Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Đây là Đài truyền thanh...anh nói trước hay em nói trước?

   Không ngủ được vì…loa truyền thanh.

Loa truyền thanh cũng không là thủ phạm mà cái thủ phạm lại là sự bố trí nơi đặt loa truyền thanh.

.

Chả biết ông Trúc Sư nào chơi khăm bà con mà đặt loa cái nọ nhại, nhái cái kia. Oang oang, éo éo, tranh nhau tuôn lời đến nỗi nghe không rõ cái loa nói gì vì âm thanh cứ chạy theo nhau, chồng lên nhau…hành hạ lỗ tai mọi người.

Mình hỏi bà con:” Ngày nào loa cũng nói thế này sao?” Giả nhời:” Thì vưỡn! hơn 40 năm nay rồi. Từ ngày bác đi thoát ly không nhớ à?”. Nhớ chứ! Cũng hệ thống loa này ngày xưa:” Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội x cây số; đồng chí VH đi khám nghĩa vụ quân sự để lên đường cứu nước!'. Quên sao được!

Nhớ ngày ấy, ai được “lên loa” là ách xì dầu lắm.

Hơn 40 năm, những cái loa truyền thanh vẫn còn đó. Khác chăng bây giờ người ta treo, dựng nó cao hơn. Trước kia, cứ ngọn cây đa, ngọn cây gạo mà buộc thì hôm nay họ dựng hẳn một cột sắt hình, 4 góc loa chĩa ra 4 hướng. Sáng 5 giờ loa đã phát. Trưa, 10 giờ, loa bắt đầu và chiều tối 6 giờ, loa tiếp tục…

Một cái giọng đàn ông lê khê với đủ các tiết mục từ thời tiết đến giống vốn, mạ mùa, nghĩa vụ thuế, khám nghĩa vụ, gương người tốt, ca nhạc, câu chuyện truyền thanh…y hệt cái ti vi nhưng chỉ khác là không có hình ảnh.

Có đến 90 % chương trình là copy, mô phòng ti vi và đài tiếng nói Việt Nam. Cái giọng nói đàn ông đều đều tra tấn bà con bất kể già trẻ, gái trai…

Họ lý luận rằng: loa báo thức bà con (Khỉ! Có phải ai cũng cần dậy sớm đâu). Họ lý luận rằng:” Để bà con nhớ mạ gieo, giống vốn…(Khỉ! Có phải ai cũng làm mạ với con giống đâu). Họ lý luận rằng:” Để bà con hiểu rõ hơn về qui định và luật pháp…(Khỉ! Ngần ấy kên ti vi, mấy trăm tờ báo, hàng loạt đài tiếng nói các kiểu…không nhẽ còn thiếu chỗ nào không tuyên truyền nữa? Có điều sao không hỏi rằng: cái đám bà con kia liệu có chịu tìm hiểu qui định và luật pháp hay không? Nếu họ cần, không nhẽ phải nhờ loa phường?).

Điểm qua các ý kiến về loa truyền thanh:

Bác Y:” Cái loa chõ thẳng vào cửa sổ nhà tui. Báo hại em tối nào ngủ cũng phải đóng cửa, nhưng nói thật là cũng chỉ bớt được 1 chút tiếng thôi, chứ nội dung nó vẫn đập vào tai em rõ mòn một, từ chuyện thế giới đến chuyện trẻ con trong thôn xã đánh nhau, cụ nào chết...gi gỉ gì gi, cái gì có khi cũng được phát thanh trên loa. Mệt không thể tả với cái loa này. Định làm đơn lên huyện đề nghị tháo bỏ cái loa, nhưng bố em sợ mất danh hiệu gia đình văn hóa nên còn ngăn…".

Cô H ở Thủ đô nhé:” Nhà mình ở phía góc. Cách 2 cái loa phường (hai phường khác nhau). Thôi thì ăn đủ luôn. Loa thì rè. Giọng người đọc thì thều thào. Nghe mà như bị đấm vào tai. Toàn những tin tức tào lao!!! hông biết bao giờ nước mình mới dẹp mấy trò vô bổ này đi.”.

Cách đây 4 năm, chủ tịch phường Khương Mai, Hà Nội, Phạm Văn Hiện đã phải thừa nhận: "Tôi phải thừa nhận rằng những người sống gần những cái loa rất khổ. Tiếng loa cứ xói vào tai họ".

Và, anh đã nhiệt tình trình lên trên những sáng kiến và ý kiến nhằm thy đổi và bỏ các loa phường. Dẫu rằng đã 4 năm, nơi anh quản lý đã thay loa phường bằng một trang web đầy thiết thực và ý nghĩa. Thế nhưng, trên hàng nghìn thôn xã Việt Nam và nửa ngàn Phường ở Hà Nội  tiếng loa truyền thanh vẫn ngày đêm xiết xói vào tai những người đã đầy đủ thông tin rồi nhưng loa vẫn cứ hét thẳng vào tai họ. Thậm chí, thật hài hước với bao điều quanh cái loa truyền thanh (Đây là Đài truyền thanh xã Q! Anh nói trước hay là em nói trước??). Thậm chí sống cạnh cái loa, người trong nhà đang ốm thập tử nhất sinh mà ngày ngày được nghe bài hát “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. (quá tuyệt phải không?).

VẬY THÌ LÀM THẾ NÀO?

KHông thể phủ nhận công lao của loa truyền thanh trong những năm chiến tranh và thời bao cấp. Ngày ấy, chỉ nội chuyện thông báo báo động, sơ tán…cũng đủ cứu mạng nhiều người. Cái ngày mà dù có tiền mua ra-đi-ô còn phải đi xin giấy phép để nghe tin tức thì thông tin thiếu thốn tới cỡ nào. Loa truyền thanh đã làm tốt sứ mạng tuyên truyền của nó. Nhưng hòa bình rồi. Nhất là xã hội ngày càng đi lên, các phương tiện thông tin nghe nhìn quá phổ biến và đa dạng; thiết nghĩ, loa truyền thanh từ lâu phải được xếp vào bảo tàng trân trọng thì ngược lại, hàng ngày nó vẫn ra rả phát đi những tin tức mà người dân thừa hiểu; Dân họ đủ khả năng tìm kiếm thông tin nếu chủ định tìm kiếm. Vậy thì, các cấp cũng nên mạnh dạn phán một câu: Thừa! để mà dẹp đi. Vừa đỡi tốn ngân sách Nhà Nước, vừa đỡ mệt bà con.

Thay vào đó: hãy làm cái nhà văn hóa và khu văn hóa cho xôm tụ. Có màn ảnh rộng, trên đó, các bác chiếu những điều cần truyền tải như thời tiết, giống vốn, thuế má, nhà đất và cả…quảng cáo nữa. Tất nhiên, trong dân chúng, ai cần tin tức, cần tham chiếu vấn đề gì họ biết chỗ mà tìm đến…

Hiện đại hơn thì mỗi phường, thị trấn… làm hẳn cái website đơn giản. Bà con có máy tính truy cập cũng giản đơn.

Tuy nhiên, với người viết những dòng này thì thấy đau nhất cho các cái loa truyền thanh bây giờ là sự bàng quan của đa số dân chúng. Thậm chí, khi hỏi thì có cả những cán bộ Đảng viên phán về loa phường thế này:” Kệ cha nó! Nói lắm thì mỏi mồm. Mình cứ coi như điếc luôn không nghe thấy gì cũng chưa chết ai!”.

Rõ thật!!!!

Vài dòng này, mong bác nào có trách nhiệm với dàn loa truyền thanh đọc được; thay đổi (hay cải tiến) cho bà con nhờ.


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất