Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Đa cấp: hãy tránh xa

Với một thực tế đau lòng: Cơ quan điều tra vừa thông báo có đến 60 000 người bị lừa bởi một công ty đa cấp mang tên Liên Kết Việt. Danh sách sẽ còn dài ra thêm nữa. Nhà nước cũng đã rút giấy phép thêm 4 công ty đa cấp. Nhưng thực tế thì

 

đa cấp vẫn đang hoành hành ở nhiều làng quê Việt Nam. Chua xót thay, vướng vào loại hình kinh doanh này có không ít học sinh và sinh viên cùng các cụ già hưu trí, CCB…

Hậu quả để lại thì đã rõ. Nhưng, có lẽ còn nhiều người mơ hồ về loại hình kinh doanh này và bao biện cho nó.

Kể từ hôm nay, UNM lần lượt gửi tới các bạn loạt bài về Đa cấp thu thập từ nhiều nguồn; với mục đích giúp thêm cho học sinh, sinh viên trong gia đình Ước Mơ Nhỏ thấy rõ hơn thực tế của loại hình kinh doanh này. Nếu có thể được, xin đừng vướng vào….

Bài 1: Phân tích cụ thể về Kinh Doanh Bán hàng Đa Cấp

Một bọn người định nghĩa rồi làm diễn giả lôi kéo dân tình vào đa cấp khẳng định ngọt ngào và hùng hồn: Kinh Doanh Bán hàng Đa Cấp nói không cần bằng cấp, không cần kiến thức, không cần học hành, không phải làm mà vẫn có nhiều tiền, tương lai đảm bảo, sau một thời gian là chỉ ngồi chơi xơi nước tiền vẫn đổ vào túi.

Chẳng lẽ có phương pháp kinh doanh mới, hiện đại, một phát kiến mới của một nhà kinh tế đoạt giải Nobel nào đó chăng? Nếu lý thuyết này biến được thành hiện thực thì xã hội loài người tiến được một bước dài trong quá trình phát triển của nhân loại, nếu mỗi cá nhân trong xã hội đều có được sự bảo đảm về kinh tế, tài chính chứ chưa cần thịnh vượng thì đó chính là một phần của xã hội lý tưởng mà các học thuyết chủ nghĩa theo đuổi.

Nếu những gì của phương pháp này là đúng thì sẽ có một ngày cả nhân loại không phải làm nhỉ? Dân giàu khắc nước sẽ mạnh, vậy sao nền kinh tế vẫn trồi sụt, nhân loại vẫn phải vật lộn trên con đường phát triển, chưa tìm thấy sự thịnh vượng chung? Sao vẫn còn có người nghèo, sao không phát triển kinh doanh theo phương pháp này, sao không xóa bỏ những tư tưởng cổ hủ, phương pháp kinh doanh lạc hậu theo kiểu truyền thống để đi theo phương pháp kinh doanh cấp tiến này thì có phải một ngày nào đó chúng ta sẽ ở trên thiên đường?

Theo như những thông tin trên trang web cũng như tờ rơi, hay những buổi họp huấn luyện của các công ty đa cấp thì bán hàng đa cấp là phương pháp kinh doanh hoàn hảo. Sản phẩm đi thẳng từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, không mất chi phí quảng cáo, tiếp thị, chi phí hành chính, cửa hàng, sân bãi. Người dùng được hưởng lợi, mua được sản phẩm tốt với giá rẻ vì không tốn tiền cho các khâu trung gian. Có một số người còn quảng cáo những loại thực phẩm chức năng còn chữa được cả bệnh ung thư mà y học ngày nay đang bó tay.  Người bán hàng nhiệt tình là người quen biết, thậm chí có thể là con cái, cha mẹ, anh em ruột thịt trong nhà

Về phía đại lý tham gia được mua sản phẩm với giá rẻ, chiết khấu hơn 25%- 30% so với giá MSRP, có thể dùng cho cá nhân hoặc có thể bán lại. Vốn kinh doanh thấp, không cần có cửa hàng, địa điểm kinh doanh, không cần có bằng cấp, điều kiện năng lực, đại loại là chỉ cần bỏ ra một ít tiền có thể mua được công ăn việc làm, đã thế lại là công việc nhàn rỗi nhưng kiếm được nhiều tiền. Nếu tuyển dụng được thêm đại lý hay chân rết bán hàng sẽ được hưởng lợi, ăn phần trăm trên những chân rết này. Tiếp theo, nếu những chân rết lại tuyển dụng thêm những chân rết khác thì một ngày nào đó ta sẽ lên được 7 tầng tháp, hoặc qua cửu đỉnh là đến tuyền lâm, sẽ ngồi mát ăn bát vàng, chỉ việc ngồi nhà sẽ có phần trăm của những chân rết kia mang lại. Một tương lai tài chính vững vàng, một tiền đồ tươi sáng, cứ cái đà này sẽ nhanh chóng thành tỉ phú.

Về mặt lý thuyết là như vậy. Ta tưởng như phương pháp kinh doanh kiểu này nghe chừng rất tiến bộ, có nhiều điểm hay. Nhưng thực tế là gì?

Chúng ta thử phân tích xem nhé:

1/ Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh độc quyền: vì giá của sản phẩm hoàn toàn bị áp đặt, người mua phải mua với giá đó, cho dù đã là giá đại lý vẫn đắt hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Người mua phải mua sản phẩm đó, phải bán sản phẩm đó, không được bán sản phẩm khác như kinh doanh truyền thống.

2/ Kinh doanh đa cấp không tuân theo quy luật cung cầu: Nếu đại lý chưa bán được hàng đến kỳ vẫn phải mua hàng vào cho dù chỉ để xếp xó, trong khi phương pháp kinh doanh truyền thống là đi theo quy luật kinh tế cơ bản: Cung & Cầu. Nếu thị trường có nhu cầu lớn thì mới mua nhiều vào để bán ra, còn nếu nhu cầu thấp nhất là cho một loại hàng hóa nào đó, hàng ế thì phải giảm nhập, không mua nữa và đầu tư vốn vào loại hàng hóa khác (cho công ty nhỏ), hoặc loại hình kinh doanh, dịch vụ khác (cho tập đoàn)

Đại lý tham gia mô hình kinh doanh đa cấp này là vì choáng mắt bởi tỉ lệ hoa hồng, làm ít mà được hưởng nhiều, phần lớn tham gia vì nghe theo sự dụ dỗ, rủ rê của người quen biết chứ không phải là do nghiên cứu, tìm hiểu? như vậy là trái với quy tắc đầu tư kinh doanh cần phải nghiên cứu thị trường, sản phẩm, đối tượng khách hàng.

3/ Các sản phẩm đa cấp bị đẩy giá quá cao, với giá này không thể bán nổi theo phương pháp kinh doanh truyền thống vì còn đắt hơn giá của sản phẩm kinh doanh truyền thống mặc dù được quảng cáo là giá cạnh tranh hơn vì không mất tiền quảng cáo, tiếp thị, chi phí hành chính, kho bãi, phân phối lưu thông, v....v và v...v. Như vậy có đúng là phi lý không? Nhập nhằng khái niệm, mọi thứ đều được phủ lớp hào nhoáng nhưng thực tế không phải.

4/Quảng cáo về sản phẩm này thường được thần thành hóa, phù phép thành thuốc tiên, đa di năng, chữa bách bệnh, đại bổ, nhưng tất cả chỉ là "truyền miệng", còn trên thông cáo chính thức thì chỉ là thực phẩm chức năng, được quảng cáo là thuốc bổ Mỹ nhưng những loại này hoàn toàn không được thông qua bởi Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Không tin bạn có thể xem ngay trên nhãn mác ghi ngoài lọ thuốc - thực phẩm chức năng đó. Ðây chỉ là các sản phẩm phổ biến hiện nay, bên cạnh đó còn chưa kể đến các loại nồi niêu, xong chảo TQ cũng được phù phép để bán, v...v.

5/ Người kinh doanh ( đại lý) trở thành người tiêu thụ bất đắc dĩ. Muốn gia nhập phải nộp tiền lệ phí gia nhập, hàng tháng phải đặt mua hàng không cần biết có bán được không. Để tống ngần này thứ hàng, thuốc… chưa được kiểm nghiệm vào người quả là dũng cảm và tự tin.

Cho dù bản thân được mua với giá rẻ nhưng thực tế là "mình đang ăn thịt mình", công ty đâu có lỗ hay thiệt gì đâu mà đang dùng chiêu "mỡ nó rán nó".

6/ Mô hình kinh doanh này sử dụng chính con người làm cỗ máy vận hành. Một cái xe ô tô, một đầu tầu xe lửa đều có cái phanh, một nền kinh tế khi phát triển quá nhanh, quá nóng, các chính phủ thường hãm phanh bằng các biện pháp điều tiết kinh tế. Một công ty phát triển thị trường khi có đủ nhân viên, đại lý cũng tạm ngưng tuyển người, nếu không sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh vì cung vượt quá cầu. Thị trường mà có quá nhiều người bán chắc chắn không tốt bằng thị trường mà các đại lý được phân chia ranh giới kinh doanh, địa bàn riêng của mình.

Nếu xe ô tô, tàu hỏa không được hãm phanh sẽ lao xuống vực, gây tai nạn và kết thúc. Mô hình kinh doanh này cũng vậy, không có hệ thống hãm, ngay cả người đứng đầu trên đỉnh tháp cũng không thể hãm phanh được vì cơ chế nó tự thân sinh sản, người sau phải tiếp tục tìm kiếm chân rết, xây dựng các tầng dưới thì họ mới có thu nhập còn nếu không thì là chết, họ chết thì dẫn đến sự sụp đổ của kim tự tháp. Tất nhiên người đứng trên đỉnh tháp không chết vì họ có đủ năng lực tài chính để mở ra một công ty đa cấp khác và lại bắt đầu hút máu của những người bên dưới thông qua các chân rết.

 

Tại sao phương pháp kinh doanh này vẫn tồn tại?

Tôi không có ý định ám chỉ ai vì thực tế trong mỗi con người chúng ta đều có ham muốn được hưởng lợi và không phải làm gì. Đó chính là lý do tại sao các chiêu lừa đảo cũ rích, đơn giản như chơi đỏ đen trên các chuyến xe đò vẫn lừa được khối người. Những đường dây hụi từ bao năm nay năm nào chẵng có chuyện vỡ hụi đau lòng nhưng vẫn tiếp tục vì nó chính là kênh tín dụng cho người nghèo. Lý thuyết nghe ngon ăn, nhưng ít ai phân tích cho họ thấy là mô hình tín dụng này hoàn toàn không an toàn và không bền vững, chỉ cần một người quịt là đường dây vỡ. Chưa kể những chiêu lừa đảo ngày nay đã biến dạng, trá hình tinh vi, được bọc gấm vóc, nhung lụa, vàng bạc, xe hơi đắt tiền bên ngoài, với những người nổi tiếng, cuộc sống vật chất phù du đó đánh thẳng vào lòng tham của mỗi con người. Nhưng khi đã bị lòng tham làm lóa mắt, che mất lý trí thì cho dù ta có học vấn cao đến đâu, kiến thức uyên thâm thế nào, ta vẫn sa bẫy. Phía trên tầng lớp lãnh đạo, tư vấn, nếu được chia phần trăm, cổ phần của một công ty, một nhà khoa học có thể bán rẻ đạo đức của mình. Thực tế ở ta Đa cấp Liên kết Việt mạo danh được BQP chính là sự có mặt của vài ông Tướng, Tá, cán bộ to to...xuất hiện như một kiểu sân sau. Thậm chí, có ông nguyên đại tá thứ thiệt còn làm đến Phó tổng giám đốc cho đại tá rỏm Lê Xuân Hà. ..

Vì lợi nhuận cá nhân, một nhà kiểm toán sẽ đưa ra số liệu sai để bảo vệ lợi ích cá nhân, phía dưới những người đại lý có thể bán rẻ lương tâm, nói quá quảng cáo cho sản phẩm, thêu dệt những điều không có thật, vô tình lôi kéo chính cả người thân, gia đình, bạn bè vào bẫy.

Một số người sẽ phản biện thế tại sao ngay tại Mỹ các công ty đa cấp vẫn tồn tại đó thôi?

Nước Mỹ cũng là nước mà nghề luật sư hái ra tiền và làm việc rất vì tiền. Họ thậm chí hãnh diện, trở nên nổi tiếng hơn, có nhiều thân chủ hơn nếu có thể bảo vệ thành công cho O J Simpson trắng án tội giết vợ hay một bố già mafia nổi tiếng tại ngoại vì những tội ác động trời.

Các công ty đa cấp tầm cỡ có thừa tiền để thuê các luật sư danh tiếng, các giáo sư, nhà khoa học, thậm chí nhà làm luật, làm việc cho mình, lobby chính phủ. Nếu chỉ là một vài nạn nhân chắc chắn sẽ rất khó kiện lại các công ty này, chỉ đến khi dân chúng bị lừa quá nhiều, hậu quả quá lớn, ảnh hưởng ngược đến chính phủ, an ninh, kinh tế của đất nước, họ cũng phải vào cuộc với các phiên tòa nổi tiếng. Tuy nhiên các công ty Đa cấp nổi tiếng này cũng rất khôn khéo, thường dàn xếp ngoài tòa cho các vụ kiện trên.

Ngày nay, do bị chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn và để tránh kiện tụng trong nước, các công ty Đa cấp này bành trướng thị phần ra thế giới, đặc biệt chú ý đến các nước châu Á, nơi dân số đông, văn hóa giao du, dân trí thấp, tâm lý bầy đàn cao, tin vào lời đồn, truyền miệng, cực thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới nhanh chóng, luật pháp còn lỏng lẻo, chưa có đủ chế tài và không có khả năng kiện công ty Mỹ một khi xảy ra chuyện. Doanh thu của các tập đoàn Đa cấp chính là từ đây. (Các nước xứ lạnh do điều kiện thời tiết, nhà thường đóng kín cửa để giữ nhiệt cho ấm, khi ở nhà cũng ít ra ngoài. Dân xứ nóng thường mở cửa nhà cho mát, tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn)

Ở Việt nam, đa cấp sẽ có đất phát triển vì đáp ứng các điều kiện trên. Loại hình kinh doanh này được ưa chuộng vì giúp những người chưa có việc làm, thiếu tự tin có thể trở thành "ông bà chủ, không phải đi làm thuê cho ai hết" hay theo các sách thuyết trình nguyên văn của các công ty Đa cấp là "be your own boss". Từ cô thợ cắt tóc, chị hàng thịt, anh nông dân cũng có thể trở thành ông chủ, được đi nước ngoài dự hội nghị dành cho "lãnh đạo" với những chức danh hoa mỹ được công ty Đa cấp phong. Họ bỗng nhiên cảm thấy có sức mạnh ghê gớm. Các nhân viên vào sau càng lóa mắt với những chuyến đi hội nghị xa hoa, các "lãnh đạo" được chụp ảnh với những chiếc xe đắt tiền và được nói là tặng xe. Trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tài liệu đăng tải trên website của một công ty viết: Nếu lên được chức vị cao, qua được 7 tầng tháp được trợ cấp xe $1000/tháng. Nên nhớ là trợ cấp xe nhé, chứ không phải là tặng nguyên cái xe. Nếu công ty Mỹ này thuê một chuyên viên Mỹ sang làm việc ở Việt Nam, họ còn phải trả nhiều hơn thế. Ngoài tiền lương, họ phải trả gói trợ cấp sinh hoạt xa quê hương (expatriate package) bao gồm tiền di chuyển, nhà cửa, xe cộ, tiền học cho con cái và các sinh hoạt phí khác. Đằng này công ty kia chỉ phải trả có $1000 mà có được một nhân viên làm việc không lương, không phúc lợi xã hội, không bảo hiểm y tế, không có gì cả, tất cả là dựa trên hoa hồng (commission-based). Tất cả những "ông bà chủ" này nếu biết nhìn theo khía cạnh khác chính là những người làm không công, ông chủ thật (hãng phân phối) đã không tốn một đồng xu nào để trả lương, chỉ cần dùng dăm ba mỹ từ để xưng tụng, còn "mỡ nó vẫn rán nó"

Có nhiều con đường làm giàu và tất nhiên ai thích đi theo con đường Đa cấp là chọn lựa cá nhân thì chẳng ai có thể ngăn cản nhưng các bạn sinh viên và học sinh, CCB cũng nên tự hỏi mình mấy câu:

1/ Cái sản phẩm mình định kinh doanh là gì? có đảm bảo chất lượng không? có được một cơ quan kiểm nghiệm độc lập kiểm tra không? chế độ hậu mãi ra sao? hay mình bán cho người tiêu dùng bị làm sao thì chính mình phải chịu trách nhiệm còn công ty phân phối có thể trốn tránh? Sản phẩm này bán giá có cao quá không? nếu bán thẳng theo kênh phân phối truyền thống có bán nổi không?

2/ Liệu mình có thể mời bao nhiêu người làm chân rết cho mình, có bao nhiêu người trước mình? Liệu mình có phải top 5% được ở trên đỉnh không? vị trí thực sự của mình ở đâu? Liệu mình có được thực sự hưởng lợi không? hay là mình chính là những cỗ máy làm việc cật lực để cho tầng lớp 5% phía trên kia hưởng lợi.

3/ Lợi nhuận của hình thức kinh doanh này từ đâu ra? có phải từ phần trăm của các chân rết không? vậy nếu một ngày nào đó các chân rết hoặc chính mình, ăn mãi sản phẩm này rồi không thể nuốt trôi được nữa, tạm ngừng mua vài tháng hoặc một năm thì mô hình này còn hoạt động được không?

4/ Những câu hỏi này thuộc về đạo đức cá nhân:

Liệu mình có phải dụ dỗ, lôi kéo, thuyết phục người thân, gia đình, bạn bè tham gia vào cái hệ thống kinh doanh này không? rồi bắt họ phải ăn uống, tống vào người luôn mấy thứ chưa được kiểm nghiệm đó không? (mấy cái kiểm nghiệm của công ty không được tính mà phải là kiểm nghiệm của trung tâm quản lý chất lượng sản phẩm) Liệu mình có muốn trở thành một thành viên trong cái nghành công nghệ kinh doanh đầy tai tiếng Đa cấp này không? Liệu mình có muốn trở thành một người "nên cẩn thận không bị dụ" trong mắt bạn bè không?

 

Bây giờ chúng ta thử làm một bài toán nhỏ:

Nếu tôi phải bỏ ra US$1035 và đặt hàng mỗi tháng thì tôi mới được hưởng lợi. Nếu tôi muốn hưởng lợi của chân rết hay các đại lý cấp dưới thì họ cũng phải đặt hàng thường xuyên như tôi, tức là họ cũng phải bỏ ra $1035 và phải đặt hàng hàng tháng. Điều này cứ tiếp diễn cho các tầng dưới…

Với thu nhập của người Việt nam trung bình, không kể những người có thu nhập cao và phần lớn tập trung ở thành thị, thì bao nhiêu người có thể bỏ ra vài triệu mỗi tháng chỉ cho món thực phẩm chức năng này? Nếu liên tục bỏ ra vậy thì tồn tại được bao lâu? Người mua thì chắc chắn mua vì muốn được bán lại hưởng lợi rồi chứ không phải vì người ta có nhu cầu xài món thực phẩm chức năng đó, họ còn có nhiều nhu cầu khác cao hơn là món thực phẩm xa xỉ đó. Vì vậy sẽ có một ngày số hàng đó bão hòa và không thể bán được, mô hình này sụp đổ.

Còn ví dụ trên Oriflame, tạm dựa hoàn toàn trên báo cáo thường niên của Oriflame để phân tích: (investors.oriflame.com/files/press/oriflame/Oriflame_AnnualReport2012_en.pdf)
Các bạn có thể thấy công ty vĩ đại Oriflame toàn cầu này một năm tạo ra doanh thu gần 1,5 tỉ euro. Trong khi lực lượng bán hàng (salesforce)  lên tới 3,3 triệu! Như vậy, tính rộng rãi ra mỗi một người bán hàng trong 1 năm tạo ra doanh thu 500 euro ~ 14 triệu euro. Thật là con số ấn tượng phải không?  Cho rằng nhân viên bán hàng nhận đc 30% trên tổng số doanh thu thì mỗi người nhận được trung bình 170 euro ~ gần 5 triệu/1 năm. Một mức lương ai mà không mơ ước?

Nhưng hãy nhìn lại cho kỹ: 3,3 triệu nhân viên bán hàng làm việc không công, không chế độ bảo hiểm, đãi ngộ và một năm chỉ tạo ra giá trị 1,5 tỉ euro. Một sự lãng phí nhân lực khổng lồ so với giá trị nó tạo ra. Vì thế mô hình đa cấp hoàn toàn không có đất sống ở các nước phương tây ngay cả khi các chính phủ không có chính sách ngăn chặn nữa (nhưng thực tế các nước này đều có chính sách ngăn chặn đa cấp).

Chốt nhé, đừng có bao biện là bản chất đa cấp nó không xấu. Nó xấu từ trong bản chất cho nên dù hình thức bên ngoài thế nào cũng vẫn xấu chứ không phải ở mỗi Việt Nam nó mới thế.

 

Bài: CTV

ảnh: Sưu tầm

Bài 2: Tâm sự của một số người làm đa cấp.

------------------

Mô hình kinh doanh đa cấp

http://en.wikipedia.org/wiki/Multi-level_marketing

Lừa kiểu kim tự tháp

http://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_scheme

Lừa kiểu Ponzi:

http://en.wikipedia.org/wiki/Ponzi_scheme

 

Các bạn có thể xem thêm DANH SÁCH DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP được CỤC QUẢN LÝ CẠNH TRANH NIÊM YẾT CHÍNH THỨC TẠI ĐÂY: http://vca.gov.vn/DNBHDC.aspx?CateID=424

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất