Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Nhật Ký Hà Giang: những dòng về Tam giác mach

Như tôi đã thưa chuyện, bài cuối về Hà Giang này dành cho Tam Đứt Mạch. Tôi gọi chuyến đi Tam giác mạch này là như vậy. Hãy coi đó là câu nói của riêng tôi.
.
Đứt mạch vì nghẽn mạch giao thông, hụt hẫng khi bị cản mũi bởi hàng chục xe máy mà người ngồi trên nó nó hưng phấn giang tay bơi trong mù ảo và la hét như tinh tinh mất chuối. Đứt mạch bởi những luống hoa Tam giác mạch bị nhàu nhò, mất đi cái đẹp mong manh và tinh khôi của núi rừng biên ải. Đứt mạch bởi rác thải và nhất là đôi sự chặt chém cùng với không ít những chửi thề, văng miệng…rất láo và hỗn hào của phụ xe, của tài xế và những thanh niên muốn chứng tỏ đang là Con…người.

Tất nhiên, cũng có thể bài viết này làm cho vài bạn đang hăm hở lên Tam giác mạch trên đấy địp lễ hội này chùn bước và đứt mạch nhiệt tình. Nhưng thành thật xin lỗi là tôi không cố ý để các bạn nản lòng. Bởi lẽ, các bạn lên hay xuống không ảnh hưởng hòa bình gì tới tôi. Tôi cũng không mong thay đổi được các bạn. Ngược lại, sau khi dấn thân với những chuyến đi trong đời này, tôi cứ cầu nguyện, mong muốn và phấn đấu cho bản thân mình tự thay đổi để chung cùng với mọi người.

Cũng chính vì vậy, tôi thể hiện bài này sẽ không giống ai.

Bởi…nếu "giống ai" thì cần gì tôi gõ phím mà bao nhiêu năm qua, các bạn chỉ cẩn vài cú nhấp chuột đã ra hàng đồng từ ngữ, lời lẽ, cảm xúc…rất đẹp và hoa mỹ về Hà Giang, về Tam Giác Mạch, về núi rừng Tây Bắc.

Vậy đó. Bây giờ là tôi sẽ kể…

Cũng như 2 bài Hà Giang trước, tôi lại bắt đầu từ ông tài xế. Với tôi – đời đít nhọn luôn xê dịch thì bác tài xế là quan trọng nhất. Quan trọng bởi mình lên xe là phó mặc tính mạng cho hắn. Thật ơn nhờ đức Cậu, tôi chuyến này vẫn gặp một tài xế tố hảo (rất tốt). Chỉ hèm mỗi điều khi rủ gã sẵn xe tuông từ Hà Giang về Hà Nội luôn thì lão lắc như rang lạc mồm liên tục bà xã không cho.

Sau khi ngồi yên vị trên xe một phát là ông tài chững chạc hất hàm:” Bây giờ chúng mày muốn đi đâu. Đồng Văn có hơn chục xã và 2 thị trấn, chúng mày định đi đằng Lũng hay đằng Sính đàng Sủng?”. (He he: Lũng là Lũng Cú, Lũng Phìn, Lũng Táo, Lũng Thầu Tủng…Sính Sủng là: Sính Lủng, Sủng Là, Sủng Trái… ).

Chúng tôi đồng thanh: Chỗ nào có nhiều hoa Tam giác mạch đẹp ấy. Chuyện nhỏ! Hà Giang quê tao chỗ nào Tam giác mạch cũng đẹp lố. Đẹp nhất đoạn lên Lũng Cú vì tao thấy bọn người Kinh hay dừng ô tô chụp đấy. Cả đám cưới nữa. Nhưng tao biết nhiều chỗ đẹp hơn nữa vì xa lắm đấy. Xa lắm lên cái đám tên là Phượt chúng nó không tìm ra tới cho nên còn nguyên cái đẹp lố!

Đúng là chuyến này gặp Thánh chém. Mà lão chém nhát nào trúng nhát ấy. Vậy là chúng tôi đi.

Cung đường lão chạy quả thật không đụng hàng. Lão bảo:” Con đường 4 C chính bây giờ là tắc nhé. Mình đi đường nhỏ cho nó nhanh”. Thật vậy! đường tuy không đẹp bằng đường chính nhưng chả có xe cộ nào ngoài mấy cái xe máy của bà con dân tộc. Xe chạy cứ ngoắt ngoay, lúc tưởng nó táng vào vách núi đến nơi, lúc tưởng nó tống mình ra taluy hẹp. Đi một lúc thì chị em trên xe choáng. Lại dừng cho ai gọi Huệ thì gọi. Lúc này, nhìn xuống con đường phía dưới nom chả khác gì sợi mỳ tôm loải khoải, xoắn lại rồi duỗi ra tít tìn tịt trong sương mù. Có lúc, trời đang sáng đột nhiên hơi sầm lại. Cái lạnh ập vào cổ áo thì đã rõ nhưng mắt tôi như còn nhìn thấy cả những hạt mù li ti. Cô em Út còn chém lên rằng:” Em quờ tay cũng tóm được mây mù rồi các anh ơi!”. Nói cho ngay, khi về nhà yên vị rồi thì gõ phím mô tả thế này chứ lúc ngồi trên xe ông tài múa vô lăng như thế, tôi là thằng mạo hiểm nhưng cũng chờn như chờn ren vì cái xe cứ như…bay trên mây!

Một đoạn khác, chúng tôi dừng xe bởi bạt ngàn xanh rau cải. Bỗng tiếng khèn vang lên. Ơi bài ca đỉnh núi:

Hơ hơ ....ơ ơ.......hơ hơ ....
Đầu trời có sao chiều, sao sớm
Đầu núi kia có ớ ...ơ... hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có... sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu ... nhau…

Gần như toàn bộ những người trong xe của chúng tôi hát theo điệu khèn trừ ông tài xế. Mà cũng lạ, điệu khèn sao da diết thế. Nó làm cho không chỉ riêng tôi bâng khuâng…

Lão tài xế cười khơ khơ:” Lãng mạn như chúng mày thì tí nữa về núi đôi mà ngắm hai gò bồng đảo của Hà Giang”. Tất nhiên rồi. Đó là nơi mà ai đi Hà Giang không thể bỏ qua. Nhưng đường về đó còn xa và bay giờ chúng ta đến với Tam Giác Mạch.

Con đường lên bản cheo leo và ngoằn nghèo lổn nhổn những đá là đá. Nhưng hoa dại thật nhiều. Mảnh đất mà con người sống trong đá, chết vùi trong đá là đây. Người dân nghèo khổ lắm! Đất đai đã ít lại khô cằn, người ta lấy đá xếp ngăn các hốc đá, vợt đất hố bên cạnh gom vào để giữ đất trồng ngô. Mỗi năm chỉ có một vụ ngô là cho thu hoạch. Tam giác mạch là một cứu cánh cho cuộc sống của họ.

Tam giác mạch là loài cây thân cỏ, hoa nhỏ và có màu sắc thay đổi theo thời gian. Ban đầu hoa có màu trắng xen hồng, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, ở giữa là hạt mạch. Dần dần, hoa chuyển sang màu đỏ rồi đỏ tím là hoa tàn. Cây Tam giác mạch ban đầu thường  mọc hoang ở các vách núi, sườn đồi. Rồi, dân gieo trồng nó để bổ sung nguồn lương thực ít ỏi của họ. Thêm nữa: thân cây Tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Sau mùa lúa nương, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, khoảng tháng 10, cây  bắt đầu trổ hoa, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì cho hạt. Khi thu hoạch, có thể xay Tam giác mạch thành bột làm lương thực, phục vụ cho bữa ăn chính hoặc nấu với ngô tạo nên rượu. Hoa Tam giác mạch có vai trò quan trọng là nguồn thực phẩm cho bữa ăn chính mỗi ngày của một số gia đình. Hoa Tam giác mạch theo thời gian đã hấp dẫn khách du lịch bốn phương. Người đi ngắm hoa càng nhiều và vài chủ nhân vườn hoa đã trưng bảng thu tiền chụp ảnh với giá 10 k/ người.

Tóm tắt vấn đề Tam giác mạch căn bản chỉ có vậy. Nhưng với tâm trạng, cảm nghĩ của mỗi người về thiên nhiên, về Biên cương, về lòng người…thì Tam giác mạch luôn là đề tài đáng nói.

Với tôi, nhìn những cánh hoa mảnh nhỏ, rung rinh giữa cái rét, cái khô, cái cằn cỗi của núi rừng càng thấy sức sống của nó thêm phần đáng trân trọng và đáng yêu. Dưới Bình minh hay Hoàng hôn hoặc cả giữa trưa nắng gắt gói đi nữa, những nhành hoa Tam giác mạch nổi bật lên giữa gam màu đá xám của Cao Nguyên thấy hoa thêm tăng phần lãng mạn và yêu đời làm sao. Nhất là, trong triền vạt Tam giác mạch lung linh kia điểm xuyết thêm vài bóng hồng kiêu diễm của núi rừng, cúi khoan, vươn nhặt với váy thắm, tà ren. Hoặc nữa: vài em nhỏ ngây thơ quên rét, đầu trần, tay trần và thậm chí cả chân trần theo mẹ, cha lên núi; bé thì nhặt đá sỏi, lớn thì ghè và xoay vần đá, các cô bé thì cuốc bướm xinh xinh lụi hụi xới đất trồng hoa. Nụ cười của trẻ nhỏ tươi nhiên nhị giữa rừng hoa nó cho ta thêm cái cảm giác yên bình rồi nâng tầm thanh thiện quá dễ gần…

Những ngày chúng tôi ở Hà Giang thì hoa Tam giác mạch còn đang đua nở. Trong sương sớm, những bông hoa be bé có cánh hình tam giác còn tụ chút siêu sương. Tôi đã thấy, rất nhiều những nam thanh, nữ tú miền xuôi hòa mình vào những cánh đồng, khoảng ruộng Tam giác mạch hồn nhiên và vô tư thật đẹp.

Nhưng…chuyến đi, tôi cũng thấy có những cô thanh nữ miền xuôi uốn oáy quá nhiệt tình cùng Tam giác mạch. Lạ chưa, nhìn dáng vẻ thì vẫn thấy đẹp nhưng duyên thì chưa bởi cánh hoa thì mỏng mảnh và e ấp, còn dáng điệu và nụ cười của người mẫu thì lại quá tự nhiên, thanh lảnh. Họ ngắt hoa, giẫm lên, xả rác xuống…sau khi đã thanh toán mỗi vị 10 ngàn đồng cho chủ hoa.

Có lẽ (vẫn là có lẽ) trong từng vạt Tam giác mạch kia, hình ảnh phù hợp nhất với thanh nữ thị thành chính là hình ảnh cô dâu và chú rể. Comple đen của chàng trai, váy cưới màu mây chùng thung lũng của giai nhân giữa khoảng nương Tam giác mạch nếu chụp ảnh hất ống kính từ dưới lên ta sẽ được một khung hình hạnh phúc trong bồng mây. Nếu có thể, hãy thêm hai tiểu đồng nâng vạt áo cưới cho nàng…Với một album hình như thế khi trình diễn bằng PowerPoint thì đến …bụt cũng phải ngước nhìn…

Hoa Mạch bắt đầu xuất hiện khi qua thị trấn Yên Minh. Đến Phố Cáo đã thấy vài người đang tự sướng. Đến Sùng Lả thì tỷ lệ tự sướng đã lên cỡ 1000/%. Người ta tự sướng với hoa trên mọi góc độ. Nhìn vài cây chắn bằng tầm vông ngã đổ xiêu vẹo cũng đủ hình dung ra những “dấu chân để lại” phong phú đến cỡ nào. Có lẽ cũng đáng bởi nơi đây hoa rất đẹp. Nhưng khi nghe tôi bình luận về hoa mạch Sùng Lả thì ông tài xế bĩu môi: Mày cảm nhận đẹp kiểu gì vậy? Đẹp nhất hoa Mạch chính là đường lên Lũng Cú đấy.

Khi tôi viết bài này, thời điểm diễn ra Lễ Hội Tam giác mạch còn hơn 1 tuần nữa. Ngược lại, khi tôi dấn thân trải nghiệm cung đường Hà Nội – Lũng Cú …kia cũng đã qua hơn 1 tuần. Tôi đoan chắc rằng: Dù với cách tổ chức khoa học và vận trù như thế nào đi chăng nữa thì chuyện kẹt xe, tắc đường sẽ liên tiếp xảy ra. Bởi lẽ, đường đất Hà Giang thì có hạn. Núi đá không phải là chỗ cho khách du lịch có thể leo trèo. Cả thị trấn Đồng Văn và thị trấn Phó Bảng nơi biên ải kia là rất nhỏ bé. Tiếng là Rừng Núi nhưng cái thung lũng ấy chỉ có bấy nhiêu đất đai và bấy nhiêu nhà nghỉ, khách sạn cùng các dịch vụ. 12.000 khách du lịch đã nghẹt đường và nơi ăn nghỉ trở thành quá tải. Vậy thì, khi con số khách kia vọt thêm lên nhiều nữa trong vài ngày gọi là lễ hội, sự nan giải sẽ là điều tất yếu.

Khi tôi đi trên đường, rất nhiều nhóm thanh niên nam nữ họ dừng xe, tràn ra taluy chụp ảnh, ngắm nhìn. Cảm xúc? Tất nhiên rồi! chúng ta cần trân trọng những phút đấy. Nhưng suốt một chặng đường 147 cây số mà gặp nhiều cảnh cảm xúc ấy và nhất là khi nó ảnh hưởng đến giao thông, đi lại, di chuyển thì xem ra cũng có phần phiền phức.

Với các nhà xe chở khách. Họ không chỉ nhồi nhét khách mà họ còn thêm dịch vụ chuyển hàng hóa, lương thực, thức ăn…từ dưới xuôi lên phục vụ cho ngần ấy con người có nhu cầu ăn ngủ. Những chiếc xe khách chất ngất hàng hóa và lèn cứng người đi kia không biết với ai chứ với người viết bài này thì thực sự chuyến đi trên xe khách là nỗi kinh hoàng. Thú thật, chỉ đến khi chiếc xe khách đỗ lại trước khu phố cổ của thị trấn Đồng Văn thì tôi mới tin rằng mình còn đang…sống.

Bất giác, tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi lên Lào Cai và quãng đường từ Thị xã Lào Cai lên Sapa có 30 cây số nhưng cứ bò từng khúc một bởi người ta đang làm đường. Ngày ấy, thứ 7 và Chủ nhật, khu nhà thờ SaPa cũng kín ken người đi chơi và khách sạn, nhà nghỉ cũng từng “cháy” hết mình. Tôi không nói ngoa rằng: ngày ấy, mấy chàng trai Hơ Mông và cô gái Hơ Mông hình như cũng chỉ là diễn viên hiếm hoi trong mấy cuộc khèn sáo tỏ tình, là ví dụ cho có bên bếp lửa nướng khoai, cơm ống và thịt thui than. Cái đặc sản vẫn chủ yếu là rượu và mấy ông bà Tây ba lô ham xê dịch.

Có lẽ rồi Đồng Văn cũng thương mại hóa thế thôi. Chúng ta – những người ham xê dịch và được truyền tai nhau hay bị lôi cuốn bởi những đoản khúc PR ngập tràn cảm xúc tức thời của mạng xã hội. Thế là, chúng ta đi. Vẫn biết đi xê dịch là hành xác cho mệt. Vẫn biết, đi du lịch là chấp nhận bực mình và chặt chém vì mỗi chuyến đi luôn chứa đựng hai thái cực vui và buồn. Thế nhưng, bỏ ra 2- 3 ngày cho nằm sương, gội gió, chống chếnh say xe hơn say rượu và tìm chút say tình kia liệu có đáng hay không?

Câu hỏi còn đó và mỗi người có câu trả lời cho mình. Riêng tôi, khi nhìn vào cái đề can “Lễ Hội Tam Giác Mạch” cứ cảm thấy có gì đó như từ ngữ của những người làm tour du lịch. Bởi lẽ ở cách dùng từ. Gộp 2 từ Lễ Hội vào hoàn cảnh này xem ra dễ dãi. Lễ cái gì ở đây chứ? Cúng thần Tam giác mạch chăng? Nếu gọi Lễ Hội Nghinh Ông, Lễ hội Tản Viên…là ổn vì trong đó có yếu tố mà người ta cần làm Lễ. Tam Giác Mạch? Lẽ thì nên gọi là Hội thôi. Dù chương trình được cộng hưởng thêm bởi một số loại hình giải trí khác.

Có lẽ tôi hình dung những tình huống kẹt xe, nát hoa…hơi sớm. Thế nhưng vốn là người thường hay xê dịch đến với những Lễ và Hội, tôi thật hơi ái ngại cho chuyến đi này. Chỉ biết nhắn nhủ theo một lời:” Cẩn thận củi lửa ai ơi!!!”.

Với tôi, chuyến đi Hà Giang tâm đắc nhất với lời khuyên:” Đừng lấy gì đi ngoài những tấm ảnh, đừng để lại gì ngoài những bước chân!”.
Đồng rau cải...
Ngô và ong
Tam Giác Mạch...
Đi học về...
Họ yêu nhau...
Và họ cưới nhau...
Những cung đường điệu nghệ...
điểm dừng chân...
Thủ phạm giúp tắc đường...
Những người dân chân chất, hiền lành...
Chợ cũng đông nghẹt rồi...
Bai và ảnh: VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất