Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc, bài 18: Lưu Bị đánh Ngô- Hào Đình Thục Hán tan tác

 Vở kịch lớn “Chuyện Kinh Châu” đã hạ màn, những vai diễn chính trên sân khấu đầy ham vọng chính trị và thủ đoạn đều về chầu âm phủ. Đất Kinh Châu thuộc về anh Tôn Râu ngô. . Lã Mông chết. Để quản lý Kinh Châu hữu hiệu cũng như sẵn sàng đối phó với sự bành trướng của Lưu Bị, Tôn Quyền phong Lục Tốn là Trấn Tây tướng quân, đóng đồn ở Di Lăng, chẹt giữ cửa khẩu Tam Hiệp. Như vậy là sau biến sự Kinh châu, cho đến cuối năm Kiến An thứ 25 thì biên giới của 3 thế lực Nguỵ, Thục, Ngô được cố định hẳn.

Quãng chừng thời gian hơn 2 năm kể từ khi Kinh Châu biến sự, quan hệ Ngô - Nguỵ cực kỳ thắm thiết. Hai bên ra sức chơi trò văn tự nâng bốc nhau lên. Phía Nguỵ, Tháo đã dâng biểu lên Hán Hiến Đế phong Tôn Quyền lên chức Phiêu kỵ tướng quân (về chức tước thời Hán có các chức tướng quân cấp 1 và cấp 2. Về cấp 1 thì đứng đầu là Đại tướng quân, tiếp đó là Phiêu kỵ tướng quân, rồi đến Xa kỵ tướng quân, sau cuối là Vệ tướng quân. Tướng cấp 2 thì lần lượt là Hữu tướng quân, Tả tướng quân, Tiền tướng quân, Hậu tướng quân. Còn các chức tướng quân khác lại ở dưới nữa. Đại loại là vậy). Ngoài chức Phiêu kỵ tướng quân, lại phong Tôn Quyền lên tước Nam Xương hầu, lĩnh chức Kinh Châu mục. Để đáp lại, Quyền cũng dâng biểu về triều tán tụng Tháo, ngoài ra ngầm gửi một lá thư riêng cho Tháo, trong thư bầy tỏ rằng Tháo nên theo thiên mệnh thay ngôi nhà Hán. Tuy nhiên khi Tháo đọc thư này lại cười lớn bảo với tả hữu rằng: “Anh bạn nhỏ này xúi ta ngồi vào lò lửa ư?”. Có rất nhiều bầy tôi của Tháo lại nói rằng: “Thiên mệnh nhà Hán đã hết, Nguỵ vương công đức vời vợi, đến Tôn Quyền ở nơi xa cũng nhận làm bầy tôi, có gì phải nghi ngại?”.

Xét cái trò chơi văn tự giữa hai bên, ngoài mục đích bầy tỏ sự thân thiện bề ngoài còn có thêm một mục đích khác xâu xa hơn, đó là cả hai cùng hướng mũi dùi đẩy Lưu Bị về phía đối thủ. Quyền mong Tháo lên ngôi đế để hướng mục tiêu của Bị về phía đó (đã hướng về Hán thì phải diệt kẻ thù tiếm Hán), Tháo cũng không phải tay mơ, đã phong Quyền làm Kinh Châu mục, Nam Xương hầu tức là đào sâu thêm mối thù Kinh Châu giữa Lưu Bán Dép và Tôn Râu Ngô để hai bên căm hận đấu nhau, còn mình ngồi đắc lợi ngư ông. Đều là trò chơi văn tự gian xảo cả...

Quay về với việc ngôi Đế. Vì sao Tháo chẳng lên ngôi đế? Ngoài lý do như kể trên, quả thật Tháo không có nhiều hứng thú và cũng chẳng cần vội vàng (vì có đế hay không đế có khác gì nhiều? Tháo không làm đế thì con Tháo làm, vẫn được suy tôn mà). Vả lại năm đó sức khoẻ của Tháo có vấn đề nghiêm trọng, thường bị chứng đau đầu hành hạ. Vậy nên nghe những lời tấu trình của bề tôi, Tháo chỉ cười mà nói rằng: “Nếu thực có thiên mệnh, ta cũng chỉ muốn làm Chu Văn vương mà thôi”. Ý tứ thật rõ ràng.

Năm Kiến An thứ 25, tháng giêng, Tháo phát bệnh nặng, không kịp trở về Nghiệp Thành, chết ngay tại doanh trại ở Lạc Dương, trối trăng việc lớn với các đại thần của mình như Trần Quần, Tư Mã Ý, Tào Hồng ... cùng phụ tá giúp đỡ Tào Phi.

Về phía nhà Thục, tin tức về việc mất Kinh Châu truyền về Thành đô rất chậm do cửa khẩu Tam Hiệp bị Lục Tốn đóng chặn khiến tin tức không thông. Khi Lưu Bán Dép nhận được tin Quan Vũ bại trận thì tất cả thành sự đã rồi. Khó có thể nói hết sự đau đớn của ông chúa nhà Thục. Lại được biết Lưu Phong, Mạnh Đạt không xuất binh cứu Quan Vũ khiến Lưu Bán Dép nổi giận lôi đình, lập tức hạ lệnh đòi Lưu Phong, Mạnh Đạt về Thành Đô. Gia Cát Lượng lo sợ sẽ sinh biến vội vàng can ngăn, mãi sau Bị mới bỏ ý định ấy. Tuy nhiên cơn giận của Lưu Bị vẫn truyền đến tai Mạnh Đạt khiến Đạt đứng ngồi không yên. Sau cùng Mạnh Đạt quá sợ hãi đã để lại một lá thư từ biệt rồi ngấm ngầm đầu hàng Tào Phi. Lá thư của Đạt trong thực tế khác xa với lá thư được viết trong TQDN, đại ý nói rằng Đạt không có quyền hành điều động quân đội (là chối tội thôi), thường bị Phong xem thường. Nay sợ không giúp được Quan Vũ sẽ bị bắt tội nên bất đắc dĩ phải hàng Tào.

Tào Phi được Mạnh Đạt đến hàng rất vui mừng, lại phong Đạt làm thái thú Tân Thành, sai kết hợp với quân của Hữu tướng quân Từ Hoảng cùng tấn công Lưu Phong. Phong tuy cố sức kháng cự, song xét về tài năng cũng như binh lực đều không địch được liên quân Từ Hoảng - Mạnh Đạt nên thua lớn, đành phải vứt bỏ Thượng Dong chạy tuốt về Thành đô chịu tội.
Quân Nguỵ chiếm được tất cả vùng đất rộng lớn phía Đông Nam Hán Trung gồm 3 quận Tân Thành, Thượng Dong và Phòng Lăng mà Lưu Bị lấy được sau đại thắng Hán Trung. Từ đó, quân Ngụy  tạo bàn đạp uy hiếp vùng Hán Trung do Nguỵ Diên nắm giữ.

Đối với việc Lưu Phong không giúp đỡ Quan Vũ, Lưu Bị rất căm tức. Nể tình con nuôi khiến Bị không nỡ phạt nặng Phong. Song Gia Cát Lượng lại cho rằng Phong về danh nghĩa là anh Lưu Thiện, tính tình hung bạo, kiêu sa. Thiện là em, tính tình lại lại ôn hoà uỷ mỵ. Sợ rằng đến khi Bị trăm tuổi việc kế thừa có những nguy cơ tiềm ẩn nên ra sức khuyên Bị xử phạt nặng Lưu Phong. Kết quả là Phong được Lưu Bán Dép cho tự xử…
Giai đoạn năm Kiến An 25 là giai đoạn quan hệ Ngô Nguỵ đạt đến đỉnh cao của sự hợp tác (dù không thật lòng), nhưng mối quan hệ ấy khiến cho xứ Thục của Lưu Bị chịu áp lực nặng nề cả ở 2 phía Bắc và Đông. Dẫu Lưu Bán Dép có căm hận Tôn Quyền thêm mấy tầng nữa thì vẫn buộc phải nhẫn nhịn chẳng dám khinh xuất ra binh tạo cuộc chiến tranh mới.

Nói về nhà Nguỵ, khi Tào Tháo mất, Tào Phi kế nghiệp. Tháng 2 năm đó phong Giả Hủ làm thái uý, Hoa Hâm làm tướng quốc, Vương Lãng làm ngự sử. Tháng 4, Hạ Hầu Đôn chết, quyền chỉ huy quân sự của Tào Phi tăng thêm. Tháng 7, Tôn Quyền sai sứ tiến cống, Mạnh Đạt nước Thục đến hàng, thanh thế của Tào Phi lên cao hơn nữa, chính quyền nhà Nguỵ vững hơn bàn thạch. Đến tháng 10 năm đó, Hán Hiến đế bị bức phải nhường ngôi cho Phi, nhà Hán chính thức cáo chung sau hơn 400 năm đắp đổi lưu truyền, vương triều nhà Nguỵ bắt đầu ...

Xét quãng đường lịch sử giai đoạn này, có thể thấy rằng, Tào Tháo – nhân vật vĩ đại nhất thời Hán mạt đột nhiên mất đi, nước Nguỵ cũng không phải không có nguy cơ nghiêm trọng. Tuy nhiên Tào Phi, người kế nhiệm với nhãn quan chính trị khá sắc sảo và tàn nhẫn, có sự quyết đoán đến độc đoán cùng những thủ đoạn tinh vi, chỉ có 9 tháng đã ổn định chính sự, xử lý yên được mối quan hệ với các vương hầu, lại cướp được ngôi đế của nhà Hán một cách êm ả, như thế ắt không tầm thường. Xin được trích ra đây một đoạn bình của Trần Thọ trong TQC: “Tào Phi thiên phú văn chương, hạ bút thành thơ, hiểu biết rộng rãi, tài nghệ gồm đủ, nếu như có được phong độ khoát đạt, chân thành khích lệ, có chí khí xa xôi, trau dồi tâm đức thì đâu kém các vua hiền thời xưa!”

Lời bình trên đây có ẩn ý điều gì? Phải chăng ngầm nói với hậu thế rằng những lời đồn đại về mối quan hệ của Phi với các em mình (hại Chương bức Thực) là có thật? Cả việc Phi bức tử Chân thị nữa chứ! Thật là phú quí vinh... họa!

Như vậy là nhà Đông Hán chính thức biến mất trên sân khấu, nhà Nguỵ kiến quốc đặt mốc lịch sử đầu tiên của mình trong lịch sử Trung Hoa. Những tin tức ấy nhanh chóng bay cả về xứ Thục xa xôi, kèm thêm những tin tức về việc Hán Hiến Đế bị sát hại. Đối với Lưu Bị, đó lại là một cú đấm nữa. Bản thân Lưu Bị là hoàng thúc nhà Hán, rõ ràng người Hoàng tộc, đã xưng Hán Trung Vương, giương cao ngọn cờ chính trị khuông phò nhà Hán, nay Hán mất, phải hướng về đâu? Lẽ tất nhiên, chính quyền Thục Hán phải có những đối sách và phương lược cụ thể.

Đầu tiên, Bị bố cáo thiên hạ, lệnh cho văn võ bá quan cả nước Thục để tang Hán Hiến Đế, tôn tên Thuỵ là Hiếu Mẫn hoàng đế. Tiếp đó, Bị theo lời các đại thần khuông phò, theo gương Quang Vũ Đế (người lập nên nhà Đông Hán sau loạn Vương Mãng) lên ngôi Cửu ngũ kế tiếp hương hoả của nhà Hán. Việc xảy ra vào tháng 4 sau năm Kiến An thứ 25 tại Thành đô. Quốc hiệu vẫn đặt là Hán, lấy năm Chương Vũ thứ nhất kế tiếp sau năm Kiến An thứ 25. Tiếp đó lập ra ban bệ của mình, lấy Gia Cát Lượng làm thừa tướng, Hứa Tĩnh làm tư đồ, Trương Phi là Xa kỵ tướng quân kiêm Tư lệ hiệu uý, Mã Siêu là Kiêu kỵ tướng quân, Lương Châu mục, lập Ngô Thị là hoàng hậu, Lưu Thiện làm Hoàng thái tử ...

Như vậy là Thục Hán đã xây dựng chính quyền, vương triều đã thành lập, nhà Thục kiến quốc. Quỹ đạo của Hán Cao Tổ lại hưng thịnh ở Hán Trung. Lịch sử sau này gọi nhà Hán của Lưu Bị là Thục Hán và Lưu Bán Dép trở thành Tiên chúa ...
 
Việc kiến lập một vương triều mới thường đi đôi với vô số công việc nội chính phức tạp, lại nữa là quan hệ Ngô Nguỵ thắm thiết muôn phần nên dẫu Lưu Bán Dép vô cùng căm hận Tôn Quyền song chẳng dám khinh xuất mà vội vã việc Đông chinh. Duy có Trương Phi thì với bản tính nóng như lửa lại không sao nhẫn nại được. Từ Lãng Trung, Phi gửi một lá thư cho Lưu Bán Dép, lá thư gồm cả sự chỉ trích, cả niềm hy vọng rằng ông anh kết nghĩa của mình đừng quên việc kết nghĩa vườn đào. Thư Phi cũng bày tỏ ý định dứt khoát rằng nếu thù Quan Vũ chẳng trả thì dẫu vinh hoa phú quý cũng chẳng có ý nghĩa gì hết, và nếu Bị chẳng xuất chinh, Phi sẽ tự đông chinh báo thù (rõ ràng là tự tìm cái chết, bởi Phi chỉ có hơn vạn quân, làm sao hạ đủ sức đánh thắng quân Ngô?).
Lưu Bán Dép nhận được lá thư của ông em kết nghĩa thì rất đỗi kích động, liền hạ lệnh cho Trương Phi dẫn quân bản bộ tập kết ở Giang Châu, chờ binh mã của mình tập kết xong sẽ xuất chinh rửa hận.
Trước diễn biến chính trị phức tạp và chiến dịch quân sự có thể gây ảnh hưởng to lớn đến việc hưng vong của chính quyền non trẻ nước Thục, rất nhiều quần thần (xứ Thục) rất không tán thành việc đánh Ngô, song đứng ra can gián việc này lại chỉ có 2 người là Triệu Vân và Tần Bật. Còn Gia Cát Lượng quân sư, người nắm quyền tham mưu số 1 lại thuỷ chung không đứng ra can gián một lời nào ...
Ý kiến của Triệu Vân là: “Nghịch tặc nhà Hán là cha con họ Tào chứ không phải Tôn Quyền. Nay Tào Phi mới tiếm ngôi nhà Hán, thiên hạ bất phục. Chúa công (Lưu Bị) lên ngôi kế dài nghiệp Hán nên lấy việc đánh quốc tặc làm trọng, nhân cơ hội này (Phi cướp ngôi Hán, đó là cớ để hiệu triệu thiên hạ đánh giặc - rất hợp lý hợp tình) tiến quân ra Quan Trung, chiếm cứ Hoàng Hà, Vị Thuỷ, kẻ sỹ trung Hán sẽ hướng về. Nay bỏ Nguỵ đánh Ngô (đồng minh) sẽ gặp bất lợi, chiến tranh nổ ra sẽ chẳng dễ dẹp yên, không phải là kế sáng suốt”.
Rõ ràng đây là một lời can gián hết sức hợp lý và sáng suốt. Lời đó lại xuất phát từ miệng của một vị công thần khai quốc nước Thục, tình nghĩa vua tôi chẳng khác mấy với những người anh em thủ túc của Lưu Bị, vậy nên Bị dù cho rằng Vân không hiểu mình nhưng chẳng thể trách cứ Vân.
Tiếp đó, đại học sỹ Ích Châu Tần Bật cũng dâng biểu can gián việc đông chinh, song Tần Bật chẳng có ưu thế như  Triệu Vân nên Lưu Bán Dép đang cơn tức giận đã suýt xử tội Tần Bật. May mà có Gia Cát Lượng can ngăn nên Bật mới thoát tội. Kể từ đó chẳng ai can gián gì nữa. Thế rồi Bị sai Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô phò giúp thái tử Lưu Thiện giữ Hai Xuyên, Mã Siêu trấn giữ Thục Bắc, Nguỵ Diên trấn thủ Hán Trung đề phòng quân Nguỵ thừa cơ đánh úp. Tự mình Lưu Bị thống lĩnh binh mã, chọn ngày cất quân, khởi động cho một cuộc chiến mới giữa Thục Hán và “anh bạn đồng minh” đáng ghét – Giang Đông – Ngô Tôn Quyền.
Quá trình chuẩn bị đang tiến hành gấp rút thì tin dữ từ Lãng Trung bay về, Trương Phi đã bị hai bộ tướng của mình là Phạm Cương và Trương Đạt sát hại, thủ cấp bị mang sang dâng cho Đông Ngô.
Trong Tam Quốc Chí, khi bàn đến cái chết của Trương Phi, Trần Thọ có viết rằng:“Sau khi Quan Vũ chết hơn một năm, Bị dù rất bận việc nước, song vẫn thường nhắc nhở Phi rằng: Khanh hay dùng hình phạt quá mức, khi tức giận hay đánh đập sĩ tốt, sau khi phạt lại vẫn để bên mình, ấy là rước hoạ vào thân!. Quả nhiên việc ấy sau này ứng nghiệm”.
Số là khi nhận được sự đồng ý của Lưu Bán Dép về việc xuất binh, Trương Phi hết sức nóng lòng. Việc binh nhung bận rộn cùng quá nhiều lo toan khiến Phi luôn ấm ức. Nỗi hận thù mất ông anh của Trương Phi thường phát tiết ra ngoài, sự đòi hỏi đối với thuộc hạ là rất lớn khiến thuộc hạ khó lòng đáp ứng. Hai viên tướng Phạm Cương-Trương Đạt bị bức đến đường cùng buộc phải ám sát Phi để chạy theo Tôn Quyền cầu mạng sống.
Còn tiếp

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất