Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Phươt câu Nam Ninh- Quảng Tây (bài 2)

    Chẳng biết có phải tình hĩu nghị làm nên con đường to và rộng hay không nhưng con đường hai chiều này thật tuyệt. Xe chạy 100 km/h cứ êm và nhẹ tênh nhưng không. Toàn bộ các đường có thể cắt ngang với nó đều được treo lên cao hay chui ngầm dưới đất. 
.
Ăn trưa, chúng tôi vào một quán ăn…vịt. Nói vậy vì nhà hàng này thực đơn phải có món vịt là chủ đạo. Cũng thật lạ, quán ăn TQ rất hiếm nước đá và rau sống. Người TQ cắt nghĩa rằng: ăn uống có rau sống và nước đá như vậy không hợp vệ sinh. Khá nhiều điều khác biệt so với bên ta. Ví như bữa ăn hôm nay bao giờ cũng thức ăn ăn trước, cơm ăn sau. Ngoài đường thì xe Tư nhân biển số xanh và xe nhà nước thì biển số trắng. Bên ta thì ngược lại.
 
Cô hướng dẫn viên
Trên đường đi có những bảng hĩu nghị như thế này

Suốt quãng đường sạch tinh hai chiều phẳng lừ này thi thoảng chúng tôi được tới một trạm dừng chân. Trạm này đầy đủ hết từ đổ xăng đến WC và các món ăn nhẹ cùng bánh kẹo, cà phê. Tuyệt nhiên hai bên đường không thấy hàng quán. Các bố thích Vitamin cay cay thì chỉ có nước mua sẵn mang theo. Nói chung, khí thế trên xe là ngất trời.

Xe chạy mải miết đến 2 giờ chiều thì chúng tôi đến thủ phủ của Huyện Đại Hoá. Ở đây, người ta gọi là Chính Phủ Đại Hoá. Tại cái sảnh rộng mênh mông đang tấp nập và náo nhiệt bởi các cần thủ câu cá. Xe hơi 4 chỗ, 7 chỗ của dân câu đậu chật sân. Cái thì bậm bụi; cái thì hầm hố, cái thì khiêm tốn như kiểu Madaz những năm tám mươi. Nhiều con xe đẫm bùn, sậm bụi cứ như những chú trâu đất…

Ngay lập tức, chúng tôi được đưa vào bốc thăm, xêp đội. Thể lệ câu thi nói chung mỗi nơi có đặc thù riêng và cách chơi riêng. Cứ 4 người tạo thành 1 nhóm câu thi. Nhóm này được chơi tối đa các loại cần câu bất kể cần tay hay cần máy. Ban tổ chức nói anh em có thể đăng ký làm ủng hộ viên nhưng không có áo, không có số…Chúng tôi có 12 người cả thảy. Nhóm anh Triệu Du gồm anh Triệu, Huỳnh Phong cùng 2 bác Hội câu Điện Biên thì coi như xong. Còn lại 8 người 3 anh em ngoài Hà Nội là Nghiêm Bá Vương, Khoa và Triển. 5 anh em trong Nam ra là tôi, Huỳnh Minh Định, Nguyễn Văn Long, Nghiêm, Quốc Nam. Ban đầu, thấy luật có vẻ dễ, tôi bàn đăng ký 1 nhóm 5 người là Vương, Triển, Khoa, Định và Long; còn lại là ủng hộ viên. Chúng tôi có ý vậy là muốn kết hợp cả 2 hướng câu Miền Bắc và Miền Nam, phát huy sở trường của anh em trong cuộc tham gia này để cố gắng cao nhất, biết đâu mà được giải Nhất thì 60 ngàn tệ TQ kia chả là cứ nhậu nhoè chữ nghĩa ra ấy chứ (60 ngàn tệ= 180 triệu VND). Thêm nữa, cái được trong việc ghép đội này rất tích cực vì anh em trước lạ sau quen, giao lưu thêm bạn bè…

Còn lại 3 anh em dư ra thì chú Khiêm coi như không biết câu mà vỗ tay hay phụ việc thì nhất lầu, Quốc Nam chủ yếu học hỏi còn tôi cũng rất muốn rảnh tay để quay phim, chụp ảnh và làm các ghi chép với lại sa đà giao lưu…

Nhưng kìa, Ban Tổ chức hình như biết tỏng ý đồ của mình, họ bảo chỉ 4 người / nhóm; ủng hộ viên: tuỳ. Vậy là…ngán gì không lập nhóm câu thi? Lập tức 4 anh em phía Nam tập hợp ngay 1 đội gồm: Tôi, Long, Khiêm, Nam. Tuỳ cơ ứng biến mà.

Nói thêm chút về tình hình anh em trong chuyến đi: rất tiếc là không ai trong chuyến đi đặt vấn đề rằng: những anh em câu cá Việt Nam sang Quảng Tây chuyến này nên bầu ra một trưởng đoàn. Phần tôi, có lẽ nhiều tuổi nhất, nhưng Hội câu cá mình mới thành lập, phần vì mình cũng ngại nên cũng không đặt vấn đề. Anh Triệu Du qua điện thoại tôi hỏi thăm thì anh thông báo với tôi là anh có đặt vấn đề và có 2 quan chức ngành Thể Thao-Văn hoá Việt Nam sẽ sang giao lưu và dẫn đoàn đi câu thi. Thế nhưng đến phút chót thì họ mắc bận công việc với đau bụng nhức đầu gì đó nên không có mặt. Thú thực, khi nghe anh Triệu thông báo tin này tôi cũng hơi hãi. Hãi ở chỗ mình đi câu cho vui. Thích đi phượt câu xa xa một chuyến, giao lưu, học hỏi người ta xem họ tổ chức ra làm sao, qui mô như thế nào, hồ câu ra răng…vv… để về mà rút tỉa ra những kinh nghiệm cũng như học hỏi cái hay của họ; và hơn tý nữa: ghé siêu thị mua tặng cho vợ, con, bồ bịch cái mùi soa lụa hay thỏi son môi. Vậy mà…lại có nguy cơ "bị chỉ đạo" là phải thế lọ, thế chai. Mất hứng...
Nhưng bây giờ, với riêng tôi cũng may, các bác ấy không “dẫn” đoàn đi. Chứ mình xưa nay ầu ơ vui vẻ, mát xa mát xiếc nó quen cái độc lập tính rồi, có gì sơ suất, các bác ấy kiểm điểm, nâng lên đặt xuống lại mất lòng. Không khéo có bố lại nâng quan điểm: Mỗi con cá: một quân thù! Mỗi cục mồi: một viên đạn! Mỗi phát giật: một quả siết cò vv và vv thì thật vãi hết linh hồn!

Nhưng kìa, ông Cường- một doanh gia trong ngành đồ câu xuất hiện. Chính ông mới là cầu nối đến cái giấy mời có chi phí tiếp đón mà chị Lê Thị Thuý Giám Đốc Hoa Gia Thành chuyển bản sao cho chúng tôi. Cũng chính ông là người cử nhân viên của mình (A Long) sang Việt Nam mà chúng tôi đón anh cùng đi ở phố Lạc Chính. Và cũng chính ông là người quen cũ cách đây dăm năm câu giao lưu, tặng quà kỷ niệm với anh em 4 so9 chúng tôi ở Ao Đôi, Bình Chánh. Ông vui vẻ cử người hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi.

Qua ngôn ngữ Lảu Tảu Khảu –Bin-trun-lìn-tu-tín (?), chúng tôi hiểu rằng: chuyến câu này rất hoành tráng và mấy thằng phượt câu Việt Nam chúng tôi là…”đoàn khách ngoại quốc” duy nhứt trong cuộc chơi lớn này. Hãnh diện phết! Nói cho thực chất thì cuộc chơi chủ yếu tụ tập những bác ham cái thú trời đày câu cá. Trong đó, các bác thương gia sản xuất buôn bán đồ câu, mồi câu và một số tờ báo truyền thông làm vai chính trong tài trợ, quảng cáo, giới thiệu. Tuy nhiên, các bác ấy siêu ở chỗ lồng vào quảng cáo, giao lưu là sự có mặt chính của các quan chức địa phương. Cái cảm tưởng Nhà Nước Nam Ninh tổ chức cuộc thi câu hoàn toàn không nhầm. Thế nhưng, cái thực nhất vẫn là những người như bác Cường doanh nhân là vai chính.

Bác Cường xuất hiện, có cả Bí thư Huyện, Phó chủ tịch Huyện Đại Hoá rồi Cục trưởng cục Văn hoá-Thể thao đến chào, giao lưu và bắt tay anh em câu cá Việt Nam.

Chúng tôi giao lưu vui vẻ. Các quan chức chúc chúng tôi câu thi vui vẻ, thu được nhiều thắng lợi. Chúng tôi cũng nhờ A Long chúc các vị ấy nhiều sức khỏe và vạn sự may mắn. Hảo lớ! Xe xe! Tôi thuộc có 4 chữ ấy…

Nhà văn hoá Đại hoá

Ban tổ chức bốc thăm tại Nhà Văn Hóa trung tâm Đại Hòa
 
Từ trái sang: Vương Hữu Văn, cục trưởng TDTT Đại Hóa, Việt Hòa,
Vi Gia Dũng, Phó chủ tịch Huyện Đại Hòa, Trần Quốc Nam
 
Phó bí thư Huyện Ủy Đại Hóa Dịu Văn Hy (áo thun cổ đen, đeo đồng hồ tay) và cục trưởng TDTT-VH
Chụp ảnh lưu niệm với anh em câu cá Việt Nam
 
 
 
Viên đá ngọc lớn trước đại sảnh khách sạn Đại Hóa
 
Khach sạn Đại Hoá;
Đại diện ban tổ chức đến chúc anh em Việt Nam: ăn cho ngon miệng, câu cho nhiệt tình!

Tôi muốn nói kỹ chỗ này một cách khách quan nhất để các bạn hiểu rõ hơn vấn đề và nhất là trả lại cho cái công lao thu xếp, hỗ trợ kinh phí đón tiếp, ăn ở miễn phí nhưng rất trọng thị từ Ban Tổ chức câu thi Đại Hoá của nhà doanh nghiệp Trần Cường; sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị giám đốc Thuý Hoa Gia Thành. (Ông Cường là thành viên ban tổ chức cuộc chơi).

Cũng cần nói thêm rằng: Huỳnh Minh Định cho biết anh còn có một giấy mời câu thi chuyến này đến từ một Công ty chuyên bán đồ câu khác nhưng trong đó thông báo là kinh phí ăn nghỉ tự túc hoàn toàn. (và sau đó, khi tham gia xuyên suốt cuộc chơi, tiếp xúc với các phóng viên báo Đại Hoá, đài truyền hình Đại Hoá, Cục Văn Hoá Thể thao Đại Hoá… thì tôi có đủ cơ sở khẳng định rằng: đây là một cuộc câu thi hoành tráng, hội tụ 800 cần thủ đền từ các hãng đồ câu, câu lạc bộ, nhóm câu Trung Quốc, không phân biệt thành phần lý lịch, cứ đủ 4 người trở lên, chấp hành nội qui cuộc chơi là tham gia được. Duy nhất trong cuộc chơi có một số anh em đam mê câu cá Việt Nam chúng tôi tham gia chứ không có thêm bất cứ cầu thủ ngoại quốc nào khác. Tuy nhiên, với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc thì một huyện của họ cũng đã to bằng cả tỉnh của mình rồi. Còn người câu? gầm 100 triệu người ham câu kéo đấy nhé!...)

Nhiêu khê nhất chính là cái sự câu xuyên đêm và điểm câu ở cách chỗ chúng tôi đang bốc thăm gần 3 tiếng đồng hồ.

Đá thật đẹp! đủ màu sắc và hình khối thật hiếm gặp ở bất cứ nơi nào. Vào Đại sảnh khách sạn chúng tôi bắt gặp 2 khối đá tự nhiên tuyệt tác. Một khối đá huyết dụ uy nghi như một ngọn núi thu nhỏ, một khối đá hình thù một con cá lớn đang quẫy đuôi. Nhân viên khách sạn cho biết những viên Đá đó thuộc dòng quí hiếm và hình thái hoàn toàn tự nhiên. Rất tiếc, tôi chẳng có kiến thức gì về Đá cho nên dù đang ở giữa bốn bề núi đá, các xưởng chế tác đá nhưng tôi không nói được gì nhiều.

Bữa cơm chiêu đãi của Ban tổ chức dành cho các đám thợ câu chúng tôi phải gọi là bữa tiệc mới đúng. Nói ra thì bảo ăn uống cũng khoe nhưng quả thật với hơn 10 món và món nào cũng ngon thì đúng là…cơm Tàu, vợ Nhật các cụ dạy không ngoa. Ngay cả món cháo ngô cũng không kém phần trác tuyệt chứ đừng nói bát bửu trân châu. Trong bữa ăn, ngoài bồi bàn là các cô thanh nữ kín đáo luôn nở nụ cười còn có 2 em đứng cửa phòng luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của mắm, muối, ớt, tương…nếu khách cần thiết.

 
Một bữa ăn có tới 16 món ăn mà anh em được hưởng
 
Em Muối, thành viên ban tổ chức cuộc thi: rất ưu ái anh em câu cá Việt Nam nhưng bên nhau chụp hình thân thiện thì chỉ ưu tiên cho người cao tuổi; vậy là tôi kỳ này có số hưởng- he he

Tuyệt nhất là trong bữa ăn, có đại diện của chính quyền thành phố và Cục trưởng thể thao văn hoá, ban tổ chức đều ghé đến chúc chúc rượu và giao lưu. Một nét khác ta là: họ đến từng người lần lượt, mỗi người chúc riêng, cạn ly riêng. Phụ nữ Trung Hoa cũng rất vui, bất ngờ trong bữa ăn, Cô Muối xuất hiện cùng đại diện của Chính phủ. Do đã quen biết từ lúc bốc thăm ngoài nhà văn hoá Đại Hoá, tôi sau khi cạn ly đã chụp chung với em 1 kiểu ảnh hơi thân thiện một tý. Em cũng bảo: Ưu tiên lão nào lớn tuổi nhất trong đoàn Việt Nam được khoác vai em chụp hình. Trống ngực tôi đập như trẻ con gõ đít mẹt. Đầu thoáng nghĩ: cái lúc ra khỏi nhà bước cái chân nào mà hôm nay trúng mánh ngất ngây thế này? Lạch xạch! Xạch! Đèn las máy ảnh lóe lên. Căn nguyên của bát xô, đũa gãy là đây chứ là đâu? Lẽ ra, tấm ảnh sẽ được giấu đi cho phải phép nhưng đáng kiếp cho tôi là lúc anh em tôi khoác vai nhau, mấy chú tinh vi kịp lôi máy ảnh bấm loè nhoè (ai chứ cu Khoa thì nó không tha tôi đâu). Vậy là càng giấu càng chết. Tôi nghĩ công khai, thú nhận tấm ảnh trên này có lẽ lại là phương án hay…

Cô Muối bề ngoài xởi lởi vậy nhưng quan điểm rõ ràng ra phết:” hôm nay chúng em mời các vị khách ăn uống cho thoải mái đi; ngày mai chúng mình câu chơi cũng hết mình nhé”. Thoải mái chứ! Triển Chiêu (biệt danh của Triển phó chủ nhiệm Tràng An) còn mua thêm 01 chai rượu chữ Trung Hoa viết thảo loằng ngoằng nhưng uống được ra phết.

Nói thêm chút về cái khách sạn khá sang trọng này để thấy được sự đón tiếp trọng thị của bạn câu dành cho nhau. Đó là khách sạn có thể nói to nhất trung tâm Đại Hoá…
Còn tiếp nhiều kỳ...
VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất