Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

tìm hiểu tôn giáo Bài thứ 2: Những điều nghe và thấy

 
VietHoa   II-  NHỮNG ĐIỀU NGHE VÀ THẤY:
 

Tự cảm thấy những bài viết nếu nghiêm túc quá là khô khan. Xin phép rằng: nếu phần nào viết hài hước được sẽ cố gắng hài hước. Miễn sao nó không mất đi cái chất thực của bút ký, phóng sự

 

Phải nói trước rằng: Tôi sinh ra và lớn lên, học hành ở Miền Bắc Việt Nam. Không chỉ sinh ra lớn lên đúng cái thời mà tôn giáo gần như bị bài xích (ai bài xích thì tự biết). Bên Công Giáo thì khỏi nói rồi. Bên Phật Giáo cứ manh nha nhiều chuyện rỉ tai nhau là thế này, thế nọ.

Đôi khi, tôi thử vào thư viện, hỏi các vị cao nho về tôn giáo…thì thú thật: tìm đâu thì biết đó. Chả thấy đâu là chuẩn. Các dữ liệu, chứng cứ và nhất là phần lý luận của phật giáo hồi ấy dù có muốn cũng khó biết tìm đâu cho đích đáng

Tài liệu, sách báo chính thống thì đã vậy. Thêm những người hành sự liên quan mỗi người lý giải mỗi phách. Các vị sư khả kính thường kín tiếng, sống khép kín. Còn vài vị liên quan thì trao đổi cũng chưa giống nhau. Ông thì duy tâm, ông thì …duy ý chí và thậm chí rất nhiều ông nhí nhố. Không ít vị còn cố tình mập mờ, tạo thêm vẻ huyền bí và mê tín đẩy tình cảnh vào mê hồn trận khiến cả một số người có tâm ý nghiêm túc tìm hiểu thêm nản lòng. Với cái đận khó khăn, đói kém và bao cấp xưa, miếng ăn kiếm còn khó, cái mặc tìm không ra thì có bỏ công tìm hiểu Chùa, Đình, Phật, Pháp, Bụt, Tượng…cũng là lãng mạn lắm, hãn hữu lắm…Dưng mà khi tìm lại chạm vào đủ thứ như mê hồn trận như thế, trong khi cái bụng còn lép kẹp thì xem ra kiến thức tụ lại khác gì con ZiaZo^?? Đối với không ít vị chức sắc địa phương thì chém gió theo công thức: Công giáo: cảnh giác nhé! Phật Giáo: Cái này tế nhị! lên chùa hỏi các sư cụ nhe! Còn Do Thái giáo và Hồi Giáo thì thế nào? Này! hỏi han cho cẩn thận! đừng có đùa với Cách Mạng nha!

Trong khi đó, sách vở chính thống thì những Bác Sĩ Mai Anh, Bão Biển của Chu Văn, Tôn Ngộ Không của Ngô Thừa Ân, những Huyền Thoại Thiếu Lâm Tự và cả những dã sử của Trung Quốc, Ấn Độ… cũng góp phần làm cho góc nhìn của người hiểu đối với các tôn giáo không theo chính thống.

Nhưng tai hại nhất vẫn là những lệch lạc thực tế trong quá trình tín ngưỡng. Sự hạn chế (và có thể cả cấm đoán) của một số nhân viên chính quyền; sự a dua của số đông. Chỉ cần một câu thắc mắc của “sếp”: Động cơ nào mà thằng này nó cứ khư khư tìm hiểu món này nhỉ? Không khéo tiếp tay cho bọn…phản động cũng nên. Toi chứ giỡn hả!

Quí vị nhớ cho, cái giai đoạn đấu tố rồi đấu tranh “ai thắng ai” xưa thì nhiều cái ngại lắm. Chỉ một câu:” Nhà đấy hình như xưa kia có liên quan đến Quốc Dân Đảng” hay: “Nó là thành phần tiểu tư sản” là cả họ coi chừng bỏ …nhà đi chăn kiến luôn! Vào bộ đội, trong cuốn sổ tay mà chép bài “Màu tím hoa sim”, nếu vô phúc ông chính trị viên thấy được nhẹ thì lời khuyên bỏ đi, quá hơn thì cảnh báo: “Bài lày của ông Hĩu Noan, mà Hĩu Loan đích thị là Nhân Văn Giai Phẩm đấy! Chúng ta nà chiến sĩ nực nượng vũ chang; tránh xa những thứ ủy mị nhé!”.

Ấy là nói ngày xưa. Nói lại ở đây để đây vào cái trình nhận thức chung và riêng thôi. Bởi vì, lúc nghỉ ngơi du dịch, tôi có tìm về gặp các bác từng có ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ kiểu : "bài lày của Hĩu Noan" thì đa số cũng cười nhẹ mà bảo:” Biết chóa gì đâu. Nghe người ta nói thì mình cũng nói. Thời ấy nó thế! Nói khác thì biết nói ra răng? Vạ miệng như chơi chứ đừng tưởng!”.

100% chùa của Miền Bắc (từ Vĩnh Linh trở ra) thuộc hệ Bắc Tông. Nói thêm cho hài: Có hai câu hỏi tôi thắc mắc từ lúc còn mặc quần bổ đũng (No hở đũng) là: 1- Tại sao chùa lại nhiều bụt thế và sao cứ thờ chung nhiều vị trên cái ban thờ? Và:  2-  Cháu đi coi cả mấy chục ngôi chùa rồi, chùa nào cũng thấy thờ từ Thích Ca đến Quan âm Bồ Tát và nhiều vị khác. Thế thì giả sử các vị ấy có thật thì họ thường đến chùa nào? Văn phòng làm việc chính ở đâu? Nếu không xác định được thì những mâm cúng và lời khấn kia (giống như tờ đơn kính thỉnh) các vị ấy có trực tiếp nhận được không? Rồi có xử lý thấu tình đạt lẽ hay không?

Vâng! Chỉ nội hai câu hỏi này, tôi đã nhận được khoảng chục cách lý giải khác nhau và cũng khoảng một chục câu mắng chửi nào là: Mày điên khùng à? Sao không lo học chữ học nghĩa mà cứ đi hỏi cắc ké thế thằng kia?

Ô hô! Sau này, tôi có vinh hạnh được hầu chuyện vài vị cao tăng thì sự lý giải thật đơn giản rằng: Đạo hữu (tức là chỉ tôi đấy) chưa có duyên gặp người minh triết cho. Đừng buồn!

Hở? Tôi tự hỏi mình: Sao giản đơn vậy mà không nghĩ ra?

Tôi lại tự giả nhời: Làm sao mà nghĩ ra khi không có duyên?

Rồi, vị cao tăng kia đã chỉ thẳng vào tôi mà nhủ rằng: Phật là Tâm đấy!

Trao đổi câu hỏi thứ nhất, vị cao tăng bảo rằng: Đạo hữu vốn là nông dân, hãy lý giải cái bàn thờ các ông bụt trong chùa theo cách nông dân đi. Tài liệu còn lại nói rất rõ Đại Việt chúng ta bị bắc thuộc và bị xâm lược, đồng hóa cả ngàn năm. Việc chùa triền, miếu mạo bị phá hủy, nhà cửa bị san bằng, sách sử bị đốt bỏ…thời đó là không tránh khỏi. Vậy thì lúc đó các ông tượng, bụt trong chùa có còn chỗ nào mà thờ nữa. Những bức tượng lăn lóc ấy được người dân gom lại, dồn vào một nơi nào đó. Rồi mưa, gió, bão lụt…và tác động của thiên nhiên. Người ta phải kê cao nơi ấy để mà lấy chỗ cúng bái. Chỗ ấy theo năm tháng có bàn bệ, có mái che, có cây phủ và trở thành chùa! Ấy cái lý tại sao có bàn thờ phật và trên cái bàn thờ ấy nhiều bức tượng, nhiều niên đại và xuất xứ thần thoại khác nhau …có lẽ nên đơn giản vậy…

Sau khi trò chuyện với vị Chư Tăng này, tôi nhờ ông bạn Google. Chỉ có mỗi việc người phương Bắc quyết hủy diệt, thanh toán đồng hóa dân tộc chúng ta thì thật rõ ràng. Còn chuyện bàn thờ thờ chung nhiều Phật và Thánh thì đa số cắt nghĩa rằng: phật giáo Đại thừa là thế. Một số tài liệu, triết gia còn dẫn giải thêm đường đi của chùa Bắc Tông bên Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhưng xem ra tôi chịu luôn cách lý giải của ông sư mà không cần tham chiếu bất cứ dị bản nào khác. Cảm ơn sư cụ! Thuyết phục người khác thật đơn giản!

Để rộng đường dẫn giải các hiện tượng phổ biến lợi dụng tôn giáo, thần linh tiếp theo của một số người. Tôi xin đề cập chính ở đây là Chùa và Tăng Ni.

Thiết nghĩ, cũng nên nhắc lại quan điểm của tác giả là: Xuyên suốt các bài viết về phật giáo, tôi quan tâm tới hoằng pháp của chùa và Chư Tăng Ni và hành động của các tôn giáo ảnh hưởng tốt – xấu tới quốc kế dân sinh. Tôi cũng chẳng đề cao Đại Thừa hay Nam Tông Phật Giáo Nguyên Thủy. Cứ ai ích nước lợi dân thì khen; ai lợi dụng phật, chùa, miếu, đền…để ru ngủ hay vụ lợi từ chúng sinh, bòn rút ngân khố thì tôi cũng phê phán và lên án thẳng thừng.

Nói về các Tăng Ni, Kinh Phật và Nhà Chùa xin trích dẫn lại lời giáo huấn của một vị học giả: Những tăng ni phật giáo, nếu sống đúng theo giới luật nhà Phật, là những người vô sản. Họ không có quyền lực, cũng không có tiền bạc. Họ chỉ có lòng từ bi và trí tuệ. Nhưng với hai vũ khí đó, đạo phật trong một thời, đã từng chinh phục trái tim và khối óc của đại bộ phận nhân dân thế giới cổ đại và phong kiến.Tăng sĩ phải là gương sáng của đạo đức và trí tuệ, là người thầy dạy giáo pháp và đạo đức và giới luật. Nhà chùa phải là trung tâm của trí tuệ và đạo đức, chứ không phải là nơi chỉ có cúng kiến và lễ bái. Kinh sách phật phải được giảng diễn cho người đời hiểu và làm theo, chứ không phải để riêng cho giới tu sĩ đọc tụng.

Thế nhưng cái lẽ đời vốn thích phức tạp vấn đề. Bởi vì, đệ tử (hay bao nhiêu người đang nhận là đệ tử và núp bóng Ngài) có một số vị cứ muốn chế tác, uyển chuyển, thêm bớt thậm chí tạo ra những ma mị, mê cung khiến cho đời sống xã hội này vốn phức tạp càng thêm phức tạp. Kinh Phật? Dù nhiều bộ, nhiều tập nhưng thực ra rất dễ hiểu bởi căn bản dịch và diễn nôm.  Đơn giản lắm nhưng cái lý luận mà người ta gán và vẽ lên xung quanh hào quang của Bụt, của thân thế các vị bụt trên chùa thì thật là..thật là quá phức tạp.

Trong lĩnh vực Tam Bảo, cái bảo thứ hai gọi là PHÁP, lý thuyết (tạm gọi là chính thống) lý giải mọi vấn đề đọc và tìm hiểu vốn đã quá bề bộn rồi. Nhưng cái khổ cho bể khổ con người ở đây không phải vì cái bề dày của kiến thức mà người ta khổ về những chế tác, suy luận, thêm bớt để cường điệu và ru ngủ đối tượng. Ví như thuyết Nghiệp Báo, Phật không dạy chuyện phán xử sau kiếp sống. Phật cũng không dạy thuyết này để bảo vệ người giàu sang hoặc an ủi kẻ nghèo khó bằng cách hứa hẹn hạnh phúc trong tương lai (hoặc kiếp sau - Ấy là sau này tôi tiếp cận nhiều tài liệu mới thấy rõ như thế). Thế nhưng, trong đời thường này, khi còn ở Miền Bắc, tôi trò chuyện với một số các bà cụ, ông cụ hay đi chùa (họ thuộc dòng họ nhà tôi) thì đa số trả lời tôi theo cách hiểu rằng:” Kiếp này, mình bị ức hiếp, nghèo khổ, hèn mọn là do kiếp trước mình tạo hành vi (nghiệp) xấu. Để cho kiếp sau sung sướng, giàu sang, hạnh phúc thì kiếp này hãy ăn ở hiền lành, chấp nhận số phận hẩm hiu và cam tâm chịu khổ ải…”. (nhận xét của tác giả: Quá yếm thế. Hoàn toàn sai so với cách nhìn nhận của Đức Phật)

Sự lý giải của vài người còn quái dị hơn. Nhưng ở đây, tôi muốn nói một điều rằng: Đức Phật không dạy về Nghiệp Báo như thế. Nhưng tại sao lại có không ít người hiểu như thế? Cái này, tôi tạm kết luận rằng: Những người truyền bá phật pháp đã không làm hết chức phận của mình (hoặc không đủ sức để truyền bá cho tốt – cái tốt hiểu theo nghĩa chính thống của thuyết phật pháp). Tất nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác như hạn chế diễn đàn, nhận thức của dân trí, ảnh hưởng XH phong kiến…vv. Trong khi đó học viên (quần chúng, chúng sinh) thì dân trí chưa cao, kiến thức hạn hẹp và dễ nhầm lẫn các thuật ngữ, các dòng thuyết giữa các tôn giáo, thích suy diễn, thấy hiện tượng hay suy luận thành bản chất…vv

Đi xa hơn nữa, lý thuyết của Phật trong nhiều năm còn bị biến tướng từ khẩu truyền đến các hành vi dị đoan, vụ lợi. Cũng có thể do cách nhìn nhận. Cũng có thể do cuộc sống khó khăn quá, người ta muốn nương vào chùa, đình, miếu mạo để mà sống, để mà kiếm ăn, làm giàu. Muốn có lợi thì nghĩ và sáng tác ra thêm nhiều chiêu huyền bí, tạo sự linh thiêng, tán vun sự ứng nghiệm… để lợi dụng chúng sinh. Cái thực tế ngoài xã hội đang phát sinh tới gần 100 giáo phái khác nhau (trong đó không ít giáo phái gần với Phật giáo) cho thấy nhiều sự biến hóa trong tín ngưỡng. Cộng vào đó, những trò lên đồng, gọi hồn, áp vong, trấn yểm...có khi còn có sự tham gia của cán bộ cấp cao cũng góp phần làm xấu đi hình ảnh của những ông Bụt (phật) trên chùa bởi vì, bên trên thì tượng phật, bên dưới thì phèng la, vong nhập…

Những hiện tượng như xây chùa giả, làm nhà sư giả, mượn mỡ ránh bánh, ông thầy, bà cốt…được báo chí nêu lên và dân tình phát giác qua vài chục năm không phải là ít.
 
Những sư giả đang khất thực. Một ông ngồi nghỉ...hút thuốc lá
 
Một ông sư giả khi bị phát hiện nhanh chân lẩn trốn; một ông bị bắt với đồ nghề hành nghề
 
 
Còn đây là kẻ đã ăn bớt vắc xin của trẻ con, tạo ra sự hủy hoại kháng thể cho cả một thế hệ - những đứa trẻ được tiêm ngừa qua tay thị Bùi Thị Phương Hoa này có được tiêm chích ngừa cũng như không. Nhìn kỹ: trên ngực Thị có đeo bức tượng Phật cơ đấy!  Có cần phải bình luận gì nữa không?
 
Làm cái ảnh thấy cúng cho ló máu (Chú ý cái mũ thêu hình bụt hẳn hòi à nha...)
 

Cái sự dị đoan đôi khi phát triển thành cuồng tín. Cái sự dị đoan không còn phải che đậy ý tứ như một dạo mà có khi nó lộ liễu, trắng trợn trong đời sống. Tôi chỉ tạm dẫn một hiện tượng dị đoan (hoặc lợi dụng tín ngưỡng) gần đây cả nước thấy rõ như ban ngày là chuyện…Xin ấn Đền Trần! Hỏi rằng đã mấy ai hiểu được sơ bộ cái ý nghĩa cái ngày này xưa kia tại Nam Định dưới thời Nhà Trần? Nhưng đại đa số người ta tìm về xin Ấn với mục đích cầu lợi lộc. Không có nhẽ, dòng người đông đúc kia, dòng xe đông đúc kia và bãi người chen nhau giành giật mua Ấn, xin Ấn đều mong một mục đích làm cán bộ (làm quan)? Vậy thì thử hỏi lấy ai để làm dân ở đây? Cứ giả sử như còn có một vua Trần linh thiêng thì liệu ông vua này có nhắm mắt ký bừa, phong tặng cho người người chìa tay, chìa tiền đổi lấy tờ ấn trong cái đêm rằm tháng giêng kia? (Xin xem một phụ bản bình luận về cái chữ khắc trong Ấn đền Trần ở cuối bài)

Vâng! Người đời nếu đã tỉnh táo không ai không thấy lố bịch. Những thứ duy tâm cũng do con người phát triển ra. Cái nọ xọ cái kia. Cái nọ lúc thì móc xích với cái kia. Lúc thì phủ nhận nhau và thậm chí tranh giành ảnh hưởng rồi ngầm bài xích lẫn nhau. Họ tạo lên một mớ tâm linh rối rắm. Có kẻ trộn mọi thứ vào tôn giáo vừa nêu gương xấu, vừa dẫn dắt đệ tử hiểu sai lạc ý nghĩa cao đẹp mà mỗi tôn giáo chính thống đang duy định.

Vậy thì, ngoài những người quản lý xã hội, những con người phật tử, những tôn giáo và kể cả những Chư Tăng Ni đang hoằng pháp có chịu trách nhiệm gì về những con số thống kê và thấy rõ hàng ngày kể trên?

Vậy thì, mấy chục năm từ khi thống nhất Phật Giáo, ngoài hai dòng phật học lớn là Nam Tông và Bắc Tông thì đất nước này nảy ra vài chục các dòng khác (xin xem thống kê ở bài trước). Đã ai trong chúng ta dũng cảm kiểm tra và lên án một tôn giáo không chính thống khi nhen nhúm lên bên cạnh? Hay là chỉ chờ ‘nó” nổi lên rồi đưa vào tầm ngắm với những biện pháp hành chính và hình sự?

Có thể nói: một thời gian dài, chuyện tâm linh, chuyện tín ngưỡng ở một số vùng phía Bắc trở thành những “vấn để lởm khởm” kiểu loằng ngoằng dây điện. (Lưu ý: tín ngưỡng ở đây nói nhiều nguồn, nhiều phái chứ không nói riêng tôn giáo nào)

Viết đến đây, tôi cũng cần phụ chú thêm rằng: Xã hội và người đời có lẽ cũng cần cảm thông thêm với những người làm công tác quản trị xã hội và các nhân viên chính quyền tham gia trật tự xã hội. Một mặt, người ta nói rõ quan điểm là: Tự do tín ngưỡng! Thế nhưng, để thực hiện nỗi 4 chữ ấy thật khó khôn cùng. Ví như chuyện xây chùa thôi. Nếu cứ đủ chuẩn rồi cấp phép mà xây thì có lẽ nước Việt ta chùa sẽ nhiều hơn trường học và bệnh viện. Bởi vì, với không ít người – dưới con mắt họ thì “Kinh doanh chùa” là một công việc lời lãi cao nhất hiện nay. Vậy mới có biết bao nhiêu cái chùa giả dựng lên. Khu vực Hương Tích là một ví dụ. Những “Thùng công đức” khóa kín đầy tiền kia rồi không biết sẽ về đâu? Hỏi nhưng mà chả muốn đi tìm câu trả lời!

Tất cả những lố lăng và lởm khởm của vấn đề tâm linh đang nổi lên lấn át những dòng tu chân chính cần phải được phân tích và mỏ xẻ. Có mổ xẻ và đánh giá đích đáng mới có những tư duy đích đáng để đưa tín ngưỡng về đúng lẽ “ Tốt đạo, đẹp đời”

Tại sao trong thời đại văn minh của thế kỷ 21 mà chúng ta vẫn còn những mê muội …

Lỗi ở những người quản lý xã hội: Điều này chính xác. Rất nhiều vị làm công tác quản lý xã hội không hiểu về phật pháp hoặc có hiểu thì cũng lờ mờ, lẫn lộn? Ngay khi cho khai lý lịch, sau họ, tên, quê quán, văn hóa thì đến tôn giáo. Nhiều người sẵn sàng khai phật giáo! Đó là một ngộ nhận phật giáo không phải là một tôn giáo. Tuy nhiên, ngay cả một số người phật tử cũng chưa thống nhất cả điều phật giáo có phải là một tôn giáo hay không!

Đối với Chư Tăng Ni? Bản chất của người tu hành là loại bỏ Tham – Sân –Si. Dùng chữ Nhẫn và chữ Khiêm suốt hành trình. Dù họ là người hiểu giáo pháp hơn ai hết. Nhìn vào hiện tượng, chắc chắn Chư Tăng Ni biết rõ đúng sai. Nhưng cái hạn chế không tranh giảnh ảnh hưởng và không sân si khiến họ im lặng. Còn nhớ đận biết bao nhiêu sư giả hoành hành khất thực trên đường, chỉ đến khi công luận vào cuộc, Chính quyền, Mặt Trận yêu cầu thì Nhà Chùa (phật giáo) mới có tiếng nói nhưng cũng chỉ trọng tâm khuyến cáo Ni, Sư hạn chế khất thực chứ không bao giờ tham gia điểm mặt, chỉ tên đích danh những kẻ lợi dụng nhà chùa và phật giáo.

Ngộ nhận trong quần chúng! Chính là một trong những lý do bao nhiêu năm qua người ta có khái niệm dồn tất cả từ Phật, Mẫu, Thánh, Chúa, Thành Hoàng…vào chung một khu vực.

Nhiều người dân  khi thực hiện những điều thiện nguyện với các vị chức sắc tôn giáo đều không để tâm xem xét về xuất xứ cũng như mục đích của vị chức sắc tôn giáo đó nên mới khiến bọn lừa đảo lợi dụng. Từ đó, cũng làm mất đi hình ảnh chân chính của những vị chức sắc tôn giáo đáng kính.

Dân có khi không hiểu rõ về phật giáo, nên tạo cơ hội cho kẻ đi lừa thành công. Họ được những tăng ni phật tử giả (hay kẻ mượn áo Phật) giảng về việc hành thiện tích đức, giảm bớt nghiệp chướng. Nhưng họ tham cái sự tích đức mà ko biết sự phát thiện của mình đi đâu về đâu, chỉ cần biết mình hành thiện là đủ, việc còn lại để chùa lo, sư lo.

Thực tế đã và đang xảy ra quá nhiều rối rắm trong lĩnh vực tâm linh. Nếu cứ ngồi thống kê ra giấy thì những hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng chùa, miếu; gạt gẫm lòng tin của con nhang, đệ tử…thì giấy mục hàng ngày phải dùng tới.

III-            CHÚNG TA NÊN LÀM THẾ NÀO?

Khẳng định rằng: muốn giáo hóa quần chúng thiện tâm, ngoài các chính sách, chương trình, quan điểm, đường lối của Nhà Nước thì vai trò của tôn giáo rất quan trọng. Ở Việt Nam, phật giáo chiếm tới 35- 40 % dân số. Phật giáo cũng có sẵn  một hệ thống cơ sở chùa triền rộng khắp. Chùa thường nằm giữa trung tâm làng xã. Ông thầy chùa là người thân thuộc với bà con hàng xóm. Người dân Việt Nam vẫn xem ngôi chùa như là nơi thân thiết, ấm cúng và gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều gia đình có bất cứ chuyện gì cũng đều nhờ chùa: coi ngày giờ cất nhà, sửa nhà, đám cưới đám hỏi, đám tang, tiệc tùng, tụng kinh cầu nguyện, và những dịp lễ lộc dân gian như Tết cổ truyền, Nguyên Tiêu, Rằm Tháng Bảy, Lệ cầu Bông v.v… Chùa còn là nơi tham quan du lịch, là nơi tĩnh tại để quân bình tâm thế cho những người ngày thường bộn bề công vụ và công việc…

Rõ ràng, chùa có rất nhiều lợi ích thiết thực. Về mặt tổ chức, chùa là cơ sở hạ tầng căn bản nhất của tổ chức Giáo Hội để tiếp cận quần chúng phật tử. Về mặt tài chính, chùa là nơi nhận trực tiếp tiền cúng dường của quần chúng phật tử, cũng là nơi có thể tổ chức các kế hoạch gây quỹ làm phật sự, mở lớp bồi dưỡng văn hóa cho con em gia đình khó khăn, trợ cấp học bổng cho trẻ em nghèo, triển lãm hội họa, âm nhạc…

Tất nhiên, những  điều nêu trên không mới. Thực tế cũng đã có không ít ngôi chùa ở chúng ta đã và đang duy trì những hoằng pháp hữu ích nêu trên. Những việc làm ích nước, lợi dân của các chùa, các sư chủ trì cần phải được phổ biến và nhân rộng.

Một điều mong muốn ở các cấp chính quyền chính là: Đào tạo! Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có nhiều lớp sơ cấp phật học, khoảng 30 Trường Trung cấp Phật học, 8 lớp Cao đẳng Phật học và 4 Học viện Phật giáo, tất cả đều dành riêng cho Tăng Ni. Thiết nghĩ, bấy nhiêu đó sẽ là chưa đủ. Bởi vì, cả nước chúng ta đang có 15.000 ngôi chùa chính thức và khoảng ngần ấy ngôi chùa tự phát và được “nâng cấp” từ am thờ hay miếu thờ thành….chùa!

(Còn tiếp...)
-----

Phụ bản Ấn Đền Trần (2010):
Một vị cao niên tại Đền Trần cho biết, trong dịp khai ấn đầu năm, có tới hàng triệu bản ấn được đóng sẵn để phục vụ nhân dân thập phương. Sự thực là vô số người đã xin được bản ấn tại Đền Trần, nhưng dường như rất ít người hiểu về bản ấn.
Vậy thực chất quả ấn được coi là linh thiêng đó ra sao? Dưới đây là ảnh chụp bản in quả ấn mà mọi người đã xin được từ Đền Trần:

(Ảnh chụp bản in quả ấn xin được ở Đền Trần. 4 chữ lớn ở chính giữa là: “Trần miếu tự điển”, 4 chữ nhỏ ở cạnh dưới là: “Tích phúc vô cường”)
Quan sát bản in quả ấn, dễ nhận thấy đây hiển nhiên chỉ là quả ấn mới làm, không phải là thứ “quốc ấn” trân quý như người ta lầm tưởng. Bỏ qua sự non nớt về nghệ thuật khắc ấn, chỉ nói về chữ khắc trên ấn đã thấy nhiều điều bất ổn. Quả ấn khắc bốn chữ lớn: “Trần miếu tự điển”, nghĩa là “điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần”. Bốn chữ này được khắc theo lối chữ “khải”, chữ khắc nổi (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “dương văn” hay “chu văn”). Riêng chữ “tự”, nửa “khải”, nửa “tiểu triện”. Người sành chữ, nhìn sơ qua có thể biết bốn chữ trên vốn lấy từ phông chữ vi tính mà ra.
Xưa, khắc ấn được coi là một bộ môn nghệ thuật. Ấn chương cổ tuyệt đại bộ phận được khắc theo lối chữ “triện” (cho nên ấn, và cả việc đóng ấn còn được gọi là “triện”). Lối chữ “triện” được đưa vào ấn chương, khiến quả ấn thêm cổ kính, đẹp về đường nét, thêm vào đó, người khắc ấn sẽ dùng kĩ thuật khắc ấn cùng cảm quan nghệ thuật của mình để tạo ấn, sao cho sản phẩm được tạo tác đảm bảo hai tiêu chí quan trọng, đó là tính thẩm mĩ và tính độc bản.
Còn như việc dùng mẫu chữ “khải” vi tính để khắc ấn của ngôi đền thiêng này (với kĩ thuật chế tác quá non kém) thì thật là một việc rất không nên.
Cạnh dưới của quả ấn Đền Trần còn khắc thêm 4 chữ, “nghe nói” đó là bốn chữ “Tích phúc vô cương 錫 福 無 疆”. Xem vào bản in quả ấn mà nhiều người đã xin tại Đền Trần, 4 chữ này khắc chìm (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “âm văn” hay “bạch văn”); khi nhìn kĩ, không rõ vì lí do gì, người ta đã khắc thiếu bộ “thổ 土” trong chữ “cương 疆”, khiến chữ “cương”, biến thành chữ “cường 彊” (nghĩa là “mạnh mẽ”). Thay vì “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “ban phúc vô bờ”, thì giờ đây, ấn Đền Trần lại khắc bốn chữ “Tích phúc vô cường 錫 福 無 彊”, nghĩa là “Ban phúc không mạnh”.(Hặc! Hặc! Đáng đời chưa??? Đã thấy mất công và mất tiền cho một việc thế nào chưa???)

(4 chữ phía dưới ấn Đền Trần: “Tích phúc vô cường”, nghĩa là: Ban phúc không mạnh)
 
Viethoa
ảnh: từ Net
 
Từ suy nghĩ :”Chùa là cơ sở hạ tầng căn bản nhất của tổ chức Giáo Hội để tiếp cận quần chúng Phật Tử”, người viết đã bỏ công tìm hiểu không ít các ngôi chùa. Thật lạ: như một cuốn tiểu thuyết đầy những tình huống và sự kiện khá hấp dẫn. Các bài sau, tôi xin đi sâu vào chuyện nghĩa hiệp của vài vị Chư Tăng và xuất xứ phát triển của những ngôi chùa đặc biệt. Trong đó nổi lên tư duy hoằng pháp với câu nói khá ấn tượng:” Phục vụ chúng sinh chính là cúng dường Chư Phật!”.
.

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất