Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phượt câu Nam Ninh - Quảng Tây, TQ (bài 6)

  Tôi mở mắt khi phía xa xa giữa những ngọn núi lờ mờ mây. Trời bắt đầu bềnh bệch trắng màu bụng cá. Tiếng gà gáy râm ran từng chập. Thi thoảng những tràng chó sủa gắt gói từ trên sườn cao đồi vọng xuống. Tôi ôm máy ảnh chờ bình minh ló rạng…
.
Tôi muốn chờ vì bình minh thì ngày nào cũng có nhưng cơ hội ngắm bình minh giữa vùng núi non trùng điệp với những chiếc cần câu bền bỉ chĩa lên nền trời mịn như thảm, soi xuống biển nước phẳng hơn gương và thân cần câu đẫm đầm sương sớm một cách phong trần, lãng mạn vùng sơn thủy thì có lẽ hơi hiếm có.

Càng hiếm có hơn khi bên cạnh những chiếc cần câu ấy là những thằng người - mà có những thằng người ở vị trí cao trong xã hội là khác - ngồi bất động canh me, mắt dõi xuống chiếc phao đang im lìm. Mà ở nơi này thì những thằng người kia hình như ngồi đó cả đêm trắng...nhưng nếu hỏi tới một phát là một nụ cười đậu trên môi thân thiện ngay! dân câu mà! Lãng mạn chưa?? 

 
Bình minh 
Bác trọng tài bảo chúng tôi có thể lên núi làm vệ sinh buổi sáng nhưng chúng tôi thích khom người cúi xuống vục từng vốc nước trong veo dưới hồ ấp ụp mát lạnh gương mặt phong trần, nhàu nhĩ của chính mình…
 
Đội trưởng Nguyễn Văn Long vừa dậy sau đêm ngủ tại Khách sạn Ngàn Sao

Sáng sớm. Cảnh vật như mới tinh khôi. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì thấy màu xanh của rừng nơi đây mỏng lắm. Đất đai cũng cằn cỗi. Thi thoảng còn có những khoảng đồi màu xanh chưa phủ hết. Tôi và Trần Quốc Nam thống nhất với nhau rằng: xứ này mình đến chơi ít ngày, đổi gió, chiêm ngưỡng, thưởng thức khí hậu trong lành thì thật tốt nhưng còn tìm cách sinh nhai ở đây thì thật là…không nhàn hạ chút nào.

Buổi sáng mát lành hình như khiến con người ta thân thiện hơn một bước. Chúng tôi và các Đội câu chào nhau vui vẻ.

Đúng như em Muối cho biết rằng chúng tôi sẽ được quan tâm. Nhoáng một cái, xô cháo thật đầy và một tay nải trứng gà luộc của Ban tổ chức được mang tới. Mỗi chúng tôi làm một tô cháo nóng nghi ngút khói ăn với hột gà luộc. Đội bạn bên cạnh cũng nổi lửa nấu cháo, luộc trứng vịt từ khuya. Anh em chuyển trứng vịt tặng nhóm Việt Nam. Chà! Mới buổi sáng mà đã no cành hông thế này dám báo hiệu một ngày tốt chắc!

Chúng tôi lại hì hụi nhồi mồi thảy ra câu và chờ đợi…

Đúng như em Muối nói, khoảng 8 giờ, một đoàn cán bộ của họ gồm biên tập viên Đài truyền hình, quay phim, phóng viên báo, phóng viên tạp chí ảnh…ghé tới phỏng vấn và giao lưu. Nhờ có A Long, chúng tôi trò chuyện thoải mái qua thông dịch viên. Thì ra các bác bên này cũng hình thức thấy mồ. Cá thì chúng tớ có lên có quái đâu mà hỏi bao nhiêu con? Lại còn yêu cầu lão già ôm cần để quay phim, chụp ảnh sè sè nhức hết người. Bác Biên tập viên hỏi tôi:

- Bác nào đại diện cho đoàn Việt Nam?’.

Tôi thật thà thông báo đại khái chúng tớ chả có thằng nào trưởng đoàn. Khoái Phượt thì đi với nhau:

- Bọn mình có 3 nhóm sang câu cuộc thi này là những anh em đồng sở thích. Chuyến đi vui và rất tôn trọng lẫn nhau. Các bạn biết đấy. Dân câu dễ gần nhau mà...Tớ lại có tuổi nên anh em càng thương. Đến cô Muối của các bạn còn ưu ái cùng chụp hình chung mà...".

Nhưng khi gã chỉ vào vật tặng lưu niệm thì tôi giải thích:" À! Mình đại diện cho cái HỘI CÂU NHỮNG NGƯỜI BẠN. Nó ở đâu á? Nó ở Saigon city. Hội viên chúng tớ có gần 100 người. Đa số họ là cán bộ về hưu, chủ doanh nghiệp, cnv công sở, chủ cơ sở sản xuất... Câu vui mát giời! Nhậu cũng nhòe giời! Các chú muốn sang Việt Nam câu à? Nhất trí ngay! Các vị cứ ghé Đồng Diều- trụ sở chúng tớ ở đó, nơi ấy có hồ câu thơ mộng phết, Phong cảnh thiên nhiên, mình câu với nhau…”. Hảo lớ! Hảo lớ! các bạn gật gù ra bộ hiểu hết.

 
 Chụp ảnh với nhóm Phóng viên báo địa phương và Đài truyền hình Đại Hóa
 
 
Với nhà văn  Hoàn Nghiêm

Tay Phóng viên hỏi tiếp:” Thế ai làm chỉ huy đoàn Việt Nam?”. Chả có ai chỉ huy! Đã nói ý tứ ở trên khia rồi. Mà cần gì chỉ huy! Ông hỏi chuối bỏ mẹ (hi hi- mình nghĩ vậy chứ xã giao làm sao nói kiểu đó??). Đi câu đi phượt chứ có phải đi ký kết, họp hành, phát ngôn gì đâu mà phải bầu chỉ huy, Chúng tớ nhớn đến nỗi về hưu gần hết rồi chứ có bồng văn bột gì nữa...

Tay Biên tập viên nghe trả lời vậy là nó hảo hảo ngay. Tôi nghĩ mình cũng nên tỏ rõ cho nó biết ý chí của mình. Bởi vì, nếu nhận vơ nhận váo là tao đại diện cho anh em câu kéo Việt Nam thôi cũng đủ xấu hổ (mắc cỡ) thấy bà nội chứ. Bởi vì, Việt Nam những tay câu giỏi có thể giật giải, đua chen ngang ngửa với các tay câu tại đây không thiếu. Vì lý do này, lý do khác họ không có mặt. Mấy thằng mình câu kéo đã ra cái tầm gì mà đòi đại diện. Còn đại diện các cái khác thì càng không bao giờ!

Bọn họ nhìn nhau rồi trao đổi mấy câu. Xong là cười vui tĩ tã. Có lẽ cái cách tỏ ra của chúng tôi lại thuyết phục được bọn họ. Rồi ngay tắp lự, các quí anh vỗ vai nhau xe xe mát trời ngay. Lại trao card, tặng nón, tặng sách…như thân thiện từ lâu lắm. Một bác đại diện ngỏ ý muốn mời chúng tôi cùng có mặt trong buổi chiêu đãi với phó trưởng bản Mông sáng nay. Tuyệt cú mèo! Càng tuyệt hơn khi bác ta bảo: Chúng tao chiêu đãi chúng mày bằng cá mè nguyên chất hồ Hùng Thủy, thịt lợn bản, thịt gà và vịt của người Mông và nhất là món rượu với ớt ngâm măng gừng…Ánh mắt gã sáng lên khi bật mí tiếp: Đầu bếp là phụ nữ rất xinh, mến khách và có thể nói… tôi yêu Việt Nam. Cả bọn hoan hô, còn tôi tý nữa tăng xông gục xuống triền nước phun chén cháo vừa vô ban sáng ra xả mồi cho cá.

Thế là bao nhiêu cần câu, đồ đạc gửi cắm lại nhờ bác trọng tài coi giùm, chúng tôi rồng rắn theo chân đoàn cán bộ trên đi…câu gà, câu vịt!

Chúng tôi vào nhà Phó bản. Một bầy từ lợn đến gà, vịt khụt khịt, quang quác, loạc cạc…nhốn nháo chạy. Chỉ riêng chú chó vện đứng tấn sủa ông ổng nom rất hãi (nó đớp phát thì biết chích ngừa ở chỗ nào nhỉ).

Ngược với súc vật, bọn trẻ con rất hiền lành và mến khách. Tranh thủ, tôi bế vài đứa, chụp ảnh chung, nói tiếng …Tay với nhau cười giòn như Liên Xô.

Phong tục của người Mông uống riệu cũng có cái khác: Mỗi người mời mỗi người (chứ không mời đại trà như ở ta); uống cho đến khi sau khướt ngả nghiêng thì mới là chân tình. Xét một cách toàn diện thì đám chúng tôi chỉ là cái đinh rỉ về tửu lượng so với chú báo giấy và báo hình Đại Hóa này.
Nhà Văn Hoàn Nghiêm (chả biết nhớ có đúng không nữa) ngồi kế tôi nâng ly rượu trong vắt như nước mưa gật gù phát biểu:” Em hình như chờ đợi cuộc gặp gỡ có duyên này 15 năm rồi. Quả bùa dục (ý nói quả thận) của em cũng yếu lắm nhưng xin cạn ly. Đây là số pôn của em. Anh gặp trục trặc gì ở bất cứ đâu thuộc vùng Quảng Tây này cứ gọi đến. Em sẽ thu xếp ổn thỏa!”. Tôi nghe A Long dịch câu nói một tích tắc thấy mình nghe oai hẳn. Nhưng sau tích tắc ấy thì tôi tự cười xòa: Rượu của người Mông nó nói đấy!. Vẫn biết nói và làm là hai việc khác xa nhau. Nhưng giữa cái không khí này, buổi phượt câu chơi thế này mà có câu nói ấy cũng chả yên lòng lắm ru. Cái card của anh đưa cho tôi, tôi không đọc nổi nhưng  anh bảo truy cập vào bbs.chinafishing.com sẽ thấy anh và cuộc chơi hôm nay trong đó…

Sau vài chén thì chúng tôi cũng bàn đến phỏng vấn và quay phim. Tôi nhờ Long phiên dịch cho các bạn là: Chúng tới có nhóm câu và ông Huỳnh Minh Định câu bờ bên kia được nhiều cá mà này lắm. Chắc chắn họ đoạt giải vì nghe đâu cá họ lên nhiều nhất bên đó. Các bạn phỏng vấn với quay phim cái nhóm ấy đích đáng hơn. Còn bọn mình? Uống cho đứt cước hết đi…”

 
 

Lưu niệm nhé

Vui hơn nữa là bác phó trưởng bản (tôi cứ gọi thế vì thấy bác cũng oai, ra lệnh cho mấy bà răm rắp) cũng thủ theo 1 chai rượu in chữ nho loằng nhoằng; mới chỉ nhấp một tý đã cháy họng. A Long kịp phiên dịch: 65 độ đó cha! Sau ly rượu cháy họng đó thì tôi gục hẳn. Kịp lết ra cái ghế tựa vừa nằm vừa ngồi coi ti vi mặc cho các chiến hữu tiếp tục đưa đẩy…

Phải nói món ăn nào của họ cũng ngon một cách đặc biệt. Cánh chúng tôi bao giờ cũng gắp nhón một tý, đưa lên miệng ăn và nghe. Thấy ngon phát là gật lia lịa rồi gắp tự nhiên như liên hoan ở quê. Đặc biệt món thịt lợn. Ngon, giòn đến nỗi chú Khiêm nhai đôm đốp như chén bỏng ngô. Món cá mè rất lạ. Các anh bảo: cá mè hồ Hùng Thủy ngon và lành, sạch nhất Trung Hoa. Họ luộc lên, tách lấy thịt, chấm gia vị thịt cá mè ngọt lừ đầu lưỡi, ớt, gừng tê cay...úi! khó tả lắm!!!!

Chị chủ nhà xinh thật. Chị nhanh nhẹn lấy khăn và nước uống. Đồng bào hiếu khách thật. Thôi thì lại xin chụp với cô nàng…tôi yêu Việt Nam này một kiểu cho đủ hai mặt tiền (1 tấm với em Muối)

He he, chuyến này tớ về nhà cứ gọi là... đi giật lùi nhé. Bà cháu có nện thì chạy luôn cho tiện.

Có thể nói, trong số anh em phượt chuyến này thì 4 thằng chúng tôi và A Long phiên dịch có cái duyên được ăn và được uống. Sau này nghe các bác nhóm 1 và nhóm 2 kể lại nỗi vất vả của họ mới thấy bọn mình được ưu ái. Bài viết này cũng thanh minh luôn là chưa một phút nào chúng tôi tự nhận là đại diện hay phụ trách đoàn gì gì. Bởi vì, ngay từ đầu, anh em Sài Gòn đã bảo nhau tránh cái tiếng, cái danh hão đó. Vẫn biết, anh em cùng đi họ tôn trọng mình nhiều tuổi hơn. Nhưng cũng không bao giờ vì thế mà lên mặt. Tuy nhiên, với cương vị là Chủ Tịch Hội câu cá Những Người Bạn, bản thân cũng có viết sách; khi đi, Hội cũng gửi áo, mũ của Hội đi để tặng giao lưu và PR cho Hội sau này có dịp đón bạn câu trong hoàn cảnh khác. Mỗi lần trò chuyện, tôi và Long, Quốc Nam đều có ý tứ nhắc A Long phân biệt để rạch ròi.

Cũng cần nói thêm là: Trong chuyến đi, anh em đa phần đều là những người giữ chức sắc trong các CLB hoặc Hội câu cá tại Việt Nam. Như anh Triệu Du (Triệu Lý Hoa) là Chủ tịch CLB Câu cá Âu Lạc. Anh Trịnh Minh Khoa, Phó chủ tịch CLB Câu cá Tràng An, Hà Nội; anh Nghiêm Bá Vương, Admin, trưởng trang tin Diễn Đàn câu cá Việt Nam; anh Sơn, Chủ tịch CLB Câu cá trên Điện Biên; Trần Quốc Nam, Giám đốc Công ty Phương Nam…

Tuy nhiên, bản thân tôi cứ đơn giản hiểu rằng: Chức vị chả có Lương, chả có Thưởng thế thì làm gì. Mà dù có có, cũng chả làm oai với ai. Hãy trung thành với câu: Nghề nghiệp không nói lên nhân cách con người!

Đúng là ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mới đó mà đồng hồ đã báo 11 giờ 30 toàn bộ cuộc thi câu thu quân chuẩn bị xuống thuyền. Chúng tôi phải chia tay nhau thôi. Lại chụp ảnh, lại ôm hôn nhưng lần này bia rượu nó làm cho những cái bắt tay và những cái hôn thắm thiết hơn…

Bác Phó trưởng bản còn kéo lại:” Tao muốn chụp hình với mấy chú Việt Nam…”.

Trước khi xuống thuyền, bác trọng tài khuyên chúng tôi dọn sơ chỗ sinh hoạt. Chúng tôi chia nhau đi bắt tay, chào, cảm ơn và tạm biệt những người bạn câu mới quen dù chỉ mới vài chục giờ đồng hồ ít ỏi.

Con thuyền chở chúng tôi nặng nề nổ máy, đưa chúng tôi về một địa điểm tôi không kịp nhớ tên. Tại đây, Ban Tổ chức đã bố trí một sân khấu, khán đài hoành tráng để trao giải tức thì và vinh danh người trúng giải.
 
 
Sân khấu mới dựng dùng trao giải câu thi
Lại tiếp tục chờ đợi. Đói và hơi mệt. Chúng tôi hầu như không còn gì để ăn. Trước khi chia tay, còn bao nhiêu bánh trái, cháo hộp…chúng tôi chuyển tặng hết cho bà con. Lên cái khu sân kho hợp tác xã này thì không còn hàng quán nào bán đồ ăn nữa…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Còn tiếp
VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất