Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hoành tráng biển Côn Sơn

   Lời  Phi Lộ: Nhiều bạn có lẽ cho rằng: có gì mà nghĩa cử nọ, kia? Xin thưa rằng: cho đến khi bài phóng sự câu Biển Côn Sơn ra đời thì trước đó trên cái lãnh thổ Việt Nam này chưa có ông nhà báo hay nhà văn nào thèm viết về một phóng sự câu cá giải trí trên biển dài và dấn thân như vậy. (có lẽ không vì họ không viết mà họ còn bận bao nhiêu thứ Hoành văn Tráng khác nên chuyện câu kéo chỉ là giải trí tầm phào hoặc không phải …gu chơi của họ. Vậy thì tui viết cho anh em đọc chơi)
.
......         
Chuyến đi câu Côn Đảo của 5 chúng tôi là chuyến câu vét mùa năm 2005 của con tàu An Khánh. Từ giữa biển khơi bao la, Thuyền trưởng Khánh điện thoại về cho anh em báo rằng: anh và thuỷ thủ đoàn có thể giãn ngày phục vụ thêm 1 chuyến câu biển nữa rồi trở về xứ sở sửa tàu, cho thuỷ thủ nghỉ ngơi đến tận năm sau mới trở lại ngư trường Côn Đảo. 

Có lẽ, tôi cũng nên nói sơ một chút về những chiếc tàu câu lưu thuỷ. An Khánh là một trong những chiếc tàu như vậy. Trên tàu của các anh có máy tầm ngư, bộ đàm, la bàn và có thể có cả máy định vị toạ độ phục vụ cho việc câu và lưới. An Khánh là một chiếc tàu câu chuyên nghiệp. Thuyền trưởng Khánh là một con người thoạt trông khắc khổ nhưng khá cởi mở. Trên tàu của anh: 10 con người đều là những người cùng quê, cùng xứ sở…đó là một tập thể đoàn kết và cần mẫn.

Có lẽ cũng nên trả nghĩa vài dòng đến những sự giúp đỡ vô tư mà bác H đã dành cho tôi và anh em độc giả. Bởi lẽ, nếu cứ đằng thẳng mà nói thì thu nhập ba cọc ba đồng của tôi hiện tại thì chẳng thể dám mơ ước một chuyến đi câu Vờ Văn Víp như thế này. Chả than nghèo kể khổ nhưng thực tế nó như vậy thì nói như vậy. Nhưng trong một lần câu kéo cùng nhau, anh em có nhắc đến những chuyện câu khơi. Bác H bảo: Hay là bác VietHoa đi câu biển một chuyến về viết cho anh em đọc cho khí thế làng câu kéo?? Nghe vậy thấy thích. Nhưng phần vì khách sáo, phần vì…dấu nghèo nên tôi chỉ ừ hữ rồi lướt qua. Ai ngờ cái bác H quá tinh ý và nói nhỏ vào tai tôi: Bác đi câu chuyến này với tôi. Mọi chi phí đã có…tôi. Bác chỉ cần trải nghiệm, có cảm giác và cảm xúc rồi …làm sao thì làm!

Vâng thật tuyệt! 1 tuần sau, bác H đưa cho tôi cặp vé máy bay; nhắc giờ xuất phát. Thú thật, chuyến này tôi là người được “cảm thông” từ đầu đến cuối. Thậm chí, khi chia tay ở đầu phố nhà bác H, bác còn đưa trả trước tiền taxi cho tôi về nốt cung đường và một khúc cá Thu thật to ngon nhất với tất cả sự ưu ái. Các chuyện này, mấy năm qua, hầu như tôi chưa nói ra và bác H cũng không bao giờ hé răng. Hôm nay, post lại bài phóng sự nhiều kỳ này, tôi thấy cần phải nhắc tới cùng lời cảm ơn. Bản thân  tôi, chuyến đi được thêm trải nghiệm, thêm bạn bè và bạn đọc cũng đã được đọc một phóng sự dài kỳ với tên gọi: Hoàng tráng biển CÔN SƠN. Nhiều bạn có lẽ cho rằng: có gì mà nghĩa cử nọ, kia? Xin thưa rằng: cho đến khi bài phóng sự câu Biển Côn Sơn ra đời thì trước đó trên cái lãnh thổ Việt Nam này chưa có ông nhà báo hay nhà văn nào thèm viết về một phóng sự câu cá giải trí trên biển dài và dấn thân như vậy. (có lẽ không vì họ không viết mà họ còn bận bao nhiêu thứ Hoành văn Tráng khác nên chuyện câu kéo chỉ là giải trí tầm phào hoặc không phải …gu chơi)

Bữa nay gửi lên đây. Không biết bác H còn hay mất. Không biết bác có đọc những dòng này không. Nhưng cuộc đời, nước chảy hoa trôi. Chỉ cần nhớ đến nhau một vài phút giây thôi cũng đã là hạnh phúc…

            Xin được bắt đầu 

Đã hẹn nhau từ trước, 4 giờ sáng, điện thoại tôi reo; đầu dây bên kia bác Hán bảo dựng bạn dậy kẻo lại ngủ quên. Chỉ trong nháy mắt, tôi đã trên đường đến sân bay. Vừa bước chân lên sảnh phòng chờ gập ngay bàn tay to khoẻ của một thanh niên: chào Chú Việt Hòa! Thì ra, chỉ cần nhìn cái túi đồ câu tôi đeo là gã nhận ra ngay. Tôi cũng lập tức nhận ra gã ngay vì vài lần câu thi đã gặp nhau. Tên gã là Lương Phước Anh Dũng biệt danh Hùng Y tế. Hồ Văn Hán cùng Hà Cao Quốc Khánh cưỡi taxi trờ tới. Bác Thanh cũng xuất hiện. Chúng tôi dồn lại làm một kiểu ảnh với nhau cho hoành tráng đã!
 
 

Tiếp theo là phòng chờ và phòng chờ. Dân câu biển khốn khổ thật! đi máy bay mà cứ ngóng cổ lên trời ngó mông lo thời tiết trong khi những hành khách khác ngồi nhịp giò. Chuyến đi của chúng tôi có vẻ nhiêu khê khi được và không được hướng dẫn từ phút đi vòng vèo mua đường trong lối những dải băng quây thành đường trước những quầy làm thủ tục đăng ký. Cái cậu Quốc Khánh kia không biết thân phận cứ phàn nàn nào quan liêu, nào nhiêu khê, nào Hàng không, Hàng có…mà lại nọc chạy đằng mồm to quá nên 2 vị an ninh sân bay đứng gần đó nghe được và lập tức cái túi rượu gã xách tay bị làm khó: ra cân gửi theo hành lý! Đáng đời chưa? Lúc này vốn liếng đẹp trai của Hùng Y Tế cũng chả giải quyết gì. Gã Khánh mập lại lúc cúc vác cái túi đem đi gửi trong khi một chú Tây khác có cái túi to hơn chú Khánh cũng ung dung ôm vào lòng qua cổng kiểm soát trong phát mẹcci của cô nhân viên xinh mà tệ! 

Đợi chúng tôi là một chiếc ART 72 khoảng 60 chỗ ngồi. Nhìn chiếc máy bay và ngó vào lịch bay tuần 3 đợt Côn Sơn đã thấy ngay sự phát triển thật nhanh. Chỉ vài năm trước thôi, những chuyến bay Côn Đảo còn cà rịch cà tàng cái máy bay 20 chỗ ngồi với tối đa mỗi vị khách có 10 ký lô hành lý. Bác Thanh bảo:” Bây giờ là tiến bộ và thoáng lắm rồi đấy!”. 

Chiếc ATR 72 trườn ra đường băng, tăng tốc rồi đu mình oằn õa dời mặt đất. Tôi hơi choáng bởi nó vút lên, cơ thể mình nghe khó chịu hơn đi Bôing nhiều. Phút choáng qua nhanh khi nhìn qua cửa sổ, nhà cửa, ruộng vườn bị đẩy ra xa trong cảm giác hơi hụt hẫng. Lạ! sao phút chốc con mắt tôi nhìn thành phố phía dưới thoạt nom cứ như những món đồ chơi xếp hình rồi lại từa tựa một đống gạch vỡ. Khung nhìn chợt dịu đi: một màu xanh huyền ảo qua làn sương mỏng; con sông Đồng Nai như một dải lụa uốn điệu đàng trên những thảm xanh bất tận kia. Nhoáng một cái, chúng tôi đã đi trên mây. Mây trắng xốp như một biển bông gòn xếp tầng chất ngất. Dưới kia, biển bắt đầu vun gọn đất liền lại…

Ngồi cạnh tôi là một cô gái Bắc. Đây là cô dâu tương lai của Côn Đảo. Hùng Y tế sau khi nghe cô gái khoe là đi thăm bạn trai là bộ đội ngòai này thì buột miệng:” Tay bộ đội kia sướng nhỉ?”. Nụ cười của hai cô chòng chành trong mây:” Ưu tiên vùng sâu vùng xa!”. Nhưng mà kìa, cái cô đi bên cạnh tặng cho Hùng Y Tế một cái liếc mắt có đuôi dài hơn khuôn lá liễu… 

Trong khoảng khắc, chúng tôi đã đến Côn Sơn; máy bay thông báo đang hạ độ cao. Dưới mắt tôi, màu xanh lơ của trời nhạt đi nhường lại cho màu xanh sậm của biển. Kìa, trên mặt nước mịn như nhung xanh đã thấy vài điểm trắng bạc bé tí bé tẹo. Bác Thanh bảo:” Đó là những con tàu đánh cá! Kìa! Hòn Trứng đã hiện ra lung linh trong nắng sớm. Côn Đảo đấy! Từ đất liền bay ra, hòn Trứng sẽ nhìn thấy đầu tiên và hòn đảo toàn đá trắng này cứ như một cái hải đăng không cần đèn: tất cả những con tàu đi khơi trong khu vực đều căn theo hòn đảo này-Ngôi sao Bắc đẩu trên mặt biển! Biển đã viền lấy những hòn đảo bằng những viền bọt trắng sáng. Trên những hòn đảo kia, đã thấy hình hài từng gộp, từng khối đá sắc nét, uy nghi… 

Sân bay Côn Sơn có lẽ là một trong những sân bay yên tĩnh nhất Việt Nam. Xung quanh, rừng và biển xanh thắm. Rừng Côn Đảo xem ra nguyên sơ. Bàn tay con người có lẽ can thiệp rất ít vào Rừng. Chỉ trong một lúc, hành lý đã nhận xong và chúng tôi lên xe nhắm đường đổ bộ ra bến tàu. Tuyệt thật! Màu xanh của Rừng Côn Sơn cứ như đổ ào ào ra đường lộ quanh co. Ngay cả những rừng cây ăn trái đang mùa đơm quả, trổ hoa kia cũng chẳng ai thèm rào dậu; bác tài xế bảo ở ngoài này hái trộm hoa qủa là chuyện không ai nghĩ đến. Ừ! bác có vít cành hái trái thì ai cũng bảo bác vui tay hái ăn chơi chứ tắt mắt gì??! Trên đường ra bến tàu du lịch chúng tôi qua cái dốc ông Tổng ngoạn mục ra phết, cũng quanh co trùng điệp chả thua gì Padin ngoài Bắc mà hoành tráng hơn bởi một bên là biển đẹp và một bên là những khứa đá màu thạch mịn như những khứa cá ...nhà trời! 

Đón chúng tôi ở bến tàu Du lịch là thuyền trưởng An Khánh cũng tên là Khánh. Sau lưng anh là đội hình thuỷ thủ toàn thanh niên trai tráng. Chúng tôi quá yên tâm với gần 10 thanh niên nước da đỏ au màu đồng hun, từng vồng ngực và cuồn tay chắc khoẻ có thâm niên gần 2 tháng xa vợ, xa bồ! Tàu đã sẵn sàng và 5 anh em chúng tôi không bỏ phí một phút, để lên tàu ưu tiên cho câu kéo, bỏ lại sau lưng những hàng Dương, cầu tàu 914, hòn Bảy Cạnh và cả cái thị trấn Côn Sơn dễ thương và mến khách (cả tháng không thèm kẹt xe) để lên tàu...

Chúng tôi chất lên tàu qùa của đất liền: ti vi màn hình phẳng của Nguyễn Anh Nguyên; đầu máy DVD của anh em tham gia câu các chuyến trước tặng tàu An Khánh. 

Cũng cần kẻ thêm với các bạn chút đỉnh về bến tàu Côn Đảo để mà ham: Cái cầu tàu 914 là di tích lịch sử và dùng để cập tàu thủy lớn. Tất tần tật tàu du lịch nhỏ, tàu cá, tàu câu...được dồn sang cái cầu tàu Du lịch. Đứng trên cầu tàu có cảm giác như mình đang dựa lưng vào núi và chỉ hơi cúi xuống mình đã úp mặt xuống làn nước trong văn vắt của biển hoang sơ. Cá! trời ơi! ngay cái bến tàu thôi đã cơ man nào là cá. Cá biển đã theo từng tầng từng lớp mà mắt thường của chúng ta phân ra được, nhìn thấy được. Trên cùng là từng đàn cá Mòm, cá Cóm giữa tầng là cá Xạo và cuối cùng sát đáy là cá Hồng giỡn nhau nom như những cái lá bàng chao nghiêng và thỉnh thoảng lại loà nhòa một chú da trơn tôi chả biết là giống gì! Xa xa, bãi biển Côn Sơn phơi cát mịn như thạch lãnh và tuyệt chưa: hôm nay biển Côn đảo yên lặng tựa ao làng!!! Những hàng bàng cổ thụ sừng sững bên đường khoe những cái u, múi vạm vỡ như muốn tăng niềm tin và sự vững vàng cho những con tàu sắp ra khơi. 

Tàu chúng tôi nhổ neo. Thuyền trưởng Khánh cho chạy tốc độ tối đa. Nhoáng một cái tàu đã vượt qua mũi Cá mập, Hòn Thỏ. Không khí con tàu chợt nóng râm ran khi chiếc cần câu chạy rê của bác Hồ Văn Hán chúi xuống, phía đuối tàu xa tắp, một con cá dài đòn tung lên. Nhưng trượt rồi! Khánh bảo tàu lao nhanh quá! Nhưng bác Hán bảo có lẽ con mồi hơi to. Đúng thật: khi anh quay dây vào thì nguyên con cá làm mồi giả bị táp vỡ vụn cả phần đuôi. Toàn tàu tiếc ngẩn; kiểm điểm qui trách nhiệm vung vãi mất cả 10 phút đồng hồ! 

Thưa các bạn,

trước khi vào cuộc câu kéo ngoạn mục, tôi xin dành ít phút để giới thiệu về cách câu cùng một số chi tiết liên quan để anh em xa gần hình dung: 

Thuyền trưởng Khánh cùng chiếc tàu câu An Khánh là một trong 3 chiếc tàu chuyên câu và đánh bắt giống nhau của 3 anh em ruột thịt. Địa bàn Côn Đảo và Miền Trung, các anh thuộc làu làu. Hiện tại, vùng biển này chỉ có 2 chiếc (An Khánh 1 và AK 2); còn 1 chiếc của một người em Khánh đang đánh bắt xa bờ. Mỗi chiếc tàu đều trang bị đầy đủ máy móc từ tầm ngư đến định vị tọa độ, bộ đàm. Hàng ngày, cứ đúng giờ hẹn, các tàu lại lên bộ đàm liên lạc với nhau. Anh em thông báo cho nhau tình hình ngư trường, đánh bắt và sức khoẻ, sinh hoạt…Anh em thuỷ thủ toàn người cùng xứ sở, thương nhau và dễ bảo nhau.

Cuộc chơi câu biển của các anh và của chúng tôi được thực hiện theo tinh thần “lôgic biển khơi”. Có nghĩa rằng: đi từ không đến có-hay nói theo toán học là đi từ cái mệnh đề đơn giản nhất: cái lưỡi câu. Từ cái lưỡi câu với con mồi giả, chúng tôi tổ chức câu mực và từ con mực sống, xắt nhỏ cái râu mực câu con cá bé, dùng cả con mực sống câu lên những con cá lớn, cá vừa tùy theo từng bờ rạng, luồng khơi và cả độ sâu cùng với cách buộc thẻo, thả mồi… 

Khi đón chúng tôi lên tàu, thuyền trưởng Khánh cho biết:” vấn đề mồi hơi kém vì ngày qua biển êm qúa, đám mồi mực thiếu ô xy đã chết mất một số. Mà câu biển vùng này, mồi chết kể như gắn liền cùng thất bại!”.

Tôi tò mò mở hầm chứa mồi: mực! khá nhiều mực ống đang bơi. Trời đất! những con mực to trồng trộng gần như chai nước khoáng thế kia mà làm mồi ư? Khánh bảo: Mồi tất! Mồi to bắt cá to! Tôi không tin biển lại có thể ngoạn mục chừng ấy. Không tin con mực loại 6 con /ký kia với giá thành 10 ngàn đồng / con lại có thể mang lại lợi nhuận sau khi làm mồi câu cá! Đúng là câu…cho vui đời! Bởi vì chỉ cần con cá vặt ngang, nửa chú mực làm mồi sẽ bị mất: tiếc 10 ngàn thì ít nhưng điên ruột thì nhiều hơn bởi con cá biển cũng biết khôn mà cũng một phần bởi con mồi nếu là to quá! 

Chúng tôi tranh thủ chuẩn bị cần, thẻo. Hồ Văn Hán đầy kinh nghiệm với những chuyến đi hôm nay trình làng hẳn một thùng tônno nhiều tầng chỉ chuyên chứa chì, lưởi, thẻo và phụ kiện câu kéo. Ông bác này chém vè hẳn mé trái của phía lái, đồ đạc bày biện rườm rà y hệt bà hàng xén. Thẻo câu chúng tôi mô phỏng y hệt thẻo lưỡi kép thường dùng của anh em thuỷ thủ. Với dạng thẻo như thế này thì con mực làm mồi sẽ bị móc ở phần đuôi và bị máng lưỡi ở ven hông. Khi con mồi xuống nước, nó sẽ bơi và tà xuống. Cái khoảng lặng tà xuống từ mặt nước cho tới đáy này sẽ là lúc bọn cá biển lao tới thanh toán con mồi mực bất cứ lúc nào. Người câu bây giờ chỉ còn sự cảm nhận thật tinh tay. Nếu nghe s..sựt! rồi chúi đầu cần thì qúa căn bản và việc rờ ve rồi quay cá ai cũng biết. Thế nhưng khi con mồi của chúng ta đang tà xuống và một thằng cá từ dưới lao lên quất nâng con mực thì trong khoảng khắc, ta sẽ thấy đầu cần hẫng nhẹ. Đây cũng chính là thời điểm và cơ hội tuyệt vời cho tay câu vì nếu thu dây, so dây thật nhanh và đánh rồi ghìm thật chuẩn thì con cá kia không có đường nào thoát nổi. Và, 10 con thì đến 8 con cá lao mình lên mặt nước với những cú phóng, phi, đào thoát vô cùng ngoạn mục giữa mênh mông trùng khơi… 

Tít! Tít! Tít!

Những tín hiệu điện tử rộn ràng phát ra từ chiếc máy tầm ngư. Đó là những tín hiệu phát hiện bầy cá. Hồ Văn Hán và thuyền trưởng Khánh vội giở bản đồ đánh dấu. Khánh nói như ra lệnh: Độ sâu 30 sải (khoảng 45 mét) nước chảy bình thường! Buông neo và thả câu! Chỉ chờ có thế là 5 chiếc cần của chúng tôi buông mồi xuống vùng nước xanh lơ. Đến bây giờ, tôi mới để ý đến Quốc Khánh – gã bạn câu có gương mặt hài hước còn hơn Bảo Quốc diễn viên. Khánh móc điện thoại:” A lô! Thưa ông Cậu, bà Cậu! con Khánh đây! Con xin ông Cậu bà Cậu cho con mươi con cá dài mười gang rộng chừng gang rưỡi…”. Chưa dứt lời, Hùng Y Tế rờ ve thật mạnh. Có không? Có cá! Có cá! tiếng hô quen thuộc của chúng tôi hình như đã lây sang cánh thuỷ thủ khiến toàn con tàu rộn ràng và náo nhiệt. Hùng Y tế ra sức guồng dây và thành qủa kia rồi: một con cá Hồng bạc đang chao qua chao lại sau lớp sóng dập dờn!

Lại có cá: Bác Hồ Văn Hán lên theo một con Róc chừng hơn ký lô. Anh Thanh cũng mang lên một em Róc. Chỉ còn tôi và Quốc Khánh im lìm. Nhưng không im lìm được lâu. Biển mà! Ai mà không biết phía dưới mặt nước tưởng hiền hòa kia là cả những đợt sóng ngầm. Đầu cần câu của tôi chúi mạnh nhưng mà trượt rồi! Thuyền trưởng Khánh quả quyết trăm phần rằng con mồi mực của tôi đã bị ngắt mất cái đầu. Đành điên ruột mà quay lên vậy! Bỗng có tiếng gầm từ sườn tàu:” Mày chết với ông!”. Thì ra là Quốc Khánh. É…rét! chiếc mô bin máy của gã xả re; toàn bộ chiếc cần câu cong vòng và anh chàng ngửa hẳn người chịu cần và quay malivel. Trong khoảng khắc tư lự, gã quyết định siết thêm nửa vòng mô bin cái máy đứng. Tức thì…Đoác! Khúc ngọn cần câu cùng gần như toàn bộ đường dây bị mang đi xuống biển. Quốc Khánh thẫn thờ ôm chiếc cần cụt ngọn ngó mông xuống làn nước dập dờn. Con cá to lớn như thế nào không biết nhưng hôm nay chúng tôi ghi thêm cho biển một món nợ nữa: nợ cần! MọI người bình luận và chê Khánh muốn tắt bếp. Gã thợ câu im lìm chịu trận nhưng có lẽ là do nể cánh tuổi già chứ chưa hẳn tâm phục, khẩu phục  về phương pháp sử dụng cần câu… 

Sau khi mang lên một số cá chừng 1-2 ký, anh em chúng tôi nhất trí...chê cá khu vực này hơi nhỏ. Cứ đằng thẳng mà tính thì nếu “mỗi con mực 1 quân thù” thì chúng tôi coi như…huề! Con tàu lại nhổ neo bỏ lại đằng sau những tiếng tít tít không căn bản. 

Rạng biển thứ 2, chúng tôi buông câu gần hòn Chớp-nơi có ngọn Hải Đăng và cũng là hòn đảo có nước ngọt cho thuyền bè ghé vào chuẩn bị và tránh bão. Thật không vui vì cá mang lên không to hơn ban nãy mà toàn bột số mồi mực sống cho tới phút này cũng đã hết. Khi chuyển sang câu mồi mực chết, chúng tôi càng buồn hơn vì bọn cá chê mồi. gần 2 tiếng đồng hồ không cái đầu cần nào nhúc nhích! Cả tàu xếp cần, xếp việc để ăn bữa trưa- một bữa cơm trên biển nóng hổi và ngon thật lực với toàn hải sản tươi. Đầu bếp tàu An Khánh vốn là số một vì đây là gã phụ bếp của khách sạn Hoàn Cầu do qúa mê biển, mê con cá, con tôm nên đã dời đất liền xin lên tàu. 

 2 giờ chiều, chúng tôi nhổ neo tìm về bãi để câu cá Đổng. Cá Đổng là một loại cá nhỏ cở 2- 3 ngón tay màu hồng nom hiền lành và hấp dẫn nên những loại cá ăn cá rất thích mồi cá Đổng. Chúng tôi dùng lưỡi câu thật nhỏ, thẻo nhiều tầng y hệt câu cá Đục ngoài Long Sơn hay tương tự như câu rạng Nha Trang; cắt nhỏ từng miếng râu cá mực và móc mồi thả xuống. Cá Đổng cắn mồi nghe tay sừn sựt rất mê. Nếu bạn đừng giở vội thì sẽ có cơ may mỗi lần dỡ câu mang lên cả cặp nếu dùng thẻo tầng. Xen vào Đổng là những loại cá Nóc, cá Hồng, cá Phèn... Để con Đổng sống được cho tới lúc làm mồi câu thì cần phải dùng cái kim tiêm chích vào bong bóng cho chúng xì hơi giúp cơ thể nó chìm xuống đáy giộng hoặc liều mình hút mạnh nơi miệng cá để mang không khí trong bụng nó ra. Làm như vậy, con Đổng sẽ sống và rất khoẻ.
  4 giờ chiều, chúng tôi lại nhổ neo tìm ra khơi xa. Trời đất! Đi ngoài Nha Trang mấy buổi mới chỉ dòm thấy 1 đàn cá ăn nổi đã mê; ở biển Côn Đảo, cứ chốc chốc xa trước mặt, gần sau lưng, ven hông tàu nước biển cứ như sôi lên và những đàn cá ăn sóng rầm rĩ ép phê đến quặn lòng. tàu chúng tôi đang trườn với vận tốc bình thường thì thấy trước mặt cả một vùng khoảng hai chục mẫu tây nước biển như lặng ngắt nhưng bọt sàu lên tựa như ông giời đang đun nồi cám lợn khổng lồ. Cá Bè Trang! thuyền trưởng Khánh thảng thốt hô và anh em chúng tôi được các chú thuỷ thủ phụ giúp móc những con cá Đổng vào lưỡi câu. Nhẹ nhàng nhé! không cần thêm chì mà chỉ cần con Đổng chịu bơi ngang là ổn! Vút! Vút! Vút! những chiếc cần chuyên nghiệp thảy dây điệu nghệ đón đầu đàn cá. Dây câu tà xuống thành một đường Hypecbol  mềm mại. Nhưng kìa, nó chỉ mềm mại trong tích tắc và hình như chúng tôi nghe thấy cả tiếng tốc độ xé nước của những con cá lao tới giành xé con mồi. Phụp! Ụp! Hự! đó là những tiếng kêu như mặc định và ngay sau đấy là động tác choải chân thang của gã cần thủ cùng tiếng tuông dây bất đắc dĩ của mô bin máy. Những con bè trang khoẻ như vâm ghì đầu cần của chúng tôi cong vòng. Câu biển vốn là thế! khi cá cắn thì thường cắn đều các cần. Tôi có cảm tưởng như nếu chúng tôi lúc này buông xuống cả hai chục chiếc cần thì bọn cá cũng làm thanh toán đủ hai chục. Thế nhưng không thể! Phương án bắt cá còn phải ưu tiên bắt con lớn nêu giả sử chúng có vướng dây nhau. Quốc Khánh lên Bè Trang; anh Thanh lên Bè Trang, Hùng y tế lên con to nhất; Bác Hồ Văn Hán lên con to vừa; duy chỉ có tôi là tuột mất. Cả dàn thuỷ thủ ngó tôi cười thông cảm. Riêng cậu Thường thì ngượng nghịu một tý vì làm giùm cái thẻo hơi vô trách nhiệm. Nhưng mà không sao! cá còn đầy phía dưới mà!

Chúng tôi mải câu đến nỗi trời tím rịm hoàng hôm lúc nào không hay. Sàn tàu toàn máu cá. Áo quần  người ngợm chúng tôi cũng tanh òm và lốm đốm vết cứt cá và máu cá. Gã nọ nhìn gã kia: nụ cười nhăn nheo vì thiếu ngủ. Hè! Hè! Chúng ta chỉ còn thiếu nước mọc vảy cá trên người nữa thôi! A lê hấp! tắm nuy 100% nhé? Ùm! Ùm! Ùm!… 3 trâu đất và 4 cột nhà cháy nhún mình lao cắm đầu xuống biển. Mát tỉnh người! Trong phút chốc, ai cũng có cảm tưởng như đời mình đã gột sạch bụi trần…

 Thuyền trưởng Khánh bảo:” Nhà cháu chuẩn bị cả nước ngọt, các bác chiêu mát lại thần xác đi rồi mình ăn cơm”. Xà! vẽ chuyện! hụp xuống 2 phát là biển mang hết cả mồ hôi với bụi trần rồi còn gì. Mà hình như bọn mình mới dùng cơm ban nãy? Đương nhiên! nhưng mà đi biển mau đói nhỉ? Chà! nhà tàu cho ăn gỏi mực với mực tứng thế này đám nhớ đời lắm. Quái! Hừ! cái món gỏi mực mà xoài càng xanh, càng chua thì lại càng ngon mới là điệu. Quốc Khánh đâu? Làm một chai Vang cho khí thế chứ nhỉ? Bác Thanh bảo có ngay: rượu tắc kè, bìm bịp và bò cạp ngâm chung bao tử nhím! Tự nhiên, cái vị đắng nhây nhẩy của rượu bao tử nhím trong cái chạng vạng Côn Sơn này khiến lòng tôi lại đầy tâm trạng... 

 
 
 
 
 
 
 
Bài và ảnh: VietHoa

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất