Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phượt Câu Nam Ninh-Quảng Tây TQ (bài 10)

  Bây giờ đã đến lúc tôi dành riêng ít dòng viết về người bạn câu, bạn uống và có thể nói vong niên. Dăm năm trước, gặp nhau ở Việt Nam, lần đầu làm quen qua chị Thúy, tôi được giới thiệu là A Cường. Nhưng tôi thích gọi ông là Trần Cường. Tôi hoàn toàn không có khái niệm ông là ai, giàu hay nghèo, làm nghề gì…?Tôi chỉ biết ông là một người. Hơn tuổi tôi có lẽ và đam mê với cái trò câu kéo.
.
Chỉ cần thế là đủ, vì tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của tôi, xem ra cái cần câu lại làm trọng mặc đa số người ta nhìn nó như một trò bê tha, ham hố. Sau này, tôi láng máng biết ông buôn bán đồ câu. Tôi tặc lưỡi: Ừ thì mỗi người cũng phải có một nghề mà làm mà sống chứ. Tôi vẫn tâm niệm rằng: ông có hảo ý với tôi từ thi thoảng tặng qua chị Thúy cái phao câu, cuộn dây nhợ gọi là kỷ niệm. Tôi hảo ý rằng: nếu có điều kiện thì tôi cũng giới thiệu, PR …cho ông nữa. Thế nhưng hình như ông không cần điều đó và tôi cũng chưa nói quá những lời phải chăng về Công ty ông, về đồ câu của ông. Tuy nhiên, cây cần câu tay hiệu “LÃO QUỈ” ông tặng tôi 1 cây, Nguyễn Anh Nguyên 1 cây (dài 5,4m) thì tôi vẫn còn giữ và câu rất tuyệt vì nó nhẹ mà cứng. Trong một lần, câu ở Đồng Diều, cậu bảo vệ giựt giùm chú Chép mà bị xẩy, cần văng lên va vào mái tôn có tỳ vết, sau rồi gẫy ngang; tôi buồn cả tuần và đi tìm thợ chắp nối mà câu tốt tới giờ này…

Nói cho ngay, khi lên xe về NamNinh, tôi nhủ rằng: ông hơi vô tình. Không lẽ chẳng nháng ra cho tôi thấy mà bắt tay chào nhau chia tay. Chả gì thì đây cũng là dịp hi hữu tôi tới tận xứ sở của ông.

Nhưng tới 4 giờ chiều, khi tôi đang la cà mặc cả để mua cái va li du lịch thì A Long tìm tới. Anh bảo: A Cường có nhã ý mời cơm hai ông Việt Hòa và Huỳnh Minh Định, xin hai vị sắp xếp được không? Tôi hỏi chừng nào? Long bảo: chiều tối nay hoặc tối mai. Chúng tôi xác tín là chiều tối nay vì ngày mai có thể anh em rời Nam Ninh.

Oài! Chỉ sau 20 phút, chúng tôi đã thấy ông Trần Cường xuất hiện với dáng vẻ phong trần như một công nhân nhà in. Chúng tôi chào nhau và xuống đường…
 
Ông Trần Cường, VietHoa và người phiên dịch của ông
 
 
VietHoa và A Long tại Hà Nội
Còn bác này thì mọi người gọi là Đại Sư trong lĩnh vực làm mồi câu cần tay

Chúng tôi ra đường đúng lúc khoảng 6 giờ gì đó và là lúc đám taxi bên ấy giao ban. Vẫy hoài, ngoắc hoài không có cái xe nào tắp vào. Ông Cường bảo:” Chờ chút!” . Ông chạy vào Công ty (té ra Công ty ông gần đây) và lát sau, một chiếc xe quá đỗi phong trần chạy ra, trên xe ông Cường và người bạn cười re re. Té ra là một cái xe du lịch đã tháo ghế để chuyên dùng chở hàng. Trên xe bây giờ xếp 2 cái ghế câu dã chiến cho tôi và Định. A Long ngồi bệt xuống sàn. Xe nóng kinh. A Long bảo: anh mở cửa dưới chút đi chứ để em chết nóng à? Ông Cường trực tiếp cầm lái. Cái hộp tróc sơn lạch phạch chuyển bánh. Ông Cường ngoái lại bảo A Long đóng cửa lại. Long càu nhàu đóng cửa và giải thích với chúng tôi là cái xe này cóc được phép chở người nữa. Trên xe mà giao thông nó thấy cũng có chuyện…

Sau gần 1 giờ, xe chúng tôi chạy qua cơ man nào là cầu vượt, phố rộng, cảnh đẹp… nhưng tôi chỉ được ngắm qua cái lỗ kính toen hoẻn. Tiếc hụi vì không thể chụp hình.

Chúng tôi đến cái nhà hàng với những món ăn đặc sản kỳ thú. Như kiểu sân vườn bên ta nhưng bài trí độc đáo và đa dạng về thiết kế. Đáng nể nhất lại là chai rượu ủ hầm mà lên đến 70 độ; rượu trong vắt như mắt muỗi, tợp phát cổ họng hừng lên, dòng rượu chảy vào thực quản nghe rõ những vết hằn tàn phá nhưng thơm lựng quanh vòng hốc mũi…Món ăn thì đa dạng. Nhìn khách xung quanh đa phần đi xe hơi, áo quần sang trọng. Chiếc xe hộp đen tróc sơn của chúng tôi nằm giữa Mercedes C/E/S, Toyota Camry/Altis/Vios,BMW X5, Acura MDX, Audi Q7.. nom như khổ nằm giữa triển lãm chứ không phải cái bãi xe có từng ô chia đều. Rượu được hâm nóng theo cung cách dân dã. Tôi làm được 1 ly là đã thấy đầu chếnh choáng. Chúng tôi nhắc đến những kỷ niệm qua các năm. Người Trung Hoa có một cách đặt vấn đề rất nhuyễn. Mọi sự bàn bạc, thỏa thuận thường được gút lại sau bàn tiệc. Hôm nay cũng vậy. Mục đích ông Cường muốn là tài trợ rồi mang theo 1- 2 đội câu thi sang chơi một chuyến tổ chức tại Việt Nam. Ý ông muốn tham vấn là chuyến này nên tổ chức ở Phía Bắc (Hà Nội) hay phía Nam (Sài Gòn). Tôi khấp khởi vừa mùng vừa lo. Mừng vì cái Hội câu Những Người Bạn chúng mình dù mới thành lập nhưng mà đang mạnh, lại có dịp đăng cai cuộc chơi này thì tuyệt biết bao. Anh em nức lòng, mọi người biết tiếng nếu tổ chức thành công. Lo vì chỉ sợ chưa nhiều kinh nghiệm trong PR, trong vận động tài trợ và nhất là khâu đón tiếp, điều hành…Nhưng gút lại trong lòng là mình đang có anh Đỗ Cao Chí, Giám đốc Đồng Diều, anh Thọ Dũng bên PV Oil, chị Thanh Thúy bên Hoa Gia Thành… đứng sau lưng, thì đã yên tâm. Nhưng khi mình vừa nói OK. Mời các anh qua Hội chúng tôi…Thì đâu ngờ Huỳnh Minh Định không cùng suy nghĩ. Định nói thẳng với Trần Cường rằng: Bên Việt Nam hiện nay chỉ có CLB ấy (không tiện nêu tên) là đủ sức, là đủ khả năng, tiềm năng. Tôi ngồi nghe A Long phiên dịch cho Trần Cường mà lòng thoáng buồn. Tại sao Định không muốn mang cuộc chơi này về Sài Gòn? Về Hội câu Những Người Bạn? Mà cái Hội mình cũng có Vợ của anh: Lê Thúy Diễm là Ủy viên quản trị. Có lẽ anh không tin chúng ta có thể tổ chức cuộc chơi hay sao?

A Long định dịch tiếp tục ý của tôi. Định cũng như sững lại. Nhưng tôi phẩy tay coi như bỏ qua, xong bảo: còn nhiều dịp khác để gặp nhau mà…Như đoán được vẻ buồn của tôi. Trần Cường bảo: nếu ông muốn, tôi sẽ cho dịch cuốn sách câu của ông qua tiếng Trung? Tôi như bị phỏng: Xin bố! Các bố mà dịch thì tôi còn lạ gì cái giọng kẻ cả của các bố. Những môn câu, những kỷ niệm câu của Việt Nam trong ấy chả khác gì sự lạc hậu của chính các vị hai chục năm trước. Làm như vậy, tác dụng còn ngược nữa! Dịch là Diệt…

Trần Cường vỗ đùi cười khơ khơ! Mịa! toàn thằng uống đã tưởng say mà sao say khôn thế nhể??? (Tất nhiên sau đó, cuộc chơi tiến hành đúng như Định dự kiến. Từ Sài Gòn xa xôi, chúng tôi chỉ biết thông qua website chúc mừng anh.
 
 
Cái mà Trần Cường nhủ dịch là đây

Chia tay Trần Cường, chúng tôi đi taxi về khách sạn. Thú nhứt trong thời gian ở NamNinh với tôi vẫn là la cà trên các phố, ngách phố và săm soi mặc cả những món hàng như áo quần, túi xách, ví bóp… Có những món hàng mua rẻ thật bất ngờ. Ví như một đôi giày da lỗi mốt ở một cửa hàng lỗi mốt mà sale tới…70%. Mua về xài mãi vài năm, cần diện đi đám cưới thị trấn vẫn vô xờ tư!  

Ngày tiếp theo, do yêu cầu công việc, một phiên dịch nữa được chiêu tập. Đó chính là cô sinh viên Á Bình xinh xắn và hiền lành.

Việc làm ăn thì nói làm gì!

Chuyện tế nhị thì nhắc làm gì!

Thời gian trượt đi, trượt đi…cho đến khi chúng tôi dời Namning ra bến xe để về cửa khẩu Bằng Tường. Khiếp cho các bố! Đi đã nặng mà về còn nặng hơn.

Như bài trước có nhắc, cô phiên dịch Á Bình giúp chúng tôi mua vé, sắp tài. Nhưng một tình huống xảy ra: chúng tôi bị một chiếc taxi mang đi một cái túi đồ rất giá trị của Dương Văn Triển. Tưởng phen này của đi thay người. Ai dè Á Bình tỏ ra là một cô gái quyết liệt và tháo vát. Cô gọi điện đến hãng ta xi. Ban đầu họ không hợp tác (giống bên mình ghê nhể). Nhưng Á Bình lập tức đem 1 ông anh làm cảnh sát to của Namning ra rung cây nhát khỉ. Cô bảo rằng: anh tao đấy! còn tao là sinh viên đang hợp tác với một đoàn Du lịch nước bạn. Các bạn ấy kiểm tra hành lý thiếu một túi đồ. Chúng mày cố tình cho xe chạy đi… Coi chừng! Coi chừng!

Chiêu bài thật hiệu nghiệm: trước khi xe chuyển bánh 20 phút, túi đồ kia đã trở về chính chủ…Té ra, bên Trung Quốc cũng như bên Việt Nam, xử lý vấn đề đôi khi cũng phải dựa oai …thầy!

 
Á Bình

Chúng tôi đi xe khách từ Nam Ninh về Bằng Tường.  Xe thì tốt nhưng bực nhất là dọc đường cảnh sát chặn lại khám xét và kiểm tra Visa om sòm. Hình như có đứa nào báo cho họ rằng trên xe này có hàng lậu gì gì. Cuối cùng thì bọn họ cũng cho xe đi.

Từ Bằng Tường đến bến xe biên giới Lạng Sơn chúng tôi còn phải tăng bo 4 lần nữa. Mệt
 
 
 Một trong những cửa hàng của ông Trần Cường tại NamNinh
 
 
 
 
 

 còn tiếp
VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất