Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hai đầu của thế giới phẳng ( Tiếp Truyện Phim)

 Bến xe mà là nơi giang hồ và bụi đời tụ tập. Bến xe Ngã Bảy- nơi có 7 ngả đường. Mỗi ngã là một phường riêng. Có khi ở một ngã mà bên đường này thì thuộc quận 3, còn bên kia thì thuộc quận 10 (ngã Lý Thái Tổ). Ở mỗi ngã lại có rất nhiều con đường hẻm nhỏ đi xuyên qua nhau. Lắm khi người ta tuởng là ngõ cụt, nhưng chỉ cần nhảy tường hay leo rào là thành ngõ thông. 
.
Hình như để tăng thêm phần "địa lợi" cho đất Ngã Bảy nữa, có một ngã có cái chợ lớn ngay đầu ngã đó. Chợ đó vẫn còn tới bây giờ.
Hưng lăn lộn sống ngay trong chợ một thời gian, ẩn náu khi công an các quận có đợt truy lùng trẻ bụi đời bến xe để ốp về lại vùng kinh tế mới. Làm sao quên được cái thời mà nhà nước gọi là "bao cấp" đó nhỉ. Nó gắn liền với Hưng những lời rao bán chanh, bánh muối, bán đuờng, bán củi, dầu.. trong chợ.
 

Buổi sáng sớm, ngay từ 4 giờ sáng, khi nhà nhà còn say nồng trong giấc mộng, Hưng và con Út, 2 đứa nhóc không hề có chút liên hệ máu mủ, nhưng vào sinh ra tử ngay cổng chở đó có nhau. Xe bán rau muống chở ở quê lên, hai đứa xông vô giằng giật với những bà mập có những cánh tay hộ pháp và cái miệng giọng Bắc chua như giấm, luôn miệng chửi mắng bọn "ranh con cướp vặt". (Kỳ thực thì 2 đứa chỉ bị cướp chứ chưa bao giờ cướp). Giành được mỗi đứa một hay 2 bó rau muống lớn, hai đứa trẻ lanh lẹ đưa tiền cho cô Tuyết. Cô Tuyết thật dễ thương. Lắm khi, cô cố tình để hai đứa trẻ có được những bó rau để bán lại. Nhưng cô không dám công khai vì sợ những mối mua rau có sạp trong chợ kia, họ sẽ tẩy chay cô thì chết. Dù sao, chúng cũng chỉ là hai đứa bé chưa đủ 10 tuổi mà. Cũng cần nói thêm vài dòng về cô Tuyết. Ba má cô vốn là người Bắc di cư. Gia đình cô sống ở khu đầm hồ bên Bình Thạnh. Nhà cô có hẳn một khu rau muống bên Đinh Tiên Hoàng nối dài. Sau này khi đất đai có giá. Gia đình cô trở thành tỷ phú và làm ăn phất lên. Cô đi nước ngoài. Chứ ngày đó, nhà cô cũng cơ cực lắm. Mỗi sáng, cô theo xe lam mang rau muống lên khu Ngã Bảy. Cô nói đi quen rồi. Hơn nữa, hình như cô còn có vài người bạn bên chỗ nhà thờ. Bán rau xong, cô còn ngược về hướng đó…

Khi có được 2 bó rau muống lớn, Hưng và con Út chạy ngay đến một góc tối, hăm hở chia thay những bó rau nhỏ. Rồi thay nhau, cầm từng bó rau chạy trong chợ chào bán với từng người. Chúng nó đâu có sạp trong chợ để mà bày ra bán. Hưng hay nhắm mấy người trẻ trẻ đi chợ buổi sớm để mời:
- Dì ơi, mua giúp con bó rau đi dì...
- Bà ơi, bà ăn rau đi bà. Rau tuơi ngon lắm.

Có khi Hưng đeo dai dẳng một người mà mời mọc, làm lắm khi các bà, nhất là mấy bà lớn tuổi, họ bực mình nhéo tay hay đá đít, có khi xáng Hưng một bạt tai mà biết sợ để khỏi đeo họ.

Kỷ niệm buồn, nhưng không phải ngày nào cũng buồn. Mỗi ngày, Hưng đều gặp những con người tốt bụng dễ thương. Hưng thấy, những cô gái đẹp (những chị), khi đi chợ, nếu thấy Hưng chào bán. Họ đều dừng lại ân cần hỏi han:
- Ôi, em là con cái nhà ai mà mặt mày sáng sủa dễ thương, lại phải bán rong ở đây vậy em? Để chị mua giúp em 2 bó

Với những người này, Ít khi họ lấy lại tiền thối. Thường họ cho Hưng luôn. Da Hưng trắng giống mẹ Hưng. Dù giang nắng, nó chỉ đỏ hồng lên mà thôi. Khác với con Út, nó đen lem lẻm. Bởi vậy, khi bán hàng rong trong chợ, Hưng dễ dàng có lợi thế hơn nó.

Hưng ngồi đây, nhớ lại, nhưng cũng không thể nhớ hết những món hàng Hưng từng đi bán rong trong chợ. Tết Trung Thu thì Hưng đi bán đèn cầy. Tết Âm Lịch thì Hưng bán mứt. Ngày thường thì Hưng bán rau, bán củi dầu (để chụm bếp), bán đường bán muối.... Nói tóm lại, nếu có hàng nào thì Hưng bán hàng đó. Cả chanh, hay ớt, báo, Hưng cũng từng rao bán qua…

Đại khái, cứ bán 10 thì ăn lời được 1 hay 2. Bán đến khoang 8 giờ sáng thì hết. Đủ tiền lời cho mỗi đứa một bữa sáng.

Thích nhất là khi 2 đứa ngồi chọn ăn cái gì buổi sáng khi cầm tiền trong tay. Có khi Hưng ăn bún riêu, bún bò hoặc bánh mì bò kho. Cũng có khi chỉ bánh mì thịt bên bến xe Lê Hồng Phong (mé gần Lý Thái Tổ, giáp với cây xăng). Lại có khi, Hưng nổi hứng thèm ăn phở Tàu Bay. Hưng là dân Bắc mà. Ba mẹ Hưng vốn là dân Hà Nội chính gốc. Hưng nói chính gốc là ý nói, gia đình ba mẹ đời đời gốc gốc cổ Thăng Long thành. Trước cả năm 1945. Nghe ba mẹ kể là: sau năm 1945, người ta dồn ngưòi thôn quê lên Hà Nội sống. Người Hà Nội chính gốc dọn đi.

Nói về ăn, khi Hưng thèm phở, con Út, gái miền Tây chính gốc, nó lẽo đẽo chiều bạn, đi bộ với Hưng dọc con đường Ngộ Gia Tự suốt từ tận Ngã Bảy, đến tiệm phở Tàu Bay để Hưng ăn tô phở với nước béo thịt tái để riêng.
Ăn xong, 2 đứa nhóc lại quàng vai nhau ôm bụng lết về đất giang sơn của mình và tiếp tục buôn bán tùm lum để kiếm cho bữa trưa.

Không phải ngày nào cũng kiếm được tiền. Khi không có tiền, hai đứa ăn ghi sổ. Quán cơm bà Ba, thật ra chỉ là cái sạp thấp bán cơm tấm, bà Ba sẽ bán chịu ghi sổ. Nếu là bán chịu, bà cho chúng ăn cơm cháy đáy nồi, với tí mỡ hành và nước mắm chan lên. Ý bà là, cho 2 đứa nhóc ăn chịu đó, nhưng nếu chúng kẹt không trả được thì cũng là cho chúng Hưng ăn luôn.

Hưng mê ăn cơm cháy đáy nồi chan nước mắm mỡ hành. Mà cơm cháy phải là từ cơm tấm mới là ngon.
Bà Ba là người gốc Nam Bộ. Nghe nói quê bà tận miệt Long An. Bà theo chồng về Sài Gòn. Sau nhiều năm bươn chải bán buôn, vợ chồng bà mua được căn nhà nơi đây. Công bằng mà nói thì bà chả hiền lành gì. Mấy đứa bụi đời, giang hồ cũng còn nể bà một phép. Cơm ăn chịu chạc tối ngày vậy chớ cóc có đứa nào dám quỵt tiền của bà. Có điều, nợ lây nhây từng bữa thì đã hẳn. Trong cuốn sổ nhàu nhò của bà ghi chép tùm lum từ nợ khúc cá rán đến vài mảnh sườn nướng. Đối với 2 đứa Hưng và Út. Bà Ba ra chiều nạt nột vậy nhưng trong thâm tâm bà thương chúng nó lắm. Chỉ có điều, trẻ bơ vơ, bụi đời nơi bến xe Ngã Bảy này không ít. Đôi khi, tỏ ra thân thiện quá với đứa này thì đứa kia nó tủi hoặc phẫn thân ghen ghét.

Đúng là trời sinh rồi trời lại dưỡng. Vậy mà Hưng không hề bị bịnh. Trái lại, cái con Út thế mà yếu. Nó bịnh hoài.
Sau này, khi sống ở xứ người, Hưng đủ lớn khôn để nhớ về thời thơ ấu ấy, Hưng đoán.. nó bịnh hồi đó hàng tháng vì nó.. có kinh. Hưng vẫn nghi con Út không phải trạc tuổi Hưng như Hưng nghĩ. Có lẽ, nó chỉ nhỏ người mà thôi!

Mỗi khi con Út nằm bẹp nơi vỉa hè trong cái chăn, ôm bụng rên hừ hừ. Hưng lại bắt chước dân làm nghề giác hơi cạo gió của bến xe, đè nó ra cạo gió lia lịa. Hưng rất sợ con Út nó chết. Vì nếu nó chết, Hưng bơ vơ bến xe một mình.

Khi sinh ra, chung quanh Hưng thật đông anh chị em. Gia đình nhà cao cửa rộng. Nhưng khi Hưng lớn lên trong tuổi thơ, nó lại bơ vơ giữa giòng đời. Bên cạnh Hưng chỉ có con Út. Nên có gì, làm được gì, Hưng cũng cho hay làm cho nó hết.

Con Út không biết chữ. Còn Hưng, từ khi chưa đi học, nó đã đọc hết cả bộ Tam Quốc Chí của ba Hưng cất trên đầu tủ. Bởi vậy, trong mắt con Út, hình như Hưng là một cái gì đó giống như công tử nhà giàu mà bị đi lạc tạm thời vậy. Con Út thường làm giúp Hưng những việc dơ bẩn hay... "hạ cấp". Hình như nó quen rồi và không muốn Hưng bị "nhục" hay sao đó.


Ba Hưng xuất thân là một giáo sư văn chương. Ông anh lớn của Hưng rất giỏi Anh Văn. Khi anh ấy còn nhỏ xíu, anh viết cũng như đọc thuần thục tiếng Anh. Anh ấy ôm mộng đi du học bên Mỹ mà. Chỉ tiếc, chưa đủ tuổi để đi du học, miền Nam đã được giái phóng và cảnh đời anh em Hưng đã bước sang một khúc quanh khác. Anh bảo Hưng:
 - Đáng lý ra, thỉnh thoảng tao có thể ghé Ngã Bảy này tìm mày để dạy cho mày cách phát âm, cách đọc từng chữ, từng câu của tiếng Anh. Nhưng mày còn nhỏ lắm. Nếu mày học từ tao, giọng Mỹ sau này của mày sẽ bị hư đi, sẽ có accent VN trong đó.

Anh suy nghĩ rồi nói tiếp:
 - Cách hay nhất bây giờ làm mày học nhớ chữ và nghĩa đi. Để sau này dễ dàng đọc sách đọc báo khi sang được Mỹ.
Nói rồi anh đưa Hưng một cuốn vở giấy trắng đẹp phau phau.

Nói thêm là thời đó là thời bao cấp, giấy vở học sinh đen thui. Loại giấy recycled từ kế hoạch nhỏ mà. Nhưng anh lại kiếm cho Hưng một cuốn vở giấy trắng. Đời nó, chưa bao giờ thấy giấy trắng đẹp như vậy. Anh nó dặn:
- Tao mua cho mày cuốn vở này, hàng bên Mỹ đó. Mày học thuộc mặt chữ, và nghĩa của mỗi từ, mỗi ngày, mày học một trang, hay một từ thôi cũng được. Khi học, mày tập viết trên cát trước. Cuối ngày, mày hãy chép vô cuốn vở này. Chép từ trí nhớ. Và học từ cuốn vở này, ôn lại tất cả những từ mày từng học qua những ngày trước đó. Cuốn vở này, sau này là tự điển của riêng mày. Chữ mày viết, nên mày sẽ nhớ hoài…

Anh cũng cho Hưng một cây viết bi của Mỹ, nét bút dẹp và thanh. Nó khác những cây bút bic mực cháy lấm lem thời đó.
Hưng thích viết, thích giấy trắng, nên rất hăm hở học chữ cho thuộc để chép vô dó.
Khi chép, Hưng cũng nắn nót bắt chước nét chữ của anh Hưng, viết cho thật đẹp. Anh của Hưng viết vài dòng chữ ở bìa trang giấy, đại khái anh viết tên của Hưng, ngày tháng, và dòng "Ngã Bảy, tặng em Hưng tự điển của riêng em"

Phải nói, Hưng phục anh ruột mình lắm. Anh thổi vào trong nó sự yêu thích học hành hơn là thích rong chơi với đám trẻ khác.

Mỗi khi Hưng chép chữ vô cuốn vở đó, con Út hay ngồi bên cạnh, chăm chú nhìn Hưng nắn nót, rồi nói: "Sao mà khó ghê. Chắc tao không bao giờ viết được như mày" Hình như nó nói hoài câu đó không hề biết chán. Giống như Hưng, viết hoài không bao giờ biết chán. Viết hoài hoài như những đêm đèn đường dế bay miệt mài trên đầu vậy!


Kể cũng lạ, cuộc đời tự nó đều lúc nào cũng có đầy cạm bẫy cả. Từ chuyện cái chị mang bụng bầu giả để đi bán xăng. Xăng đổ trên nước, đánh lừa đàn ông bằng đủ thứ từ thuốc mê đến đánh ghen...
Mà hình như đời khá sẵn những cạm bẫy đó. Cũng giống như, khi đói khổ, lạnh, rét…Tuy nhiên, hai đứa trẻ này chúng không oán hận chế độ hay ba mẹ hay gia đình. Chỉ xem đó là hiển nhiên. Xem đó là thách đố của cuộc sống, chỉ vươn lên chứ không đổ thừa.
Vươn lên mà sống. Đó là một mặc định và ý chí tiên quyết của Hưng. Cây càng non, càng có sức sống mãnh liệt! Dẫu rằng, cuộc đời thường có những oái ăm trái ngược.
Trẻ bụi đời chính cống, thường lánh né không nhận mình là bụi đời. Còn trẻ được bố mẹ quá nuông chiều, dư ăn rửng mỡ, lại tập tành bỏ nhà đi hoang.
Trong suốt thời gian sống lưu lạc vỉa hè, Hưng rất sợ người ta biết nó là đứa sống vỉa hè. Sợ thật sự. Vì nếu đến tai công an phường đội, khi có đợt ra quân vào những ngày lễ lớn, họ sẽ truy lùng và bắt tụi Hưng, để lập công ghi chiến tích xóa dẹp vỉa hè bụi đời cho khu họ.
Bởi vậy, Hưng hay bám víu con Út. Lúc nào nguy nan, Hưng cũng nói nó là chị ruột của Hưng. Con Út thì lanh như sóc. Lúc thì nó nói bà Ba là má nó, lập lờ lập lận trắng đen nó với con gái ruột của bà Ba bán cơm, chị Mỹ Nga con bà cũng ngăm ngăm đen như nó. Tất nhiên là nó nói sau lưng gia đình bà bán cơm đó thôi. Còn trước mắt sức mấy dám. Thế nhưng, gia đình bà ấy cũng biết.
Bà kêu chúng ra hăm dọa nhiều lần. Chả là bà sợ hai đứa mượn danh tiếng của bà để đi ăn nợ những hàng khác. Chỉ thế thôi. Con Mỹ Nga thì mỗi lần mẹ nó hăm con Út và Hưng thì nó lại chề môi: "Đồ nghèo mà ham. Thấy sang bắt quành hả mảy".
Hai đứa biết phận mình nên bao giờ cũng yên lặng và...lỉnh nhanh đi.
Dạo sau này, thời gian khi Hưng sắp vượt biên ra đi. Nơi bến xe vỉa hè về đêm xuất hiện thêm vài nhóm "bụi đời" mới. Đó là những cặp công tử công chúa nhà giàu, như giận hờn bố mẹ vì không được nuông chiều theo ý, họ bỏ nhà đi hoang suốt đêm. Nhưng đến sáng trời nắng lên thì họ nẹt pô xe ầm ĩ lao về nhà bố mẹ họ. Nhóm này thì dù có bố mẹ đấy, có nhà cửa đấy, nhưng ai hỏi thì lúc nào cũng vỗ ngực tự xưng là "vô gia cư", là "sống bụi vỉa hè"
Ba Hưng đi học tập cải tạo. Mẹ Hưng và các con phải đi vùng kinh tế mới. Xe cam nhông đổ người đi kinh tế mới xuống một vùng đất đỏ với cuốc xẻng trong một chiều mưa thật ảm đạm và lạnh buốt. Chỉ vài ngày sau, các anh của Hưng trốn về Sài Gòn. Rồi sau đó, Hưng cũng trốn luôn. Hưng trốn trên nóc một chiếc xe đò đi về Sài gòn và sống lang thang ở bến xe Ngã Bảy, làm đủ mọi nghề để kiếm ăn, chỉ trừ 2 chuyện Hưng không hề làm: móc túi và ăn mày.
Sống lang thang, lúc nào Hưng cũng lo bị tụi móc túi bến xe chận đánh cướp hết tiền vốn. Hay là lo bị công an dẹp lòng lề đường đến dẹp đi, bắt mang về lại vùng kinh tế mới. Nói chung, thấy bóng áo vàng là khiếp vía. Mãi đến sau này khi nó đã thành một nhà khoa học, nhiều đêm nằm ngủ, thỉnh thoảng vẫn nằm mơ thấy mình còn đang sống ở bến xe, bị ác mộng rượt bắt tùm lum.
Có một lần, Hưng và con Út bị gần chục đứa móc túi chận đường trong để trấn lột. Nơi đây, có nhiều đứa lớn tuổi và to gấp đôi Hưng. Giả sử nếu chỉ có mình nó như những lần trước, Hưng đã móc hết ra cho tụi nó để được tha mạng. Nhưng lần đó, chả hiểu sao, nó tức uất, xách gạch đánh lại um sùm. Máu me văng tùm lum cả. Hưng không muốn con Út, con bé kết nghĩa bến xe của Hưng, bị mất hết tiền vốn. Hưng biết nó để dành được khá nhiều tiền, mong đến ngày về quê thăm mẹ nó (hình như ở miền Tây xa xôi lắm). Kết quá lần xung đột đó, trên thái dương của Hưng để lại một vết sẹo dài. Mãi đến giờ, vết sẹo đó vẫn còn trên mặt Hưng.
Mấy đứa bé trạc tuổi Hưng ở bến xe, tụi nó vẫn cảm thấy Hưng khác chúng nó lắm. Con Út hay nói với mọi người, Hưng là thằng bạn duy nhất của mà nó thấy không hút thuốc, đánh bài hay uống rượu. Nó biết Hưng có tâm sự riêng. Nhất là mỗi đêm khi Hưng ngồi một mình, ké ánh đèn điện trắng của xe bán bánh mì đêm, để học Anh Văn. Học từ cái cuốn vở mà người anh ruột của nó đề tặng. Cũng cần nói thêm là: sau khi Hưng trốn vùng kinh tế mới về Sài Gòn, anh lớn có đi kiếm. Gặp Hưng ở bến xe, anh ấy yên tâm. Anh bảo, Hưng ráng đừng để bị ảnh hưởng xấu, đừng để bị công an bắt, ráng học. Vì anh ấy nói là anh đang tìm đường đi vượt biên. Sống ở đây, anh bảo, gia đình mình không có tương lai. Vì nhà nước không bao giờ trọng dụng cả. Có thể, họ chỉ trong dụng thế hệ con cháu của mình mà thôi. Trước khi chia tay, anh chỉ mong Hưng học được Anh Văn để có vốn sau này bôn ba xứ người được.
Bởi vậy, tuy Hưng nhỏ, nhưng khi ấy, trong lòng nó mang một trách nhiệm rất lớn. Đó là, Hưng sẽ ra đi, sẽ trốn đi xa nữa. Chính vì bí mật này, Hưng không hút thuốc, không chơi gái (bến xe đĩ điếm rất nhiều, những đứa trẻ 11 hay 12 tuổi là biết những trò người lớn rồi). Hưng chỉ bươn chải kiếm ăn, sống qua ngày, mong mong đến tối để học từng trang từ điển mà thôi. Cách học của Hưng đơn giản là theo lời anh ruột dạy. Hưng chép lại từng trang từ điển. Mỗi ngày, Hưng chép một trang, chép đi chép lại cả trăm lần. Chép đến mức không cần nhìn tự điển, Hưng có thể tự chép từ trong trí nhớ.
Dăm ba cái tết trôi đi.
Bến xe là nơi tạp nhạp, đủ mọi hạng người. Lữ khách ghé ngang, uống ly trà, có kẻ rất tốt, có kẻ rất xấu. Nhiều người lữ khách, để lại trong tâm trí trẻ thơ của Hưng những ấn tượng mạnh. Bây giờ nghĩ lại, nhớ về nó, mới biết, nó là những đặc thù cúa một giai đoạn lịch sử mà quê hương trải qua. Giao đoạn đất nước mới thống nhất, giai đoạn.. hậu chiến tranh Nam Bắc.
Hưng nhớ mãi, trong những người khách.ruột của mình. Có một chị kia tuyệt đẹp. Chị ấy tên gì, Hưng không còn nhớ rõ. Hình như chị Hương thì phải. Chị chuyên buôn hàng chuyến. Chị mang cà phê từ Lâm Đồng Bảo Lộc, lên Sài Gòn bán. Thời đó cà phê là bị cấm hay sao đó. Hay là chị phải trốn thuế thì mới có lãi. Chị Hương hay trốn công an bến xe lắm. Mỗi khi Hưng thấy chị lên Sài gòn, Hưng đều giúp đỡ, là tai mắt của chị. Hưng giúp chị, đơn giản, vì Hưng thấy chị tuyệt đẹp (Hưng dù sao cũng là đàn ông mà – yêu thích cái đẹp). Chị có đôi mắt đẹp lắm. Dáng người cũng đẹp nữa.
Sau này, chị kể cho Hưng nghe, Hưng mới biết. Chồng chị là một đại tá của quân đội miền Nam. Chồng chị bị đi học tập. Chị phải bươn chải kiếm ăn, nuôi con và đi thăm nuôi chồng. Nghe bảo, có cán bộ khu chị ở, thấy chị đẹp, cứ thường xuyên lại "giúp đỡ". Chị sợ, tìm cách đi buôn hàng chuyến để tránh có mặt tại địa phương nơi chị sống.
Một hôm, trời mưa tầm tã. Xe đò dừng lại, chị và những bao cà phê được mang vô vỉa hè nơi Hưng thường ngủ qua đêm. Hai chị em ngồi nhâm nhi ly trà nóng đến tận tối mịt mờ. Chị thắc mắc sao Hưng chưa về nhà ngủ. Hưng đành ngượng ngập thú nhận: "Em ngủ ngay đây nè chị"
Nghe Hưng nói xong câu đó, chị im lặng một lúc nhìn Hưng, rồi kéo Hưng vô lòng, ôm Hưng thật chặt. Chị hôn Hưng lên má, lên trán, thì thầm: "Tội nghiệp em quá. Tội cho em tôi quá".
Khi buông Hưng ra, chị nhìn vào mắt Hưng: "Em đi theo chị về quê chị sống đi"
Hưng còn trong bàng hoàng bởi những nụ hôn của chị, bởi mùi thơm từ người chị, người Hưng hằng ngưỡng mộ, nên Hưng gật đầu đại. Làm chị mừng rỡ.
Nhưng sau đó lấy lại bình tĩnh. Hưng từ chối. Thế là nó kể cho chị nghe hoàn cảnh của mình. Hưng bảo, nó phải sống ở đây, đợi anh ruột nếu có cơ hội vượt biên, anh còn biết nó ở đâu để mang Hưng đi theo nữa....
Chị Hương ngậm ngùi: "đất nước thay đổi, cuộc đời bao người đổi thay, chị tin sẽ có ngày những người như chị em mình sẽ khá lên, Hưng à. Em phải ráng lên nhé. Chị chúc em và các anh của em sớm tìm được đường ra đi".
Chị Hương là người tốt trong mắt Hưng. Nhưng bến xe còn biết bao người xấu khác. Hưng ra đời sớm. Cuộc đời dạy cho Hưng biết, thế nào là "xem mặt khó biết lòng người"…
(còn tiếp)

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất