Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

NHẬT KÝ KHẢO SÁT ƯỚC MƠ NHỎ: VỀ TAM GIANG TÌM LẠI HAI HỌC SINH NGHÈO

Ước Mơ Nhỏ chuyển đến mọi người một đoạn ghi chép về công tác khảo sát và hành trình khảo sát để thấy được và cũng là muốn chuyển đến thông điệp rằng: việc cho tiền vào bao thư đưa đi thật đơn giản nhưng nó cũng thật vất vả một khi chúng ta quyết tâm đưa cái bao thư ấy đến đúng và trúng địa chỉ cần trao.
.
Kinh phí của chúng ta là “ước mơ nhỏ” cho nên vì cái ước mơ nhỏ ấy, chúng ta cần phải chắt chiu và làm hết mình để những đồng tiền của các nhà thiện tâm, của anh em, bè bạn và những tấm lòng chân thiện đến đúng nơi đích đáng nhất.

Và…những người làm Ước Mơ Nhỏ cũng luôn mong hàng năm liên tục có những chuyến khảo sát để gia đình Ước Mơ Nhỏ ngày càng đông thêm thành viên thì dù có vất vả, có mất thời gian và công sức hơn nữa cũng vui nhiều…

Do tế nhị nên Tòa soạn đã viết tắt tên trường và tên các nhân vật trong bài…

 -----

Mỗi năm, mùa tựu trường đến- khoảng độ tháng 8, Tôi lại bắt đầu chuyến đi của mình. Chuyến đi xác minh hoàn cảnh của các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập và cuộc sống. Tôi đã tự đặt tên cho chuyến đi ấy là “Hành trình đi tìm….Em!”. Năm nay, ngoài “đại gia đình” quỹ học bổng “Thắp Sáng Niềm Tin”, Tôi được may mắn nhận thêm nhiệm vụ mới, may mắn có thêm niềm vui mới từ quỹ học bổng “Ước Mơ Nhỏ”. Vì vậy, “Hành trình đi tìm…Em!” của tôi bắt đầu sớm hơn mọi năm. Lần này, nhiệm vụ của tôi phải đi tìm lại hai em học sinh nghèo (hình như họ học khá giỏi)… đang được Ước Mơ Nhỏ cấp học bổng. Đó là: Em Ngô Văn D, Lớp 10 B6 và em Phan Thị N, Lớp 11 B5.

Bác VH phụ trách chỉ giao việc cho tôi đơn giản: “Cậu về Quảng Điền (khu vực xã Quảng Công nơi có cây xăng của PV Oil) tìm liên hệ trực tiếp hai học sinh này. Đừng làm ồn lên và lấy cho được số điện thoại và địa chỉ…”

Chỉ vậy thôi. Không có thông tin gì thêm. Không số điện thoại liên lạc, không địa chỉ nhà. Thậm chí là tôi còn không biết trường cấp 3 T nằm ở đâu nữa kia! Kể ra như vậy mới thấy rằng chuyến đi lần nay sẽ gian nan vất vả nhiều lắm!

Cũng có thể, bác phụ trách kia muốn nhân dịp này thử thách lòng nhiệt tình của tôi chăng?

Dẫu gì thì tôi cũng phải cố gắng.

Trước khi lên đường, tôi suy nghĩ rất nhiều để vạch ra cho mình cách tiếp cận được với hai em. Cách thứ nhất, tôi sẽ về thẳng trường T- nơi các em đang theo học, rồi vào tới lớp 10 B6 và 11 B5 thì sẽ gặp được các em thôi. Cách này có vẻ đơn giản, dễ làm, dễ có kết quả….Nhưng bây giờ đang là mùa hè. Các em đang nghỉ học. Tới trường cũng chẳng còn ai nữa đâu!...Vậy là cách này không hợp lý; Cách thứ 2, tôi cũng đến thẳng trường T, rồi tìm gặp cô giáo chủ nhiệm thì sẽ biết được địa chỉ gia đình 2 em. Cách này có vẻ cũng đơn giản dễ làm…. Nhưng tôi chợt nhớ nhiệm vụ lần này là tìm thông tin liên lạc với hai em mà “đừng làm ồn lên” như lời bác VH dặn. Vậy là cách thứ hai cũng không hợp lý! Cách thứ ba, tôi nghĩ sẽ tìm đến công an xã. Nhờ họ dẫn đường tới nhà các em! Cách này mới lạ và bản lĩnh…. Nhưng nghĩ ra mới thấy! Các em có thể ở các xã khác tới xã này học! Vậy là cách này cũng thất bại. Cuối cùng, mọi kế hoạch đều trở về với đống bùi nhùi khó khăn! Cũng như những năm trước, tôi tự nói với chính mình “Thôi, cứ đi đi. Đi rồi sẽ tới. Thần giao cách cảm sẽ giúp mình gặp được các em! Việc gì khó thì mới có nhiều kỷ niệm, việc gì càng gian nan thì mới càng thêm ý nghĩa”. Vậy là, tôi đã xách ba lô lên và đi….tìm hai bạn học sinh!

Đầu tiên, tôi nghĩ phải về được trường cấp 3 T. Sau đó mọi thứ tự nhiên sẽ được mở ra. Nhưng khó khăn bây giờ là trường cấp 3 T nằm ở đâu? Đi hướng nào?...Tôi vẫn còn chưa biết. Rất may là anh bạn bán xăng làm cùng ca với tôi biết đôi chút về trường này. Tôi tình cờ nói chuyện với anh ấy trong giờ làm:

-Ngày mai mình về trường T để tìm gặp 2 em đã nhận học bổng Ước Mơ Nhỏ trước đây mà không biết trường này nằm ở đâu cả…

-Trường cấp 3 T à. Chúc mừng bạn luôn. Lo đổ đầy bình xăng đi. “Hắn” nằm ngoài Quảng Điền lẫn.….Một ngày công được 83 ngàn, giờ ông phải mất 90 ngàn mới đầy bình xăng. Khakha…”Anh bạn vừa nói vừa cười trêu chọc như vẻ chia buồn vì tôi sắp bị hao tài… mà không hề hay biết là tôi đang rất vui vì bước đầu xác định được vị trí của trường T!

Vậy là bước đầu tôi đã xác định được hướng đi. Sáng nay, tôi men theo đường Huỳnh Thúc Kháng chạy dài tới Đào Duy Anh chạy về tới Quảng Điền. Vừa đi tôi vừa hỏi bà con gần đó:

-Cô ơi, đường này chạy ra được Quảng Điền không cô?

-Con chạy thẳng….

Tôi vui mừng và tự tin chạy tiếp….

Xe chạy một đoạn dài thì tới ngã ba đường. Tôi thấy trên biển giao thông chỉ trái về thị trấn Sịa, rẽ phải đi Hương Vinh. Hỏi người đi đường thì được biết cả 2 hướng đều ra được Quảng Điền.

Rồi tôi quyết định rẻ trái về Sịa. Đi được chừng 8 cây số, tôi bắt đầu hỏi:

-Bác ơi, Cho cháu hỏi trường cấp 3 T nằm ở đâu bác?”

Bác ấy suy nghĩ vài giây rồi nói:

- Ở đây làm chi có trường T. hè. Nằm ở xã mô cháu?

-Dạ, cháu cũng không biết nữa bác. Cháu đi tìm 2 em học sinh của trường này để sắp tới trao học bổng mà cháu chỉ có thông tin như vậy thôi. Không có địa chỉ xã nào cả bác à!

-Cháu chạy lên trên tê hỏi thử xem. Ở đây không có trường cấp 3 mô hết!”

Tôi tiếp tục chạy thẳng rồi tiếp tục hỏi thêm 2 người nữa nhưng vẫn không ai biết trường T. nằm đâu! Tôi bắt đầu lo lắng vì sợ nhầm đường. Đến người thứ tư là cô bé bán nước mía ven đường. Tôi hỏi:

-Em ơi, cho anh hỏi trường cấp 3 T nằm ở đâu,  em?”

Cô bé tỏ ra bối rối…chưa kịp trả lời thì có một anh ở phía trong nhà nói vọng ra:

-Em chạy lên 1 cây số nữa. Trường đó mới đổi tên…” (té ra, loanh quanh bấy nhiêu cũng là lẽ này)

Lúc này tôi bắt đầu vui trở lại. Vội vàng nói lời “Cám ơn” rồi vội vàng chạy tiếp. Chạy hơn 1 cây số, Tôi lại hỏi…nhưng một lần nữa, vẫn không ai biết trường T nằm đâu. Tôi chạy tiếp hơn 2 cây số nữa. Lúc này đồng hồ km cho thấy tôi đã đi được đoạn đường hơn 12 cây số rồi. Phía trước tôi là con đường bê tông dài, hai bên đường là cánh đồng mênh mông, nhà thì thưa thớt, cũng không thấy ai đi đường. Tôi bắt đầu bối rối. Giờ không biết nên chạy lên phía trước hay quay lại quán nước mía hỏi lại lần nữa!!!...Rồi tôi thấy phía đằng xa có một người đang đi xe đạp. Tôi chạy nhanh tới để hỏi:

-Bác ơi, cho Cháu hỏi trường cấp 3 T. nằm ở đâu bác?

-Trường T  à!???..... ở đây làm chi có hè. Nằm ở xã nào cháu?

-Cháu không biết nữa Bác ơi. Cháu đi tìm 2 em học sinh trường này để sắp tới trao học bổng mà cháu không có thông tin gì thêm…!

-Cháu chạy lên đường T hỏi thử coi…”

Tôi đã hỏi gần chục người mà vẫn không ai biết trường T. Nhận thấy không hiệu quả, Tôi đành tìm cách khác. Lấy điện thoại ra, Tôi gọi tổng đài 1080. Phía bên kia đường dây, một cô tổng đài viên nhẹ nhàng  nói “Tổng đài 1080 Thừa Thiên Huế xin nghe…!” Giữa cái nắng chói chang của ngày hè và cái nóng oi bức của ban trưa mà nghe được một chất giọng rất huế của cô cũng an ủi tôi phần nào! Tôi nói nhanh:

-Em ơi, cho anh xin địa chỉ trường cấp 3 T ở huyện Quảng Điền với!”

Không như những lần trước, phải mất hơn 10 giây để cô tổng đài viên trả lời yêu cầu. Lần này, Tôi nhận được câu trả lời chỉ sau khoảng 3-4 giây gì đó. Dường như cô tổng đài  kia hiểu được sự vội vã của tôi nên đã cố gắng “search” trên hệ thống thật nhanh để giúp tôi có câu trả lời.

-  Anh ơi, Trường cấp 3 T nằm ở Thôn 1, xã Q.C, Huyện Quảng Điền anh nhé!”

Tôi nghe mà vui mừng như được gặp bờ sông sau nhiều ngày không tắm! Vội vã, tôi tìm đường chạy tới Q.C. Hình như lúc này tôi đang vào thị trấn hay thị xã gì rồi. Tôi thấy nhà cửa hai bên đường khang trang hơn, nhiều người, nhiều xe qua lại hơn. Nhìn thấy một anh thanh niên đang đi bộ, Tôi dừng lại hỏi:
-Anh ơi, ra Q C đi đường nào anh nhỉ?
- Em tới đâu của Q C, Anh ấy hỏi lại tôi.
-Em tới trường cấp 3 T
Giờ em ghẹo trái chạy tới bến đò V. Rồi qua đò là tới trường T.
Tại bến đò V:
Trước mắt tôi, phía dưới là đầm phá mênh mông rộng lớn, phía trên là bầu trời trong xanh với nhiều áng mây lơ lửng. Đằng xa phía cuối chân trời, dường như bầu trời và đầm phá cắt nhau tạo thành một đường thẳng! Không khí ở đây mát mẻ hơn nhiều so với cái nắng oi bức mà tôi vừa mới trải qua trên đoạn đường dài để đến được đây. Tôi bắt đầu cảm thấy sự bình yên và thỏa mái, dành vài giây chỉ để nhắm mắt lại và hít thở không khí trong lành ở đây…
Cách tôi khoảng chừng 2 m, có một ông cụ với một đôi tóc dài, trán hói và một chòm râu xuề xòa không thành nếp. Cụ mặc một chiếc áo sơ mi màu đen hay trắng tôi cũng không xác định được. Tôi đoán có lẽ chiếc áo này màu trắng nhưng do cụ mặc đã lâu nên giờ chuyển sang màu xám đen. Ông không gài nút áo trên cùng nên để lộ ra làn da cháy đỏ từ cổ xuống tới ngực. Phía dưới, cụ mặc một chiếc quần ngắn gần tới đầu gối. Chiếc quần của cụ cũng không khác gì cái áo. Lấm tấm những vệt sơn đen đỏ. Cụ cũng đi chân đất mà không có giày hay dép nào quanh đó. Cụ đang cầm trên tay một bông hoa màu vàng mà có lẽ cụ đã hái trên cành cây phía sau lưng. Rồi cụ nhìn chằm chằm vào đó, đưa bông hoa lên mũi ngửi ngửi….Nhìn cụ giống như một “Rô Bin Sơn” vùng đầm phá này.
Tôi nhẹ nhàng hỏi cụ:
- Chú ơi, qua Q C là đi đò ở đây phải không ạ?

-Uh, xuống đó!”, cụ trả lời ngắn gọn mà mắt vận nhìn chằm chằm vào bông hoa vàng đang cầm trên tay.

Tôi tự hỏi không biết ông “Robinson” này có vấn đề gì về thần kinh không ta??!! Rồi hỏi tiếp:

-Khi nào đò chạy há chú?

-Tí nữa

Thấy nghi nghi…nên thôi, tôi không hỏi nữa và đứng chờ! Một lúc sau, có một anh thanh niên bước tới. Nhìn ảnh có vẻ “Thầy giáo” lắm. Ảnh mặc áo sơ mi, đi giày tây, cầm thêm một chiếc cặp. Nhìn có vẻ lịch thiệp nên tôi vui vẻ hỏi:

-Anh ơi! Qua bến đò mình đi ngã nào để tới trường cấp 3 T hè?

-Qua đó anh rẻ phải, chạy thêm khoảng 2 cây nữa là thấy trường T, Anh ấy trả lời. Tôi đưa mảnh giấy ghi tên, lớp và trường của 2 em cho anh ấy xem rồi bắt chuyện:

-Em được giao đi tìm hai em học sinh này để sắp tới sẽ trao học bổng mà không biết làm thế nào để gặp được các em….”

Nói chuyện được một lúc, Anh này lấy điện thoại gọi cho một người bạn đang làm công đoàn của trường T. nhờ giúp đỡ. Nhưng anh bạn đó cũng không biết thông tin gì về 2 em học sinh này. Cuối cùng, Anh cho tôi số điện thoại của thầy hiệu trưởng nhà trường. Anh bảo tôi gọi điện xin thầy số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thì sẽ biết được địa chỉ gia đình các em. Vì thấy anh nhiệt tình, vui tính nên tôi cũng vui vẻ lưu số điện thoại của thầy hiệu trưởng mà trong lòng chẳng mong tìm được hai em theo cách này! Bỗng nhiên ông “Robinson” bắt đầu nói chuyện và hỏi về tôi. cụ hỏi:

-Chú làm bên học bổng chi?

-Quỹ học bỗng Ước Mơ Nhỏ đó chú”, Tôi trả lời.

-Tí nữa ra bến đò, có con bé thu tiền vé. Nó học lớp 11 năm nay lên 12 trường T đó. Chú qua hỏi con bé đi, nhiều khi hắn biết có!”

Tôi nghe như vậy mà trong lòng vui sướng biết bao!

Khi có thêm 2 người nữa, chúng tôi được cụ “Robinson” dẫn xuống đò. Thật bất ngờ khi biết chính cụ là ông lái đò đưa chúng tôi qua bên kia đầm phá! Chiếc đò lắc lư như đang vung vẩy khi chúng tôi bước xuống. Vì không quen nên tôi bước từng bước chậm rãi! Còn ông cụ “Robinson” thì chăm chú kéo 2 chiếc xe máy lên đò. cụ kéo xe máy dễ dàng như kéo một sợi dây! Khi đò bắt đầu nổ máy, tôi chọn cho mình một chỗ ngồi phía đầu đồ, gần cái chân vịt. Thi thoảng tôi nhìn sang ông cụ “Robinson” đang đưa mắt về phía xa bên kia bến đó. Nhìn cụ có thể thấy được sự từng trải cũng như thời gian mà cụ đã gắn bó ở vùng đầm phá Tam Giang này lâu đến chừng nào! Tôi đoán cụ đã đưa rất…rất nhiều người qua lại trên chiếc đò gồ ghề. Hai bên lưng đò được ông cụ ốp lên những vỏ xe cao su cũ để chống va đạp làm ảnh hưởng tới thân đò. Có lẽ do mưa nắng triền miên nên những tấm gỗ cũng đã bạc màu đi nhiều và bắt đầu xuất hiện nhiều đường nứt nẻ. Mặc dù gồ ghề là thế nhưng chiếc đò vẫn hiện lên nét vững chãi, cường tráng và mạnh mẽ. Đò đi tới đâu, hai hàng nước phía dưới dạt sang hai bên. Phía trên, tiếng máy nổ bình bịch…bình bịch…như tiếng quân lệnh để dòng nước dẹp đường phía dưới cho đò tiến lên. Ngồi trên chiếc đò thú vị này, tôi trở thành một người không có quá khứ và cũng không có tương lai. Tôi đã quên đi mọi khó khăn của công việc và cuộc sống hiện tại để trải nghiệm từng phút giây hiếm hoi trên chuyến đò này!

Sau hơn 10 phút lênh đênh trên đầm phá, chúng tôi đã qua được bờ bên kia. Tôi vội vã chạy ra khỏi bến đò để gặp cô bé thu tiền vé mà ông lái đò đã kể. Tôi bước xuống xe, lấy tiền trả cho cô bé…rồi luôn tiện hỏi:

-Có phải em học trường T không?”

-Dạ!

-Em ơi, Anh đang cần liên hệ với em Phan Thị N học lớp 11B5 để sắp tới trao học bổng cho em ấy. Em có biết bạn này không?”

Cô bé chưa kịp trả lời…thì phía đối diện, một cậu em đang nằm trên chiếc võng dưới gốc cây nói lớn:

-Anh tìm ai, ở trường T. em biết hết”, Cậu vừa cười vừa nói rất tự tin!

-Ầ, Em có biết em Ngô Văn D lớp 10 B6 không?” Tôi hỏi.

-Dạ biết! Thằng D học cạnh lớp em mà. Nhà hắn ở sau lưng trường T đó anh. Anh tới đó hỏi sẽ biết…!”

Tôi cảm thấy vui đến khó tả. Một sự tình cờ đã giúp tôi trong tích tắc tìm đến 2 em. Rồi tôi tiếp tục hỏi:

-Thế em có biết em Phan Thị N học lớp 11B5 không?”

Lúc này cô bé thu tiền vé có vẻ đã nhớ ra. Cô nói với cậu em vừa giúp tôi biết được nhà em D:

-Ê! Có phải là con bé lùn lùn con bà bán bánh ram trên đội Năm không hè?- quay lại tôi, em nói: Anh đi ra đây rồi rẽ tay trái chạy lên trên kia hỏi tiếp. Nhà hắn ở đội Năm đó anh.

-Em có thông tin gì thêm không? Anh lên đội 5 hỏi như thế nào thì mọi người sẽ biết nhà em này?” Tôi hỏi.

-Anh hỏi nhà bà Ẩn bán bánh ram a”, cậu bé ngồi trên chiếc võng nhanh nhảu trả lời!

Tôi cám ơn hai em rồi liền quay đầu xe tranh thủ lên đường. Tôi tiến về trường T để tìm gặp em D trước. Tới được trường T tôi liền rẽ vào con đường nhỏ để ra phía sau lưng trường. Tôi hỏi cô hang xóm nhà em D ở đâu thì được họ chỉ ngay. Họ còn nói với tôi là “ Nhà em này nghèo lắm. Bố mất sớm, mẹ phải lo ăn học cho 4 đứa con và nuôi thêm bà nội nữa. Nhà có sổ hộ nghèo của xã đó”. Tôi vui mừng cám ơn và chạy về hướng chỉ dẫn. Mới bước tới con đường dẫn vào nhà D, tôi đã cảm nhận được sự nghèo khó của gia đình này. Con đường nhỏ chỉ dành cho 1 làn xe máy đi qua. Con đường cũng không phải làm bằng bê tông mà là một con đường cát. Hai bên là bụi tre um tùm. Lá tre khô rơi rụng phủ đầy lối đi vào nhà em! Tôi lao xe vào con đường cát này. Vì không quen, xe tôi liên tục bị lia, trượt. Đi được một quãng chừng 10m thì cả xe và tôi đã ngã. Nhưng không sao! Ngã trên cát chẳng trầy sướt tai nạn gì. Tôi tiếp tục đứng dậy, tiến thẳng vào phía cuối đường...
 
 
Rồi tôi bắt gặp một anh bạn đi xe đạp theo chiều ngược lại. Tôi hỏi:

-Em cho anh hỏi nhà em  D ở đâu hè?

- Ở đây nè anh. Anh là thầy giáo à”, anh bạn hỏi lại tôi.

-Không! Anh đang cần tìm D để sắp tới có thể trao học bỗng cho em ấy. Em biết Dần à?

-Em là anh trai của D!

 Tôi vui mừng đến nỗi im lặng không biết nói gì hơn là đi theo anh ta vào tới nhà.

Trước mắt tôi hiện ra một căn nhà nhỏ lụp xụp, vừa thấp lại vừa tối. Tôi bước vào trong thì mới thấy rõ hơn cái nghèo của gia đình này. Một bà cụ chừng 80 tuổi ra tới cửa vui mừng chào tôi. Rồi một cậu bé với nét mặt buồn trầm lặng nhưng khôi ngô cũng bước ra chào. Tôi bắt đầu giới thiệu và nói với bà:

-Con cần lien hệ với D để sắp tới có thể gọi em đi nhận học bổng….”

Bà cụ nghe tôi nói xong thì xúc động nói một mạch dài hơi. Bà kể:

-Chú thấy đó, gia đình nghèo quá. Mẹ hắn phải làm ngày làm đêm mới đủ lo cho mấy đứa ăn học….Còn con bé chị nó chuẩn bị thi đại học. Suốt ngày hắn xin mẹ hắn cho lên Huế thi đại học. Mỗi lần ăn cơm hắn đều nói với mẹ. Vừa ăn hắn vừa khóc để xin mẹ cho đi học…Mà không biết thi đậu đại học rồi lấy tiền mô ra mà học nữa chú ơi….!

 Bà nói xong thì nước mắt bà cũng bắt đầu rơi. Tôi đã cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình để tiếp tục câu chuyện của D. Tôi hỏi em:

-Đầu năm học em có nhận học bổng nào chưa?

-Dạ có, có một bác trong Sài Gòn ra trao học bỗng hồi đầu năm!” Em ấy trả lời.

- Em có nhớ bác tên gì không?- Tôi hỏi tiếp

-Hình như bác V H!

Sau một hồi chuyện trò, Tôi đã lấy số điện thoại và xin địa chỉ nhà để chúng tôi sẽ liên hệ khi cần rồi ra về, tiếp tục tìm gặp em N. Theo lời chỉ dẫn của em bé thu vé ở bến đò, Tôi phải chạy ngược trở lại hướng bến đò khoảng chừng 5 cây số nữa thì mới đến được đội Năm. Chỉ phải hỏi 2 người hang xóm là tôi đã vào đến nhà em N. Đứng ngoài cổng, Tôi hỏi to:

-Đây có phải nhà cô Ân không ạ? (Ân là tên mẹ  N)

-Dạ phải!” Mẹ N trả lời.

Tôi xuống xe rồi bước vào nhà. Cả cô và chú tò mò bước ra cổng mời tôi vào nhà. Cũng giống như khi tới nhà D, Tôi giới thiệu là đang cần gặp em N để sắp tới Ước Mơ Nhỏ có thể trao học bổng cho em thêm lần nữa! Vào trong nhà thì xuất hiện trước mặt tôi là một em học sinh nhỏ bé. Em rất lùn lại rất ốm. Tôi đã bị bất ngờ rất lớn khi được mẹ em giới thiệu đó chính là N. Tôi không thể tin được một học sinh lớp 12 lại nhỏ con đến thế! Nhìn N tôi chỉ nghĩ rằng em còn đang học mẫu giáo nữa kia! Mặc dù muốn biết N bị bệnh gì nhưng tôi cũng không tiện hỏi cô chú vì đây là vấn đề nhạy cảm. Mới lần đầu gặp mặt mà hỏi nhiều quá có thể sẽ làm cho gia đình hoang mang! Mẹ N kể về những khó khăn mà em đang phải đối mặt. Cô kể:

-Người con bé yếu lắm. Nhiều lần đi học phải nhờ người chở về vì không đạp xe nổi…Có lần học xong, trưa rồi mà không thấy con bé về. Chờ hoài thì  chú (bố N) chạy lên trường thì mới thấy con bé còn ngồi trong lớp vì mệt quá không tự đi về được….Cô đang vay mượn và xin thêm bà con ít tiền để mua cho em chiếc xe đạp điện…”. Cô kể chuyện cho tôi nghe với một nổi buồn hiện rỏ trên khuôn mặt. Rồi cô xúc động nói tiếp

-Không biết học xong, ra trường có ai nhận cho làm không nữa. Người con bé bị ri thì ai dám cho làm….”

Tôi nghe mà nghẹn ngào. Tôi cũng là người bị khuyết tật, cũng đã bị kỳ thị khi đi xin vào làm ngân hàng. Tôi tốt nghiệp ngành tài chính, rất thích làm tài chính nhưng khi đi xin việc tôi đã bị nhà tuyển dụng từ chối nhiều lần. Do đó, hơn ai hết tôi hiểu được nổi niềm của mẹ N. Cố gắng kìm nén cảm xúc, tôi động viên cô, chú:

-Cô à, con nghĩ xã hội mình bữa nay phát triển lắm. Chỉ cần N tiếp tục đi học và học tốt thì sẽ có nhiều nhà hảo tâm giúp đở em thôi. Cô yên tâm đi ạ…!”

Nói chuyện được vài phút thì tôi vội vã xin số điện thoại và địa chỉ gia đình để Ước Mơ Nhỏ sẽ liên hệ với em và trao học bổng dịp đầu năm học mới. Tôi chào cô, chú, chào N rồi quay trở lại bến đò trở về thành phố. Trên đường ra bến đò, tôi chạy xe thật chậm và mang trong mình một cảm xúc khó tả… vì cuối cùng cũng tìm được các em!

 

Ra tới bến đò, tôi lại một lần nữa bị bất ngờ khi ông lái đò “Robison” đang chờ khách. Thấy tôi tới, ông cười to và hỏi:

-Đã tìm được 2 em chưa?

-Dạ! tìm được rồi chú ơi! Vui quá…”, Tôi hớn hở trả lời.

Lên đò, tôi chọn ngồi ở vị trí cũ là phía đầu đò, gần cái chân vịt. Tôi đã trò chuyện vui vẻ với ông. Chỉ tiếc là tôi quên mất không chụp được với cụ một bức ảnh làm kỷ niệm. Khi đò gần tới bờ bên kia, ông “Robinson” nói với tôi:

-Ở đây nhiều đứa nhà nghèo mà học giỏi lắm….các chú cố gắng có nhiều học bỗng giúp các em…”

Nghe lời tâm sự của cụ sao chua xót quá. Đất nước Việt Nam ta vẫn còn nghèo về vật chất…nhưng dân tộc Việt Nam ta sẽ không bao giờ “nghèo” về học tập!
Chú thích ảnh: Rất nhiều ngôi mộ ở Huế hoành tráng, đẹp và nguy nga. Có những ngôi mộ giá trị xây dựng đến nhiều tỷ đồng. Chứng tỏ, người ta chăm lo đến người nằm xuống. Phần nghĩ riêng, chúng tôi giá như người ta chỉ dùng một phần để xây mộ. Còn lại, họ nghĩ đến những bà con, anh em và những đồng loại của họ đang rất cần đồng tiền để học hành, học nghề, mở mang sản xuất... 
Giá như... 
Bài của Trần Minh Phú
 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất