Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hoành tráng biển Côn Sơn (tiếp theo)

   Biển Côn Sơn bóng tối trùm lên. Thuyền trưởng Khánh và thuỷ thủ sau ít phút nghĩ ngơi đã chuyển qua câu mực. Đây cũng là thú câu mà chúng tôi vừa mê vừa mong bội thu bởi vì có mực sống thì những đường câu ngày mai mới có khả năng thắng lợi. Toàn bộ những chiếc bóng đèn Neon và Compac trên tàu được bật sáng. Chiếc tàu cũ kỹ của chúng tôi chợt lung linh như một du thuyền. 
. Câu Mực bắt đầu! cần câu ngắn mà nhỏ, dịu càng tốt. Mồi câu là hai con tôm giả sặc sỡ màu và óng ánh kim tuyến. Tùy từng bữa mực thách màu gì mà thả mồi màu đó. Ở đuôi mỗi con mồi có hệ thống lưỡi câu tủa ra na ná như lưỡi Lục và khi con mực thấy kim tuyến đẹp bám râu vào thì người câu chỉ việc nâng cần, nghe nặng tay thì quay lên. Câu mực cũng phải dụ nhẹ như câu tôm càng. Những cần thủ lành nghề khi mang con mực lên chỉ việc nghiêng tay là nguyên chú mực trong veo đã nằm gọn trong bể giộng. Mực cũng khôn chán. Khi chúng tôi câu được chừng mươi con, chúng tránh mồi không dính nữa. Thế là lại nghỉ (rượu mang ra uống với đèn, gió và ầm ào sóng nước). Một lát sau câu tiếp, mực lại dính. Cứ như thế, chúng tôi câu ròng rả tới 2 giờ sáng. Đến lúc này, chiếc du thuyền của chúng tôi đã là trung tâm của biển. Muỗi mòng thì khỏi nói vì chúng bu đến từng quầng. Phía dưới nước, thỉnh thoảng cậu thuỷ thủ trẻ lại xục cây vợt xuống và mang lên một chú cá Đao hoặc cá Kềm dài ngoẵng. Đẻn biển thì quá nhiều, chúng vẽ loằng ngoằng trên mặt nước. Từng đàn cá con tụ về quanh tàu. Dưới ánh sách rực rỡ, những đàn cá con bay nhảy lung linh như chúng được tráng bạc. Thỉnh thoảng, cánh thợ câu chúng tôi lại ồ lên khi một chú cá Bớp hay cá Hồng ngoe nguẩy nháng qua; rồi có khi trầm trồ khi một con cá lớn lao vào giữa bầy cá bé khiến cả đàn nhốn nháo quàng xiên. Một thuỷ thủ của tàu An Khánh lấy chú cá Đổng móc sẵn thả hờm hờm, gã vừa nhịp giò vừa hát” biển một bên và em một bên! Cho dẫu mai sau sẽ không còn…” thì rụt! thằng cá Bớp biểu diễn cú lao táp mồi với vận tốc xấp xỉ 200km / giờ lôi tuốt cả cần, cả ống lon của gã xuống biển. Gã cũng khá nhanh khi lặn lao theo nhưng thằng Bớp nhanh hơn nhiều. Trong tích tắc, ống dây xả hết và nó biệt dạng giữa làn nước trong lơ…Đúng là Cua có càng mà  Bớp có gan! Ai đó nhái lại lời bài Thuyền và Biển:”…cho đến hôm nay không còn lon câu nữa…biển dịu dàng, nhẹ êm…bứt cả lon em…”
 
Thả lưới! lệnh của thuyền trưởng Khánh được thi hành tắp lự. Khánh bảo lúc này thả lưới gom nốt những con mực còn lại xung quanh tàu rồi nhổ neo đến bãi câu đủ tang tảng sáng là vừa. Chiếc đèn phao sáng rực được thả xuống theo tay lưới dài, dưới sự điều khiển nghệ thuật của thuỷ thủ, chiến đèn phao từ từ ăn ra phía ngoài, bập bềnh lung linh vui mắt. Từng đàn cá con lại luồn theo phía ánh sáng. Máy tàu nổ giòn. Cần trục kéo lưới quay phát tiếng kêu rền rẫm chầm chậm rồi đột ngột rung lên phành phành như cả một hệ thống xay xát lúa đặt trên boong tàu gào khóc. Vồng lưới thu về. Lực kéo làm con tàu nghiêng lắc dữ dội. Những cánh tay vạm vỡ của thuỷ thủ  tóm cứng giường lưới và thao tác. Cá! trời ơi cơ man nào là cá! dưới ánh đèn cực mạnh, cá óng vảy trắng xóa cả vạt lưới. Nhờ mẻ lưới này, chúng tôi có thêm khoảng 20 con mực nhỏ cho chuyến câu ngày mai…
 
MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ!
 
Bình minh lên, cả một vùng chân trời Côn Sơn loang lổ chỗ thì vàng ửng màu cóc chín, chỗ thì sậm xám màu cua ghẹ, chỗ thì thâm tái như bổi cua. 5 con người chúng tôi giăng hàng phía lái,  nhồi nhét thân mình vào bình minh. Bác Hồ Văn Hán lúc này mới mở thùng đồ hàng lôi từ dưới đáy ra một túi bóng bay. Ông bạn bụm miệng thổi phù phù cho bóng căng lên và buộc dây thun. 4 chúng tôi thắc mắc tại sao khi không ông này đổi món? Nhưng giây lát chợt hiểu ra: Bác Hồ Văn Hán câu cá nổi. Kìa, gió nhẹ hiu hiu đưa cái bong bóng kẹp cái thẻo mồi câu của anh đi xa tàu. Chiếc bong bóng đỏ rực dập dờn. Chúng tôi quên phắt nó và lo buộc thẻo. Tức thì nghe như một tiếng pháo tép nổ đâu đây. Khánh bảo: Có cá! Bác Hồ Văn Hán thì đã ôm cần, guồng máy tự lúc nào rồi! Trời ơi! một con cá Thu đang cày ngang dọc tít phía xa. Nó không phải là nhỏ bởi chiếc cần câu của anh Hán cong vòng xuống. Nhìn kìa! Nom ông bác đứng đuôi lái thuyền, khuôn mặt đầy nếp gấp chăm chú theo đường câu, tay máy guồng như cảo quạt nom chính mác ngư ông trúng quả! Tiếng hò reo trên tàu rộn lên bởi đó là con cá thu đầu tiên của chuyến câu (chuyến trước anh em cũng không tóm được con Thu nào mà); mọi người đoán chừng trọng lượng con cá: 5 ký lô là ít! Con cá được khấu lên, dài ngoẵng và mở đầu cho một ngày câu hứa hẹn nhiều thắng lợi: 6,2 ký lô!
 
Hùng y tế lại đánh cần. Cần của anh cong vòng. Chúng tôi rẽ ra cho anh guồng cá: con cá Khế hơn 2 ký lô nom chả khác gì cái quạt mo thằng Bờm chạng hạng. Tôi cũng lên cá Hoác; bác Thanh lên Bè Trang. Duy chỉ Quốc Khánh cho là chưa thấy động tĩnh gì.
 
Nhưng rồi thì không thể nào kể cho kịp nữa: cá Hồng, cá Đọ, cá Hoác, cá Đốm, cá Kẽm… được kéo lên ào ào chả ai còn nhớ mình kéo được bao nhiêu con nữa và thật thảm thay cho chúng tôi, mặt trời vùa lên cao thì đã hết mồi câu. Đến lúc này, Thuyền trưởng Khánh phải bấm máy di động kêu cậu em ở thuyền bên trờ tới bán đỡ cho 1 vợt mực sống để chúng tôi có cái câu. Nhưng rồi mồi mực cũng hết. Chúng tôi xoay qua móc cá Đổng. Chính trong lúc này, màn ngoạn mục nhất trong chuyến đi xuất hiện. Chả là tay Quốc Khánh sau khi gãy cần hôm trước, gã chuẩn bị lại kỹ càng lắm và trời cũng chiều người khi chiếc cần của gã chúi mạnh và bằng sức lực của cơ thể 85 kg hơi, Khánh rờ ve và trục mải miết. Đứng bên cạnh gã, tôi sởn da gà vì tiếng xả chói gắt và xiết sát của mô bin máy. Hừ! không biết là con cá khỉ gió gì mà Quốc Khánh cứ lên được vài vòng dây thì nó lại kéo xuống của anh một nửa. Tiếng thở của gã thợ câu phập phì; mồ hôi ướt đầm lưng áo gã. Có lúc, gã không quay nổi cái máy đứng mà ôm chịu. Chúng tôi lập tức điều ngay cố vấn là Hùng Y tế ra giúp sức. Gã cố vấn này nói dăm câu, ba điều nhưng Quốc Khánh dễ gì giao cần cho bạn. Xuống xuống, lên lên! Khánh thì kéo lên, dưới kia thì của nợ nào đó rút xuống, bộ sậu chúng tôi chạy cờ  xung quanh, kẻ máy quay phim, người máy ảnh chờ đợi ăn phần. Sau gần nửa giờ đôi công, thuỷ thủ đoàn vui mừng reo lên: cá Bớp! chiếc khấu nhào ra, bằng cú móc điệu nghệ, thuyền phó Đặng Dũng đưa lên chú Bớp to đùng. Quốc Khánh sau trận đấu tay đôi thấm mệt ngồi thừ ra nhìn gã sướng, tôi chả biết đó là vẻ mặt cười hay là mếu nữa!
 
Đêm lại ập xuống rất nhanh! Tàu chúng tôi lại tìm về bãi để câu Đổng và câu Mực. Những khung cảnh đêm qua lại xuất hiện. Có điều hôm nay hơi khác…
 
LỜi CẦU KiNH GiỮA NGÀN KHƠi
 Thuyền trưởng Khánh nói nhỏ với tôi rằng: dẫu có bận trăm công ngàn việc, dẫu có mối lợi của biển đến vô vàn thì mỗi tối chủ nhật hàng tuần, anh em trên tàu cũng tập trung đọc Kinh, kính Chúa, yêu Nước. Nhóm câu chúng tôi dồn vào phía lái tàu để toàn bộ anh em thuỷ thủ trên tàu tập trung cầu kinh. Ôi! giữ một ngàn khơi- khi mà những cơn sóng, cơn gió cùng những nỗi hiểm nguy thường trực như nơi đây, thấy những lời cầu nguyện thoảng ra thành kính, tâm nguyện biết bao. Bất giác, tôi lẩm nhẩm đọc theo các anh. Xa trước mặt như ẩn hiện hình hài của Chúa. Trong phút giây này, tôi thấy lòng mình trào dâng: Cuộc đời này đẹp thế!
TÂM SỰ CỦA NGƯỜi NGƯ PHỦ
Thuyền trưởng Khánh và tôi nằm kề nhau trên cái ô làm giường hẹp của ca bin tàu An Khánh. Khánh kể rằng: gia đình anh xưa nay lam lũ vất vả lắm. Cha anh là một chiến binh và cuộc đời phiêu dạt nay đây mai đó. Khánh có 4 anh em trai, trừ một người đang làm việc ở trên bờ (thị trấn Côn Sơn) còn lại 3 anh em Khánh mỗi người cố lo lấy một con tàu câu như thế này làm kế sinh nhai và cưu mang anh em cùng xứ sở. Con tàu hôm qua ghé vào chào các bác là tàu của cậu em kế. Con tàu của Thằng Út to hơn và thằng em này quyết chí làm ăn lớn cho nên nó chỉ chuyên đánh bắt ngoài khơi xa. Cho đến hôm nay, con tàu của nó đã hơn 1 tháng chưa vào vùng Đảo. Tiếng là xa nhau nhưng qua máy truyền tin và bộ đàm, chúng tôi cứ hẹn đúng 4 giờ chiều là cùng bật bộ đàm liên lạc với nhau, thông báo tình hình. Biển ư? đảm bảo với anh tôi thuộc như lòng bàn tay! Dẫn các bác đi câu du lịch thế này, trước tiên phải nói rằng đó là cái tình, là sự thông cảm và yêu quí nhau lắm. Tai sao tôi nói thế? Bởi vì với người thuyền trưởng, mật độ cá, vùng có cá thường xuyên chính là bí quyết, là cái sự sống còn của miếng cơm manh áo. Đưa người ta câu hết thì mình đói a? Song đó là với những thuyền trưởng khác. Tôi vẫn đưa các bác đi đến những chỗ cần đến mà câu có cá. Các bác chả thấy rõ những cái tàu thuê trước đây thường đưa các bác về không đó ư? Tôi thì khác! Ông Nguyễn Anh Nguyên, anh em 4so9 đối xử với chúng tôi tận tình, long trọng như thế, tôi phải suy nghĩ và cái suy nghĩ của chúng tôi là: ngày đầu tiên đưa các bác đến những nơi cá to vừa vừa, ngày thứ 2 cá to hơn- nhưng đồng nghĩa với việc câu khó hơn nhiều. Vâng! Ngày mai, ngày mai tôi sẽ đưa các bác đến vùng biển có cá rất to thậm chí hung dữ. Khánh cười:” Nhưng mà các bác yên tâm! Qua mất ngày đã đầy kinh nghiệm. Vả lại, bên cạnh các bác có tôi và giàn thuỷ thủ lão luyện của tôi thì chả lo gì…Chuyến năm sau, tôi sẽ bố trí các bác đi với thằng Út. Nó lỳ gấp 10 tôi, có số má bắt cá to gấp 10 tôi; chỉ sợ các bác không đủ sức  mà kéo cá thôi...
 
Trở lại buổi tối cuối cùng trên tàu An Khánh: biển lặng hơn đêm qua nhiều. Thế nhưng, ngoài những thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm quen cùng sóng gío trên tàu thì chúng tôi - những tay vừa ngang vừa hết đụn đã bắt đầu bạc nhược trước thiên nhiên. Đêm qua, cả 5 anh em chúng tôi còn lăm lăm súng ống, người thì đầu mũi, người thì đầu lái buông câu. Chuyện tiếu lâm xổ như tháo cống. Cái miệng ông nào cũng biểu diễn. Miệng kể chuyện thì doe ra; miệng tợp rượu thì chẹm chẹp; miệng hút thuốc thì phập phù; miệng nhàn rỗi ngồi nghe thì cũng vun chữ ớ (A^); nghe chuyện rồi cười thì ai cũng tanh banh... Nhưng hôm nay thì khác hẳn. Tôi và bác Thanh tranh thủ chia nhau chỗ ngả lưng, mà cái lưng nào nằm xuống cũng nghe khớp nổ răng rắc. Duy chỉ có Già Hán xem ra vẫn mạnh và kiên trì đường lối câu rê bong bóng. Những thuỷ thủ trên tàu sau khi mang lên một mớ mực cũng tranh thủ đem ra mấy cái bẫy ghẹ thả xuống hy vọng chiêu đãi anh em chúng tôi bữa gỏi ghẹ giữa biển khơi. Cho đến khoảng 1 giờ sáng thì các chiến hữu trên con tàu này đều khò khò các kiểu. Người thì ngủ ngồi, người thì ngủ nghẹo. Họ phơi bụng, phơi mặt với trời và biển. Phía dưới, sóng ruyềnh: chuyện vặt! những khuôn dung đầu bù tóc rối, da xạm đen, mắt trũng, chân ống đồng, tay ống đóm. Nhưng mà thật lạ: chả ai kêu khổ, chả ai than chán mà cứ thấy cá là háo hức, là buông câu. Nhìn kìa! ông bạn Quốc Khánh lười đến nỗi cứ tại chỗ ngả người ra nằm trên ván tàu, chân gác lên cái Daiwa xịn. Bác Hồ Văn Hán thì mặc kệ cả bộ cần 2000 Uero, khòm lưng, co quắp chỉ quan trọng giữ mỗi cái cần giữ còn bao nhiêu thứ muốn ra sao thì ra. Ấy vậy mà dám chắc chỉ cần dây câu níu nhẹ thì cả bộ sậu kia lại vùng dậy tay cần, tay cảo nhịp nhàng như chưa hề ngủ gục bao giờ! Ôi! câu kéo! ai bảo là không nghiện và ai bảo là vất vả! Ngay như bác Thanh kia, thức suốt đêm qua, mắt trũng xuống, tóc bơ phò nhưng vẫn tranh thủ ngày 3 bữa gọi pôn động viên bà cháu ở nhà đừng coi thường gió máy. Ông bác cười như có lỗi:” Mình đi như thế này sướng và thoải mái, chỉ thương bà ấy ở nhà thui thủi...”. Giời đất ạ! bảo thoải mái thì nó ở chỗ nào khi ngay cả khoản WC cũng nhột nhạt, chòng chành không thể ổn! sung sướng cái gì khi thức đêm thức hôm tắm kém, ngủ kém, thư giãn kém... Tất cả chỉ hùng hục câu, chỉ tập trung rút kinh nghiệm, chỉ khấp khởi mỗi khi móc được con mồi sống khoẻ. Ấy vậy mà từ trong đất liền xa xôi kia, lúc thì bác sĩ Minh nhật, lúc thì ông bạn Tuấn Anh, lúc thì anh chàng Quốc Vận, em Mai Hương, anh Ngọc Duy... còn tốn tiền điện thoại gọi ra thăm hỏi mà cái giọng rõ ra ghen tỵ, rõ ra ao ước được gối ván nằm sương như chúng tôi đây! Thế mới biết, ở đời này rất nhiều nhân vật sẵn sàng nguyện theo trường phái...khổ cực điếu!
 
Xem lại coi, chuyến đi này có thể nói là chuyến đi được đúc rút và tích lũy kinh nghiệm từ những chuyến trước. Gã Lương Phước Anh Dũng rõ ràng cầm bản quyền khi dùng cái thẻo bông lau dài lồng lưỡi kép vào câu biển sát đáy. Đó là một sáng tạo tuyệt diệu được cả chủ tàu câu An Khánh ca ngợi. Không ca ngợi sao được khi xác suất cá cắn mồi của Hùng Y tế này gấp đôi anh em. Lập tức, chúng tôi mô phỏng ngay cách câu của anh và năng suất thật đáng nể. Bác Hồ Văn Hán với chiêu câu Thu và Bò gù bằng bong bóng cho thấy cái tuyệt kỹ của cách câu này là con mồi luôn luôn cách mặt nước một khoảng cách như ý. Chỉ có điều, với quả bóng bay thì việc ném mồi hơi bất tiện nhưng nếu có gió và nước chảy thì đây là chiêu câu hợp lý vô cùng. Một cách câu nữa là câu bằng lưỡi lông gà. Khi câu thẻo bắt cá nhỏ đã gặp đàn, chúng tôi lập tức gỡ thẻo đôi, gắn vào đó cái thẻo lồng đến 6 cái lưỡi buộc lông gà và điều kỳ lạ xảy ra: có khi chúng tôi câu 1 lần được cả 5 con cá lưa lứa các loại. Đợt câu này, chúng tôi còn phát hiện ra một kiểu câu ghẹ độc đáo nữa: dùng bạch tuộc mà câu! Con bạch tuộc sống dai và sống khoẻ lắm, ta chỉ cần lấy lưỡi câu móc vào lưng nó thả xuống với hy vọng câu cá lớn thế nhưng trong lúc chờ đợi con cá to nuốt chú bạch tuộc thì chú bạch tuộc này có trách nhiệm bò trên đáy biển và...tóm những chú ghẹ một cách ngoạn mục. Trong 30 phút bọ, chúng tôi kéo lên hai con ghẹ vừa to vừa chắc mà con nào con nấy bị chú bạch tuộc kia lấy vòi tóm cứng 2 cái càng mới là tiếu lâm. Cùng với những lồng ghẹ vừa bẫy được, toàn con tàu có một bữa ghẹ luộc và gỏi ghẹ bóp hành tây giòn đến…khố rớt ra quần!
 
Buổi sáng ngày cuối cùng đi với nhau, thuyền trưởng Khánh đưa tàu đến khu hang rạng có thể nói là hoành tráng nhất Côn Sơn. Khánh bảo: anh em mình đã có kinh nghiệm rồi thì câu vùng này may ra bắt được cá. Sao cơ? Sao lại là may ra? Khánh cười ruồi: Câu thì biết bác ạ! Đúng là câu thì biết! tôi là người bị đứt dây đầu tiên. Xin tả lại để các bạn xa gần biết mà thêm kinh nghiệm: Tôi thả câu với chì 180 g, nước chảy mạnh. Chờ cho cục chì chạm đất dưới 70 mét sâu, tôi nâng nhẹ vài vòng quay và gìm cần chờ đợi. Đột ngột đầu cần rung và chúi khiến mông đít bị nhấc lên mặt sàn cả 10 phân tây. Tôi rờ ve! Nghe cả cảm giác cái lưỡi câu đóng vào da thịt con cá rồi và tôi quay lên. Nhưng sau vài vòng quay thì đuối sức nên tốc độ chậm lại, đột nhiên, cần và máy sững lại. Đầu cần vẫn rung giật nhưng quay thì không thể. Bằng những thủ thuật giũ và gỡ nhưng vô hiệu. Dây câu của tôi chỉ có thể xả ra chứ không thể thu về. Con cá đã chui vào hang và tôi thua nó. Nhìn sang, Thuyền trưởng Khánh cười ruồi! Đến lượt bác Hồ Văn Hán cũng không hơn. Anh cũng bỏ lại trong hang kia 1 cái thẻo. Hùng y tế thì điên hơn nhiều. Cá rút của anh 3 lần nhưng lần nào cũng bị đứt và con cuối cùng thì gãy lưỡi câu. Anh Thanh cũng tương tự. Chúng tôi cùng nhau nhìn xuống mặt nước xanh thẫm và dòng biển xoáy ngang mà giận mình, giận cá. Hùng Y tế không nói một lời nào. Duy có thuyền trưởng Khánh, đến lúc này anh mới bảo: những thợ câu lành nghề và lão luyện như anh em nhà anh câu nơi này 10 con cắn câu cũng chỉ bắt được khoảng 3 con là cùng. Cá ở đây to lắm. Rõ ràng, xét một cách toàn diện thì chúng tôi là amateu, với giàn máy này, cần này, dây này chưa thể nói là vi điệu bởi khi đã đóng được con cá ở đây (khi câu đáy) cần phải đủ sức mạnh để kéo guồng nó vượt ngay ra khỏi đáy nước và chỉ cần chậm hay chững lại một chút thôi, con cá sẽ chạy tuốt vô hang và lúc ấy day câu của chúng ta không bao giờ chịu nổi. Đúc kết là như thế nhưng chúng tôi không còn cơ hội làm lại nữa vì toàn bộ mồi câu đã hết và chỉ vài phút nữa, chúng tôi sẽ hết giờ ở trên tàu…
 
Tuy nhiên, toàn đoàn được an ủi ngay sau đó khi cần câu với con mồi cuối cùng của anh Hán dính con cá Thu 8 ký. Cũng thật may bởi Thu là loại cá ăn nổi và sau một hồi giằng co, anh Hán đã đưa nó lên bờ…Nhìn con cá dài cả mét, ai trong chúng tôi cũng hơi tiếc. Tiếc vì hết mồi câu hơi sớm. Khi tàu chúng tôi quay mũi hướng vào bờ thì lập tức có 2 chiếc ghe tốc độ cao áp sát. thoáng nhìn những vị trên ghe bịt mặt đã tưởng đụng đầu nữ tặc cướp biển nhưng ai dè toàn chị em thương lái đi tắt đón đầu. Nghe nói trên tàu chúng tôi có cá Thu, cá Bớp, cá Cờ...chị em đễ thương ra mặt. Mà những lúc như thế này thấy cái thằng mình nó kỳ cào làm sao. (mới xa đất liền nửa tuần, không nhìn thấy phái nữ nay nhìn chị nào cũng xinh mới chết chứ! Nhưng mà tôi không nói ra đâu bởi hơi ngại cái giàn thuỷ thủ thanh niên sung sức sau lưng kia đã gần 2 tháng thân thằng anh kiên trì, thân thằng em kiềm chế, ăn toàn đồ biển bổ, họ đang nóng tính lắm!…)Thế là, mặc kệ cho những “thương lái tặc” soi mói, lục lọi khắp tàu, anh em chúng tôi cứ việc chống cần như Triệu Tử Long không quen buôn bán.
 
Chúng tôi đổ bộ lên bến tàu du lịch Côn Đảo trong buổi chiều vàng. Trời im ắng không một ngọn gió. Chiều Côn Sơn tĩnh lặng và thanh bình đến sững sờ. Đường vuông thước thợ, rộng thênh thang mà hiếm hoi mới thấy một xe tải nhẹ. Mặt tiền thì ê hề; chẳng thấy bóng một cảnh sát giao thông. Thế nhưng cuộc đổ bộ của chúng tôi không nhàn hạ gì. Ở bất cứ đâu cũng có bốc vác nhưng tại cầu tàu này thì...quên đi! Cũng may có hai thanh niên trẻ khoẻ chứ không thì gay go. Cuối cùng thì 5 anh em cũng dìu dắt nhau lên được khách sạn Phi Yến. Một chiến dịch bảo quản chiến lợi phẩm được bắt đầu. Những con cá được moi ruột, bỏ mang, bọc kín trong túi xốp...
 
Buổi tối hôm ấy, theo hẹn ước, anh em thuỷ thủ tàu An Khánh đổ bộ lên bờ và chúng tôi cùng nhau dạo phố rồi ăn với nhau một bữa cơm thân mật. Hơn chục anh em chúng tôi ngồi vào nhà hàng với một yêu cầu tiên quyết: không dùng đồ biển! bởi lẽ mấy ngày trên tàu, chúng tôi đã dùng hầu hết các món hải sản thật tươi ngon.
 
Khuya, chúng tôi chia tay nhau với nhiều lưu luyến. Ngày mai chúng tôi về đất liền và anh em thuỷ thủ tàu An Khánh sẽ giương buồm trở lại Miền Trung. Chỉ tới sang năm, tàu An Khánh mới trở lại vùng biển này...
 
Ngày 4-10, vẫn chiếc máy bay hôm trước chờ chúng tôi đầu đường băng Côn Sơn. Công tác làm thủ tục thật nhanh bởi có anh Thanh vốn quen ông sếp sân bay này. Ngồi trên máy bay, tôi cố ngó ra ngoài cửa sổ ngắm lại cái màu xanh đậm đặc của trùng điệp rừng Côn Sơn. Chả biết bao giờ tôi lại được trở lại chốn này. Chiếc máy bay tăng tốc độ, bánh xiết xuống đường băng gằn gả bốc chúng tôi lên cao trong cái u u của thinh không. Biển bất chợt mù trong sương rồi bất chợt mở ra sáng lòa nắng sớm. Côn Đảo đã ở sau lưng. Dưới nắng mặt trời, mặt biển zăn lên như da bì của mợ lợn sề quá lứa đẻ. Trên cái triền da xăn ấy, những con tàu biển bé tí tựa như con ruồi biển. Lưng chừng trời, mây tầng trên, tầng dưới hốc hác, đơn đặt lô nhô đủ hình thù mà ta nghĩ cổ quái thành cổ quái, nghĩ hiền từ nó ra cảnh hiền từ...
 
Máy bay hạ độ cao, đất liền kia rồi! Mặt đất chia ô cứ như những ô ruộng muối chỗ thì xám xì, chỗ thì xanh nhạt. Gần hơn nữa: những ngôi nhà cứ sát sít vào nhau như trẻ con xếp đồ chơi, những chiếc ô tô bé bằng khuy áo và những con người thì cứ tựa như những cái chấm mực tàu vương vãi...
 
Chào nhé Côn Sơn! chào vùng đất như còn sơ khai với đúng nghĩa rừng vàng, biển bạc. Ôi!  những  vầng rạng nguyên sinh cạnh những triền cát hoang sơ chưa từng có dấu chân người. Nơi ấy, cá đùa với chúng ta. Nơi ấy, người ta chỉ cần bụm miệng là đã xin được cá! Nơi ấy, hàng ngày, hàng giờ từng đàn cá ăn nổi ào ào giỡn nước và cả những đàn cá mập, cá nhám thi thoảng lại xuất hiện ven các hòn Dừa, hòn Trứng, hòn Chớp... Đó là một vùng biển vô cùng lý tưởng cho những chuyến câu du lịch. Tôi cứ ước gì, ước gì sau vài năm nữa Côn Sơn sẽ có những đội hướng dẫn du lịch kiêm hướng dẫn câu dã ngoại...
Kỳ  sau: Những ngày Phượt câu sang Trung Quốc
VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất