Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

UMN Về lại Tây Ninh

  Hầu như cứ mỗi năm, sau Tết, tôi lại tìm dịp về Tây Ninh – Vùng biên cương phía Tây Nam của Tổ Quốc. Đó cũng là nơi từng gắn bó cùng tôi vài năm chiến tranh.
.
Cái nghèo, cái khổ của vùng này thì ai cũng đã nghe và đã biết. Ngay cả cái sự chênh lệch giàu nghèo thì Tây Ninh cũng là một vùng đặc thù nhất nước. Có những đại gia một đêm thằng con sang K đánh bài thua gần cả triệu Obama nhưng vẫn nhẹ như không bởi lẽ gia đình có hàng vài trăm Ha cao su đang cạo mủ (đứng dưới tên này hay tên khác cũng là một chủ mà thôi). Nhưng cũng không hiếm có người bán non đến gốc thốt nốt cuối cùng để theo một tiếng phé con con rồi giựt mình ngửa cổ nghẹn ứ với những đắng cay ập về…

Nhưng đó là chuyện người ta. Chúng mình chỉ nói chuyện Ước Mơ Nhỏ của chúng mình… 

Với một cái tuổi U7 chọach. Tôi bước sang đã vài năm. Khi giao thừa rộn ràng pháo hoa bên bờ Thủ Thiêm thì tôi chợt trở mình quờ tay sang bên cạnh thấy giàn chăn gối vẫn y nguyên. Cái đó chứng tỏ bản thân không còn cựa quậy lăn lộn trên giường như đời trai vốn dĩ mà đã có thể bước sang cái đận đời “đặt đâu nằm đó y nguyên” mất rồi. 

Không thể thế được. Tôi muốn chứng tỏ mình còn đủ mạnh. Vậy là dự định một chuyến đi tới đâu hay tới đó của năm mới lại hình thành. Chỉ có khác là năm ngoái, tôi về Biên giới vào dịp rằm tháng giêng. Năm nay muộn hơn: đầu tháng 2. 

Buổi sáng đẹp giời cuối tuần, con ngựa sắt cà tàng, thằng người tàn tàn dìu nhau mải miết trên con đường chỉ chờ chực kẹt xe. Đàn ông trên đường thì mặt lạnh bởi sốt ruột thường xuyên. Đàn bà thì bí hiểm ở đôi mắt vì toàn thể dung nhan của các mợ, các bà được bao bọc kín mít bởi các kiểu khăn che. Cánh Tây Ba lô cho rằng đây chính là một sự thiệt thòi rầu rĩ nhất trên cuộc đời rong ruổi của các khứa vì ngắm phụ nữ Việt là một niềm vui thì nay nó đã le lói tắt. 

Thị xã Tây Ninh có quyết định lên là Thành Phố. Chà! Người ta thành Thành phố có khác. Coi mòi cái gì cũng có vẻ hoành hơn. Chả bù cho mấy chục năm trước, mình với cô bạn gái rủ nhau bắt cái xe lambetta xề tới cái vườn hoa Thắng Lợi loanh quanh vài bước là hết vị. Bữa nay khác à nha. Chỉ nội dọc con đường huyết mạch 30/4 dàn hoa sen bằng lá sắt với ống sắt yểu điệu nghiêng nghiêng nhá hàng vào lòng đường và những dàn đèn tròn tròn như những cái bong bóng đựng rượu lậu ngày xưa đang lung linh tỏa sáng kia đã thấy cấp độ hoành lên bao nhiêu phân khối rồi.
 

Về Tây Ninh, người ta thường có 2 nơi để đến. Đó là về Chùa và lên Núi. Thuật ngữ “về Chùa” được bà con trên này dùng mỗi khi về Tòa Thánh Tây Ninh. Còn “lên Núi” hay đi Núi là ý nói lên Chùa Bà chúa Xứ ở núi Bà Đen.

Tôi cũng về Chùa và Lên núi. Hoàn toàn khác với mọi người là tôi chỉ rong ruổi một mình. Tòa Thánh vẫn như vậy. Quảng trường rộng thênh thang, sạch tưng và đậm đà màu xanh sậm màu đặc thù gần biên giới. Những bức tường mang đường nét diêm dúa và bí hiểm kia đã từng khơi dậy trong tôi sự tò mò và ngạc nhiên.

Chùa Bà dù hết tháng giêng nhưng du khách vẫn còn đông lắm. Nhưng với hai giàn cáp treo thì hơi vắng bởi thanh niên, bà con ham leo bộ để mà ngắm cây, ngắm đá và chụp ảnh. Tôi chả dại leo những bậc đá dựng đứng kia. Tôi tìm tới cái cáp treo …

Cái mới nhất là năm nay khu vực chùa ít rác hơn năm ngoái. Có phải vì ban tổ chức đã đặt thêm nhiều thùng rác đẹp đến nỗi có bác thanh niên còn ngồi chụp hình chung với…thùng rác. Một chị bảo: năm nay kinh tế khó khăn, làm ăn chững lại nên chi tiêu của mọi người bóp bớt nên lá lảu, rác rến, vỏ hộp…cũng ít đi.

Tôi gửi xe để đi bộ. Đường xa ngái và nắng chiều rừng rực nóng. Một cậu xe ôm trờ tới: Con chở bác thẳng tới cáp treo giá 10 khìn nha. Ừ thì đi. Ngồi lên con way Tàu của nó biết mình dại ngay vì giá đi xe điện ghi vé có 5 khìn. Không có nhẽ lại mặc cả thì cậu tài lại cho mình dân Bắc Kỳ kẹo kéo. Kệ nó. Xe ôm có cái sướng của xe ôm. Ngặt cái là thằng bé nó thả mình xuống cái dàn cáp treo có ca bin lồng kính. Mua vé xong, bước vài bước là có hai chú bảo vệ xốc nách mình thảy vô trong đóng cửa cái rẹt. U minh luôn! Nhưng nhìn sang bên cạnh lại có một bà trồng trộng đang ngồi rồi. Cái số mình hên thế không biết. Bất ngờ! Kính ca bin thì đổi màu, giảm tốc. Ca Bin treo lơ lửng trên lưng chừng giời có hét to không ai nghe. Khung cảnh thì xa xa là ruộng lúa, vườn cao su, rẫy mì, ruộng lúa; gần trước mặt là sung, xoài trĩu quả che nắng từng gộp đá mồ côi. Tình thế không biết??? Lại còn thêm một chút: tiếng cáp rít vào bánh xe ca bin ken két như muốn tăng thêm phần mạo hiểm của tốc độ chập trùng …

"Ô kìa anh, phía trước mình họ ôm nhau cơ đấy!". chị bạn chỉ cho tôi cặp tình nhân trong ca bin phía trước, lờ mờ qua màu kính rõ họ ôm nhau tình tứ trên mức cho phép rồi. Lúc này, mùi Chanel trong ca bin của chúng tôi thoang thoảng. Cái nhìn của em kìa…ôi giời! trong tôi cứ nhen lên một ý nghĩ tội lỗi…nhưng Không Thể Được! Không thể được không vì chúng tôi gần tiến tới chốn tôn nghiêm là Chùa Bà mà chính là cái sĩ diện của U 70 trước những ngoặc đơn, ngoặc kép trên khuôn mặt nhàu nhò của chính mình. Cái nỗi lo muôn thuở của thằng đàn ông nhát gái rằng: Ngộ nhỡ khi Ca bin dừng lại, lúc bước ra ngoài, đối tượng kia kêu lên rằng mình “chèn ép” họ trong lúc họ “không thể chống đỡ và tự vệ” thì có phải chua chát hay không!?

Hặc! thật may mắn là cả cuộc đời mình có cái tính “quen nhịn chứ không quen ăn!”.

Sau khi van vái bà Chúa Xứ, chúng tôi xuống cáp chia tay. Lần này thì nàng bảo: “Em muốn đi bộ xuống anh ơi! Đi cáp treo vô duyên lắm…!”. Vừa nói, nàng vừa nhìn tôi cười thông cảm. Từ dự cảm trong lòng, tôi nhận thấy sự chế giễu của nàng trong lời nói ấy. Bởi vì, ngay sau đó, nàng đưa cho tôi số điện thoại và nhủ rằng:” Lần sau anh có lên Biên Giới, nhớ gọi cho em…”. Hãy đợi đấy! nhưng chả biết ai là thỏ và ai là sói …Mà cũng chả biết có còn dịp lần sau hay không. Chỉ biết lần này: chậm một phút là lỡ đò đến tiếc nuối...
----

Con xe của tôi dập dềnh theo con đường rất xấu đi tắt từ Thị trấn Tân Châu sang Tân Biên.

Cô giáo Hồng Phượng –chuyên viên của Phòng giáo dục Tân Biên đã chờ tôi để hướng dẫn cho chuyến khảo sát thực tế sau 3 năm học bổng Ước Mơ Nhỏ hiện diện ở vùng Biên Giới này.

Vẫn như cách đây 3 năm. Chúng tôi cùng nhau đi đến những thôn ấp mà chỉ cách bên bạn có đúng một tiếng gà gáy trưa. Thậm chí, nơi đây, đài phát thanh tiếng Khơ Me của Kam hoạt dộng và sóng tần còn rõ ràng, dày đặc hơn cả Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chúng tôi ghé vào ngôi trường Hòa Đông A, thầy hiêu phó Phạm Huy Viện thật trẻ tiếp chúng tôi. Đang giờ học. Sân trường vắng lặng. Thấy cho biết: ngoài các phòng học được kinh phí trên cấp còn lại từ sân trường, hàng cây, cổng…được đẹp đẽ, vuông vắn như thế là nhờ sự hỗ trợ và tài trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Học sinh ở đây đa số nhà nghèo lắm. Có lẽ không cần viết câu “nghèo” vào bài ghi chép này mà chỉ cần đưa bức ảnh tôi chụp vội ở bãi gửi xe của trường: 100% xe gửi là những chiếc xe đạp cũ kỹ, giản đơn!

Làm sao không giản đơn khi đa số các phụ huynh của các em đi làm thuê hàng ngày. Mùa mía thì chặt mía thuê 50-60 ngàn/ngày. Cạo mủ 100 ngàn/ngày. Hết mùa mía thì đi làm cỏ mía, cỏ mì cũng chỉ 50 ngàn/ngày… 

Tôi tìm đến tư gia em học sinh ấn tượng nhất với tôi trong danh sách nhận học bổng Ước Mơ Nhỏ 3 năm nay là Trần Thị Thanh Tuyền. Ấn tượng bởi cô bé học rất giỏi và cái góc học tập lạ lùng có một không hai mà tôi thấy. 3 năm trước, tôi đã chụp ảnh cái góc học tập có cái bàn nghiêng xiêu vì nền đất của căn nhà (lều) nghiêng lún. Năm nay, cái bàn không nghiêng nữa nhưng trên bức tường gạch xây không trát vữa được tô điểm thêm một loạt 6 cái giấy khen và bảng cháu ngoan Bác Hồ. Anh Trần Minh Phúc cha của cô bé vừa đi chặt mía về. Ngồi giữa nhà mình mà anh cứ như người làm khách. Hỏi câu gì thì nói câu đấy với vẻ ngại ngùng bẽn lẽn. Khi chia tay, anh nói:” Thú thực với bác, em mến tài học của các con mà tìm mọi cách cho cháu theo học …chỉ mong con cái sau này có học mà đổi đời. Cảm ơn qũi học bổng các bác trên ấy cấp học bổng cho. Nhờ bác chuyển lời của gia đình…”. 

Chúng tôi mải miết chạy đến nhà bác Nguyễn Quang Thanh, phụ huynh em Nguyễn Thị Kim Duyên. Vẫn là vệt mòn vằn vèo đi tắt qua những luống mì, bụi tầm vông cằn cỗi. Căn nhà nhỏ xíu của anh Thanh có vẻ cũ kỹ hơn 3 năm trước. Duy cây thốt nốt đầu nhà hôm nay cao vọt và tươi tốt lên nhiều.

Đang trò chuyện thì tôi có điện thoại. Có lẽ cuộc khảo sát phải tạm dừng và chiều nay tôi phải về Sài Gòn thật gấp. Tiếc nhất là cuộc hẹn gặp với cô học sinh lớp 11 Ngô Thị Đáng, ấp Thạnh Phú,
xã Thạnh Bình, Tân Biên lại lỡ dịp. Năm ngoái, cảm động trước sự hiếu học đến phi thường của cháu, ông Đặng Thọ Dũng đã trích chuyển tiền lương của mình tặng cho cháu 1 triệu đồng. Năm nay, khi tôi gọi điện thì cháu đang học ở trường. Qua điện thoại, cháu nói rằng ba cháu tai biến nằm chỗ cả năm nhưng mới đỡ và đi lại được. Bà nội ngoài 80 tuổi. Cả nhà cơ bản trông vào 2 công đất sau nhà trồng mì. Tôi gửi lại cô giáo Phượng chiếc phong bì cho cháu rồi trở lại Sài Gòn.

Phía trước là Quốc Lộ 22 B rồi 22…và chặng đường xấp xỉ 200 km đang chờ…

Tân Biên – Sài Gòn 03/3/2014
Hình ảnh chuyến đi:
Những cây Gòn bông trắng...
Xoài vườn thật ngon mắt
 
Bãi xe của trường toàn xe đạp
 
Thốt nốt và chùa Khơ Me 
 
Những con đường đất đỏ...
 
Những bụi tầm vông cổ kính
 
Lối vào nhà... 
Góc học tập. Giấy khen treo trên tường xấu nhưng vẫn tuyệt vời...
Các hình ảnh khác:
 
 
Chùa bà nhìn từ trên cao
 Tại đây, năm nay hình chú ngựa thay cho chú rắn cuộn tròn năm ngoái
 
Cáp treo
 
 
Đường bộ lên cao dốc phết
 
 
Bà vẫn như năm ngoái
 
Có cái cửa Gió mát thì các em giữ chả ưu tiên cho người già...
 
Tử vi cuối mùa hạ giá bèo nhất: 5000 đồng/ 2 bản vợ và chồng
 
Đứng chụp hình cạnh Phật nằm. Phật nằm thanh thản, tự tại và viên mãn;
còn mình thì đứng cũng nghiêng nghiêng, mũ áo te tua...
Mong được như Người, tôi phải tu biết đến bao giờ???
 
 
Xe ngựa của năm ngựa
Năm nay thùng rác xịn cũng có kẻ cạnh tranh rồi...
Có lẽ người ta muốn quảng cáo cho gà đá hay gà giống?
 
Chùa (Tòa Thánh Tây Ninh) về đêm
 
Bài và ảnh: VietHoa










Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất