Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Trao học bổng ĐHSP TP HCM - Trân trọng mà vui

    Ngày 27/11/2013, Đại diện của quĩ Ước Mơ Nhỏ trở lại trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh để dự cuộc giao lưu tuyên dương  học sinh, sinh viên xuất sắc 2012 -2013 của Trưởng và trao học bổng cho 10 sinh viên của gia đình Ước Mơ Nhỏ tại đây.
.
Được sự giúp đỡ của Phòng CTCT Học sinh Sinh viên nhà trường. Đặc biệt là thạc sĩ Huỳnh Công Ba, Thạc sĩ Phương Diễm Hương là Trưởng và Phó phòng CTCT; sau 3 tháng, Ước Mơ Nhỏ đã khảo sát xong 10 trường hợp dự kiến trao học bổng.

Ngoài tiêu chí của Ước Mơ Nhỏ, Nhà trường còn có thêm yêu cầu rất thiết thực: người nhận học bổng phải là người có tham gia công tác sinh viên tình nguyện hoặc các hoạt động xã hội.

Nói chung, các bạn sinh viên ĐHSP nhận học bổng của UMN lần này đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
  • Bạn Ngô Thị Hồng Duyên và Đồng Thị Thương quê Bắc Giang thuộc hộ rất nghèo. Đặc biệt, bạn Ngô Thị Hồng Duyên bị ung thư võng mạc. Cha mẹ làm nông. Mẹ bị mất sức lao động. Việc học của SV do các Sour trong dòng tu hỗ trợ. Năm ngoái, bạn đã nhận học bổng của UMN.
  • Phạm Thị Ngọc Thảo ở Đồng Nai - Hộ nghèo. Cha bị tâm thần, không có khả năng lao động. Mẹ làm thuê giúp việc nhà, Có 1 em gái đang đi học. Gia đình đang ở cùng bà ngoại.
  • Trần Thị Hoàng Hà ở Quảng Trị bị khiếm thị. Cha làm công nhân, Mẹ nội trợ, thường xuyên bị bệnh nên phải điều trị thường xuyên, bị mất sức lao động.
  • Võ Ngọc Trà My ở  Củ Chi, TP.HCM Trong gia đình, ngoài Trà My thì bố và anh trai của em cũng bị khiếm thị. Mẹ làm nông, là thu nhập chính nuôi cả gia đình. Bà nội già yếu.
  • Trương Thị Hoài Hạnh ở Thừa Thiên – Huế bị mồ côi cha. Anh chị đã lập gia đình, một mình mẹ chu cấp cho sinh viên đi học. Hoàn cảnh rất khó khăn.
  • Trần Thị Kim ở An Giang bị khiếm thị. Gia đình em có 9 người thì 3 người bị khiếm thị. Mẹ mất sớm, cha làm nông. Duy nhất Trần Thị Kim được theo học còn lại các anh em trong gia đình do nghèo nên không ai được đi học.
  • Nguyễn Thị Thảo Nhi ở Đắk Nông. Gia đình làm nông nghiệp,  cha mẹ đã suy giảm sức lao động. Gia đình em do vay nợ không có khả năng trả nên đã phải bán nhà và chuyển lên ĐắkNông sinh sống. Cha mẹ Nguyễn Thị Thảo có 4 người con thì 3 người bị khiếm thị.
  • Châu Thành Nghĩa ở Bình Thuận, em bị xẹp đốt sống phải đi tập vật lí trị liệu thường xuyên. Thu nhập gia đình từ nghề nông nên không đủ chi phí đi học và chữa bệnh.

Đúng 14 giờ, tại giảng đường D, buổi lễ bắt đầu. Gần 200 sinh viên có mặt cùng các nhà tài trợ, đại biểu và Ban Giám Hiệu, Đoàn Thanh Niên, Đại diện Sinh viên và các Phòng liên quan.

Thầy thạc sĩ hiệu phó Đặng Chính Nghĩa khai mạc. Thầy đánh giá sơ bộ về thành tích học và dạy cùng các phong trào nói chung của Nhà Trường. Thầy tuyên dương các học sinh xuất sắc trong năm học 1012 – 2013. Đề cập đến gần 100 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường với những giải cao trong xét chọn của Bộ và Sở. Thầy Hiệu phó tin rằng, trong nằm 2013 -2014, các sinh viên sẽ có nhiều thành tích và kết quả hơn nữa. Đồng thời, trong bài phát biểu, Thầy nói lên sự cảm kích của Nhà Trường đối với các nhà tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên.

Trong buổi lễ hôm nay, Trường ĐHSP tổ chức trao gần 200 xuất học bổng và phần thưởng cho sinh viên từ quĩ Nghiên cứu Khoa Học nhà trường và 9 nhà tài trợ với số tiền gần 500 triệu đồng/tổng số 1tỷ 276 triệu đồng học bổng huy động năm 2013- 2014.

Quĩ Ước Mơ Nhỏ cũng là một trong 9 nhà tài trợ hôm nay. Mặc dù quĩ của chúng ta có tên là “Nhỏ” (họ Ước, tên đệm là Mơ!!! - Một cái họ hơi hiếm của Việt Nam) nhưng Nhà trường không nghĩ là nhỏ mà rất trân trọng và trọng thị. Sau khi khai mạc, Đại diện của Ước Mơ Nhỏ và Đại diện của một ngân hàng được mời lên sân khấu nhận hoa và hình ảnh chúc mừng từ thầy Đặng Chính Nghĩa Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Vinh dự được bắt tay thầy Hiệu phó Đặng Chính Nghĩa là một nhẽ. Nhưng được đứng cạnh Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng (tiền bạc bao la) thì có nhẽ là lần đầu tiên. Có ai dè, anh Nam còn rất ít tuổi mà giữ cương vị lớn như vậy.

Tại buổi giao lưu sau lễ trao học bổng và tuyên dương, nhiều em sinh viên đã phát biểu nói lên cảm xúc của mình. Có em cầm micro hát tặng các thầy, cô và các đại biểu những bài hát, câu thơ.

Giao lưu với sinh viên, tôi ngỡ ngàng khi thấy Phó Giám đốc Ngân Hàng Lê Hoài Nam hát thật hay. Thì ra, anh bảo bài hát này anh xúc động nhất và thường hát trong những đợt tình nguyện khi còn là sinh viên. Phát biểu tại buổi lễ, Đại diện UMN là tôi tranh thủ nói về UMN vài phút, cảm ơn Nhà Trường đã tạo điều kiện cho UMN đến với 10 thành viên và cuộc giao lưu hôm nay. Xin nhấn mạnh lời cảm ơn tới Phòng Công tác Chính Trị Học sinh, Sinh viên Nhà trường đã tận tình hỗ trợ và giúp đỡ quĩ trong quá trình khảo sát, lên danh sách học sinh nghèo hiếu học. Đặc biệt, chúng tôi gửi lời  cảm ơn thầy Trường Sơn khoa Anh là cầu nối đầu tiên của cái duyên thủa ban đầu.
Buổi lễ khép lại thật vui. Công tác tổ chức thật chuyên nghiệp. Sự lồng ghép không hề gượng ép mà tạo lên sự sống động, chân tình vui vẻ. Duy chỉ phần nhạc, nếu bài hát trữ tình hơn thì thật tuyệt nữa...
Hình ảnh:
Thầy Đặng Chính Nghĩa khai mạc buổi lễ
Ban Giám Hiệu Tặng Hoa lưu niệm cho Đại diện nhà tài trợ
Ước Mơ Nhỏ trao học bổng cho sinh viên (01 em vắng vì ...bị cảm)
Các bạn sinh viên phát biểu và hát giao lưu
Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân Ấn Độ trao học bổng
Phó Giám đốc Ngân hàng trao học bổng
Thầy Đặng Chính Nghĩa trao Phần thưởng cho sinh viên xuất sắc
 
Đại diện UMN phát biểu
Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó GĐ hát rất tuyệt
Chủ tịch HH doanh nhân Ấn Độ phát biểu (bên cạnh là Ngài phiên dịch)
 
 
Bài và ảnh: Viet Hoa
PS: Do chuẩn bị cho công tác khảo sát và xem xét hoàn cảnh sinh viên trước khi các em đến hòa nhập cùng gia đình UMN cho nên  tuần qua UMN tập trung vào việc này. Một số chuyên mục bài vở tạm thời chậm trễ. Điện thoại có lúc ngoài vùng phủ sóng. Mong mọi người thông cảm. Bắt đầu từ đầu tháng 12/2013, chúng tôi cố gắng phơi-ơ-tông hàng tuần...
Xin cảm ơn 

 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất