Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bài Phi Lộ trước khi viết về Phật Giáo-Chùa...

   Gần 60 năm trời, tôi mới có ý định cầm bút viết về nhà Chùa và có thể là Phật giáo. Lâu? Chóng? Tôi không biết nữa. Nhưng nói đơn giản theo một sư cụ thì là…Tùy Duyên!
.
 Mà tại sao đến gần 60 năm mới viết? Lý do thật nhiều. Nhưng cái lý duy nhất là: Nhà Chùa, Phật Giáo không liên quan nhiều đến gia đình và bản thân tôi. Nếu nói thẳng tưng thì hai bên là hai đối tác xa lạ.

Lý do duy nhì cũng là lời mẹ dặn. Mẹ tôi nhủ rằng: Của Bụt mất một, đền mười! Đừng bao giờ dính dáng đến Nhà Chùa các con nhé. Tính chúng mày thẳng thớm, ăn nói không khéo lại thành báng bổ. Thêm phiền cho tâm linh người khác…

Tuy nhiên, với bản tính tò mò, ham tìm hiểu thì tôi cũng chẳng tránh xa được Chùa. Tôi có một bà Cô họ, làm vợ lẽ một ông Từ trông chùa. Cái chùa to nhất làng tôi (bây giờ càng to). Tôi và ông anh họ (Con trai út của bà cô) cùng chơi với nhau. Nơi yên tĩnh nhất và thoải mái nhất của hai chúng tôi chính là cái chùa đó và vườn chùa. Mỗi ngày, sau buổi học, nhét tập sách vào trong bụng, giấu lọ mực và cái quản bút vào gốc cây rồi hai đứa chúng tôi đu lên những cánh tay ông Hộ Pháp, chui vào hậu cung, trèo lên cây thị, cây ổi hoặc rung cho những trái táo mọng vàng trong vườn chùa rụng xuống…

Đã có lúc tò mò, chúng tôi bảo nhau tìm hiểu xem bộ râu ông Ác vểnh lên kia người ta làm bằng gì? Tôi thì bảo râu bụt làm từ sợi móc chằm nón cói. Ông anh họ thì bảo giống như râu ngô. Chúng tôi gõ vào mình những tượng phật để xác định rằng bên trong là đất thó hay gỗ tiện. Thậm chí, chúng tôi còn mò tuốt vào hậu cung khám phá xem những cái bát sứ có gì khác và những đôi đũa có gì lạ mà những lời đồn đoán linh thiêng như vậy (có người lấy bát, đũa đi nhưng bị phạt lại mang đến trả chùa).

Cha tôi, lúc còn sống nói rằng: Đất quê mình có một con rồng nhỏ. Rồng khởi phát từ chùa H này, vươn về phía Cửa Đền trong Miếu Môn, cái Gò Sải kia là hòn ngọc do Rồng nhả ra nên cây cối quanh năm xanh tốt như thế. Đáng tiếc là Rồng đang vẫy trườn thì gặp con sông Bùi chắn ngang nên tạm thời nằm lại chờ hậu thế bắc cầu (có nghĩa là khi nào có cầu bắc qua sông thay cho bến đò thì quê tôi có người làm đến chức vụ rất to). Nhưng mà…thật éo le, cầu chưa thấy đâu,  khi người ta làm 2 việc coi như yểm triệt là: Đào con sông cắt ngang thân Rồng nằm (sông tiêu, tưới lấy nước từ Đồng Mô- Ngải Sơn gọi là sông Thập Cửu) và đào đắp to lên con đường từ làng mình vào sông Bùi đã đè con Rồng xuống không còn đường quẫy vẫy…

Cha tôi thở dài bảo sẽ chẳng bao giờ làng mình có người thành đạt làm quan to cỡ thượng thư (tương đương Bộ trưởng) đâu. Ông còn nói, cái Gò Sải kia lý ra đời sau là thiêng và là nơi táng mộ tốt nhất. Nhưng với bấy nhiêu can qua và sự việc thì rồi cũng chỉ thành nấm mụn xác xơ mà thôi…

 

Từ cái việc đồn thổi rằng: kẻ lấy trộm bát đũa của nhà Chùa mà con cháu họ bị lãnh hậu quả quá đáng, tôi có phần nào ác cảm với chùa. Nhớ lời mẹ dặn là không nên dây dưa. Mà cũng chẳng có lý gì để dây dưa. Bởi lẽ, tôi là người của đồng quê. Quê tôi chiêm trũng và làm ruộng. Tôi dù có sáng dạ và học giỏi đến cỡ nào thì cũng chỉ phấn đấu làm đến cái anh…thư ký đội sản xuất là hết dzem.

Thế nhưng nhờ lời mẹ dặn mà tôi tránh xa được những can qua liên quan đến đình chùa. Bởi lẽ, cái ngày tôi còn nhỏ đấy thì người ta bài trừ mê tín ghê lắm. Mấy ông thống, thầy cúng, thợ vàng mã…thường bị chính quyền triệu tập lúc thì đả thông bài trừ dị đoan, mê tín, lúc thì thu hồi phèng phèng, thanh la và những dụng cụ đồng cốt. Cái đình làng tuyệt vời như thế, người ta cho tháo dỡ, chia nhau, dựng thành kho HTX. Quê tôi vốn dĩ là thủ phủ của Huyện nên có nhiều kiến trúc rất hay và độc đáo từ cái Văn chỉ uy nghiêm đến cả ngôi chùa Cao mái cong kỳ vĩ…

Thế nhưng họ tháo sạch. Ngói đình thì xếp lại chờ thanh lý. Gỗ thì điều đi ngay. Gạch gỡ ra và nhất là những viên đá xanh tuyệt đẹp thì dùng lót lối đi, kê lên thành kệ đập lúa mùa gặt….

Những người tham gia đa số là thanh niên, dân quân và cả thiếu niên tiền phong lứa 1. Trong những gương mặt ấy, bây giờ không ít người còn sống. Vài người từng thành đạt. Đặc biệt, có cả một ông hơn tôi vài tuổi hăng say dỡ cột chùa về làm chuồng lợn đến độ “ngày không kể giờ -tuần không kể thứ”. Sau này, ông ta thoát ly làm đến Phó Giám đốc của một Ty (Bây giờ gọi là Sở). Tôi có dịp gặp lại nhiều lần và oái oăm (hay dùng từ…khốn nạn cho đời người nó thẳng) là chính ông này khi về già cầm cái tờ giấy có dấu đỏ đi tha phương đến gặp những người làm ăn xa quê để…xin tiền công đức về xây chùa, tu bổ đình…(Hặc Hặc! Đáng đời! Phá cho kỹ vào mà hối hận! chuyện này tôi sẽ khắc họa kỹ trong một truyện ngắn).

Dẫn dụ gì gì thì tôi cũng chỉ muốn nói rằng: Chùa, Đình, Miếu…với tôi chẳng hề liên quan. Tôi không đụng tới họ và tất nhiên, chẳng ai đụng tới tôi. Lẽ đời sẽ là như vậy nếu không có những tiến triển về nhận thức.

Nói đến đây, tôi lại nhớ cái câu: TÙY DUYÊN! Chậc! nếu có duyên với nhau thì dù có tránh né cỡ nào cũng vẫn VƯƠNG với nhau được.

Ngay từ lọt lòng. Tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm. Ngay trong cái xóm nhỏ, tôi cũng từng đứng đầu một cái nhóm tam tam quậy cọ, câu kéo, chui vườn, leo trèo cùng đủ thứ Bằm Khoan, Xô Vê, Chu Chi…

Khi chơi với ông anh họ con ông Từ trông chùa, đã vài lần tôi thắc mắc rằng: sao cái chùa này nhiều Bụt hơn cái chùa kia? Nhiều bụt là thiêng hơn hay là oai hơn? Nói chung, chẳng ai trả lời tôi cả. Người dân quê tôi không rỗi hơi cắt nghĩa đến những cái mà họ mơ hồ không biết rõ. Sau này, khi học lên cấp 2, tôi đem thắc mắc hỏi cả thầy giáo hiệu trưởng rằng: Đức Thánh Trần và Đức Quan Vũ vì sao mà được thờ chung trong bàn thờ ở chùa? (Vì một ông nước Nam, một ông xứ Bắc, sinh thời chênh vênh nhau bao nhiêu Niên đại lại có thể ngồi chung chiếu?) Có Phật Bà Quan Âm, có Tôn Ngộ Không mà sao không thấy ông Bụt nào có hình dáng giống Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh??

Những câu hỏi của tôi cũng không ai trả lời cho dứt rạc mà chỉ vòng quanh, bao biện. Như một lẽ tất nhiên: vì nếu có ai đó trả lời cho bọn trẻ chúng tôi xong thì chúng tôi sẽ lại có hàng loạt những câu hỏi cắc ké khác dễ làm họ bất bình và nổi nóng. Quả có thế thật. Hình như cả nước này không ai muốn trả lời chúng tôi – Hay nói cho đúng thì chưa thấy ai trả lời cho có vẻ thỏa đáng mà dựa trên các cứ liệu, dữ liệu chính sử hoặc các tài liệu nghiên cứu về Phật Giáo nghiêm túc.

Tôi không giận cuộc đời này. Chính xác là không giận cái thời xa xưa thơ ấu của tôi. Bởi cái thời mà tôn giáo, tâm linh người ta vứt vào xó bếp. Người hiểu biết thì tránh né. Người bình thường thì lo ăn, nuôi con không xong ai hơi đâu đếm xỉa đến bọn trẻ chúng tôi nghĩ gì. Ngay mấy bác đảng viên hiếm hoi ngày ấy có bác tình nguyện vô thần đến mức tự dỡ bỏ bàn thờ nhà mình; bố mẹ chết có bác dứt khoát không chống gậy, không lăn đường…để tỏ rõ cái sự bài trừ mê tín, bãi bỏ phong tục cổ hủ mà “Đảng Viên đi trước Làng Nước theo sau”. Bây giờ nhắc lại những sự kiện này ai không biết nghe có vẻ lạ và bất bình nhưng hồi ấy đa số bất bình để bụng và cũng cho là: thế ăn thua gì! Hồi cải cách ruộng đất (trước đó vài năm) thì con dâu, con đẻ còn nhảy choi choi lên tốc váy xỉa mặt Cha chồng mà đấu tố nữa là. Làng tôi bây giờ vẫn còn giai thoại như sau, hỏi:

-         Này thằng Phó lý B, mày có biết bà là ai không?
Giả nhời:

-         Dạ thưa bà, thưa Đội Cải cách, con biết bà. Bà là bà N, còn con thì đã đẻ ra bà vào ngày…tháng…năm 1940…

Chuyện bắn địa chủ, cường hào quê tôi cũng vô tư thôi. Chuyện một ông bị nghi là địa chủ sắp bị bắn rồi có quyết định hoãn bắn; sau ông này làm đến chủ tịch xã nhiều năm quê tôi cũng đã từng. Ngay một ông cốt cán dẫn đội cải cách về làng được đưa lên làm chủ tịch xã cái ngày đầu lập chính quyền, ông cũng mới chết do tuổi già đây thôi. Khi đưa ông ấy ra đồng, người ta còn kể cái giai thoại ông được cử làm chủ tịch xã nhưng không biết chữ. Giải pháp là đưa ông này đi học bình dân học vụ 2 tuần chỉ để ký được chữ Tâm (tên ông) nhưng không xong. Vì lý đấy, ông xin thôi không làm chủ tịch xã nữa. Vui hỉ???

Trở lại chuyện DUYÊN với Phật của tôi. Lạ lắm! ngày ấy tôi vẫn nghĩ: chơi với ai, có cảm tình với ai…phải do bản thân mình quyết định mà không ai có thể ép buộc được. Tôi thấy mình khác với sư sãi từ quan niệm đến ăn uống, sinh hoạt. Tôi cũng không ưa hình thức của các ông bụt trên chùa. Ai đời, ngần ấy vị La Hán chùa Tây Phương ai cũng tỏ vẻ quái dị, loằng ngoằng chân tay. Rồi chính giữa chính điện trên một chùa có ông bụt gọi là Di Lặc lại ở trần không mặc áo, cái rốn sâu hoắm khó coi. Lối vào chùa thì ông Thiện, ông Ác chả biết thế nào nhưng gươm đao tuốt trần, mắt trợn, tay khuỳnh coi chả đẹp…Cho đến một ngày…

Cái ngày mà cảm tình của tôi với các ông bụt tăng lên…nhân lên từ một cái NHÌN của ông tượng phật.

Bắt đầu từ lực học của tôi. Tôi học giỏi! (Cho đến bây giờ, nhắc đến tôi ở quê có ai nhớ cũng bảo: tay ấy học giỏi và viết chữ rất đẹp). Học giỏi nên tôi thường được Nhà trường cử đi thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Thông thường, trước khi thi được bồi dưỡng kiểu “Luyện gà nòi”. Chúng tôi – Những thằng học giỏi cả huyện, cả tỉnh thường tập trung ở một nơi nào đó cơm gạo được đài thọ để có các thầy, cô luyện giảng. Chính nhờ những lớp, những đợt thế này, bạn bè chúng tôi quen nhau. Do cùng xa nhà nên tình cảm của những đứa học trò chớm lớn chúng tôi rất thân thiết. Xe đạp hồi đấy là một phương tiện và tài sản giá trị. Một đứa bạn gái của tôi: Bình B {vì nhiều Bình quá nên thầy giáo gọi theo A, B,C, E – Không có D (dê)}. Tôi và Bình B thân nhau vì ngồi cạnh nhau. Bình B hơn tôi 1 tuổi, nhà Bình ở Phụng Châu – nơi có cái núi đá gọi là Núi Vu Vi (hay là Vô Vi nhỉ). Những chủ nhật, Bình thường rủ tôi về quê Bình cùng học và cùng làm bài. Gần Núi Vu Vi có một cái chùa cũng gọi là chùa Vu Vi. Chủ chùa là một ông sư nhưng lại ở cùng với một bà vãi già. Bà vãi cũng có một người con gái chừng 30 tuổi. Người con gái này sau có 2 đứa con trai màu da đen như tam thất mắc mưa. Cuộc sống của họ khá khép kín nhưng điểm tốt là chùa rất thanh bình, địa thế cao và nhất là trong chùa khá mát mẻ và yên tĩnh. Chúng tôi được tự do vào chùa thắp nến học bài và làm bài. Ban đầu, tôi rất ngại vì chùa quá nhiều tượng phật. Bình B thì không ngại vì quê bạn ở đây. Từ nhỏ bạn đã quá quen với cảnh chùa.

Chúng tôi cứ học bài và làm bài.

Năm rồi lại qua năm. Tình bạn rất trong sáng dù đôi khi bạn bè chúng nó cũng ghép đôi chế giễu.

Tới cái ngày như một sự tùy duyên! Một làn gió nhẹ hẫng từ đâu thổi và ngọn nến tắt đi. Một chú chuột ngày lao văng và Bình B giật mình nép vào người tôi. Một thoáng, mùi hoa hoàng lan quện hoa Huệ trên bệ thờ lan xuống và mùi bồ kết trên tóc bạn gái thoảng qua tôi. Hơi thở của Bình B rõ lắm. Tay tôi đỡ cơ thể của Bình B thấy nặng hẳn. Một cái mùi gì nữa dâng lên mà tôi chưa bao giờ cảm thấy mùi đó. Ừ! Sau này tôi mới thấy rõ đó là mùi con gái chứ lúc ấy chỉ thấy đó là một không khí khác thường và ngất ngây.

Nhưng, có lẽ trạng thái không gian đó chỉ diễn ra trong vòng 30 giây đồng hồ thôi. Bởi lập tức Bình B giật mình và thảng thốt: Chết! Có người nhìn chúng mình hay sao kìa! Tôi cũng tỉnh lại. Với bản năng bảo vệ tình hình của một thằng đàn ông, tôi giữ chặt vai Bình và thế thủ rồi nhìn lên: Trời ơi! Đó là cái nhìn của một ông tượng trong chùa chứ không có ai cả. Nhưng kìa! Ánh mắt bức tượng hiền từ nhìn xuống chúng tôi. Ánh mắt đại lượng, bao dung không gợn gì bất bình hay giận dữ. Tôi hơi cảm thấy xấu hổ nhưng vẫn cúi xuống nói thầm vào tai bạn của tôi: Không có gì đâu!

Tất cả rung động chỉ có thế! Một thoáng đầu đời có lẽ là cả của hai đứa học trò. Chúng tôi đứng dậy. Nàng chắp tay vái lạy bức tượng, còn tôi thì từ từ bước ra khỏi chính điện…

Chúng tôi không bao giờ nhắc đến kỷ niệm ấy. Chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần. Nhưng hình như không có ai có ý định đi quá hơn. Nhưng với tôi, từ đấy, cái nhìn của tôi vào chùa triền có khác đi…

Đáng tiếc là chiến tranh, mưu sinh và bao nhiêu phong ba trồi, sụt và trôi nổi. Bao nhiêu sự kiện bể dâu mà đất này đã đem đến cho Đạo Phật từ lúc thường, lúc trọng, lúc suy, lúc hưng khiến cái nhìn của tôi có khi không còn thuần thiện.

Đáng tiếc là phong tục, là tập quán rồi cả một số biến tướng về cách sống và nhiễu sự của vài vị tự coi là đệ tử của Bồ Tát, của Mẫu, của Chúa Xứ…đã đẩy suy nghĩ của tôi càng xa cửa Phật. Thấy người ta vào chùa rải tiền giả, cầu tiền thật; mong xin phát tài, mong lợi, mong lộc…đã góp phần khiến tôi vài chục năm sau thấy cửa chùa như vẫn dửng dưng…

Thấy người ta chen nhau cúng lợn to, gà đẹp và hoa quả đầy vơi cầu mong bổng lộc, chức vụ…mà tôi nghĩ đến phận mình một đời nguyện cam tâm chịu bình thường thì liệu có cần gì cầu cạnh??? (một thời tôi quan niệm là như thế đó)

Thế nhưng ánh mắt! cái ánh mắt từ bi của ông tượng trên chùa Vu Vi thì mãi mãi in đậm trong tôi. Và, chính ánh mắt ấy đôi lần thôi thúc tôi tìm hiểu về sự hấp dẫn và cuốn hút của Phật Giáo với xã hội. Và tôi cũng mơ hồ hiểu rằng: Phật chính là đây! Là ánh mắt đó vẫn như vô hình mà lại tựa hữu hình. Có lẽ chính từ giây phút ấy, tôi đã tìm thấy một chút an lạc tinh thần. Cái định tĩnh của phút giây ấy vẫn thi thoảng chợt lóe lên trong tâm tưởng tôi suốt nhiều năm sau đó...

Vâng! Vốn là một người cầm bút, tôi cũng mong ghi lại những khoảng khắc “tốt đạo, đẹp đời” của Phật Giáo đối với Quốc kế - Dân sinh.

Tôi muốn viết về những đức tính và những phẩm chất thiện nguyện và đức độ của những bậc Tăng Già, những vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức và cả những vị Sadi hoặc giới tử và cả những Phật tử hoặc đạo hữu…

Nhưng hơn ai hết, họ đều là những con người. Tôi sẽ không thần thánh họ; càng không báng bổ. Nhưng có một thứ mà ai cũng cần tìm hiểu và nên biết: đó là SỰ THỰC!

Với những “Lời Phi Lộ” dài như thế này, thiết nghĩ mới có thể dẫn tải hết tâm tình và ý chí của người cầm bút. Một chiều dày Phật Giáo mấy ngàn năm, biết mấy nhánh phân chia, nhiều quan niệm và trường phái tu nguyện; có người nghiên cứu, học tập, hoằng pháp cả đời chưa ngộ hết thì với một kẻ ngoại đạo như tôi không bao giờ tránh khỏi nhầm lẫn và sai sót.

Tuy nhiên, tôi muốn viết bằng góc nhìn của mình. Bằng cái nhân sinh quan của một kẻ ngoại đạo. Chính vì thế, xin hãy đừng chấp nê tôi khi tôi quan niệm rằng: một Nhà Sư có thể ví như một trạm thu phát của Phật Giáo mà không đại diện cho Phật Giáo. Một cuộc hành hương về đất Phật có thể chỉ là chuyến du lịch tìm về Nguồn cho thanh thản chứ không phải đi tìm một sự cầu xin đẻ lộc, phát tài.

Với góc nhìn của tôi, vài sự kiện gần đây nhất như hiện tượng của một nhà sư Thái Lan dùng tiền này nọ mua ô tô và máy bay riêng? Cá nhân ông ta không đại diện cho những người tu hành. Đó là một trạm thu phát cá biệt của tham và si.  Hay như nhìn về nhà sư Pháp Định với sự kiện Đàm Vĩnh Hưng và tạo facebook phản cảm, tôi cũng dễ dàng tìm thấy chút cảm phục về sự liêm sỉ của anh này. Liêm sỉ ở chỗ: khi anh ta tự thấy không xứng đáng là Nhà Sư nữa, anh ta xin dâng trả Bát và trả Y để trở về với người thường. Với tôi, đó là một hành vi từ chức dũng cảm khi thấy bản thân không còn xứng đáng. Trong khi đó, có những người khác trong xã hội này còn tham quyền, cố vị lắm…

Nếu bạn nào có thời gian hãy đi cùng tôi với những con chữ. Bắt đầu bằng những bút ký thật dài…
Biết đâu, những bài viết giúp bạn hiểu thêm về hoằng pháp, về Phật giáo Nguyên Thủy (Nam Tông), Bắc Tông và một vài biến cố khác...
Và cũng tất nhiên: tôi là người của cuộc sống xã hội. Cái cuộc sống có bon chen, có phải, có quấy, có xanh và có chín.  Nơi có cả những đức độ cao siêu rồi có những yếu hèn, lừa lọc...Nhưng với góc nhìn của tôi thì nhờ có tất cả những tốt xấu và thiện ác kia, con người ta mới biết lớn lên và trưởng thành, tạo những rào cản và kháng chắn. Cuộc sống này nếu được, tôi muốn ví với một người phụ nữ của xứ sở: Nếu không có những thất tình, thất vọng lồng vào những điều diệu kỳ của cuộc đời thì người phụ nữ chẳng thể khôn ngoan và từng trải được. Không có mặt trái và những éo le, họ mãi mãi chỉ là một cô bé ngây thơ...
Nói thêm điều này cũng là để khẳng định rằng: Đối với Người, tôi chỉ viết về những Chư Tăng Ni đang hoằng pháp có lợi cho đất nước, con người hay ngược lại. Còn đối với những bậc không "hành" mà tự gói mình trong am thảo, tôi dứt khoát không màng bởi lẽ, họ cũng chả màng tới đời thường thì cách tốt nhất là để cho họ yên!
Bài và ảnh: VietHoa
Những hình ảnh trong bài chụp tại Tổ Đình Bửu Long - một ngôi chùa thuộc Phật giáo Nguyên Thủy (Nam Tông)
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất