Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Cảm xúc người đi trước: Hẹn cùng các em

Sau đợt trao học bổng cho các bạn sinh viên và các em học sinh giỏi trong liên đoàn phật tử Huyền Không, Ước Mơ Nhỏ chúng tôi tiếp tục với chương trình trao học bổng “Chấp cánh ước mơ em” 
. năm học 2015-2016 cho các em học sinh nghèo các cấp ở các trường tại Huế. Điểm hẹn tiếp theo chính là trường Trung học Phổ thông Nguyễn Chí Thanh, ngôi trường cấp 3 mà tôi từng theo học,  một trong những “chiếc nôi” không ru nhưng lại từng đánh võng để tôi bay xa hơn, cũng là sợi dây nối đầu tiên gắng kết tôi với Ước Mơ Nhỏ.

Sáng, thức dậy với tư tưởng và dự đinh rằng…thì… là… mình sẽ vẫn đi lâm sàng bệnh viện bình thường như mọi ngày nhưng hôm nay sẽ tự cho phép mình “chuồn” học giữa chừng để cùng Bác Hòa và anh Phú đi trao học bổng… Đang hí hoáy vì đến giờ chuồn như dự định trước đó thì nhận được tin nhắn của anh Phú báo sáng nay không đi trao học bổng, chỉ đi khảo sát và anh Phú đang trên đường đi, rồi hẹn 12h đến Khách sạn Khánh Trang để cùng đi với mọi người. Vậy là tiêu cái ý định chuồn học. Trưa tan học muộn, lật đật về phòng trọ, ăn vội bát cơm rồi qua chỗ hẹn, vẫn bị muộn mất gần nửa tiếng, hệ lụy là trễ hẹn với sư thầy Thượng Tọa Pháp Tông 10 phút.

Sau khi đón sư thầy, đoàn Ước Mơ Nhỏ chúng tôi băng qua đường tránh để rút ngắn quãng đường đi về trường Nguyễn Chí Thanh, qua khỏi cầu Tứ Phú, chúng tôi ngỡ ngàng trước đoạn đường trải nhựa mới toanh. Hồi trước mỗi mùa mưa lụt về đoạn đường Huế - Sịa băng qua xã Quảng Thọ ngập nước, chúng tôi đều phải đi bằng đường cầu Tứ Phú. Hồi ấy ổ gà ổ voi cũng thi nhau dành đường, chắp vá không biết bao nhiêu mà kể, giờ thì thật phẳng phiu. “Một người làm quan, trăm họ được nhờ” ai đó trên xe đã buông vài câu nửa đùa nửa thật để tạo tiếng cười, phía trước nắng chói rọi xuống mặt đường còn thơm mùi nhựa mới tạo nên những ảnh ảo lập lờ, xe chúng tôi lăn từ tốn không mấy chốc đã tới trường Nguyễn Chí Thanh.

Chúng tôi đến sớm hơn giờ hẹn, sau khi được bác Khoa đánh xe chạy một vòng quanh Sịa để xem Sịa đổi thay ra sao, chúng tôi đến trường Nguyễn Chí Thanh. Nói sao nhỉ, trường mới và đẹp quá chừng! Thầy Nguyễn Văn Lộc và thầy Lê Minh Sơn đang đợi sẵn để đón chúng tôi.

Tại văn phòng các thầy nói sơ bộ về tình hình học tập của các em nhận học bổng Ước mơ nhỏ nói riêng và những thành tích trường đạt được trong năm qua nói chung. Năm học vừa qua là một năm khá thành công đối với thầy trò trường Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi cũng vui mừng thay khi được tin trong tuần này, sẽ có đoàn thanh tra về kiểm tra và công nhận trường Nguyễn Chí Thanh là trường đạt chuẩn quốc gia. Trong một phút chốc nào đó, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, một chút vui, một chút tự hào và cả một chút ganh tỵ với các em học sinh thế hệ sau tôi nữa. Hồi trước lúc tôi còn đang học ở trường, trường nghèo lắm, làm gì mới đẹp như bây giờ, trang thiết bị dạy và học cũng thiếu, đâu có được tiện nghi và đầy đủ như vậy, hồi xưa thư viện bé tí tẹo à, chỉ có khoảng ba hay bốn cái kệ sách gì đó thôi và nguồn sách cũng hạn hẹp. Giờ thì có hẳn phòng đọc riêng, có “in – tơ – nét” để truy cập nữa cơ, còn khang trang rộng rãi thoáng mát. Tôi thấy ganh tỵ với mấy em thật đó. À còn nữa, hồi xưa sân trường thấp trũng, cứ mưa chưa mấy đã ngập trong nước. Học sinh bì bõm lội vào lớp học. Học xong, chưa kịp khô đã phải lội về lại rồi, chưa kể đến “nạn đỉa kinh hoàng làm cả mấy cô trò điêu đứng tái xanh mặt mày nữa”. Bây giờ nước còn không dám tráng qua sân trường nữa. Nói là “ganh tỵ” vậy thôi chứ vui mừng nhiều hơn, mừng vì các em có được phương tiện và môi trường đầy đủ hơn để học tập, trường lớp đầy đủ khang trang hơn chứ các em thì còn nghèo nhiều lắm, có chăng là các em có được một phần nào đó thuận lợi trong việc học thôi.

Không để các em phải chờ, chúng tôi di chuyển ra phòng hội trường tổ chức buổi lễ trao học bổng để kịp giờ trao học bổng cho các em như đã hẹn. Trong dịp này chúng tôi cũng mời em Thiên Kim đến để tiện gặp mặt và trao học bổng cho em luôn một thể. Tại đây, UMN như thường lệ trao 11 xuất học bổng (tính cả em Thiên Kim) mỗi xuất trị giá 2 triệu đồng.  Buổi trao học bổng diễn ra khá là chống vánh. Đầu buổi trao học bổng, thầy Lê Minh Sơn trình bày lại một số thành tích nhà trường cùng các em đã đạt được trong năm học 2014-2015, đồng thời thầy cũng không quên bày tỏ sự biết ơn của nhà trường đối với quỹ Ước Mơ Nhỏ đã đồng hành cũng như giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được học tập tốt hơn. Bác Việt Hòa, đại diện quỹ Ước Mơ Nhỏ phát biểu đôi lời, bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay, trước sự khang trang và hoành tráng của nhà trường, đồng thời nhắn nhủ các em cố gắng học tập.

Sư Thầy Pháp Tông, bác Việt Hòa cùng đại diện nhà trường trao học bổng cho các em và chụp một vài bức ảnh lưu niệm. Em Cao Thị Diệu, đại diện học sinh nhận học bổng gửi lời cảm ơn đến quỹ Ước Mơ Nhỏ, quý nhà hảo tâm và hứa cố gắng học tập tốt. Kết thúc buổi trao học bổng, chúng tôi tạm biệt thầy cô và các em để di chuyển đến điểm hẹn tiếp theo, tất nhiên bác Hòa không quên hẹn gặp lại các em vào năm sau…

Trở lại ngôi trường thân yêu mà tôi từng gắn bó, học tập và rèn luyện…bản thân tôi đan xen nhiều cảm xúc thật khó nói thành lời và cũng khó viết nên thành những dòng chữ…
Đoàn UMN trao đổi chương trình với Ban Giám hiệu trước lễ trao học bổng
Sau lời giới thiệu, thầy hiệu phó Nhà Trường Lê Minh Sơn khai mạc lễ Trao học bổng
Ông Việt Hòa, đại diện Quĩ học bổng UMN pháp biểu
Em Cao Thị Diệu, đại diện học sinh nhận học bổng gửi lời cảm ơn
Thầy Pháp Tông trao học bổng cho các em
Chụp hình lưu niệm

Trường Trần Thúc Nhẫn (Quảng Thọ cũ)

Xe chúng tôi di chuyển ngang qua cổng khu lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh được một đoạn rồi rẽ bánh hướng vào trường THCS Quảng Thọ, nay là THCS Trần Thúc Nhẫn.

 Ngôi trường nghèo mọc lên giữa vùng quê nghèo, dân nơi đây quanh năm quen với bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nay hay tin có quỹ Ước Mơ Nhỏ về lại trao học bổng cho một số em học sinh, phụ huynh vui mừng cũng đến tham dự cùng các em. Sau khi đợi các em đến đông đủ, chúng tôi bắt đầu buổi trao học bổng. Trong hội trường nhỏ, sư thầy Pháp Tông có đặt câu hỏi nhỏ cho các em “Các con học ở trường vậy các con có biết Trần Thúc Nhẫn là ai không?”. Sau một hồi im lặng, cũng có một em bẽn lẽn đứng dậy và nói “Dạ Trần Thúc Nhẫn là một vị anh hùng dân tộc”. Tuy câu trả lời không đi đến được yêu câu đáp án của sư thầy nhưng thầy cũng động viên em vì đã dám đứng dậy, sư thầy giải thích thêm: “Các con học ở trường, các con nên biết người mà ngôi trường mình mang tên là ai, quê ở đâu. Trần Thúc Nhẫn là một vị quan thanh liêm dưới triều Nguyễn, ông là người kiên quyết phản đối hiệp ước hòa hoãn giữa ta với Pháp thời ấy. Đồng thời, ông cũng là một bậc thầy trong học thuật. Và chính quê của ông ở làng Niêm Phò thuộc xã Quảng Thọ mình đây”. Sau những lời động viên cũng như khuyên nhủ của sư thầy, bác Việt Hòa có nói thêm: “Sau khi nói chuyện với thầy hiệu phó đây, chúng tôi dự định năm sau sẽ tăng số suất học bổng lên 20 suất, vì ở đây khó khăn quá, tuy nó không nhiều nhưng chúng tôi hy vọng có thể giúp được một phần thêm một vài em nữa. Nhưng… với điều kiện bà con có đổ xăng thì ghé cây xăng PV Oil đối diện của chúng tôi đổ nhé, cho nó tăng được cái doanh thu, đừng có đổ chỗ khác… nhớ ”. Câu nói của bác Hòa tạo nên một tràng cười vui vẻ.

Sau khi trao học bổng xong cho các em, chúng tôi chào tạm biệt quý thầy và lên xe về lại thành phố, bỏ lại sau lưng những ngôi nhà nhỏ, những cánh đồng nhỏ chưa kịp chuyển đổi. Buổi chiều trao học bổng tạm kết thúc vậy đó, quỹ Ước Mơ Nhỏ đã hẹn và đến đúng hẹn với các em. Và chúng tôi lại có hẹn cùng các em vào năm sau, đúng dịp này, trước thềm năm học mới.
Vài hình ảnh trao học bổng:
Thầy Pháp Tông trò chuyện...
Thầy hiệu phó nhà trường cảm ơn quĩ UMN
Trao học bổng cho các em
 
 Bài: Phan Thị Mỹ Hải
Ảnh: Trần Minh Phú
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất