Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc bài 25: về Bắc Phạt 5 lần ra Kỳ Sơn của nhà Thục

  Chiến dịch Nhai Đình thất thủ, công cuộc Bắc phạt lần thứ nhất kết thúc trong thất vọng đối với người Thục. Và tệ hại nhất là việc “đánh rắn động cỏ”. Người Nguỵ bắt đầu để ý đến Lương Châu (cái này thể hiện khá rõ nét qua việc tăng cường phòng thủ của người Nguỵ ở xứ này)
. và cải thiện dần mối quan hệ với các bộ tộc thiểu số ở đây. Ngoài ra, người Nguỵ cũng tăng cường phòng thủ chặt chẽ ở tất cả những lối mà người Thục có thể ra binh, như thế thì những chiến thuật tài tình của Gia Cát Lượng không còn cơ hội phát huy mãnh liệt như trước nữa. Tất chỉ còn con đường đối mặt trực diện đấu với nhau, mà như thế thì người Thục bao giờ cũng ở thế gian khổ hơn người Nguỵ nhiều. Lấy yếu đánh mạnh, đã là khó khăn; lại phải tải lương từ xứ Thục xa xôi ra tiền tuyến, dặm thẳng đường xa, khó nhọc biết chừng nào? Người Nguỵ ung dung trên đất nhà mình, lương thực có sẵn, dân đông quân nhiều. Chỉ so sánh tương quan và điều kiện thuận lợi đã thấy cơ hội cho người Thục là khá ít.

Người Nguỵ đã tính toán được và thực hiện đúng như thế, còn Gia Cát thừa tướng có biết thế không? Có lẽ không đầy đủ hoàn toàn. Bằng cớ là cuộc ra quân chớp lần thứ hai của người Thục đã không thu được gì đáng kể. Nhưng có lẽ cũng cần xét xem Gia Cát Lượng đã dựa vào lý do gì để phát động cuộc Bắc phạt lần thứ hai?

Có lẽ có hai lý do:

- Thứ nhất: Gia Cát thừa tướng và đại bộ phận tướng sỹ Thục sau lần ra binh thứ nhất tin tưởng rằng quân Thục có thể đấu sòng phẳng với đại địch là Nguỵ. Vì sao? Thực chất Thục đã trên cơ Nguỵ trong cuộc đấu ấy (vì có chiến thuật chớp nhoáng), chỉ vì sơ thất đáng tiếc, dùng người có sai lầm lớn nên đã để thua một trận tan hoang. Xin bổ sung ra đây một đoạn được chép trong Thục thư, quyển 54 - Gia Cát Lượng truyện – Bùi Tùng dẫn từ Hán Tấn Xuân Thu để minh hoạ:

Có kẻ khuyên Lượng tăng cường binh lực để đánh Nguỵ, Lượng nói: “Đại quân của ta ở Kỳ Sơn, Cơ cốc có ưu thế hơn địch, thế mà chẳng thể phá giặc lại bị quân giặc đại phá, ấy chẳng phải vì binh lực yếu kém, mà bởi tại người cầm đầu. Nay ta muốn giảm binh bớt lương, thưởng phạt nghiêm minh, sau cần xem xét đến lẽ biến thông, nếu chẳng làm được như thế, dẫu nhiều binh cũng chả ích gì! Từ nay về sau, phàm là người trung với nước, càng phải cố gắng sửa chữa những lỗi lầm cho ta, mọi việc cùng nhau định liệu, kẻ địch nhất định sẽ bị tiêu diệt, thành công có thể nhón chân mà đợi vậy.”
- Thứ hai: Phía Đông chiến tuyến (Ngô - Nguỵ) xảy ra náo động. Có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc Nguỵ thắng Thục ở Nhai Đình, bởi vậy quân Nguỵ thanh thản với chiến tuyến phía Tây mà tăng cường sức ép đáng kể lên chiến tuyến phía Đông. Bởi lẽ đó mà Ngô Tôn Quyền đã chủ động đột kích vào cánh quân do Tào Hưu thống lĩnh. Trong chiến dịch này, Đại tư mã Tào Hưu nhà Nguỵ bị mắc lừa tướng quân Chu Phường nước Ngô mà thua lớn một trận ở Thạch Đình, đội quân 10 vạn người tan tác gần hết, vì thế mà Tào Hưu phẫn uất đến nỗi mắc bệnh qua đời. Nguỵ vương Tào Tuấn cử Mán Sủng lên thay Hưu. Chúa Ngụy lại phải điều một số lớn binh lính ở Quan Trung sang bổ sung cho chiến tuyến phía Đông. Đương nhiên ở Tây chiến tuyến có sự xáo trộn lớn về quân lực. Đây hẳn là lý do cơ bản để anh Khổng Minh nhà Thục phát động cuộc Bắc chinh lần thứ hai.

Thế là Tháng 11 năm Kiến Hưng thứ 6, Khổng Minh dẫn hơn 3 vạn quân Thục tiến ra Quan Trung (không phải ra hướng Kỳ Sơn) nhằm chiếm lấy vị trí quân sự Trần Thương. Từ đó có thể tây hướng về Thượng Quận (Thiên Thuỷ), đông uy hiếp Mi huyện. Hướng tân công này chính là lối mà ngày xưa Hàn Tín đã đi qua để lấy Quan Trung. Trấn giữ Quan Trung là Nguỵ Đại tướng quân Tào Chân không phải là viên tướng xoàng xĩnh. Tào Chân xem xét kỹ địa thế và phán đoán đích xác hướng ra binh của Lượng nên đã sai một viên tướng trí dũng song toàn, cẩn trọng và có khí tiết là Hác Chiêu giữ Trần Thương.

Trần Thương là một toà thành nhỏ, nằm trong dải Tần Lĩnh, chỉ có một con đường độc đạo để đi qua, địa hình cực kỳ hiểm trở, non cao dựng đứng, thành quách dựa vào núi rất bền vững. Gia Cát Lượng đã huy động hổ tướng Nguỵ Diên dùng nhiều cách đánh thành, từ xung xa, thang mây, xây chòi cao để bắn tên cho đến đào địa đạo, tất thảy đều vô dụng trước 3.000 quân ung dung trụ vững. Gia Cát Lượng lại dùng cả cách phủ dụ Hác Chiêu, song cũng không thành. Hơn 20 ngày vây thành không làm gì được, khó khăn về lương thực và vận chuyển đè nặng lên vai quân Thục, lại thêm tin tức người Nguỵ đang bổ sung binh lực cứu viện Trần Thương. Xét khả năng thành công rất ít, Gia Cát Lượng quyết định lui binh. Cũng khi ấy, đạo quân tiên phong của Nguỵ do Vương Song (tướng yêu của Tào Chân) chỉ huy đã đến Trần Thương, Song cậy mình dũng mãnh ra sức đuổi theo quân của Lượng. Vương Song bị quân Thục (do Nguỵ Diên chỉ huy) đặt phục binh giết chết. Chiến dịch ngắn ngủi này đã kết thúc rất nhanh chóng, đấy có thể nói là thành công đáng kể nhất của người Thục lần này. Sau này, cuộc Bắc chinh thứ hai của Gia Cát Lượng được người đời sau đặt tên là CHIẾN DỊCH TRẦN THƯƠNG. Còn cuộc Bắc chinh thứ nhất được gọi là CHIẾN DỊCH NHAI ĐÌNH.

Thực sự cuộc Bắc chinh này chẳng có gì đáng kể, song lại có một thứ mà người đời sau rất thắc mắc, đó là việc xét xem bài “Hậu Xuất sư biểu” là trước tác của ai? Theo bản chú của cụ Bách Chi và nhiều sách khác thì bản Hậu Xuất sư biểu này có trước khi xảy ra chiến dịch Trần Thương ít lâu. TQDN của cụ La đã dẫn bản Xuất sư biểu này coi đó như tác phẩm của Bác Lượng, con cháu mấy chục đời của Lượng (Gia Cát Hy - người sống vào cuối đời nhà Minh) cũng đưa bản Hậu Xuất sư biểu vào hàng những trước tác của ông. Thậm chí cả cuốn sử nổi tiếng là Tự Trị thông giám của Tư Mã Quang và nhiều trợ thủ cùng viết cũng không hề nghi ngờ vấn đề này. Song lại có một số người cho rằng đó không phải là trước tác của Gia Cát Lượng. Cụ Bách Chi lại dẫn Hán Tấn Xuân thu rằng biểu văn này có ở sách Mặc Ký của Trương Nghiễm người nước Ngô viết ra. Vậy thì Hậu Xuất sư biểu có phải trước tác của Thừa tướng Gia Cát Lượng không nhỉ? Xin được đưa lên đây cả hai bản dịch Xuất sư biểu và Hậu Xuất sư biểu dịch nôm na.

Xuất sư biểu
Tiên đế sáng nghiệp chưa lâu, nửa đường đứt gánh, nay thiên hạ chia ba, Ích châu mỏi mệt, sự nguy cấp tồn vong đã ở ngay trước mắt. Thế nên kẻ bầy tôi chầu chực như thần chẳng dám lười nhác, giữ lòng trung trinh quên cả thân mình, đã rằng đi theo tiên đế để báo ơn tri ngộ, nay muốn đáp đền cùng Bệ hạ. Rất mong Bệ hạ nên rộng rãi lắng nghe, để sáng đức tốt cho Tiên đế, thúc đẩy chí khí, chẳng nên nói lời khinh bạc, dẫn đến điều thất nghĩa, bỏ qua lời trung thực của kẻ can gián. Ở trong cung phủ đều là một thể, phải rõ thiện ác, đừng nên nhầm lẫn. Nếu như có điều sai phạm hoặc thiện tâm, nên giao cho sở ty luận rõ mà thưởng phạt, để làm sáng tỏ đạo lý của Bệ hạ, không nên riêng tư nghiêng lệch, khiến cho khuôn phép trong ngoài sai khác.
Bọn thị trung, thị lang như Quách Du Chi - Phí Vỹ - Đổng Doãn đều là những hiền thần, biết toan tính mà trung thành, ấy là tiên đế đã lựa chọn và để lại cho bệ hạ. Theo ngu ý của thần thì việc ở trong cung, chẳng kể lớn nhỏ, đều phải bàn kỹ, sau mới thi hành, như thế có thể lấp được sự rò rỉ, có ích rộng rãi. Tướng quân Hướng Sủng có đức hạnh mà thuần thục, hiểu rõ việc quân, qua những việc ở ngày trước, Tiên đế khen là có năng lực, cũng là do mọi người bàn luận và tiến cử vào trọng trách. Theo ngu ý của thần thì việc ở trong doanh trại, ắt phải bàn bạc kỹ, mới có thể khiến quân đội hoà thuận, chiếm được ưu thế.
Gần kẻ hiền thần, xa lánh tiểu nhân, nhờ đó mà nhà Tiền Hán đã hưng thịnh; thân kẻ tiểu nhân, xa lánh hiền thần, bởi thế mà nhà Hậu Hán đã nghiêng đổ vậy. Thời Tiên đế còn sống, mỗi lần cùng với thần đàm luận, thường không khỏi than thở đau xót, oán giận cùng Hoàn - Linh. Bọn Thị trung, Thượng thư, Trưởng sử, Tham quân đều là những kẻ bề tôi trung trinh đến chết, nguyện vì bệ hạ mà bày tỏ tín nghĩa, tất nhà Hán phải hưng vượng, điều đó có thể tính ngày mà đợi được.
Thần là kẻ áo vải, đem thân cày ruộng ở Nam Dương, mong toàn tính mệnh ở đời loạn, chẳng cần nổi tiếng với chư hầu. Tiên đế không coi thần là kẻ hèn mọn, đem lòng chiếu cố, ba lần tìm đến nơi lều cỏ, bàn bạc với thần việc thế sự, bởi thế thần rất cảm kích, nguyện theo phò tiên đế. Đã nguyện đem hết lòng cố gắng, nhận việc giữa lúc quân thua tướng bại, phụng mệnh lúc gian nguy, tính đến nay đã trải 21 năm. Tiên đế biết thần cẩn thận, trước lúc lâm chung trao việc đại sự cho thần. Từ lúc phụng mệnh đến nay, sớm khuya lo lắng, sợ phụ lại sự uỷ thác, làm tổn hại đến sự trông mong của tiên đế, nên tháng 5 vượt Lô giang, vào sâu nơi đất không cây. Nay phương Nam đã định, binh giáp đầy đủ, đương lúc cần khích lệ ba quân, nghĩ rằng cần phải bắc định Trung nguyên, dốc hết tài mọn, diệt trừ kẻ gian hung, trùng hưng nhà Hán, trở lại cố đô. Như thế thần mới báo đáp được Tiên đế, tỏ được lòng trung với chức phận mà bệ hạ đã giao phó.
Còn như việc châm chước lợi hại, bày tỏ lời trung, đã có Quách Du Chi - Phí Vỹ đảm nhiệm vậy. Những mong bệ hạ uỷ thác để thần được đánh kẻ nghịch tặc, phục hưng nhà Hán thành công; nếu chẳng thành công, thần xin chịu tội, để báo cáo cùng vong linh Tiên đế. Nhược bằng không tiến dẫn được những lời trung khiến cho đức chẳng được hưng thịnh tất phải trách lỗi của Du Chi - Phí Vỹ - Đổng Doãn; Bệ hạ nên tự mình toan tính, lắng nghe điều thiện, làm theo lời phải, tuân theo di chiếu của Tiên đế, thần vô cùng cảm kích biết ơn, nay đương ở nơi xa, dâng biểu mà khóc, chẳng thể nói hết lời.

Hậu Xuất sư biểu
Tiên đế lo cho nhà Thục Hán không thắng được giặc thì nghiệp vương không yên cho nên ủy thác cho thần lo diệt giặc. Nhờ lời Tiên đế sáng suốt dặn dò, lượng tài của mình, thần đánh giặc là lấy yếu đánh mạnh. Nếu không đánh giặc, thì nghiệp vương ắt mất. Chỉ ngồi mà đợi mất, ai sẽ chịu đánh giặc? Đó là cái cớ để Tiên đế ủy thác lại cho thần mà không nghi ngại.
Từ khi lĩnh mệnh,thần ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ nghĩ đến việc Bắc chinh. Đầu tiên dẫn quân xuống phía Nam, đến tháng năm thì vượt sông Lư Thủy, xâm nhập nơi đất địch, nhiều ngày chịu cảnh thiếu thốn lương thảo, may mà thành công. Thần không tiếc gì thân này, vì nghiệp vương cũ chưa lập được ở đất Thục mà phải xông pha nguy hiểm để khỏi phụ lòng Tiên đế. Nhiều người tính mãi không ra kế. Nay giặc vừa bại trận ở phía Tây, lại rối loạn ở phía đông. Phép dụng binh phải nhân lúc giặc mệt mỏi mà đánh tới. Xin tấu trình hết mọi lẽ: khi xưa Cao Đế sáng tựa mặt trời mặt trăng, mưu thần uyên bác,vậy mà phải vượt mọi hiểm nguy để dựng nghiệp, nguy rồi mới an. Nay bệ hạ chưa thể sánh bằng Cao Đế, mưu thần không bằng Trương Lương, Trần Bình mà lại muốn lấy kế lớn thắng thù, ngồi ngôi cao mà an định thiên hạ, đó là điều thứ nhất thần không hiểu nổi.

Lưu Diêu, Vương Lãng mỗi người chiếm cứ một châu quận, bàn tính mưu kế, xúc phạm đến các thánh nhân, mọi người đem lòng nghi ngờ, phải làm sao đây? Nay không đánh giặc, mai cũng không cất quân, khiến cho Tôn Quyền ngày càng mạnh sẽ chiếm cứ Giang Đông, đó là điều thứ hai thần không hiểu nổi.

Tào Tháo lắm kế, thủ đoạn hơn người, tài dùng binh như Tôn Ngô, mà vẫn bị khốn ở Nam Dương, bị hiểm ở Ô Sào, nguy ở Kỳ Liên, bị bức ở Lê Dương, mấy lần thua trận ở Bá Sơn, súyt chết ở Đồng Quan, sau mới tạm định một thời. Huống hồ thần tài mọn, bệ hạ lại muốn thần không trải nguy nan mà vẫn an định được thiên hạ, đó là điều thứ ba thần không hiểu nổi.

Tào Tháo năm lần đánh Xương Bá mà không xong, bốn lần vượt Sào Hồ mà không thành, dùng Lý Phục mà Lý Phục lập công, dùng Hạ Hầu mà Hạ Hầu bại trận. Tiên Đế thường khen Tào Tháo là người tài giỏi, mà vẫn có chỗ kém ấy. Huống chi thần tự thấy mình kém cỏi, lẽ nào lại nắm chắc phần thắng. Đó là điều thứ tư mà thần không hiểu nổi.

Từ khi thần đến Hán Trung, trong khoảng một năm mà mất đi Triệu Vân, Dương Quân, Mã Ngọc, Diễm Chi, Đinh Lập, Bạch Thọ, Lưu Cáp, Đặng Đồng, … cùng hơn bảy chục tướng giữ đồn, mất những tướng giỏi như Tôn Du, Thanh Khương, lại mất hơn nghìn tướng tán kỵ và võ kỵ chỉ trong vài chục năm thôi. Đó là quân tướng tinh nhuệ được chiêu tập từ khắp nơi, chứ không phải của một châu, chỉ trong vài năm mà đã mất hai phần ba vậy. Thế thì sao đủ lực lượng đánh giặc. Đó là điều thứ năm thần không hiểu nổi.

Nay dân cùng quân kiệt mà công việc chưa thành. Công việc chưa thành thì phải chạy ngược chạy xuôi hao tổn tâm trí. Thế mà không chịu sớm lo liệu đi, muốn lấy cho được một châu quận để mưu đánh giặc lâu dài, đó là điều thần không thể hiểu nổi.

Phàm điều khó bàn định nhất chính là việc đó.

Xưa kia Tiên Đế thua ở Sở, bấy giờ Tào Tháo chỉ tay nói rằng thiên hạ đã định. Về sau Tiên Đế liên minh với Ngô, Việt ở phía đông, giữ Ba Thục ở phía tây, cất quân đánh lên phía bắc, Hạ Hầu Đôn chỉ biết cố trấn giữ. Lúc đó mưu Tào Tháo bị phá vỡ mà sự nghiệp phục Hán sắp thành. Về sau Đông Ngô trái lời giao ước. Quan Vũ thua trận mà chết đi, Tào Phi xưng đế. Phàm những việc như thế khó mà lý giải khác được. Thần cúc cung tận tuỵ dốc lòng dốc sức đến chết mới thôi. Đến như việc thành bại, được mất chẳng phải do sự tài giỏi của thần mà có thể xoay chuyển lại được."

Dù bản Hậu Xuất sư biểu này có không phải là trước tác của Gia Cát Lượng, nhưng nó đã lột tả hết những chỗ trăn trở của Khổn Minh, thừa tướng nhà Thục Hán, đặc biệt là trong bối cảnh lịch sử đó, với cái khuôn mẫu đạo đức đó.

Còn về Lục xuất Kỳ Sơn, Tôi vẫn cho rằng: Khổng Minh không bao giờ là một thiên tài quân sự, để có thể dùng binh biến báo linh hoạt, chấp nhận mạo hiểm, thậm chí là tàn nhẫn quỷ quyệt để lấy ít thắng nhiều.
So sánh, Khổng Minh với Hán Sơ tam kiệt thì khi ông tiến có thể là tể tướng trị nước xuất sắc hơn Tiêu Hà, khi lui có thể là cao nhân thế ngoại như Trương Lương, nhưng không thể "cầm càng nhiều quân càng ít" như Hàn Tín được! ngay thời Tam Quốc thì tài năng quân sự của Khổng Minh nhiều người cho là còn thua xa mấy anh Tào Tháo, Chu Du, kể luôn cả Pháp Chính

Tuy vậy, việc những lần Bắc phạt đều ra quân ở một mặt trận nhất định thì cũng có nguyên do của nó, không dễ mà thay đổi được. Quân như thế, tướng như thế, Khổng Minh Minh hẳn không mơ cao ước dài gì đến chuyện một nhát quét phẳng Trung Nguyên, mà mục tiêu hiện thực nhất có thể chỉ là Trường An.

Trường An là cựu kinh, cùng Hứa-Lạc là ba đô thành quan trọng nhất nước Nguỵ, đường lại gần nhau. Nếu chiếm được thì đủ làm nước Nguỵ rung chuyển, mà cũng có thể tạo nên đột biến trong đại cục. Để đánh được Trường An, cần phải hoàn toàn làm chủ Lương Châu, chính là địa bàn Kỳ Sơn. Nắm được vị trí này, từ từ hoạch định, phủ dụ liên kết với dân Khương Hồ tức là uy hiếp được Nguỵ suốt từ Tây Bắc đến Tây Nam. Đường ra Lương Châu lại gần Thục, có biến thì rút về phòng bất trắc cũng dễ, quá hợp với cái tính cách thận trọng đánh người nhưng không quên giữ mình của cụ Lượng! Chứ nếu ra quân ở phía Tân Thành - Thượng Dung sẽ còn khó thi thố nữa. Đường đánh người thì xa, mà đánh xong cũng không giữ nổi. Tập đoàn quân Hợp Phì của Nguỵ có thể từ Đông đánh sang cứu ứng, từ Trường An kéo xuống chi viện, mà thậm chí là điều hẳn ngự lâm quân từ Hứa Đô - Lạc Dương vượt đồng bằng đánh về, hành quân thần tốc, sức nặng như núi!

Chưa kể đến việc, đánh nhau ở đấy, biết mấy ông đồng minh lởm khởm bên Ngô có định thừa nước đục thả câu, trả thù vụ bốn quận Kinh Nam ngày xưa không!

Thế nước Nguỵ quá vững, nên thời gian Khổng Minh còn sống, không cần tiểu xảo vẫn có những biến loạn lẻ tẻ xảy ra, vua vẫn ăn chơi, dân vẫn oán ghét, nhưng cũng không tạo nên được những bàn đạp quan trọng có thể xoay chuyển thời cuộc.
 
Khổng Minh buộc phải cẩn thận bởi cụ ấy biết mình ở thế nhược tiểu, ngay cả với Ngô chứ đừng nói với Nguỵ nữa. Lưng vốn ngắn mà đánh bạc tất tay e rằng không phải là việc nên làm. Theo Long Trung Sách Khổng Minh vạch thì rõ ràng là đường lối rất sáng, quy hoạch nhịp nhàng. Nhưng rồi thời cuộc đẩy đưa mà Kinh Châu thất thủ, nhà Thục mất đi bàn đạp phía Đông rất quan trọng để tiến lên xưng bá Trung Nguyên. Và cái sách lược tương đối hoàn mỹ của Khổng Minh xem ra khó có khả năng thực hiện.

Tại sao khi đã mất Kinh Châu, nhà Thục yếu thế mà Khổng Minh vẫn muốn phạt Trung Nguyên hòng hưng Hán? cái câu: “Nếu không đánh giặc, thì nghiệp vương ắt mất. Chỉ ngồi mà đợi mất, ai sẽ chịu đánh giặc?” ở Hậu Xuất sư biểu liệu đã đúng? tin rằng Khổng Minh là người thực tế tất không bao giờ nghĩ đến việc ra quân để giữ yên cho mình. Nắm quyền quân chính quốc gia đại sự, tư tưởng luôn muốn dẹp bằng Trung Nguyên, hưng cơ nghiệp Hán làm sao có thể chỉ nghĩ đến việc giữ yên bờ cõi đất mình? Nhưng ở thế yếu sao lại nghĩ đánh được giặc mạnh hòng thủ thắng?

Xưa nay biết bao nhiêu cuộc chiến mà yếu đã thành mạnh? Chỉ xét ở Trung Hoa thì... việc gần thời Tam Quốc nhất là việc Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang làm sao so được với Tây Sở Bá Vương? Mà rốt cuộc Lưu Bang thống nhất thiên hạ. Rồi việc thời Tam Quốc thì anh Tào Tháo khởi đầu có mạnh đâu, mỗi đạo quân Thanh Châu rồi dần dần mở mang, diệt Lã Bố, phá Viên Thuật, trừ Viên Thiệu, bức chết Lưu Biểu, đánh Hán Trung lập nên Đại Nguỵ có 2/3 cương thổ Trung Hoa. Thế thì Khổng Minh cũng có thể có cơ sở lý luận mà làm như thế chứ nhỉ?

Lại xét tiếp tình thế, rõ ràng lúc bấy giờ thiên hạ đã thành thế chân vạc, núi sông bờ cõi đã chia, phong tục ba phương khác biệt, những kẻ đại địch đều mạnh mà Khổng Minh vẫn ra binh. Mà Khổng Minh ra binh cả thảy 5 lần.  5 lần là 5 lần đánh với những phương lược có những nét khác biệt nhất định. 5 lần ra binh đó đều có những đúc rút kinh nghiệm của những lần trước cả. Mà sao lại chỉ ở hướng Kỳ Sơn? Mà không phải là tiến ra vùng Tân Thành, Thượng Dong kết hợp cùng Đông Ngô nhỉ? Té ra ông Lượng dùng cái chiến thuật gây ảnh hưởng dần dần, lấy từng thước từng tấc để làm vốn, mà cũng rất hợp lý trong cái thế nhược tiểu của mình.
Từ ngày mất Kinh Châu, Khổng Minh vẫn luôn cố gắng thực hiện phương lược đánh địch từ 2 phía. Hãy xem trước khi đánh Nguỵ Khổng Minh đã phải lo yên việc trong cõi của mình, đó là hoà Ngô và dẹp loạn Nam Trung, sau đó lúc đánh Nguỵ đã cố gắng lôi kéo Mạnh Đạt ở Tân Thành, rồi đã từng email cho anh Tôn Quyền cùng tiến ở phía Đông. Mình chuyên tâm một mặt mà địch phải chia binh đối phó nhiều mặt chẳng phải là thượng sách ư?

Cái đoạn Khổng Minh nói rằng “chờ khi thiên hạ có biến” trỏ rõ ra là nước Nguỵ có biến. Nhưng khi Khổng Minh ra binh phạt Nguỵ nhằm hướng Lương Châu thì cũng không hẳn là “thiên hạ có biến” được (Nguỵ lập quốc đến bấy giờ, thế nước rất vững, văn thần võ tướng rất đông, dân hướng hết về chúa mới) có phần trái với ý tưởng ban đầu của Khổng Minh.
Hình như Khổng Minh đã nhận thức rất rõ về đại thế thiên hạ, mới chốt một câu khá là chua xót: "Tào Tháo mượn tiếng thiên tử ra lệnh cho chư hầu, cầm quân trăm vạn, ta không thể tranh hùng cùng hắn được". Việc lớn muốn thành thì Lưu Bị, theo Long Trung Đối, nhất định phải có cả Kinh cả Ích Châu, lại hoà được Ngô, mà nhất là phải đợi "thiên hạ có biến". Xuất theo hai cánh quân theo ngả Tần Xuyên - Uyển Lạc, cũng phải trông vào lòng người còn nhớ nhà Hán mới mong thắng lợi. Đến sau trận Hào Đình, về cơ sở, Long Trung Sách gần như không còn giá trị hiện thực nữa. Việc Khổng Minh cố làm, tuy đáng phục về chí khí, nhưng quả thật nhìn lại cũng khác nào "dã tràng xe cát" đâu?

Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ tuy rằng mạnh hơn Lưu Bang nhưng cường bạo thái quá, mất lòng dân; lại hẹp hòi đố kỵ, khiến chư hầu lục quốc cũ mới hồi sinh sau khi diệt Tần cũng ấm ức. Tào Tháo quật khởi ở Hán mạt, tiếng là lấy ít địch nhiều, tay trắng dựng nghiệp, hạ Viên Thiệu khiến người sau phải thốt lên "Dùng binh từ thượng cổ, Tào Tháo chẳng ai bằng..", nhưng căn nguyên thì lại là sự manh mún nhỏ lẻ của các chư hầu ở quanh Duyện Châu, khiến anh Tháo già có cơ hội từng bước phát triển, góp gió thành bão...
(bài này còn tiếp phần 2)
 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất