Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Nhật ký Sri Lanka của một Sư ông

 Lời TS: Sư ông Pháp Tông chủ trì chùa Huyền Không tại Huế, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Phật Học Nam Tông Huế vừa có chuyến đi Sri Lanka tham quan cùng tứ huynh đệ là Sư Viên Minh, Sư Giới Đức và sư Tuệ Tâm. Trong 1 tuần xê dịch, Sư ông đã tranh thù ghi lại ít dòng về đất nước Sri Lanka. . Ước Mơ Nhỏ vừa nhận được bài viết của Sư Ông gửi đến, tranh thủ chuyển đến bạn đọc. ( UMN.com)

...Ngày 30/11/2013
Máy bay từ Tân Sơn Nhất qua tới Suvannabhumi lúc 13g15. Làm thủ tục an ninh và nhận hành lý xong thì đã 14g30. Đợi tới lúc bay tiếp sang Tích Lan còn khá lâu nên trong đoàn bàn nhau đi chùa Mongol chuyên làm tượng Phật bằng đá quý thỉnh một ít. Sư huynh Viên Minh và sư cô, chị Tám và Phương Mai không đi chơi.
Bangkok những ngày này đang có biểu tình của phe Áo Vàng chống chính phủ của phe Áo
Đỏ. Rất may là tuyến đường về chùa Mongol không nằm trong vùng dân biểu tình tập trung nên không bị kẹt xe.
Chùa Mongol vẫn vậy sau mấy năm không ghé lại. Các mẫu tượng nhỏ cũng như xưa, không thay đổi kiểu dáng. Thậm chí còn "nghèo" mẫu mã hơn nhũng lần mình đến thỉnh tượng mấy năm trước.
Mọi người biết thời gian không rộng rãi nên không la cà mà lo chọn một số tượng rồi trả tiền ra xe "tẩu". Mình lấy năm tượng, các vị mỗi người thỉnh một ít. Riêng sư Giới Đức không mua.
Về tới phi trường kịp giờ làm thủ tục và cân hành lý. Qua khỏi các khâu giấy tờ và đi tới phòng đợi ngồi chờ đến giờ lên phi cơ. Nhìn qua khung kính đã thấy chiếc máy bay của hãng hàng không Sri Lanca đậu trên sân gần cửa ra rồi. Chuyến bay này từ Trung quốc về, ghé đổ khách "quá giang" xuống Bangkok rồi tiếp tục vi vu về Tích Lan. Hèn gì mà mấy cô nhân viên mặt đất của hãng hàng không đứng ở cửa soát vé khách vừa ra khỏi máy bay. Mình thấy hơi lạ, không hiểu vì xưa nay đi sang xứ này chỉ thấy soát vé khách lên máy bay chứ chưa thấy ngược lại. Chừ hình dung lại, liên tưởng và kết nối các dữ kiện lại mới hiểu: Họ sợ có hành khách nào đó xuống nhầm sân bay nên phải kiểm tra lại vé từng người một.
Ngồi trên máy bay 3 tiếng thì làm việc gì tốt nhất? Ngủ.
Tới sân bay Colombo khoảng 9 giờ đêm (ở VN tương đương 22g30). Có nhân viên của khách sạn ra đón. Thủ tục check out cũng nhanh vì không phải soát xét hành lý. Về tới khách sạn đã khá khuya vì đường từ sân bay về hơn 30 km. Rất may là đường cao tốc từ phi trường về thành phố mới làm rất tốt. Xe chạy tốc độ 80-90 km/giờ mà vẫn êm ru, không sốc hay có cảm giác gập ghềnh chút nào.

Về tới khách sạn, nhận phòng và sắp xếp hành lý xong  đã hơn 10 giờ khuya. Đi tắm một cái, khỏe cả người. Mặc thêm cái áo rồi cứ thế ngả xuống giường đánh một giấc tới 3g30 sáng.
 
1/12/13.
 
Bữa cơm đầu tiên tại Sri lanka

Ngày 1/12/13
Tối hồi hôm định viết lại đôi điều mắt thấy tai nghe trong ngày nhưng tắm xong, thoải mái quá lại muốn đi ngủ. Phần nào cũng do suốt cả buổi chiều hầu như phải ngồi miết trên xe nên máu tụ, không lưu thông do vậy cơ thể sau khi sạch sẽ lại muốn nghỉ ngơi.
Sáng ngày đầu tháng chạp Tây cả đoàn được mời dự lễ tôn trí Xá-lợi vào bảo tháp ở chùa sư Panna Loka - vị sư sẽ hướng dẫn đoàn đi tham quan, chiêm bái các thắng tích, danh lam trong những ngày sắp tới.
7 giờ xe đưa đoàn rời khách sạn tới một ngôi chùa gần đó để cung nghinh Xá-lợi. Phật tử và đội vũ công nổi kèn trống rộn ràng đón tiếp đoàn ngay trước cổng chùa. Cái này lạ à nhe! Xứ mình không có! Đón tiếp chư Tăng, nhất là các vị trưởng lão hoặc phái đoàn chư Tăng nước ngoài ở nước mình thường chỉ lọng che, trầm đốt hoặc hoa tươi và cung nghinh trong im lặng. Ở đây và nếu mình nhớ không lầm thì tại Myanmar, Lào hoặc các nước Phật giáo Theravada Đông Nam Á và Nam Á tình cảm được biểu lộ "chân chất" hơn. Phải chăng đó cũng là nét khác biệt xuất phát từ văn hoá-tín ngưỡng của hai nền văn minh  Hoa và Ấn thể hiện qua các quốc gia chịu ảnh hưởng?
Từ ngôi chùa "hàng xóm" này Xá-lợi được cung nghinh sang chùa sư Panna Loka.
Dọc đường, Dân chúng ở hai bên đường - hoặc có nhà cặp theo đường hoặc đi trên đường đều dừng lại chấp tay. Có người chạy ra xin được đội khay Xá-lợi một tí lấy khước. Trong đoàn Phật tử cung nghinh, các bà các cô cũng thay nhau xin đội. Cũng lạ luôn! Xứ mình nếu có đoàn rước Xá-lợi như thế thì không dễ gì cho ai chạy xen vào xin đội. Đã vậy, ông trưởng đoàn dẫn đường thỉnh thoảng còn ngoắc tay, gọi những người đang đứng lơ ngơ bên đường đến cho đội để có thêm chút phước.
Tháp ở chùa sư Panna Loka vừa xong phần xây thô, Ban Tổ chức dựng một giàn giá bằng ván, tre để mọi người đều có thể lần lượt lên tận vòm tháp đặt lễ phẩm cúng dường quanh Xá-lợi. Đây là ngôi tháp thờ Xá-lợi "đóng". Sau khi tôn trí Xá-lợi sẽ bịt kín và tiếp tục tô trát, sơn phết hoàn thiện bên ngoài.
Đoàn được mời ăn sáng lúc 8 giờ. Món ăn do các Phật tử trong làng mang tới dâng cúng. Mỗi nhà dâng một món. Hầu hết các món ăn đều ít gia vị, không mặn mà như món ăn Huế hoặc ngọt như món ăn Sài Gòn. Nguyên liệu chế biến phần nhiều là củ, quả, hạt, một ít rau. Có hai món cá: cá khô vụn như cá cơm kho với thứ gì như bầu phơi khô và cá quết mịn vo thành cục chiên. Nhìn bên ngoài không thể nào nhận biết đó là cá chiên. Buổi trưa thức ăn nhiều món hơn nhưng cách kiểu cũng tương tự.
Màu trắng đập vào mắt mình. Đâu đâu màu trắng cũng chiếm thượng phong. Các cư sĩ nam nữ, già hay trẻ dù kiểu dáng y phục có khác nhau nhưng hầu như chỉ một màu trắng. Cái màu này ở trên làn da nâu sẫm càng nổi bật ác liệt!
Dùng trưa xong đoàn lên đường đến cố đô Anuradhapura. Theo cách tính của dân địa phương thì phải mất 5 giờ xe chạy tính từ Colombo. Chưa biết thế nào đây? Nếu đường ở xứ mình thì khoảng 200 km nhưng ở đây đường sá tốt hơn nên chắc đường dài hơn.
Trái với đoạn đường từ phi trường quốc tế về trung tâm thủ đô Colombo hầu hết ở các ngã tư, giao lộ, các góc đường đều có tượng Đức Phật, tuyến đường từ Colombo về cố đô Anuradhapura đi men theo bờ biển phía Tây hầu như không thấy tượng  Phật, chùa tháp. Đó đây chỉ thấy tượng chúa Jesus Christ hoặc bà Maria; thi thoảng lại thấy nóc giáo đường Muslim. Sau hơn 300 km đường trường rong ruổi, đến đây có thể kết luận là đường bộ ở xứ này tốt hơn nước mình nhiều, dù là cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường nội đô, nội thị. Khẩu độ đường không lớn, mỗi tuyến chỉ 2 làn xe nhưng mặt đường đều, phẳng nên xe chạy nhanh hay chậm đều êm ru. Xứ mình chỉ cần đường cỡ này thì dân đi lại cũng đỡ vất vả lắm rồi!
Đêm ngủ ở khách sạn tại cố đô Anuradhapura không có gì đặc biệt. Phòng nhỏ cho hai người trang bị tiện nghi vừa phải. Sư huynh VM mới cài được sim phát wifi nên trong đoàn "ké" sóng thoải mái. Gì chứ dịch vụ viễn thông ở xứ này chắc chắn là thua Việt Nam! Mình nhắn tin và gởi - nhận email bình thường. Rất may là cái ipad nhỏ và iphone lúc đầu trục trặc, không gởi thư mà cũng không nhận được thư vừa thông thì tiếp được thư của Trọng báo về vụ bảo hiểm ô tô trả lời. Vậy là cần bổ túc một số thông tin cá nhân theo yêu cầu của nhà bảo hiểm nữa.

2/12/2013
Sáng hôm nay dùng điểm tâm tại khách sạn. Ăn buffet nhưng ở khach sạn này hơi ít món. Có chapati như của Ấn nhung theo kiểu Sri Lanca - mềm và có vị ngọt. Có bánh mì sandwich nướng ăn với bơ. Có cơm và rau cải, cà rốt, đậu vert xanh xào. Sư Panna Loka có mang theo bánh mì làm ở nhà Phật tử theo kiểu Pháp và một ít thức ăn riêng đem ra mời mọi người. Thấy có món cà ri, món cá ngừ kho. Ăn thử món cá thấy cũng đậm đà. Mình đọc báo và đâu đó trong sách nói xứ đảo này là vùng đất gia vị, sản xuất tiêu, tỏi rất nhiều nhưng sao trong món ăn hai ngày qua thấy họ dùng rất ít gia vị. Chưa gặp món gì cay hoặc mặn.
Ăn sáng xong sư Panna Loka đưa đoàn đi thăm lần lượt 3 địa điểm quan trọng của Phật giáo Tích Lan trong quá khứ: Maha Vihara (Đại tự) hình thành khoảng thế kỷ thứ 3-5, là ngôi tự viện mà ngài Buddhaghosa từng cư trú khi từ Ấn sang; Abhayagiri (Vô uý phong) nổi tiếng vào giai đoạn kế tiếp, tức khoảng thế kỷ thứ 5-7 - thời các ngài cao tăng soạn Phụ chú giải (Anu Atthakatha) và Jetavana monastery ở thế kỷ 11-12. Cả ba nơi ngày nay đều đã được trùng tu hoặc xây mới trên nền đất cũ. Hình thức bên ngoài là một ngôi mộ tháp hình chuông úp với đỉnh nhọn nằm trên đế tứ giác. Diện tích đất của từng thắng tích ngày xưa nhỏ như Maha Vihara cũng khoảng 20 mẫu Tây, Abhayagiri 40 mẫu Tây...     mà nay  khuôn viên mỗi nơi chỉ còn vài ba mẫu! Xung quanh nhà cửa dân chúng xây dựng rải rác! Nghe nói, vùng đất này sau thời kỳ hưng thịnh đã bị các triều đại sau bỏ phế vì bị các thế lực Ấn giáo và Hồi giáo từ phía Bắc lấn chiếm. Kinh đô phải dời về phương Nam. Suốt 1500 năm sau đó Anuradhapura chìm trong lãng quên và bóng tối, cho đến khi người Anh sang xâm chiếm đảo quốc này và đô hộ. Chính nhờ các nhà khảo cổ người Anh và các học giả, nhà nghiên cứu của đất nước sương mù mà vùng đất một thời là cố đô của xứ sở, cũng là thủ phủ của Phật giáo thời ấy được người thời nay biết đến. Sau ngày giành lại độc lập, chính phủ Tích Lan đã đầu tư không ít tiền bạc, công sức để tái thiết, trùng tu các thắng tích xưa ở đây.
Điểm tham quan cuối của buổi sáng là ngọn núi nơi ngài Mahinda tịnh tu. Cũng là nơi khi mới đến Tích Lan, sau khi đến diện kiến đức vua thời ấy không gặp, ngài về đây ẩn tu. Sau này nơi đây trở thành khu vực dành cho các vị sau khi học Pháp học xong sẽ vào đây tu Pháp hành.
Vừa đến chân núi, bước xuống xe trời đã đổ mưa. Mỗi người được phát một cây dù. Mới đi quanh và bước vài đoạn bậc cấp xem và chụp được mấy tấm hình thì trời chuyển sang mưa nặng hơn. Cũng nhờ có hai cậu thanh niên bản xứ và cậu hướng dẫn viên địa phương dìu lên, dìu xuống bậc cấp và nói khéo với các sư ở trong tu viện nên nhóm được vào chiêm bái Xá-lợi ngài Mahinda và Xá-lợi Đức Phật. Của Ngài Mahinda rõ ràng là miếng xương trắng. Của Đức Phật có hai ngôi. Một ngôi màu tím như ruby, ngôi kia màu trắng đục. Cả nhóm xuống núi khi trời đã dần bớt mưa.
Bữa trưa đoàn ghé tới một nhà hàng để dùng bữa. Nếu trưa hôm trước ăn nghĩa là "cho cái gì đó vào miệng để đầy bụng nuôi thân" thì trưa nay cả đoàn đều ăn ngon miệng hơn. Nhóm hậu cần của đoàn có kinh nghiệm đi Ấn hai năm trước nên đã chuẩn bị sẵn một số thức ăn khô như chà bông thịt, chà bông cá, cá cơm kho khô... đem ra hỗ trợ đúng lúc nên được "ủng hộ" nhiệt tình.
Trời vẫn  mưa khi đoàn vừa tới nhà hàng và sau khi ăn xong mưa nặng hạt hơn. Do vậy sư Panna Loka bàn nên thay đổi chương trình, sẽ không đi cố đô Polonnaruva như kế hoạch dự kiến mà sẽ cho xe chạy thẳng qua Dambulla, thành phố trong dự định sẽ ngủ lại đêm. Trong tình hình trời mưa thế này, rất có thể cố đô Polonnaruva  bị ngập nước, không tham quan được. Từ nơi ăn trưa đi Dambulla khoảng 160 km. Đi cố đô Polonnaruva khoảng cách cũng tương tự.
Mình lên xe ngủ một hơi, mở mắt đã thấy phố xá, người đi lại trên đường đông đúc. Bụng nghĩ, chăc sắp đến Dambulla. Đúng thật! Chỉ ít phút sau đã thấy tên thành phố trên pano, biển hiệu dọc đường.
Xe ghé vào chùa Vàng (Golden Temple). Trong chùa này có một bảo tàng viện ghi chép lại toàn bộ tranh ở trong chùa Đá phía sau. Khu vực chính là nơi trưng bày tượng Phật của các nước trong tương lai vì tới nay chỉ mới có một số nước hoặc tổ chức Phật giáo các nước gởi tặng. Điểm tham quan chính ở đây là chùa Đá. Đây là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi, mái chùa dựa vào một phần của khối đá vĩ đại. Mái lợp bằng ngói đồng tấm, dưới đóng trần gỗ. Rất nhiều tượng Phật được tôn trí bên trong. Hầu hết ở tư thế ngồi. Chùa chạy dài theo triền đá, phân ra nhiều phòng lớn nhỏ tuỳ độ phình ra thóp vào của khối đại cự thạch. Từ trên núi nhìn xuống cảnh trí phủ một màu xanh cây lá rất tuyệt. Phần nào có lẽ nhờ trận mưa đã rửa sạch không khí. Như thường nghe nói: Sau cơn mưa trời lại sáng.Tối nay đoàn ngủ lại khách sạn Gimanhala.

3/12/2013
Khách sạn Gimanhala nằm giữa lòng Dambulla.
Sáng sớm sau khi thức dậy làm vệ sinh cơ thể xong bước ra ngoài hành lang dạo ít vòng. Không khí ở đây thật tinh khiết, trong lành. Giữa đô thị mà không ngửi thấy mùi đặc trưng của đô thị như mùi dầu xăng, mùi bụi bặm... Hít mấy hơi thật sâu!
Điểm tâm sáng ở đây thật phong phú. Có rất nhiều thức ăn để mọi người tuỳ ý chọn lựa. Mình để ý có món cá ngừ kho. Nếm thử thấy cũng đậm đà, thấm thía. Cũng lạ! Mình đi đây đi đó trong nước ngoài nước mà ít thấy ở đâu trong thực đơn nhà hàng có món cá, ngoại trừ ở Vinh và Buôn Mê Thuột. Trong đoàn hầu như ai nấy đều ngon miệng.
Trên đường từ Dambulla về Kandy giữa đường xe ghé lại cho đoàn chiêm bái chùa Thạch Động (Rock Cave temple). Đây là địa điểm mà theo sử liệu Sri Lanca cho biết là nơi lần đầu tiên Tam tạng tiếng Pali được ghi lại thành văn bản trên lá bối. Mình được tận mắt nhìn thấy các loại hạt được nghiền ra làm mực để bôi lên nét chữ khắc của lá và loại hạt được xay thành bột để thoa lên mặt lá xoá mực thừa. Một vị sư trẻ ở đây trình diễn công đoạn khắc chữ lên lá cho mọi người xem. Hay thật! Mình mua một bản kinh được khắc theo kỹ thuật này để lưu niệm. Giá 3.000 Rs/48.000 đ. Sư Tuệ Tâm, sư Giới Đức và Phương Mai cũng mua. Nơi đây còn dấu tích thiền thất của ngài Buddhaghosa một thời từng lưu trú.
Chỗ dừng chân tiếp theo là vườn thực vật chuyên canh cây dược liệu thuốc dân tộc của Tích Lan. Rất nhiều cây trong vườn ở Việt Nam cũng có. Hệ thực vật ở xứ này tương tự như ở nước mình. Nhân viên hướng dẫn đưa cả đoàn đi xem và giới thiệu giống loài, đặc tính và dược tính của những cây trồng. Sau đó mời mọi người vào một ngôi nhà lớn giữa vườn tham quan các sản phẩm thuốc dân tộc được chế biến từ các loại thực vật. Mọi người được mời massage và thoa bóp bằng dầu dược liệu bản xứ. Mình bị nài nỉ quá cũng để cho nhân viên massage chân một lúc. Màn cuối không tránh khỏi là mời mua thuốc. Giá thuốc ở đây không đắt. Với một số bệnh thông thường nghe nói cũng khá hiệu nghiệm. Thầy thuốc nhà mình có mua một ít.
Đường lên Kandy quanh co.  Đèo dốc nối nhau như đường lên Đà Lạt, Sapa nhưng mặt đường rất tốt, không gặp bất kỳ một ổ gà hoặc điểm mấp mô nào. Dọc đường, tít tắp, trùng trùng điệp điệp hai bên quốc lộ là những cánh rừng, đồi núi đậm màu xanh của hệ thực vật nguyên sinh. Nhà cửa dân chúng và vườn tược nằm dọc theo tuyến giao thông như ở xứ mình nhưng do lượng xe ô tô ít, các khu dân cư không san sát, liền kề và nhất là xe máy, xe đạp hầu như không thấy nên ô tô chạy nhanh mà vẫn có cảm giác an toàn. Sau mấy ngày qua xứ này, sáng nay đoàn mới nhìn thấy một tai nạn giao thông: Một chiếc ô tô 4,5 chỗ dòng sedan do lái xe xử lý kém khi qua đoạn đường cong, lạc tay lái bị rơi xuống mương. Xe cứu hộ đang tìm cách móc và kéo lên. Không thấy người bị thương tích gì.
Kandy là cao nguyên duy nhất ở đảo quốc này. Khí hậu mát mẻ quanh năm. Nghe nói ở đây có vùng chuyên trồng trà và sản xuất ra một loại trà đặc biệt có sắc trắng như trà bạch mao ở Thái Nguyên mình. Rất tiếc là thời gian đoàn lưu lại đây không nhiều nên không có cơ hội đến thăm các đồn điền trà này và nếm thử hương vị độc đáo của xứ đảo.
Tới trung tâm tỉnh lỵ của Kandy thì vừa giữa trưa. Xe của đoàn ghé lại một nhà hàng đã liên hệ trước dùng bữa. Nhà hàng này có tên là Oak-Ray. Thực đơn và trình độ nấu nướng của đầu bếp ở đây thuộc đẳng cấp quốc tế rồi! Tuy nhiên, do buổi sáng ở Gimanhala mọi người đã điểm tâm hơi nhiều nên bữa trưa ở đây phải tự động giảm bớt.
Kandy là đơn vị hành chính lớn thứ hai sau Colombo được quốc tế biết đến. Tuy là đô thị miền núi nhưng phố xá ở đây suốt ngày nhộn nhịp người mua kẻ bán, du khách đi lại tấp nập. Kandy nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo thế giới vì ở đây có ngôi chùa thờ một chiếc răng nhọn của Đức Phật. Với giới học thuật thì Kandy được biết đến do có một số trường đại học uy tín được chính phủ thuộc địa Anh thành lập từ cuối thế kỷ 19.
Sau khi ăn trưa xe đưa đoàn về một khách sạn nhỏ nằm bên triền núi. Mọi người tranh thủ đi nghỉ một chút để buổi chiều có mục shopping. Nghe vậy là mình khoai khoái rồi. Đúng 14g30  số đông thành viên trong đoàn đã có mặt ở phòng đợi. Đi shopping hay đi mua sách trước? Shopping được ủng hộ tuyệt đối! Một số vị không đi. Chủ trương ở nhà ngủ sướng hơn. Cũng được thôi.
Nhóm đi đông hơn nhóm ở nhà. Ai nấy háo hức muốn được sớm ghé cửa hàng bán đồ lưu niệm. Hỡi ôi, chẳng mua được gì sất! Xe chở mọi người đến một shop bán khá nhiều mặt hàng cho du khách, pano quảng cáo rất ghê: the best souvenir shop in Sri Lanca (cửa hiệu bán hàng lưu niệm hạng nhất ở Sri Lanca). Thế nhưng sản phẩm chỉ ngang đồ tầm tầm mà giá thì hét trên đọt cây! Mấy cô nhân viên bán hàng thì bám sát mình nhìn lăm lăm? Cuối cùng một cô mạnh dạn lên tiếng: "Thai?". "No". "Chinese?". "No, guess it" Các cô nhìn nhau lắc đầu. Đến khi mình cho biết là người Việt thì họ mới ồ lên ngạc nhiên.
Đến bookshop thì không khí khác hẳn. Các thành viên trong nhóm tản ra ngắm nghía và chọn các đầu sách mình cần. Cửa hiệu này có tên là: Book Publication Society, vừa ấn hành vừa phát hành kinh văn Phật giáo các tông phái bằng ba ngôn ngữ: Sinhalese, Pali và Anh ngữ. Có rất nhiều bản kinh, sách có giá trị được trưng bày nơi đây. Vì giá sách rất rẻ nên các thành viên trong nhóm hầu hết đều tay xách nách mang khi ra khỏi cửa hiệu. Phải nói là chư Tăng và Phật tử Việt Nam hôm nay đã gây ấn tượng cho các nhân viên cửa hàng sách này. Bằng cớ là một cụ nhân viên run tay, không bấm bàn tính được, phải nhờ một đồng nghiệp trẻ hơn làm giúp! Khi cả nhóm rời khỏi cửa hiệu, toàn bộ các ông bà nhân viên trong cửa hiệu còn nhìn theo trầm trồ mãi!
Trở về khách sạn trước 17g, vệ sinh và nghỉ ngơi một lúc đến 17g30 lại tiếp tục đi đến chùa thờ răng Đức Phật. Đây là mục đích chính của đoàn khi lên Kandy. Sư Panna Loka có hẹn trước với người có thẩm quyền ở đây nên đoàn được ưu tiên cho vào cửa riêng. Được mời vào phòng khách ngồi chờ. Nhưng thấy thì giờ còn nhiều nên mọi người bảo nhau ra ngoài tham quan quanh chùa trước.
Ngôi đại tự thờ răng của Đức Phật ở phía ngoài nhà ngang dãy dọc rất nguy nga, tráng lệ. Nét chạm trổ, các mẫu phù điêu, trang trí trên cột, xà, tường vách rất tinh xảo và độc đáo. Trong chùa có một khu nhà bảo tàng khá đẹp. Rất tiếc, đoàn đến vào lúc chiều tối nên không có nhiều thời gian để nhìn ngắm kỹ hơn. Mình chỉ kịp ghi lại một số ảnh góc này góc kia lưu niệm.
Do lượng khách xếp hàng xin chiêm bái quá đông - thường xuyên như vậy - nên ban tổ chức chỉ cho phép mỗi người được đến trước bảo tháp dâng lễ phẩm và vái một vái rồi lùi ra nhường chỗ cho người khác. Mình cũng được vào lạy một lạy rồi tránh ra cho vị đi sau. Nghe nói, bảo tháp mà mọi người được cho vào chiêm bái đó chỉ là tháp mang tính chất biểu tượng. Tháp đựng răng thật được cất dưới tầng hầm, có 4 chìa khoá do 4 vị cao Tăng giữ. Mỗi 5 năm một lần mới được thỉnh ra, tôn trí trên một thớt tượng và cung nghinh đi quanh Kandy cho Phật tử đảnh lễ, vọng bái. Đức Xá- lợi răng này là quốc bảo đệ nhất của xứ sở này, liên quan mật thiết đến vận mệnh đảo quốc Sri Lanca. Trong quá khứ, dường như có một lần một vị quốc vương cho chuyển đi nơi khác, ngay sau đó quốc độ gặp đại nạn nên từ đó chính phủ Tích Lan không cho phép đưa Xá- lợi đi ra khỏi Kandy dù rất nhiều nước Phật giáo muốn cung thỉnh về nước họ cho dân chúng Phật tử xứ họ được một lần chiêm bái! Trong thời kỳ các nước Tây phương đến xâm lăng, đô hộ không ít âm mưu, kế hoạch tìm cách chiếm đoạt quốc bảo này nhưng chư Tăng, Phật tử Tích Lan đã khiến họ không thể thực hiện được.
Mình hữu duyên được một lần vái lạy bảo tháp đựng Xá- lợi răng của Đức Phật cũng phước phần lắm à nha.
Đêm ở bên ngoài chùa đèn chiếu mờ ảo, lung linh.
Sáng mai dùng điểm tâm xong là lên đường về lại Colombo rồi.

Ngày 4/12/2013

Sáng sớm lên nhà hàng ở tầng trên dùng điểm tâm. Chưa thấy dọn gì. Đi loanh quanh ngắm cảnh. Chiều hôm qua khi xe ghé vào khách sạn có lẽ do chú mục vào việc nhận phòng, tranh thủ nghỉ ngơi để chặp tối đi chiêm bái răng Phật nên không quan sát không gian xung quanh nơi này.  Hoá ra rừng nguyên sinh chỉ cách con đường rộng 8m! Sương mù còn bám trên triền núi trước mặt đó thôi! Mình nhầm rồi! Thì ra có khá nhiều nhà cao tầng ở quanh đây. Quan sát kỹ thì dường như các khối kiến trúc nhiều tầng kia là khách sạn và công ty hay công sở thì phải. Quanh các khối nhà cao thấp, dưới chân núi, bên triền núi không gian xanh vẫn là chủ nhân của vùng đất này. Đáng mừng!
Bếp ăn ở khách sạn Senani kém hơn khách sạn ở Dambulla. Phục vụ điểm tâm hầu hết là các món Tây, mà lại nghèo nàn thực đơn. Chương trình lên đường lúc 7g30. Nhưng gần đến giờ khởi hành, Phương Mai vào thỉnh chư Tăng ghé nhà bà dì của sư Panna Loka thăm và tụng kinh cầu siêu cho bà cụ mới qua đời.
Đám tang ở xứ này không giống ở VN một chút nào: trước ngõ xóm hay hẻm người ta treo một bức nghi môn màu trắng - hôm lễ rước xá lợi ở chùa sư Panna Loka thì nghi môn màu cờ Phật giáo (một tấm vải giăng ngang, ở hai đầu là hai tấm nhỏ như đuôi nheo). Trước mặt nhà tang gia dựng  một bảng cáo phó. Bên trong nhà bày biện cũng đơn giản. Người chết đã được tắm rửa, mặc áo quần mới màu trắng (theo tập tục Phật giáo ở xứ này) đặt nằm ngay ngắn trên giường - Đúng hơn là mặt đáy phía trong của quan tài theo kiểu Tây. Một bộ khung màn cũng màu trắng vây xung quanh chiếc áo quan. Một cặp ngà voi chầu hai bên người chết. Đầu giường đặt một giá đèn bằng đồng mà trên đỉnh là một con chim phụng hoàng (dáng như con gà trống ở xứ mình!). Dưới chân quan tài  đặt một cặp đèn điện bóng tròn. Các thành viên trong nhà lần lượt ra đón chào chư Tăng ni. Cách hành lễ của Phật tử Sri Lanca khá đơn giản. Nam hay nữ đi đến trước từng vị ngồi sụp xuống (mông không đụng đất) hai tay chắp lại, đầu chỉ hơi cúi xuống rồi đứng dậy lùi ra liền.
Chư Tăng tụng kinh cầu siêu chú nguyện vãng sinh cho bà cụ. Cụ bà thọ được 89 tuổi Tây (tức 90 tuổi ta).
Khoảng 10 giờ xe dừng lại để đoàn vào thăm vườn thực vật quốc gia. Khách nước ngoài phải mua vé vào cửa (1.100 Rs).
Hầu hết cây và hoa trong vườn ở xứ mình cũng có. Đáng nể và có ấn tượng là một số gốc đại thụ vừa kỳ vừa vĩ. Giống đã lạ (VN chưa thấy)  mà vóc dáng ngất ngưỡng, chót vót, đường kính thân khổng lồ, thật đáng bậc lão trượng của loài cây!
Trưa ghé vào một quán ăn nhỏ ven đường ở đoạn đường có một số quán bán hàng lưu niệm và trại nuôi voi con mồ côi bố mẹ. Lần này chọn mua được ít món rẻ tiền nhưng đặc thù của Tích Lan.
Buổi chiều ghé nhiều chỗ hơn nhưng quan trọng nhất là vào thăm chùa Kelaniya. Thiện Đức dịch lại lời thuyết minh của sư Panna Loka về đặc điểm của ngôi chùa này. Đáng lưu ý là ở đây còn một gốc đại bồ đề là một trong tám nhánh con được chiết từ cây bồ đề mẹ về trồng. Cây bồ đề mẹ  do đức Thánh ni Sanghamitta, công chúa con đại đế Asoka và tuỳ tùng phụng mệnh hoàng đế chiết từ gốc bồ đề nơi Đức Phật thành Đạo đưa sang cố đô Anuradhapura trồng.

 
 
Xá Lợi Đức Phật

 
Đội vũ nhạc dẫn đầu đoàn cung nghinh Xá lợi
 
Phật tử địa phương cúng dường thức ăn
 
Ngày 5/12/2013
Sáng nay Phương Mai phải đi check vé máy bay về Mỹ nên ưu tiên thì giờ ra downtown tìm văn phòng đại lý hãng máy bay làm việc đã.

Lâu không ăn mì, bữa nay làm một tô lại có rau, dưa leo, giá sống nữa tự dưng thấy ngon lạ. Đợi sư Panna Loka đến dùng điểm tâm xong đoàn lên đường. Chương trình hôm nay chủ yếu là shopping.
Đầu tiên xe chạy vào trung tâm thủ đô để giải quyết việc của Phương Mai trước. Mình buồn ngủ nên thiêm thiếp một lúc. Mở mắt ra đã thấy gần đến. Rất nhiều khối nhà cao tầng mới được xây dựng. Đan xen giữa những công trình mới này là các kiến trúc cổ điển thời thuộc địa Anh. Một số trong chúng được bảo quản khá tốt, nhất là các công thự, kiến trúc văn hoá. Đập vào mắt có một vài công trình mới hoành tráng,  phong cách hiện đại. Có người đang trầm trồ thì có một sư lên tiếng cho biết, chúng là quà tặng của chính phủ Trung quốc! Liên hệ một chút: vũ khí, đạn dược và nhiều thứ phục vụ trong giai đoạn cuối cuộc nội chiến của quân đội Sri Lanca cũng do người "anh em Trung quốc" tài trợ! Do vậy chính phủ hiện nay của xứ này đang chịu áp lực từ việc nhận viện trợ của đế quốc Tàu.
Trong lúc ngồi trên xe đợi Phương Mai và sư Panna Loka vào văn phòng hãng máy bay làm thủ tục thì nhác thấy có mấy gia đình dân bản xứ đang tổ chức đám cưới. Họ đang sửa soạn, nhắm nhe trang phục trước khoảng sân gần đó. Các cô dâu, phù dâu, các chú rể, phù rể ăn mặc y phục truyền thống của Sri Lanca rất xinh xắn, đỏm đáng. Chơn Tín nhảy xuống xe cầm cái Ipad ghi hình ngay. Lanh và liều lĩnh là tố chất của sư này khi ra ngoài.
Xe tiếp tục đưa đoàn đến tham quan một cảnh chùa nổi tiếng ở Colombo này - theo như lời giới thiệu của sư Panna Loka - nghe nói vị Chủ trì chùa này rất khéo tổ chức và thu hút Phật tử nên được nhiều người ủng hộ trong việc bảo tổn và phát triển chùa. Vị này sưu tập (hay người ta đưa đến?) rất nhiều tượng Phật A Di Đà, Quán Thế Ám, Quan Công, tượng Phật Thái bằng đồng.
Khu điện thờ  của chùa ngoài pho tượng chính theo mẫu truyền thống của Sri Lanca rất đẹp còn có rất nhiều nhóm tượng - đặc biệt đều đắp nổi hoàn toàn vây quanh tường sau lưng và hai bên tượng Phật lớn ở chính giữa điện. Lối điêu khắc, tạo hình và bố cục này mình chưa nhìn thấy ở đâu cả. Quá độc đáo! Mà lại rất đẹp, rất cân xứng, tỉ lệ với nhân thể học. Rất tiếc là lúc đó mình quên không hỏi tên chùa là gì!
Kế đó "hướng đạo sư" đưa đoàn tới một cửa hàng mỹ nghệ cao cấp. Hàng ở đây đúng là thứ thiệt nhưng giá cả hỏi xong nghe nhân viên bán hàng báo thì nghẹn họng luôn. Nói dễ hiểu là người mua đột xuất mắc bệnh quai bị, trẹo hàm không nói nên lời liền! Ở đó, do vậy chủ yếu là "tham quan"; còn mua thì chỉ dám chọn mấy mẫu móc chìa khoá thôi! Ngoại trừ thầy thuốc "mạnh đạn" dám bưng một quả bát giá đâu hơn 7000 ngàn Rs.
Bữa trưa có một Phật tử Tích Lan cúng dường. Ông chủ này có nhà hàng hải sản, vợ con đang sống bên Mỹ. Thức ăn thực sự đẳng cấp. Mọi người đều ngon miệng.
Tiếp tục mua sắm ở một siêu thị. Vừa bước vào nhìn thấy một cái tháp màu vàng giống mẫu tháp thờ răng Phật ở Kandy mình khoái ngay. Hỏi giá, nghe xong tưởng nhầm! Quá rẻ cho một sản phẩm như vậy. Chỉ 7.350 Rs! Nếu như ở tiệm mỹ nghệ hồi sáng thì không thể dưới 20.000 Rs. Mình mua ngay. Sư Tuệ Tâm cũng hỏi mua một cái nhưng cửa hàng đã hết mẫu lớn màu vàng; chỉ còn mẫu nhỏ thua một ít, màu bạc. Cũng được.
Ghé tiếp toà nhà  Buddist cultural centre vào tầng bán kinh sách, ảnh tượng. Chọn mua thêm một số sách mà ở cửa hàng sách trên Kandy không có. Mua thêm một hai pho tượng Phật nhỏ. Một tính để ở chùa, một để giao thợ đá ở Đà Nẵng làm mẫu tạc tượng cho chùa Nam Thiên. Không quên lấy một số tranh ảnh, vật lưu niệm về cho bọn trẻ.
Ngày hôm nay thế là đủ rồi!

Ngày 6/12/2013

Chiều nay không đi tham quan. Chuẩn bị đóng hành lý để sáng mai xuất phát sớm. Dường như 3 rưỡi hay 4 giờ sáng gì đó phải ra phi trường rồi.
Sau khi ghé chùa sư Panna Loka trồng cây lưu niệm xong đoàn về lại nhà nghỉ trưa. Tâm Đăng đã kiếm được mấy cái thùng carton mang qua từ sớm. Mình xách mấy túi nilon đựng sách, tranh ảnh, tượng, quà lưu niệm lỉnh kỉnh từ phòng ra để sẵn. Định bụng đi tham quan về và nghi ngơi xong sẽ sắp các thứ vào thùng. Vậy mà nghỉ trưa dậy, bước ra ngoài đã nhìn thấy đâu đấy gọn gàng trong thùng! Thầm nghĩ, Tâm Đăng hay Tường Phác đây? Hoá ra không phải hai vị này. Tác giả là thầy thuốc nhà mình. Cũng tình cờ mà biết, khi cả nhóm trẻ cầm đầu bởi thầy thuốc thuê "tuk tuk" tiếp tục đi mua sắm thêm khi các vị "cổ lão" bận nghỉ trưa, trở về gặp mình đang đứng trên hiên hóng gió, ngắm trời đất, xổ đồ mới kiếm thêm về ra đóng tiếp. Chính trong khi vừa sửa soạn đồ đạc cho vào thùng vừa nói chuyện mà vô tình lộ ra mình mới hay! Huynh đệ ơi!
Chiều nay thật yên tĩnh, thanh bình. Cái xóm nhỏ này hình như cư dân đều là hạng trung lưu hoặc có đẳng cấp trong xã hội cả thì phải? Nhà nhà trong tầm mắt mình hầu hết đều là biệt thự và có xe hơi riêng cả. Trên các nóc nhà hầu hết đều lắp chảo antene satelite.
Chim ở đây thật nhiều. Ở Huyền Không cũng rất nhiều chim nhưng giống loài ít hơn đây, và chỉ tập trung đông đúc vào lúc sáng sớm và chiều tối. Đây thì khác à nha. Bây giờ khoảng hơn 3 giờ mà tiếng chim đã rộn một khoảng trời. Kiến thức về chim của mình nghèo nên chỉ nhận ra được mấy loại như: chích choè, chào mào, vẹt, sáo đá. Khi chiều muộn hơn lại thấy chấp choá nhiều cánh dơi quạ đảo tới đảo lui giữa các tàng cây.
Sáng nay đoàn chỉ đi thăm chính thức một thắng tích cách Colombo tương đối xa: khoảng 40-50 km nhưng trên đường sư Panna Loka thỉnh chư Tăng ni Phật tử ghé vào ngôi tự viện của một vị Trưởng lão đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự một phái Phật giáo tại thủ đô. Ngài Trưởng lão trông còn khoẻ lắm. Năm nay ngài được 53 hạ lạp, hơn sư huynh VM 5 hạ. Cả đoàn vào đảnh lễ. Sau đó cùng chụp ảnh kỷ niệm với ngài.
Danh thắng mà đoàn đến chiêm bái có tên là: Kalutara Bodhi Trust. Ở đây có hai ngôi bảo tháp và hai cây bồ đề. Ngôi tháp nhỏ được xây dựng lâu đời rồi nhưng chắc tuổi đời thua cội bồ đề bên cạnh. Gốc đại thụ này là nhánh thứ 2 trong 8 nhánh bồ đề được chiết ra ở cây bồ đề mẹ tại Anuradhapura. Nằm ở bên kia đường là ngôi bảo tháp mới được xây dựng khoảng thập niên 50-60 của thế kỷ 20 có vóc dáng đồ sộ hơn nhiều lần so với ngôi tháp cũ. Trong lòng đại tháp lại có toà tháp nhỏ mà kích cỡ tương đương ngôi bảo tháp cổ nằm bên kia đường. Thiết kế mới có lối lên tầng lầu và khoảng mặt bằng khá rộng để thập phương Tăng ni Phật tử, khách viễn phương có thể hành lễ, nhiễu quanh toà tháp trung tâm với số lượng lớn. Không gian và mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng nhưng mình thấy tiếc là khâu trang trí và nghệ thuật còn đơn điệu quá! Mặt này thì Myanmar và Thái hơn hẳn. Mình chụp một số ảnh bảo tháp và cây bồ đề ở cả hai nơi, nhưng vừa ý nhất là chụp được hình hai tượng chư thiên đứng trước điện Phật nhỏ nép dưới tàng cây bồ đề có toà tháp cổ. Trình độ tạo hình của  vị nghệ nhân làm ra hai tác phẩm này đã đạt đến mức bậc thầy rồi!
Đường trở về Colombo không có gì đáng nói song mấy đoạn đường cao tốc,  quốc lộ, tỉnh lộ khi xe chạy qua hồi sáng vẫn làm mình liên tưởng, so sánh với " thảm hoạ đường sá, giao thông" ở đất nước mình mà quặn lòng.
Ngày mai phải  giã từ " đất nước của hoa sen", " thiên đường thế giới với 7 kỳ quan - di sản của nhân loại" rồi! Mình nhớ gì đây? Nụ cười chân chất không một chút làm dáng của người dân ở đây? Cách phục vụ hết lòng mà thân thiện đối với chư Tăng ni, du khách của mọi tầng lớp cư dân, quan chức mà đoàn có dịp tiếp xúc trong mấy ngày qua? Hay là sắc màu thiên nhiên xanh biếc tràn ngập khắp nơi ở đảo quốc này?

Dù là gì thì xứ sở này vẫn khiến mình có nhiều thiện cảm. Một đất nước mà chỉ qua mấy ngày thăm viếng ngắn ngủi tạo được trong lòng khách viễn xứ sụ tin cậy thực sự không có nhiều. Sri  Lanca là vùng đất như thế đấy.
 
 
 
 
 
 
 
 
Bài và ảnh: Sư Pháp Tông
 
 
 
 

 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất