Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hành trình tìm sô diễn của Hoa hậu chuyển giới Thái Lan (kỳ 1)

 Suy nghĩ mãi…
Rồi mình cũng ngồi vào máy tính để gõ bài viết thật dài này. Viết cho ai nhỉ? Có lẽ không cho riêng ai mà cái chính vẫn là viết như một điều tự nhiên vốn dĩ.
.
Tại sao tôi viết? Đó là thói quen viết lách của tôi là chính. Sau nữa, tôi cũng muốn gửi gắm lời tri ân đến Petrolimexsg, khi tôi đã chia tay các anh chị gần 2 năm nhưng vẫn nhớ gọi về cho đi du ngoạn (chỗ khác thì dễ gì được nhỉ). Chính vì sẽ có nhiều chuyến đi của đồng nghiệp, của anh em sau nữa, tôi muốn tình trạng về những hạt sạn trong chuyến đi trên không tái diễn. Không tái diễn thì ai được và chẳng có ai mất.

Viết không cho ai cho nên bài này mình muốn cái giọng điệu hài hước hơn một chút và mình sẽ lồng những cảm nhận và nhận xét của mình vào. Có cần ai thông cảm không nhỉ? Không cần! Giả nhời luôn cho nó lành. Các nhân vật trong bài cơ bản là viết tắt nhưng không có nghĩa là họ không nhận ra chính họ trong đó…

Mình được chị Nhung, Công đoàn thông báo và hỏi có đi Thái Lan du lịch không? Nghỉ hưu đã gần 2 năm mà còn được cơ quan quan tâm cho hưởng thế này kể ra là chuyện hiếm so với những cơ quan khác. Hoan hô các anh Lãnh đạo đã.

Nhưng kỹ càng hơn, mình hỏi lại chị đi có những ai, bao nhiêu người và tuyến điểm Du lịch…Khi biết cái tua này có đi qua xứ sở của Cao Hổ Cốt và nhất là sẽ được thấy, giao lưu, va chạm vào tận em hoa hậu chuyển giới của Thái dưới Phattaya thì mình ưng cái bụng lắm. Dứt khoát bài viết phải là: Hành trình tìm sô diễn của Hoa hậu chuyển giới Thái Lan…

Thật tuyệt khi biết căn bản đoàn đi anh chị em về hưu và sắp về hưu là chính. Lại còn rộng cửa cho thân nhân theo (đóng thêm tiền). Mình OK cái rụp. Xưa nay, xê dịch mình kinh nhất là đi cùng các bố tướng vì chơi toàn chơi mảnh, ăn toàn ăn trên và chém gió thì thôi rồi…Tua này anh chị em quá quen biết và thân thiện, bình dân như mình. Vui đấy!

Khen Ban lãnh đạo Công Ty và cơ quan thì chút nữa và trên xe ngày cuối mình đã có lời gửi kính cảm ơn các anh. Chi phí 6.800.000 đồng cho một chuyến đi các anh duyệt cho đã là to phết, gần gấp đôi tháng lương hưu chứ bỡn sao. Lại còn thứ 7 cho xe đưa đón. Khi về Tân Sơn Nhất các anh còn dặn cứ taxi về nhà. Hóa đơn gửi thanh toán như ai… Ngần ấy cử chỉ, lời nói, sự thể hiện và quan điểm đã vì người lao động như thế không nhẽ viết bài không cảm kích sao??

Trong số những người đi Thái Lan chuyến này đa số lần đầu xuất ngoại dài ngày và xa thế. Cứ nhìn những quyển hộ chiếu mới tinh Cu Linh là đoán ra một phần. Nhìn vẻ mặt cầu thị, dò hỏi và những câu thắc mắc…là đoán ra hai phần. Kệ chứ. Đi chơi đừng phân biệt. Nói cho ngay, ngần ấy tiền kia thì ai cũng có thể bỏ ra mà đi. Nhưng vui mà đi. Đi cho biết thêm tí chút cũng là vui. Làm sao cho vui nhiều hơn buồn là đã thành công. Còn không vui? Xin lỗi! em sẽ chả!

Kho Nhà Bè chuyến này đi có M, có Q, có H, có T và nhất là thêm em C và em D thế kia thì cứ gọi là vui vỡ giời. Nhất là những phút bồng bếnh bên cái đất nước không phải thiên đường nhưng chả ai ngăn cản chuyện nói chây và chuyện tiếu lâm.

Mọi người được dành cả buổi chiều để gặp gỡ, làm quen và nghe anh chàng hướng dẫn viên của Du Lịch Việt Nam quán triệt, khuyến cáo và hướng dẫn. Nói cho ngay, những khuyến cáo của anh ta khá có ích cho những người mới đi du lịch lần đầu cho nên có hơi dài dòng cũng là tốt. Chỉ kinh nhất là chuyện anh ấy hù dọa nào hồng phiến, nào hàng trắng, nào trấn lột. Nghe tới đó, nhìn đôi bạn sắp hiu tái mặt như đang teo chim mà chỉ sợ mình bật cười. Tới đoạn đổi tiền, tiêu tiền…anh ấy nói khá kỹ nhưng khi có người hỏi anh: đổi tiền ở đâu thì anh vung tay chém nhầu:”Ra tiệm vàng!”. Câu nói không sai nhưng tại cái huyện vùng ven Sài Gòn tìm được một tiệm vàng có phép đổi ngoại tệ thì khác gì đánh đố mấy ông hiu trí? Nhưng cũng chẳng sao anh Hướng dẫn ơi! Chúng tôi là bố và là mẹ của những đứa con gái, con trai trưởng thành, tinh khôn chả thua gì anh, chúng nó sẽ chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất cho cha mẹ chúng. Ấy là nói với bà con lần đầu ra ngoài chứ ai đi xê dịch thường làm gì không biết những nơi cửa khẩu, nơi giao lưu 2 quốc gia, sân bay, bến cảng quốc tế...chả thiếu nơi, thiếu cách đổi tiền. Giá mà anh hướng dẫn chỉ nói câu: Ra sân bay có chỗ đổi! thì vài người trong đoàn này đã đỡ vất vả và lo xa. Cho qua nhé!

Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Hầu như toàn bộ đoàn chúng tôi đều đúng giờ. Anh hướng dẫn này có vẻ nhiều kinh nghiệm xử lý với khách du lịch. Anh bảo tập trung hành lý. Rồi anh bảo hành lý của ai nấy kéo. Rồi anh bảo tập trung người và hành lý sau khi kéo một hồi. Anh phát cho mỗi người một cái nón vàng hươm hơn màu Kaki cứt ngựa. Ông nội tôi từng có cái quần màu này không đụng hàng trong cả tổng. Hôm nay, 32 con người trong đoàn tôi cũng được nhắc phải đội cái nón này lên để nếu có đi lạc thì người tìm chỉ việc tót lên chỗ cao dòm xuống thấy mũ vàng là trúng phóc. Quá ưu việt cho công tác quản lý thời nguyên thủy. Chỉ có chút lăn tăn là khi anh Hướng dẫn tập trung anh, chị em rồi vung tay quán triệt, cả mấy chục cái đầu vàng nhìn anh như nhìn lãnh tụ và đám hành khách khác nhìn đám hành khách chúng tôi với ánh mắt nhìn khó phân tích. Nhất là mấy thằng “người nước lạ”, chúng nó còn chỉ trỏ đám mình như khổ đang xem tấu hài. Lăn tăn chút nữa là chính anh bạn Hướng dẫn Du lịch này lại không đội nón vàng mà là cái nón trắng. Vậy là cái nón trắng dẫn theo một đoàn cái nón vàng xuất ngoại du lịch Thái Lan…

He he một hàng dọc tập hợp! Toàn thể các mũ vàng hướng về cái cờ xanh vắt vẻo trên ba lô anh hướng dẫn mà nhịp bước. Chị em tay vung dẻo quẹo. Các anh có hơi đơ đơ nhưng căn bản mà xét thì sàn sân khấu là không gian sảnh sân bay Tân Sơn Nhất và dàn diễn viên không chuyên là anh chị em đoàn du lịch chúng tôi đã khiến cho không ít người nước lạ và nước quen phải ngước mắt dõi nhìn. Không đụng hàng! Đó là ý nghĩ đầu tiên trong tôi. Khen hay chê? Xin tùy người cảm nhận. Ở đời, có khi lập dị, không đụng hàng mà gây được sự chú ý có khi lại là một sự đắc ý của cá nhân nào đó. Nhưng nó cũng có thể nhen lên cái cảm nhận kệch kỡm với không ít người. Cái cảnh mũ vàng rạng rỡ sáng ngời sân ga này còn lặp đi lặp lại nhiều lần…
Mỗi người một nón vàng hươm còn thũ lĩnh thì nón trắng...
Hai hàng dọc tập hợp, sáng ngời sân bay...
Sáng ngời vỉa hè Bangkok nữa...
 

Cái nón vàng hươm này tạo cho con người ta một vẻ mặt kỳ cục (tôi cảm nhận). Nhưng nó hữu ích duy nhất cho người quản lý là dễ tìm người nếu anh hay chị kia thất lạc. Chỉ có thế. Nó không đáng để lưu giữ làm kỷ niệm vì màu mè kỳ khôi. Thực tế, hình ảnh chiếc nón du lịch Việt Nam này đã phá sản ngay trong đoàn chúng tôi. Đa số mọi người cả nể, chấp hành khuyến cáo mà đội lên. Hãy nhìn tấm ảnh chụp chung hơn 30 con người, không ai đội cái nón màu mè kỳ quái ấy. Trong khi đó, cả chục năm trước, du lịch Phước Đức cũng phát cho mỗi người 1 cái nón trong mỗi chuyến đi và không ai bảo ai, họ đội vừa che nắng, vừa dễ nhận đoàn và vừa để làm dáng và trang sức chụp ảnh (xem 2 hình dẫn chiếu)

Trời mưa to. Máy bay cất cánh trễ một chút. Khâu gửi hành lý là tôi ưng nhất vì anh em trong đoàn đều hiểu tôi hơn tuổi lại bị thương ở chân nên có ý nhường tôi gửi trước. Xin cảm ơn thịnh tình này vì một chặng đường dài, không biết cái chân tôi chịu nổi chuyến hành hương Phattaya không nữa. Nhưng có lẽ luật bù trừ áp dụng ngay cho tôi khi vào lượt về. Và tôi bị bù lỗ chua cay hơn bao giờ khi ở khâu gửi hành lý…(tôi sẽ kể kỹ hơn sau).

Xuống Băng Kok là đêm. Theo anh hướng dẫn thông báo thì sân bay này lớn thứ 4 thế giới. Nhưng với cả 2 lượt đi và về tôi đoan chắc 60% anh, chị em trong đoàn không biết nó to, nó dài, nó méo hơn hay kém to hay bé vì duy nhất có một lộ trình anh Hướng dẫn bảo đi. Thậm chí, xuống Băng Cốc đi đái có người cũng cũng chưa dám hỏi, dám tạt ngang chứ đừng nói tìm hiểu gì về cái sân bay Savarnabhumi. Cũng chả sao. Đi Thái Lan chứ có phải riêng cái sân bay Savarnabhumi này đâu mà lăn tăn xem nó lớn hay bé. Tin bạn hướng dẫn viên khẩn trương khỏi cần qua chú google.

Quả nhập cảnh Thái nghe chú Hướng Dẫn Du Lịch dọa làm ai cũng kinh ốm. Thực sự thì mấy ông bạn Hải quan Thái xem ra rành vở du khách Việt 6 câu. Tới tôi, gã ngồi sau ô kính chả thèm ngó dù mình cũng trật mũ. Gã chăm chỉ cộp dấu vào hộ chiếu rồi thảy sổ lên kệ mà không nhìn tôi. Đỡ mất câu chào.

Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi được áp dụng thông minh nguyên thủy phết. Mỗi người có một xấp tem ghi giá trị từ 5 đến 50 baht. Ăn cái gì thì chỉ vào đó, xé tem đưa cho họ. Thừa tờ tem nào mang ra quầy đổi thành tiền.

Ăn xong ra đã thấy chị Liên – Hướng dẫn viên du lịch Thái chờ sẵn. Chả biết bao nhiêu tuổi nhưng nhìn thân hình chị săn chắc và lẳn loi rất thể thao và nhanh nhẹn. Phấn son thì chắc rồi nhưng phụ nữ ắt hẳn là phải thế. Chị giới thiệu và giọng nói Việt thân thiện lắm. Té ra, chị là người mang 2 dòng máu Việt Nam và Thái Lan. Trong suốt chuyến, bài viết sẽ đề cập đến cách xử lý chuyên nghiệp và dễ gần của các Hướng dẫn viên Du lịch Thái.

Cái khách sạn đầu tiên trên đất Thái của đoàn chúng tôi nằm ngoại ô Bangkok. Du lịch bình dân mà phòng ốc thế này là ổn rồi. Mình không hút thuốc. Phòng ngủ xếp cùng 2 em T và H là hai cái ống khói. Nhìn 1 cái giường đôi và 1 cái giường riêng dành cho 3 khứa chúng tôi mà hơi nản. Không có nhẽ đi du lịch mà lại ngủ chung giường. Gặp người nó hay quờ hay ngáy to thì ngủ làm sao? Đã đành 2 cậu nhường cho mình cái giường 1. Nhưng còn các cậu ấy? 4 đêm mà đêm nào cũng 2 người chung giường vậy thì sẽ thế nào nhỉ? Cũng may cho mình, ông M nhà bơm ghé sang. Xem ra 3 ông này đều dân nghiền thuốc lá. Thế là đổi phòng cho nhau. Tôi sang phòng cùng chú Mịn. 2 người chúng tôi không hút thuốc. Khỏe! còn 3 ông bạn đều hút thuốc! cũng là thật tiện cho mỗi người…

Đêm Bangkok. Chúng tôi hầu như không ngủ. Tôi và các em tôi xuống phố đi dạo. Quá nhiều xe lưu thông. Đặc biệt, những chiếc xe máy lao nhanh có vẻ hỗn hào. Qua tiếng nổ của động cơ. Dám chắc đó là những chiếc xe xoáy nòng, độ dzên. Chị hướng dẫn đã khuyến cáo chúng tôi cách băng qua đường. Kể cũng hơi ngại. Nó mà ủi mình một phát có mà má sưng không đòi nổi vạ..

Thật tuyệt vời khi nhậu đêm tại vỉa hè Bangkok. Các món ăn thật ngon và đồ uống thì đa dạng vô cùng. Những chai Ken to sụ đoan chắc không bao giờ có của giả nom thật hấp dẫn. Rượu tây thứ gì cũng rất sẵn. Chúng tôi dùng bia Thái chai to. Bình dân mà! Đi Thái uống bia Thái, về Huế nghe ca Huế! đã là dân chơi chưa???
Tôi không phải biết uống bia nhưng thấy mùi vị và độ gas của nó tương tự như bia Sài Gòn bên ta. Tốt rồi! chúng tôi cụng ly chúc cho một chuyến đi vui vẻ! Đồ biển bên này cũng rất ngon. Đĩa sò huyết đầy đặn được hấp vừa ăn với nước chấm trác tuyệt thế này thật khác xa đĩa sò lèo tèo và dai ngoách bên cái nhà hàng vùng ven nơi tôi ở. Trời Bangkok vỉa hè chả khác chi trời Sài gòn. Cũng có đôi, ba người bán đồ ăn, trứng cút, tôm khô…để nhậu kèm nhưng dứt khoát không bói đâu ra 2 thành phần là ăn xin và vé số. Nhưng lạ chưa kìa! Một bác bảo:” Ngồi vỉa hè mà thiếu mấy cái lắc đầu từ chối ăn xin với vé số sao tôi thấy cứ hơi thiêu thiếu nhể”. Thấy chưa? Phiền chưa chắc đã là phiền! Đừng tưởng cứ cái gì ngoại là chúng ta nhất loạt chộp ngay lấy.

Khỉ ạ! Đôi khi, cái bận bịu, cái khổ và cái thói quen hàng ngày nó ngấm vào con người mặc định làm cho ta như thắc mắc với chính ta…Rồi có khi ta lại chê bỉ mấy cái ông hết việc chúi đầu như mọt sách vào máy tính bảng.

Cuộc nhậu cũng chỉ kéo tới 12 giờ đêm. Vỏ chai lăn lóc và vỏ sỏ, mai mực…vương vãi trên bàn nhưng chị phục vụ người Thái chỉ nhoẻn miệng cười. Thanh toán rẻ không ngờ. Thấy trong người ngứa ngáy muốn một chầu đấm bóp nhưng cậu em rể bảo:”Thôi anh ơi! Để mai xuống thành phố của địa ngục. Anh tha hồ…”. Biết làm sao. Mình bưng nốt chai riệu lui cui theo anh em tìm lối về khách sạn. Một bóng đen choán cửa thang máy:” Ông anh có làm vài ván tá lả không hỉ?”. Lại nữa! chú mày nên nhớ là đất Thái cấm đánh bài, đánh bạc ngoài công cộng đấy nhé. Có gì chui vô nhà! Cò cử xong mấy cữ tá lả cũng gần 3 giờ sáng. Ngủ thôi em. Mệt roài…chả gà qué thì đừng. Không ù thì ì. Mình lăn ra kéo bễ… 

Một trục trặc nhỏ. Chiếc xe chở đoàn chúng tôi bị hỏng phanh. May hay rủi thì không biết. Nhưng thời gian trễ mất chừng 90 phút. Cùng với sự trễ này là việc ghé thăm cái tòa gọi là lâu đài của bác tỷ phú mô phỏng theo cung điện Versailles sẽ bị lỡ. Thôi kệ! chuyện bất khả kháng mà. Cái điểm tham quan đầu tiên gọi là Trại Cọp xem ra không sướng. Cái không sướng vì cảm nhận đầu tiên là bên này khu vui chơi nó bê tông hóa nhiều quá. Kiến trúc chưa thấy gì là đẹp và tinh xảo.

Hắn đưa mình đến chỗ đua lợn. Mấy con Lợn hệt lợn lai kinh tế của Việt có oánh số ủn ỉn béo như nuôi tăng trọng. Điếm nhứt có lẽ là cậu thuyết minh tiếng Thái trong đua lợn. Nó bảo chuẩn bị đua quãng đường Hồ Chí Minh –Đà Nẵng rồi Hà Nội –Sài Gòn. Nâng quan điểm lên là mình nghĩ nó xỏ ngọt, chửi xéo bên mình đây. Nó muốn bảo các cung đường kia dành cho…Lợn chạy chắc? Mình đoan chắc là nếu cậu này mở sow bên Việt Nam sẵn máu hiếu chiến thì gì chứ cái dùng a lô của hắn dám vỡ tan. Nhưng ở đây thì đa số du khách há hốc miệng cười trong mùi phân lợn lúc nồng nàn, lúc thoang thoảng. Thôi kệ!

Chúng tôi tìm vào nơi biểu diễn của cọp. Màn cho cọp con uống sữa của du khách để chụp hình cũng ấn tượng. Cô gái với vài chục con bò cạp bám trên váy và ngực cũng rất xinh. Các chuồng cọp vốn đã hôi và nơi đây cũng vậy. Thôi kệ!
Nói cho ngay, chỗ để ở của bà con bên này qua ống tele của tôi cũng thấy bầy hầy phết
Bê tông hóa rất nhiều...
Người Thái biết cách làm vui khách du lịch với những chi tiết lãng mạn như
để du khách cho cọp con bú sữa (ảnh trên) và chơi chung cùng bò cạp ( Ảnh dưới)
Gã thuyết minh này nó bô bô rằng đường đua heo trải thảm kia là Sài Gòn -Hà Nội 
 
Trong khi đa số khách người nước lạ há họng cười tràn...

Màn biểu diễn về hổ thì chả khác chi gánh xiếc tạp kỹ và không có gì để nói.

Ấn tượng nhất của chuyến đi có lẽ bởi màn biểu diễn với lũ cá sấu của hai anh em nhà áo đỏ. Những chú cá sấu to dùng như đùi ông Tượng kia thì chuyện bước vào chuồng của hắn đã là nỗi khiếp vía của đa số các đồng chí tôi. Nhưng ở chỗ này, hai anh em nhà kia nắm đuôi, té nước buộc mấy con cá sấu ngoan như chó cún. Cũng có đôi lúc, sấu dọa loằng oằng lại một tý nhưng căn bản là biết nghe. Cái khúc cây tre trong tay gõ lắc tắc làm hiệu. Hàm con sấu mở hoác khoe bộ răng lởm khởm. Lại lắc tắc! hai cái hàm như máy gập nhanh vào bất động. Hầy rà…nhạc réo rắt lồng theo lãng mạn gì đâu. Lại lắc tắc. Chú sấu lớn nhất há ngoắc hàm hình chữ V. Cô diễn viên váy đỏ khéo léo chui cả cái đầu vô họng con sấu. Cả một sân người bên ngoài nín thở. Cầu giời cho cả đám đừng hứng chí vỗ tay. Vỗ tay mạnh quá nó hấp hép cái miệng thì tàn đời người đẹp đó. May sao. Trò nguy hiểm qua đi khi cô em rút nhanh cái đầu ra. Rất nhanh chóng, tôi kịp ghi lại hình ảnh này.

Tới phiên anh thanh niên. Còn giỡn bạo với cánh tay đưa vào hàm cá sấu. Ngộ nhỡ nó buồn tình a lê hấp một phát tự nhiên thành diễn viên về Việt Nam với xấp vé số tay bên kia không chừng. Nhưng cũng may, con sấu như buồn ngủ. Lại lắc cắc đoạn thân tre. Con sấu ngoác mồm hết cỡ và lần này anh chàng cũng đưa nguyên hoa cái của ảnh vô miệng sấu. Khi rút đầu ra, hai bên khán đài khán giả chúng tôi vỗ tay cà rần. Màn cuối cùng cũng điệu khi anh bắt con sấu há miệng và anh lao từ bên này hướng về cái miệng choàng hoác đó. Tưởng nguy tới nơi. Nào dè, khi cái đầu anh gần lọt vô miệng sấu thì anh phanh người lại. chỏm tóc anh chạm hờ vào mũi con vật vốn được coi là ngu si và độc ác. Cười tóe loe trong cảm giác phập phồng. Cái thằng nghịch dại gì đâu!  - Một bà khách Việt càu nhàu...
Màn cuối có lẽ anh cũng cố ý khi trượt chân tuột nguyên quần đùi rồi sow hàng trong một cái xi líp màu nõn chuối. Tất cả đều cười vui. Những tờ 20 baht được người xem đưa thưởng cho màn diễn. Nguy hiểm để đổi lấy bấy nhiêu thật không nỡ đâu hai em…
 
Ê bạn! không đùa dai nhen
Sấu chi mà ngoan như nghé...
Thằng cá sấu kêu trời:" Chị Hai ơi! chị đè bẹp ruột em rồi nè...(Ước gì anh em mình là con...cá sấu!)
Kinh ốm!
Em làm được thì anh cũng làm được, he he
  
Còn tiếp
 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất