Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phượt câu Nam Ninh- Quảng Tây, TQ (Bài 4)

Tôi dành vài dòng để nói về nhận xét của riêng mình về những cuộc thi và giao lưu câu cá với các cần thủ TQ. Công bằng mà nói thì cuộc chơi mục đích từ giao lưu rồi mở ra các mối quan hệ làm ăn trước mắt và tương lai. Cách nay 5- 6 năm, những anh em câu cá giải trí Sài Gòn 
.
chúng tôi đã tiếp đón và giao lưu khá thân thiết với các ông Trần Cường, Ngày ấy, các bác sang câu tặng chúng tôi từ cần câu, mồi câu, phao câu. Cũng từ ngày ấy, chúng tôi biết đến một trường dạy câu cá bên TQ có tên là trường Lão Quỉ; đến những bịch mồi câu thơm nức, chế tác công phu và được quảng cáo là không ảnh hưởng đến môi trường. Mà có vẻ đúng như giới thiệu. Mồi bột của các bác TQ mang sang câu rất nhạy. Ném xuống phát là tim cá sôi ầm ầm. Nhưng cái tôi kính nể họ nhất chính là kỹ thuật câu. Nói một câu: Họ câu tài lắm! xem ra là ưu ái cảm tính. Nhưng câu với họ, mình mới thấy cái chậm tiến, cái lạc hậu và bảo thủ của anh em câu cá chúng ta. Này nhé: Ví như họ đang câu, mồi này không cắn, họ sẵn sàng chế tác mồi khác ngay cấp kỳ. Những lọ nước thơm, hương vị chiết xuất từ những thức ăn khoái khẩu của từng loại cá được bảo quản và đóng gói sẵn sàng. A lê hấp một phát: mồi thay mới! Nói về kỹ thuật câu thì có lẽ nên đánh giá theo trường phái bởi anh Nhật Bản và anh Hàn Quốc (chỉ tính câu cần tay thôi) đã có những khác biệt so với anh Trung Quốc. Thế nhưng nói về thao tác câu cá thì các bác Trung Quốc đúng là bậc thầy. Bậc thầy vì không có động tác nào thừa. Từ cái thùng câu kiêm ghế ngồi có tựa lưng, gắn chống cần, gắn dù che, gắn khay mồi, khay nước, giá gác vợt…tiện dụng vô cùng. Cần câu thì có độ cứng, mềm theo thông số và cấp độ rõ ràng. Cá nào cần đó. Đánh tốc độ nào sẽ cho ra cần câu tương ứng. Lưỡi câu không bao giờ có ngạnh mục đích không làm đau con cá và nhanh nhẹn trong thao tác bắt và gỡ cá. Cái ngày ấy, tôi đã tròn mắt nhìn cách họ móc mồi. Mãi sau hỏi thì họ mơi giải thích rằng: Đó là cách câu gọi là mồi vuốt dính. Chả là trên cái khay mồi kia họ chế mồi thật nhão nhưng cho nhiều bột dính. Chỉ cần nhúng bộ lưỡi câu vào là mồi đã bám quanh lưỡi và thảy ra câu ngay khỏi có vê bóp chi chi. Cái căn bản cho tiện hơn là đít khay mồi có một cục nam châm hít được cái lưỡi câu. Thế là…ở tài nhỉ?? Bây giờ, nói chuyện lại và một số bạn câu cá sẽ cười khè khè bảo có gì ghê gớm? Vì, trò này phổ biến quá chừng trong Nam, ngoài Bắc và mấy chú nhóc copy còn làm bộ sáng tác ra trường phái mồi bột này, thương hiệu mồi trộn kia bày trên kệ, rỉ tai nhau phát mới lị vương phát chứ thực chất đối với người Nhật, người Hàn, người Trung Hoa…họ làm chuyện này cả nửa thế kỷ rồi. Khi tiếp xúc với dân câu giải trí chúng tôi những năm 2003- 2004, họ đã biểu diễn và hướng dẫn anh em mình từ cách giật cá, thao tác vợt cá…mà người khó tính và bảo thủ nhất cũng phải thừa nhận đó là những…bậc thầy.

Để chứng minh, tôi dẫn ra đây một quái thủ câu cá Việt Nam đương đại tên là Huỳnh Minh Định. Gọi anh là quái thủ vì vốn dĩ anh là quái thủ sau khi thi và đoạt đến …2 danh hiệu quái thủ và 1 danh hiệu đài vương. Trong cái tiệm đồ câu của lão này trên tường bày kín những chứng chỉ, danh hiệu, giấy chứng nhận của nhiều giải câu trong nước và ngoài nước. Đặc bọt nhứt là được cả hai vợ chồng. Vợ lão: bà Lê Thúy Diễm cũng là một cần thủ hơi bị giỏi. Tôi nhớ không nhầm thì chính bản thân tôi cũng từng được vinh hạnh ký trực tiếp biểu dương và trao giải cho vợ chồng lão. Riêng với Định, anh từng bỏ ra hàng năm trời giao lưu ra Bắc, phần thì hướng dẫn câu tay, phần thì bán và quảng cáo mồi câu thông qua tài trợ các giải. Nói đến Huỳnh Minh Định, giới câu cá giải trí Việt Nam không ai không biết. Giới thiệu sợ về Huỳnh Minh Định để dẫn giải chuyện câu giao lưu với các cần thủ TQ về cần tay năm 2004. Năm đó, ông Cường hỏi ai câu giỏi nhứt trong qui vị? Chúng tôi điều Huỳnh Minh Định ra tiếp chưởng. Với vẻ tự tin của một cao thủ ăn dầm ở dề các ao hồ và lúc Lăng, lúc Lóc trên cao nguyên và đồng bằng, ông Định vui vẻ nhận lời. Cái lợi thế quen ao, quen khí hậu, hiểu con cá trong cái hồ Ao Đôi Bình Chánh kia thì Định và anh em chúng tôi chả ngán gì “thợ” câu của Lão Quỉ. Tất nhiên, ngoài Định ra thì còn có một số anh em khác chơi cùng nhưng ở đây chỉ tính Định thôi vì buổi sáng hôm đó, Định vượt lên gần 20 kg: 1-0!

Thế nhưng buổi chiều thì…bác Định lắc đầu luôn bởi tốc độ lên cá, độ lỳ tay cầm cần, sức dẻo dai trong thao tác và sự nhạy bén trong pha mồi của anh em câu cá Lão Quỉ: 0-1! Kể cũng lạ: Người TQ hình như thiên về xã giao. Cuộc tỷ thí chưa ngã ngũ mà kể như ngã ngũ. Sau đó, anh em câu cá TQ đã chuyển tặng hết những chiếc cần câu tay hiệu quả của họ cho anh em chúng tôi.

Kể dài như vậy cũng là để chua chát công nhận một điều rằng: Người Trung Quốc đến cái chuyện câu kéo giải trí họ cũng hơn ta từ bài bản đến tư duy.

Nói về chuyện câu giao lưu ngày đấy, với tôi thì đó là một buổi ra mắt và tiếp thị thành công của các hãng đồ câu TQ.

Tất nhiên, sau đó thì hàng loại những chuyện làm ăn trên thị trường Ngư cụ vốn đang sơ khai và thiếu chuyên nghiệp ở Việt Nam ra đời. Rất tiếc, bản thân người viết bài này chỉ ham câu, phượt chơi mà không quan tâm để ý tới những chuyện khác. Ừ thì họ tặng mình gói mồi, cái cần câu, cái máy trục…thì trong bài viết phóng sự cũng nên nhắc tới và bình luận đúng mức như một sự giao lưu có đi có lại. Hay nên khen hay! dở nên nói dở. Anh em mới đi câu dựa vào đó mà biết đường lựa chọn. Mà có lẽ, những thương gia họ cũng chỉ cần đến thế. Còn mình? Cuộc đời vất vả liệu có mấy niềm vui? Ham câu và được đi câu đã là niềm vui. Còn bảo ai lợi dụng ai thì chắc chắn là không! Không bởi ai cũng lớn rồi…
Xưa nay, trong cái tiêu và xài, ăn và chơi…của chúng ta vốn không “thằng” Tây thì “thằng” Tàu hoặc “thằng” Mỹ nó khai phá văn minh cho chứ cứ những như bà con mình thì mút mùa người lớn mớm cơm búng cho con trẻ, quần thâm áo tứ chân què, nhuộm răng, ngủ ổ, ỉa đồng… Vậy không thằng này thì thằng khác nó bơm vá, mông má chứ chúng mình đi tắt đón đầu còn chả xong nói chi sáng tạo. Thế thì,đằng nào cũng có nhu cầu sắm cái ti vi, mua của ông Philip hay của ông Panasonic cũng là hướng ngoại mà.

Nói về câu kéo, chính bởi từ cái quan niệm và ý chí vui thì chơi, không vui thì thôi nên nhiều khi tôi …thôi kệ! Dù gặp lại anh em Lão Quỉ, nhìn họ tất bật trong chuẩn bị, trong đón khách và tổ chức, bản thân tôi đang đi cùng vài anh em có thể là đối tác của họ nên tôi coi như mình …chưa quen. Hình như doanh nhân Trần Cường cũng đồng cảm với điều đó. Ông bắt tay tôi bình thường và chỉ đến khi mọi sự câu kéo đã xong, chúng tôi tự túc về đến thành phố Nam Ninh chơi thì ông Cường mới mời riêng tôi và Huỳnh Minh Định đi…nhậu tẩy trần một bữa.

Trở lại chuyện câu thi và bốc thăm ở Hùng Sủi Hồ (Quảng Tây):

MŨI THỨ NHẤT: TAM HỢP NHẤT ĐỊNH THẮNG
Nói cho ngay, từ Việt Nam, anh em mình đã nhẩm nháy nhóm của mỗi người có những ai rồi. Đó là chuẩn bị cần thiết vì cuộc chơi xảy ra trong điều kiện khắc nghiệt và lường trước sẽ gặp khó khăn, cho nên anh em đến với nhau, biết mạnh biết yếu của nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau là cần thiết. Nhóm anh Triệu Du xuất quân với chiến tướng Huỳnh Phong- người từng bôn ba lê lết khắp các địa hình, sông hồ chuôm, trảng; giải giật về không biết bao nhiêu. Giải Nhất thì chưa thấy nhưng Nhì trở xuống tới Khúc Khích thì treo đầy nhà. Anh Triệu Du thì ai cũng biết, anh vốn là Chaiman một thời lừng lẫy trên sông hồ Phía Bắc. Anh Sơn Honda (biệt danh tôi đặt) bên câu lạc bộ Câu cá Điện Biên, lia quét cỡ thổ công từ hồ Pa Khoang đến sông, suối trải dài tới tận xứ triệu voi Pa Thét (Lào)…

Nhìn các anh bước xuống thuyền chững chạc với từng bó cần chắc vồng như bó củi, ba lô lèn chặt từ rượu ong đất đến cám chua, cám thơm đặc sản made in các kiểu thế kia là tôi nghi các anh chuyến này quyết ra tay cho bọn họ (??) biết tài. Vui vẻ và thắng lợi nhé! Tôi xiết tay Huỳnh Phong và Triệu Du (hai bác kia thì đồ đạc lỉnh kỉnh nên không tiện chạy lại với các anh). Khi con tàu chở các anh dời bến Bắc Cảnh, nhìn tay mũ vẫy, tôi chẳng thể ngờ rằng từ phút giây ấy tôi đã Vĩnh Biệt các anh đến 2 ngày mà không điện đóm, không nhắn nhủ mà chỉ toàn ò í e giữa những khoảng đồi rừng lá thấp chớm lên xanh…

 
Tôi đâu có ngờ: tiễn các anh xuống thuyền là vĩnh biệt sắp 2 ngày

 Những ghi chép dưới đây là do các anh kể lại: mé bờ của các anh có nhiều đội câu, nhìn đội nào cũng có vẻ chuyên nghiệp, lúc thì 8 cần máy sừng sững vươn ra như những cây thương của Lão tướng Triệu Vân phò A Đẩu, khi thì hạ cần máy, giương cần tay lên nhịp nhàng câu đáy, gió lắc lư đầu cần tựa rắn say thuốc lào. Anh em Việt Nam mình cũng vậy. Sơn Điện Biên, Huỳnh Phong…trải giàn đồ chơi tinh tuyển không kém bất cứ tuy – ô nào. Mồi cũng càng vậy, oanh tạc xuống làn nước trong leo lẻo kia đến xẹp cả ba lô mang theo. Các nhóm câu lên khá nhiều cá. Nhóm của các anh Huỳnh Phong (gọi là nhóm 1 cho tiện nhé) cũng lên chừng 20 con chỉ toàn cá mè.

Biết binh tình khó được giải vì không có mồi câu cá đáy, các anh chỉ cử 1 người trực rồi lăn ra ngủ cả. Tuy nhiên, giữa nửa đêm, cả dãy gần chục nhóm vùng dậy nghe ngóng, hỏi nhau loạn xạ xem cái gì mà nó khè ghê thế? Các bác người Việt thì không hiểu họ điều tra cái gì. Rất may, có một bác Trọng tài 65 tuổi biết sơ sơ tiếng Việt. Và sau khi tìm hiểu thì ra cái tiếng Khè khè to tướng giữa đêm hôm nơi rừng xanh núi đỏ kia lại là tiếng kéo bễ của Bác Triệu Lý Hoa (tức Triệu Du) thân iêu của chúng ta...

Cũng thật vinh dự cho nhóm Một là được câu ngay cạnh đội đoạt giải nhất (180 triệu đồng VND). Bác Huỳnh Phong bảo:" họ chuyên nghiệp thì có chuyên nghiệp, nhưng họ hơn chúng em chỉ 2 con rô phi cỡ ký chín- 2 ký là cùng!". Chao ơi! câu thi cá đáy theo nhóm còn tính cả cá bống cát với bống trạch con, Đằng này, cá phi sắp 2 ký lô thì nhất lầu chứ đòi gì hơn nữa!

Cá biệt, có một nhóm câu khi đổ bộ lên điểm câu thì không rút vũ khí với lại chia sẻ đạn dược ngay mà bày đồ hoa quả, vàng mã ra thắp hương kính cẩn khấn vái ông Cậu, Bà Cậu phù hộ. Chả bù cho cái nhóm thứ 3 (nhóm Sài Gòn chúng tôi) cũng xin ông Cậu, bà Cậu nhưng lại là xin chay. Chả trách, về tay không!

Triển khai dọn chỗ đặt cần câu

 Sau hai ngày gặp các anh nhóm 1, những nét vui vẻ, chan hòa trên gương mặt thì vẫn còn đó nhưng khát vọng giật giải thì các anh…gửi lại phía rừng già Quảng Tây ngay từ chập tối hôm đầu tiên…

Nhưng không sao. Sẽ còn nhiều cuộc chơi phía trước mà!

MŨI THỨ HAI: SƯỜN DỐC CHEO LEO…

Khác với khi chia tay nhóm Một, niềm tin giật giải tôi đặt vào nhóm Hai nặng nề hơn. Nặng nề có 2 lý do rất căn bản của nó là: Nhóm này có sự kết hợp của 2 trường phái làm mồi Bắc và Nam; có thêm bác Huỳnh Minh Định- người từng bôn ba nhiều lần qua TQ lúc thì tìm hiểu về mồi, lúc thì câu thi với nhau nên kinh nghiệm chơi với các bạn TQ, hiểu đường nét của các bạn ấy. Thứ 2, tôi dò la trong những thùng mồi của các anh có những “seri’ mồi câu rất nặng mùi. Theo như thông báo chương trình câu của bạn thì việc câu là địa hình thiên nhiên hoàn toàn. Mà cá thiên nhiên thì ốc ngâm, bún mẻ với lại bỗng hèm rượu thì chúng nó cứ gọi là mê tơi ấy chứ. Vậy nên hi vọng giật giải là cao.

Nhìn các anh chung tay nhau chuyển đồ đạc xuống thuyền, tôi thấy vẻ mặt của Huỳnh Minh Định và Minh Khoa đầy lạc quan, cho dù suốt chặng đường tăng bo nặng nề cũng không làm các anh mệt mỏi. Nghiêm Bá Vương thì lạnh lùng hơn:” Chơi thế này bất cứ đội nào cũng có thể đoạt giải. Thiên nhiên mà! Làm sao tính được con cá thiên nhiên là gì, to, nhỏ cỡ nào và nó nằm ở đâu”. Dương Văn Triển thì lúc nào cũng lạc quan. Anh cười khà khà:” Cứ chơi các bác ạ! Học tập đội bạn là chính!”.

Riêng với toán này, chúng tôi thi thoảng liên lạc được vì bác Trần Quốc Nam có số pôn của anh Định.

Thế nhưng, những chi tiết của nhóm 2, tôi xin đề cập ở cuối phần, nay trở lại mô tả chút về nhóm 3: VUI  LÀ CHÍNH Cho bài viết liền mạch.

Nhóm 3 (Long, Hòa, Nam, Khiêm) chúng tôi cập vào bến đỗ thì đã thấy vài nhóm đang cày cuốc san nền tạo dựng chỗ chơi. Té ra cái nhóm của Công ty Qing Long (Khánh Long) chỉ cách chỗ anh em chúng tôi vài con sào. Nơi chúng tôi đóng quân là một thế ỷ dốc y hệt vùng Tiểu bái, Hạ Bì mà Lưu Bị dàn quân trong Tam Cuốc. Tựa lưng vào núi đất đỏ rồi núi đá xanh, bên Tả là Vọng Nguyệt Đồi, bên Hữu là Như Nguyệt bãi. (Tên tôi tức cảnh mà đặt chứ thực tế nó nhiều đồi quá không thể có tên) {Vọng Nguyệt đồi: cái đồi chìa ra chờ đón trăng; Như Nguyệt Bãi: bãi cát uốn vòng từ trên cao nhìn xuống tựa hình vành trăng. He he, bác nào không đồng ý cũng thông cảm}. Chúng tôi đến sau cùng nhưng cũng còn khối thời gian chuẩn bị vì hiệu lệnh cho giờ câu là 11 giờ Trung Hoa (tương đương 10 giờ, giờ VN).


Bước vào chuẩn bị chúng tôi mới chua chát khi nhìn sang các đội bạn từ dù hoa phấp phới đến ghế ngồi dã chiến đâu ra đó. Còn anh em chúng tôi: có độc mỗi một miếng vải bạt bằng bao xác rắn mua quơ vội trên bến đò Bắc Cảnh và một mớ dây ngắn tun tũn. Nhưng phải nói tinh thần và ý chí của người Việt Nam (kể cả tôi nhé) thật tuyệt vời. Nguyễn Văn Long chống nạng nom như Tào Tháo chỉ huy trận bắc Phàn Thành. Gã khoát tay: bác để con lo! Chuyện nhỏ! Bác nối mấy cái dây ngắn thành dây dài được chứ?”.Nói và làm. Gã mở túi đồ câu cái roẹt rồi lôi ra một mớ cần tay Đại Cồ Việt. nào Gangway xịn, Shimano 7,2 m…đem chế thành những cột lán để giăng bạt che nắng tức thì. Bác Trọng tài nhiệt tình phụ giúp. Nhoáng một cái, chúng tôi đã có một ngôi nhà lộng gió, không đụng hàng suốt dãy nhiều cây số bên bờ hồ Hồng Thủy tỉnh Quảng Tây. Trần Quốc Nam vỗ đùi tiếc rẻ:” giá biết trước thế này, ở nhà làm cái băng rôn madein Saigon fishing City, Việt Nam mẹ Sề (vietnamese) thì cứ gọi là oách tràn hông!”. Tôi lừ mắt:” Ông trẻ cháu đừng có nhoắng! Mình đi Phượt câu kéo cho vui chứ mẹ sề với mác đờ in (madein) gì ở đây!”.

Tới khi triển khai đồ câu và mồi câu, tôi càng thấy cái tính quyết đoán của chú Long nhà ta. (mới được bầu làm Đội trưởng mà oai gớm hỉ). Chả là, tôi có xin chú Định Đồng Diều chút mồi cá mè mang theo. Nhưng Long bảo:” Con mang nhiều mồi, nhiều cần câu. Bác cứ chơi thoải mái. Nhưng chơi mồi gì chơi một loại thôi không loãng tình hình hết”. Thôi thì nó là cán bộ, nó quán triệt thế mình phải chấp hành. Đành bóp bơm câu chìm và 4 chiếc cần câu của chúng tôi cũng sừng sững vươn ra…

Bây giờ mới có chút thời gian quan sát các đội bạn. Xem ra, các đội chuẩn bị khá bài bản và đồ đoàn mang theo phong phú phết. Nhưng căn bản mà nói thì dân câu bên này họ toàn xài hàng nội (như phần lớn xe hơi, xe máy TQ). Nhìn xa đâu chưa thấy chứ mấy chú gần chúng tôi chả khác dân câu bên ta bao nhiêu. Mồi cũng pha hàng xô, giương tay oanh tạc tom tỏm như công đồn, mùi chua, mùi tanh, mùi ngai ngái dậy òm lên cả khúc. Rồi anh em cũng phanh trần, tà lỏn, thuốc lá phập phờ chỉ khác là bên ta thì tiếng Việt, bên nó thì lảu tảu khảu, khẩn kháo chảo lung lăng…

Bước đầu, anh em TQ ném mồi không xa bằng anh em Việt Nam ta (1:0)

Nhưng lên cá trong giờ đầu thì anh em TQ lên 1 rô phi, bên ta im lìm (0:1)

Tôi xin nói thêm về thể lệ câu để anh em nắm được: Cuộc chơi mỗi đội là 4 người. Anh câu bằng cần gì, máy gì, mồi gì thì tùy (Chỉ hạn chế lưỡi câu). Các bác cứ câu thoải mái theo ý của các bác nhưng cuộc chơi chỉ tính tối đa 12 con cá gồm 6 con cá câu trên mặt và 6 con cá câu dưới đáy. Ban Giám khảo thông báo rằng: Con cá đáy tính nhiều điểm hơn con cá mặt. Ban đầu, chúng tôi thấy lạ. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy các bố Ban Tổ chức tính tinh vi phết. Bởi vì, muốn câu được cả cá đáy lẫn cá mặt thì người câu phải căng người câu tay và câu nổi. Nhóm 4 người kia phải phân bổ nhân lực sao cho câu đều 2 loại cá. từ cách xả mồi cho đến thẻo lưỡi, căn thời gian cá cắn câu, hiểu đặc tính của cá ăn mồi trong vòng 24 tiếng đồng hồ để mà phân bổ sức người chinh chiến.

Khi xếp giải, nếu lọt vào giải thưởng buộc phải có ít nhất 12 con cá cho hai loại trên. Vậy mới có cái cảnh nhóm câu kia thổi còi bắt trọng tài cân cả những con cá bống bé tin hin.

Cách thi hành qui chế của họ khiến cho ta đáng học tập. Mỗi trọng tài chỉ coi chừng 1 nhóm câu. Họ được trang bị từ dù, còi, bộ đàm, chiếu ngủ…và bất cứ lúc nào khi ta lên cá họ cũng yêu cầu thổi còi, tới xác định xem con cá nằm ở tầng nào rồi gọi bộ đàm yêu cầu trọng tài cơ động đến cân cá, cắt đuôi. Cũng cần nói thêm là toàn dãy chỉ chơi có 01 cái cân theo chuẩn định (có dán tem BTC) và 01 giỏ cân không thay đổi.

Tôi mải mô tả này nọ mà quên phứt một nhân vật quan trọng của chuyến đi: A Long phiên dịch. Do nhóm 2 của Huỳnh Minh Định và Bá Vương thuê thêm 01 phiên dịch là A Sáng. Rất may là A Long hôm nay đi cùng toán chúng tôi. Anh tận tình hỗ trợ chúng tôi không chỉ là ngôn ngữ mà còn thêm chút giao dịch khác và cũng xoay trần dựng lều, căng bạt rồi tu nước ừng ực y hệt chú A Sanh trong bài hát lái đò trên dòng Pô Cô cao nguyên…

Cũng một phần nhờ có anh (và cả vài phiên dịch khác như A Sáng, A Liêm...) mà tôi hoàn thành được dãy phóng sự vui vui, hài hước, thân tình nhưng không kém phần trọng thị này.

MŨI THỨ 3: VUI LÀ CHÍNH...

Sau khi ổn định cần câu, chòi che nắng, chúng tôi thấm mệt và những lon cháo chay bắt đầu phát huy tác dụng. Có thể nói, trong năm nay, chưa bao giờ tôi chén những muỗng cháo mà nó ngon béo và bùi đến thế.

Tôi và A Long bàn nhau: đi làm công tác dân vận, thăm giao lưu với anh em và nhất là làm động tác nối liên lạc giữa 3 nhóm câu, nhân thể xin thêm cục chì câu cá mè…

Cha ơi! Cái lối mòn ở vùng này sao khó đi và dễ trượt đến vậy. Chúng tôi cứ men theo sườn núi mà đi. Gặp cỏ thì vật cỏ, gặp đá tảng thì đi vòng. Nhìn anh em từng nhóm, từng nhóm lô nhô nhóm gần nom như quân… Nguyên; nhóm xa nom như những chú dế nhũi khoắng càng kia chỉ tưởng cùng lắm là nửa giờ là bươn tới ai dè đi hết hơn 2 tiếng đồng hồ chưa vượt qua khúc suối trên rừng đổ xuống. Nhìn chúng nó (từ của Long) vẫn chỉ to hơn con dế nhũi.

Bỗng oạch rồi ào ào! Toàn thân A Long bay bia ria trên bờ nương dốc tuột nhanh xuống làn nước trong xanh thẳm phía dưới. Tôi bưng mặt Trời ơi !mà lòng chợt nghĩ đến một bài cáo phó trần tình giữa uy linh rừng thẳm… Nhưng kìa! Như có một phép màu, Long tóm được một nhóm gốc bắp và tốc độ rơi tự do của anh chậm lại. Rất ngoạn mục, đôi giày thứ thiệt của anh tiếp xuống đất bùn và một nụ cười khoe răng trắng nhoé của anh văng về phía tôi. Lập tức, tôi nhào theo và chúng tôi kéo nhau từng chập, từng chập lên bờ…

Sau cú hụt hạo ấy. Tôi và Long hội ý: giao lưu để sau, dân vận trước đã. Có ý nghĩ này vì cả hai đứa chúng tôi nghe thấy mùi ổi xá lị chín nồng nàn đâu đó. Ngước nhìn lên sườn cao: có nhà dân ở! thế là chúng tôi quên mệt mải miết leo lên mặc cho mồ hôi đầm đìa không cho chỗ nào trên quần áo còn khô cả…

Người Mông! Long thì thào vào tai tôi và ngay lập tức một chị xuất hiện với cái gật đầu chào thân thiện. Long xổ tiếng phổ thông còn bà kia xài thổ ngữ dân tộc. Hai bên cập kênh một hồi rồi cũng hiểu nhau. Tôi bảo trưa rồi có gà vịt gì ăn thì giải quyết. Bà chị xem ra cũng nhanh nhạy trong kinh doanh bảo Vịt thì 7 tệ/kg, gà thì 14 tệ/kg. Tôi nhẩm tính sao rẻ thế. Gật đầu cái tróc xong sáng mắt: 1 kg TQ chỉ bằng ½ kg Việt Nam. Nhằm nhò gì! Ra chỉ chú vịt đực to tướng đang lào tào khào hông nhà: con này! Bà chủ tóm cái ngoắt, trói cân tắp lự: 6 ký tròn! Ô Kê rờ voa. Làm thịt luôn nhé! tiền công là 8 tệ nữa! OK luôn! Bà chủ đang vặt lông vịt thì chó sủa inh tai. Tôi vọt ra sân: ai thế kia! Em Muối! Mới sáng chừ mà gặp em chúng tôi mừng hết lớn chả khác gì “thiên lý tha hương ngộ cố tri”. Nếu không có lão đàn ông đi cùng thì cơn mừng này dám xui khiến tôi nhảy xổ vào mà ôm em cho cảm động. Giữa nơi rừng xa núi thẳm mà…

 
dọn dẹp để cắm cần câu
 
Trọng tài cân cá
 
 
Trịnh Minh Khoa & Nghiêm Bá Vương từ Hà Nội
 
Biên bản thống kê cá
 
 
Dương Văn Triển của Hà Nội
 
Bà chị chủ nhà bán Vịt người Mông
 
Còn tiếp - VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất