Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap..(nhiều kỳ).

 Nghỉ lễ 30-4 – ngày thống nhất đất nước dài lê thê. Ai cũng hỏi ai ngày ấy mình sẽ nghỉ ở đâu, làm gì nhỉ?
Tất nhiên rồi! Nghỉ dài ngày như thế, không chơi mới là lạ. 
. Nhưng đi đâu, chơi ngoạn nơi nào mới là cần động não. Vé máy bay bắt đầu tăng và dòng người đổ về nhà ga giá rẻ nườm nượp với những gì cần mang, cần xách. Tại quầy làm thủ tục bay giá rẻ, bắt đầu có những năn nỉ, ỉ ôi và bậm trợn, đôi co…cho cái chuyện tay xách 7 ký với kích thước …Cái ông kia bệ vệ phết, vung tay chém gió rằng: tôi đi nhiều lần sao tới bây giờ mới có cái chuyện hàng không củ hành khống chế 7 ký xách tay. Giời ạ! Đôi co thì cả ngày. Một chú trung niên ghé tai ông này biểu: bác đi VN thì nó tính cả hành lý trội vào vé. Còn đây là hàng không giá rẻ, nó tiết kiệm tối đa, chẳng ăn gì ở cái tiền vé triệu bạc HCM –HN  của bác mà nó phải tính đến các phát sinh để thu tiền. Tốt hơn hết, bác chấp hành và đi. Hai là bác qua bển mua vé khỏi lo xách tay tới 12 kg. Không ai cho không ai cái gì cụ ơi. Bao cấp qua từ tám hoánh!”. Bác già xem ra hiểu nhanh (IQ cao phết). Bác già này hiểu, kép theo một mớ hành khách lần đầu đi xe đò trên không giá rẻ cũng noi gương kiểm soạn túi xách, dây đeo. Rốt cuộc, thùng rách được bữa nặng nề…

Nhìn cảnh ấy, mình không ham phượt hàng không nữa. Mang tiếng bay nhanh nhưng làm thủ tục, delay thì cam khổ. Xoay cách khác vậy: Nóng bức kiểu nòng Nam, gió Chướng thế này biển Vũng Tàu, Phan Thiết chắc ngập tràn đầu đen và rác trắng. Thôi chả ham thò đầu vào mấy cái máy chém giá phòng, giá ghế…

Tại chỗ ứ? Chùa triền chắc chả còn khoảng nào mà cho người thư giãn đâu. Khói hương xì sụp chắc phát ho hen. Nghĩ mà thương mấy ông sư bị vây quanh bởi nhang khói, mùi người và bầu không khí ập tràn những vi rút siêu vi B, C…cùng những câu hỏi, lời giải thích muôn ngày như một. Chả ham chùa nữa!

Các khu vui chơi? Suối Tiên dịp này tiên chân ngắn đùi to cạnh tranh với tiên chân dài đông nghịt. Khu vực Dinh Độc lập, Sở Thú thì khỏi nói: từng đoàn quân hùng binh sẽ rầm rập diễu hành. Những màn trình diễn hoành tráng sẽ xuất hiện và người xem hiếu kỳ chắc chắn sẽ đông nghẹt cùng khí thế 40 năm. Thôi! Mình thấp bé nhẹ cân có thể không chen nổi…

A!!!!!!!!!!!!!!người ta hướng nội thì mình hướng ngoại. Mấy đứa con mình chúng cũng sang Sing nghỉ rồi. Nhà trơ thần cụ mấy thân già. Xem ra cái thế rầu rĩ gì đâu. Ai đời, cuộc sống lại hướng về cái sổ khám bệnh thường niên?

Chợt chạnh lòng. Mấy lão sếp cũ của mình toàn hứa lèo. Lão thì bảo: bố trí cho anh đi chơi Thái Lan. Lão thì bảo: Cho anh đi Angkor! Nhưng bặt tin như cá gỡ thoát lưỡi câu.

Không có nhẽ mình ngồi đây lầm bầm trách mấy con ma nhà họ Hứa? Phải đi thôi! Này bà Osin bán chuyên nghiệp! Có đi Phượt với tôi không hè? Thôi ông đi đi! Tôi có đàn cháu dịp này nó về, nồi chè, nồi cháo…cho chúng là vui rồi!

Gọi cho mấy ông bạn rủ đi Kam. Thằng thì bảo đang uống thuốc Nam, thằng thì bảo Gút…nhõn thằng rảnh thì lại kêu hộ chiếu hết hạn. Thế là một mình mình ba lô lên vai…

 Ừ! Phải đi! Đi để có cái mà viết chứ ngồi chết dí chữ nghĩa nó cùn đi. Mà gì nhể? Mình là kẻ duyên nợ với Kam và bà con Khơ me nhưng viết về Kam và bà con thì thật ít. Bây giờ là lúc làm một thiên phóng sự dài rồi. Chỉ tiếc là giá như phóng sự Kam này của mình viết cách đây khoảng 2-30 năm thì khối chuyện trẻ trung. Thôi thì…đành chấp nhận với tư duy hơi cứng tuổi!

Có nhiều cách đi Kam. Với mình thì càng nhiều cách. Một ông bạn Tây Ninh nhắn mày cứ lên tao. Hai đứa đi theo đường tắt ngày xưa đánh vận động biên giới đấy. Bạn nhắc mình nhớ đến nao lòng những khoảng trống cánh đồng không người cày cấy cỏ dại rậm rề, chỗ vàng úa, chỗ bầm sậm. Xa xa, một con đê nổi thấp nằm chắn ngang cánh đồng. Vượt qua đó chính là phum sóc nước Kam. Đảm bảo bà con cũng còn người nhớ chúng mình. Cứ gọi là “ngày si bồ hóc, tối lăm thôn nhoẹt nhòe”. (Si bồ hóc:  tiếng CPC là ăn mắm brahooc- một loại mắm làm bằng cá sống dậy mùi). Hỏi có còn mìn miệc gì không? Chuyện đó còn là đương nhiên, nhưng mày sợ à? Hơi ngại! Vậy thì mày mua tua du lịch theo đường chính ngạch ấy!

Chính ngạch? Đó là chuyện quá bình thường. Nhưng trên cái xe khách ấy kèm theo là 3 nỗi kinh khủng mà khủng khiếp. Đó là vô phúc mà chỗ ngồi gần cái phòng vệ sinh trên xe thì giời ơi Amoniac! Diễn biến như thế 7 giờ đồng hồ tới PP (Phnon Pênh- viết tắt) thì… Nỗi kinh hoàng thứ 2 là cái ti vi, nó sẽ cử ra hàng loạt những tiểu phẩm hài nhí nhố không thể cười mà chỉ điếc tai. Giống Việt Nam mình, từ đám ma, đám cưới đến đại nhạc hội to nhỏ cứ phải volum hết cỡ. Kênh trên xe không thua. Lỗ nhĩ già mấy người đã chịu nổi? Nỗi bàng hoàng thứ 3 chính là sự chém gió của mấy chị sồn sồn nhà mình. Từ đanh bài, nói xấu chồng, khen con trai, nhớ cháu nội ngoại…tất tật như ngô rang đua với cái máy nói ti vi. Xem vào đó là chửi thế, vung tục của đôi lúc lơ xe vất vả không vừa lòng.

Vậy là mình chọn xe của hãng Kam. Giá khá rẻ nhưng lịch sự phết. Coi giá vé rẻ nhất nhì của cung đường HCM – Siem Reap nhưng các hắn bảo:” Bác cứ đến trước giờ xe chạy 15 phút, tụi con có ghế cho bác nè!”.

Nhưng mà hơi camơrun vì xe chạy 13 tiếng đồng hồ, tới Siem Reap thì tối khuya, ăn ngủ thế nào khi bản thân mình không rành ngoại ngữ? Đứa con gái khi nghe tin bố một mình xuyên phượt kiểu này thì ra công gàn quải. Mặc nó! Mày đừng có tinh vi! Khi mày còn ở trong đầu gối của bố thì tao đây đã bươn chải khắp từ PP –Udong- Cpong chnang- Batdamboong…mà toàn luồn rừng, lội bộ chứ đâu được đi ra nước bạn như một con người? Bậy giờ đi kiểu gì cũng tốt lắm với bố rồi con ơi! Nói dại mồm, có mệnh hệ gì thì thấy cậu bán vé nó bảo rằng: tiền bảo hiểm rất khá. Thêm nữa, khi ấy về chỉ cần là một bình tro… Hay mình lo xa dặn chúng nó rắc xuống khúc sông bến phà Niek Lương xưa nhỉ. Bởi vì, dòng sông này từ đấy dần sẽ tách ra 9 nhánh đổ vào đất Việt mà chúng ta vẫn gọi là Cửu Long 9 rồng! Hào hùng phết nhỉ???

Không cản được nỗi lo lắng của những đứa con, ngay lập tức nó buk khách sạn cho mình. Giời ạ! Tao đi Phượt chứ có cần bể bơi, mát xa với phòng tập đâu mà tốn tiền đặt cái khách sạn to vật? Phí quá đi! Nhưng chúng nó bảo: Để ông già ở cái KS trung tâm chứ chui vô mấy chỗ hẻo lánh coi chừng bị trấn lột đó.

Hặc! mình muốn liều mà không được liều. Ngẫm cái lá số tử vi, cái sao Tả Phù, Hữu Bật nằm thật đắc địa. Đi thôi! Này chú hon đa ôm, chở anh ra phố tây Phạm Ngũ Lão cái nhể…

7 giờ, xe xuất bến. Vi vu và vi vu. Wifi trên xe mạnh dạt dào. Thấy đời như trẻ lại khi nghĩ đến ngày xưa mấy chục năm trước khi đi Kam là chầu chực lên cái xe red thùng quây bằng ghi lỗ dọc đường nắng chang chang, xe nhảy chồm chồm như ngựa chứng.
 
Cửa khẩu Mộc Bài...
 

Trên xe mình đi toàn tây ba lô, người Kam, người Hàn, người Nhật và hình như chỉ có 2 mống Việt Nam là mình với bà đi buôn sim car.

Cái tật người già khi trở về kỷ niệm hay về chốn cũ là hay liên tưởng tới ngày xưa. Mình không phải ngoại lệ. Coi nào: Vẫn dòng sông Vàm Cỏ hiền hòa qua Gò Dầu địa phận Tây Ninh nhưng mấy chục năm trước thấy rộng, thoáng đãng và lãng mạn hơn bây giờ nhiều. Sao thế nhỉ? À thấy rồi! ngày xưa làm gì có nhiều lục bình lộn xộn thế kia. Ngày xưa nước xanh ngăn ngắt chứ không rờn xanh màu lá bèo tây. Thị trấn Gò Dầu Hạ ngày xưa đã tấp nập và sinh động. Bây giờ chỉ thấy tôn quây, dự án, công trình và bụi bậm với đông ken xe máy. Dù đường có rộng ra nhưng ngổn ngang chứ không có cái náo nhiệt thân thương gọn ghẽ của ngày xưa…

Xe nhấn 10 cây số nữa thì đến cửa khẩu biên giới. Mùa khô góp phần cho đất đai thêm hanh hao và khan xác. Bịch nilon quá nhiều. Cửa khẩu Mộc bài đây ư? Khác quá nhỉ! Xem ra, mỗi bên đất nước đều đã cố gắng tô điểm, xây dựng lên khu vực cửa khẩu biên giới một cách qui mô. Lại nhớ ngày xưa ở nơi này những nhánh đường vắng tong teo. Toàn bộ khu vực bề thế hiện nay ngày ấy là một cách đồng bỏ hoang không cày cấy. Cỏ dại, cây dại ngút ngàn, mùa khô xác úa. Chính giữa đường biên giả định xưa là vài khẩu pháo 175 như chìm vào những bao đất, bao cát. Một dẫy lều bạt và lán tre tầm vông dựng vội. Cả đời tôi ngày ấy mới biết như thế nào là biên giới. Cứ tưởng phải có hàng rào dây thép, có tháp canh, có tường chắn, hào chia…như cách phân làng, phân tổng hay ranh giới giữa các gia đình. Ngày xưa, khi chúng tôi băng qua cái ranh giới vô hình biên giới thì trong đầu chợt nổi lên cái câu hỏi hài hước: Thế ra mình đã có số xuất ngoại rồi sao? Ngày ấy, hình như tôi cũng quay đầu nhìn lại đoạn đường mình vừa bước qua: Giống nhau chả khác gì! Vẫn là cánh đồng và cây cỏ ấy. Chỉ khác một chút rằng: Phía đất Việt, xa xa còn có bóng người, còn bên bạn KampuChia thì vắng lặng hoang tàn… . Hình như ngày ấy, trong tôi đã trào dâng lên cái cảm xúc ly biệt. Bởi vì, súng đang nổ và phía xa ấy bên kia, dồng đội của tôi đang từng giờ ngã xuống nhiều và rất nhiều.

Những cậu Thi, Dũng, Khoa…cuộc đời đã từng chấm dứt. Chúng nó cùng lứa, cùng đi với tôi. Cái chết khốn khổ đến độ chôn bạn cũng không dám đắp mồ cao vì sợ Pôn Pốt đào lên trả thù. Có những thằng vừa bổ sung hôm trước, hôm sau đã nằm gọn trong túi nilon tử sĩ. Cuộc chiến không còn thời gian thử thách xem ai chơi được hay ai căn keo bủn xỉn. Thấy nhau là quí rồi! Thậm chí chỉ cần nghe tiếng súng điểm xạ nhịp đôi của anh em mình phía ấy là đã yên tâm, vững dạ và đầy tràn hi vọng. Đêm nằm, nghe tiếng súng ấy, mé ấy như thấy người thân chí cốt khép sườn chia lửa…
Sau này, sau bao nhiêu ngày chiến tranh qua đi. Tôi không còn cái vẻ hăm hở ban đầu của người lính nữa. Đơn giản vì tôi không chịu nổi nước mắt và sự thất vọng trên gương mặt người thân đồng đội mình. Thật khó trả lời khi người thân họ muốn đi tìm xương cốt của những người bạn tôi đã hi sinh. Làm sao tìm nổi một khi rừng, ruộng đã đổi thay mà nấm mồ đồng đội thì không còn dấu vết. Cũng đành chỉ cho họ tìm về nơi qui tập một liệt sĩ vô danh. Thế đó, đời lính có những cái đáng khen, đáng thương nhưng cũng trăm bề đáng trách. Chỉ vì một lý do: chôn vội đồng đội và sợ địch quật một trả thù nên chỉ thầm khấn với bạn rằng: sẽ đào sâu chôn chặt. Vâng! Đến bản thân mình liệu có còn biết sông đến ngày mai hay không nữa. Cuộc đời lính mục, cơm cục, nước đục… làm sao có tầm nhìn cho một tương lai, một ngày mai như quí anh tuyên huấn?

Hôm nay đây, trên những con đường đầy khói bụi của chiến tranh năm xưa, tôi sắp sửa bước qua biên giới không phải bằng ba lô, bằng súng, bằng xà cột dây đeo…mà bằng tấm hộ chiếu màu lá mạ. Nhưng có một điều: ngày xưa, khi qua biên giới chính chỗ này, một bước chân là qua. Nhiều lần qua sau nữa, cũng chỉ thêm cây barie bằng tre nối thêm đoạn tầm vông có cái bảng con ghi dòng: SOTP!. Nhưng bây giờ thì…chờ đợi!...
(Còn tiếp)
ViêtHoa
Voi ở Kam mập hơn voi sở thú nhiều
 
Gặp lại cô bé rất bé ngày xưa nè...

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất