Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc, bài 19: Lưu Bị đánh Ngô- Hào Đình ...(tiếp theo)

 Khi luận về hai viên tướng hổ báo của Lưu Bị là Quan Trương, Trần Thọ viết trong Tam Quốc Chí rằng: Quan Vũ khéo đối xử với sỹ tốt mà kiêu ngạo với đại sỹ phu, đắc tội với người mà không tự biết. 
.
Trương Phi yêu người quân tử, ghét kẻ tiểu nhân. Hai viên hổ tướng này có thể gọi là vạn người thấy một, những chiến tích của hai người có thể coi là việc làm của những kẻ quốc sỹ. Đáng tiếc cho Quan Vũ cứng cỏi mà kiêu căng, Trương Phi quả quyết mà vô tư, đều vì sở đoản mà có hoạ sát thân, đó là lẽ thường của số phận”


Tin Trương Phi bị hại đối với Lưu Bán Dép quả là một cú đấm trời giáng nữa. Lòng căm tức Tôn Quyền vì thế càng tăng thêm. Lưu Bị đã trở thành người trong cuộc u mê và tăm tối, chẳng cần biết việc Đông chinh lần này sẽ khó khăn trăm bề, (khó về tướng, về quân, về sức dân, về danh nghiã của cuộc chiến ...) vẫn tập kết binh mã để xuất chinh rửa hận. Biên chế quân đội như sau:

1. Chủ soái Lưu Bị, nắm trung quân cùng 2 đoàn quân của Trương Nam, Phùng Tập.
2. Ban Tham mưu: Mã Lương, Trình Kỳ, Hoàng Quyền.
3. Đạo quân tiên phong: Ngô Ban
4. Hậu bị: Triệu Vân (thực chất chỉ là chốt chặn cuối cùng của Lưu Bị để giữ an toàn cho xứ Thục mà thôi.
TQDN của La tiên sinh mô tả cuộc ra binh của Lưu Bán Dép hoành tráng hơn sự thực lịch sử rất nhiều lần. Số quân đội của Lưu Bán Dép theo mô tả là 75 vạn quân (nhưng theo thống kê sau này lúc Thục mất và hàng Nguỵ (Tấn), số hộ khẩu xứ Thục được kê ra chỉ có 66 vạn hộ. Cứ cho là lúc Lưu Bị đông chinh xứ Thục có 66 vạn hộ, vậy thì ra bình quân cả nước Thục mỗi hộ phải có nhiều hơn 1 nhân khẩu phải làm quân binh đi đánh xứ Ngô hay sao? Lại còn quân phòng thủ Thục Trung, Thục Bắc và cả Thành Đô nữa chứ? Còn quân ở các địa phương khác trong nước chẳng lẽ không cần? Vậy binh đâu ra mà nhiều thế?? Thế thì con số binh sỹ thực của cuộc đông chinh của Lưu Bị là bao nhiêu?  Có tài liệu sử ghi lại chỉ là 4,5 vạn quân mà thôi

Xét biên chế các tướng lĩnh quân đội thì lão tướng Hoàng Trung đã chết (do tuổi già bệnh nặng) trước khi Lưu Bị đông chinh, vậy mà Hoàng Trung vẫn được La tiên sinh đưa vào đoàn quân tiên phong phạt Ngô? Thật buồn cười. Lại thêm hai viên tiểu mãnh tướng là Quan Hưng – Trương Bào được đưa vào đoàn quân Đông chinh làm sống lại hình ảnh hai viên hổ tướng Quan Trương với những câu như “hổ phụ sinh hổ tử”. Thực ra hai viên tiểu tướng này chỉ là những viên tướng nhỏ trong quân đội không có hành vi nào nổi bật, kể cả cho đến sau này Gia Cát Lượng bắc Phạt cũng vậy. Ngòi bút của cụ La hư cấu thật lợi hai và logic
 

Vậy là với vô vàn khó khăn, nước Thục mới chinh chiến liên miên, nước nhỏ, thế yêu, sức dân chưa được nghỉ ngơi, lại thêm Kinh Châu bị mất cùng đạo quân giầu sức tác chiến của Quan Vũ đã không còn. Các quận bình phong của Hán Trung như Tân Thành và Thượng Dong đã mất. Những viên đại tướng oai chấn Trung Nguyên, tài năng uy trùm thời Tam Quốc như Quan - Trương - Hoàng đều chết cả. Người tham mưu xuất sắc có thể gọi là “trí nang” của Lưu Bị là Pháp Chính cũng đã lìa trần ...

Ấy thế nhưng Lưu Bị vẫn khởi động cuộc Đông Chinh. Trong tay chỉ có hơn 4 vạn quân cùng với mấy viên tướng hạng 2 trên chính trường quốc tế mà lại nghĩ đánh bại được xứ Đông Ngô vốn nổi tiếng dân thuận, thế nước hiểm trở với ưu thế thuỷ binh vô địch đời Tam Quốc hòng báo được thù, rửa được hận ư? Qua thực tế này, các nhà quân sự ai mà không thấy Lưu Bán Dép là người trong cuộc mà hết sức tối tăm???

Với đạo quân Đông chinh lần này, sự sắp xếp thực sự nằm tất cả trong tay Lưu Bị. Mà vốn dĩ bác Lưu Bị xưa nay thắng ít thua nhiều (với những trận đánh tự mình cầm quân và sắp xếp binh lực, Lưu Bị ít có chiến thắng) Rõ ràng cái thất bại đã được dự báo trước vậy ...

Nhưng trong Tam Quốc, La Tiên sinh cho xuất hiện ông lão dị nhân đã vẽ 40 cái trại bị đốt cháy tả tơi... mới biết rằng Lưu Ban Dép sẽ thua binh?

Mặc dù quân lực của Lưu Bán Dép mang đi Đông Chinh chỉ có 4,5 vạn, không có vị tham mưu nào tầm cỡ như Bàng Thống, Pháp Chính, lại không có mặt cả Ngũ hổ tướng lẫn Nguỵ Diên, nhưng Đông Ngô vẫn hết sức muốn tránh việc binh đao.
Điểm qua tiềm lực của Ngô lúc ấy đại khái là cũng chẳng dư dật gì mấy. Trình Phổ, Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, tức là nhóm có tài nắm quyền Đại đô đốc đều đã quy tiên. Hoàng Cái, Hàn Đương chưa bao giờ xứng tầm để lên nắm chức trách quan trọng ấy. Chu Thái, Cam Ninh đang chong mặt giữ nhau với quân Trương Liêu nhà Tào ở Hợp Phì, không thể khinh suất rút về. Bọn giữ cửa Tây đất Ngô là Từ Thịnh, Đinh Phụng căn bản không thể xem là đối thủ với kẻ lão luyện như Lưu Bị.
Giai đoạn này,  nhà Nguỵ vừa dựng, nhưng nền móng rất vững chắc, khí thế đang thịnh, sẵn sàng tràn quân Nam Hạ. Chính bởi vậy mà Lưu tiên chủ chỉ dám mang 4,5 vạn quân sang Đông, phải  để Mã, Nguỵ, Triệu…giữ nhà. Ngược lại, Ngô cũng không thể rút quân cả nước về Tây kháng Thục. Đất Ngô cương thổ rộng lớn, chính xác thì sức ép quân sự còn nặng nề hơn Thục mấy lần.
Có lẽ đó là lý do chính để Ngô khẩn khoản xin hoà, chứ không phải như cụ La múa bút trong tiểu thuyết, rằng thanh thế 75 vạn quân Thục khiến người Ngô mất mật,“trăm quan tái mặt ngó nhau”.

Cái đoạn chép việc Gia Cát Cẩn một mình sang đất Thục cầu hoà, điều đó cũng là hư cấu. Song, những lời thống thiết trong vụ đó thì khá xác thực, dựa trên bức thư của Gia Cát Cẩn gửi cho Lưu Bị. Cẩn khi đó đang là thái thú Nam Quận, là người duy nhất còn có hy vọng điều đình. Thư Cẩn viết: “Tôi nghe nói đại quân đã đến thành Bạch Đế, tin là do không ít kẻ dưới trướng cho rằng Ngô Vương xâm chiếm Kinh Châu, giết hại Quan Vũ, dẫn đến thù hận sâu sắc giữa hai bên, quyết không thể hoà giải. Thật ra, người có cách nghĩ như vậy là dụng tâm ở tiểu tiết, chưa lưu ý đại cục, bởi vậy tôi muốn lưu ý bệ hạ về chỗ nặng nhẹ, lớn nhỏ của việc ấy. Xin bệ hạ tạm dẹp nỗi oán giận trong lòng, bình tĩnh nghe Gia Cát Cẩn tôi phân tích, tin rằng sẽ lập tức rút ra được kết luận, chẳng cần phải hỏi han những kẻ dưới vốn thiển cận.
Bệ hạ nhận định Quan Vũ và Hán Hiến Đế ai nặng hơn ai? Kinh Châu và thiên hạ đâu là chỗ nặng nhẹ? Giải quyết mối thù hận này phải như thế nào?
Tin rằng bệ hạ chỉ cần lưu ý một chút, cân nhắc kỹ càng, sẽ có hành động đúng”.


Trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả chỗ này anh Gia Cát Cẩn thảm lắm: lễ mễ sang tận thành Bạch Đế, khúm na khúm núm, đổ hết tội cho Lã Mông, lại xin đưa trả Tôn phu nhân, đầu lâu Trương Phi cùng bọn hàng tướng sang nộp, rồi rủ rê Lưu Bị cùng đánh Tào Phi, khiến người đọc có cảm giác là Ngô sợ Thục như sợ cọp thật nên mới phải xử nhũn.

Cụ Gia Cát Cẩn trong Tam Quốc DN tâu với Tiên Chủ rằng:
Tôi xin đem cái lẽ lớn nhỏ, nặng nhẹ bàn với bệ hạ. Bệ hạ là hoàng thúc nhà Hán. Nay vua Hán bị Tào Phi cướp ngôi, bệ hạ không nghĩ đến việc tiễu trừ, mà lại vì một người anh em khác họ khó nhọc đến thân vạn thặng, thế là bỏ nghĩa lớn để làm một điều nghĩa nhỏ. Trung Nguyên là khu đất to nhất trong bốn bể, hai kinh đều là chỗ nhà Hán xây dựng cơ nghiệp, thế mà bệ hạ không lấy chỗ ấy, mà chỉ tranh một xứ Kinh Châu, tức là bỏ chỗ nặng tìm chỗ nhẹ đó. Thiên hạ ai cũng tưởng rằng bệ hạ lên ngôi, thế nào cũng gây lại nhà Hán, lấy lại giang sơn, nay bệ hạ lại không hỏi đến nước Nguỵ mà cứ muốn đánh Ngô, thiết tưởng bệ hạ có gì không nghĩ tới chăng?”
Xem ra, tới lúc này bao nhiêu lời phải quấy đích đáng như thế mà Tiên chủ Lưu Bị vẫn quyết đánh Ngô báo thù thì chả còn gì nói đến tầm nhìn của lãnh chúa nữa.
 

Khi quyết khởi binh đánh Ngô rửa thù, Triệu Vân đã khuyên: Thù giặc Nguỵ mới là quốc thù, thù em chỉ là tư thù. Xin bệ hạ lấy việc công, coi thiên hạ làm trọng!” Lời khuyên chí lý, Thục chủ lẽ nào không công nhận? Nhưng Thục chủ vẫn nói một câu cương quyết: “Trẫm không báo được thù cho em thì dù có giang sơn nghìn dặm cũng chẳng ra gì!”
Đạo bằng hữu đứng vào hàng thứ năm trong ngũ luân (vua tôi, chồng vợ, cha con, anh em, bạn hữu), nhưng Thục chủ xem bằng hữu như huynh đệ, nên hai đạo này chẳng khác nào hợp làm một, để luôn giữ một địa vị trọng yếu trong lòng ông. Khi đã thề đồng sinh đồng tử, hai em đã chết, ông cũng tự coi mình cùng bạn chết.
Vì tình bạn. vì lòng khao khát báo thù để trọn tín nghĩa, Thục Chủ vứt  bỏ hẳn chính sách cố hữu (liên Ngô chế Tào). Trước mắt ông chỉ còn máu, máu của bạn và của kẻ thù. Ông luôn bực dọc, nóng nảy.
Cho nên, Thục chủ đã xử tử Lưu Phong không suy nghĩ, My Phương và Phó Sĩ Nhân cắt đầu Mã Trung về xin tạ tội, nhưng vẫn bị lóc thịt không chút bao dung…
Vì không chủ trương liên minh với Nguỵ, không thấy sự phản bội của Nguỵ nên mối thù của Lưu Bị đối với Tào Tháo không sâu sắc (huống gì ngày xưa ăn nhờ ở đậu nó mãi!) Theo kế sách của Khổng Minh, ông liên minh với Ngô và luôn bị lừa dối, thậm chí bị lừa bắt vợ con, điều này ông vẫn chịu được. Nhưng giết chết hai người em kết nghĩa thì khác.

Trong cuộc Ngô Thục giao binh, Thục đã thắng dược hai trận đầu, chiếm được hai cứ điểm. Ngô đưa sứ xin hoà làm Thục chủ có đôi chút tự hào, nhưng mối thù này không thể xoá sạch bằng những hình thức đơn giản như vậy.
Phải giết cho được Ngô chủ Tôn Quyền, tên đầu sỏ, nên Thục chủ giận dữ bảo Mã Lương: “Kẻ thù không đội trời chung của trẫm là thằng Tôn Quyền! Nếu liên hoà với nó, ấy là trẫm phụ lời thề xưa với hai em!”

Mao Tôn Cương đời sau có lời bình:“Đông Ngô xin trả Kinh Châu, trao trả bọn hàng tướng, Tiên chủ vẫn không cho hoà thì chẳng quá quắt với Ngô lắm sao?...Đông Ngô xin đưa Tôn phu nhân về, Tiên chủ vẫn không nghe thì không phải là quá đáng với Ngô lắm sao? Nhưng nếu cuộc báo thù đến đây là thoả lòng, thì tiên chủ không còn là Lưu Huyền Đức bất diệt nữa! Người đời nay, hễ nói đến chuyện kết nghĩa là phải nhắc đến nghĩa đào viên và Lưu Huyền Đức! Lưu Huyền Đức là chính là người lập cực cho đạo anh em bè bạn cổ kim vậy.Những kẻ nhạt thề bằng hữu, rẻ tình anh em đời sau đều phải hổ thẹn khi nghĩ đến Lưu Huyền Đức”.
Đoạn bình này bây giờ đọc không khỏi có chút buồn cười, nhưng quả thật là khi hy sinh tính xác thực của lịch sử, cụ La Quán Trung đã thành công ngoài mong đợi với những nhân vật của mình. Có điều, xét hành động của Lưu Bị lúc này hay Trương Phi lúc đòi một mình dẫn quân sang đánh Đông Ngô (trong tiểu thuyết), tại sao Quan Vũ lại được đặt cao hơn và thậm chí là tách biệt hẳn ra về mặt nghĩa khí đối với cộng đồng dân TQ nhỉ?!

Tuy nhiên, đọc đi đọc lại Tam Quốc thấy có những chỗ thấy khiên cưỡng.

Quan Vũ mất Kinh Châu thì đúng là kém rồi, không trách ai được, nhưng Ngô nếu muốn hòa với Thục sao bắt được Quan Vũ không mang trả ông này cho Thục đi, có phải hơn không nhể? Đằng này lại đi ban vĩnh viễn hai bố con nhà người ta. Từ hành động “thịt luộc” này mới dẫn đến hiệu ứng domino làm anh Trương Phi uất quá nên chịu họa sát thân. Anh Lưu Bị tự nhiên mất hai thằng đệ tuy là khác họ nhưng tình thân hơn thủ túc không chịu được là phải. Hay là Ngô Chủ có gì không nghĩ tới chăng? Hừ! lúc ban anh Quan Vũ thì chả chịu nghĩ xa đến lớn nhỏ nặng nhẹ, thế mà viết cái thư thì tâm huyết như đại học sĩ tế bố vợ. Thật là luôm nhuôn cả chủ lẫn tớ.

Nhưng cái khiên cưỡng lại được lý giải bằng sự…thù vặt: Hình như bài nào trước, chúng ta đã đề cập đến cái thù vặt của anh Tôn Quyền với anh Quan Vũ.

Đại khái Tôn Quyến dòng dõi danh giá hẳn hoi, mang quý nữ ngàn vàng của mình sang dí vào mồm thằng con ông Quan Vũ, mà ông Vũ này vừa khệnh vừa hỗn: "Con ta ví như con loài hổ, lại gả cho con chó à?!". Xem ra, ở đời, ông nào cũng có tính thù vặt cả nhể?
Rồi cũng có thể, lúc đó anh Tôn Râu Ngô đang bắt tay với anh Tào, cậy là có đỡ cứng nên húng thế! Với cả, có câu "bắt hổ dễ, thả hổ khó", dẫn tới ông Khệnh chết chắc!

Thế là…dẫu theo nguyên nhân gì thì ngay ở bài sau, trận Hào Đình cụ Lục Tốn Đông Ngô lại dùng hỏa công đánh cho Lưu Bị tan tác chạy về thành Bạch Đế và từ đây có cái thoại thác cô gửi ông con Lưu Thiện gây tranh cãi bao nhiêu cho những nhà bình tam quốc đời sau.
(còn tiếp) Trận sau: Hào Đình

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất