Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tìm hiểu PG 6: Sự nghiệp Dựng Chùa, trồng rừng & văn chương

   Hoằng pháp là một công tác quan trọng để con người thấm nhuần chính pháp, giác ngộ giáo lý của Chư Phật. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo, Ngài cũng nghĩ đến việc hoằng pháp trước tiên, chính vì thế nên Ngài thành lập giáo Hội Tăng già để Chư tăng lên đường hoằng dương chính pháp.
.
 Dù theo dòng Phật học nào thì các Chư Tăng Ni đều Hoằng Pháp. Đôi khi phương tiện hoằng pháp mỗi nơi có khác nhau, nhưng đều nhắm đến chúng sinh nhằm phát huy điều thiện và xa lìa điều ác, vì mục tiêu của đạo Phật là không làm điều ác, thực hành các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch.

Ngày xưa Phạm vi Hoằng Pháp đơn giản như: Buổi sáng đi trì bình khất thực; Buổi chiều thuyết pháp độ chúng sinh; Buổi tối dạy đạo Chư Tăng; Khuya giải đáp thắc mắc của chư thiên…

Trước đây, phương tiện giao thông hạn chế, kinh tế còn mỏng, đa số Chư Tăng Ni đi Hoằng Pháp bằng bước bộ. Ngày này, đường xá phát triển, phương tiện dồi dào, KHKT phát triển người ta có thể đi bằng xe hơi, máy bay, tàu thủy và nhờ Intenet thì ngồi nhà cũng giải đáp và Hoằng Pháp như thường.

Bản chất của Đi khất thực là hình thức nhập thế của Đức Phật Thích Ca, vừa chứng tỏ con người có hoạt động xã hội, tạo duyên lành cho chúng sinh gieo duyên lành trong chính pháp; cơ hội giảng dạy giáo lý bằng phương pháp lý thuyết và thực hành; Khất thực là hình thức thể hiện hạnh Từ bi bác ái, tinh tiến và nhẫn nại trong giáo lý đạo Phật. Trong kinh luật truyền thống đi trì bình khất thực là đời sống của Chư Phật.

Ngoài những hình thức Hoằng Pháp nêu trên thì ngày nay, việc Tụng kinh là việc mỗi ngày,  Tụng kinh công phu cũng là hình thức gia tăng chính niệm trong đời sống tu tập. Người tổ chức tụng kinh công phu cũng là người hoằng pháp.

Những lễ nghi trong đời sống của người cư sĩ như: đám ma, đám cưới, đám giỗ đều cung thỉnh Chư tăng đến tụng kinh cầu nguyện và ban phúc lành, hình thức lễ nghi như vậy cũng là Hoằng Pháp.

Viết kinh, dịch sách cũng là hình thức hoằng pháp lợi ích lớn và có giá trị cao. Ngày xưa, chúng sinh nhiều người thất học, không biết chữ thì Thuyết Pháp là hữu hiệu. Nhưng, cái hạn chế là thuyết pháp giống như gió thoảng mây bay, người nghe khó lãnh hội hoàn toàn. Nay đa số dân sinh, phật tử biết đọc, biết viết, những kinh sách để đầu giường ghiền ngẫm năm này qua tháng nọ, giúp Phật tử dễ chiêm nghiệm và thực hành chính pháp hơn.

Tu bổ Chùa cũng là hình thức hoằng pháp; các đoàn từ thiện của Phật giáo phát quà cho những người bị thiên tai và vùng sâu vùng xa cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh. Buổi cơm cho người già, giếng nước làng quê, nhà tình thương được xây dựng, những trẻ em lang thang đường phố và những trẻ em bất hạnh thiếu cha mẹ được giới Phật giáo chăm sóc và nuôi nấng ăn học nên người. Mở lớp học văn hóa, cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện, góp phần cùng chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường…

Những nghĩa cử chỉ đó tỏ tấm lòng từ thiện, nhưng tính chất hoằng pháp không thể không có. Hoằng pháp xưa và nay tuy hình thức khác biệt theo biến thiên của thời gian và sự tiến bộ văn minh của con người, nhưng mục đích đều hướng dẫn đại chúng thâm nhập và liễu ngộ chính pháp.

Mỗi tôn giáo, mỗi dòng tu đều có những giáo lý, hoằng pháp riêng của họ. Có nơi, có dòng tu phát triển thành các giảng sư, hệ thống truyền giáo được coi trọng đặc biệt, biết phát động những cuộc truyền giáo quy mô lớn đi đến khắp nơi trên thế giới (thời nay người ta gọi là quảng cáo hay lăng xê). Mỗi tôn giáo đều có chân lí và giáo điều riêng, mang các sắc thái khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng chung một lòng yêu thương và muốn cứu độ chúng sinh.

Chẳng thế, trong giới Chư Tăng Ni của các dòng Phật học vẫn có câu khuyến nhủ:” Phục vụ chúng sinh chính là cúng dường Chư Phật!

Tâm đắc với nhận định trên, người viết bắt đầu đi sâu tìm hiểu về Hoằng Pháp của những nhà Sư và những ngôi chùa Phật Giáo Nam Tông ở phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vẫn xin bắt đầu từ ngôi chùa mái lá Huyền Không bên triền Bắc đèo Hải Vân.

Năm 1976, Sư Viên Minh được cử về Sài Gòn làm Tổng thư ký hệ phái Nam Tông tại chùa Kỳ Viên.

Năm 1978, Chùa Huyền Không từ Phú Lộc, Lăng Cô chuyển về thôn Nham Biều, Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Các vị sư cũng chuyển về đây. Chùa vẫn lấy tên là Huyền Không. Tại đây, Nhà Sư Tuệ Tâm bắt đầu chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho bà con Phật tử nghèo. Cũng tại đây, một trường học Pháp của Hệ Phái Nam Tông hình thành…

Cho đến năm 1989, Tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành giao đất, giao rừng. Chùa Huyền Không Sơn Thượng bắt đầu hình thành với tâm sức của nhà sư Giới Đức. Cho đến hôm nay, với 55 ha rừng của Nhà Nước giao cho Nhà Chùa cho thấy đó là một quyết định sáng suốt của bên Giao cũng như bên Nhận. Bởi vì: từ một vùng rừng núi hoang sơ, đường đi chỉ là một lối mòn băng qua lạch, qua suối. Những Nhà Sư đã dốc công tạo dựng lên một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, từng phân khu với màu xanh tuyệt kỹ của cây quí, cỏ quí và nước, mây, non, mộc…làm đắm lòng biết bao nhiêu du khách, phật tử xa gần.

Những nhà sư cần mẫn và đầy nghị lực của Chùa Huyền Không mái lá ngày nào, theo năm tháng đã trở thành Hiệu Trưởng, thành Tiến sĩ văn chương, thành Giám đốc Trung tâm kế thừa YHDT…mà càng tìm hiểu về họ, người viết càng khâm phục và kính nể đến kinh ngạc trước thực tế “nước lã vã lên hồ” của các nhà sư. Mặc cho lúc nung nấu ý định viết bài thì Nhà sư Thích Tuệ Tâm cứ chắc đi nhắc lại bảo: viết khiêm lời thôi anh nhé…

Tôi dù vâng dạ với Sư nhưng trong bụng thì bảo dạ: Cứ viết! Bởi cái việc của các Sư đang làm nó có ích lợi quá chừng cho dân chúng. Các Sư biến rừng cằn thành khung cảnh du lịch đẹp; Phát triển một trường học độc đáo mà thiết thực; Làm nên một bệnh viện nho nhỏ Đông y. Cái gì cũng miễn phí! Cái gì cũng mang dáng vẻ vô tư như thế kia nó khác nhưng nơi khác nhiều lắm…

Như đầu bài bút ký dài này đã đề cập: tôi muốn luận về Huyền Không Sơn Thượng- Trung và Hạ.

Có lẽ nên cắt nghĩa luông để bạn đọc không nhầm. Huyền Không Sơn Thượng (thượng = cao) xin hiểu là ở trên cao (vì nơi ấy có độ cao hơn 300 m so với mặt biển). Huyền Không Sơn Trung chính là chùa Huyền Không mà bà con cứ nôm na gọi là Huyền Không 1. Gọi là Sơn Trung vì chùa nằm ở gần trung tâm và cũng là nơi nhà sư Giới Đức trụ trì 10 năm, sau giao cho sư Pháp Tông trụ trì để lên Huyền Không Sơn Thượng. Còn Huyền Không Sơn Hạ thì ý nghĩa không theo cách hiểu thường. Ở đây, ý nói là những nhà sư của Huyền Không …hạ sơn (xuống núi) để hoằng pháp (chữa bệnh cho bà con nghèo). Chứ thực chất, chẳng có ngôi chùa nào tên là Huyền Không Sơn Hạ cả. Khi các nhà sư hạ sơn chữa bệnh cho bà con thì địa điểm cũng phải thay đổi tới mấy lần. Có lúc còn phải đi ở nhờ bên chùa Diệu Đế. Cuối cùng, khi sư Tuệ Tâm về tiếp quản chùa Pháp Luân thì Trung tâm kế thừa YHDT mới đi vào hoạt động ổn định cho đến bây giờ…

Xin bắt đầu từ HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG.

Có lẽ, với ngôi chùa nhỏ mà chứa tới 18 nhà sư thì: cái ngôi chùa Huyền Không ở thôn Nham Biều, Hương Hồ đã quá chật. Sư trụ trì hồi đó là Tỳ kheo Giới Đức (tức nhà văn, nhà thư pháp Minh Đức Triều Tâm Ảnh) đã liên hệ với chính quyền địa phương xin giao hơn 50 ha đất rừng để trồng rừng.

Khá khen ngài với con mắt nhìn xa và một góc nhìn Phong Thủy sâu sắc đã tìm ra Hòn Vượn này với cái thế từ trung tâm chùa nhìn ra Tả Thanh Long là một triền đồi thoai thoải, Hữu Bạch Hổ là một dãy núi cao liền khối với núi mẹ, cây rừng xanh nguyên sậm. Phía Tây Nam có một mỏm núi với cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá được gọi là Độc thụ sơn.

Công sức đổ vào ngôi chùa này của thầy, trò và đạo hữu Sư Giới Đức thật không nhỏ. Sự qui hoạch nơi đây cũng thật khoa học, lãng mạn và đậm chất Thiền nhưng rất giàu chất thơ.

Huyền Không Sơn Thượng được tạo lập từ năm 1988, ban đầu chỉ là những trang trại hoang sơ trồng lúa, khoai

Sư trụ trì, như chúng ta đã biết: ông từng tâm sự rằng ông mê thư pháp, ham học chữ Hán và nghiên cứu Đông-Tây-Kim-Cổ. Từ chùa Huyền Không Sơn Trung đến Huyền Không Sơn Thượng, ông cho thiết kế và đặt tên, bài trí đậm, chất Thiền và Hán Nho.

Có lẽ không ở ngôi chùa nào mà các danh từ chung, các tên gọi của tứ vật dụng lại lãng mạn và nên thơ như thế. Rừng Tùng có tên rất hay: Vạn Tùng Sơn. Những cây cầu bắc qua những hồ nước mang những cái tên đẹp như tố nữ: Tĩnh Không kiều, Lãm Thượng kiều, Giải Trần kiều. Những cái hồ nước được đặt tên hoành tráng: Vọng Oa Đàm, Hàm Nguyệt Trì. Với cái cổng chùa cũng có tên thật y nghĩa: Phương Thảo Địa!  Một nơi dừng chân ngắm bến: Mái Lương Đình, nơi tĩnh tại ngắm cảnh: Yên Hà Các...

Chùa Huyền Không có ba khu vườn có tính chủ đạo cho cảnh trí chung là Thanh tâm viên, Phương thảo địa và Hứa nhất thiên. Giữa vườn Thanh tâm là một hồ nước lượn cong hình chữ S với cái tên thi vị "Hàm nguyệt trì" (ao chứa trăng) có lối đi quanh co được xếp bằng các phiến đá để dẫn con người lạc bước vào bức tranh thơ. Ngoài ra chùa còn xây dựng một thi hiên (mái thơ), nơi để các tăng sĩ hoặc các du khách đề thơ...
Ở đây, điều đáng khen là thực tế những khu vườn, những cây cầu, hồ nước, rừng thông, rừng thiền, đá…đều xứng đáng với cái tên mà chủ nhân đặt cho bởi sự kỳ công, đích đáng tạo dựng và dáng vẻ nguy nga lộng lẫy của nó.

Nhìn vườn Bonsai với nửa ngàn gốc chậu đủ bề, đủ thế; ngắm vườn lan rừng trác tuyệt khoe vẻ đẹp vươn uốn tự nhiên có một không hai kia du khách đã đủ thấy sự tỉ mỉ cần mẫn của người chăm nom, uốn tỉa và xa nữa: cả một hành trình gian nan, nguy hiểm và vất và của các nhà sư sau bao nhiêu chuyến đi lạc thảo, luồn rừng để mang về những giò lan đệ nhất. Những cội mai già, những gốc tùng, bách. Những thảm cỏ rêu phong. Những thảm lục bình rợp màu hoa tím. Những gốc lộc vừng soi bóng thả hoa tươi thắm xuống nước hồ. Những rặng trúc sậm xanh vững chãi ken ken bên lối đi…Tất cả như khoe vẻ đẹp tao nhã hoang sơ. Dường như ở đây có sự hiện hữu của muôn loài thực vật nhiệt đới. Với cung cách thể hiện phô bày, Từ vườn đến hồ, rừng thông, rừng thiền, am, cốc…hướng tới tưởng thưởng cho du khách, dành cho họ ngắm đến mãn nhãn, chụp hình đến thỏa thuê mà không hề thu một đồng cước phí…

Một điều hấp dẫn nữa là khung cảnh vốn thiên nhiên nhưng thể hiện với phong cách trang nhã; vật dụng không đồ sộ mà nhỏ xinh, nhiều thứ từ bằng tranh tre, gợi lên thi hứng, tạo cảm xúc lãng mạn hơn là cảm giác u mặc; các bức thư họa trang trí, các bảng hiệu, lời nhắc, biển chỉ đường cho thấy một không gian văn hóa cổ điển, hàn lâm hơn là sự nghiêm cẩn chùa chiền.

Nhà sư trụ trì Phật tử quen gọi là Sư Giới Đức. Bút hiệu của ngài là Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Thật lạ, khi người viết đến với chùa Huyền Không Sơn Thượng nhưng trong lòng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình đang ngồi nghe chuyện của một Sư ông mà trước mắt tôi là một cụ già quắc thước, tướng mạo minh kỳ. Buổi ban đầu, tôi hơi ngạc nhiên nữa bởi nhìn tướng mạo ông cụ, tôi thấy toát lên một vẻ lãnh tụ, nghiêm quân. Tôi thầm nói với Nhà báo Hoàng Thành (Báo Thừa Thiên Huế) đi cùng rằng:” Vị Tỳ Kheo này theo nghiệp tu hành có lẽ xã hội mất đi một nhà kiến trúc”. Hình như vậy. Sau khi tham quan khu ngoại vi với những cảm xúc lãng mạn, thoát trần, dù có phô bày đường nét và dung nhan đậm chất Rừng Vườn nhưng thực sự ngăn nắp. Đi sang khu nội viên thì cảm xúc khác hẳn bởi sự giản dị, tĩnh tu.

Là người cầm bút, tôi thực lòng cảm phục bút lực của sư ông. Những đôi liễn, những câu đối, những họa thảo được trưng bày cho thấy tác giả là một cây bút có nội lực mạnh mẽ. Đọc những dòng liễn, không khó khăn để cảm nhận rằng: Nhà sư yêu mến và tâm đắc với ngôi chùa của mình đến nhường nào: Nghe đạo, hương rừng theo gió đến/Đọc thơ, trăng sáng vượt non về. Và chỉ có những người hiểu sâu xa về Thiền, về Đạo, về Pháp và gần gũi vô cùng với thiên nhiên mới có thể viết tự trào đến nhường này: Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói/ Kinh thư đa nghĩa nước trăng cười.

Nhưng mà, sau khi lần giở các tập thơ Bụi, Trăng và Lửa, Giun Dế Hư Vô, Lửa Lạnh Non Thiêng, Chữ Cháy Bờ Lau …của nhà sư thì tôi thấy rằng những cảm nhận về sư ông trong tôi có phần đúng. Bởi rằng: Thơ chính là những tiếng lòng của tác giả; là sự chắt lọc ngôn nghĩa tinh tế từ tâm hồn. Có đọc mới biết và mới thấy tâm hồn nhà thơ còn nhớ Đời và Thương Đời nhiều lắm.  Xin trích nhé:

Thương mầm cỏ/Thương lộc cây
Mắt xanh nhìn vận hội
Thương dòng chảy tâm tư, thất lạc tháng năm dài
Chuyện nhân tình
Thế sự đám bèo rong
Chảy mải miết và trôi mải miết
Phận tử sinh đâu thuộc có cùng không!
…Thế là mầm xanh
Xanh câu thơ, con chữ
Cho thời đại đi qua rơi rớt bụi văn minh
Cho lịch sử đừng quàng hoa nguyệt quế
Giọt nến đêm, khô lệ khóc nhân tình
Cho ý tưởng, sợi nắng hồng thi thiết
Vắt qua sông
Cầu nối đến vô biên
Gỡ kỷ niệm thả trôi vào quá vãng
Cho vườn chùa lấp lánh ánh trăng thiền
Dòng chảy tâm tư có khi bỏ bến
Ngắm cô liêu, rõ suốt huyễn hư này
Xuân tự tại, ta chung trà đối ẩm
Uống cạn điêu linh
Khổ đế ngọt bùi cay!
Cấy mầm xuân lên trái tim, khối óc
Cõi phù sinh
Vô vị áo cơm thừa
Ai lướt thướt kéo lê đời mình trong nụ cười tiếng khóc
Hơi thở liên hồi…háo hức chuyện hơn thua…
(Trích: mầm xuân và ý tưởng)
Thơ của ông bao giờ cũng nhiều dòng tự sự:
Ta vốn ở rừng thiền, ăn sương và uống móc
Thấy cội sim già và lau lách dọc triền khe
Đất mẹ trối trăng, lên hoang vu ngồi khóc
Theo hơi thở sông dài, cỏ rác chẳng buồn nghe

Nhưng ngay sau đó, sự vững vàng và tâm hồn lãng mạn, tài hoa:

Lật trang xuân, nghe xuân vui nét bút

Chữ đầy hiên, ý tưởng nẩy mầm xanh

Phải thời gian vùi sâu miền mộng nhỏ

Giọt sáng trên đầu, trăng hiện cõi phù sanh…

(Mộng chữ)

Rồi:

Nhưng cuộc đời vẫn cứ thế vần xoay

Một ngày vui sẽ tử

Một ngày buồn sẽ sinh… 

Và thật lạc quan:

Còn khoảng trời mênh mông chưa vẩn đục

Dành cho trăng, cùng giọt lệ thanh bình

 

Ngoài thơ, sư Giới Đức còn được biết đến từ 3 kênh khác là Một cao thủ cờ tướng; một người viết truyện ngắn và truyện dài khá hay. Đặc biệt, ông là một trong những người tác giả của Thư Pháp chữ Việt.

Về thân thế, tiểu sử của ông, tôi đã có một bài viết khá kỹ (ở đây). Trong bài viết này, tôi muốn cảm ơn ông đã cho tôi biết đến một ngôi chùa Rừng-Vườn rất đặc biệt. Chùa đậm chất Thiền nhưng ắp đầy thi vị và đem đến cho du khách sự lãng mạn đến tận đáy tâm hồn. Tất nhiên, lời cảm ơn của tôi thì quá nhỏ bé. Nhưng tôi cũng muốn nhắc lên đây, lời cảm ơn của bà con vùng Núi Vượn, đồng Chầm đến Sư ông khi nhờ có Sư mà bà con có chiếc cầu Bạch Yến để qua lại giữa vùng heo hút nghèo. Nhờ có Huyền Không mà lối nhỏ đường rừng đã trở thành con đường bê tông hóa phẳng phiu. Gần đây, khi chúng tôi leo dốc lên thăm chùa, thật phấn khởi nhìn hàng cột điện trung thế nối nhau dăng dăng đem điện về Rừng. Tất cả, nhờ có Huyền Không và các Nhà sư Nam Tông đã quyên góp, nhận cúng dường và ngày đêm lăn lộn làm ra sản phẩm… Cảm ơn bàn tay bài trí hoạch định qui hoạch của nhà sư trụ trì đã biến vùng đồi u tịch ngày xưa thành một địa điểm thưởng lãm, bổ sung cho hòn ngọc xanh xứ Huế một điểm du lịch đầy thơ.

Các cụ ngày xưa nói cái sâu sắc và cái đẹp: nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng. Chùa Huyền Không Sơn Thượng hôm nay đã hội tụ đủ 4 hạng mục đẹp đó.

 Ai lên chùa là gặp ngay ở triền núi dọc con đường vào - những tấm đá khắc chữ bằng thư pháp, nét chữ bay bướm mà thân thiện, dù đã phai màu theo thời gian nhưng ý nghĩa triết lý thì ngày càng đậm nét. Những nét chữ tạo cho người đọc một tâm trạng háo hức khi sắp bước vào một trang sách đầy những điều đặc biệt của Đạo, của Thiền...

Với sư ông Giới Đức, kỳ tích của Ngài còn ở chỗ dùng đức độ và khả năng cảm hóa của mình giúp đưa được không ít những con người sắp và đang lạc lối trở về với đời thường. Họa sĩ Hà MinhTuấn và đặc biệt là gã đại ca chuyên bảo kê các bãi vàng, quán ăn trên cao nguyên tên là Huỳnh Thiện Hữu. Nhà sư cho gã học tu tại Cốc. Sau nhiều năm, gã giang hồ ấy qui y xuất gia trở thành Sadi và thành Đại Đức hiện trụ trì chùa Định Quang. Nhắc đến vị sư này, chúng ta chắc nhiều người nhớ: Đó là Đại Đức Chơn Hữu. Hiện tại, chùa Định quang của sư Chơn Hữu đang giúp dạy ngoại ngữ cho khoảng 200 em học sinh con em của phật tử trong vùng. Riêng chùa đang cưu mang gần chục em nhỏ không nơi nương tựa. Tất cả kinh phí đều bằng tiền xoay xở từ khất thực tới vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm…

Trước khi khép lại những dòng viết về Huyền Không Sơn Thượng, người viết nghĩ rằng: Việc mở ra ngôi chùa đẹp và ấn tượng; Nhà sư Giới Đức không chỉ là người có công lao lớn nhất về việc tạo dựng nên một tài sản vật thể khổng lồ cho ngành du lịch. Ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn chương, tác phẩm phật pháp, thư pháp nổi tiếng. Với tôi, ông là một nhà Hoằng Pháp kiệt xuất.
 
Bài và ảnh:  VietHoa

Thượng tọa Giới Đức (Nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
 
 
 
Thú sưu tập tượng Phật của Tỳ Kheo Giới Đức
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


 
 
Tác giả đội sổ nha

Bài tiếp theo: Huyền Không Sơn Trung sự nghiệp trồng người!


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất