Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

KHÁNH THÀNH BẢO THÁP ĐẠI GIÁC CHÙA HUYỀN KHÔNG

 Ngày 13, 14 tháng 6 năm 2015, Chùa Huyền Không long trọng tổ chức lễ khánh thành Bảo Tháp Đại Giác. Tham dự lễ có Hòa Thượng Viên Minh, Hòa Thượng Tịnh Đức, Hòa Thượng Hiệu Nhân, Hòa Thượng Thích Khế Chơn…Đại diện cho Hệ Phái Nam Tông, BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; Ban điều hành Hệ phái Nam Tông GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Tăng Ni các Tổ đình, Tự viện, Niệm Phật Đường...

.

Tham dự lễ có các Hòa Thượng và các tăng ni đại diện cho Phật giáo Thái Lan, Lào, Campuchia…

Đến dự lễ khánh thành còn có các vị khách mời đại diện cho Tỉnh Ủy, Ban dân vận, Mặt Trận Tổ quốc Thừa Thiên Huế, Thành phố Huê, Sở Ngoại vụ, Ban Tôn giáo Thừa Thiên Huế, sở Thông tin và Du Lịch Thừa Thiên Huế, các ban ngành địa phương thị xã Hương Trà, phường Hương Hồ, phường Hương An …

Đặc biệt, có sự tham dự của đông đảo Phật tử, đạo hữu xa gần trên cà nước. Quĩ Ước Mơ Nhỏ trân trọng thành kính với lẵng hoa chúc mừng…

Trong bài diễn văn, Thượng Tọa Pháp Tông Trưởng ban Điều hành Phật giáo Nam Tông Thừa Thiên Huế, Trụ trì chùa Huyền Không đọc với lời lẽ khúc chiết, gần gũi nhưng đầy trang trọng và tâm huyết. Thượng Tọa dẫn giải:

...Năm 1993, điện Phật chùa Huyền Không được khởi công xây dựng, đến mùa Xuân năm 1995 hoàn thành và tổ chức Kiết giới, Khánh thành. Trong khoảng chưa đầy 2 năm này, nhà chùa có duyên lành được hai vị thí chủ dâng cúng Xá-lợi của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và đức Thánh tăng Sīvalī: lần đầu vào đầu năm 1994, lần tiếp theo vào dịp lễ Khánh thành điện Phật. Từ thời điểm ấy cho đến gần đây, thỉnh thoảng chư Tăng Ni, Phật tử Nam tông Việt Nam hoặc các nước Phật giáo Nguyên thủy trong vùng cung thỉnh Xá-lợi đến xin cúng dường vào chùa Huyền Không. Và cá nhân tôi cũng đôi lần sang Thái Lan, Myanmar thỉnh Xá-lợi về phụng thờ. Nhu cầu có nơi phụng thờ Xá-lợi đúng mức vì thế ngày càng lớn hơn.

… ba gia đình cư sĩ Phật tử tu học là ông bà bác sĩ Hùng-Hiền, ông bà bác sĩ Hiếu-Hằng và ông bà bác sĩ Trọng-Nhi - rể và con gái của ông bà bác sĩ Hùng-Hiền hiện ở Hoa Kỳ, đã khiến họ phát tâm hoan hỷ cúng dường 60.000 USD để khởi công kiến tạo ngôi bảo tháp tại chùa Huyền Không.

...Thực tế phải sau 7 năm làm việc liên tục công trình mới hoàn thiện. Trong suốt thời gian ấy, không ít lần tưởng đâu phải tạm ngừng. Nguyên nhân chính là do sau khi công trình triển khai được hơn một năm thì kinh tế toàn cầu bị suy thoái nặng nề, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội như giá cả nguyên vật liệu tăng vọt, kéo theo lương công nhân nâng lên liên tục; trong khi đó giá trị đồng tiền tỷ lệ nghịch với đà tăng tốc của hàng hóa. Kinh phí dự trù cho công trình bị đội lên gấp mấy lần; thời gian thi công kéo dài do công trình có kết cấu phức tạp; biện pháp cơ giới không thể thực hiện vì mặt bằng hẹp nên tuy có độ cao như một tòa nhà 8-10 tầng mà phải sử dụng lao động thủ công hầu hết công đoạn. Chi tiết kiến trúc cầu kỳ, lạ buộc phải thử nghiệm  từng hình mẫu trước khi sản xuất đồng loạt cũng góp phần kéo dài thời gian thực hiện.

Ngôi bảo tháp này mô phỏng theo mẫu ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ nhưng kích cỡ thu nhỏ.

Tháp được xây dựng bằng gạch đất sét nung với hệ dầm, cột bê-tông làm khung chịu lực. Bốn tháp phụ mang tính trang trí và đối trọng lực để tạo sự cân bằng cho tháp chính khi có bão lớn và biến động đất. Trung tâm của quần thể kiến trúc là ngôi tháp chính có tầm cao vượt khỏi 4 tháp phụ hơn 10m. Quần thể kiến trúc này thể hiện một phần vũ trụ quan của Phật giáo: Núi Tu-di (Sineru) và tứ đại châu (Đông Thắng thần châu, Tây Ngưu hóa châu, Nam Thiện bộ châu và Tây Ngưu hóa châu). Tháp có một tầng nền làm đế và phía trên là quần thể tháp 5 ngôi. Trong đó chỉ có ngôi tháp chính có không gian bên trong đủ rộng để sử dụng nên được bố trí thành 6 tầng. Hai tầng cao nhất để tôn trí xá-lợi của Đức Phật, xá-lợi chư Thánh Tăng và tượng Phật; hai tầng tiếp theo dùng làm nơi tàng trữ Tam tạng Pālī bằng văn tự các nước, chú giải và sách, tài liệu nghiên cứu Phật học. Hai tầng thấp nhất, một dùng làm Thiền phòng và phòng trưng bày các món quà lưu niệm …”.
 
Vậy là ngôi chùa Huyền Không hàng năm vẫn không ngừng được mở mang, tôn tạo. Nhân dịp này, Hệ phái Nam Tông Thừa Thiên Huế tiến hành Lễ Đặt đá xây dựng Pháp đường và Tăng xá tại chùa Huyền Không vào ngày 15-6-2015.
 
Nói đến chùa Huyền Không ở Hương Hồ, Phật tử và du khách và nhất là những đạo hữu, thí chủ...quan tâm đến dòng Phật học Nam Tông không xa lạ với ngôi chùa nhiều kỷ niệm. Ngay từ sau khi dời chùa từ Lăng Cô về, ngôi chùa hậu thân của Lăng Cô được tạo dựng đơn sơ...
Tháng 3 năm 1993 Thượng tọa Pháp Tông khởi xướng đại trùng tu Phật điện Huyền Không ở Hương Hồ. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành của Tăng Ni Phật tử xa gần, nhất là sự giúp đỡ của Hoà thượng Pháp Nhẫn, Thượng tọa Viên Minh, sư cô Trí Hạnh nên tới tháng 3 năm 1995 Phật sự viên thành.
Chùa Huyền Không lần lượt được Trưởng lão Viên Minh, Trưởng lão Giới Đức, Thượng Tọa Pháp Tông trụ trì.
Ðiều đáng trân trọng là những vị Hoà thượng, Thượng tọa có tên ở trên gắn bó rất mật thiết với Phật giáo Nguyên Thủy tại Huế. Nhờ sự hiện diện của các vị này nên Phật giáo Nguyên Thủy có thế đứng vững chãi và tương đối có tầm cỡ tại thành phố Huế

 Đến Phường Hương Hồ, Hương Trà đi qua cầu Bạch Yến rẽ về trái khoảng 100m du khách sẽ thấy cổng chùa cao lớn, đắp nổi dòng đại tự CHÙA HUYỀN KHÔNG. Chánh điện là một bức hoành phi sơn son thiếp vàng treo trên chánh môn, điêu khắc nổi hàng chữ Pàli: ABHISUNNÀTÀRÀMA.

Chùa Huyền Không gần gũi, lôi cuốn du khách còn ở đường nét hoa văn giản dị, cổ kính, mạnh, trầm hùng và uy nghiêm. Điểm nhấn chính là tượng Phật Thích Ca màu vỏ trứng sẫm, vẻ mặt thanh thoát và từ ái, tay phải đưa lên, tay trái đặt trên lòng bàn chân - với tư thế này Ðức Phật như đang đàm đạo cùng các đệ tử. Dáng dấp tượng có đường nét tương tự mô típ tượng của các xứ Phật giáo Nam Tông nhưng theo nhiều nhà điêu khắc và nghiên cứu thì tượng Ngài thể hiện gần với nguyên bản nơi đất Phật. Chánh điện trang trí đơn giản, thanh tịnh và trong sáng. Phật tử vào lễ Phật trong khung cảnh đó sẽ cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, lắng dịu.

Bên phải sân Phật điện là khu vườn cảnh bố cục tự nhiên có tên là Thanh Tâm Viên: giữa những vầng cỏ lúp xúp có năm ba gốc dương liễu cổ kính, xương xẩu, tàn lá xanh rì. Cạnh những cụm lạc thạch là những lối mòn quanh co lát đá. Mái Lương đình ngói đỏ thấp thoáng sau mấy gốc hoa sứ lão trượng. Cội thiên tuế tuổi tác cả trăm năm cùng cặp thạch đăng xứ Phù Tang xa xôi biểu tượng thanh kiếm, chiếc khiên của một võ tướng Samurai qui phục cửa Thiền đang ngày đêm nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước của Hàm Nguyệt Trì...

Bên hông phải Phật điện là Yên Hà Các - một kiến trúc thu hút sự chú ý của khách thập phương. Vẻ đẹp của Yên Hà Các nằm ở các điểm: đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển; nhiều tầng mái. Công trình này  kết hợp nhuần nhuyễn hai loại vật liệu: bê tông và gỗ, mà đỉnh cao là các bộ cửa gỗ nhiều kiểu cách trang trí.

Cho đến hôm nay, Bảo Tháp  Đại giác đã sừng sững uy nghiêm. Từ trên quốc lộ, người đi đường đã nhìn thấy Bảo tháp Huyền Không vượt lên trên màu xanh thân thương của cây cối vùng Hương Hồ. Nếu đi thuyền trên Sông Hương ngay từ khi qua cầu Lục Miếu để xuôi về Linh Mụ, người ta đã thấy Bảo Tháp của Huyền Không vươn vượt lên, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa màu xanh nền nã thanh bình...
 
Hình ảnh Bảo Tháp chụp từ du thuyền trên sông Hương
 
 
 
Bảo Tháp Đại Giác - Có thể nói, đây là một công trình mang đậm dấu ấn của hệ phái Nam Tông, có những đường nét dân tộc tính. Đặc biệt, Bảo Tháp chính là ý chí tâm huyết của vị sư trụ trì Huyền Không: Thượng Tọa Thích Pháp Tông.

Nhắc đến vị Sư ông giản dị trụ trì Huyền Không, người đời biết đến không chỉ là một nhà nghiên cứu Triết học, một Hiệu trưởng trường Phật học, hiệu trưởng Anh Ngữ mà còn là người cưu mang, rèn dạy cho gần 1000 học sinh nghèo. Cùng với Thượng tọa Giới Ðức và Tuệ Tâm, Sư ông Pháp Tông đã làm những công tác từ thiện xã hội như đóng góp tiền tài để làm đường sá, cầu cống, xây dựng trường mẫu giáo, phát học bổng hằng quí cho con em nghèo hiếu học trong vùng....

Nếu có dịp ngồi đàm đạo với Sư ông, tầm hiểu biết của ta sẽ sáng thêm ra.

(Ðạo Phật dựa trên nền tảng nhân quả, nghiệp báo, luân hồi cho nên nghi thức Nam tông thường được thực hiện để người sống trông thấy, nghe hiểu và thực hành Giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Với triết lý hoa nâng hình ảnh Phật, Nam Tông không giống như những tôn giáo khác. Các tôn giáo khác có ý dựa vào nghi thức tôn giáo của mình để trưng bày, phô diễn hình thức, vừa nặng về tín ngưỡng vừa dễ pha trộn các màu sắc mê tín, dị đoan. Ðạo Phật Nam tông đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Do đó, nghi thức Nam tông không có cúng cô hồn, chẩn tế, xem ngày xấu, ngày tốt…)
 
Hình ảnh 
Thượng Tọa Tuệ Tâm khai mạc Lễ khánh thành Bảo Tháp Đại Giác
Thượng Tọa Pháp Tông đọc diễn văn
Quĩ học bổng Ước Mơ Nhỏ kính tặng hoa chúc mừng
Cầu nguyện...
Phóng sinh...
Yên Hà Các
Xá Lợi trước khi nhập Bảo Tháp
Sư Pháp Tông ân cần thăm hỏi Phật tử

Lễ Đặt đá xây dựng Pháp đường và Tăng xá tại chùa Huyền Không .

 
Bài Việt Hòa; Hình ảnh: Uocmonho @ văn phòng HK

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất