Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bài 2: HÒN ĐẤT KIÊN GIANG - Về trường chị Sứ

  Tôi có ý muốn dành riêng bài viết này để nói về Chị, nhà văn Anh Đức, Xã Thổ Sơn và ngôi trường mang tên chị Sứ. Bởi lẽ, ảnh hưởng của người Anh Hùng Liệt sĩ Phan Thị Ràng qua tác phẩm Tiểu thuyết Hòn Đất và phim Hòn Đất do chị Ngô Thị Hiệp Ðịnh đóng vai chị Sứ thật mạnh mẽ. .

Khen Hòn Đất? Khen hoài vì tính đến nay, tác phẩm "Hòn Đất" ra mắt bạn đọc đã mấy mươi  mươi năm và được tái bản tới lần thứ tám. Sách cũng đã được dịch và xuất bản nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp,Tây Ban Nha, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản...

Như đã nói ở bài trước, Chị Phan Thị Ràng (tức Tư Phùng) ngoài đời cùng những phẩm chất và khí phách Anh Hùng như chỉ vuốt lại lọn tóc, sửa chiếc khăn rằn quàng cổ, cầm trong tay cái thẻ căn cước mang tên “Chị Sứ” là bước vào trang sách để đời.
Cũng như tôi đã nói, hình ảnh của chị qua ngòi bút của Anh Đức sống động và nhân bản, giản dị nhưng quyết liệt và kiên trung đến độ người đọc như thấy mình nhìn thấy cuộc đời chị có những nét như bao cuộc đời phụ nữ Nam Bộ. Tình cảm của độc giả theo chị cũng thăng hoa với từng trang sách. Điều này khác hẳn cảm giác xào xạo khi đọc đến “em bé đuốc sống” hay câu hát dốt nát “Đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng…anh vẫn đi [Kim Đồng]” (Giặc bắn thì nấp, núp cho an toàn sau đó hẵng đi chứ? Điếc không sợ súng sao?).
Đường đi vào trường Phan Thị Ràng (Chị Sứ) và mộ của chị
 
 
Hôm nay, tôi thật có duyên khi được gặp và đàm đạo với Thạc sĩ thầy giáo Nguyễn Quang Duy, anh là Hiệu trưởng đương nhiệm của trường Cấp II, III Phan Thị Ràng (Chị Sứ). Thầy Hiệu trưởng Duy còn rất trẻ - anh mới hơn 30 tuổi. Thầy Duy bảo: ”Bác còn hơn tuổi cả Ba của cháu. Từ phút này để cháu xưng hô theo kiểu gia đình…”.

Chúng tôi gồm 4 người: Tôi, Thầy Duy, Cô giáo Phụ trách Đoàn và một em học sinh trong đội hướng dẫn, thuyết minh về Chị Sứ, về Hòn Đất, về quê hương Thổ Sơn, Kiên Giang. Chúng tôi thong thả tiến về Hòn Đất – Nơi chân núi là ngôi mộ của chị.

Trên đường đi, tôi quan sát hai bên đường. Con mắt hấp háy của tôi cứ nhìn xa, nhìn gần rồi đầu óc tôi thì chứ dẫn chiếu cái thực tại với …từng trang sách của Nhà văn Anh Đức mà tuổi trẻ trong tôi có lúc đã thuộc làu:” …Hòn Đất nổi lên trên Hòn Me và Hòn Sóc, gối đầu lên xóm, về tháng này trông xanh tốt quá. Bấy giờ vừa sang tháng chạp ta, đã nghe gió tết hây hẩy lùa trong nắng. Cây cối trên Hòn và các xóm nằm liền Hòn vụt rạo rực, tràn trề nhựa sống. Vùng Hòn với những vòm lá của đủ các loại cây ăn quả đều sum sê, nhẫy nhượt. Những ngôi nhà trong xóm, mái lá và ngói đỏ chen nhau coi đông đúc như một thị trấn. Nhà còn cất leo lên triền Hòn thoải thoải, ở xa ngó cứ như những chuồng chim câu, có cái vách ván đã bạc thếch vì mưa nắng, có cái còn mới nguyên, vách lát bằng ván sao nổi lên đỏ sẫm. Xa quá khỏi Hòn một đỗi, là bãi Tre. Thấp thoáng những cây tre đằng ngà cao vút, vàng óng, những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho bao nhiêu năm tháng đã đi qua, mặc cho bao nhiêu gió mưa đã thổi qua.…”

Xóm Hòn Đất ở liền ngay chân Hòn. Cuối xóm là bãi Tre, cách biển vài trăm thước. Sau lưng xóm, còn một quãng vườn cây sum sê, rồi tới sông Vàm Răng. Sông không rộng cho lắm, ngày hai lần, nước sông lớn và ròng theo triều biển, theotiếng bìm bịp kêu nghe tợ tiếng tù và thổi giục. Nhà cửa ở Hòn Đất san sát bên đường, xen vào giữa những vườn mít trái treo vàng xám, giữa những vườn dừa, vườn cau, và những cây ăn trái khác như mãng cầu, lê ki ma, măng cụt…

Người ta bảo ngày mùa đứng ngoài Tri Tôn trông về Ba Hòn thấy giống như hình một cô gái vừa tỉnh giấc nồng nằm trên chiếc chiếu vàng, chân cô gái duỗi ra và đầu nhổm tới phía một dải lụa xanh phơ phớt.". (Trích từ Tiểu thuyết Hòn Đất - Tác giả: Anh Đức)

Những cụm chữ của anh “Gió tết hây hẩy lùa”;cây ăn quả sum sê nhẫy mượt”;bìm bịp kêu tợ tiếng tù và thổi giục thật như nét vẽ giản dị cho tôi hình dung. Và, nhất là tới câu văn dung dị ”Chân cô gái duỗi ra, đầu nhổm tới phía một dải lụa…” thì cái chất bình dân Nam Bộ trong anh không lẫn vào đâu được.

 
Tôi và Duy đi cạnh nhau. Không gian tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng gió thì thào.  Chúng tôi cùng yên lặng lắng nghe lời thuyết minh của cô bé học trò cứ bổng trầm trong gió thoảng. Cô bé hơi run. Có lẽ, lần đầu tiên cô bé tham gia hướng dẫn du khách mà có thầy hiệu trưởng cùng bên. Tôi bảo:”Cháu đừng ngại, cứ nhớ được gì thì nói vậy…”. Cô học trò bình tĩnh lại, giọng cháu bé trong trẻo đếu đều: “…Bác ạ, nơi đây trong khói lửa của cuộc chiến tranh, một xã Thổ Sơn hiên ngang. Mỗi người trên mảnh đất này trong chiến tranh đều là chiến sĩ. Hang Hòn là nơi diễn ra nhiều trận chiến oanh liệt và dữ dội nhất. Trong cuộc ra quân chiến đấu vì độc lập dân tộc đó, chị Phan Thị Ràng cũng là một hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chị sinh năm 1937, bí danh Tư Phùng, tham gia cách mạng từ năm 1950. Chị đã trải qua nhiều hoạt động như trinh sát, phụ trách công tác thanh vận, giao liên ở một số nơi như ở An Giang, Kiên Lương. Đêm 8 rạng ngày 9/1/1962 chị bị địch bắt khi trên đường đi làm nhiệm vụ giữa Hòn Me và Hòn Đất. Kiên trung với Thổ Sơn, với Hòn Đất quê hương và các đồng đội, dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết không chịu đầu hàng. Chị đã hy sinh lúc 01 giờ ngày 9/1/1962 khi vừa bước qua tuổi 25 dưới gốc xoài cách tay con chỉ chưa đầy 10 mét. Còn đây là ngôi mộ của chị…

  

Chúng tôi bước lên những bậc đá thô ráp để đến với hai hàng bia đá ghi tên 960 liệt sĩ của Hòn Đất. Bậc dá vuông vức và chai ráp. Bia đá cũng vuông vức nhưng bóng mịn, hàng chữ khắc tên các anh, các chị lên bia đá rành rẽ, chân phương. Đá dùng khắc bia đều được bà con Hòn Đất chọn lựa, mài tạc từ chính đá của xứ Ba Hòn này. Tôi và Thầy Duy thắp hương. Sự trường tồn của bia đá và những tên tuổi ngã xuống giành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước sẽ còn mãi. Thầy Hiệu trưởng khoát tay chỉ cho tôi từng khoảng kỷ niệm. Thầy nói về những đêm dã ngoại, tri ân lung linh hoa nến nơi đây của thầy và trò. Thầy hào hùng nhắc lại những vở diễn tự biên về Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo, về hang Quân Y, hang Công binh, Hang hậu cần, về dòng suối nguồn và những diễn viên tái hiện hình ảnh chị Sứ, anh Ngạn, Chị Quyên…và đặc biệt, có vở diễn còn đạt huy chương Vàng mà cô học sinh trường Phan Thị Ràng của Thầy đóng vai chị Sứ hiện giờ đang là sinh viên năm thứ…trường đại học điện ảnh…

Chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm trước ngôi mộ chị Phan Thị Ràng. Nơi thờ chị được xây dựng theo kiểu mái nhà vòm có kết cấu giống nhà của người Khơ Me. Gần nơi chị nằm nhất vẫn là Xoài – Một loại cây ăn trái thân thuộc của Nam Bộ và là trái cây đặc trưng ở Thổ Sơn. Bà con nơi đây kể rằng: cách đây hơn 50 năm bọn địch đã treo người con gái Phan Thị Ràng lên một cây xoài và tra tấn chị mấy ngày liền cho đến chết… 

Tôi biết chị linh thiêng. Nhưng tôi không dám cầu xin gì, chỉ khấn xin chị rằng: “ Em mong làm sao sang năm lại về đây với những học sinh nghèo ham học. Có vậy thôi…”. Qua làn khói hương lung linh rồi chao bạt, ảnh chị Sứ mộc mạc - một gương mặt rất Nam bộ vẫn thấy nơi những thanh nữ miền Tây Nam Bộ.

Rồi thầy Nguyễn Quang Duy đích thân chở tôi bằng xe gắn máy băng qua quãng đường 12 cây số về Thị trấn Hòn Đất. Trong câu chuyện đan xen: Hòn Đất là huyện anh hùng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Kiên Giang những năm chống Mỹ chỉ có khoảng 800 nghìn dân, nhưng đã có 110 nghìn người tham gia hoạt động cách mạng, bình quân 10 người đi kháng chiến thì có gần 3 người đã anh dũng hy sinh, hoặc là thương binh. Chuyện về người Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phạm Thị Khánh ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất. Có một bài hát viết rằng ba lần tiễn con đi…nhưng Mẹ Anh Hùng Phạm Thị Khánh thì đã 14 lần tiễn con đi, 14 lần khóc thầm lặng lẽ…và 7 người con và chồng của mẹ hi sinh… (Tôi sau đó đã tìm về tận Bình Sơn – nơi dòng sông Tám Ngàn uốn chảy – có căn nhà tình nghĩa - Xin xem bài viết sau)

Viết về Ba Hòn, về chị Sứ và Ngôi trường Phan Thị Ràng chỉ là chấm phá bởi thời gian tôi lưu lại Hòn Đất không nhiều và còn phải đi tiếp những địa chỉ xa ngái khác. Nhưng đã đến, đã thấy thì cũng nên nhắn nhủ với du khách, với người thương xứ sở Việt rằng: Nếu bạn có thể đi từ Bắc vào Nam, trên lộ 80 từ Cần Thơ về Hà Tiên, ngang thị trấn Hòn Đất sẽ thấy trái núi xanh rì mé tay trái, sát kề bên biển bởi cái cảm nhận mặn mòi trong gió: đó là Hòn Đất! Và cách Hang Hòn không xa là ngôi mộ chị Phan Thị Ràng – Tức Tư Phùng- Tức chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức- Một người con gái mãi mãi tuổi hai mươi với mái tóc dài bất diệt xõa xanh hoài, xanh mãi bên vịnh biển phía tây Tổ Quốc  Việt Nam…
 
Vài hình ảnh: 
 
Tác giả và Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Duy
Học sinh trường Phan Thị Ràng...
Quảng trường trước mộ chị Phan Thị Ràng
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Duy thắp hương trước mộ chị Phan Thị Ràng 
Còn tiếp bài 3
Bài và ảnh: VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất