Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bài tìm hiểu PG 7: Huyền Không Sơn Trung và sự nghiệp trồng người!

Từ cầu Tràng Tiền Huế đi khoảng 7-8 km về hướng Tây Bắc, cùng lối lên chùa Thiên Mụ, Tới Thiên Mụ đi tiếp 3 km nữa thì đến ngôi chùa Huyền không Sơn Trung (bà con nôm na gọi là: Huyền Không 1)
. Chùa tọa lạc ở thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa có kiến trúc độc đáo, hài hòa khác so với rất nhiều chùa chiền khác tại Huế. Chùa có kết hợp của kiến trúc Thái - Campuchia - Myanmar. Đôi nét liên tưởng đến bài trí Trung Hoa, cung đình Huế khi ngắm Phật điện và Yên Hà Các. Ngoài trụ cổng, đầu tường thành quanh chùa phù điêu trang trí cách điệu mô phỏng từ các trụ đá của tháp cổ Champa ở Mỹ Sơn, các đầu tường ở các chùa tháp Thái và Myanmar. Ngôi tháp phía sau điện Phật là bản sao thu nhỏ mô hình đại tháp Bồ-đề Đạo Tràng (Mahā Bodhi Gāya) Ấn Độ…

Ngoại trừ các bộ cửa lớn nhỏ, xà gồ, rui, lách bằng gỗ. Các kèo, cột, xuyên, xà của toàn bộ khối nhà là bê tông giả gỗ. Mái đao, hai đầu nóc…trang trí rồng và hồi văn cách điệu. Cửa sổ gian thờ Phật và gian thờ linh bố trí bốn bức phù điêu đắp lộng biểu tượng tứ linh: long, lân, quy, phụng với hai game màu xanh lam, trắng.

Chùa Huyền Không vào những ngày lễ hội được tổ chức thì nơi đây quy tụ chư Tăng và Phật tử Phật giáo Nguyên Thủy rất đông. Tinh thần đoàn kết trong nội bộ Phật giáo Nam tông tại Huế thể hiện rất rõ nét. Ngay trong lĩnh vực Hoằng Pháp, các vị sư Thượng tọa Giới Ðức, Pháp Tông và Tuệ Tâm đã kết hợp với nhau để làm những công tác từ thiện xã hội như đóng góp tiền tài để làm đường sá, cầu cống, xây dựng trường...

Một nét đẹp của Hoằng Pháp được duy trì và ngày càng tinh tấn và mở mang, Hiện nay, Trường Huyền Không số học sinh được học miễn phí lên đến hơn 600 em (so với 200 em năm 2002)

Ngay từ đầu thành lập chùa, các nhà sư phái Nam Tông tại Huế nhiều chương trình đóng góp cho xã hội như cứu trợ vùng bị bão lụt hằng năm; xây nhà cho người nghèo; phát tặng xe lăn cho người nghèo tàn tật; cấp gạo cho người nghèo vào các ngày lễ Phật giáo hoặc lễ truyền thống của dân tộc…
Trong các năm từ 1998-2002 chùa Huyền Không là Văn phòng của Ngài Tăng trưởng (Sagha Nāyaka) Phật giáo Nam Tông Việt Nam – Khantīpāla Mahātheravara (Đại trưởng lão Hộ Nhẫn).
Từ năm 2002 đến nay là Văn phòng của Phật giáo Theravāda tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chùa khởi nguyên trụ trì bởi sư Giới Đức. Sau khi Sư Giới Đức chuyển về hẳn Huyền Không Sơn Thượng thì trụ trì là Thượng Tọa Pháp Tông.
Tôi đã viết về các nhà sư như Ngài Hộ Tông, Hộ Nhẫn, Giới Nghiêm, Giới Đức… Bài này xin ít dòng viết về nhà sư trụ trì hiện tại của Huyền Không.
Thượng Tọa Pháp Tông nguyên quán Quảng Trị. Cái duyên của ngài đi tu cũng khác người. Trong những lần trò chuyện, Sư Pháp Tông cho tôi biết về bản thân thật mộc mạc. Ông tên khai sinh là Nguyễn Văn Thông. Ông bảo: ông có căn duyên đi tu nên đã trở thành nhà sư. Bởi vì, trong gia đình ông, người anh trai với ý chí dứt khoát là gia đình phải cho đi tu. Nhà sư khi ấy còn nhỏ và ít tuổi. Ông thú thực chưa biết gì về tu hành chứ đừng nói Phật Pháp. Nhưng trong gia đình thì chính ông là người phù hợp nhất cho việc đi tu.
Sư Nguyễn Văn Thông khi ấy mới là một cậu bé vị thành niên. Ông không phân biệt dòng tu nào với dòng tu nào. Nhưng người nhà và ông cũng muốn đi theo một Chùa nào tu mà…không phải ăn chay. Bởi vì ăn chay với cơ thể nhỏ bé của mình thì khó mà chịu nổi. Người ta đưa ông đến ngôi chùa thuộc Nam Tông. Đến đây, ông đạt mục đích là đi tu ăn mặn nhưng lại lâm vào tình cảnh: mỗi ngày ăn có một bữa trước Ngọ cho nên ban đầu cơ thể khó quen (cười).
Tất nhiên, đối với một người quyết chí tu hành thì những khắc phục nho nhỏ nêu trên chỉ là chuyện nhỏ. Với Giới Tử Nguyễn Văn Thông thì việc học lại là quan trọng nhất. Bởi vì, khi vào Chùa, ông chưa hề biết gì về Pháp, về Kinh, về các triết lý của Phật học. Ông học ngày, học đêm. Những ngày tháng ở chùa Huyền Không bên Bắc đèo Hải Vân, sức học, ham tìm hiểu của ông và nhà sư Tuệ Tâm từng khiến trụ trì là Sư Giới Đức hết sức quí mến. Ông là một người ham đọc sách, ông cũng là nhà sư được dành nhiều thời gian cho việc học. Cho đến khi tôi viết bài này, ông đang hoàn thành chương trình Cao học tại trường Đại Học Huế với chuyên ngành Quản Lý Giáo Dục. Về chức vụ, có lẽ Thượng Tọa Pháp Tông cũng là một vị sư đang giữ nhiều chức vụ nhất:

- Chủ trì chùa Huyền không

- Trưởng Ban Điều hành Phật giáo Theravāda Thừa Thiên Huế

- Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Theravāda Việt Nam (Vietnam Theravāda Buddhist College)- Nơi đang đào đào tạo các khóa sơ cấp và trung cấp về Phật học

- Hiệu trưởng Trường Văn Hóa – Ngoại ngữ -Tin học Huyền Không.

- Chánh văn phòng, trợ lý thứ nhất cho Hoà thượng Hộ Nhẫn (Ngài Hộ Nhẫn là Phó chủ Tịch HĐTS - GHPGVN kiêm Tăng trưởng Hệ phái Nam Tông, uỷ viên Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Huế, là người tổ chức và điều hành các Phật sự trọng yếu của Phật giáo Nam Tông tại Thành phố Huế)

Tôi và nhà sư quen biết nhau qua cái duyên Giáo dục. Từ khi qũi Ước Mơ Nhỏ và các em học sinh nghèo của Phật tử chùa Huyền Không gặp nhau. Lúc ấy, Trường Huyền Không đang có khoảng 10 lớp học về văn hóa và ngoại ngữ cho các em học sinh.

Ban đầu, người viết cũng ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên vì một ngôi trường nghèo, nhiều trẻ em ham học và không ít trẻ em thất học lại có một ông Hiệu trưởng là một nhà sư ở cấp phẩm Thượng Tọa. Ban đầu ấy, tôi còn thắc mắc và có phần muốn vặn vẹo về nguyên tắc, về qui chế của một ngôi trường, cơ cấu của một ban Giám hiệu và người hiệu trưởng phải như thế nào. Những thắc mắc của tôi dần được giải đáp khi tìm hiểu biết rằng nhà Sư đang …đi học để làm Hiệu trưởng và làm Quản lý giáo dục (Hơi bị nể). Tôi cũng tham khảo ý kiến của vị Phó giáo sư Tiến sĩ đang là giảng viên của Trường Đại Học Sư Phạm Huế thì được biết: Sư Nguyễn Văn Thông (tức sư Pháp Tông) học rất giỏi, kiến thức sâu rộng và nhất là các ý tưởng Hoằng Pháp của nhà sư không phải ai cũng nghĩ tới. Ví dụ: Nhà Sư bỏ công sức tự mình đi các nước trong khu vực, tham khảo cách dạy, cách học, cách quản lý…của họ rồi về viết Tổng kết, đúc rút ra những kinh nghiệm, chủ trương áp dụng rất hữu hiệu cho ngôi trường Huyền Không. Ví dụ cụ thể gần đây nhất, ông có hai chuyến đi dài ngày qua Thái lan và Nhật Bản.

Các đề tài, tiểu luận, luận văn của Nhà Sư Pháp Tông như “Phân tích những đặc điểm của nền giáo dục Nhật Bản hiện đại – Phương pháp luận so sánh –rút ra những kinh nghiệm cho công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Giáo dục”; “Nghiên cứu chính sách giáo dục Phật giáo của Tháo Lan và hướng vận dụng cho Việt Nam”… đã được đánh giá cao.

Có điều, những người tu hành họ rất khiêm khi nói về bản thân.

Cho đến một năm kia, tôi có vinh hạnh cùng với Thượng Tọa hành trình dọc Miền Trung để trao học bổng theo chương trình Ước Mơ Nhỏ. Phải nói rằng chuyến đi có rất nhiều kỷ niệm. Chúng tôi là những tay …đàn ông nên trên xe không thể không có những lúc trò chuyện, kể chuyện này nọ. Vẫn từng nhắc nhau rằng: phải luôn luôn phanh cái miệng lại kẻo đôi khi không giữ ý mà chuyện về chị em hay chuyện đời thường quá đà thì Sư ông sẽ phiền lòng. Nhưng quả thật là vui vì suốt hành trình, Thượng Tọa ngồi yên vị như một vị Thiền, đơn giản và nhẹ nhàng tĩnh tại. Với chặng đường từ Huế ra Vinh vài trăm km trên chiếc xe hơi không lấy gì làm mới và êm ái nhưng sức khỏe, sự dẻo dai của sư ông thật tuyệt. Khi đến Hà Tĩnh, chúng tôi ai nấy mệt nhoài nhưng ngài vẫn tươi cười tiếp xúc với các Phật Tử, giảng Pháp và niệm Kinh.

Có thể nói, dù Ngài theo tu hành còn tôi là một kẻ ngoại đạo. Hai chúng tôi hoàn toàn khác nhau mọi mặt. Cái khoảng cách lễ nghi giữa hai bên cũng khá lớn. Nhưng qua những chuyến đi, qua những lần cùng công việc, giao lưu và tiếp xúc tôi thấy đây chính là một vị sư đang Hoằng Pháp đúng như kỳ vọng của tôi. Vẫn 3 y, một bát, thượng tọa thường xuyên khất thực. Ngài còn kể rằng: với 600 em học sinh của trường học hành toàn bộ miễn phí như thế, nhà Chùa chúng tôi lo cũng vất vả. Có những nhà sư và cả tôi phải thường xuyên đi khất thực góp nhặt kinh phí…

Nhiều đêm, sau khi cùng phật tử và chư tăng tụng kinh xong trên Chánh điện, nếu tôi ghé tới, Thượng Tọa vẫn vui vẻ cùng trò chuyện và đàm đạo tới khuya. Đôi lúc, vì tuổi tác xem xem nhau, tôi cứ mong và nghĩ rằng: tôi và Thượng Tọa là những người bạn trao đổi về Pháp, về chuyện đời…Trong bút mời, Ngài gọi tôi là Đạo Hữu. Ngoài trò chuyện vẫn anh, tôi. Còn tôi thì xin phép Ngài rằng: em xin gọi Sư là Thầy vì những giáo lý thầy trao đổi, chia sẻ, vì kính nể những việc Thầy đã làm được cho đời này, cho bà con Nham Biều. Nhưng em không biết quì lễ vì em không là Phật Tử. Thày Pháp Tông cười: chuyện đó không hề chi…

Với chùa Huyền Không, Nhắc đến Chùa đồng thời cũng là nhắc đến trường Huyền Không. Huyền Không có một Hội đồng giáo viên. Chúng tôi khi tiếp xúc và tìm hiểu thấy tâm, nguyện, quan điểm của các thầy giáo, cô giáo thật cảm động. Chỉ nói một câu để đầy đủ về các Thầy, các cô: ”Nếu không có TÂM thì không làm được, không theo dạy được ở đây”. Bởi vì: nhà trường kinh phí không nhiều. Các Thầy, các Cô dạy cũng chỉ nhận những đồng tiền thù lao tượng trưng (nếu thầy nào ở xa thì cũng chỉ đủ tiền đổ xăng đi đến trường thôi). Những thầy, cô mỗi ngày đi từ Nội thành lên Nham Biều cũng gần cả chục cây số. Nhiều năm qua, những tà áo dài, những dáng áo trắng cứ cần mẫn đi, về chuyển chữ, chở đạo cho Huyền Không (tức là cho các em học sinh nghèo, con em Phật tử vùng sâu, vùng xa). Thầy Trần Hữu Cửu, Cô Nguyễn Thị Thơm, Cô Hoàng Thị Thi Thơ, Cô Phạm Thị Như Ý, Trần Xuân Lan, Trần Minh Thư, Nguyễn Thị Rôn…và nhiều thầy giáo, cô giáo chúng tôi không nhớ hết. Nhưng từ mỗi Thầy, Cô, chúng tôi cảm nhận sự thương yêu, đồng cảm với học sinh rõ nét. Trong những ngày khai giảng, tựu trường được tham dự, tôi cũng thật hạnh phúc với những tấm hình mình ghi vội mà trong khung hình có thầy, có cô, có các sắc màu của trang phục mà trong đó, có những manh áo bạc vá víu, những bộ đắp y của chú Tiểu, những bàn chân với dép tổ ong, dép bọt đã mòn vẹt đầy ngập phong trần …

Ỡ Huyền Không, bên trường Trung cấp Phật Học, chúng tôi còn được biết đến một Hội Pháp Hữu Huyền Không. Hội này do 14 vị thành lập với mục tiêu cụ thể là: chia sẻ với nhau về Pháp Học – Pháp Hành. Khẩu hiệu của họ là “Hết mình vì việc chung, quên mình vì Phật Pháp” Có lẽ, đây cũng là một điều khác so với những nơi khác.

Đi sâu vào chương trình học. Về văn hóa, các Thầy Cô trao đổi rằng: Với chương trình học Phổ thông hiện tại, các em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa thật khó lòng có điều kiện học thêm ở các trung tâm cho nên kiến thức không bao giờ theo kịp các em học sinh ở thị trấn và thành phố. Những tháng hè, các em có thể đăng ký học miễn phí, củng cố kiến thức. Riêng với hệ thống các lớp Anh Ngữ của Huyền Không, Hội đồng Anh Văn, Ban Giám Hiệu đã có những bước đi đột phá: ”Sau khi xem xét và khảo sát, nghiên cứu sự học ngoại ngữ ở các quốc gia lân cận và các nước tiên tiến trên thế giới, năm nay, trung tâm Anh Ngữ Huyền Không  có những bước thay đổi cách dạy và cách học. Cụ thể, chương trình học sẽ chú trọng tập trung vào việc học kỹ năng nghe và nói. Việc kiểm tra, thu hoạch cũng theo 4 kỳ (2,5 tháng/kỳ). Hội đồng giáo viên họp, thảo luận, thống nhất biên soạn giáo án và sách học phù hợp với phương pháp học mới…”(trích báo cáo)
Có thể nói, từ ngày Thượng Tọa Pháp Tông nhận trách nhiệm Chủ trì chùa Huyền Không Sơn Trung, từ việc bố trí, thiết kế không gian đến phát triển sự nghiệp Hoằng Pháp ở lĩnh vực giáo dục có những bước đột phá rõ rệt.
Tất nhiên mà nói: Thành công của chùa Huyền Không hôm nay có sự giúp đỡ quí báu của Chính quyền địa phương; sự chia sẻ của Hội Phụ Huynh, của các thầy, cô giáo; sự quên mình của các nhà sư tại đây; sự hỗ trợ đầy tình người của các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài nước; sự tin tưởng, gắn bó của các thế hệ học sinh nhưng phải nói rằng vai trò Chủ trì của người đứng đầu như Thượng Tọa Giới Đức, Thượng Tọa Pháp Tông có tính chất định hướng và quyết định. Cũng cần nói thêm ở đây sự động viên tinh thần kịp thời và tinh tấn từ Hòa Thượng Viên Minh đối với các sư đệ của mình...
Kể từ năm 2009-2010, cái duyên của Ước Mơ Nhỏ gặp Trường Anh ngữ và Văn hóa Huyền Không. Sau khi gặp duyên, trao học bổng cho một số sinh viên của Trường Đại Học Y Dược Huế do Sư Thầy Tuệ Tâm – Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa giới thiệu. Từ đó, quĩ Ước Mơ Nhỏ thường xuyên hỗ trợ cho trường Huyền Không (có các bài viết mô tả). Trò chuyện với chúng tôi, các nhà Sư Phật Giáo Nam Tông cho biết: “Trong lĩnh vực đào tạo. Nhiều năm nay, Huyền Không nung nấu dự định mở thêm 2 cơ sở. Đó là một Trường Thiền trên khung cảnh rất Thiền của Chùa Huyền Không Sơn Thượng và một Trung tâm y tế với qui mô đầy đủ, thuận tiện chữa bệnh cho người nghèo phát triển lên từ Huyền Không Sơn Hạ và cũng là nơi đào tạo ra các lương y bổ sung vào lực lượng phát triển cây thuốc, thăm khám, chữa bệnh định kỳ cho bà con...
VietHoa: Bài và ảnh
Từ trái sang: Sư Pháp Tông, sư Tuệ Tâm, Sư Chơn Hữu
Các thầy giáo, cô giáo
Sư Pháp Tông tặng phần thưởng cho học sinh giỏi
Thầy và trò dưới nhiều màu áo
Hội đồng giáo viên
Giấy khen và sổ điểm tự tay Thượng Tọa Pháp Tông thiết kế
Khai giảng
Sư Pháp Tông và sư Tuệ Tâm
Các Thầy, Cô, các Sư và Nhà tài trợ, PHHS
Nhà báo Hoàng Thành {bên trái - quần xanh} (Báo Thừa Thiên Huế) lúc sinh thời rất nhiệt tình với Trường Huyền Không
Sư Pháp Tông dự trao học bổng ở Nghi Long (Nghệ An)
Sư Pháp Tông dự trao học bổng tại Quảng Trị (Hải Lăng) Quí vị đứng hàng sau là CBCNV công ty Thành Đạt Đà Nẵng -nhà tài trợ Học bổng
Sư Pháp Tông dự trao học bổng tại Nghi Lộc 1 (Nghệ An)
Sư Pháp Tông chụp ảnh kỷ niệm với đại diện bà con Phật tử Hà Tĩnh
Lễ thọ Sadi giới tại Chùa Huyền Không Sơn Trung
Tác giả với Sư Pháp Tông

Bài sau: Cuộc sống này còn có một Huyền Không Sơn Hạ

 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất