất thời gian giúp sức gì cho nó đâu. Chém gió cho vui ấy mà…
Thế nhưng không ngờ…từ câu nói vậy mà tôi theo gã cho tới bây giờ. Coi coi: 4 đời va li kéo hư hỏng vì các chuyến bay, chuyến đi. 3 đời Laptop hư hỏng phải thay đổi. Tôi đang gõ phím đây là cái laptop thứ 4 gã mua trang bị cho tôi đấy! nhanh thật! Thấm thoắt đã 10 năm hơn …
Tất nhiên, chúng tôi có rất nhiều việc cần làm. Cũng y như vụ câu cá năm xưa. Gã lo kinh phí, lo vận động học bổng hàng năm. Còn tôi thì thiết kế web, bài vở, hình ảnh, xê dịch khảo sát học sinh và trực tiếp trao học bổng đến các trường dọc Miền Trung, Biên giới, Miền Tây… Có năm tính ra chúng tôi trao học bổng tới cả gần một tỷ đồng!
Cái ngược nhau duy nhất trong chúng tôi chính là cách nghĩ. Tôi thì luôn muốn thu nhỏ trong phạm vi hẹp vì tôi biết Gã chả giàu có gì đâu, toàn đi xin thôi. Nhưng gã thì luôn mở rộng ra. Mà lạ! mở rộng phạm vi không vì tiếng tăm mà chỉ vì…cả nể và muốn nhiều đứa có cơ hội được động viên đến trường hơn! Rõ ràng: tôi không theo gã thì gã cũng vẫn làm theo cách này hay cách khác không cản được. Nhưng tôi nghĩ có mình, sẽ có ích với gã hơn một tý!
Vậy là chúng tôi bên nhau, một già, một trẻ hơn 10 năm trời đằng đẵng. Những lúc vui, những lúc buồn…
Có những lúc, tôi đã quát lên mắng gã. Nhưng cũng có những lúc gã gằn giọng với tôi. Duy chỉ có một điều trong này không có tự ái, không có dỗi hờn. Những ánh mắt và những nụ cười của bọn trẻ trong cái gia đình Ước Mơ Nhỏ của chúng tôi là cao cả nhất. Những cái bắt tay, những lời xúc động của các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh là sự cảm động thứ 2.
Rồi…không biết từ bao giờ tôi gọi gã bằng 2 từ Anh và Em.
Trong cái bút ký lạ đời này, tôi chỉ chuyên dành nhắc về những kỷ niệm của chúng tôi: Những chuyến xê dịch bất tận đến vùng xa xôi, nghèo khó để nắm tay những mảnh tâm hồn ham học chữ và khát vọng vươn lên. Mặc dù, những việc chúng tôi làm được chỉ là rất nhỏ!!
Chuyến bay đầu tiên của tôi rất lạ. Trời mưa tầm tã. Mưa đến xám nghẹt cả bầu trời. Tôi đã mất công năn nỉ chị bán vé cho ngồi nơi cửa sổ để có thể chụp ảnh thành phố từ trên máy bay. Nhưng tôi thất vọng hoàn toàn vì qua ô cửa sổ chỉ thấy thành phố phía dưới như một đống gạch xếp ngổn ngang trong cái màu xám bạc vụt vờ. Sân bay Phú Bài ngập sũng nước trắng. Những cái bong bóng sùng lên rồi vỡ ra dưới bước chân ai. Tôi đang lơ ngơ trước cửa ra thì một cậu thanh niên ghé tới: Bác là Việt Hòa phải không? Cháu đi đón bác vì anh Dũng còn bận họp!”.
Con xe cũ kỹ lại lao đi trong mưa, băng qua những con đường vắng vẻ và những vạt rừng Tràm, rừng Trổi. Thi thoảng, nước cứ tung lên, quất rột rạt vào ô kính. Cậu tài xế cũng kiệm lời. Sau chừng vài chục cây số thì chúng tôi cũng …vào một nơi giống như rừng núi vậy. Cậu tài xế giới thiệu: Đây là Cảng Chân Mây!
Trời đất! cái Cảng và vùng biển báo chí người ta vẫn gọi là tiềm năng, là gì gì đang trỗi dậy là đây ư? Rồi xe chúng tôi cũng luồn tới một bãi biển trống huơ, trống hoác lèo tèo ít cái lều và hình như đó là quán xá. Mưa lạnh! Quang cảnh vắng vẻ điêu tàn! Gió lạnh lồng lộng muốn bốc vung triền cát! Ánh đèn leo lắt trong màn đêm lờ nhờ màu bụng cá! …Tất cả gieo vào tôi – một con người bình dân căn bản tầm thường một nỗi trống trải và thoắt lo âu. Nhưng duy chỉ một nụ cười thân thiện rất của cậu thanh niên đang cố xi nhan cho chiếc xe đậu vào nơi khuất gió kia làm cho lòng tôi tạm thời yên.
Trong cái nhà tuyềnh toàng tôi bước vào ấm nhất là bếp lửa. Trên bếp cái nồi thật to và xung quanh đen sì như chưa bao giờ cọ rửa, sôi sùng sục bên cạnh một chiếc nồi nhỏ hơn. Nụ cười của Dũng Điệu toe toét như vốn dĩ. Gã nói như khoe:” Em chả biết anh thích món nào nhưng cứ nấu 2 nồi cháo. Nồi này cháo gà, nồi kia cháo cá mú. Anh cứ dùng tự nhiên. Bọn em cũng vừa làm xong. Ăn trước rồi bởi chờ anh hơi lâu!”.
Thế đấy! bay cả ngàn cây số để đêm hôm thể hiện như thế này đây. Thôi kệ, tôi dùng chai thuốc muỗi thoa lên người rồi chìm vào giấc ngủ trong tiếng sóng biển rì rào!!!
Kỷ niệm thật đáng nhớ vì mãi nhiều ngày sau, tôi mới biết mình được tiếp xúc với những con người tiền trạm của PV OIL xây dựng và phát triển kho cảng Chân Mây Huế. Sau này, dù phòng lạnh, lầu cao, xe đẹp đến đâu, nhưng chắc rằng những ngày đầu anh em vừa múc cháo, vừa phủi cát dính trên vạt áo, vừa nhìn nhau chia sẻ thế này sẽ là nhớ mãi!
Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe quay về Thành Huế. Huế vẫn mưa rầu rĩ. Trên xe, liên hệ với anh Hoàng Thành – Phóng viên báo Thừa Thiên Huế để nhờ anh giúp khảo sát học sinh và liên hệ với các trường phổ thông. Tuyệt! anh Thành nhận lời và thật sốt sắng giúp đỡ. Gặp nhau, chúng tôi và Hoàng Thành trong buổi sáng đã lên xong một kế hoạch chi tiết. Cái tên Ước Mơ Nhỏ mà Đặng Thọ Dũng đưa ra cũng bắt đầu khai sinh từ đây.
Xin nói đôi lời về Hoàng Thành: Anh là một nhà báo đầy tâm huyết. Dù khi tôi viết bài này, anh đã qua đời nhiều năm vì bạo bệnh. Nhưng chúng tôi – Ước Mơ Nhỏ nói chung và cái nhân tôi nói riêng cùng các sinh viên, học sinh ngày đầu tiên với học bổng UMN không bao giờ quên anh, công sức và thời gian anh dành cho Ước Mơ Nhỏ. Nền móng kết nối các em nghèo, cơ nhỡ Huế với Quĩ học bổng chúng tôi thì anh xây dựng đáng kể!
Thế là chúng tôi về với Phá Tam Giang, về Sặt, Sịa, Sình, Hương Hồ, A Lưới…Cứ đi và đi. Những bài viết và hình ảnh còn trên web Ước Mơ Nhỏ này đã mô tả rất cụ thể…
Nhưng khi tôi viết những dòng này thì đứa em tôi - Đặng Thọ Dũng, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty Nhà Nước kia đã từ bỏ hết cả; bỏ lại cả gia đình phía sau lưng để vào chùa nguyện làm một chú tiểu, xuất gia xuống mái tóc đã bạc một nửa để qui y Tam Bảo! Thật tiếc thay!
Còn nhiều kỳ
Việt Hòa
Nhà báo quá cố Hoàng Thành
Đặng Thọ Dũng và Cái Trọng AnhTuấn trong lễ khởi công xây dựng trường học ở A Lưới
Và Đặng Thọ Dũng hôm nay.
- 16/04/2024 04:26 - TRỞ LẠI CHÙA SÓC LỚN (Phóng sự: Việt Hòa)
- 22/03/2024 15:10 - NGHĨ VỀ HỌC ANH NGỮ CHÙA bỬU LONG
- 21/03/2024 08:35 - TRỞ LẠI...
- 15/05/2021 11:47 - Một thời và một người (tiếp theo và hết)
- 15/05/2021 03:33 - Một thời và một người (tiếp theo)
- 29/01/2018 17:36 - ghi: trao học bổng Miền Tây 1018 (tiếp)
- 27/01/2018 21:38 - ghi: trao học bổng Miền Tây 1018
- 12/10/2017 00:00 - Trao học bổng tại Nhà Bè - Ngoại thành TPHCM
- 10/09/2017 11:08 - trao học bổng 2017 -2018 : học bổng nơi biên giới
- 29/08/2017 20:22 - Khảo sát vùng biên giới Tây Nam