Để thực thi kế hoạch, Gia Cát Lượng đề nghị với Lưu Bị nói với Tôn Quyền để Lưu Kỳ kế chức Kinh Châu mục. Kỳ là con Biểu, cháu hờ của Bị thì việc chú giúp cháu giữ đất châu quận (cũ) cũng là lẽ đương nhiên. Tiếp đó, Gia Cát lại hướng Chu Du vào vùng Giang Lăng giầu có nhưng rất khó nhằn, nơi có đạo binh lực rất mạnh của Tào Nhân trấn thủ.
Tại hội nghị quân sự Tôn-Lưu sau đại chiến Xích Bích, hai bên cùng nhau trao đổi.
Bị nói: “Giang Lăng là nơi rất giầu có, đang lúc nhốn nháo, nên nhanh chóng thu về, nếu để bên Tào ổn định xứ này thì vấn đề Kinh Châu rất khó giải quyết”
Du hỏi: “Lưu Dự Châu rất am hiểu Kinh Tương, xin hỏi có cao kiến gì không?”.
Bị đáp: “Uy tín của Tào Tháo đang giảm sút nghiêm trọng, nếu ta gây áp lực mạnh sẽ bức họ phải bỏ chạy. Tôi phái Trương Phi dẫn 1.000 binh đến giúp Công Cẩn, Đông Ngô lại cấp cho tôi 2.000 nhân mã để cùng liên kết đánh thành. Chu Công Cẩn đánh mặt trước, tôi đánh mặt sau, Tào Nhân ắt phải rút chạy”.
Chu Du nhất trí với kế hoạch đó, bắt tay hành động.
Tháng 12 năm đó, Du dẫn đội binh mã đã đánh trận Xích Bích nhằm hướng Giang Lăng phát động tấn công. Tào Nhân chiến đấu rất anh dũng, hai bên cầm nhau đến cả năm trời, quân Ngô thiệt hại hết sức to lớn, Cam Ninh thua trận Di Lăng chết mất cả vạn binh, bản thân Du cũng trúng tên bị thương nặng, song để khích động tinh thần quân sỹ phải gượng chống gậy chỉ huy ba quân. Tào Nhân bị bức quá, đành phải bỏ Giang Lăng chạy về Tương Dương, Du chiếm được thành trì.
Cũng thời gian ấy, Gia Cát Lượng cùng Quan Vũ, Triệu Vân nhanh tay đánh lấy 4 quận phía Nam Kinh Châu. Ở Trường Sa, Quan Vũ bị Hoàng Trung chống đỡ kịch liệt không thắng nổi, sau nhờ có Ngụy Diên khuyên giải rằng Lưu Biểu vẫn muốn nhường Kinh Châu cho Lưu Bị, Hoàng Trung nghe ra, sau làm phản, giết Hàn Huyền, ra hàng Quan Vũ. Khi ấy quận Trường Sa mất, Vũ Lăng bị cô lập, thái thú Kim Toàn buộc phải ra hàng.
Tại Linh Lăng, Triệu Vân thi hành chính sách vỗ về, phủ dụ, song rất cương quyết sẵn sàng dùng binh lực trấn áp, thái thú Lưu Độ sớm đầu hàng. (Tại Quế Dương cũng không có chiến sự lớn, thái thú ở đấy là Triệu Phạm rất ngưỡng mộ phong thái, tướng mạo của Triệu Vân nên ra hàng, lại có ý kết thân, muốn gả người chỉ dâu goá bụa rất xinh đẹp là Phàn Thị cho Vân, song Vân nói rằng: “Chúng ta là người cùng họ, đã coi nhau như anh em thì huynh trưởng anh cũng như huynh trưởng tôi, chị ấy cùng như chị dâu tôi, việc ấy quyết chẳng thể nghe”. Rất nhiều tâm phúc của Vân cho rằng đấy là việc tốt lành. Gia Cát Lượng cũng có ý ấy, song Vân lại nói: “Phàn thị hẳn rất đẹp, song Triệu Phạm bị bức hàng, Quế Dương chưa ổn định, sao Vân này có thể vì một người đàn bà mà sao lãng chính sự?” Rồi sau đó ít lâu, Triệu Phạm bỏ trốn, đối với việc ấy Vân chỉ mỉm cười)
Bốn quận Nam Kinh Châu lọt vao tay họ Lưu rất nhẹ nhàng, song Du và Quyền lúc ấy giương mắt ếch lên nhìn mà không làm gì được. Rõ ràng là Lưu Bị cùng Trương Phi đang sát cánh cùng Đông Ngô kịch chiến ở Giang Lăng... tỏ rõ sự liên minh chặt chẽ. Tuy nhiên khi thu được Giang Lăng, Tôn Quyền tỏ thái độ tức thì, đó là việc bổ nhiệm Chu Du làm thái thú Nam Quận - tổng trấn Giang Lăng, Trình Phổ làm thái thú Giang Hạ, biểu lộ ý đồ tích cực chiếm lại Kinh Châu.
Cái hay của Gia Cát Lượng và Lưu Bị là âm thầm chuẩn bị hậu sự sau trận Xích Bích. Họ cũng đã trù bị từ trước nên mới thần tốc được như vậy. Có chăng việc họ đã ém quân sẵn và móc nối các "cơ sở tay trong" ở một số nơi Giang Lăng, Giang Hạ? Chỉ cần có thời cơ thì ngay lập tức Lưu Bị chỉ dùng khinh binh tiến nhanh lấy liền 4 quận dù Chu Du đã phòng ngừa nhưng vẫn bị bọn Gia Cát - Lưu làm cho bị động. Có lẽ, Chu Du nghĩ rằng nên dồn quân dứt điểm được quân Tào sau đó tiện đường về sẽ làm gỏi Lưu Bị luôn. Tuy nhiên, Du đã sai lầm khi đánh giá thấp khả năng tác chiến trên bộ của mấy vạn tinh binh của Tào Nhân nên dằng co quá lâu lỡ mất cơ hội. Xem ra trong chuyện này Chu Du cũng đã trù liệu không tốt.
Tào Tháo rõ ràng nghiêng hẳn về việc thừa thắng xông lên, có lẽ là bởi thắng sinh kiêu chăng? Mười mấy năm dấy binh, đến lúc đó, quân mạnh như họ Viên, đất giàu như Giang Hán đều thôn tính được cả rồi, sự tự tin của họ Tào đến gần giới hạn với sự ngạo mạn cũng dễ hiểu.
Nghiêm túc mà nói, trận Xích Bích, Ngô có công lớn nhất, đáng được tưởng thưởng phần bánh lớn béo bở, song cái bước “nhất” trong Long Trung Sách của Gia Cát là lợi dụng lâu đài gần nước để lấy Kinh Châu làm đất căn bản. Vậy là cái mẹo của Gia Cát phải thần tốc được thi hành. Lưu bỏ ít công sức, song lại ngoạm được phần bánh lớn ngon lành béo bổ nhất, trong khi hai anh Du - Quyền sứt đầu mẻ tai, nhọc lòng lao khổ, thiệt hại cả vạn tinh binh (chiến Tào Nhân), Du thân mang thương tật khổ sở lại chỉ được một mẩu Giang Hạ và một phần Nam Quận, lẽ nào lại không đỏ mặt tức tối? Cái được ấy xét ra không tương xứng với cái mất tẹo nào, nhưng “gạo đã nấu thành xôi”, làm thế nào để thu lại 4 quận Kinh Nam lại chẳng phải vấn đề đơn giản nữa. Cũng vào thời gian đó, tướng Tào là Lôi Tư làm binh biến ở Lư Giang, bị Hạ Hầu Uyên đánh phá ác liệt, không chịu nổi nhiệt nên dẫn toàn binh về hàng Lưu Bị khiến quân lực Lưu Bị tăng lên đáng kể. Chưa cần xét đến việc Tào Tháo có thể trục lợi nếu Tôn – Lưu đấu đá thì riêng cái việc Tôn Ngô đánh đuổi riêng anh Bán Dép cũng chả phải ngon xơi.
Giữa thời khắc nan giải ấy, để duy trì mối liên minh hai nhà nhằm bảo vệ đại cục, thực sự chỉ còn có hai con người là Lỗ Túc và Gia Cát Lượng. Còn với Chu Du, từ chỗ rất tán đồng và nhiệt huyết với việc liên minh Tôn – Lưu, nhưng kể từ chiến sự Giang Lăng, thấy lực lượng của Lưu Bị từ chỗ không có gì đáng kể đã vụt biến thành gã khổng lồ trên chính trường và là một thế lực đáng kể với đầy nguy cơ tiềm ẩn cho “bản quốc” nên đã trở thành lãnh tụ của phe phái chống đối lại sự bành trướng của họ Lưu. Quyền thì đương nhiên không thích thế tí nào. Các tướng lĩnh văn vũ Giang Đông cũng có một số bàng quan, còn lại đa phần khó chịu. May sao, còn có Lỗ Túc, nhà đại chính trị xứ Giang Đông, bất kể thời thế đổi thay vẫn rất nguyên tắc và cứng cỏi để bảo vệ quan điểm liên minh giữa hai nhà, cố gắng tìm mọi cách để dung hoà những mâu thuẫn giữa hai bên. Xét về nhãn quan chính trị để bảo vệ an toàn đại cục, Lỗ Túc là phần tài trí.
Còn Gia Cát tiên sinh thì sao? Cái sách lược “thân Ngô chống Tào” chính là một quốc sách rất quan trọng được định rõ từ khi còn là “con rồng nằm” ở lều tranh xứ Long Trung, nhưng việc tích luỹ lực lượng để khuếch trương cho thế lực của chủ là không thể không làm, làm thế nào để vừa có lợi, vừa không lỗi đạo với đồng minh tránh sứt mẻ quan hệ hai nhà. Xem ra Gia Cát có nỗi khổ tâm, có phần còn hơn cả Lỗ Túc nữa.
Tiếp đó xảy ra một biến cố, đó là công tử Lưu Kỳ lắm bệnh nhiều tật qua đời – Khi ấy các tướng lĩnh ở 4 quận Nam Kinh ủng hộ Lưu Bị lên nắm chức Kinh Châu mục, nhân cơ hội đó, Bị đóng dinh tại Du Giang khẩu (vị trí sẵn sàng đối đầu với Giang Lăng). Sau việc này, Quyền và Du đều khó chịu, lập tức tăng binh ở Giang Lăng triển khai tư thế sẵn sàng dùng vũ lực. Lỗ Túc thấy nguy cơ đổ vỡ liên minh, một mặt khuyên Quyền hãy bình tĩnh, mặt khác gặp ngay Gia Cát Lượng đề xuất ý kiến thương lượng gấp giữa hai bên để đưa ra đối sách thích hợp, cố tránh xung đột. Gia Cát Lượng đương nhiên không muốn nhìn cảnh hai bên trở mặt thành thù nên khuyến cáo Lưu Bị cần có chính sách mềm dẻo để đạt lợi ích thiết thực. Và thế là hai bên đạt đến một thoả thuận là Bị thừa nhận Nam Quận thuộc quyền cai quản của Ngô, song hiện tại cho Lưu Bị “mượn” để ở, khi nào lấy được đất Xuyên sẽ trả về cho Ngô (như thế tức là Chu Du là Thái thú Nam quận trên giấy – Vui hỉ), và Quyền phải công nhận địa vị của Lưu Bị ở Công An. Mặc dù Du và Quyền đều không hài lòng, song trước sự nhiệt tình không mệt mỏi của Túc, vả lại thoả thuận này cũng đạt được phần nào lợi ích lâu dài của Ngô nên đành chấp nhận, tạm thời hoà hoãn. Thế là quan hệ hai bên đang căng thẳng lại được hạ nhiệt.
Để ổn định việc điều hành ở Kinh Châu, Lưu Bị giao cho Gia Cát Lượng đốc lý 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Tràng Sa, đóng trung tâm điều hành của Gia Cát ở Lâm Trưng (nơi nằm giữa 3 quận). Tóm lại thì vị trí của Gia Cát lúc đó chỉ là củng cố nội chính, tích luỹ lương thảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Bị. Đại loại tương tự như vị trí của Tiêu Hà thời ở Hán Trung, Quan Trung đời Hán Cao Tổ. Bước “nhất” của Long Trung sách của Gia Cát tiên sinh đến đây cơ bản đã đạt được.
Thời gian đó, vợ cả của Lưu Bị là Cam phu nhân mới mất, để thắt chặt thêm quan hệ hai bên nhằm củng cố liên minh Tôn - Lưu, nâng thêm một tầm cao nữa, chủ trương của Lỗ Túc là cuộc hôn nhân giữa Lưu Bị và em gái Tôn Quyền. Quyền đem ý này của Túc trao đổi với Thái phu nhân (mẹ kế Quyền) và hảo sự này được Thái phu nhân chấp thuận, vậy nên cuộc hôn nhân nhanh chóng được thành toàn.
Tuy nhiên, việc lúc này với Bị là làm sao nhanh chóng phát triển thế lực vượt ra khỏi biên giới 4 quận Nam Kinh Châu đang quản lý và khẩn trương tìm biện pháp để thực thi bước “nhị” trong Long Trung Sách là “Tây tiến Ích châu”, thế nhưng Chu Du lại đóng ngay ở Giang Lăng. Lưu Bị muốn tiền về Bắc, xuôi về Nam, trỏ sang Tây đều vướng phải sự kiềm toả của Chu Du, mọi kế hoạch phát triển về căn bản đều không có cơ sở thi hành. Điều này đối với Bị quả là khó chấp nhận, bởi thế Lưu Bị muốn làm một chuyến sang Đông Ngô để thương lượng với Quyền, đưa ra ý kiến “mượn” cơ sở Giang Lăng của Du, sát nhập vào vùng đất chiến lược mà Lưu Bị đang quản lý. Đây chính là sự kiện “mượn Kinh Châu” .
Việc Bị đơn thân đến Giang Đông quả thực là hung hiểm khôn lường, song Bị có cách nhìn của mình, rằng Quyền đang phải chịu áp lực lớn từ phía Tào Tháo (mới chiến ở Hợp Phì, mất toi anh Thái sử Từ), rất cần quan hệ nhũn nhặn với Kinh Châu, nếu phải xẻ lực lượng để trụ ở Giang Lăng thì sức ép càng lớn (hai đầu thụ địch). Thứ nữa là quan hệ hai bên đang thân thiết (hôn nhân chăng?), vụ giao dịch này có thể thành công. Gia Cát lẽ dĩ nhiên là không đồng ý với cách nhìn đó, song không thể ngăn được Lưu Bị, chỉ còn biết dặn dò tả hữu rằng có việc gì phải tìm ngay Lỗ Túc để thương lượng và phải đặc biệt chú ý với những phản ứng của Chu Du.
Lưu Bị lần đầu tiên diện kiến Quyền ở Kinh Khẩu, hai vị anh hùng lần đầu gặp nhau đều có ý ngưỡng mộ nhau. Tuy nhiên khi bàn đến vấn đề Kinh Châu thì không như Lưu Bị đoán trước, Quyền phản ứng, song lại rất khôn khéo, không từ chối ra mặt, mà đá quả bóng về phía Chu Du (Giang Lăng là đất Du phải lăn xả vào cái chết mới chiếm được, nếu định cho mượn cũng phải để Du đồng ý chứ!).
Về phía Chu Du, nghe nói đến việc ấy lập tức phản đối quyết liệt. Du bảo Quyền: “Lưu Bị là kẻ kiêu hùng, Quan Trương như beo như cọp, làm gì có chuyện luồn cúi người khác mãi được? Nên cầm chân Bị ở Ngô, ban cho nhà cao, cung thất rộng, cấp cho nhiều mỹ nữ đàn giỏi hát hay làm vui tai vui mắt. Ở Ngô lâu ngày, tình với Quan Trương cũng nhạt, Du tôi nhân cơ hội đó mà thu 4 quận Kinh Nam. Nếu giờ lại cho Bị mượn Giang Lăng, để bọn họ tụ tập ở đấy khác chi Giao long gặp mưa lành, làm sao còn chịu ẩn mình mãi trong ao tù nữa?”. Quyền cho rằng ý của Du rất cao kiến, có thể áp chế Lưu Bị bành trướng thế lực liền triệu tập Lỗ Túc và Lã Phạm để cùng bàn việc ấy. Lã Phạm cũng đồng ý kiến với Du, song Lỗ Túc lại có ý kiến bất đồng, Túc cho rằng có thể cho Lưu Bị mượn Giang Lăng để cùng hợp sức chống Tào. Túc nói với Quyền: “Tướng quân là bậc anh hùng, song về lực thì Giang Đông không đủ để một mình chọi với Tháo. Kinh Châu vừa loạn lạc, Ngô chưa có ân huệ gì với dân Kinh Châu, tạm để Lưu Bị vỗ yên dân, ổn định Kinh Châu, tạo cộng đồng cùng kháng Tào. Đông Ngô có thể ngồi yên mà nuôi dưỡng sức lực, chờ thiên hạ có biến sẽ nhanh chóng ra tay, như thế sao bảo không có lợi?”. Quyền không nói gì thêm về việc đó nữa. Thời gian sau, Bị xin về Công An, Quyền chẳng thể giữ lại phải mở tiệc lớn tiễn đưa, chuyện Kinh Châu tạm thời gác lại.
- 06/02/2014 07:27 - Bình Tam quốc bài 17: Bình luận về lý do bắc phạt tương dương - Quan Vũ lìa đời (tiếp theo)
- 06/02/2014 06:19 - Bình Tam quốc bài 16: Bình luận về lý do bắc phạt tương dương của Quan Vũ
- 04/02/2014 17:44 - Bình Tam quốc bài 15: Nói về tích: "Đơn đao phó hội"
- 20/01/2014 23:09 - bình về Vinh DAnh tài xế bị hôi bia ở Đồng Nai
- 16/01/2014 23:38 - Bình tam Quốc bài 14: Giời sinh Du -Giời sinh Lượng
- 15/01/2014 13:59 - bình tam Quốc bài 12: Trận Xích Bích và bình về Tào –Tôn - Lưu
- 09/01/2014 08:29 - Bình tam quốc bài 11: TRường bản, ông Phi hét phát có tướng tăng xông
- 03/01/2014 23:08 - Bình Tam Quốc 10: Trận Bác Vọng, Tân Dã- Ối Sử Ôi!
- 26/12/2013 00:03 - Bình Tam Quốc 9: Điểm danh các tướng, mưu sĩ (Tiếp)
- 25/12/2013 03:13 - Bình Tam Quốc bài 8: Điểm danh tướng và mưu sĩ