Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

bình Tam Quốc bài 28: Cười và khóc và...kết thúc

 Ở bài này, UMN chỉ tổng hợp và bình luận về tiếng cười, giọng khóc của hai nhân vật gọi là ANH HÙNG tiêu biểu trong Tam Quốc là Tào Tháo và Lư Bị. 
Nói về Tào Tháo, xưa nay những kẻ gian hùng không ít, nhưng ít có ai bằng Tào Tháo. Túc trí đa mưu, biết thu nạp nhân tài, biết che mắt thiên hạ. Hành động, âm mưu chứa đầy phản nghịch nhưng bên ngoài lại ra vẻ rất "Trung”. Ngôn ngữ nghe rất "Thuận”.
.
  Cái cách anh Tháo trọng đãi kẻ có tài, chiêu hiền đãi sĩ nghe khá khoan dung. Anh cũng rất trọng nghĩa khi đối xử với Quan Vân Trường. Đặc biệt, đời anh cóc thèm cướp ngôi vua để mang tiếng nhưng vị thế anh Tháo cũng như làm vua… Họ Tào có thể được gọi là Đệ nhất kỳ nhân trong

Nếu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có Lưu Bị tức Lưu Huyền Đức là người chuyên dùng nước mắt để mua lòng người thì Tào Tháo lại là người nổi tiếng hay cười. Mỗi lần cười đều có chuyện xảy ra.

Cái cười đĩnh đạc và lạc quan nhất của Tháo ở vào cuối đời Hán. Khi Thái sư Đổng Trác chuyên quyền, phế vua này lập vua khác. Triều đình không ai dám lên tiếng vì Đổng Trác có người con nuôi là Lữ Bố sức mạnh vô địch lại có ngựa Xích thố và cây Phương thiên họa kích không có tướng nào chống nổi. Quan Tư đồ Vương Doãn một hôm sinh nhật được các quan chúc thọ, bỗng ôm mặt khóc, than thở Đổng Trác lộng quyền mà mình già yếu không làm gì được.

Các quan nghe thế cũng khóc theo. Đang lúc ấy thì Tào Tháo đang giữ chức Kỵ đô úy cũng đang có mặt ở đấy bỗng cười lớn lên. Các quan hỏi:

-Tại sao ngươi lại cười?

Tào Tháo đáp:

-Các ông khóc cả ngày lẫn đêm thì Đổng Trác vẫn sống chứ không vì thế mà chết. Hiện Trác đang tin dùng tôi, ai có thanh dao nhỏ thật tốt, đưa tôi tôi sẽ tìm dịp hành thích hắn.

Nói rồi nhận dao thất bảo của Vương Doãn trao cho. Hôm sau đến Tiểu các hành thích Đổng Trác nhưng bại lộ, bị Đổng Trác phát lệnh truy nã rất gắt.

Tào Tháo và anh em Lưu, Quan, Trương hợp binh đánh Lữ Bố nơi thành Hạ Bì. Trước đó trong trận Bộc Dương, Tào Tháo suýt chết về tay Trương Liêu, một tướng giỏi của Lữ Bố và bị hỏa công cháy hết râu tóc trong trận này.

Trong trận Hạ Bì, Tào Tháo dùng thủy công tháo nước ngập thành Hạ Bì, bắt sống được Lữ Bố lẫn Trương Liêu. Lữ Bố nài nỉ xin tha mạng nhưng vẫn bị giết, chỉ có Trương Liêu là khẳng khái chịu chém.

Tháo hỏi Trương Liêu:

-Ngươi là ai, sao có vẻ quen mặt?

Trương Liêu đáp:

-Ở trận Bộc Dương ngươi may mắn lắm mới thoát khỏi tay ta. Tiếc rằng ta chưa thiêu chết tên gian hùng như mi.

Tào Tháo nổi giận rút gươm toan chém, thì Lưu Bị hết lời can ngăn, Quan Công thì quỳ xuống nói:

-Truơng Liêu là một trang dũng tướng, ra trận ai vì chủ nấy. Xin Thừa tướng chớ giết.

Tào Tháo quăng gươm cười lớn:

-Ta biết Trương tướng quân là người trung nghĩa nên ta chỉ thử lòng đó thôi.

Nói rồi cởi áo của mình khoác cho Trương Liêu. Trương Liêu cảm kích chịu đầu hàng Tào Tháo, từ đó về sau đã cùng Tào Tháo xông tên, đục pháo nhiều trận và từng cứu sống họ Tào.

Viên Thiệu đem quân đánh Tào Tháo, có Lưu Bị đi theo. Tướng tiên phong là Nhan Lương chém một lúc hai tướng của Tào Tháo, đánh bại một tướng khác. Mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục hiến kế:

-Nay là lúc dùng Quan Công. Cho y ra đánh với Nhan Lương, nếu y chém Nhan Lương, Viên Thiệu sẽ nghi ngờ mà giết Lưu Bị. Lưu Bị chết, Quan Công ắt sẽ theo ta suốt đời.

Tào Tháo nghe nói vỗ tay, cười dài, khen là diệu kế. Rồi thỉnh Quan Công ra trận. Quan Công chém Nhan Lương khiến Lưu Bị suýt bị Viên Thiệu giết.

Tào Tháo đem 83 vạn binh thủy bộ xuống Giang Nam, quyết diệt Tôn Quyền, thế rất mạnh, cả Giang Nam đều rúng động. Tào Tháo lầm kế của Bàng Thống, cho kết các chiến thuyền lại với nhau thành thủy trại.

Đếm ấy trăng sáng, Tào Tháo sai quân đặt tiệc yến ẩm cùng các tướng. Tào Tháo chỉ về phương Nam nói với các tướng:

-Lưu Bị, Tôn Quyền dại dột chẳng thuận lòng trời. Ta năm nay đã năm mươi bốn tuổi, lấy xong Giang Đông là mãn nguyện một đời. Ta biết Kiều Công có hai con gái là trang khuynh quốc khuynh thành song Tôn Sách, Châu Du lấy hết. Nay mai chiếm được Giang Đông, thỉnh Nhị Kiều về Đồng Tước đài an hưởng tuổi già thì vui xiết bao!

Nói xong hứng chí cười vang. Lại nghe chim thấy trăng sáng nên kêu, bèn tức cảnh sinh tình làm thơ ngâm lên cười vui vẻ.

Chẳng bao lâu, Đô Đốc Đông Ngô là Châu Du lợi dụng gió đông dùng hỏa công đốt hết chiến thuyền và thủy trại của Tào Tháo. Đại bại, Tào Tháo chạy về phía Di Lăng, đến một ngả ba liền hỏi tướng sĩ:

-Đây là nơi nào?

Quân sĩ đáp:

-Đường này phía Tây đi Ô Lâm, phía Đông đi Nghị Đô.

Tào Tháo nghe qua bỗng cười lên sằng sặc, nói rằng:

-Châu Du, Khổng Minh ít trí, chứ nếu một đạo quân mai phục tại đây thì chúng ta nguy mất!

Vừa dứt lời thì tiếng chiêng vang dậy, có tướng của Lưu Bị là Triệu Tử Long dẫn quân xông ra. Tào Tháo được các tướng vất vả bảo vệ chạy trốn. Đến khi trời sáng thì chạy đến Hồ Lô khẩu, quân lính theo còn lại thưa thớt, mỏi mệt, Tào Tháo liền cho quân nghỉ ngơi. Tào Tháo ngồi dưới gốc cây bỗng cất tiếng cười dài. Chư tướng liền hỏi:

-Lúc nãy Thừa tướng cười thì có Triệu Tử Long đón đánh, bây giờ không hiểu Thừa tướng cười là có ý gì?

Tào Tháo đáp:

-Nếu ta là Khổng Minh, Chu Du, cho một đạo quân phục ở đây thì không đánh cũng thắng.

Vừa dứt lời thì Trương Phi kéo đến. Bên Tào Tháo lại một phen chạy trối chết! Đang chạy thì quân đến báo:

-Trước mặt có hai đường, đường lớn thì đi xa mấy mươi dậm, đường nhỏ là Huê Dung đạo, rất khó đi lại có khói lên.

Tào Tháo nói:

-Binh pháp hư hư, thực thực. Khổng Minh đốt lửa Huê Dung đạo rồi phục binh nơi đường lớn, ta cứ đi ngã Huê Dung.

Ai cũng khen là cao kiến. Đi được vài dậm, Tào Tháo lại cất tiếng cười. Chư tướng đều thất kinh. Tào Tháo nói:

-Khổng Minh, Chu Du mà phục một đạo quân tại đây thì bọn ta chỉ có cách xuống ngựa quy hàng.

Vừa dứt tiếng thì bỗng pháo nổ, một tướng mặt đỏ râu dài cởi ngựa Xích Thố, cầm Thanh Long đao xông ra chặn đường. Ai nấy rụng rời. Tào Tháo hối quân xuống ngựa, năn nỉ xin tha mạng.

Năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo khánh thành Đồng Tước đài, năm Kiến An thứ 17 lại kéo quân đánh Giang Đông lần nữa. Trận đầu bại binh Tào Tháo buồn bực, cả ngày xem binh thư. Ngày kia đang thiu thiu ngủ thì chiêm bao thấy mặt trời sa xuống trại quân trên núi. Tỉnh dậy vừa đúng giờ ngọ, liền dẫn mấy chục tên quân lên chỗ mặt trời sa xuống trong giấc chiêm bao liền gặp Tôn Quyền, chúa Giang Đông.

Tôn Quyền nhận ra Tào Tháo liền lấy roi trỏ vào mặt, nói lớn:

-Thừa tướng tọa hưởng Trung nguyên, phú quý tột bực, sao lại còn muốn cướp đất Giang Đông của ta?

Tào Tháo đáp:

-Ngươi chỉ là phận thần tử, mà ta thì vâng mạng vua đánh ngươi đây.

Tôn Quyền cười lớn:

-Khắp thiên hạ ai cũng biết ngươi là kẻ hiếp vua. Ta đánh ngươi là để khuôn phò xã tắc vậy.

Hai bên đánh nhau, Tào Tháo phải chạy gấp về trại, lòng buồn bực. Bỗng có quân vào dâng thư Tôn Quyền gửi tới, trong thư viết:

"… Thừa tướng với ta, cùng là quan nhà Hán, sao lại khuấy động đao binh. Xin Thừa tướng hãy lui về, đất ai nấy giữ, chớ để trận Xích Bích xảy ra lần nữa…”.

Lại thấy Tôn Quyền viết cuối thư hai câu:

"Ông mà chưa chết,

Lòng ta chưa yên”.

Tào Tháo đọc xong cả cười. Lấy làm đắc ý nói rằng:

-Tôn Quyền hiểu rõ ta lắm!

Rồi hạ lệnh lui binh...
----

Tào Tháo là một kỳ nhân của thời Tam Quốc. Những cái cười của họ Tào đã được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và đưa vào Tam Quốc Diễn Nghĩa nhằm làm nổi bật cá tính của họ Tào.

Cái cười của họ Tào trong tiệc rượu trên sông Trường Giang trước trận Xích Bích là cái cười sảng khoái của họ Tào trước giấc mộng bá chủ sắp thành, mơ màng tới lúc công thành danh toại. Còn những cái cười của họ Tào trong lúc đang trên đường rút lui sau trận hỏa công Xích Bích, các lần cười trước khi gặp phục binh của Triệu Vân, Trương Phi, Quan Công có lẽ do tác giả La Quán Trung đặt vào miệng họ Tào với dụng ý làm tăng tài điều binh khiển tướng nhìn xa trông rộng của Khổng Minh mà thôi. Khi nhận được thư Tôn Quyền có hai câu: "Ông mà chưa chết, lòng ta chưa yên”, Tào Tháo là kẻ xem Tôn Quyền là một nhân tài, tuy chưa xem Tôn Quyền là kẻ anh hùng như Lưu Bị nhưng khi Tào Tháo nói với các quan nhận xét của mình về họ Tôn: "Có con mà như Tôn Quyền kia thì nên có, chứ con như con Lưu Biểu thì khác gì con heo, con chó” cũng đủ thấy họ Tào trọng thị họ Tôn đến mức nào. Nên khi được Tôn Quyền xem mình là đối thủ số một thì họ Tào đắc ý là phải. Chấp nhận sự bá chủ của họ Tôn ở Giang Đông và rút quân về.

La quán Trung tuy đứng về phía Lưu Bị nhưng viết những câu chuyện trong Tam quốc cũng cho thấy có rất nhiều người bỏ chủ cũ để theo Tào Tháo trong lúc rất hiếm trường hợp ngược lại. Điều này chứng tỏ Tào Tháo là “ông chủ” tốt, chí ít cũng tốt hơn những ông chủ cùng thời. Ngay khi diệt được Viên Thiệu, Tào Tháo bắt được nhiều thư từ liên lạc giữa Hứa đô và Viên Thiệu có nội dung cấu kết với địch, Tào Tháo không cho điều tra mà lại đem đốt sạch! Quả là một người có cái bụng rộng rãi…

Lưu Bị thuở nhỏ gia cảnh bần hàn, phải dựa vào nghề đan giày mà kiếm sống. “Chân Mệnh Thiên Tử Tạp Lục” có ghi: Lưu Huyền Đức hiển lộ vương tướng từ nhỏ mặt đẹp như ngọc, môi tựa thoa son, trên người tỏa ra long khí, nói tóm lại là da trắng, thịt thơm lại có đôi tay dài quá gối, đôi bàn chân to quá khổ. Cũng chính vì có đôi bàn chân cỡ ngoại hạng này mà Lưu Bị đã tự đan cho mình một đôi giày có quai hậu để tiện bề đi lại, nguồn gốc giày sandal cũng có thể xuất xứ từ đây.

Đến khi giặc Khăn Vàng nổ ra, việc buôn bán giày của Bị thất thu rất nhiều. Khi giặc hành quân đến huyện Trác nơi Lưu Bị sinh sống, giày dép đều rách tả tơi bèn trưng thu tất cả ở tiệm của Bị mà không trả một xu. Bị buồn bã ngồi khóc cả ngày trời khiến cho hàng thịt của Trương Phi kế bên không buôn bán gì được. Quan Vũ mở tiệm bán đậu phụ bên cạnh cũng chẳng khá hơn gì mấy. Hai người mới qua hàng giày của Bị, Quan Vũ rằng: "Thôi sự đã rồi, anh khóc lóc cũng chẳng giúp ít được gì!". Bị nghe thấy thế thì càng rống to lên. Trương Phi thấy vậy mới nói "Vậy thì đuổi theo bọn Khăn Vàng, đánh cho chúng không còn manh giáp đòi lại giày?". Bị nghe xong mặt mày sáng rỡ, cùng Quan - Trương kết nghĩa anh em quyết tâm đánh giặc Khăn Vàng để đòi lại công đạo. Nhờ khóc mà Lưu Bán Dép có 2 đệ tử xuất sắc.

Một lần khác: Lưu Bị bỗng nhiên bật tiếng khóc lớn, nức nở nói:
- Tài của tiên sinh thật là lớn, tuy nhiên Bình Nguyên lương thực thiếu khí huyết thiếu, làm sao có thể đại sự .
Trương Lãng thấy Lưu Bị là đàn ông mà nghẹn ngào khóc trước mặt mọi người thì nhất thời không biết làm sao đành an ủi:
- Tướng quân có thể mượn binh của Công Tôn Toản nói là thảo phạt sơn tặc, Công Tôn Toản và tiên sinh có giao tình hắn sẽ phái binh, tuy nhiên Ký Châu có thể nắm lấy là tốt nhất, nếu như không thành đại sư, Ký Châu cũng có thể là nơi an thân tạm thời.
Lưu Bị nước mắt run rẩy nói:
- Lời của tiên sinh có ý gì?
Trương Lãng khóe miệng giật giật cuối cùng vẫn không nói ra, bây giờ hắn nói rằng Tào Tháo sẽ thống nhất phương bắc khẳng định là không ai tin hắn đành thở dài nói:
- Trương Lãng nói đến đây thôi Huyền Đức huynh bảo trọng.
Lưu Bị muốn nói nữa rồi lại thôi, hai tay nhanh chóng nắm lấy tay của Trương Lãng nước mắt từ từ rơi xuống

Lần trốn từ Đông Ngô về mang theo Tôn Phu Nhân, khi quân Ngô đuổi sát nút, Huyền Đức hoảng sợ, dừng ngựa lại hỏi Triệu Vân rằng:
- Trước mặt có quân chặn đường, sau lưng có quân đuổi theo, hết đường rồi, làm thế nào bây giờ?
Vân thưa:
- Chúa công chớ ngại. Quân sư có ba điều diệu kế ở trong túi gấm này. Hai lần mở trước đều đã trúng cả. Nay còn điều thứ ba, dặn lúc nào nguy cấp lắm mới mở. Chính lúc này nên mở ra xem sao.
Nói rồi, Vân mở nốt túi thứ ba dâng lên, Huyền Đức xem xong, đến ngay trước xe Tôn phu nhân khóc mà nói rằng:
- Tôi có mấy lời tâm phúc, đến đây phải thành thật tỏ bày cùng phu nhân.
Phu nhân nói:
- Phu quân có điều gì, cứ nói thực cho tôi được biết!
Huyền Đức nói:

- Trước kia Ngô hầu đồng mưu với Chu Du gọi gả phu nhân cho tôi, thực ra không phải có ý muốn tác thành cho phu nhân đâu, mà chính là định cấm tù Bị này để cướp Kinh Châu đó thôi. Khi Kinh Châu về tay rồi, họ sẽ giết tôi đi. Rõ ràng họ dùng phu nhân làm cái mồi thơm để dử tôi đó. Sở dĩ tôi không sợ chết, dám cả gan đến đây, vì biết chắc phu nhân có chí khí nam nhi, có lòng yêu thương đến tôi. Vừa rồi, thấy Ngô hầu có ý muốn hại, nên tôi nói dối là Kinh Châu có việc, để tính đường trở về. Nay được phu nhân không nỡ bỏ nhau, theo tôi đến đây. Không ngờ Ngô hầu sai người đuổi theo sau lưng. Chu Du lại cho người chặn đường trước mặt. Ngoài phu nhân ra không ai gỡ được nạn này. Nếu phu nhân không rủ lòng cứu cho, thì tôi xin chết ngay ở trước xe để đáp ơn đức của phu nhân!
Nhờ màn khóc và những lời này, Tôn Thượng Khương đã quát tướng sĩ Đông Ngô lui binh.
 
Vẫn là dùng nước mắt để tranh thiên hạ:

Lưu Bị dưới sự trợ giúp của Từ Nguyên Trực, đóng quân Tân Dã, chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thảo, khí tượng ngày một thịnh. Nhưng Tào Tháo đã bắt chước bút tích của Từ Mẫu đưa cho Nguyên Trực, khiến cho ông ta phải rời bỏ Lưu Bị. Lưu Bị khóc rằng: “Nguyên Trực đi rồi, ta sẽ không biết làm thế nào?”, rồi ngưng nước mắt mà ngóng theo Từ Thứ.  Với Từ Thứ, cái khóc này mà tâm tư nhiễu loạn, nước mắt lưng tròng, khi sang phía Tào Tháo từ đầu chí cuối không đưa ra một kế sách nào.
Lưu Bị ba lần đến lều cỏ, gặp phải lời từ chối khéo của Khổng Minh, Bị khóc rằng: Tiên sinh không xuất sơn, thiên hạ sẽ sống như thế nào?”. Lưu Bị nói đi nói lại, càng động đến tâm sự sâu kín, tâm tư trăm mối, lúc đó “nước mắt thấm ra tay áo, làm ướt hết cả vạt áo”.
Khi Lỗ Túc Đông Ngô đòi Kinh Châu, Lưu Bị lại khóc, dày vò những thủ hạ của Lỗ Túc không biết xử trí thế nào, cuối cùng không hoàn thành được nhiệm vụ.
Lưu Bị từ đầu chí cuối đều dùng nước mắt để cảm động văn thần võ tướng, khóc để giành được một địa bàn lập nghiệp rồi cũng dùng khóc để có được vị trí vua đất Thục.

Nhưng chính bác Bị cũng chí ít 3 lần lừa Tào Tháo:
Chỉ bằng 1 câu 10 chữ đã khiến Tào Tháo giết Lữ Bố, tướng mạnh nhất Tam Quốc Chí. Khi bắt được Lữ Bố, Tào Tháo đã cố tình hỏi dò Lưu Bị xem nên xử lý thế nào, Lưu Bị trả lời "Ông còn nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác không?" (Lữ Bố đã từng giết cha nuôi Đinh Nguyên và Đổng Trác)
"Như vậy, một câu nói quan trọng của Lưu Bị đã lấy đi tính mạng của Lã Bố. Điều này vừa thể hiện Lưu Bị có tầm nhìn sâu rộng, có tài ăn nói của một nhân vật trí dũng. Lưu Bị biết rõ tuy lúc đó mình là thượng khách của Tào Tháo, nhưng đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời, trong tương lai, Tào Tháo hẳn sẽ là đối thủ số một của mình. Nếu như để Tào Tháo giữ lại một mãnh tướng như Lã Bố (ở cửa Hổ Lao, ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi phải cùng liên thủ mới thắng được Lã Bố) thì hẳn sẽ khác nào hổ chắp thêm cánh. Đương vào lúc quan trọng này, muốn thuyết phục để Tào Tháo giết Lã Bố thì phải nói trúng điểm then chốt nhất. Vì cả đời Tào Tháo vốn đa nghi, đối với Lưu Bị cũng rất cảnh giác, không thể nói lỡ lời, nếu như để Tào Tháo biết được suy tính của mình thì sẽ đem đến phiền phức cho bản thân. Vậy phải làm thế nào? Vì thế câu “Ông còn nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác không?“  làm như chỉ là buột miệng nói ra, chỉ mười chữ ngắn ngủi, một mặt đã giáng một đòn chí mạng vào Lã Bố - Vong ân bội nghĩa, chỉ thích quay mũi giáo đánh lại. Mặt khác nó đã đánh vào nhược điểm lớn nhất của Tào Tháo: đa nghi. Chỉ một câu nói ngắn ngủi này đã phản ánh một cách đầy đủ nhất trí tuệ và tài ăn nói và cả sự nham hiểm, dã tâm đểu, bất nghĩa của Lưu Bị. Nếu ai đã đọc và theo dõi những tập trước của Tam Quốc, sẽ thấy Lã Bố đối xử với Lưu Bị đâu đến nỗi nào???

Lần luận anh hùng mà UMN đã đề cập ở bài trước đây: Tào Tháo mời Lưu Bị đến nhà đã nói "Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tào Tháo mà thôi." Lưu Bị nghe nói giật mình ,đánh rơi đũa xuống đất, vừa đó có tiếng sấm sét liền nhanh trí nói "Sợ chết đi mất. Sấm to quá, đã khiến tôi sợ rơi cả đũa ...." rồi từ từ cúi xuống lượm đũa. Nhờ thế mà lừa được 1 người đa nghi như Tào Tháo.
Rồi Lưu Bị xin Tào Tháo cho quân đi đánh Viên Thuật, sau đó không quay về nữa, nhờ vậy mà thoát thân khỏi Tào Tháo.
Lưu Bị cũng nhờ nhân hòa mà thu phục được nhiều quân sư giỏi như Khổng Minh, Bàng Thống, tướng giỏi như ngũ hổ tướng. Còn Tào Tháo từ sau khi Quách Gia chết không có thêm 1 quân sư giỏi nào nữa, sau này lại giết Dương Tu vì Dương Tu giỏi hơn mình và đọc được suy nghĩ của mình.
Tào Tháo và Lưu Bị đều là những anh hùng độc nhất vô nhị, trước sau khó kiếm được ai sánh bằng, nhưng mỗi người có phong cách khác nhau, khó so sánh ai hơn ai được.

Tào Tháo thì tự tin, Lưu Bị rất thâm, thâm đến mức mà nhiều người vẫn cho rằng Lưu Bị suốt ngày chỉ biết khóc lóc không có tài cán gì.
Có ít nhất 2 người đã nhìn ra cái thâm nho và chí lớn tài cao của Lưu Bị. Một là Tào Tháo đã từng nói "Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân (Lưu Bị) và Tào Tháo mà thôi." Hai là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Có thể bác Lượng biết nếu theo Tào Tháo sẽ có ngày bị giết vì Tào Tháo không thích ai giỏi hơn mình (như việc Tào Tháo giết Dương Tu vì Dương Tu đọc được suy nghĩ mình). Còn nếu theo Tôn Quyền thì Tôn Quyền suốt đời chỉ biết ôm khư khư lấy Giang Đông 6 quận 81 châu, không có tham vọng chinh phục cả Trung Hoa. Còn theo Lưu Bị thì Lưu Bị vừa nhân hòa, trọng dụng nhân tài vừa có tham vọng chinh phục cả Trung Hoa. Trong nhiều trận chiến quan trọng đã giao cho Khổng Minh toàn quyền quyết định.

Nói về thủ đoạn "mỵ dân" thì chắc Bị còn hơn Tháo một bậc, khi cần thì ném con xuống đất lấy lòng tướng sĩ; giả vờ nhường Từ Châu cho Lã Bố... khi Bị chạy loạn khỏi thành Tân Dã gọi kéo theo trăm họ ra đi để cho Tào Tháo cái thành trống làm cho trăm họ bỏ nhà bỏ cửa, con lạc cha, em lạc anh, tiếng khóc như ri, thế ko hiểu là lo cho dân hay là hại dân đây?

Rồi trong khi hai nước Ngụy, Ngô thì lo phát triển kinh tế, người dân yên hưởng thái bình thì Thục quốc thường xuyên phát động can qua làm dân chúng lầm than, đời sống bấp bênh. Bị không nghe lời Khổng Minh tự mình dẫn đại quân đi phạt Ngô trả thù cho hai em. Tôn Quyền đầu hàng, trả lại hai thành Kinh, Tương lại hứa cho Tôn phu nhân đoàn tụ đổi lại hòa bình nhưng Bị nhất quyết không đồng ý đòi lấy đầu Tôn Quyền bằng được để rồi  bị "hỏa thiêu liên doanh" thất bại thảm hại, quân sĩ chết nhiều vô kể. Bị kêu Lưu Chương là anh em đồng tông không nỡ lấy đất Xuyên của anh em nhưng vẫn đem quân vào Xuyên mượn cớ đánh Trương Lỗ rồi chiếm luôn đất của người anh em…

Nhàn việc, thỉnh thoảng lại lôi Tam Quốc và những Ngụy Hán Thư, Tam Quốc Chí…ra đọc. Càng những lần đọc sau thì càng muốn so sánh với những bản dã sử và sử khác. Cái sự lãng mạn của kết nghĩa vườn đào từng khiến cho mấy thằng nhóc tuổi mình ăn trộm rượu cúng trên chùa chia nhau uống mà thề “không thằng nào được bỏ coi trâu khi đến phiên gác lúa” để cho thằng khác yên tâm tát đìa, bẫy chim, sấn chạch và cả vượt rào kiếm khế chua, ổi xanh về chấm muối ớt hột.

 Hầu như thằng trẻ trâu nào đọc đều yêu thích tướng sĩ nhà Thục với Đông Ngô hơn tướng Tào. Đọc đến đoạn Vân Trường một đao tới hội; rồi mắng Tôn Quyền như mắng trẻ con mà thấy khoái tỷ tỳ ti. Cái đoạn Quan Vũ hàng Hán bất hàng Tào cũng khoái. Lúc qua 5 ải chém 5 tướng thật mê và vụ Phàn Thành bắt Bàng Đức thật hào hùng. Rồi ông Trương Phi bị kẻ tiểu nhân cứa cổ thì thật đau lòng và tiếc nuối…

Nhưng càng những lần đọc sau này, thấy trong lòng mình cảm xúc khác hẳn. Đoạn Trương Phi chết thì rõ cố chấp như thế, ép người ta như thế thì nó bật cho là đúng Nghiệp. Chết là đương nhiên, Khổng Minh bày trận đánh nhau với Hạ Hầu Mậu. Xem ra, từ tuổi tác đến sự từng trải, mưu lược và uy danh thì Mậu chỉ là đứa vắt mũi vừa sạch. Nhưng Gia Cát không hiểu tự ái hay dìm hàng mà không dùng mưu của Nguỵ Diên, tắt đường Tà Cốc uy hiếp Trường An. Thành ra lố bịch đến buồn cười cho người cầm trận mang danh ”xuất quỉ nhập thần”. Chuyện lây nhây kéo dài ngày tháng khiến 6 lần xuất quân ra Kỳ Sơn trở thành nỗi đau thiên cổ. Mẹo mực của một ông quỉ thần mà kẻ địch khôn lường yếu lính thế sao??

Lưu Huyền Đức thì khỏi nói. Ngay đọc Tam Quốc lần thứ 3, tôi đã thấy trong ông những giả nhân giả nghĩa. Bởi lẽ đời này, nhiều “gà đẻ gà cộc tác” quá đâm ra mình hay suy diễn. Như bài trên đã nói mấy chi tiết cư xử của Bị và những lần khóc của ông ấy. Từ chuyện ném con lấy lòng tướng. Không bỏ dân mà như giết dân; mà trong từng câu nói ông Bị đều chỉ dùng tuyên truyền cho cái nhân từ của ông ta. Nhớ cái lúc đàm đạo cùng Bàng Thống (Phượng Sồ) sau khi Trương Tùng dâng cái địa đồ Tây Xuyên. Sự giả nhân nghĩa đã đến thành định nghĩa và trở thành lá bài chiến lược xuyên suốt đời binh nghiệp:” Ta nay đánh nhau với Tào Tháo, khác nào nước địch với lửa. Tháo vội vàng, ta thư thả; Tháo bạc ác, ta nhân từ; Tháo dối trá, ta thực thà; việc gì ta cũng phải khác Tháo thì mới thành công”.Chém gió như chém bùn!

Trong chiếu viết của anh Lưu Bị còn có khúc rất mị dân đến khó ngửi ý là: "Vâng mệnh Hán Hiến Đế uýnh Tào". Thấy Tào Phi xưng Ngụy Đế, anh Bị cũng  xưng Đế. Nếu phạt Ngụy thành công thì anh Bị sẽ xử lý thế nào đây? Anh  tìm con cháu Hán Hiến Đế để nhường ngôi chăng? Hay là chó săn anh thịt hết và cung nỏ anh bẻ luôn?

Ở đoạn “Từ Thứ tế ngựa tiến Khổng Minh”, chúng ta thấy rõ hơn cái biểu cảm lá mặt kinh khủng của Lưu Huyền Đức. Vì, vừa mới nước mắt chứa chan khi tâm sự với Từ Thứ là “Bị tôi mất tiên sinh, dù gan rồng tuỷ phượng ăn cũng không thấy ngon”; Khi Từ Thứ đi khuất tầm nhìn thì nói với tướng sĩ: “ta muốn chặt hết đám cây này, vì chúng che khuất Nguyên Trực của ta”. Thế mà vừa nghe đến Phục Long, đã lại có thể “mừng quớ lên” được, sao lại có thứ nước mắt khô nhanh thế! Thánh thật! Cái cụ Nam Cao viết câu” Thánh thật! Tiên sư anh Tào Tháo!” có lẽ cũng cần viết thêm:” Thánh thật! Ối anh Lưu Bị ơi!”.

Những người thích Tam Quốc hẳn ai cũng nhận thấy rằng, Lưu Bị có một đặc điểm rất xấu đó là đánh được thì đánh, không đánh được ắt chạy thoát thân thục mạng, tính mệnh của vợ, của con đều quên sạch. Riêng nói về trình độ chạy trốn, tần suất và cả sự nhếch nhác thì ngay đến cả tổ tiên của Lưu Bị là Hán Cao Tổ Lưu Bang có sống dậy cũng phải chấp nhận là “hậu sinh khả úy”.

Trong cả sử sách lẫn “Tam Quốc diễn nghĩa” có thể thống kê được ít nhất 4 lần Lưu Bị có hành động không được xứng tầm với một đại anh hùng, vứt bỏ vợ con, chạy lấy thân mình.

Lưu Bị đối xử với vợ thì thật không ngửi nổi. Bị nhiều vợ không ai chê nhưng cái đoạn rẻ rúng vợ và có cái nhìn bệnh hoạn về vợ thì đáng bàn. Tương truyền dung mạo của Cam phu nhân (Vợ Lưu Bị) khi trưởng thành không giống với những phụ nữ bình thường khác. Mười tám tuổi đã trở thành mỹ nữ được Lưu Bị sủng ái. Lưu Bị thường để cô cùng ở trong trướng lụa, đứng ở ngoài trời mà nhìn. Cam thị giống như tuyết trắng ngưng tụ dưới ánh trăng vậy. Ở Hà Nam có người muốn lấy lòng Lưu Bị, dâng tặng một tượng ngọc cao ba thước (khoảng 1m), Lưu Bị đem tượng ngọc này để cạnh Cam phu nhân, thường bắt Cam phu nhân trong đêm phải bỏ hết y phục để so sánh với người ngọc ở bên.

Lưu Bị chơi đùa Cam phu nhân không khác gì pho tượng bằng ngọc, thường nói: “Điều quý của ngọc là ở chỗ nó có thể so với cái đức của người quân tử. Hơn nữa lại có thể đẽo tạc thành nhân hình thì khó mà bỏ đi được”. Rất bực với cái nhìn so sánh bịnh hoạn này, Cam phu nhân rất muốn phá hủy tượng ngọc. Bà từng khuyên Lưu Bị rằng: “Trước đây Tử Hãn không lấy ngọc làm quý, sách Xuân Thu vì thế mà khen ngợi. Hiện tại Ngô và Ngụy đều chưa diệt được, làm sao có thể vui chơi mà quên chí của mình. Phàm là thứ gì sinh ra dâm cảm đều không nên dùng”. Lưu Bị nghe những lời đại nghĩa của Cam phu nhân mới bỏ tượng ngọc.

Cái câu :" “Điều quý của ngọc là ở chỗ nó có thể so với cái đức của người quân tử. Hơn nữa lại có thể đẽo tạc thành nhân hình thì khó mà bỏ đi được”." thì có người còn có thể chưa rõ nhưng đến khi đọc thấy Lưu Bị đã từng nói rằng: “Anh em như tay chân, vợ con như quần áo vậy thôi” mà y phục thì hoàn toàn có thể tùy tiện vứt bỏ. Bởi vì “quần áo rách, có thể may cái mới, chân tay bị chặt làm sao mà nối được đây?”. Nhiều người cho rằng, câu nói này thể hiện khí phách anh hùng, hoài bão kinh bang tế thế của Lưu Bị. Tuy nhiên, đó chỉ là bao biện, những câu nói và hành vi xử sự với phụ nữ kể trên chỉ thể hiện sự coi thường của Lưu Bị đối với vợ con mình.

Bây giờ nhắc đến sự tương đồng dã tâm của anh Tháo và anh Bị: Nhắc đến anh Tào Tháo thì tư tưởng “thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”, thấy toát lên cái khí thế tàn khốc quá, lời lẽ lạnh lùng, khô gọn quá. Tháo hành động giết cả nhà Bá Xa; Thịt luộc Trần Cung, chém quan tải lương…làm cho bá tánh và tướng, quân kinh ốm. Nhưng Lưu Bị cũng chơi theo quan điểm ấy khi hại Lã Bố, phản Viên Thiệu, khinh Lưu Biểu, phụ Lưu Chương…

Hai khứa tương đồng nhưng anh Tháo thì mang tiếng gian thần còn anh Bị vẫn được tiếng là nhân đức nhờ cái vỏ bọc PR “thà ta chết chứ không thể làm điều bất nghĩa”(!). Ông Bị ơi! Ông quá trác tuyệt! Quá xảo diệu!
 
Chả biết 2000 năm trước khác bây giờ bao nhiêu. Nhưng rõ là cái cây thẳng trên rừng dễ bị chặt nhất. Lời nói thẳng khó lọt tai, khó lấy lòng người. Coi nào ông Tào Tháo? Ngày đó thời Tam Quốc, ông ép được Nguyên Trực về hàng mà thành vô mưu, đon đả niềm nở với Bàng Sĩ Nguyên tưởng phen này có thêm mưu sĩ xịn thì lại là mắc mẹo. Rồi Ngoạ Long từng tuột khỏi tay. Bây giờ ông đã thừa nhận rằng ông mua lòng người không khéo bằng Lưu Bị chưa?

Ơ hay! Thế ra Tào Mạnh Đức tiểu nhân thì tưởng đã rõ rồi lại lăn tăn, nhưng Lưu Huyền Đức đã thành một “nguỵ quân tử” trong cách cảm thụ Tam Quốc của tui cách nay vài chục năm.

Nói về sách Tam Quốc của La Quán Trung có nhiều bản khác nhau. Một trong những bản sớm nhất là bản in năm 1522 (niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh). Bản này gồm 21 tập, có 240 hồi với tên gọi là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa. Về sau người ta in nhiều bản Tam quốc khác, có tới 20 bản. Các bản sau có thay đổi chút ít, song nội dung cơ bản vẫn không khác với bản in năm 1522 là mấy. Mãi đến đời nhà Thanh, Mao Tôn Cương dựa vào bản in 1522 chỉnh lý lại các hồi mục, thêm bớt sử liệu, và hoàn thành vào khoảng năm Khang Hy thứ 18 (1678) hoặc sớm hơn một chút. Mao Tôn Cương bắt chước Kim Thánh Thán bình cải Thuỷ Hử và Tây Du Ký, ông sửa chữa, thêm bớt nhiều chi tiết, đổi tên hồi thành những câu thơ biền ngẫu 7, 8 chữ, đặc biệt sau mỗi hồi viết thêm lời bình và dồn 240 hồi thành 120 hồi. Từ đó bản do Mao Tôn Cương chỉnh lý với tên gọi là Tam Quốc diễn nghĩa đã thay bản gốc của la Quán Trung lưu truyền mãi cho tới ngày nay.

Dẫu Tam Quốc theo bản nào của La Quán Trung thì tư tưởng phò Hán rõ và ông để cho biểu hiện tài trí tuyệt vời của Khổng Minh, đưa bác Lượng lên và mặc nhiên biến các nhân vật đối thủ của khổng Minh từ Chu Du, Lỗ Túc cho đến Tư Mã Ý về sau thành ra những kẻ ít nhiều ngây thơ và ngờ nghệch.

Người ta nói, La Quán Trung lại viết Tam quốc dưới sức ép của chủ nghĩa quân thần ngu trung, dẫn đến một số bịa đặt. Mục đích là hạ thấp những kẻ mà vua chúa cho là loạn thần tặc tử, dám cướp ngôi vua như Tào Tháo, còn dòng dõi hoàng thất như Lưu Bị dù bất tài nhưng vẫn được khen ngợi, thậm chí là tô vẽ quá lên so với sự thật.

Những điều khác biệt với lịch sử do La Tiên Sinh hư cấu lên không ít, và vì thế nó gây ra những cuộc tranh luận bất phân thắng bại, đại loại như: Quan Vũ khỏe hay yếu, Triệu Vân khôn hay ngu? Lã Mông là người thế nào?? vv và vv.
Những điều hư cấu của La Tiên Sinh trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" khác biệt những tích sử trong các tác phẩm gần cùng thời như Tam Quốc Chí, Hậu Hán Thư, Ngụy Thư ... Trong đó, có những sách chính sử được viết ra trước La Quán Trung hàng mấy trăm năm, có giá trị chân thực không cần bàn cãi.

Cuối cùng rút lại là gì? Nói như cụ Nguyễn Du là "mua vui cũng được một vài trống canh". Vẫn biết thời xa xưa ấy, các cụ nhà mình cứ chém gió vóng lên là chính. Làm gì mà một cái thời giống như bao thời cuộc khác của Trung Hoa lại lắm nhân tài, quái kiệt đến thế? Làm gì mà có một ông Khổng Minh cầu phát được gió Đông rồi sử dụng mưu lược như quỉ thần như thế?. Ngay cái đoạn cụ La viết mỗi bên có mấy vạn đến mấy chục vạn quân thì đúng là là…nói phét vô địch. Bởi vì dân số cái thời sơ khai ấy tổng tập già, trẻ, con nít...có được bao nhiêu mống?. Chả có nhẽ, đàn bà nước Thục, nước Ngụy đẻ nuôi được đứa nào bất kể trai gái đều bắt làm lính cả hay sao?

Rồi cái đoạn tả người nữa. Nào là cao bao nhiêu thước, trượng! tìm mãi mới phỏng ra cái đơn vị đo lường ngày ấy. Nhưng qui ra, ông Quan Vũ chắc cao chừng…hơn 2 mét lận! Rồi thanh long đao Yển Nguyệt nữa, qui ra hơn 40 kg. Một thằng người to, cao, đen như thế cũng cỡ một tạ. Thêm nửa tạ thanh long đao và cung tên, áo giáp. Con ngựa Xích Thố không quị mới là lạ. Mà con ngựa xích thố đúng là ngựa “Thần” vì theo tính toán của các nhà Động vật học thì đời ngựa cao lắm cũng chỉ hơn kém 30 năm. Đằng này ông “xích thố” bị cưỡi chào chãi từ Đinh Nguyên, Đông Trác, nhốt trong cũi rồi Quan Vũ…triền miên vậy mà vẫn “vù một cái” thấy nó mang Quan Vũ về với cái đầu Hoa Hùng cồng cộc trong khi chén rượu mừng còn nóng hổi trên tay. Kinh ốm về tài chém gió.

Nhiều người đọc Tam Quốc hay dùng từ “nếu” (và cả VietHoa tôi cũng vậy). Ừ! Có nhẽ mua vui thì cứ nói cho vui. Cứ giả sử cho vui. Nhưng cuối bài này, tôi bật cười mà giả sử chữ “nếu” kia vào thời buổi này nhỉ.

Giả sử lúc ông Quan Công đi đánh Tào có máy iphone hay ipad nhắn tin hay gọi gấp thì làm sao Tôn Quyền lấy úp được Kinh Châu?
Rồi khi Khổng Minh đốt cha con Tư Mã Ý bằng xăng chứ không phải bằng cỏ khô thì nước mưa dập sao nổi. Tuyệt tác hơn là ông Lượng cho thiết kế  trận địa cho cháy như chợ Đồng Xuân, Trung Tâm Thương Mại Thành phố  HCM thì anh Ý có cứu vào mắt.
Còn cái tật nhậu nhiều:  anh Khương Duy không vì uống nhiều rượu mới bị xơ gan cổ chướng (mổ bụng thấy gan to, mật lớn như cái trứng ngỗng) thì đâu đến nỗi đang đánh nhau mà đau bụng bất thình lình như thế…

Nhưng mà nghĩ lại, Tam Quốc cũng chỉ hay khi còn Gia Cát Lượng. khi bác Lượng chết thì tiểu thuyết cũng nhạt dần rồi. Đến đoạn Khương Duy chơi bọn Đặng Ngải - Chung Hội là đọc đã kém phần kỳ thú.

Phần Tư Mã Viêm (Tấn Vương) đánh Đông Ngô thì lại viết quá sơ sài. Xưa Ngụy Thục bao nhiêu mãnh tướng tinh binh mà đánh Ngô mãi không xong, sau Tấn chỉ cần một tướng mới nổi Vương Tuấn đánh một trận đã gọn gàng. Chắc chắn đoạn cuối Bác la Quán Trung sắp lỡ hẹn với nhà xuất bản rồi nên viết nhanh cho xong.
 
Và ngày hôm nay, UMN cũng nói rằng loạt bài bình Tam Quốc cũng tạm...xong!
Đầu hè 2014: VietHoa

 

 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất