Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phượt câu Nam Ninh- Quảng Tây, TQ (Bài 3)

  Theo chương trình, Lễ khai mạc được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm. Quảng trường rộng mênh mông. Một bên cánh gà sân khấu đặt cái máy bay phản lực, một bên là cái trống đồng biểu tượng. Nhòm cái trống đồng nom hệt như mẫu ở bên mình (Hay là họ lượm của bên mình về?)
.
 
 
Khi chúng tôi đến thì quảng trường đã chật cứng gần 200 đội câu áo thun trắng sáng ngời lưng núi và các quan chức, ban tổ chức và trọng tài áo thun xanh mịn cả bờ bao. Một rừng máy ảnh chụp nhoe nhóe nhìn rát cả mắt. Mấy chú quay phim, truyền hình kéo dây nháng qua nháng lại. Bên mé sân khấu kia, những cô văn công vai trần tay xách đạo cụ rõ ra sốt ruột, chả bù cho nửa chục chị người mẫu chân dài xường xám đỏ e e, lệ lệ nhìn xuống một sân người mà mắt cứ mông lung như chả nhìn ai…(giá mà nó nhìn mình nhỉ??)
Phía sau các chị là một cái phông nền được thiết kế hoành tráng với đủ cần câu, cá, cây, núi, logo và sóng nước.
 
Sân khấu hoành tráng lại tô điểm bằng chân dài sường xám gió vi vu...
 Đoàn Việt Nam (từ lúc này tạm gọi thế cho oai nhé) được rủ lên trên ngồi ngay sau lưng ban tổ chức và quan khách. Lại gặp em Muội Muối lúc này đã váy nền, tay ôm cái Nikon pro đen mun quét ngang, quét dọc hết cả sân người trong đó có chúng tôi.
 
Chúng tôi lên sân khấu chụp ảnh cạnh tranh với mấy chị chân dài
Ông Cục trưởng làm MC tuyên bố lý do, giới thiệu quan chức.
 
Thề chơi công bằng và minh bạch

Ông Phó bí thư Huyện Đại Hóa Dịu Văn Hy đọc diễn văn

Lần lượt từ nhà tài trợ lên phát biểu đến đại diện trọng tài lên giơ tay tuyên thệ thề chơi cho công bằng và đại diện cần thủ lên giơ tay thề quyết tâm câu cho đẹp đời và đạt thành tích cao. Xem ra, các bố bên này cũng dài dòng và hình thức ra phết.

 
Phần lễ xong đến phần văn nghệ thì cũng hợp ca, tốp ca chơi hát mo đen 2-3 bè khá nổi; anh chàng đơn ca giọng cũng khỏe như Đan Trường bên ta. Tới màn múa minh họa thì bạn Câu kéo TQ làm ý nghĩa ra phết vì cấp 1: hát múa tổng hợp kiểu Opera; cấp 2: tựa như mấy chú Hơ Mông, mấy cô Mường tè nhà mình lên rấy đốt nương, tỉa hạt rồi cặp đôi tay khoác xoay xoay; Chỉ khác: bên mình anh con giai đóng khố ôm cái khèn cẩng, đầu khèn cong cong hất lên, đuôi khèn tựa vào háng đi lom khom vẩy vẩy như mèo đực đánh dấu lãnh địa. Bên nước bạn thì quần túm xanh xanh, lưng bụng trần, nhảy cà tưng xoạc háng như khoe cơ bắp. Sang cấp 3: mấy em tay xắn, váy săn đánh rậm, đeo giỏ bắt cá. Có rừng, có suối, có ruộng nương…vv; Nam nữ lúc khua ra, vơ vào, lúc nhỏen cười, lúc gật gị, cà lắc, cà lắc túa ra, xáp vô… ai cũng nghĩ cuối cùng thì châu về hợp phố…À thì ra, cái nguyên thủy của con người bao giờ cũng tỉnh tình tinh. Cứ suy từ cái tích Adam – Eva cấm có trật!
Công bằng mà nhận xét thì món văn nghệ của họ hoành tráng hơn Việt ta nhiều. Ngoài món mông ra mông, ngực ra ngực thì các tiết tấu, hòa bè, giang tấu…thể hiện trình độ chuyên nghiệp và khá đặc sắc. Ngay cả những màn xuất hiện của diễn viên, cấm thấy một bước lỗi hay lạc nhịp. Đẹp mà không diêm dúa; khỏe khoắn mà không phô thô.
 
 Màn Văn nghệ còn dài nữa nhưng bọn mình phải đi khám điền thổ, dạo phố, mua thêm cái đèn sạc, cục pin, gói mì, khúc lạp xưởng và thậm chí cái chú Khiêm kia mong được ra phố để mua  và thưởng thức món …đậu hũ thúi (thối) mà anh ta nghe Tây nó đồn là…đặc sản! Đậu hũ thúi thì có thật nhưng đắt ra phết. Có vài bác xơi được nhưng đa số chúng tôi bụng bão cũng chả tốt nên cứ tránh đi cho nó lành.

Khuya, chúng tôi về đến khách sạn. Không biết các chiến hữu thế nào chứ thằng tôi cơ thể bắt đầu đã thấy hơi lão rão. Thế mới biết cái U 60 không thể nói hay, nói giỏi được!

Mới 4 giờ sáng Việt Nam (Giờ TQ là 5 giờ), dưới sân khách sạn  đã loạn tiếng động cơ xe hơi. Tôi ngó qua cửa sổ thì một cảnh tượng như phim đang diễn ra: những chiếc xe hơi đời mới có, đời cũ có, ngầu nghệ có, thanh mảnh có cắn đuôi nhau ì ào rời khách sạn. Chúng tôi vùng dậy, toàn bộ đồ đạc được thu dọn trong chớp mắt và chiếc Daewoo mới cáu cạnh cùng cô hướng dẫn đã chờ sẵn ở đường biên. Nhanh chóng, chúng tôi hòa mình vào dòng xe xuyên vào màn đêm. Mọi người nói với chúng tôi là phải vượt chặng đường đèo dốc hơn trăm cây số mới đến điểm tập kết đi thuyền.
 
 
Đoàn xe chúng tôi hàng trăm chiếc xuyên đêm, xuyên đèo

Chú tài xế hôm nay là một chú khác và tay lái cũng lụa hơn. Thú thật! trên xe đèo dốc kiểu này mà đêm hôm tôi cũng ngán. Lỡ có bề gì… Thôi chả dám nghĩ nữa! nhưng Trần Quốc Nam ngồi bên vẫn tỉnh bơ pha trò:” Chúng mình dù có khèo chân hở rốn ở VN, sang đây lúc này cũng đang là ..du khách quốc tế của nước CHNDTH, cho nên tính mạng quan trọng ra phết và bác tài này tôi đảm bảo tay nghề cao nhứt nhì địa phương chứ chả chơi”.

Xuyên qua màn đêm bằng ánh đèn chống sương mù vàng ệt, chiếc Daewoo vè vè khi xuống dốc và rù rì khi lên đèo. Mà đèo dốc trên con đường này thì nói cho ngay, đến cái đèo Tăng Quái, Pa Đin bên Tây Bắc cũng đến thế là cùng. Đi đêm hôm nay phấn chấn nữa bởi một dòng xe mà xe nào xe nấy đều cài cầu, nâng nhíp với chất chứa từ thùng chậu, xô lều, bếp gas, bọng nước….Gớm! các bố cứ làm như sắp xuyên qua sa mạc Sahara đến nơi (tôi nghĩ vậy). Phấn chấn nữa: có đến 60% các chú tài xế kính râm đen sì như mật thám Pháp, quần thủy quân lục chiến tựa mấy bác lính Mỹ ở căn cứ Sóng Thần xưa…

Rồi trên xe chúng tôi các chiến hữu dần dần ngã ngựa. Con xe cứ ngoặt qua ngoặt lại bởi những cua đường. Cô hướng dẫn viên sau 50 cây số thì bắt đầu gọi “hò sông hậu”. Mấy anh em chúng tôi ngồi dưới cũng không hơn. Tôi cũng vứt cái máy ảnh sang bên mà nhắm mắt. Chả ngắm cảnh thì đừng! Mong ước duy nhất là cậu tài xế dùng cho một nhát để ngồi dựa vào vách núi cho cơn nôn nao dịu lại. Nhưng cái lão tài xế này không biết điều, qua gương chiếu hậu, mình thấy lão còn như tủm tỉm cười nụ nom hệt như chuột ngày ăn vã mắm. Tôi thiếp đi…

Chúng tôi đến bến Bắc Cảnh sau gần 3 giờ xóc nẩy. Đoàn người tham gia câu thi đổ xuống đông nghẹt. Tại đây, từng nhóm mới vào bốc thăm lấy chỗ câu. Những tưởng cùng lắm thì câu ở cái hồ hay khúc sông chừng vài chục héc ta là cao. Ai ngờ, cái hồ dài đến 474 cây số và có thể lưu thông tàu bè lên đến 500 tấn. A thế ra cái gọi là hồ Hùng Thủy này nên gọi là biển kín cho ngay.
 
 
Bến Bắc Cảnh- bà con bảo cả trăm năm qua chưa bao giờ đông đến thế
 
Chú Khiêm: Bác Hoà ơi, chờ thuyền lâu quá
 
Mua gì mua cho nhanh kẻo hết- mai đói....
 

Tôi càng chột dạ hơn vì kết quả bốc thăm cho thấy 3 nhóm Việt Nam bị xé lẻ ra các bờ rất xa nhau. Nguy cơ không gặp nhau trong gần 2 ngày hiện ra trước mắt. Thì ra cái chú Khoa bên Tràng An nói đúng:” Rồi anh em mình mỗi nhóm phải tự lo…” Đến lúc này thì cái lo có vẻ đã hơi muộn và đáng đời anh em Sài Gòn vì xưa nay quen chủ quan đi đến đâu mua cho nóng tới đó…

Toàn cái bến Bắc Cảnh này chỉ có 2 cửa hàng bán lẻ những thứ đơn giản. Bánh mì không, lều bạt cũng không. Nhưng đến phút này thì Nguyễn Văn Long nhóm trưởng bắt đầu tháo vát. Anh mua tấm vải bao xác rắn, hô hào mỗi người mua 1 chiếu, dây buộc và gom lạp xưởng với bánh trung thu. Hai cửa hàng bắt đầu cháy cháo hộp. Giá 1 lon cháo vọt lên 4 tệ. Chuyện nhỏ! Không lẽ bao nhiêu đường đất đến đây chỉ để uống nước cầm hơi???

Công cuộc có gì mua nấy, có gì chơi nấy của chúng tôi không kéo dài vì trong chốc lát, đoàn người nội ngoại kia gom sạch những gì cần gom. Mỗi chúng tôi vẫn đủ tư cách xuống thuyền đi vào …cõi thiên nhiên! Mà thấy bên này bà con buôn bán cũng thoáng: Đồng Nhân dân tệ thiếu mà có đô la thì cũng OK ngay. Chú Trần Quốc Nam nhanh nhẹn xuất ra 2 trăm đô. Thế là hai chúng tôi gom thoải mái bất cứ cái gì nói về ăn và ngủ nhìn thấy, vẫn còn thủ lại một ít Tệ phòng hờ không khéo lạc giữa rừng xanh!!!

Ban Tổ chức bố trí cho mỗi nhóm chúng tôi 01 hướng dẫn đường sông. Cô bé trẻ măng chỉ cho chúng tôi chiếc thuyền. Nhóm mình mang số 17, oai vệ chuyển đồ đạc mà quên phứt 194 nhóm khác và từng ấy ông trọng tài của cuộc chơi.

Những chiếc thuyền máy chở chúng tôi rồ ga dời bên. Nước hồ Hùng Thủy (Hùng sủi hồ) xanh mướt như ngọc và những dãy núi xanh cứ mở ra, mở ra đón chúng tôi tiệp vào lòng hồ rung rinh xô sóng…Nếu bạn nào đã từng đi chơi Vịnh Hạ long sẽ thấy không lạ khi từng vạng núi, từng chùm khe ở đây cứ vỡ ra, nhường lối cho những chiếc tài, thuyền câu lướt tới trên mặt nước yên bình

Xin chấm phá vài nét về cái hồ dài 474 cây số (hay diện tích 474 km2 thì không chắc vì cô phiên dịch nói không rõ lắm). Bên dưới hồ có tới 14 dòng sông ngầm nối nhau dài tới 1242 km. Tháng 9-1966, Hồ Hùng Thủy góp phần đưa Quảng Tây thành tỉnh được công nhận là Tỉnh có cảnh quan tốt nhất Trung Hoa.
 
 
Nước xanh, non xanh...
Trên thuyền, tôi leo lên nóc và mải mê chụp ảnh. Nhờ vậy, tôi quen với một nhóm câu mang cờ hiệu Khánh Long – công ty chuyên bán đồ câu (Qing Long) do Long Văn Hấn trưởng đoàn. Bạn câu thật đễ gần. Anh trao cho tôi chiếc nón vải mang dòng chữ Shimago của Công ty còn tôi tặng lại anh chiếc nón của Hội Câu Những Người Bạn.
 
 
Long Văn Hấn khi tôi gặp giao lưu trên hành trình câu kéo
 
 
Và 2 hôm sau, chúng tôi với Khánh Long tại cửa hàng bán đồ câu của các anh tại Nam Ninh
 
 
 Và, cũng thật bất ngờ, sau này mấy ngày về Thành phố Nam Ninh chơi, tôi lại có dịp gặp lại Khánh Long khi các anh đến đón những người bạn cũ (đối tác) là những anh em câu cá Hà Nội. Trái đất thật gần…
Có điều, khi cái bác Long Văn Hấn kia tới khách sạn chúng tôi giao lưu với anh em Phía Bắc, có chúng tôi dự khán; khi anh em Phía Bắc hỏi kết quả câu thi thì chính bác Long Văn Hấn này bảo…bận không tham gia. Tôi cứ thắc mắc tại sao họ phải nói như vậy trong khi chính tôi đã chụp ảnh anh ta dọc đường cắm chốt?

Tôi đem thắc mắc nói với Huỳnh Minh Định, anh bảo là: Có gì đâu! Bọn họ câu không có giải cho nên nói xuội đi vậy cho đỡ quê đấy mà! Có nhẽ thế thật. Khi Qing Long (Khánh Long) đón chúng tôi đến thăm của hàng Công ty của họ thì tôi thấy có lẽ Định suy diễn đúng. Bởi vì, từ cái mũ mềm câu cá đến cây cần câu, thùng đựng cá Khánh Long đều in nhãn là…Shimago. Hơ hơ! Cái nhãn của họ chỉ lệch so với nhãn của hãng đồ câu Nhật Bản Shimano đúng mọt chữ n (n=g). Trần Quốc Nam cười hầng hậc:” Thì có khác gì Việt Nam mình thằng Bitis với thằng Bitas. Trò mèo thôi anh!”.

   
Còn tiếp nhiều kỳ
VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất