Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bài 3: Hòn Đất Kiên Giang - Bên dòng sông, con lộ Tám Ngàn...

  Nơi khảo sát tiếp theo của UMN là trường cấp II Thị trấn. Thầy Đào Văn Phú Hiệu trưởng và cô giáo Sang, phó Hiệu trưởng, chúng tôi có trong tay danh sách 10 em học sinh.
.
Tôi muốn đến từng nhà của các em. Cô giáo Hiệu phó và cô giáo Thanh nhiệt tình đưa chúng tôi băng qua từng cây cầu, từng triền đê để tiếp cận từng nhà em học sinh.

Ở Hòn Đất nói riêng và Kiên Giang nói chung hình như những con đường đều chạy dọc ven sông hoặc ven kênh. Có lẽ từ xa xưa, người ta đã khơi kênh lấy đất đắp lên đường. Những con đường hôm nay cứ trải dài, rợp bóng cây xanh, uốn theo những dòng sông, dòng kênh nhuốm sậm phù sa. Trong lòng sông ấy, những con thuyền, những chiếc ghe từ tam bản đến độc mộc ngược xuôi. Tiếng máy tàu rộn rã xen lẫn với tiếng chào hỏi, nhắn gửi, chúc tụng. Sóng lao xao. Khói bếp dã chiến quấn quýt bên những cột ăng ten dã chiến. Dòng sông thật nao nức nhưng khung cảnh cũng thật êm đềm, mộc mạc. Một con thuyền khuất sau bờ xanh thì một con thuyền khác lại hiện ra lướt trên làn nước vẫn sóng lao xao nhấp nhoáng dưới ánh nắng rạng ngời…

Theo con kênh Đường Hòa, thầy trò chúng tôi tìm về gia đình bác Phạm Huy Cập. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ là một “chuyên gia công nhật” – có nghĩa là cuộc đời bác ai kêu gì là làm nấy. Làm theo giờ, làm công nhật. Mà lạ, nhìn bác, tôi không nghĩ bác là vậy bởi cái điệu cười rổn rảng dễ mến và vầng trán rất cao và thông minh. Hỏi lại thì bác Cập vẫn cười tươi:” Em làm mướn suốt đời mà anh…!”.

Vợ bác Cập (tôi quên không hỏi họ tên) thì mắt nhìn không rõ nên hàng ngày chỉ làm việc nhà và những việc thuê mướn đơn giản. Gia đình có 3 người con. Thật đáng nể khi bác Phạm Huy Cập cho biết 2 con của bác đang học Đại Học Cần Thơ (Đúng như tôi đã nói về sự thông minh). Cháu Phạm Thị Huyền Diệu lớp 7/6 con của bác chính là một trong những học sinh đề nghị nhận học bổng của Ước Mơ Nhỏ. Nói về con gái, hai vợ chồng bác Cập bẽn lẽn khiêm tốn:” Cháu nó học cũng…tương đối!”.

Rời nhà Bác Cập, chúng tôi tiếp tục băng qua những cây cầu và những trảng ruộng đã gặt lúa để đến một con đường đất chạy dài heo hắt. Nhà anh Trần Văn Tạo và chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tôi viết về gia đình anh chị bởi ở họ có những nét thật khác lạ và chân chất. Anh Tạo bảo:” Em quyết tâm làm không từ một nghề gì trước giờ sao vẫn khó khăn quá. Em nuôi heo cũng thua, nuôi vịt cũng bứt vốn. Đành xoay ra làm mướn anh ơi…”. Chúng tôi nhìn anh; Phía sau lưng là cái vách tôn thay tường nhà thủng lỗ chỗ và căn nhà không có một thứ gì gọi là đáng giá. Nghe anh nói mà biết tâm sự làm sao. Vợ chồng người nông, ngư dân chân chất này đến khi nhận ra rằng: họ thua vì không biết nuôi heo, vịt bằng thuốc tăng trọng. Bởi lẽ, với giá cả, mặt bằng chăn nuôi như hiện nay thì một là nuôi phải tính toán khoa học hai là …gian dối tăng trọng thì heo mới cho lãi được. Không nói nhiều đến chuyện của thị trường, chúng tôi ngắm cậu bé học sinh 7/1 Trần Đức Thịnh con của anh chị. Cậu bé sáng sủa, khuôn mặt ánh lên vẻ thông minh đến lém lỉnh. Tướng này thì nghịch ra trò đây. Nhưng mà nhờ giời nếu dạy dỗ, kèm cặp, định hướng tốt thì hắn chính là trụ cột vực dậy cái gia đình này trong tương lai đây. Khi tôi đem điều này chia sẻ với gia đình thì chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Mẹ của cháu Thịnh cười thật hồn nhiên: ”Cháu cũng nghĩ như bác đấy. Vậy nên vợ chồng con ráng cố gắng…”. Tôi xin phép chụp hình chị. Hai mẹ con nép vào nhau trước ống kính và nụ cười của chị thật tươi. Nhìn nụ cười ấy, ai dám bảo trên vai họ, trên lưng họ là muôn sự vất vả vẫn hàng ngày??? (xin xem ảnh)…
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh và học trò
Những hình ảnh chụp vội trên đường...
 
Căn nhà của bác Phạm Huy Cập, cha của em Phạm Thị Huyền Diệu
Cháu Trần Đức Thịnh và cha cháu: anh Trần Văn Tạo
 
Nụ cười của chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn
 
 

--

Ngày tiếp theo của chuyến khảo sát, tôi dành cho hướng lộ 8 ngàn. Bởi vì hướng ấy, tôi được một vị cán bộ trao đổi về mấy trường hợp học sinh thật đặc biệt. Vị cán bộ khi biết tôi đi khảo sát học sinh đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: Nếu để nhận học bổng của các bác thì mấy đứa đấy hoàn toàn xứng đáng. Chỉ có điều cách chỗ này khoảng…40 cây số!”. Tôi chợt nghĩ đến một dạo ở Biên Giới Tây Ninh. Ngày ấy đi tìm đến nhà các cháu cũng xa khủng vậy. Tây Ninh mình có kết quả rồi. Chuyến này hi vọng sẽ như vậy. Mà…dẫu gì cũng có sao đâu. OK lên đường!

Tôi trèo lên con Way tàu mà hơi run nhẹ. Run vì cái nhẽ đường không phẳng phiu lắm và cả cái nhẽ mỗi lần qua cầu xe tưng phát hoảng. (có lẽ cái dạ cầu dốc quá). Xe rời lộ 80 để vào một con đường mang cái tên rất …không giống ai: Đường Tám Ngàn. Cây cầu cũng mang tên 8000 và dòng sông chạy dọc theo con đường cũng mang tên sông…8000. Khoan đã bác tài! Cho tôi dừng giữa cây cầu 8000 này một chút.

Trên đỉnh cây cầu 8000 bài trí lãng mạn như cái tên của nó. Dưới chân tôi là dòng sông 8000 mượt mà đang chảy. Sau lưng tôi, dòng sông quay về Rạch Giá. Trước mắt tôi, dòng sông đi tới Hà Tiên và xa tít tắp tại cái ngã Ba sông sắp tơi kia nó rẽ nhánh về An Giang. Thực lòng, tôi rất muốn đi xuôi theo dòng sông ra biển Hà Tiên…

Tôi hỏi bác tài sao có cái tên Tám Ngàn? Phải chăng có ông nào tên Ngàn, thứ Tám đứng ra xây cầu? Không đâu bác ơi! Nơi đây ngày xưa úynh nhau giữa Công Sản và Quân Mỹ ác liệt lắm. Mỹ họ mở chiến dịch truy càn, truy quét Việt Cộng mà trong phương án đánh vùng ra là 8000 mét (tức 8 cây số đường chim bay thì dừng lại). Từ đó, con sông và con đường này gọi là Tám Ngàn luôn…

Nói rồi bác xe ôm gọi tôi lên xe đi kẻo muộn. Chúng tôi lên đường và nhoang nhoáng bỏ sau lưng từng cây tràm, từng khoảng ruộng, mải miết theo con đường Tám Ngàn hơn chục cây số nữa..

Chúng tôi đến một căn nhà tình nghĩa. Đúng như vị cán bộ nói, chính là nhà của người mẹ Việt Nam Anh Hùng Phạm Thị Khánh. Với Mẹ Khánh, giấy bút của báo chí, của các nhà văn đã viết thật nhiều. Công lao của Mẹ. Tổn thất và mất mát của Mẹ không gì bù đắp. Chồng của Mẹ hi sinh. 7 người con của mẹ cũng hi sinh trong cuộc kháng chiến. Trong đợt phong tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đầu tiên, tên của Mẹ Khánh đứng thứ 5 từ trên xuống sau Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận, mẹ Lê Thị Thư ở Quảng Nam -Đà Nẵng...

Thế nhưng, có ai đã biết đến rằng: anh em, nội tộc gia đình má có tới 33 người ngã xuống, hi sinh trong cuộc chiến và người con gái của má là bà Trần Thị Tư từng là giao liên cho Cách Mạng và cấp trên phải ra lệnh rút bà Trần Thị Tư về…làm dân bình thường kẻo nếu hi sinh nốt thì gia đình hết người nối dõi.

Căn nhà này là nhà tình nghĩa địa phương xây cho mẹ hôm nay cũng đã có chỗ hư hỏng nhưng bài viết này chỉ đề cập đến một thấp thoáng tương lai là đứa chắt ngoại của Má Khánh – Người tôi đang tìm đến: Cháu Nguyễn Thị Mỹ Tuyền học thật giỏi. Tiếp xúc với tôi, mẹ của cháu Mỹ Tuyền nói hồn nhiên nói: ”Tui thấy con bé học sáng dạ lạ lùng. Mỗi năm nó rinh về 2 cái giấy khen. Còn bảng cháu ngoan Bác Hồ thì cũng mấy cái. Đây bác coi…”.

Thật là vui. Tôi thầm cảm ơn vị cán bộ đã giới thiệu. Tất nhiên, trong chuyến khảo sát này tại khu vực, tôi biết thêm cháu Dương Minh Quân. Mẹ cháu là La Ngọc Mãi – Một người phụ nữ Chăm kết duyên cùng anh Dương Văn Hải, nhà thật nghèo, có 3 đứa con theo học…

Thực lòng, sau chuyến khảo sát này, tôi mong được cái kết quả đã nhìn thấy như nơi Biên giới và hơn thế nữa sau 5- 7 năm. Sự kỳ vọng và niềm tin hình như cũng thôi thúc và động viên tôi.

Trong bữa cơm tối tại Hòn Đất để khuya nay tôi lên xe về Sài Gòn, cô Hiệu Phó Minh Sang tâm sự thật chân tình: ”Anh ạ! Đúng là cái duyên. Chúng em – những người làm giáo dục ở đây thật là vui được biết Ước Mơ Nhỏ. Thế là một số cháu có tiền đóng học phí. Anh cho chúng tôi gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo Quĩ Ước Mơ Nhỏ và các nhà thiện tâm anh nhé. Đây là sự động viên kịp thời và rất thiết thực…”
 
Vài hình ảnh:
Con sông Tám Ngàn ngả đi Hà Tiên
Con sông Tám Ngàn ngả về Rạch Giá
Mưu Sinh
Cầu Tám Ngàn...
Cháu Dương Minh Quân
Cháu Nguyễn Thị Mỹ Tuyền và những tấm giấy khen...
 
Kiên Giang-Sài Gòn tháng 10/2015
Việt Hòa 

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất