Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc 10: Trận Bác Vọng, Tân Dã- Ối Sử Ôi!

Trước khi vào bình bủm các trận đánh đầy ấn tượng và oanh liệt thời Tam Quốc có ghi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, thiết nghĩ cũng nên đưa đò ít dòng về vài nhân vật, vài tác phẩm  có liên quan (hoặc ảnh hưởng) rất lớn đến ý hiểu và sự định hướng của Tiểu thuyết lịch sử này.
. Tác phẩm về Tam Quốc không chỉ có TQDN mà còn có tác Phẩm Ngụy Thư, Hậu Hán Thư viết về giai đoạn này; tác phẩm Tam Quốc Chí…của Trần Thọ ra đời trước tác phẩm của ông La Quán Trung khoảng 500 năm. Ông Trần Thọ hình như là quan ngự sử (chép sử). Còn ông La Quán Trung thì tư tưởng phò Hán rõ ràng nên dù ông La có gắn cho Lưu Bị  cả Rồng, cả Phụng (Khổng Minh, Bàng Thống) và hơn cả Ngũ Hổ tướng (Hổ tướng gì mà đánh tay bo toàn thấy hòa), rồi Nhân Hòa, rồi cho cả Địa Lợi…vẫn bị diệt vong.

Ở đây, xuất hiện thêm 2 nhà bình luận Tam Quốc xuất sắc là Kinh Thánh Thán và Mao Tôn Cương. Ông Mao thì Ước Mơ Nhỏ đã đề cập ít dòng ở các bài trước. Ông Thánh Thán này mới là lãng tử chân truyền. Nghe bọn Tai lông đồn là ông sống vào thế kỷ 17. Ông là nhà văn, nhà phê bình văn học và hiệu đính thuộc hàng danh bất hư truyền của Trung Hoa. Ông không chỉ bình Tam Quốc mà tác phẩm của ông nhiều vô kể, bao gồm hiệu đính, phê bình Tứ đại danh tác, Lục tài tử thư... Tác phẩm nào của ông in ra cũng kèm một phần phụ "Thánh Thán ngoại điển" gồm bình giảng của ông. Rất tiếc bản dịch về ông không nhiều và có khi lại là dị bản. Hơn nữa, Ước Mơ Nhỏ không chủ trương copy hay sao chép gì của ông dù biết ông cũng có những góc nhìn nhận khác người (tất nhiên, tác phẩm Tam Quốc cũng chỉ có bấy nhiêu đó, làm sao không tránh trùng lắp góc nhìn, làm sao mình bằng được người ta trong chuyện “Nghe nhạc hiệu đón chương trình?”. Lấy tiểu tiết suy ra tư tưởng?? của người TQ?). Nói đến Kim Thánh Thán, tiên quyết mà bình rằng: Những bài tản văn của ông viết ra đầy những bất ngờ thú vị, người đọc ko thể ko bật cười hoặc gật gù đồng tình.

Xin bắt đầu từ trận đánh đầu tiên quan trọng nhất của ông…La Quán Trung trong Tam Quốc gán cho đời quân sư của Gia Cát lượng. Khẳng định này không nhầm. Bởi vì, ông La Quán Trung – Tác giả của Tam Quốc Diễn Nghĩa sau khi hư cấu chuyện “Tam cố Thảo lư” (cho Lưu Bị 3 lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi) thì khi Lượng xuống núi một phát, ông La vác ngay trận Đồi Bác Vọng –dụng hỏa công dặt vào tay Gia cát Lượng và mô tả trận này từ Tào Tháo đến hạ Hầu Đôn sất bất sang bang. Tất nhiên, trước đó, Gia Cát còn dành một thời gian chỉnh huấn, chỉnh quân. Tóm tắt trận vài ý căn bản thế này:

Lưu Bị giao quyền điều binh cho Khổng Minh. Khổng Minh cho quân mai phục chuẩn bị mọi thứ để tiêu diệt quân Tào tại Bác Vọng. Ông cho Triệu Tử LongLưu Bị dụ địch. Hạ Hầu Đôn gần tới đồi Bác Vọng thì thấy Lưu Bị ra đánh rồi rút lui vào thung lũng, cho rằng dù có mai phục ít nên thúc quân tiến vào Bác Vọng. Quân Tào tiến vào rừng tên lửa bắn xuống mịt mù, cây cối hai bên đường cháy to, quân Tào hoảng loạn dẫm đạp lên nhau mà chạy, lương thực toàn bộ bị cháy. Toàn bộ Tào quân bị tiêu diệt, tướng Hạ Hầu Đôn chạy thoát. Từ đó uy tín của Khổng Minh lại càng được nể trọng.

Lời thơ khen Khổng Minh Gia Cát, mừng cho Lưu Bán Dép thật sang sảng:
Trên gối, biết ai vua, ai giặc
Bỗng trang hoàng tộc viếng lều con.
Ai hay chỉ một giờ tâm sự,
Được giang sơn năm chục năm tròn

Nói uy tín của Khổng Minh có cái lý của nó. Ông La Quán Trung vốn là một nhà chắp bút có tài. Trước đó, dù bất cứ nơi nào, cơ quan nào, tổ chức nào …mà như nội bộ của Lưu Bị thì việc một anh quạt mo (à quên quạt lông) ở đâu điều về, phong Quân sư, ngồi chồm hỗm lương cao, thưởng hứa hẹn lớn thế kia, trong khi đó bên dưới các tướng toàn cỡ ngũ hổ đang vào sinh, ra tử theo phò Lưu Sếp long đong tứ tán nay đây mai đó oánh từ giặc Khăn Vàng đến loạn thần Đổng Trác rồi Tào A Man…thì lại được lệnh phải tôn sùng Quân sư thì thằng nào đã phục? Vậy cho nên, rất có lý khi ông La Quán Trung mang cái trận Bác Vọng đặt ngay vào tay Khổng Minh qua đó, nói lên cách điều quân, phối tướng linh hoạt (rất chuyên nghiệp) để lấy số má là đương nhiên. Chỉ có điều hơi kinh là ông Lượng Minh này không cần thời gian tập sự, quyết định không cần có chữ Q (khỏi phải cắt Q) mà vô phát là bắn game đùm đòm và tướng Hạ Hầu Đôn dày dạn binh lửa phải chạy mất dép. Xem ra, người có máu liều ở đây là bác tác giả La Quán Trung! Hãy nghe Gia Cát Lượng chưa rời lều tranh đã được ông La Quán Trung cho chém gió phần phật như này:

Khổng Minh nói:

Từ khi Đổng Trác phản nghịch đến nay, hào kiệt bốn phương trỗi dậy. Như Tào Tháo thế kém Viên Thiệu mà đánh được Thiệu; đó không phải chỉ có thiên thời mà cũng có mưu người nữa. Nay Tháo đã cầm được quân trăm vạn, mượn tiếng thiên tử để khống chế chư hầu, xem đó thật không thể tranh giành với hắn được. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã được ba đời, đất đai hiểm trở mà lòng dân lại quy phục, xem thế Giang Đông cũng chỉ dùng để giúp ta, chớ không thôn tính được. Duy chỉ còn Kinh Châu, phía bắc có sông Hán, sông Miện, kéo dài đến tận Nam Hải; phía đông nối liền với Ngô Hội, phía tây thông vào Ba Thục, chỗ ấy là đất dụng võ, phải có chúa giỏi mới giữ nổi, trời để dành riêng cho tướng quân đó. Tướng quân nghĩ sao? Lại còn Ích Châu, hình thế hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu nghìn dặm, thực là một vựa thóc của trời. Cao Tổ ngày xưa cũng do nơi đó mà dựng thành nghiệp đế. Nay Lưu Chương ngu si hèn yếu, dân nhiều, nước giàu mà không biết trông coi, những người hiền tài đều chỉ mong được vua sáng mà thờ. Tướng quân đã là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa toả ra bốn bể, thu nạp anh hùng, mong người hiền như khát nuớc, nếu tướng quân gộp được châu Kinh, châu Ích, giữ vững nơi hiểm trở, mặt tây hoà với các tộc, mặt nam phủ dụ các nước Di, Việt; ngoài thì liên kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang việc chính trị, đợi lúc thiên hạ có biến, sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu tiến sang Uyển Lạc, còn tướng quân thì đem quân Ích Châu tiến xa Tần Xuyên, nhất định trăm họ phải đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân. Nếu được như thế, nghiệp lớn mới thành, nhà Hán mới phục hưng được. Đó là việc mà Lượng bày tỏ với tướng quân, tướng quân thử xét xem.

Nói xong, sai tiểu đồng đem bản đồ treo giữa nhà, rồi trỏ bảo Huyền Đức rằng:

- Đây là địa đồ năm mươi bốn châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hoà. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được.

Trong ít phút, Lưu Bị được bơm Viaga toàn diện. Nhưng khi bày trận Bác Vọng thì ngay cả Quan, Trương cật ruột nhất với Lưu Bị cũng hoài nghi khả năng của Gia Cát Lượng. Vậy nên mới có đoạn dưới này:

Chợt có người báo Tào Tháo sai Hạ Hầu Đôn dẫn mười vạn quân rầm rộ kéo đến Tân Dã. Trương Phi nghe tin, nói với Quan Công rằng:

- Tốt hơn hết, nên để Khổng Minh ra nghênh địch.

Giữa lúc ấy, Huyền Đức cho gọi hai người vào, bảo rằng:

- Hạ Hầu Đôn kéo quân đến rồi, ta đối phó như thế nào?

Trương Phi nói:

- Sao đại huynh không sai Khổng Minh đi để chống giặc.

Huyền Đức nói:

- Mưu thì ta phải nhờ đến Khổng Minh, nhưng dũng cảm thì phải nhờ đến hai anh em mới xong, không nên suy tị như thế.

Quan, Trương đi ra, Huyền Đức mời Khổng Minh đến bàn, Khổng Minh nói:

- Chỉ sợ Quan, Trương không phục tùng hiệu lệnh. Nếu chúa công thực muốn tôi chỉ huy, xin giao kiếm ấn cho tôi.

Huyền Đức sai lấy kiếm ấn trao cho Khổng Minh, Khổng Minh liền họp các tướng lại để nghe lệnh. Trương Phi bảo Vân Trường rằng:

- Ta hãy thử đến nghe lệnh, xem hắn xếp đặt ra sao?

Khổng Minh truyền lệnh:

- Bên tả núi Bác Vọng có núi Dự Sơn, bên hữu có rừng An Lâm, có thể phục quân mã được. Vân Trường dẫn một nghìn quân ra mai phục ở núi Dự Sơn đón địch, địch kéo đến, cứ mặc cho chúng đi qua, khi nào các xe lương thực tới, nếu thấy mé nam có hiệu lửa sẽ thả quân ra đánh, đốt sạch lương thực của giặc đi. Dực Đức dẫn một nghìn quân ra sau rừng An Lâm, mai phục trong hang núi, cũng đợi khi nào mé nam có hiệu lửa bấy giờ sẽ kéo đến đốt kho lương ở thành Bác Vọng. Quan Bình, Lưu Phong dẫn năm trăm quân sắp sẵn củi đuốc, chực ở hai bên sườn gò Bác Vọng, chập tối địch kéo đến, thì đốt lửa lên. Lại gọi Triệu Vân ở Phàn Thành về sai đi tiền bộ, không cần đánh đuợc mà chỉ đánh cốt lấy thua, chúa công dẫn một toán quân tiếp ứng. Ai nấy đều phải theo kế mà làm, không được để lỡ.

Vân Trường nói:

- Chúng tôi đều ra nghênh địch cả, không hiểu quân sư ngài nhận việc gì?

Khổng Minh nói:

- Ta chỉ ngồi nhà giữ thành.

Trương Phi cười ầm lên nói:

- Chúng tôi đều đi đánh nhau cả, còn ông thì ngồi khểnh ở nhà, thảnh thơi quá!

Khổng Minh nói:

- Kiếm ấn ở đây, ai không tuân lệnh, ta lập tức chém đầu.

Chết quái vị chưa? Việt Nam vậy mới có câu: trâu buộc thì ghét trâu ăn/ Quan võ thì ghét quan văn dài quần!

Kết cục trận bác Vọng thì ai cũng có thể đã đọc: quân Tào chết máu chảy thành sông và Hạ Hầu Đôn trước đó vài giờ còn bảo:” Lưu Bị như lũ chuột, thế nào ta cũng bắt được!”. Khá khen câu bốc phét kinh điển của Đôn. Gần 2000 năm sau, dân biên tập của Ước Mơ Nhỏ nghe ông Đôn nói xong cả cười mà rằng: Bố Đôn bắt thế quái nào được! Một khi Lưu Bị đang được La Quán Trung chống lưng. Có lẽ đúng! Kết cục là Đôn chạy khổ còn hơn vịt chạy đồng, lúng túng như ma luồn chiếu rách…

Khổ!  La Quán Trung còn gí theo Hạ Hầu này cho tới khi cho mũi tên trong loạn quân múc hết một con mắt của Y ra mới hả! Hồi nhỏ, VietHoa tôi khi đọc đến đoạn ông Đôn muốt con mắt của chính mình lợm giọng đến bỏ cơm nguyên ngày!

Được đà, ông La bồi tiếp trận Tân Dã

Khổng Minh nói:

- Xin chúa công cứ bình tĩnh. Lần trước chỉ có một bó lửa, đã đốt hơn một nửa quân mã Hạ Hầu Đôn. Lần này, quân Tào lại đến, dù có làm cho nó mắc phải kế trước, thì mình cũng không thể ở Tân Dã được nữa. Chi bằng ta đi Phàn Thành cho sớm thì hơn.

Lập tức sai người treo bảng bốn cửa thành, thông báo nhân dân rằng: Bất cứ ai, không nề già, trẻ, trai, gái, muốn theo thì hôm nay cùng đi Phàn Thành để tạm lánh giặc, không nên chậm trễ. Lại sai Tôn Càn sang sông sắp đặt thuyền đò để chở trăm họ; còn My Chúc, hộ tống gia quyến các quan đến Phàn Thành; một mặt, họp các tướng lại để nghe lệnh.

Tới lúc này thì tướng tá của Lưu Bị đã răm rắp nghe theo Giá Cát:

Trước hết sai Quan Công đem một nghìn quân lên thượng lưu sông Bạch Hà mai phục, mang theo nhiều bao tải đựng đầy đất cát để lấp khúc sông, đợi đến cuối canh ba hôm sau, hễ nghe tiếng người ngựa rầm rộ ở hạ lưu thì vớt những túi đất lên cho nước tràn xuống, rồi cứ thuận dòng sông kéo về tiếp ứng.

Lại sai Trương Phi dẫn một nghìn quân mai phục ở bến đò Bác Lăng. Khúc sông này nước chảy từ từ, quân Tào bị ngập tất trốn qua lối đó, bấy giờ thừa thế đánh về để tiếp ứng.

Lại sai Triệu Vân dẫn ba nghìn quân, chia làm bốn đội; Vân tự lĩnh một đội phục cửa đông; còn ba đội phục ba cửa tây, nam, bắc. Nhưng trước hết phải gài những vật bắt lửa như lưu hoàng, diêm tiêu trong các mái nhà trong thành. Quân Tào vào thành tất phải nghỉ ở nhà dân. Chiều tối hôm sau thế nào cũng có gió lớn. Hễ nổi gió, thì sai quân phục ba cửa tây, nam, bắc bắn tên lửa vào thành; lúc lửa bốc lên to, bên ngoài hò reo ầm lên để trợ oai. Các cửa đều phải giữ cả, duy cửa đông bỏ ngỏ cho giặc chạy. Khi giặc chạy ra, thì thừa thế đuổi đánh, đến sáng sẽ hội với hai tướng Quan, Trương, thu quân về Phàn Thành.

Còn My Phương, Lưu Phong đem hai nghìn quân, một nửa cờ đỏ, một nửa cờ xanh, đóng trước gò Thước Vĩ, cách Tân Dã ba mươi dặm; hễ thấy quân Tào đến thì cho quân cờ đỏ chạy về tả, quân cờ xanh chạy về hữu. Quân địch nghi hoặc tất không dám đuổi. Hai người lúc ấy chia nhau ra mai phục, đợi trong thành nổi lửa, sẽ kéo ra đuổi đánh bại binh, rồi lên cả trên thượng lưu Bạch Hà để tiếp ứng.

Khổng Minh cắt đặt xong xuôi, cùng với Huyền Đức lên chỗ cao đứng quan sát, đợi tin thắng trận.

Lại nói Tào Nhân, Tào Hồng đem mười vạn quân làm tiền đội. Đằng trước, đã có Hứa Chử dẫn ba nghìn quân thiết giáp mở đường rầm rộ kéo đến Tân Dã. Trưa hôm ấy đi đến gò Thước Vĩ, trông thấy trước gò một toán quân mã cầm toàn cờ hiệu xanh đỏ. Hứa Chử thúc quân tiến lên.

Lưu Phong, My Phương chia làm bốn đội, cờ đỏ chạy về mé tả, cờ xanh chạy về mé hữu.

Hứa Chử dừng ngựa ra lệnh:

- Hãy dừng lại, đây chắc có quân mai phục, quân ta đóng ở đây thôi.

Nói rồi, một mình một ngựa báo với tiền đội Tào Nhân.

Tào Nhân nói:

- Đó là nghi binh, không có mai phục, ngươi nên tiến quân mau lên, ta sẽ thúc quân tiếp ứng đến.

Hứa Chử quay ngựa tới trước gò, hô quân đánh vào trong rừng, đuổi tìm toán quân mã lúc nãy, thì chẳng thấy một người nào nữa. Lúc ấy mặt trời đã lặn về tây. Hứa Chử vừa định tiến lên thì trên núi thổi còi, đánh trống ầm ĩ, Chử vội ngẩng đầu lên, thấy trên đỉnh núi cắm một hàng cờ, trong đó có đôi lọng, bên tả thì Huyền Đức, bên hữu thì Khổng Minh ngồi đối diện uống rượu.

Hứa Chử tức lắm, đem quân tìm đường lên núi, bị gỗ, đá ở trên lăn xuống, không tài nào lên được; lại nghe mé sau núi có tiếng reo rầm trời, định tìm lối đến đánh thì trời đã tối.

Tào Nhân kéo quân đến, ra lệnh hãy cướp thành thì bốn cửa mở toang. Quân Tào xông vào không thấy ngăn trở; trong thành cũng không có một bóng người nào cả. Tào Hồng nói:

- Lưu Bị gặp thế bí, nên đem cả trăm họ chạy trốn rồi, quân ta hãy tạm nghỉ lại, sáng mai sẽ tiến.

Lúc này quân sĩ đều mệt và đói khát cả, liền tranh nhau thổi cơm ăn. Tào Nhân, Tào Hồng vào nghỉ trong huyện.

Cuối canh một, gió to nổi lên. Lính gác chạy vào báo cháy. Tào Nhân nói:

- Chắc quân sĩ thổi cơm, sơ ý để lửa cháy đấy thôi, không được xôn xao.

Nói chưa dứt lời, Nhân lại liên tiếp nhận được tin ba cửa tây, nam, bắc đều bốc cháy. Khi Tào Nhân ra lệnh tất cả các tướng phải lên ngựa ngay, thì toàn huyện đã trở thành bể lửa bốc sáng rực trời. Lửa đêm hôm ấy lại cháy dữ hơn lửa đồn Bác Vọng hôm trước.

Đời sau có thơ than rằng:

Gian hùng Tào Tháo giữ Trung Nguyên
Tháng chín sang năm đánh Hàn Xuyên
Phong Bá ra oai huyện Tân Dã
Chúc Dung bay xuống Diễm ma thiên

Tào Nhân dẫn tướng tá xông pha khói lửa tìm đường chạy trốn. Thấy cửa đông không có lửa, Nhân vội vàng chạy ra phía đó. Quân sĩ giày xéo lẫn nhau, chết nhiều vô kể. Bọn Tào Nhân vừa thoát được nạn lửa thì đằng sau đã thấy ngay Triệu Vân dẫn quân đuổi đến đánh giết. Quân Tào tranh nhau chạy trốn, không ai dám ngoảnh cổ lại. Đang chạy, bị My Phương kéo quân ra bồi cho một trận nữa. Tào Nhân thua to, cướp đường rút chạy. Lưu Phong lại dẫn quân ra chặn đường, hai bên đánh nhau đến canh tư.

Bấy giờ, người ngựa đều mệt, quân Tào phần lớn bị bỏng, sém trán, cháy đầu, chạy đến sông Bạch Hà, thấy nước sông không sâu, người ngựa hí hửng lội xuống uống nước, người thì ồn ào, ngựa thì gầm hí.

Lại nói Vân Trường đã đem những túi sỏi lấp khúc sông trên rồi, vừa sẩm tối thấy lửa cháy ở Tân Dã, đến canh tư lại nghe dưới hạ lưu có tiếng người ngựa kêu, vội vàng hô quân sĩ rút túi sỏi đất lên, nước đổ xuống như thác, rồi kéo quân theo xuống. Quân Tào lại chết đuối vô số…

Thật là gọn gàng phải không?

Người Trung Quốc có câu: "Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng/ Thừa tướng muôn đời Lưu Bá Ôn" để nói về tài năng xuất chúng của Gia Cát Lượng, quân sư của muôn đời. Không còn nghi ngờ gì nữa, Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được tác giả bày tỏ thiện cảm, dốc nhiều trang viết, tô vẽ thêm cho nhân vật này nhiều khi tới mức huyền thoại.

Đã có rất nhiều người từng ngộ nhận, từng mặc định cho những nhân vật lịch sử những tinh hoa kiệt xuất. Có nhiều nhân vật còn được thần thánh hóa đến mức không tưởng. Ngộ nhận đến mức luôn có tiếng thở dài luyến tiếc rằng: “Thời bây giờ làm gì còn ai như vậy??”. Thực ra, lịch sử chân thực luôn bị che giấu dưới vô vàn lớp văn tự bị sửa chữa bị trích lược cùng những lần sách vở mục nát, làm cho chúng ta có thể sẽ vĩnh viễn không thể biết được chân tướng của nó bởi vì ngay chính những chuyện ngay cạnh ta hôm qua thôi, nghe kể lại đã thấy màu mùi khác biệt. Nội một cái chuyện tiểu sử ông vua Đinh Bộ Lĩnh, Có ai tìm thấy bản Chính sử nào không hay là đám hậu thế sau đó (hoặc thằng Khựa) đốt hết rồi. Hoặc dĩ: làm cái anh chép chính sử lương thấp quá nên quan Ngự Sử từ quan về đi buôn bong bóng bay hết cả?? Để thằng bá vơ ghi chép huyên thuyên cho con rái cá làm tình với người đẻ ra Ngài??

Còn bây giờ, nội một cái chuyện ngoại cảm tìm mộ ông bạn Liệt sĩ hôm nào thôi. Mình biết rõ con mẹ ngoại cảm kia nó búa, nó phỉnh gạt gia đình người ta. Bởi vì, rõ ràng trận đánh ấy ở phía Đông thị xã, bạn Liệt sĩ hi sinh khoảng ấy, nơi ấy và chôn đâu đó phía ấy. Nhưng con mẹ ngoại cảm kia phán anh hi sinh ở một tỉnh khác, nơi khác…và gia đình tốn hàng trăm triệu đồng để mang một bộ xương cốt không đúng người nhà mình. Nó càn dám ngoa ngoắt nói là: "Liệt sĩ bảo không được phép thử ADN, nếu không nghe lời thì hiện về vật chết..".. Nhưng đau đớn thay, ta không thể lên tiếng vì một là lên tiếng không ai nghe. Mà hai là nỡ lòng nào lên tiếng khi bà mẹ già của Liệt Sĩ mừng mừng tủi tủi, nước mắt khô héo dang tay ôm hài cốt kia vào lòng mình? Liệu ta đủ can đảm phũ phàng nói câu:” Mẹ ơi! Không phải! chúng nó…lừa mẹ đấy!”. Người mẹ sẽ ra sao khi biết nắm xương của con mình đây là không phải con mình? Trong khi đó, trước chuyến đi tìm mộ, mẹ lần mãi, lần mãi trong ruột tượng của mình lấy ra đôi khuyên vàng duy nhất –của hồi môn của mẹ gìn giữ gần trăm năm đưa cho con cháu để bồi đắp thêm chi phí cho chuyến đi mang con trai của mẹ về??...

Thế đấy! hình như việc gây dựng và tái tạo sự chân thực của lịch sử thật muôn vàn khó khăn. Thôi đành bằng lòng với những gì mà tâm tạm an và đời tạm yên.

Trong những giọng điệu bình Tam Quốc, VietHoa tôi đôi khi có hài hước và cay nghiệt, xót xa hoặc rớm giễu thì cũng như thể thường tình. Với Tam Quốc Diễn Nghĩa, dù thông cảm với ông La Quán Trung khi hành nghề cầm bút ở đời nhà Nguyên có thể phải bắt buộc viết thành như thế. Nhưng chuyện ông làm cho hậu thế sĩ nhục quá đáng Tào Tháo, chê bai Chu Du…thiết nghĩ cần phải phê phán. Nhưng phê phán thế nào lại là một chuyện. Ví như ông Tào Tháo, mọi thứ về ông có thể coi là giai thoại, điển tích và dã sử. Nhưng cái vụ ông Tháo luận bàn, chú giải về binh pháp Tôn Tử thì đó chính là văn bản sâu sắc và trác tuyệt nhất của binh thư (dù nhiều người cũng làm nhưng không ai ấn tượng bằng ông Tháo). Thậm có người cho rằng “Nguỵ Vũ chú Tôn tử” của Tào Tháo là do Tào Tháo nguỵ tạo nên. Tuy nhiên, năm 1972, bản sách thẻ tre của cuốn “Tôn tử” tìm thấy trong di chỉ lăng mộ thời Tiền Hán ở Lâm Nghi - tỉnh Sơn Đông đã chứng minh “Nguỵ Vũ chú Tôn tử” là bản thực, nhờ vậy mà rửa sạch được tiếng hiềm Tào Tháo nguỵ tạo binh thư. Chi tiết này chẳng bỏ được 2 chữ “gian hùng” cho ông nhưng cũng giảm cho Va đôi gờ ram giả dối.
Liên hệ sang Việt Nam, ngày tôi đi học, lịch sử sách dạy rằng:” Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) cõng rắn cắn gà nhà" . Tôi còn được giảng: Triều Nguyễn hèn nhát cắt đất cho giặc; đầu hàng này nọ; Thành xây xương lính; lăng tẩm xa hoa... Tôi đã tin nhận định này đến mấy chục năm trời. Sau này, khi tiếp xúc với tài liệu nhiều chiều tôi cũng chưa có khái niệm gì khác ngoài sự mơ hờ thấy Nhà Nguyễn củng cố đàng trong, giữ gìn từng phên dậu của nước Việt. Nhưng mãi sau vài lần đến với Huế - những công trình di tích, lăng tẩm của triều Nguyễn, nhìn du khách nườm nượp đổ về di sản. Tôi giật mình mà chửi thầm rằng: tiên sư thằng viết sử khốn nạn! Nếu không có “thằng cõng rắn cắn gà nhà” thì hôm nay một số cần lao hậu thế bốc bùn mà ăn vã chứ làm gì có cái di sản kia mà thu tiền. Vậy mà chúng nó…

Mà thôi, mình sẽ tiếp tục bàn về Tam Quốc.

Trận sau: Tương Dương – Tràng Bản: lại một ông Hạ Hầu Kiệt không có thực đứt ruột, vỡ gan chết choáng trước tiếng thét cũng không có thực trong sử của Trương Dực Đức!(tức Trương Phi)
Biên soạn: VietHoa (Còn tiếp)

 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất