Mạc học Khổng Minh trạch phụ
Sau khi chết, Lưu Bị còn để lại di chúc bắt con trưởng là Lưu Thiện phải kính
nể Gia Cát Lượng như cha đẻ.
Tháng 8 năm 234, do khó nhọc mà Gia Cát Lượng sinh bệnh rồi mất, lúc bấy giờ
ông mới 54 tuổi, được phong tặng là Trung Vũ Hầu người đời thường gọi là Gia
Cát Vũ Hầu. Ông được chôn tại ngọn núi Định Quân ở vùng Hán Trung. Ông mất mà
vẫn không trung hưng được nhà Hán, nước vẫn ở thế chân vạc chia ba. Ba mươi năm
sau khi ông mất, Lưu Thiện đầu hàng nước Ngụy, nước Thục Hán bị diệt vong.
Suốt hai đời vua là Lưu Bị và Lưu Thiện, mọi việc ở Thục đều do một tay Khổng
Minh chủ trương và thi hành. Ông giỏi về binh thư binh pháp, có tài về nội trị,
ngoại giao, được xem là văn võ kiêm toàn, tài đức lưỡng bị... nên được hậu thế
gọi là "vạn đại quân sư", coi là một tấm gương sáng cho muôn thuở. Ấy
rằng dã sử là thế và người đời đơn giản bình và nhớ đến như thế. Nhưng ở đây,
chúng ta đang đánh bài bằng những lá bài của Tam Quốc và chất chủ đạo của bài
là Tam quốc Diễn nghĩa. Vậy thì, cũng nên có nhiều giọng điệu, góc nhìn, lời
bình…về các nhân vật trong Tam Quốc.
Hán tặc phân minh trí chẩm biên
Đường đường đế trụ thảo lư tiền.(Tạm dịch: Trên gối, biết ai vua, ai giặc, Bỗng trang hoàng tộc viếng lều con. Ai hay chỉ một giờ tâm sự, Được giang sơn năm chục năm tròn?)
Sau trận đồi Bác
Vọng, Tào Tháo dẫn đại quân đến Kinh Châu. Lưu Tông và mẹ là Sái thị dâng Kinh
Châu cho Tào Tháo. Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, đem quân đến Tân Dã truy kích
Lưu Bị. Khổng Minh bèn lập kế mai phục quân Tào: sai Quan Vũ dẫn 1000 binh đi
mai phục phía bờ sông Bạch Hà, quân lính mỗi người mang sẵn một bao cát đợi khi
nghe tiếng ngựa hí thì ngăn nước sông xả nước cho nước cuốn chảy xuống. Ông lại
sai Trương Phi mai phục ở Bác Lăng và dặn thấy quân Tào băng qua thì xông ra mà
đánh. Cuối cùng ông sai Triệu Vân chia quân ba mặt Ðông,Tây, Nam, chừa phía
Bắc cho quân Tào chạy, thấy có hiệu lửa thì xông ra mặt Bắc mà đánh đồng thời
lệnh cho quân lính mang đồ dẫn lửa để sẵn trong nhà dân sau khi mọi người đã
chạy đến Phàn Thành.
Sau đó, quân Tào do Tào Nhân, Tào Hồng, Hứa Chử kéo đến. Hứa Chử dẫn quân vào
rừng gặp Lưu Bị, Khổng Minh, định lên bắt nhưng bị gỗ, đá cản lại. Còn Tào
Nhân, Tào Hồng tiến vào thành Tân Dã bỏ trống. Lúc ấy quân Tào tất cả đều mỏi
mệt nên nấu cơm ăn để nghỉ ngơi. Đêm đó, quân Lưu Bị tấn công. Tào Nhân thất
kinh chạy ra thì thấy cả vùng lửa cháy ngút trời. Tào Nhân, Tào Hồng đang tìm
đường thoát thân thì gặp quân của Triệu Vân ùa ra đánh giết. Quân Tào chạy một
lúc nữa lại có con sông chặn trước mặt, nhưng nước cạn nên quân Tào không lo
nữa, dẫn quân qua sông. Quan Vũ phục ở mé trên, bèn cho quân xả nước xuống,
nước chảy xuống như thác vỡ bờ cuốn trôi quân Tào vô số. Tào Nhân, Tào Hồng dẫn
tàn binh trốn chạy, bỗng đâu gặp Trương Phi, may nhờ có Hứa Chử đến cứu. Sau đó
Lưu Bị, Khổng Minh và các tướng thẳng tới Phàn Thành.
Trong trận Xích Bích, Khổng Minh đến Giang Đông giúp đỡ đại đô đốc của Đông Ngô
là Chu Du chống Tào Tháo. Chu Du từ lâu biết Khổng Minh là "thiên hạ kỳ
tài", Du cho rằng để người như vậy sống về sau sẽ là họa cho Đông Ngô nên muốn tìm
cách hại Khổng Minh. Đầu tiên Chu Du sai Khổng Minh dẫn quân đi cướp trại Tào Tháo
nhưng ông đã khéo léo từ chối. Sau đó, Chu Du sai Khổng Minh trong 10 ngày làm
10 vạn mũi tên nhưng cố tình dặn thợ tên làm chậm nhằm hại Khổng Minh. Nhưng
Khổng Minh hẹn trong 3 ngày sẽ làm xong. Chu Du mừng quá bảo Khổng Minh viết tờ
quân lệnh. Khổng Minh bèn đến tìm mưu sĩ Lỗ Túc của Đông Ngô mượn 20 chiếc
thuyền, mỗi chiếc có chừng ba mươi quân sĩ, trên thuyền dùng vải xanh làm màn
che xung quanh, lại bó cỏ với rơm cho nhiều. Lỗ Túc nhận lời, 2 ngày đầu Khổng
Minh không làm gì cả. Đến ngày thứ ba, vào đầu canh tư, Khổng Minh bỗng bí mật
cho mời Lỗ Túc lên thuyền uống rượu rồi lại sai người lấy dây chạc dài, buộc
hai mươi chiếc thuyền liền lại với nhau, rồi bảo quân nhắm bờ phía Bắc thẳng
tới. Hôm ấy, sương mù rất nhiều. Đến đầu canh năm, Khổng Minh tiến sát đến thủy
trại của Tào Tháo, Khổng Minh sai thủy thủ dàn ngang đoàn thuyền ra rồi đánh
trống, hò reo ầm ĩ. Sái Mạo và Trương Doãn thấy sương mù dày đặc sợ có phục
binh nên hạ lệnh cho quân sĩ bắn tên ra loạn xạ. Đợi đến gần sáng, Khổng Minh
dẫn quân trở về, 20 chiếc thuyền cắm đầy tên của quân Tào, tính ra hơn 10 vạn.
Chu Du trông thấy vô cùng kinh hãi, tự thấy tài kém Khổng Minh rất nhiều.
Chu Du muốn đánh hỏa công nhưng mùa đông chỉ có gió tây bắc thổi ngược về phía
quân Ngô mà không có gió đông nam thổi về phía quân Tào nên lo lắng thành bệnh.
Khổng Minh xin đi cầu gió đông cho Chu Du nổi lửa đốt trại Tào.
Khổng Minh bảo Chu Du hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân núi Nam
Bình, ông sẽ cầu gió Đông luôn ba ngày ba đêm để giúp Chu Du. Lập tức Chu Du
sai cất đài như lời Khổng Minh dặn. Khổng Minh lên đàn thắp nhang, làm phép cầu
ba lần, vẫn chưa có gió. Đến canh hai, gió Đông nam thổi tới rất mạnh, quân Ngô
nhân cơ hội đó châm lửa phóng hỏa đốt sạch chiến thuyền quân Tào. Việc lập đài
cầu gió Đông Nam chẳng qua chỉ là hành động phụ thêm của Khổng Minh nhằm qua
mắt Công Cẩn, tiện thoát thân, thể hiện sự tinh thông thiên văn, thời tiết...
của Gia Cát Lượng. Nhờ "gió Đông nam của Khổng Minh" mà quân Ngô đại
thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ nên về sau thi sĩ
đời Đường Đỗ Phủ có 2 câu thơ:
Gió Đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa Nhị Kiều.Chỉ tạm kể 3 trận mà quân sư Gia Cát Khổng Minh bày kế đã thấy tác giả la Quán Trung tâm đắc với nhân vật này như thế nào. Trận đầu tiên, theo chính sử kể như không phải công của Khổng Minh. Trận cuối cùng thấy nó cứ gian gian thế nào ấy. Qua cách mô tả thì đúng là ông Khổng Minh sắp thành phù thủy đến nơi.
Càng đọc Tam Quốc càng thấy La Quán Trung khắc họa Gia Cát Lượng với nhiều tình tiết được thần thánh hoá đến lạ kỳ, những mẹo mực của tiên sinh quả là thần cơ diệu toán khôn lường đến quỷ thần cũng chẳng thể biết, thêm cả thuật kỳ môn độn giáp gọi gió hô mây siêu phàm nhập thánh … tưởng chừng như vị đại quân sư toả ra xung quanh mình một vầng hào quang sáng chói. Những khắc họa trên xa dời sự thực lịch sử đến thế nào? Đành rằng đối với một lượng độc giả nào đó, những khắc họa trên tạo cho họ ham đọc và hứng thú. Nhưng đối với một số người theo thuyết hiện sinh thì đo chỉ là những mắm muối nhí nhố…
Không chỉ là nhà quân sự, Lượng còn là một nhà tử vi và đoán số. Sinh thời, ông chơi thân với cả những bạn hơn tuổi. Thôi Châu Bình (ở Bác lăng), Từ Thứ, Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy ở Nhữ Nam, Tư Mã Huy và Bàng Đức Công đất Kinh Tương …
Từ Thứ hơn Gia Cát Lượng chừng 15 tuổi, học vấn tinh thông hơn Lượng lại nghiên cứu sâu về kinh điển, kiến giải rõ ràng, mạch lạc. Bàng Thống hơn Lượng 3 tuổi…. Có lần Lượng nói với Từ Thứ: “Các anh nay mai làm quan, xem tài cán chắc sẽ làm đến thứ sử hoặc quận trưởng”. Từ Thứ hỏi: “Thế tiên sinh thì sao?”. Lượng chỉ cười mà không đáp. Sau này quả nhiên Từ Thứ làm quan với nhà Nguỵ đến chức Trung lang tướng kiêm Ngự sử. Mạnh Công Uy làm thứ sử Lương Châu. Thạch Quảng Nguyên cũng làm đến quận trưởng kiêm Điển nông hiệu uý. Còn ông Lượng thì làm đến Thừa Tướng.
Gia Cát Lượng Bắc phạt cả thảy là 7 năm, phát động 5 lần đánh nhau. Mấy lần xuất quân đều bị thua do nguyên nhân lương thảo không đầy đủ, hoặc sức của địch quá mạnh, hoặc nội bộ của nước Thục mâu thuẫn mà nửa chừng lui quân thật bất lợi.
Bây giờ ta thử nói đến việc Khổng Minh phò Lưu Bị một chút:
Khi Gia Cát Lượng xuống núi có thể chọn rất nhiều người mạnh hơn Lưu Bị như Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Biểu, Lưu Chương,… để phò tá. Vì thế người ta sẽ hỏi tại sao Gia Cát Lượng lại tôn Lưu Bị làm minh chủ?
Cuối thời Hán, thiên hạ đại loạn, quân phiệt hỗn chiến, vô số kẻ muốn làm minh chủ, biết bao anh tài ẩn giật lũ lượt chọn minh chủ của mình. Nhưng Gia Cát Lượng vốn được người đương thời công nhận là người anh minh tài giỏi lại chọn vị minh chủ trơ trọi và có thực lực chính trị kém như Lưu Bị?
Nhiều người phân tích cho rằng: Gia Cát Lượng cảm động vì Lưu Bị 3 lần đến mời nên không trái ý. Cách lý giải đó kỳ thực không chắc chắn. Bởi vì Gia Cát Lượng quyết không phải là người thích yên ổn nơi ruộng đồng. Ông thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, lưu tâm đến chính trị, thiết kế “Long Trung đối” với mục đích giành được sự nghiệp huy hoàng. Trong lúc ông chờ thời ở Long Trung chính là để chọn người phò tá nhằm thực hiện lý tưởng của mình.
Coi nào! Tào Tháo là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất nhất thời đó. Những tay chân của Tào Tháo đều là những nhân tài văn võ song toàn, nếu Gia Cát Lượng về trướng Tào Tháo thì cũng chỉ ở dưới tầm họ mà thôi. Đồng thời Tháo tính cách tàn bạo, đa nghi mà lại gian trá, thường đùa với quyền lực. Quan điểm của Gia Cát Lượng khác biệt với Tháo nên không muốn theo ông ta.
Tôn Quyền cũng là một nhà quân sự kiệt xuất nhất đương thời nhưng thiếu hùng tâm thống nhất thiên hạ, chỉ muốn giữ toàn sự nghiệp cha ông, muốn yên ổn ở Giang Đông. Mà Gia Cát Lượng lại nuôi ý chí kết thúc chia cắt, thống nhất thiên hạ nên Tôn Quyền cũng không thích hợp với ông. Huống hồ Tôn Quyền kế thừa sự nghiệp cha ông để lại. Có các trọng thần hàng khủng kiểu quân sư như Trương Chiêu. Liệu rằng Lượng có hơn Chiêu khi về Ngô. Hơn nữa, lúc này, bên Ngô cũng có ông Gia cát Cẩn là anh em ruột thịt với ông về phò tá mà. Nếu Gia Cát Lượng theo Tôn Quyền thì cũng khó mà theo đuổi chí hướng của mình.
Những kẻ cát cứ khác như Lưu Biểu, Lưu Chương, Mã Đằng – Hàn Toại… trong suy nghĩ của Lượng họ là kém kiểu như “chó đá vãi cứt –cóc gặm gãy đùi” thì làm sao xứng đáng với sự phò tá của Gia Cát Lượng.
Chỉ có Lưu Bị là vị quân chủ lý tưởng của Gia Cát Lượng. Ông là họ hàng của nhà Hán, giương cờ hiệu phục hưng nhà Hán, có khả năng thu hút lòng người, chiêu mộ nhân tài, có lý tưởng thống nhất thiên hạ giống như Gia Cát Lượng. Những mãnh tướng của Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… Tuy tài giỏi nhưng thiếu sách lược quân sự mà Gia Cát Lượng lại phù hợp với trọng trách quân sư, có thể biểu hiện tài năng của mình.
Nhưng theo VietHoa tôi thì chỗ này ông Gia Cát Lượng quá tin tưởng vào cái “ Đức Độ -Nhân Từ” của ông Lưu Bị với niềm tinh “Đức năng thắng số” nên dốc tâm theo Bị. Nói như vậy bởi vì, nếu đã tài xuất quỉ, nhập thần, hô phong hoán vũ và coi tướng số, nhìn định thiên hạ …diệu kỳ cỡ ông Minh Lượng này thì làm gì không bấm tính ra được cái nhà Hán mạt kia sắp tiêu vong. Mà ông Lưu Bị lại núp vào đó mong mà hưng Hán thì làm sao vực nổi. Một người bỏ công cả đời mình cho một ông chủ mà biết chắc nó chỉ là “nước sông- công lính” không nhẽ không suy nghĩ?
Đọc Tam Quốc, thấy Từ Thứ tiến cử rồi Lưu Bị 3 lần cầu hiền, cảm động nên Gia Cát Lượng mới xuống núi. Nhưng chuyện tôn trọng nhân tài, cầu hiền đãi sĩ như vậy ko thấy lịch sử ghi lại. Sách “Tam Quốc Chí” chỉ ghi lại một câu có liên quan tới việc này: Do tiên chủ mời 3 lần, Gia Cát Lượng bèn đi gặp Lưu Bị. Gia Cát Lượng còn viết trong “Xuất sư biểu” rằng: "Tiên đế không cho thần là kẻ thấp hèn, 3 lần đến lều cỏ của thần để mời thần cùng lo việc thế sự". Dựa vào tài liệu có đó để có thể soạn thành giai thoại thiên cổ Tam cố mao lư thì quả là sự sáng tạo.
Nếu phân tích tỉ mỉ tư liệu Tam cố mao lư thì thật
là khó kết luận Gia Cát Lượng được Lưu Bị 3 lần đến lều cỏ mời. Vì trong lịch
sử còn có ghi chép khác về sự kiện xuống núi.
Theo “Ngụy Lược” của Bùi Tùng chú dẫn có nói rằng: Lưu Bị đóng đồn ở Phàn
Thành. Lúc đó Tào Công đóng quân ở Hà Bắc. Gia Cát Lượng Kinh Châu đang bị đe
dọa mà Lưu Biểu mềm yếu, không hiểu việc quân sự. Thế là Gia Cát Lượng đi lên miền
Bắc gặp Lưu Bị. Gia Cát Lượng dâng kế với Lưu Bị thu nạp dân du mục tham gia
binh sĩ. Lưu Bị theo kế đó nên tăng được số lượng binh sĩ. Từ đó Lưu Bị biết
Gia Cát Lượng là người tài giỏi, tiếp đón ông như khách. Căn cứ vào tư liệu đó,
việc xuống núi của Gia Cát Lượng là hoàn toàn chủ động và không phải do Lưu Bị
mời.
Gia Cát Lượng không phải một đời là ẩn sĩ. Khi ẩn ở Long Trung, một mặt ông hệ thống lại kinh sử đã học, nâng cao kiến thức, một mặt lại quan tâm đến tình hình thiên hạ, cuối cùng đã hình thành kế hoạch Long Trung đối. Ông thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Tất cả thề hiện Gia Cát Lượng không cam lòng chịu ở ẩn mà ôn ấp hoài bão kết thúc cục diện phân chia trong thiên hạ. Ông ẩn cư ở Long Trung chỉ là chờ đợi cơ hội.
Nhưng chắc chắn một điều rằng: Có nhân vật Khổng Minh trong Tam Quốc với những phán đoán thần tình, dự kế vi diệu, cư xử lễ nghĩa…(tất nhiên cũng có lúc nhầm) đã làm cho Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hấp dẫn lên thật nhiều. Nó hay đến độ là: nhiều người nhầm lẫn nên cứ vác Tam Quốc Diễn Nghĩa ra làm như đó chính là sử liệu của 2000 năm trước.
- 09/01/2014 08:29 - Bình tam quốc bài 11: TRường bản, ông Phi hét phát có tướng tăng xông
- 03/01/2014 23:08 - Bình Tam Quốc 10: Trận Bác Vọng, Tân Dã- Ối Sử Ôi!
- 26/12/2013 00:03 - Bình Tam Quốc 9: Điểm danh các tướng, mưu sĩ (Tiếp)
- 25/12/2013 03:13 - Bình Tam Quốc bài 8: Điểm danh tướng và mưu sĩ
- 15/12/2013 03:27 - Diễn biến vụ “Hôi Bia” ở Đồng Nai: Chuyện trí trá, a dua...
- 12/12/2013 13:02 - Hai đầu của thế giới phẳng (Truyện Phim)
- 10/12/2013 06:09 - Bình Tam Quốc 5: Họ nhà Tôn ở Đông Ngô
- 08/12/2013 18:21 - Bình Tam Quốc 4: Tiếp bài Lưu Bán Dép...
- 07/12/2013 10:23 - Bình Tam Quốc 3: Lưu Bán Dép đi lên nhờ La Quán Trung
- 06/12/2013 20:35 - Bình Tam Quốc 2: Tào Tháo, Gian Hùng trong Anh Hùng