Chúng tôi gọi chương trình khảo sát để trao học bổng về biên giới Tây Nam chuyến này là “ khởi động chương trình chung tay dìu dắt 5 năm lần thứ 2”.
Gọi là lần thứ 2 bởi lần thứ nhất cách nay 6 năm và 6 năm qua, Ước Mơ Nhỏ đã thực hiện thành công rực rỡ “chung tay dìu dắt ước mơ học đường” và trong số 10 học sinh của gia đình Ước Mơ Nhỏ ngày ấy của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã có 4 em thi đỗ vào Đại Học và Cao đẳng (có bài viết đã đề cập). Một nghiệp xanh và quả ngọt.
Khảo sát đợt 2 này, theo gợi ý của Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh Bùi A
Tuấn, chúng tôi tìm về một vùng biên giới khác của dải Tây Nam – Một vùng biên giới có những đặc thù khá đặc biệt và có phần lãng mạn và với tôi thì còn thấy hơi...là lạ!!
Cái lạ là 3 xã của huyện Trảng Bàng Tây Ninh vốn kề cận Sài Gòn nhưng nó lại nằm sâu hun hút tận ven dòng Vàm Cỏ - vùng sâu vùng xa và có tới 15 km đường biên giới với nước bạn Cam –Pu – Chia. 3 xã này nằm lọt vào khu vực huyện Bến Cầu nhưng lại vẫn là địa danh của huyện Trảng Bàng. Ơ...sao nó không về Bến Cầu nhỉ? Trên xe chẳng ai trả lời tôi. Nhưng bác tài cứ bẻ lái gập ghềnh, nhún nhảy bươn bả đưa con xe về 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu và Bình Thạnh.
Để kịp hiệp đồng chuyến xe này, tôi phải xuất phát từ HCMsớm lắm. 4 giờ 30 đã vùng dậy. Bà nội cháu nghe động qua kiểm tra đã thấy tôi xe máy sẵn sàng. Thằng cháu nội lấp ló sau cánh cửa [lâu nay nó đã giành mất vợ của tôi]. Đi đâu mà sớm thế ông? Đường xa cẩn thận giữ gìn chứ U70 rồi đấy chứ chả bé bỏng gì nữa đâu! Thấy bà nội dặn vậy, thằng cháu tinh vi cũng theo nhời:” Nội à! U 70 Chả bé bỏng gì nữa đâu!”...
Tôi phải đi sớm thực ra chả phải đảm đang hay trách nhiệm ghê gớm gì. Bởi đã hiệp đồng với các anh ở Sở GD Tây Ninh là gặp nhau tại Gò Dầu rồi tìm sang Biên giới lúc 7 giờ sáng cho kịp thời gian.Ôi cái đường Sài Gòn mà đi như người ta thì chỉ có kẹt xe và hết buổi sáng chả biết có tới nơi tập kết hay không. Cũng may, con xe máy gầm cao, máy thoáng, kèn kêu, thắng tốt...
Trở lại chuyện khảo sát lần này, tôi và Bùi Anh Tuấn lên kế hoạch khá kỹ lưỡng. Cũng bởi cái duyên chúng tôi từng làm việc với nhau 6 năm vì bọn trẻ. Phần vì không nói ra nhưng ai cũng thấy cái “đợt 2” này chính là đợt cuối cùng của tôi. Với sức khỏe của mình, tôi biết đã đuối rồi. Thôi thì cố gắng “gầy sòng” với Biên Giới cú chót cho kỹ càng đâu đó để sau này, anh chị em nào nó tiếp tục công việc thì cũng có sẵn bản lề.
Theo tinh thần của Sở GD và Phòng GD Trảng Bàng, chúng tôi sẽ tiếp cận trực tiếp 14 cháu học sinh của 4 trường học tại 3 xã biên giới này. Sau đó, tùy tình hình để tiến hành liên hệ với địa phương và tìm đến gia đình các cháu biết thực tế.
Với bài viết vội này, chúng tôi xin chân thành và nhiệt liệt khen ngợi, cảm ơn các Ban Giám Hiệu, các thầy cô giáo của các trường. Quí vị không chỉ tạo mọi điều kiện cho Ước Mơ Nhỏ tiếp xúc với học sinh mà đích danh các thầy Hiệu Trưởng đã chở học sinh bằng xe máy về nhà, dẫn đường cho chúng tôi đến từng gia cảnh, gặp gỡ Phụ Huynh các em. Thật là hiếm có hình ảnh thầy hiệu trưởng kính trắng, quần xăn chở theo cháu học sinh gập ghềnh trên con đường ấp nhỏ lội lầy. 9 năm làm Ước Mơ Nhỏ, tôi cũng chỉ mới thấy vài lần!
Học sinh đầu tiên tôi tìm về nhà em là cháu Hà Thị Hồng Mơ, trong danh sách của địa phương thì chỉ là hộ cận nghèo. Chị Sáu Lùn – Mẹ của cháu Mơ bán hàng rong. Chồng chị đã mất. Hoàn cảnh cận nghèo vì 3 đứa con đã được bà ngoại nuội phụ cho một đứa (Nếu nuôi cả 3 thì là hộ nghèo luôn).
Học sinh thứ 2 là Đặng Thị Bé Ba, cô bé học rất giỏi nhưng nhà nghèo thuộc ấp Phước Thành xã Phước Lưu. Chị Lê Thị Diệu mẹ của Bé Ba và chồng hàng ngày đi làm mướn. Ngày công mỗi người là 50 ngàn/ngày. Tiếp xúc với chúng tôi, kể vể gia cảnh con đồng, khó khăn mà mắt rưng rưng. Nhưng chị bảo mến cái nết học của con gái nên quyết tâm cho cháu đến trường...
Các cháu Nguyễn Ngọc Phượng, Nguyễn Tiến Thiện, Trà Thị Hồng Như, Nguyễn Thị Hồng Vân thuộc trường THCS Phước Chỉ hoàn cảnh còn bi đát hơn. Tất cả gia đình các em đều không có ruộng đất và đi làm thuê làm mướn. Khi tìm nhà Nguyễn Thị Hồng Vân thì chúng tôi...lạc lối và con đường quá hẹp, lầy lội cùng sâu hun hút xa ngai ngái. Thế là, tôi thì e ngại bùn làm hư hỏng giày tây của anh, còn các anh thì e ngại cho cái tuổi tác của tôi mà đi bộ xa ngoằng. Hai cái e ngại chụm vào và tôi đành tự hứa với mình sẽ tìm đến nhà cháu học sinh này trong một dịp khác.
Đến trường Trung học cơ sở Phước Chỉ. Ngôi trường thoạt nhìn rất khang trang. Khi tôi khen cái “viu” tuyệt vời của trường bên dòng sông Vàm Cỏ này thì các thầy, cô cứ mỉm cười thông cảm cho cái chất nghệ sĩ lãng mạn nửa mùa âm lịch của tôi. Thầy Nguyễn Hoài Phương hài hước giải thích rằng: cứ tháng 8 âm lịch thì lũ của sông Vàm Cỏ tràn vào sân trường. Biên Giới chúng tôi cũng có kế hoạch chống ngập chi tiết chứ chả riêng gì Sài Gòn mới chống ngập đâu.
Khảo sát để cấp học bổng Ước Mơ Nhỏ chuyến này, tôi nhìn thấy một gương mặt quen lắm với chiếc kính cận gọng đen. Tôi bảo thấy cháu quen lắm. Hỏi kỹ thì té ra cậu học sinh lớp 9 này tên là Mang Quốc Sơn – Một hộ gia đình ngèo thật nghèo và cha mẹ Sơn ly dị từ lúc em còn rất nhỏ. Ba của Sơn –anh Mang Ngọc Giang – một gương mặt ti vi HTV trong trương trình căn nhà mơ ước năm nào (chả trách nhìn quen ghê). Căn nhà mơ ước chúng tôi đang đứng trước cửa đây. Nó cũng vốn đơn giản là địa phương cho đất và nhà đài HTV dựng nhà cho. Nhưng cái đặc biệt nơi căn nhà này chưa chắc căn nhà khác đã có là: Nghị lực của một người cha đứng vậy nuôi con mình bằng hai bàn tay làm mướn qua ngày. Đặc biệt hơn: trong căn nhà nhỏ bé này, tôi chiêm ngưỡng hai hàng giấy khen và biểu dương gắn trên tường của học sinh Mang Quốc Sơn. Giương máy ảnh lên ghi lại hình ảnh này, tôi thầm nghĩ: mình thật may mắn được thấy một điển hình của con ngoan – trò giỏi – cha tốt ... dù hoàn cảnh của họ thât nghèo!
Cô học sinh Trần Thị Quý Anh của trường THPT Bình Thạnh thì ba mẹ không còn. Em được ông bà ngoại cưu mang nhưng học tập thật giỏi...
Có thể nói, cái nghèo cứ na ná giống nhau. Nhưng cái chăm học và tìm cách vươn lên để học thì rất khác nhau. Đa số các em và gia đình rất xúc động và biết ơn sự chia sẻ, động viên và giúp đỡ của mọi người. Thật lòng cảm nhận rằng: Khi Ước Mơ Nhỏ xuất hiện, ai cũng cảm động và trong ánh mắt kia tôi còn nhìn thấy cả chút e ngại nữa.
Để kết thúc vài dòng ghi chép vội vàng này, tôi xin dẫn lời phát biểu của Thầy Tạ Kỳ Trung, Phó trưởng phòng Giáo dục Trảng Bàng:” Thay mặt cho những người làm giáo dục nơi đây, tôi xin cảm ơn sự chung tay, chia sẻ của Ước Mơ Nhỏ. Nghĩa cử của các bạn không chi tiếp sức cho học trò, giúp phụ cho gia đình học trò mà còn là niềm động viên khích lệ, là lời nhắc nhở của xã hội đối với những người làm giáo dục chúng tôi. Bác cho tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà tài trợ, các tấm lòng bồ tát cao cả...”.
Hình ảnh thầy Hiệu trưởng Võ Thành Đẹp chở em học sinh trên quãng đường làng
Chúng tôi đứng trước căn nhà mơ ước của HTV và hàng giấy khen "khủng" của Mang Quốc Sơn
Chúng tôi vẫn đi, muốn góp phần đưa các em qua một cây cầu nhỏ...
- 14/05/2021 03:39 - Một thời và một người
- 29/01/2018 17:36 - ghi: trao học bổng Miền Tây 1018 (tiếp)
- 27/01/2018 21:38 - ghi: trao học bổng Miền Tây 1018
- 12/10/2017 00:00 - Trao học bổng tại Nhà Bè - Ngoại thành TPHCM
- 10/09/2017 11:08 - trao học bổng 2017 -2018 : học bổng nơi biên giới
- 18/09/2016 11:24 - Trao học bổng 2016 -2017: Nghĩa tình với nghĩa tình...
- 17/09/2016 00:37 - trao học bổng 2016-2017: Những học sinh cũ trở về...
- 16/09/2016 00:14 - Trao học bổng 2016- 2017: Về trong giông bão
- 14/09/2016 03:18 - Trao học bổng 2016: Đến Hẹn Là Lên!
- 27/08/2016 09:04 - Trao học bổng 2016- 2017: Bắt đầu từ vùng Duyên Hải Nhà Bè