Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Một ngày cùng các em khiếm thị

Tôi cùng với nhóm bạn của mình đã có một ngày trải nghiệm tập thử sức mình với việc che đi đôi mắt, cùng sinh hoạt vui chơi với các trẻ em ở Trung tâm Khiếm Thị 180 Phan Bội Châu, thành phố Huế.
Trước đó, tôi cũng đã từng lên chơi với các em một vài lần, cũng không ít lần tôi tự hỏi mình nếu như không nhìn thấy như các em thì cuộc sống sẽ như thế nào, liệu tôi có làm được như các em – vẫn vui vẻ cười đùa, chạy nhảy như vậy được không? Tôi khá băn khoăn, tò mò, đằng sau đôi mắt khiếm thị ấy liệu mọi vật có còn được cảm nhận đúng như nó vẫn thường được nhìn nhận hay không?...

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, cánh cửa ấy nhìn ra muôn vạn chuyển động của cuộc sống, thiếu đi đôi mắt là thiếu đi một cánh cửa, cuộc sống hiện thực muôn màu trở nên khuyết đi một phần. Lần đầu tiên, chúng tôi được đặt mình vào vị trí của các em, mọi việc hầu như trở nên khó khăn hơn đối với chúng tôi, trước mắt chúng tôi chỉ là một màu đen, một màn tối đen mịt mờ không có phương hướng. Chúng tôi cùng vui chơi với các em trong các trò chơi đơn giản, và một điều không tránh khỏi là các bạn nhỏ này– những người vốn dĩ cần sự dìu dắt của chúng tôi bây giờ trở thành người chỉ đường, nắm tay hướng dẫn chúng tôi. Tạm che đi đôi mắt của mình nên mọi sự tập trung giường như dồn vào đôi tai và đôi tay của mình, tôi cảm nhận được sự ấm áp từ những bàn tay bé nhỏ của các em, từ những ngón tay đan chặt vào nhau, tôi nghe được những tiếng cười đùa háo hức của các em và còn hơn những gì tôi có thể diễn đạt được thành lời… Hẳn các em đã cố gắng rất nhiều, mỗi chữ học hỏi được từ bóng tối khiến các em phải đánh đổi bằng sự phấn đấu nhẫn nại của nghị lực phi thường. Cũng bởi lẽ đó sự cảm nhận cuộc sống của các em trở nên có ý nghĩa hơn. Tuy không còn được nhìn thấy cuộc sống muôn màu như mọi người nhưng các em nhìn nhận cuộc sống bằng trí tưởng tượng của mình, bằng tất cả trái tim của mình. Các em là người vẽ nên những bức tranh cuộc sống của mình bằng cách của riêng các em…

Việc học chữ đối với các em rất quan trọng. Ở trung tâm khiếm thị 180 Phan Bội Châu được theo học các lớp văn hóa bình thường như các bạn, đây là cây cầu nối quan trọng cho các em hòa nhập cùng với xã hội và bước tiếp vào tương lai. Các em như đang sống trong một thế giới ảo, khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin. Các em sẽ không biết được những gì đang xảy ra xung quanh mình nếu như các em không được giáo dục cẩn thận và chu đáo từ thầy cô và những bậc cha mẹ. Dù nhìn kém hay mù đi chăng nữa thì người ta vẫn có khả năng học. Nói chuyện với các em, tôi nhận ra một điều rằng họ khá nhạy cảm. Hãy tạo cảm giác em cũng là thành viên có ích trong gia đình mình, các em có những người bạn và cũng sẽ làm được một điều gì đó đem lại lợi ích cho người khác. Các em sẽ có suy nghĩ tích cực rằng bản thân có đủ khả năng làm được những điều đó. Khi chúng tôi chơi trò chơi đố vui, lúc những đáp án được công bố, có em đã liên tục hỏi tôi “Là răng chị? Vì răng rứa chi?”. Các em rất tò mò, ham học hỏi. Trong nhóm các em tôi cùng chơi có một em tên Minh Nhật, khi được hỏi bao nhiêu tuổi và bây giờ đang học lớp mấy thì em bỗng chùng xuống:“Dạ em 10 tuổi, nhưng em chỉ mới học lớp 1 thôi chị ơi”. Hẳn lý do của việc này cũng không cần phải nói rõ thêm nữa, buồn cho em nhưng chỉ biết khuyên em nên cố gắng hơn đừng bao giờ bỏ cuộc. Đôi lúc em rụt rè: “Buổi tối em buồn vì nhớ nhà. Em muốn được nhìn thấy giống các bạn và học thật giỏi để sau này làm nhiều việc có ích”. Tôi thật sự không rõ rằng khi em buồn em có khóc không và khi ấy nước mắt em biết chảy về đâu…

Không biết là ngẫu nhiên hay bắt nguồn từ những khiếm khuyết trong cuộc sống của mình, các em ở đây rất thích bong bóng, các trò chơi với bong bóng. Chỉ cần có trong tay những cái bong bóng các em đã có thể vui đùa chạy nhảy cùng nhau. Theo những suy nghĩ của riêng bản thân tôi, có lẽ chính những chiếc bong bóng ấy sẽ giúp mang những ước mơ của em bay cao bay xa hơn, an ủi các em phần nào những khát vọng bay nhảy bình thường như bạn bè. Bong bóng thay các em vươn tới những điểm đích xa hơn mà các em không nhìn hay với tới được. Các em ở đây cũng rất thích hát, tôi thực sự ấn tượng với giọng hát của em Hoài Anh với những quãng cao và những câu ngân dài đầy truyền cảm. Sau một ngày vui chơi và trải nghiệm cùng các em, tôi và những người bạn đã hiểu ra rất nhiều điều và có lẽ ai cũng có những suy nghĩ cho riêng mình. Chào tạm biệt các em nhỏ bằng những lời ca tiếng hát của bài Sống như những đóa hoa: “… Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời. Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời… riêng tôi”

Chúng tôi, dù có cảm thông, thương cảm cho các em bao nhiều thì cũng chỉ là những người đến và đi, không ở mãi cùng các em được. Mong sẽ có nhiều người đến thăm, vui chơi cùng các em hơn vì mong muốn của các em chỉ đơn giản là có nhiều anh chị đến chơi với các em mà thôi…

Chúng tôi rời bước khỏi trung tâm cũng là lúc màn đêm đã buông xuống từ lâu. Ánh điện lập lòe xuyên qua các tán cây che khuất một phần không gian của trung tâm. Không gian vốn tĩnh lặng nay lại càng yên tĩnh hơn về đêm. Câu hát “Hỡi thế gian, mặt trời kia màu gì?” của chàng nhạc sĩ mù năm xưa cứ văng vẳng bên tai…
Bài và ảnh: Phan Thị Mỹ Hải

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất