Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc bài 22: Phiến loạn Nam Trung hay Thất cầm Mạnh Hoạch

  Mạnh Hoạch vốn là một phiên trấn trưởng một phiên trấn phương Nam, rất xa Trung Nguyên, xưa nay độc lập không bao giờ thần phục một chính quyền trung ương nào cả, khinh miệt bọn chính khách nhà nước mũ cao áo rộng mà ông gọi là “phường bán nước cho bao tử”,
.
tính tình biến trá không coi trọng một nguyên tắc đạo đức giáo điều nào của Nho Gia.

Khổng Minh trong hành trình đầy vinh quang đi vào lịch sử lúc cuối đời hiểu rằng muốn cho giấc mộng xuất sư vượt Kỳ Sơn để lại sự nghiệp ngàn thu vĩ đại, con đường đó không thể nào đi trước con đường bình Nam Man, có nghĩa cụ thể là bẻ gẫy vĩnh viễn được con người Mạnh Hoạch. “Lục xuất Kỳ Sơn” và “Thất cầm Mạnh Hoạch”là những chương tiểu thuyết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc mà Trần Thọ (Tam Quốc Chí); La Quán Trung (Tam Quốc Diễn Nghĩa) đã ghi lại, viết lên. Dù là phỏng theo Sử hay tuân thủ Sử liệu thì xuyên suốt hai sự kiện trên nổi lên những nhân cách; những thủ đoạn, những kỹ thuật và cả những Tâm và Tầm của những con người!

Đời sau, các nhà quân sự, sử học, phân tích…đã bàn nhiều về hai sự kiện này. Chỉ nội một chuyện rằng: Đất Nam Man hiểm trở và gã tướng Mạnh Hoạch kia chỉ là một thủ lĩnh của bộ tộc Nam Man. Kiểu như đám gà qué, nhỏ lẻ và đội lái lìu tìu thời nay, sao anh Lượng không cử một viên tướng giỏi đi chinh phạt mà bản thân phải thân chinh gian khổ? Chỉ nội chi tiết ấy, kẻ bảo phí, người bảo cần thiết…

Ví dụ, Nam chinh giao cho một trong các vị: Phí Vỹ, Tưởng Uyển, Đổng Doãn, Quách Du Chi ... đều là túc nho lương thần, điều 1 trong các anh ý đi kèm chiến tướng, lại dặn dò cẩn thận, có gì mà đáng lo đến độ Thừa tướng phải bỏ cả phủ xuôi nam?

Có lẽ đơn giản vì cái tác phong làm việc "cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ" đã được truyền tụng của anh  Gia Cát Lượng nên thích ôm đồm? Cũng có thể anh Lượng lo bọn văn quan dưới quyền có đi trận không đủ uy mà áp chế điều khiển bọn tướng võ, rồi một sai hai lỡ, lại không đủ kiên nhẫn để thành toàn cái ý nguyện của anh ý. "Không tìm được người thích hợp", nên ông Minh mới ôm quân ra đi…

Bây giờ, chúng ta bắt đầu với sự kiện “thất cầm Mạnh Hoạch”. Bởi vì, sau cuộc Nam chinh của Khổng Minh chính là quá trình Bắc phạt của ông. Nam chinh: ông thắng! bên cạnh có tay Mã Tốc tham mưu tưởng đã ngon. Ai dè, khi ra Kỳ Sơn Bắc phạt lại chính anh Mã Tốc làm hỏng căn bản vấn đề khi làm mất Nhai Đình… rồi tiếp những lần sau gượng ép đánh nhau, yếu dần, yếu dần để Thừa Tướng chết khổ tâm ở gò Ngũ Trượng…
Tất nhiên, thời gian cũng không phải là đột ngột.
Trở lại sau khi nhận thác cô và nguyện phò tá Hậu chủ Lưu Thiện điếc tai bẩm sinh.
Giữa lúc nước Thục non trẻ gặp vô số những điều bất lợi, vị thừa tướng nước Thục Gia Cát Lượng lúc đó 43 tuổi đã điều hành nền chính sự nước Thục rất hoàn hảo. Với tình hình biến loạn ở Nam Trung, ông đã đi theo một hoạch địch cụ thể rất rõ ràng, trước sau không thay đổi. Đó là sách lược đã định từ ngày mới hiến Long Trung sách: “Trước chiếm lấy 2 châu Kinh, Ích dựa vào thế hiểm mà cố thủ, phía Tây hoà với Nhung Địch, phía Nam vỗ về Di việt, phía Đông liên minh với Tôn Quyền, bồi dưỡng quốc lực, nhẫn nại đợi thời cơ …” (lời Gia Cát nói với Lưu Bị  khi sắp bước chân rời lều cỏ). Bởi thế sau khi làm xong công việc khó khăn nhất là thiết lập lại mối quan hệ đồng minh với Đông Ngô, ổn định chiến tuyến phía Đông, Gia Cát Lượng bắt tay khẩn trương vào việc phủ dụ các tộc người Di Việt ở các quận huyện phía Nam nhằm ổn định vấn đề quốc nội.

Để thực hiện việc này, Gia Cát Lượng phái Cung Lộc làm thái thú Việt Huề, đóng trụ sở ở An Thượng (cách Việt Huề 800 dặm, chỉ đạo từ xa) nhằm mục đích dần dần từng bước khôi phục trật tự ở Nam Trung. Ngoài ra lại phái một người có tài ngoại giao là Thường Phòng ngầm ngầm điều tra tình hình các quận Nam Trung. Chính ở nơi đây, giai đoạn này xảy ra một sự kiện khá đặc biệt nhưng cũng tương đối lý thú và ẩn giấu đầy những nghi vấn về con người của Gia Cát Lượng. Người chép sử cố ý viết xuyên tạc sự thật hay Gia Cát Lượng thực sự nhẫn tâm? 

Khi Thường Phòng đến Tang Ca đã sớm phát hiện Chu Bao (thái thú Tang Ca) có âm mưu phản loạn, ông ta đã có một hành động hết sức vội vã là bắt thuộc hạ của Chu Bao tra khảo, nhanh chóng xác định manh mối cụ thể, sau đó giết chết hắn. Vì thế Chu Bao biết âm mưu của mình bại lộ, lập tức điều động thuộc hạ của mình bắt, giết Thường Phòng, vu cho Thường Phòng làm phản. Gia Cát Lượng nhận được tin báo rất hối hận vì đã dùng người không thích đáng bởi nếu Chu Bao phản loạn có thể khiến tình hình Nam Trung phức tạp thêm. Để vỗ yên tầng lớp quan chức ở Tang Ca, Gia Cát hạ lệnh xử chém gia quyến Thường Phòng, lưu đầy các anh em khác của Thường Phòng đến quận Việt Hoà. Tuy nhiên hành động “thí tốt” của Gia Cát Lượng quá muộn, nên không thu được chút hiệu quả nào. Chu Bao chính thức làm phản, cấu kết với Ung Khải công khai chống lại triều đình. Những điều này được chép lại rất tường tận trong “Nguỵ thị Xuân thu”.

Tuy nhiên, theo những lời chú giải Tam Quốc Chí  về vụ việc này, Bùi Tùng Chi cho rằng đây là một điểm rất đáng nghi ngờ. Con người Gia Cát vốn hành động đầy suy tính và rất thận trọng, sao lại tuỳ tiện thi hành án tử hình? Hơn nữa còn xử phạt gia quyến họ, trong khi biết chắc Thường Phòng vô tội! Mà tại sao sự kiện quan trọng như vậy lại không được ghi chép trong Thục chí? (chuyện về nước Thục) mà lại chép ở Nguỵ thị Xuân Thu (chẳng mấy liên quan đến câu chuyện ở Nam Trung).

Đoạn này liên tưởng đến đoạn Tào Tháo “mượn” đầu của Vương Hậu để yên lòng quân khi đấu trận với Viên Thiệu. Ta cảm thấy có nét từa tựa như hành động “thí tốt” của Gia Cát Lượng lần này. Xét ra thấy quả thật rất khó hiểu. Tuy nhiên sách Ngụy Thị Xuân Thu đó là một nguồn sử liệu. Than ôi, hầu như ở xứ nào, nước nào cái món tư liệu sử cũng bị lăn tăn nhỉ?

Cái vụ Nam Chinh này, các sách chép có khác nhau. Ở đây, chúng ta chỉ so sánh giữa Tam Quốc Chí và Tam Quốc Diễn Nghĩa: 

Lúc Ung Khải bắt đầu làm loạn, Gia Cát Lượng cử Lý Nghiêm lấy danh nghĩa triều đình đàm phán với Ung Khải, Nghiêm đã viết mấy lá thư gửi Khải phân tích lợi hại, muốn Ung Khải hiểu vấn đề, dẹp bỏ ý tưởng làm loạn để quay đầu hướng về Thục, song Ung Khải rất ngoan cố viết thư trả lời Nghiêm rằng: “Trên trời không có hai mặt trời, dưới đất chẳng thể hai vua. Nay thiên hạ chia ba chân vạc, người xa nghi ngờ biết theo về đâu?”. Lá thư của Khải công nhiên lộ rõ ý tứ, ông ta muốn độc lập cát cứ trên vùng đất của mình ở Nam Trung. Còn ở quận Việt Huề, Cao Định đã tự xưng vương từ trước đó.

Gia Cát Lượng áp dụng chính sách vỗ về có lẽ không đạt hiệu quả cần thiết. Tình hình Nam Trung ngày càng thêm phức tạp do sự cứng đầu của Ung Khải, sự phản loạn của Cao Định cũng như dấy thêm sự phiến loạn của Chu Bao do người được sai phái việc quan trọng là Thường Phòng đã phạm phải những sơ suất ấu trĩ chết người. Lúc đó Ung Khải cấu kết với Cao Định ở Việt Huề cùng giáp kích quận Vĩnh Xương. Vậy là 4 quận Nam Trung đã có 3 quận làm loạn.

Tại Vĩnh Xương, Lã Khải và Vương Kháng đóng cửa thành quyết cố thủ, song bị quân của Ung Khải bao vây dày đặc, đường liên lạc với chính quyền Thục Hán đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng thành Vĩnh Xương hiểm trở, lương thảo đủ dùng, Lã Khải, Vương Kháng lại liều chết tử thủ, thành ra Ung Khải và Việt Huề không sao phá nổi, chẳng bao lâu thanh thế quân phiến loạn suy kém dần, người Di dần dần không ngả theo Ung Khải nữa, Khải đành liên hệ với đầu mục Ích Châu là Mạnh Hoạch để tăng thanh thế cho mình.

Mạnh Hoạch - một đầu mục ở Ích châu, là người có tài thao lược, rất được người Di tin phục. Hoạch ngầm bảo với Ung Khải phao tin rằng: “Nhà quan định bắt các ngươi nộp 3.000 con chó mà từ bụng trở lên đều phải đen, lại phải nộp man não (ngọc mã não?) không được dưới 3 đấu. Lại bắt nộp đủ 3.000 gốc đoạn mộc, mỗi gốc không được dưới 3 trượng.” (nên biết rằng đoạn mộc là thổ sản ở quận Ích châu mà cây cao đến 2 trượng đã khó kiếm vô cùng). Đây quả là việc không thể làm nổi, kết cục người Di, người Sưu tin là thực, vô cùng sợ hãi đều ngả theo Ung Khải, thế là thanh thế quân phiến loạn được khôi phục, khắp vùng Nam Trung càng đại loạn, chỉ còn mỗi quận Vĩnh Xương là toà thành như hòn sỏi cô độc trong biển loạn mà thôi.

Những sự việc cuối cùng ở Nam Trung nước Thục vừa kể trên xảy ra vào đầu năm Kiến Hưng thứ 3 vương triều nhà Thục Hán. Đột nhiên cũng vào thời điểm ấy lại truyền đến đất Thục tin tức Nguỵ Văn đế Tào Phi cử đại quân đánh Đông Ngô. Đây quả là một tin tốt lành đối với Thục Hán, hai nước Ngô - Nguỵ vướng vào vòng binh lửa thì đương nhiên áp lực ở hai chiến tuyến Bắc và Đông của Thục trở nên dễ thở hơn nhiều, đấy cũng là thời cơ tốt để Thục tập trung binh lực dẹp loạn phương Nam mà không phải lo lắng quá nhiều về những rắc rối quân sự tại những điểm chốt như Thục Bắc và Bạch Đế thành.

Thời cơ đến. Thừa tướng nước Thục thấy cần phải gấp rút tranh thủ, ông ta lập tức có ý định sắp xếp binh lực để tự mình cầm quân Nam chinh. Tuy nhiên khi đem vấn đề này ra trước hội nghị bàn bạc thì quan trưởng sử là Vương Liên lại rất phản đối, lý do rằng: “Nam Man là nơi đất dữ, rừng thiêng nước độc, nếu lấy thân phận thừa tướng đem quân đến đó thực rất mạo hiểm!” Đề nghị của Vương Liên quả thật rất xác đáng khiến Gia Cát Lượng băn khoăn khá nhiều (TQC của Trần Thọ có chép lại rất rõ chi tiết này), song để làm sao thực thi được sách lược phủ dụ, vỗ về các bộ tộc Di Việt là một thủ đoạn chính trị cao tay (trị tận gốc bệnh) thì không thể chỉ cử một viên đại tướng cầm quân đánh dẹp xong mà yên ổn (chữa khỏi bệnh). Không tìm được người thích hợp tất phải tự mình xuất chinh.

Tháng 3 năm ấy, Gia Cát thừa tướng từ biệt Hậu chủ, sai Nguỵ Diên bố trí chặt chẽ việc phòng thủ Thục Bắc, Lý Nghiêm quán xuyến mặt Đông Ngô, tướng quân Hướng Lãng giữ Thành Đô và sắp xếp quân lương cho mặt trận, còn tự mình xắp xếp đạo quân Nam chinh.

Biên chế và kế hoạch tác chiến của đoàn quân Nam chinh như sau:
- Tư lệnh: Gia Cát thừa tướng, tham mưu: Dương Nghi
- Các đạo quân: Mã Trung – phía Đông theo đường Quý Châu đến thẳng quận Tang Ca đánh quân phản loạn của Chu Bao; Lý Khôi – chỉ huy tuyến giữa đánh thẳng vào quận Ích châu nơi có đại bản doanh của Ung Khải và Mạnh Hoạch; Gia Cát Lượng nắm đạo quân tuyến phía Tây từ Thành Đô tiến đến An Thượng hợp với quân của Cung Lộc (thái thú Việt Huề), từ đó theo đường thuỷ tiến vào Việt Huề. Kết thúc chiến dịch, ba đạo quân cùng hợp ở Điền Trì

Với cách sắp xếp quân đội như vậy thì rõ ràng Gia Cát thừa tướng chỉ coi việc quân sự là thứ yếu, (rất ít binh sỹ và tướng lĩnh - dẹp loạn cũng chỉ cần có thế là đủ rồi) mà chiến trường này cái cốt yếu là “phủ dụ, vỗ về” kia mà. Đương nhiên việc phòng thủ Thục Bắc (Nguỵ Diên giữ Hán Trung) và Đông Ngô (Triệu Vân – Lý Nghiêm giữ Bạch Đế thành) hoặc quán xuyến an ninh ở Thành Đô (Hướng Lãng, Phí Vỹ, Tưởng Uyển …) xem ra có phần quan trọng hơn dẫu tình hình lúc đó khá yên ổn.


Nhưng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì La Quán Trung đã “biên chế quân đội” bình Man hùng hậu hơn nhiều. Nội ban tham mưu quân sự lần này có Tưởng Uyển, Phí Vỹ, Đổng Quyết, Phàn Kiến, Dương Nghi …. Tướng lĩnh hàng đầu Thục Hán lúc đó là Triệu Vân, Nguỵ Diên, Mã Đại, Vương Bình, Trương Dực, Trương Ngực … đều được đưa vào biên chế Nam chinh để đánh nhau tít mù với mấy anh cường hào ở Nam Trung là Ung Khải, Cao Định, Chu Bao và Mạnh Hoạch

Theo đoạn mô tả này thì cụ La Quán Trung dàn quân cho Thừa tướng Nam chinh hơi quá tay vì mức độ hoành tráng được thổi phồng.

Thôi thì…có tung thì sẽ có hứng! Đoạn này dàn dựng công phu như thế, để đoạn Thục suy về sau còn lưu truyền câu "Thục trung vô đại tướng, Liêu Hoá tác tiên phong", cho cái tình cảnh nhà Thục sau lúc Ngũ trượng sao rơi, Khổng Minh về với đất  nó lại càng thảm não, mà người đọc lại càng phải xót xa tiếc nuối thì mục đích dàn dựng tiểu thuyết thành công quá còn gì?

Có thể đến thời nay ít người còn ngây thơ thế nữa, nhưng trong thời "văn tự ngục" Minh - Thanh, ai mà có cơ sở lật chính sử kiểm chứng mấy thứ này?
Hay là đích thị  La Quán Trung dọn đường để Tam Quốc Diễn Nghĩa trở thành một trong tứ đại danh tác Trung Hoa?
Âu cũng là nói lên cái tài của La Tiên Sinh khi viết tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa vậy!


Có một người rất cần nhắc đến ở đây là anh bạn Mã Tốc (còn gọi là Mã Tắc tùy nơi), em Mã Lương, một nhân vật được xếp vào hạng ưu tú của “Mã Ngũ thường thị” nổi danh ở xứ Kinh Châu thời Lưu Biểu. Sử kể rằng khi tiễn đoàn quân Nam chinh, văn vũ bá quan nước Thục cùng đến đưa chân, Mã Tốc cũng đi cùng. Bấy giờ Mã Tốc làm Chủ nhiệm ban tham mưu quân sự ở phủ Thừa tướng, trước đây từng làm Thái thú Việt Huề một thời gian ngắn nên đối với vùng Nam Trung anh Tốc có hiểu biết khá sâu sắc. Gia Cát Lượng thân mật hỏi Tốc rằng: “Ấu Thường vẫn hay cùng ta trao đổi ý kiến, nay ta đi bình Man, ngươi có ý kiến gì chăng?” Tốc đáp: “Người Man xưa nay vẫn không phục triều đình, cậy mình ở nơi xa, đất hiểm. Nếu giờ ta dùng đại quân trấn áp họ tất dễ thành sông, song e rằng khi ta đi khỏi họ lại làm loạn. Chỉ sợ rằng sau này, khi ta Bắc chinh phạt Nguỵ họ có thể gây chuyện lôi thôi để mối lo gan ruột về sau. Thiết nghĩ Thừa tướng viễn chinh lần này, lấy “công tâm làm đầu”, phá thành là phụ đánh bằng tâm lý là chính. Thừa tướng hãy xét kỹ mà làm!”.

Rõ ràng điều Mã Tốc nói cũng chính là điểm mà Gia Cát Lượng trù tính khiến Gia Cát Lượng rất quý trọng và thêm phần tin tưởng Mã Tốc. Nhưng sự thực thì Mã Tốc chỉ là người bàn việc binh trên giấy, còn về mặt ứng dụng thực tiễn lại rất kém cỏi. Cho đến kỳ Bắc phạt Trung nguyên lần thứ nhất, Gia Cát Lượng sai lầm dùng nhầm Mã Tốc, một trận Nhai Đình thất thủ, nướng mất đoàn quân sinh lực để thừa tướng nước Thục phải ôm hận mãi về sau.

Riêng với Mã Tốc, truyện cũng vậy mà sử cũng vậy, đều phê cái ông giỏi oánh giặc mồm dở khôn dở dại này. Có cái hơi tiếc là ông Mã Lương (anh của Mã Tốc) chết sớm quá, nếu còn sống biết đâu lại can được anh Khổng ở trận Kỳ Sơn. Biết em mình, còn ai hơn anh, huống chi "Mã thị ngũ Thường", nhưng "bạch my tối lương" cơ mà! Ông anh mày trắng Quý Thường mới là bậc anh kiệt đáng kể tên, chứ đâu phải ông em Ấu Thường đâu.

Ấy nhưng biết đâu vì có cái cậu Mã Tốc nó hoắng thế, đời sau nhiều kẻ sỹ mới có lý do để lại than tiếc cho cái chiến cuộc Kỳ Sơn … 

Thật là là…người đọc đã từng rất thích thú và dành trọn sự ngưỡng mộ của mình cho những Quan, Trương, Triệu tài danh sức địch muôn người. Dành sự thán phục đến kinh ngạc đối với Gia Cát Khổng Minh trí tuệ cao vời, tưởng chừng như khắp thế gian này chỉ có một mà không thể tìm được một người thứ hai như thế nữa. Sự tin tưởng mụ mị vào tài năng của Gia Cát tiên sinh khiến nhiều người tin rằng những nhân vật kỳ lạ (có nhiều phần giống yêu quái trong truyện Tây Du ký hơn là người thường) như Mộc Lộc Đại Vương, Đoá Ti đại vương, Ngột Đột Cốt ... ở trong các hang động hẻo lánh vùng Nam Trung thuộc tộc Man Di mà La Tiên sinh phô bày trong những thiên truyện “Thất cầm Mạnh Hoạch” kỳ ảo, cũng là những nhân vật thật sự như những Tào Tháo, Viên Thiệu, Lỗ Túc, Chu Du …

Cho đến khi “biết đọc thật sự” thì ngầm hiểu rằng những người kỳ lạ như thế quyết chẳng thể có được. Nhiều người chợt thấy La tiên sinh nặng về “phần hư cấu”, mô tả cường điệu so với sự thực. Song để hiểu được những nét căn bản về sự thực lịch sử thật chẳng dễ chút nào… 

Trở lại với Mạnh Hoạch. Trước sau khứa này bị Ông Lượng bắt sống bẩy lần, lần nào sau khi chiêu dụ không thành công ông  Lượng lại tha ngay, cho về chiêu tập lại binh mã... đánh tiếp. Để bắt được họ Mạch lần thứ bẩy, Khổng Minh phải sử dụng đến một chiến thuật hỏa công tàn độc, chính ông cũng phải thú nhận trận chiến ấy làm tổn âm đức của ông rất lớn, không một gia đình đất phương Nam nào không có người tàn thây, tan xác trong trận hầm binh kinh dị ấy.
Nhưng La Quán Trung mô tả lúc Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục thì thật đắt sách. Ông Lượng thủ đoạn trong thiện tâm bao dung. Ông Hoạch thì như chợt thấy ra là cần sống lại sự liêm sỉ vốn có của một thằng đàn ông cấp lãnh đạo chỉ huy ở mình chứ không phải kiêu ngạo nhơn nhơn lờn thuốc như 6 lần trước kiểu: thấy mày không giết tao thì tao cũng … cố đánh cho vui! (hặc!)

Sách chép rằng: “Khổng Minh cho người giải Mạnh Hoạch vào. Hoạch quỳ khom dưới trướng. Khổng Minh truyền cởi trói, rồi cho phép ra một nơi phía ngoài trướng, sai lấy rượu thịt cho ăn uống. Đoạn ông cho gọi viên quan coi về việc thết đãi trong trướng vào và dặn rằng:       - - Nhà ngươi sang chỗ Mạnh Hoạch ăn uống, cứ như vậy... như vậy... mà làm.

Mạch Hoạch lúc ấy đang cùng bọn Mạnh Ưu, Chúc Dung Phu Nhân, Đới Lai Động Chủ và tông tộc thuộc viên... đang ăn uống ở ngoài trướng, chợt thấy một người đến trước mặt nhỏ nhẹ mà nói rằng:
- Thừa Tướng có vẻ ngượng không muốn gặp mặt ông, nên sai tôi đến đây bảo ông hãy về mà chiêu tập binh mã, quyết một trận hơn thua. Ông dùng bữa xong mau mau ra về cho kịp...
Hoạch ứa nước mắt mà đáp rằng:
- Bẩy lần bắt, bẩy lần tha! Cổ kim chưa bao giờ có chuyện như vậy. Tôi tuy là người ngoại hoá, cũng có biết chút ít lễ nghĩa. Lẽ nào vô liêm sỉ đến thế được!”
Nam phương được bình định, họ Mạnh quy phục, Khổng Minh không cắt đặt quan tước ở lại làm việc bình trị mà để cho tông tộc Mạnh Hoạch cai trị như cũ.

Ai đọc đến đoạn này cũng gật gù: Anh Minh xử lý sự việc thua gì anh Tháo đâu mà sao đời sau xứ An Nam đàn ông cứ thấy đắc ý cái gì họ cũng vỗ đùi: Tiên sư anh Tào Tháo! Mà chả có dòng nào quảng bá cho anh Minh Lượng???
 
Còn tiếp
Bài sau: Ra Kỳ Sơn Mất Nhai Đình, ông Lượng  khóc chém Mã Tốc



Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất