Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phượt câu Nam Ninh- Quảng Tây, TQ (Bài 5)

   Té ra em Muối và cán bộ Ban Tổ chức đi kiểm tra trọng tài. Chúng tôi lại lảo hấn hảo, xe xe, xi xil …một hồi. Nhân dịp này, tôi lập tức PR cho HỘI CÂU NHỮNG NGƯỞI BẠN bằng cách gửi tặng áo, nón, sách và cacvidit (car) cho em và bác Hữu Văn (Cục trưởng VHTT).
Em Muối bảo:” Em sẽ giới thiệu các anh với toà soạn báo địa phương và Đài truyền hình Đại Hoá!. Chuyện đó là ngày mai còn từ chiều nay sẽ có người mang cơm hộp cho các anh nhé”.
.
Giời ạ! Sao cái số của anh em tôi nó vui thế. Lúc khó khăn nhứt thì lại có Quới Mỹ nhân phò trợ. Tôi sẽ dành hẳn một bài để viết về những người bạn của báo địa phương và Đài truyền hình Đại Hóa

Trở lại với con vịt bữa xế, tôi cầm dao chặt, sai Long tìm cà ri, xì dầu, ớt và rượu để ướp. Xong xuôi cho vào nồi áp suất hẹn giờ 12 phút chín. Cũng cần nói thêm: dù dân ở đây là người dân tộc thiểu số nhưng nhà họ cũng xài ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh 3 buồng, nồi áp suất hẹn giờ…không thua gì dưới xuôi. Chỉ có điều nhà cửa chả tô trát gì, bày biện luộm thuộm…

Thịt vịt thì đã chín, nhưng còn khoản mang thịt về cho anh em mới là nhiêu khê. Đường thì xa, dốc lên dốc xuống như vầy không khéo mang về đến nơi còn tý nước dính xoong. Phương án tiếp theo:” Chị ơi! chị bưng thịt này xuống chỗ có cái bạt che kia. Chúng tôi gửi thêm 10 tệ. Nhưng nếu bị đổ thì chị thịt con khác bồi thường hỉ!”. Nụ cười của bà chị toét ra, xinh hơn bao giờ hết. Và thế là, chị trước, em sau, chúng tôi cùng sánh vai nhau đi trên con đường đầy đá nổi…(ứ phải bài Vọng cổ gánh nước đêm trăng nhé). Bước chân của bà chị cứ thoăn thoắt trên lối gập ghềnh…

Khi chúng tôi xuất hiện từ trên bước xuống, anh em mừng hết lớn. Mùi thịt vịt lúc này mới thơm làm sao. Mấy két bia chúng tôi khuân về thật tuyệt. Bác trọng tài ban đầu nghiêm túc lắm. Có lẽ ông bạn này e ngại một cuộc hối lộ xuyên Cuốc Gia nên nhất quyết không dùng hàng Việt Nam. Thế nhưng, sau một hồi chúng tôi năn nỉ rằng: Chúng tao chỉ đi phượt là chính thôi. Câu kéo cũng ham nhưng bọn tao mà được giải thì lợn sề nó cũng có váy lĩnh. Mày yên tâm cụng ly. Khỉ! chúng tao biết mày vì nhiệm vụ nhưng giữa cái không khí uy linh sơn thủy mà thằng uống, thằng ngồi nghiêm trang như hội nghị A Pếch mất vui cả vạt rừng này chứ tụi tao hả hê gì…. '. Bác trọng tài hiểu ngay tắp lự. Một nụ cười banh ta lông và chúng tôi trao đổi với nhau: hấn hảo! Tố hảo! xe xe…(Tố hảo: rất tốt; hấn hảo: tốt vui; xe xe: cảm ơn! - mình nghĩ đại ý nôm na là thế) các bác dạy chúng tôi tiếng Tàu, chúng tôi dạy các bác tiếng Việt. Loáng một cái, nồi vịt  hết veo…


 

Trong khi nhóm chúng tôi và cả dãy không có cá cắn câu thì mé bờ bên nhóm 2 của Định, Vương, Triển, Khoa tình hình lên cá rất khả quan. Qua điện thoại, Định báo bên anh đã lên 12 con cá mè lớn rồi. Chúng tôi chúc mừng các anh qua điện thoại. Nhưng chúng tôi đâu có ngờ rằng nhóm các anh có những vất vả và gian khổ chủ quan và khách quan, mà sau này khi hội ngộ với nhau, nghe các anh kể chúng tôi mới tạm hình dung ra..

Trước tiên là tại địa hình. Nơi các anh tác chiến thì đá núi và vách chìa ra sát mép nước. Câu thì lý tưởng bởi cá có thể dựa vào, nhưng không có nhẽ suốt đêm câu mãi? Thế là khi nghỉ thì không có chỗ ngả lưng. Các anh cũng ham cá nên đành thức mà chơi. Cá cứ lên đều đều. Các anh kể rằng: ban đầu, hai nhóm câu bên cạnh không ưa gì nhóm anh. Họ ném mồi tràn sang lối câu là thường xuyên. Ban đầu, anh em còn nhịn và khiếu nại lên trọng tài nhờ can thiệp. Sau rồi thì ngang luôn. Các anh cũng ném mồi ra, vướng dây thì kéo về cùng ngồi gỡ rối cho vui. Riết rồi các dội bên cạnh thấy rằng nếu cứ như vậy thì không khác gì xả mồi cho “người anh em Việt Nam” câu, nên họ bắt đầu câu trong vùng phân ranh của họ.

Thừa thắng xốc tới, sau 24 giờ câu, các anh Nhóm  2 mang lên khoảng 70 con cá mè hoa, mè trắng, mè đầu bò các loại…Có thể nói rằng: nếu tính cá ăn nổi, đội Việt Nam 2 câu nhiều nhất dãy này.

Tuy nhiên, đến món cá câu đáy thì anh em…thua! Thua vì khâu chuẩn bị mồi không lường hết được cái qui định phải có 6 con cá câu đáy. Qui định này giờ chót anh em câu bên Việt Nam mới biết. Tại bờ này, mồi câu đáy hiệu quả lại là con trùn (giun). Ngỡ rằng như câu bên ta, các anh cho phiên dịch A Sáng sang một nhóm bạn xin vài con trùn. Tức thì (theo lời kể A Sáng) các anh bị chửi một trận muốn lòi mắt. Nào là chúng mày suy nghĩ kiểu gì? Tao với chúng mày đang thi thố, đang kè nhau từng con cá mà chúng mày lại mở miệng xin mồi chúng tao. Bây giờ tao cho mày mồi để mày câu cá đánh bại chúng tao à? Còn khuya nhé! Cuối cùng, chính A Sáng phải cầm tiền vượt lối mòn đi mua trùn về. Nhưng khi đã lỡ dịp thì mồi ngon cũng chả làm gì…

Các anh còn kể rằng: Đội phải nhịn đói, nhịn khát vì đường tiếp tế không thể tới  (?); tới bữa đói thì phải tự dùng mì tôm, lạp xưởng và xúc xích chuẩn bị từ siêu thị ra nhai. Định bảo: “Tôi cúi xuống vục nước hồ nếm thấy ngọt là chơi luôn. Khát mà!”.
 
 

Ngược lại, bên nhóm Triệu Du và Huỳnh Phong thì thái độ của các đội câu TQ bên cạnh khác hẳn. Phong bảo:” Họ chân tình lắm. Chúng tôi thiếu bôm câu cá mè, họ còn cho luôn rồi hướng dẫn cách nhồi mồi, cài lưỡi vào bôm lưới làm sao câu dính cá. Rồi chụp ảnh lưu niệm tè le…”

Cũng giống như nhóm 1, nhóm 3 chúng tôi (Long, Nam, Hòa, Khiêm) cũng nhận được những tình cảm thân thiện của các nhóm cùng chơi. Đội bạn nổi lửa luộc trứng, nấu cháo đều làm dư ra và rủ chúng tôi cùng dùng. Trọng tài chuyển đến cả thùng nước suối tha hồ uống và nhất là ngày thứ 2, khi Đài Truyền Hình Đại Hóa đến thăm chúng tôi (có quay phim, phỏng vấn) thì các anh đội bên cạnh dọn dẹp nhường mặt bằng thuận lợi nhất cho chúng tôi lên khuôn hình…

Qua toàn bộ những cư xử, tôi kết luận sơ bộ rằng: dù người Tây hay người Tàu hay người Ta đều có người thế nọ, người thế kia. Sự chân tình, giả dối hay đố kỵ không dành cho bất cứ riêng dạng người nào…

Trở lại với nhóm chúng tôi. Khi trời rừng ngả xuống hoàng hôn, sương mù bắt đầu che nhẹ cảnh vật cũng là lúc 5 anh em chúng tôi hy vọng cá xơi mồi. A Long rất nóng máu. Anh bảo:” Chúng mình phải quyết tâm mang lên mấy con cá to chứ chịu nó à?”. Cậu Khiêm chuyên gia ném đá hội nghị:” Anh coi các đội bên cá ai lên cá đâu mà hi vọng?”.A Long khoát tay:” Đổi mồi khác! Chơi tới cùng chứ”. Lập tức, anh lục mấy cái túi lôi ra những gói mồi ban tổ chức tặng, gói mồi của Định đưa..vv. tất cả y trộn chung với nhau thành một xô đầy ngân ngẩn rồi vo tròn từng cục như quả bưởi ném ầm ầm xuống hồ: Xả mồi! Lạ sao??? Hắn làm động ổ rầm rầm mà các đội bạn không ai lên tiếng (hiền nhỉ), Trần Quốc Nam tủm tỉm:” Ở quê tớ câu thi mà xả mồi động ổ kiểu đó thì có chuyện rồi!”. A Long phớt tỉnh. Hắn hì hụi nặn mồi, ném mồi từng cần câu ra xa rồi bó gối thu lu giữa đêm đen chờ đợi…

Thế nhưng chờ đợi cứ là chờ đợi. Con cá không cắn câu và bên Khánh Long cũng vậy. Các anh không thấy nổi còi có cá. Hình như mé này cá ít...Cánh Việt Nam 4 khứ an ủi với nhau rằng: Đến cả cái hãng mồi câu Qing Long bản xứ kia mà không lên cá thì anh em mình “tịt” chả có gì mà…bùn!
 
Đêm xuống, Rừng ven hồ Hùng Thủy đèn sáng như phố đêm
 
Chúng tôi trong ổ lều: Long- Khiêm-Long
 Khuya! Sương ướt đã nhàu vai. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho cái ổ rừng của mình. Cũng thật cảm ơn Ban Tổ chức trước khi câu thi đã cho người phun xịt muỗi nên hầu như vạt rừng không có muỗi. Chúng tôi nằm đứa thì úp thìa, đứa thì so le dưới cái tấm bạt che lổn nhổn đá núi mà kéo bễ. Rừng vắng lặng! tiếng dế kêu rỉ rả. Xung quanh các bờ hồ, đèn câu nổi lên như sao. Tiếng rì rầm nói chuyện xen lẫn với tiếng gió dạt dào. Thi thoảng, một tiếng còi báo cân cá vang lên xao rộn cả sườn đồi…

Chờ cho cả nhóm ngủ hết, tôi lặng lẽ mở máy tính xách tay ra xử lý vài tấm ảnh, ghi vội mấy dòng và nghe vài bản nhạc trữ tình…

Cuối cùng thì máy tính, máy ảnh cũng quăng sang bên. Một giấc ngủ ngon ập về…
 
 
Không có cá - những người anh em hơi bị trầm tư
 
 
Nhưng rồi kệ xác cái giải thưởng- chúng ta kỷ niệm tấm ảnh cho vui đời

 Còn tiếp
VietHoa
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất