Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hai đầu của thế giới phẳng ( Tiếp phần 4 - Truyện Phim)

   Dòng đời của Hưng quanh qua một khúc ngoặt khác nhanh quá. Hưng vựợt biển thoát được đến miền đất tự do. Không cho anh Tâm một cơ hội như anh nói. Mãi sau này, Nó và bạn gái mới gặp lại anh Tâm và thật hạnh phúc biết bao nhiêu khi anh cho biết con Út không chết như người ta kể. 
.
Mà con Út bây giờ đã là mẹ của 3 đứa con thành đạt, giỏi ngoan. Cũng thật lạ lùng: anh Tâm cho biết: con Út chính là Chị Tâm – vợ anh Tâm – người cảnh sát thân thiện và tốt bụng. Khi nghe nói người ta đồn con Út chết trên nóc xe đò, anh Tâm trầm ngâm bảo đó là kịch bản của anh. Bởi vì, có như thế mới vĩnh viễn xóa sổ dĩ vãng của con Út trong mắt mọi người đời. Bởi lẽ, như anh Tâm nói thì sau này, con Út bệnh và ngày càng sa ngã khi Hưng vượt biên. Anh phải ra tay giúp nó. Còn chuyện Út trở thành vợ anh thì là cả một chuyện dài đầy sóng gió, nước mắt và cả đau thương. Tất nhiên, có hẳn 1- 2 tập phim nói về những thăng trầm của đôi vợ chồng cá biệt này…

Chả biết, nếu Hưng và các anh ruột không ra đi, cuộc đời Hưng bây giờ đã ra sao nhỉ?

Có khi, Hưng tá túc ở nhà anh Tâm, rồi theo anh học theo ngành công an, đi theo lý tưởng của anh cũng không biết chừng.
Những đêm sau đó. Hưng ngủ vỉa hè thật yên tâm. Vì Hưng biết, lúc nào anh Tâm cũng để mắt nhìn Hưng cả. Con Út có lẽ không thích hay sao đó, vì nó không ngủ với Hưng nữa, tránh Hưng thường xuyên hơn. Nó giận khi Hưng nói nó không phải chị em ruột.

Mỗi khi Hưng bị đám móc túi đánh đập, hay bị cụt vốn vì công an tịch thu hết, Hưng tìm về với mẹ Hưng. Hưng muốn được mẹ an ủi.

Nó đi bộ hàng giờ. Vừa đi vừa suy nghĩ vấn vơ, tưởng tượng những cảnh sống gia đình hạnh phúc, giường nệm ấm êm. Cứ thế nhẩn nha vừa đi vừa mơ tưởng, Hưng đi từ Ngã Bảy đến Cầu Kênh lúc nào không hay.
Gặp mẹ và các em, Hưng thật mừng. Nó thích nghe mẹ kể những mẩu chuyện của các anh Hưng đang chèo ghe mướn ở U Minh Hạ, khiêng đá bốc vác lên tàu ở bến cảng, cào tôm ở Cà Mau... Mỗi anh đều có một công việc tạm thời. Các anh đều ráng tìm kiếm một con đuờng để vượt biển ra đi. Thỉnh thoảng, các anh lén trốn về Sài Gòn thăm mẹ và các em.
Mẹ kể, mỗi khi lén về, các anh đều canh đợi đúng hôm cúp điện tối như mực. Trong nhà leo lét ngọn đèn dầu. Các anh về, kể chuyện rồi lại đi. Anh nào cũng quan tâm hỏi mẹ về tình trạng của Hưng.
Mỗi lần gặp mẹ, mẹ ôm Hưng trong lòng và đầy nước mắt với lời thầm thì: "Con trai bé bỏng của mẹ. Thương con quá!".
Hưng còn nhớ, lần đâu tiên khi Hưng tìm về với mẹ. Mẹ không cho Hưng đi về lại Ngã Bảy nữa. Mẹ bắt Hưng ở lại nhà. Lần đó, Hưng mang tiền về thật nhiều. Tiền Hưng cố tình để dành. Nó mượn luôn cả phần của con Út mang về cho mẹ. Hưng không còn nhớ được giá vàng khi ấy là bao nhiêu, nhưng hai mẹ con đi ngay ra chợ mua được gần 3 chỉ vàng.

Hưng cương quyết quay lại Ngã Bảy. Nó muốn kiếm thật nhiều tiền. Mẹ Hưng muốn chắt chiu vàng. Để các anh Hưng có thể đi vượt biên.
Ngày xưa, ba mẹ Hưng để tiền hết cả trong nhà bank. Khi giải phóng vô, tiền của nhà bank là tiền của nhà nước. Gia đình Hưng trắng tay.
Sau này, số vàng dùng đi vuợt biên, đó là mồ hôi nuớc mắt của anh em Hưng đổ ra mà có được.
Những khi Hưng thối chí, lời an ủi của mẹ như liều thuốc trợ lực, giúp nó hăng hái quay lại vật lộn với đời.
Mẹ thường nói: "Bản lĩnh của con trai không phải nằm trong nắm đấm, trong những cú đá mà là ý chí và quyết tâm. Là cái gan chịu khổ; ép mình để vươn lên…"
Rồi có khi, khi Hưng về thăm mẹ, mang theo thật nhiều tiền dành dụm được cho mẹ cất đi. Khoe với mẹ nào là trúng hàng lớn, thì mẹ Hưng lại khuyên: "Con phải nhớ, tương lai của con không phải ở cái Ngã Bảy đó. Nơi đó chỉ là tạm bợ. Tương lai của con là phải ngang dọc xứ người, mang chuông đi đánh xứ người, ở chân trời xa hơn kìa. Người ta nói, đói thì đầu gối phải bò. Nhưng khi hết đói, đừng bò mãi cho đời nó khinh. Phải biết đứng dậy đúng lúc để mà đi con ạ!"
Ý mẹ muốn cho Hưng biết, nếu có dịp đi, nó phải ra đi, chứ không thể cứ sống ở bến xe mãi. Dù là càng về sau này, khi Hưng càng lớn thêm, nó lại càng thành công hơn ở cái Ngã Bảy đó.

Ra đi để được tự do học. Để có được những cơ hội vùng vẫy với trí óc tài lực của mình. Ở lại, gia đình Hưng có lý lịch xấu. Thời bao cấp, chính phủ không mấy để ý đến những gia đình như Hưng.
Đó là điều mẹ muốn nói với Hưng. Cái vật chất, miếng ăn, xa hoa, chỉ là điều thấp kém.

Thời bao cấp, bến xe chưa có căn bịnh HIV. Dân bụi đời chích choác cũng ít lắm. Chủ yếu có vài trự  trước rạp hát Long Vân hay gần trước trường Phan Sào Nam. Cái mé đầu đường Điện Biên Phủ. Đa số họ là gái điếm rồi hút chích luôn.

Ngủ ở vỉa hè hồi nhỏ, sợ nhất là ban đêm, mấy cô gái điếm sống lang thang đầu chợ hay góc bến xe, họ chui vô chăn ngủ với mình. Cái nhóm này, nghe mấy ông xe ôm kháo, đa số trong nhóm này đều mang trong người vi trùng cùi thì phải!
Một đêm kia, đang ngủ vỉa hè, Hưng chợt thức giấc vì tiếng còi lanh lảnh xé toan màn đêm nơi bến xe. Công an thành phố tổ chức bố ráp, bắt bọn làm gái để hốt đi về vùng kinh tế mới. Đàn gái vẫy bến xe Hùng Vương, túa chạy vô các con hẻm nhỏ như đám bướm đêm bị xua động vậy! Các chị đụng chỗ nào là chui vô chỗ đó nép mình ẩn náu. Có người nhảy lên trên xe ba gác máy, kéo cái bạt che hàng hoá để che thân lại, còn lòi ra hai bàn chân trắng nuốt. Riêng chỗ Hưng nằm, có 2 người tranh nhau chui vô. Rồi 1 chị kia dữ hơn, đẩy chị kia ra. Họ chửi nhau. Họ mắng nhau là con đĩ và ngôn từ của họ thì kinh khủng lắm. Thế rồi khi đó, cái chị kia bị xua đi chỗ khác. Còn chị cao to dữ rằn hơn thì chui ngay vô chăn Hưng nằm áp người trong góc sau lưng nó. Hình như chị muốn co quắp người lại cho người ta tưởng chi có Hưng trong cái chăn thì phải.
Ánh đèn pin dọi vô mặt Hưng. Nó dụi mắt cố tránh ánh đèn. Có tiếng anh phường đội nào đó gọi giựt xa xa: "Tao biết thằng nhóc này. Thôi kệ nó ngủ đó đi tụi bay...". Thế là một chị làm gái thoát vụ bố ráp…
Đêm bố ráp, đa số các chị bị bắt hết. Vì những đêm sau đó, con đường Hùng Vương không thấy gái rộp rịp đứng chặn xe đạp của khách đi đường như lúc trước.
Thế nhưng, chỉ được khoảng 2 tuần thôi. Mấy chị đó lại trốn về lại bến xe. Mọi chuyện lại đâu vào đó.
Mà mỗi lần bị bắt rồi các chị gái điếm quay lại, bao giờ, đội quân có được bổ sung thêm những cô gái nhỏ tuổi hơn nữa. Ở bến xe sau này, Hưng thấy có nhiều cô chỉ 15 hay 16 tuổi...

Có thằng nhóc móc túi tuổi trạc Hưng. Nó chìa ban tay cho Hưng xem, bàn tay của nó bị mất đi 2 ngón tay. Ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải. Nó nói là bị vậy do đi móc túi.
Thằng nhóc móc túi đó có mái tóc vàng hoe, đôi mắt xanh lơ với nước da trắng bóc, rất đẹp. Nó lai Mỹ trắng. Nghe đồn, mẹ nó là gái bán bar. Còn bố nó là lính Mỹ đóng ở dưới quê hay sao đó.
Nó kể cho Hưng nghe khi chìa bàn tay mất 2 ngón. Nó bảo: "Tao bị bắt vì tao móc túi ở chợ An Đông. Tụi nó dùng dây đồng, cột thật chặt vô hai ngón tay của tao. Suốt 3 tháng trời, 2 ngón tay của tao bị hư luôn. Bẻ gẫy luôn mà không chảy máu!"
Hưng buột miệng hỏi: "Ác quá vậy? Sao tụi nó chỉ làm vậy với mày mà không với mấy đứa kia?"
Thằng nhóc đưa tay lên xoa cái dầu vàng hoe của nó: "Hình như người ta ghét Mỹ Ngụy lắm. Họ bảo tao là tàn dư của Mỹ Ngụy. Cho tao đứt 2 ngón tay để tao khỏi móc túi nữa. Cho vãn bớt tàn dư…" Nói rồi nó toét miệng ra cười hề hề: "Tao bây giờ móc túi bằng tay trái. Chỉ dám loanh quanh ở đây thôi, chả dám ló mặt ở chợ An Đông nữa!"
Trái đất tròn nhưng thế giới rất phẳng. Sau ít năm, trong một cuộc hội thảo, Hưng gặp lại chính thằng nhóc Mỹ lai này (nó đi theo diện con lai mà). Thằng nhóc lúc ấy là một nhân vật mà không một ai có thể ngờ: Đó là một linh mục khả kính với nụ cười thân thiện. Trong vai một con chiên, Hưng tiến đến gần “cha”. Nó từ từ quì xuống nâng bàn tay đeo kín trong bao tay của vị linh mục hôn cẩn thận. Nó lầm rầm như xưng tội. Kỳ thực, Hưng chỉ nhớ và kể lại giọng điệu của thằng Mỹ Lai ngày xưa. Khi nó khấn đến 3 chữ “chợ An Đông” thì vị linh mục kia giựt phắt người nhìn xuống. Hai đứa nhận ra nhau và chúng nó đã kết hợp lại làm được vài việc cho cộng đồng. Nhưng đó là những tập phim sau…

Với lúc ấy, Hưng chỉ lờ mờ thấy là: sống trên đời, khi mình cảm thấy đau khổ, hãy nên cúi mắt nhìn xuống. Để cảm thấy may mắn hơn những cảnh đời thê thảm khác, thê thảm hơn cả mình....

Hưng thật may mắn. Nó chỉ mang một cái sẹo trên mặt chứ không bị mất 1 phần thân thế như các trẻ kia. Sẹo trên mặt dần phai với thời gian, ý chí và suy nghĩ của nó thì lớn dần rồi ra khỏi tuổi ấu thơ. Nhưng vết sẹo trong tâm hồn nó thì mãi mãi không phai được!
 
 
 

Ở Bến xe Ngã bảy thời đó xuất hiện một bà điên. Bà thường đi ngoài đường mà không một mảnh vải che thân, da trắng muốt như trứng gà bóc, thân thể hơn mập.

Hồi đầu, người ta vây quanh bà ta, tò mò chỉ trỏ. Có người mang áo mưa lại che cho bà, nhưng bà lại cởi ra ngay. Và cứ thế đi long nhong hay ngồi hàng hiên các căn nhà. Riết rồi thì cũng nhàm. Vài tuần sau, cũng chả ai thèm để ý nữa.
Cho đến 1 hôm, Hưng thấy bà điên trần truồng đó, vẫn trần truồng đi lông nhông bến xe, nhưng bụng bà ta lớn dần.
Bà ta có bầu!
Tác giả là ai, cả bến xe xầm xì bàn tán.

Bà điên có bầu, bà ta ăn nhiều kinh khủng. Nhiều khi, bà vồ lấy trái chuối trên nóc tủ kiếng xe bán thuốc lá, vừa chạy lông nhông vừa lột trái chuối ăn. Cảnh đó, nếu ai thấy lần đầu, chắc sẽ cho là lạ. Nhưng Hưng, hay dân bến xe, thấy hoài bà ta nhu vấy nên cũng chằng buồn liếc mắt.

Bụng bà càng lúc càng lớn. Khi đêm về, Hưng thấy bà ngồi trước cửa nhà ông cụ bán vỏ xe Tái Sinh, hai tay vuốt ve cái bụng bầu, miệng bà cứ lầm bầm chuyện chi đó về con của bà. Hưng đi mua cơm cho bà ăn mỗi buổi tối. Không hiểu sao lòng Hưng rất là đau xót. Nói là đau xót là cảm tưởng sau này nhớ lại mà dùng từ chứ lúc đó, nó còn nhỏ nên cũng chả biết là đau xót vì lý do gì. Có mấy đứa vỉa hè chọc Hưng: "Bộ mày làm bà điên có bầu hay sao mà chăm sóc đồ ăn cho bả quá vậy?"
Mấy lúc như vậy, Hưng rất tức tối. Rượt đánh mấy thằng nhóc mất dạy đó cho bằng được.
Bụng bầu cúa bà càng lúc càng lớn. Hình như bụng càng lớn, bà càng bớt bị điên hơn. Bà không cởi quần áo ra nữa, vẫn đi lang thang khắp bến xe. Khi đêm về, bà cũng không nằm ngủ ngay trên bãi cỏ của bùng binh Ngã Bảy, mà cẩn thận nằm co mình dưới mái hiên vỉa hè gần chỗ Hưng ngủ đêm. Hưng nhường cái chăn của Hưng cho bà đắp.
Có một đêm, trong khi Hưng ngủ, bà điên lay thức nó dậy. Chả biết lúc ấy mấy giờ nữa, đêm còn tối đen, xa xa le lói ánh lửa từ chỗ vá xe đạp ban đêm, gió sương heo hút rít lạnh. Bà điên đánh thức Hưng dậy chỉ để hỏi: "Cháu tên gì vậy cháu?"
Hưng nói tên mình. Nói tên nhiều lần. Bà điên nghe tên Hưng rồi cứ yên lặng nhìn xa xăm không nói. Hưng tính quay lại ngủ thì bà bảo:  "Cô tên Tình.  Con có tiền cho cô xin"
Lần đâu tiên Hưng thấy bà điên nói chuyện. Xưng hô lịch sự và tỉnh táo. Hưng đưa hết tiền của nó đang có khi ấy cho bà. Chả có nhiều. Nhưng đủ để sau đó, bà điên đi mất. Người bến xe bảo, bà trả tiền xe đò, đi về quê bà ở đâu mãi tận miền Trung xa xôi lắm.
Sáng hôm ấy, khi tỉnh dậy, Hưng thấy cái chăn Hưng hay đắp cho bà, bà xếp cẩn thận để bên cạnh nó. Chắc đêm ấy, bà hết điên, hỏi tên Hưng, xin tiền và đi về lại nhà bà ấy...
Giang hồ đầy hiểm ác. Hưng chẳng biết ai ở bến xe đã làm bà dính bầu. Nhưng lòng Hưng thật thơ thản khi Hưng giúp được bà ấy mỗi ngày một chút trong thời gian bà mang bầu nặng nhọc.
Bà điên ơi, nếu bà còn trên thế gian này, thằng nhóc bến xe năm nào mãi chúc mẹ con bà một cuộc sống vĩnh viễn an vui nhé. 

Hồi ấy, nơi bến xe Hưng sống, có hai cha con kia làm nghề vá ruột xe hai bánh. Hưng không biết họ quê ở đâu. Nhưng Hưng nhớ có hôm, buổi sáng, Hưng đói. Đứa con của cha con ấy, cũng trạc tuổi Hưng, nó ăn khúc bánh mì không buổi sáng xong rồi vỗ bụng nói với Hưng: "En có hưa đồng mà no keng kái bụn!" (ăn có hai đồng mà no căng cái bụng)
Hưng chả hiểu chi hết. Cha nó phải lập lai cho Hưng hiểu: "Ăn có 2 đồng mà no căng cái bụng đó cháu"

Té ra, họ là người miền Trung, vô Sài Gòn này để kiếm sống. Hai cha con đó cũng tốt với nó lắm. Nhiều khi vào buổi sáng, Hưng đói bụng nhưng không có tiền ăn sáng. Người cha ấy cho Hưng mượn cái bơm xe đạp trong vài tiếng để Hưng kiếm chút miếng ăn. Hưng cầm cái bơm xe, đi vòng vòng bến xe chào hỏi mấy chú đạp xích lô, mấy bác đạp xe ba gác máy (không dám đụng mấy chú xe ôm, bơm không nổi), để xin bơm xe họ kiếm tí hào lẻ. Chỉ cần được hai đồng bạc, Hưng có thể nhét vô đạ dày một khúc bánh mì không.

Đến bây giờ, Hưng không nhớ được tiền tệ VN thời Hưng sống ở vỉa hè ra sao. Nhưng theo câu nói của thằng vá xe thì bữa ăn khỏang 5 đồng đến 10 đồng thôi. Bây giờ, khi về VN, Hưng cầm tờ giấy 500 ngàn trong tay, xài 1 tí là bay tuốt. Vật giá leo thang ghê thật.

Mấy chú đạp xích lô, có nhiều chú cũng đói và nghèo lắm. Nhưng họ thương Hưng. Bánh xe của họ, có khi cứng hơn cả khi Hưng bơm đấy. Tay Hưng nhỏ xíu, bơm làm sao được mà bơm. Hưng đa số làm xì hơi bánh xe của họ nhiều hơn là bơm đấy chứ. Thường thì sau khi Hưng loay hoay bơm bánh xe của họ xong là họ lại bơm tiếp.
Những người cùng khổ, thương yêu thương nhau từ trong dạ trong tâm, đùm bọc cho nhau mà không cần lời nói... Có khi, họ vừa chửi mắng mình, mà vừa ánh mắt xót thương

Năm tháng đầu tiên Hưng sống nơi bến xe, ngủ vỉa hè, là năm tháng đói nhất. Hưng không biết khổ. Khổ chỉ là một cảm giác ở một người lớn. Với một đứa trẻ con, không có chữ khổ, chỉ có chữ survive (tồn tại) mà thôi.
Hưng không biết khổ, nhưng nó biết đói. Nó để dành tiền chỉ để chống cái đói. Để dành tiền cho sáng mai ăn. Để dành tiền cho tối nay ăn. Lúc nào cũng là... để ăn là chính!

Bởi vì, cái đói đến với Hưng ngay từ buổi đầu Hưng trốn từ khu kinh tế mới về xuống bến xe.
Như đã nói, Con Út chỉ cho Hưng bán trà đá bằng cách đeo theo xe đò bán. Nó thật là nhanh nhẹn và dẻo người. Còn Hưng, sao nó thật vụng về. Nhìn thì thấy dễ. Nhưng khi nó đeo theo xe đò bán trà đá mới thấy đúng là như làm xiếc.

Sợ Hưng làm rớt bể ly, lỗ vốn, con út chỉ cho Hưng cầm 1 ly trà đá để bán mà thôi. Còn Út, nó cầm cả 1 cái khay có đủ 4 ly trà đá đặt lên. Thế mà Hưng vẫn té và làm rớt, bể cả ly. Con Út thì vô tư không đổ bể.
Khi té, Hưng không sợ đau, chỉ thấy tiếc cái ly. Ly bể tan tan trên con đường nhựa của trưa nắng gắt, Hưng vừa đứng lên vừa đưa hai tay nhỏ lụm lại những cục đá giữa những miểng chai. Tay Hưng bị mảnh chai đâm vô, máu ra bê bết, nhưng nó không thấy đau chi cả. Nước mắt rưng rưng, hai tay nó cầm cục đá chạy lại chỗ con Út, đưa lại nó cục đá và xin lỗi nghẹn ngào.
Con Út cũng tiếc cái ly trà đá bị bể. Cho cục đá vô cái khay, vừa đi về lại bà bán trà đá, nó vừa nhiếc móc Hưng sao quá vụng về sao quá ngu vậy. Hưng chỉ biết đi theo sau nó, cúi gằm mặt...

Khi con Út nguôi giận, nó mới đi mượn kim băng để gỡ mấy mảnh thủy tinh dính trong tay Hưng ra. Rồi xé 2 cái túi áo của nó để buộc vết máu Hưng lại.
Ngày hôm đó, thú thật, Hưng đói kinh khủng. Hưng chỉ được ăn ké đĩa cơm của con Út mà thôi...


Tuy nhiên, nói cho cùng, Hưng được may mắn sinh ra và lớn lên trong miền Nam, ngay đúng đất Sài gòn. Đúng ngay cái thời diểm đất nước giao ban. Thật lạ, con người ta sống.. khác bây giờ lắm. Ở cái thời đó, cướp giật có khi không được quan tâm bằng.. mấy ông cần phải bị đi cải tạo.
Cái thời ấu thơ ấy, cướp lộng hành ngang dọc những thị tứ bến xe. Công an nhiều khi chỉ là để... canh chừng phản động. Thật ra, Hưng chả bao giờ thấy phản động…

Trộm và cướp ở Sài Gòn ngày ấy thật khủng khiếp. Đa số, họ có băng nhóm và có những đặc thù riêng…
 
 

Còn tiếp

E:  Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

 

 



Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất