Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

NHỚ LONG SƠN… (GHI CHÉP:VIETHOA)

   Tôi nao nức trở lại Long Sơn bởi trước đây quá quen thuộc với cái đảo này. Gọi là thế bởi dạo ấy chưa có cái cầu Long Sơn hoành tráng và bề thế như bây giờ. Khi sang Long Sơn tìm mua hải sản thì thuyền bè cơ cực và diệu vợi lắm, Ngày trước Long Sơn như tách bạch hoàn toàn với đất liền; Điện không, nước ngọt không và duy nhất một con đường mòn mỏi viền quanh cái núi Long Sơn xám xỉn màu đá cũ.
.      Ngày ấy, Long Sơn chỉ có hải sản và muối. Chúng tôi nương nhau đi ven những ô muối trắng ngà; gió lùa vào cổ họng nghe mặn khan và đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà thấp tè cũng bạc xám màu muối của bà con. Cá tôm cua ghẹ thì ê hề nhưng dân thì vẫn lam lũ và vất vả, khi mỗi ngày 2 con nước lúc lên thì sóng liếm trắng bờ, lúc cạn thì sình rút lũa trơ rễ đước. Những người dân cứ chật vật bởi hai từ GIỐNG-VỐN! Thiên nhiên ưu đãi đấy, ban tặng cho những lợi thế của vùng phù sa cửa sông, cửa biển vậy mà cuộc sống cứ nghèo. Làm sao để có một cái ghe 3 lốc mà đi đánh bắt hay lại chỉ là con thuyền câu bé tẻo teo rung rẩy bên những khóm chà là hoặc cây bần cây đước. Làm sao có đủ tiền khoanh bờ, kè đập, chống sóng, chống gió cho những vuông tôm, đầm vược mênh mông kia hay lại chỉ vào ô quân cờ mẹ đắp, con đăng rồ tát giòn, cào xổi...qua ngày?
 
     Vâng! bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu băn khoăn, bao nhiêu mong ước của bà con ngày ấy tôi vẫn còn nhớ đây và hôm nay hình như câu trả lời đã là quá nửa! Anh Tám- một ông chủ đầm, chủ bè vẫn dáng hiền lành chân chất dẫn chúng tôi ra bến; chỉ sau 20 phút ngồi thuyền; từng vạt đước mở ra, mở ra và tôi không còn tin ở mắt mình: dọc con sông vắng hiu ngày xưa bây giờ cứ như cái thị xã trên mắt nước: bè nối bè, nhà nối nhà, nhà ra nhà và bè ra bè bên những con tàu, con thuyền khơi lộng nao nức đan nhau...Điện không chỉ phủ khắp huyện đảo mà còn vượt ra ngoài cửa sông. sóng điện thoại bây giờ đầy ứ...
         Tôi có được chuyến đi này phải kể đến công của Nguyễn Anh Nguyên-trong cuộc gặp mặt giữa anh em câu cá và anh Nguyễn Thái Tùng cùng vợ từ Hài Nội vào Sài gòn công cán. Nhà đầu tư Thái Tùng cũng nao nức trước tương lai của Long Sơn và anh cũng muốn qua Nguyễn Anh tìm hiểu một số vấn đề, nhân thể, thăm khu đầm tôm và đầm nuôi cá Ngát của Nguyễn Anh rồi sau là...câu bè với nhau 1 bữa.
 
        Chúng tôi xuất phát bằng 2 xe với đầy đủ những phụ liệu cho hải sản và các món ăn, thức uống cần thiết nhằm hướng Vũng Tàu thẳng tiến.
Quốc lộ 51 ngày thứ 7 ai cũng nao nức. Xe chúng tôi cũng vậy. Bác tài ga nhấn hơi sâu bảo cho tới Long Sơn kịp nước. Cây cối, nhà cửa ven đường cứ loang loáng. Đường dang làm phẳng lỳ. Khẩu hiệu, baner ôm cột đàn, cột điện bắt đầu rực rỡ… 
 
      Phần lớn anh em đi đổi gió, chỉ có tôi và Thái Tùng là cồng kềnh kệ nệ với đồ câu mang theo. Hôm nay, chúng tôi quyết chí làm 1 chuyến câu bè...
      Có lẽ, tôi cần nói thêm ít dòng về những cái bè trên dòng sông cạnh biển này. Ngoài những bè nuôi Hào, nuôi các loài giáp xác của những người Việt Nam thì còn có những bè nuôi cá rất qui mô và khép kín của người nước ngoài. Ở Long Sơn, phần lớn những bè cá này của những ông chủ người Đài Loan. Đã vài lần đi câu bè, tôi rất ham lên câu những bè kiểu này không phải muốn ngắm những bà chủ hờ người Việt Nam trẻ trung ngộn ngùn sức sống với những cái nhìn hơi đăm đắm xa xăm mà vì cái bọn cá tự nhiên trong sông biển cứ thích tụ về quanh những bè cá này để hóng hớt thức ăn của cá nuôi lồng. Chúng tôi tùy theo con nước, ngày nước, màu nước, độ chảy...mà thả thẻo và móc mồi tùy loại cá. Cái sự sướng từ từ tôi diễn giải nhưng cái sự chán thì xem ra không có mấy bởi nếu không câu Tráp thì câu Ngát và nếu nước trong hơn thì câu lưng chừng bắt những con cá nâu hệt như bàn tay vươn. Muốn vui nữa: làm vài con trùn biển với thẻo lưỡi câu đôi nho nhỏ thả giật cá lù đù đến mỏi rã cánh tay. Câu Bè đại khái thế nên nhiều thợ câu ham lắm mà cái ông chủ ĐL kia dễ gì cho người lạ lên bè câu( dẫu cái bè rộng chừng vài chục Ha); không phải họ khó khăn gì mà ngộ nhỡ cần thủ không câu cá ngoài ven lồng mà lại thả thẳng cần vào trong lồng bống mú, bống Tiên hay độc chiêu hơn: cứ lẳng quả tình to tổ bố ghẹo cô vợ bé kiêm bà chủ hờ của gã thì...không bao giờ! Ấy vậy mà thằng tôi lại lên những cái bè này câu một cách công khai, bình thường và điều này tôi thực lòng cảm ơn anh NML- người đã dìu dắt cho chuyến phiêu lưu...
       Anh Tám chủ bè nuôi hào và những tài công, thợ máy của anh quả là những người năng động và nhiệt tình. Chúng tôi tập kết được ai là anh cho thảy ngay lên ghe chạy ra bè cho kịp nước. Bà xã của Thái Tùng xem ra cũng sẵn sàng chịu ải ra phết và ông bạn Phương của anh càng vô tư hơn. Chúng tôi tranh thủ ra sớm chiếm lĩnh vị trí câu thuận lợi nhất.
         Bây giờ, tôi xin kể tiếp cho các bạn nghe vài điều hơi tế nhị của vài cuộc tình duyên và những công cuộc làm ăn để thấy rõ “ai hơn ai” ngõ hầu giúp thêm ai đó rút kinh nghiệm rằng:” Đời là thế và cũng không hẳn là thế!” trong bể tình nhà bè này. Tất nhiên, những chuyện tôi kể chả tiêu biểu cho cái gì bởi thấy sao thì nói vậy, chắc chắn vậy thì bình luận cho vui đời vậy thôi...
         Nào bắt đầu: đập vào mắt tôi là bác chủ bè người ĐL nom xấu đau xấu đớn. Mí mắt đã sụp, răng đã không vào hợp tác và đầu thì cứ bóng như sừng dưới nắng mùa hanh hao cửa biển mà ông bác còn phong phanh cái áo chim cò với cái quần tà lỏn lừng chửng thắt dải rút tòn ten. Đáp lại cái gật đầu chào của tôi thì ông bác hô một tràng Hui-ti-ne-maninh!!! Rõ rằng y không mặn với tôi và với trực giác của tay câu cá trộm 30 năm trước, tôi dịch ngay ra rằng gã nhắc 2 công nhân đang xoay cái lưới lồng rằng:” cẩn thận kẻo nó sỏng mẹ ra ngoài hết bây giờ!”. Ông bác dẫn đường bảo:” Việc nó làm kệ nó, mình câu cứ câu...”. Hẳn rồi! nhưng tôi không thể chỉ câu mà không ngó xem cô vợ ông này đâu và cơ ngơi, cung cách...của họ như thế nào. Chà! trên cái khu liên hợp Nhà bè-công xưởng này đúng là 1 xí nghiệp công nghiệp đúng nghĩa. Người ta có hẳn 1 nhà máy xay và ch61 biến thức ăn cho cá và ác liệt hơn: cá nào mồi ấy không khác gì những bác thợ câu hoành tráng mà tôi tiếp xúc. Có điều, mồi của bác thợ câu VN chỉ cao lắm mỗi loại chừng 30 ký (bác Quốc Vận) và chỉ 1 căn phòng xép chế tác chứ ở đây tính bằng kho, bằng Tấn và những cái máy phát điện to đùng đoàng cung cấp tất tần tật điện năng cho toàn khu vài chục héc ta. Trên khu này, chủ bè ngăn ra từng vuông, từng vuông như những ô bàn cờ khổng lồ. Những con đường nhân tạo nối những vuông kia lại và ven đường là cáp điện, ống dẫn nước, ống dẫn thuốc tẩy uế, móc treo, balăng...cho những cái lồng lưới có thể căng ra, cho chùng, cho sâu, cho cạn và thu lại hay thay thế...một các rất ư nhịp nhàng, khoa học. Điều quan trọng nhất là trong những cái vuông kia là...cá nuôi. Tôi thành thực với bạn đọc rằng mình không đủ kiến thức về cá để gọi và nhớ tên hết những loài cá nuôi này. Tôi vốn nhớ kém mà ghi chép ở đây thì...nó ghét nên đành nhớ cá nào nói cá nấy. Thế nhưng những loại cá mú thì tôi quyết không quên và nơi đây đa dạng lắm. Gã bảo vệ vọt miệng khoe với tôi rằng chỉ 1 con cá giống có vảy nên kia giá trị của nó cũng...nửa cái Pâyxì(?). Thú thực, cái côngxócxiom này đã kích thích trí tò mò của tôi. Bắt đầu là màn toa lét, vệ sinh để tìm hiểu: Họ có hẳn cả những dãy nhà dành riêng cho công nhân, nam riêng, nữ riêng để nghỉ trưa và ăn trưa. Những người công nhân lúc nào cũng bịt kín mặt mũi nên tôi chẳng thể bắt chuyện và càng không thể ngắm xem phụ nữ ở đây nhan sắc tới cỡ nào. Thêm nữa, cái ông chủ cứ như một bà mẹ chồng lắm điều: hối thúc, phân công, cắt đặt, tăng ca, giảm ca...liên tục. Bột dinh dưỡng cho cá, thức ăn cùng với những con cá mối được cho vào máy xay theo công thức rồi công nhân dùng xe cút kít chở ra lồng cá rồi dùng xẻng hất xuống. Ngoạn mục nhất là lúc cho cá ăn và lúc chuyển lồng. Những con cá giành ăn lao lên như cá heo làm xiếc với những tiếng quẫy trên cả tuyệt vời nếu nơi ấy có cái đầu dây câu gắn lưỡi bá phát của mình nhỉ? Những cái kỳ, những cái đuôi mạnh mẽ của bọn cá vươn lên chới loà dưới nắng rồi nghỉm liền sau làn nước sóng sánh có lẽ làm say mê cả cô công nhân dửng dưng nhất với tình đời  đang đứng kế tôi đây. Chúng tôi cứ đứng ngây ra mà nhìn cá. Rồi cái đoạn thay lồng: khi những cái balăng sàng qua, những cái móc theo mệnh lệnh của đốc công được tráo đổi, đáy lưới hơi nâng lên, đàn cá phía dưới như òa vỡ và từng tia nước bị quạt tung như cầu vồng nhóng nhánh ngũ sắc. Tuyệt! cá thế mới là cá! Cái lồng tôi đang ngắm là loại cá Tiên sa dài dằng dặc như cá nhồng nhưng nạc nề và khôn ngoan hơn nhiều...
        Trên bè còn có hẳn cả một xưởng sửa chữa, vá lưới, quây lồng, rồi bác sĩ làm công tác chữa bệnh, dinh dưỡng, tiêm chủng...cho cá. Tôi nhìn về phía Văn phòng: đó là ngôi nhà đẹp nhất của cả khu vực được sơn màu xanh nhã và những mành sáo thiên thanh che những ô cửa xinh xắn. Ông Tổng Giám đốc quần xà lỏn liên tục đi ra, đi vào khu này, phía trong là một cô gái áo đỏ, da trắng đang lúi húi với sổ sách. Sau 1 tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu À À! A! Thì ra ngay cả khía cạnh tình cảm, ông bạn người nước ngoài này cũng vận trù một cách sát sao nhất: Vợ bé kiêm kế toán và cấp dưỡng, thợ mát xa và gì gì không biết rõ; anh vợ, em vợ rõ ràng sẽ vào chân bảo vệ, gác dan, vận hành máy nổ, tuần đêm và tài xế taxi. Không cần thiết cứ mỗi người mỗi việc mà 1 người phải kiêm dăm ba việc bởi đã là người nhà thì ai lại đi so kè chuyện bảo hiểm, chuyện lương mới lương cũ, ca 3 ca 4 theo chế độ làm chi. Mà đâu phải ông chủ chỉ 1 bè cá? Có vài ông chủ làm đến ...4 bè! mỗi bè một vợ hờ kiêm chủ hờ cùng với 1 giàn chiến binh thiện chiến bất chiến tự nhiên thành. Gã Tổng giám đốc chỉ cần nhét cái bộ đàm vào túi quần xà lỏn, xuống cái canô cao tốc thế là đã được chuyển từ thế giới này sang thế giới khác của đàn bà mà bộ chỉ huy vẫn rành mạch và thông suốt. Ghen tuông ư? Quên đi! Quên ngay đi bởi ngoài kia không thiếu những cô gái sẵn sàng ký hợp đồng làm bà chủ kiểu đó với những điều khoản thấp hơn nữa chứ lỵ!
         Cùng câu hôm nay với tôi còn có anh Tư- một trong những người anh của bà vợ bé ông chủ bè. Nói chuyện với tôi, anh kể về sự bề thế, hiện đại của cái cơ ngơi do ”con em tôi” nó cai quản. Vợ chồng “nó” là người tình cảm, lo công ăn, việc làm cho cả anh em họ xa. “Thằng” em rể nom vậy mà trình độ ngang giáo sư thuỷ sản. “ Chúng nó chưa muốn co con vì công việc và dự án qúa nhiều! Chúng nó thế này, chúng nó thế nọ...Với người Việt Nam mình tính vai vế họ hàng thì nói thế là thường; thế nhưng, tôi dám chắc như bắp rằng “cái thằng rể” kia xấp xỉ tuổi bố anh. Và A!!! nữa! té ra chú Đảo Đài kia biết nghe cả tiếng Việt; bởi khi ông chủ này tà tà đi đến, ông anh vợ kia mặt hơi tai tái, vứt ngay cái lon câu, cầm cái vợt xúc rác cấp kỳ với thái độ rõ ra cung kính khẽ nói với tôi như lướt gió: ”Thằng này nó biết nghe tiếng Việt đấy anh à!”.
         Với tôi thì chả sao cả bởi mình đi câu mà! Những con cá ngát ở đây béo nần nẫn. Vùng Nhà Bè tôi cũng vốn chuyên gia cá ngát nhưng ở đây thua những tay câu lon. Họ chỉ cắt miếng cá mối ướp muối rồi móc vào lưỡi câu, kèm cái bù loong thay chì thả xuống chờ thời và chỉ ít phút sau cái lon báo động và họ lại chờ cho con cá quẫy mệt thì từ từ kéo lên dùng vợt xúc và kềm bẻ ngạnh. Tôi câu được 3 con lù đù. Bọn cá này ăn mồi thuần túy lắm: khẽ giừn giựt rồi níu đọt là mình quay dây lên. Thế nhưng sang món câu cá Nâu thì chua hơn; tôi phải dùng cái thẻo bằng inoc có 3 tầng lưỡi để móc bánh mì thả xuống căn chừng 1,5-2 mét nước; nơi tay cần phải thật tỉnh bởi cá nâu cắn mồi nhẹ nhàng. Giật và kéo cá nâu từa tựa như cá chim trong sông. cùng sàng xê qua lại rồi a lê múc!
Bên kia, anh Thái Tùng có vẻ như chưa quen câu nơi vùng sông cửa biển có nước ra vào vật vã nên chưa thấy anh hô dính cá (hoặc có thể anh bạn có dính nhưng cá nhỏ lại đem thả xuống); thế nhưng cứ nhìn cảnh hai vợ chồng nhà ấy củ mỉ cù mì trò chuyện thế kia tôi tuyệt không dám sề xết lại gần. 
 
         Câu chán, chúng tôi kiếm chỗ nằm ngửa hứng nắng và hứng gió. Ban nãy, mấy chiếc ghe trung chở anh em bên U tập kết ra đầm tôm, đầm cá của Nguyễn Anh chạy ngang vẫy chào. Tôi cứ nghĩ bọn mình vui hơn ai dè các bạn trong ấy mới là số dzách. Bảo nhí pôn cho tôi báo tin anh em giựt lên bờ gần một xô đầy cá đục với bống các loại; Bảo còn khoe có tới cả chục cá lưỡi trâu, thờn bơn thịt nạc nề to hơn mặt bàn là Liên Xô.
          Và như những chàng đại lãn, chúng tôi cứ say mê câu cho đến khi tài công của anh Tám ghé vào xúc toàn bộ chạy sang lều tôm của Nguyễn anh nhậu; và từ phút này tôi cũng kệ xác những cái Nhà Bè bề thế với ông chủ, bà chủ của nó. Gã bảo vệ cứ ngoắc tôi lia bảo rằng còn chưa giới thiệu hết cái công đoạn dân ĐL mang tàu biển vào thu họach cá, những con cá kia được chuyển qua ngâm nước ngọt, được chích thuốc cho ngủ tạm rồi…xuất biên! Đấy là việc của các bác! Em có khen thì nó cũng chả cho cái vảy! Chào nhé và nhậu đi!
       Căn nhà của Nguyễn Anh trên đầm tôm gọi là “lều” chứ rõ ràng đây là một căn nhà khá khang trang có đầy đủ những tiện nghi tối thiểu, xung quanh nhà ốp ván nhưng sơn xanh khí thế lắm và trên nóc nhà còn có cả cờ đỏ sao vàng. Chà! dám cái nhà này vác đặt ra mé kia dám có đám thuyền trưởng thuyền phó một mùa tưởng trụ sở Cảng vụ hay giang đoàn mà ghé vào trình giấy lắm. Thuyền chở chúng tôi cập vào trong tiếng sủa ào ạt của tiểu đội lính tuần tra. Sủa chưa đủ, các chú chó thiện chiến này còn biểu diễn bằng cách nhảy đại xuống sông bơi qua bơi lại cứ như người nhái tập trận. Báo hại bà xã Thái Tùng người Hà Nội gốc hơi rung tim.
        Coi nào! đúng như Bảo Nhí thông báo, anh em câu trong đầm giật ngang giật ngửa nhìn sướng mắt. Đó là những chú cá Đục, cá Bống đen, Bống hoa, Phèn trắng và rất nhiều những con cá mình bè ra, vảy trắng như nhúng bạc từa tựa như cá Chéc. Với khung cảnh như thế, nếu ai đó không buột miệng kêu đói thì chắc cả nhóm chưa buông cần. Té ra hôm nay đầu bếp trưởng chính là chị Tám. Tôi đã nhiều lần ăn nhậu dã ngoại ngoài sông biển và thực lòng, khi viết tôi thích ca tụng rượu hơn là kể lể về món ăn nhưng những món hôm nay nó quá ngon, cần phải nhớ bởi nó tuy quen mà rất khác. Đầu tiên là món Gỏi Hào; trong bụng tôi nhẩm nghĩ: thường! chuyển sang món sườn bò Hà Lan đặt hàng tít tận phố Thi Sách, tôi cũng nhẩm bụng: thường! nhưng tới món sò huyết trần nước sôi thì tôi bắt đầu giật mình nhìn cho kỹ bởi con sò khi banh khe mép ra thịt nó đỏ và mập tùm hụp, vun dầy và no tròn căng mọng chứ không gầy gò như những con sò huyết tôi từng được ăn qua trên thành phố. Nói cách khác, những con sò tôi đã ăn qua trước đây chỉ mới là thưởng thức những cái mép sò dai nhách nhưng ai cũng bảo nó là đặc sản và bổ béo tận tráng dương bổ thận. Sò huyết hôm nay ngọt lử ngọt lừ khiến tôi phải giật mình cảnh giác trước những ly rượu Suzu của Hàn Quốc cứ toan chảy tòng tọc vào cuống họng. cảnh giác bởi rượu hương tinh của cây tre vốn ru đẹp tình người mà thức nhắm là món này thật khó cưỡng, khó cưỡng rồi chiều nay lại bập bềnh trên ghe vào bờ sóng gió như thế thì không cho Hà bá ăn chè mới là chuyện lọa!
        Món mồi tiếp theo anh chị Tám đưa ra thì tôi không còn nói gì hơn mà phải vết ra đây: đó là con L...lòn Tiên hấp. Tên đầy đủ dân miền biển gọi là như thế và thực tế con họ nhà sò này có hình dáng và thể hiện trúng phóc như tên gọi. Đây là một loại sò không hùm hụp mà thuôn dài, khi banh ra cỡ bàn tay khít; bên trong hé ra toàn bộ cửa sổ nhìn vào chưa thấy bao giờ sẽ thấy giật mình. Nó nếu là con cái thì cái chùm lông thò ra từ trong hốc ấy nhiều và dài hơn con đực. Nhưng là ăn thì ngon cực kỳ. Tôi hỏi lông này có chén được không thì anh Tám khuyên tôi nên nhổ bỏ bởi nếu ăn nó thì lông mũi mình mọc nhanh và thò dài ra ngoài kỳ cục lắm. Nghe lời anh, tôi nhổ chùm lông toan bỏ đi thì anh Tám lại ngăn và bảo hãy lấy răng bấm cái cục thịt dính bở chùm lông ấy ăn thử. Tôi làm theo và chèn đét ơi: ngon tàn bạo!
            Món tiếp theo là món Hào mù tạt thì xin khỏi kể; có mấy chú thanh niên ngại ăn; hỏi sao thì bảo...em chưa có vợ! 
          Bây giờ. có lẽ tôi phải chuyển qua những người bạn đồng hành của mình hôm nay-những anh bạn trẻ bên U. Nói không để nịnh các bạn nhưng qủa thật thì tôi đã lạc vào một tập thể khá thông minh đáng nể. Thì ra, họ đều là dân IT-những ứng viên lọt qua biết bao nhiêu vòng khảo tuyển để đặt mình vào vị trí công tác mà nhiều người ước ao. Đáng khen hơn nữa, có lẽ, đây là lần đầu tiên sau lâu lắm rồi tôi mới được cùng ngồi chung một cái xe đầy thanh niên mà không có một lời nói tục suốt chặng đường 120 cây số. Tôi hiểu rằng không phải anh em hiền lành đâu...
       Thế nhưng khi họ dàn trải mình thì thật hết mình. Toàn tập suzu: hết veo! toàn tập heniken: chuyện nhỏ! từng chập! từng chập và cung đường xoay tua cái ly bao giờ chỗ nghẽn mạch tắc đường cũng là tôi và bác TuaRua… 
 
         Chào Long Sơn- vùng đất chuyển mình thay da đổi thịt hàng ngày. Xe chúng tôi phóng trên những làn đường tráng nhựa phẳng lỳ hai bên viền những thảm thực vật xanh nõn nà. Những ngôi nhà lầu đã san sát, mặt tiền đã đầy đủ quán xá và bán đảo đã mang một dáng vẻ của thị trấn sung túc. Hết rồi những ngày rau cháo (bây giờ chỉ chén cháo Hào  thay cơm). Đứng trên cơ ngơi của anh Tám, tôi nhìn sang cơ ngơi của anh Tư và gật gù. Anh Tám nắm chặt tay tôi và tôi hiểu rằng anh định nói một câu đại ý rằng:” Chỉ 5 năm trước đây, anh và nhiều người không bao giờ có thể nghĩ rằng cuộc đời lại có thể đi lên nhanh thế. Vâng! cũng một phần nhờ vào đồng vốn phát triển của ngân hàng...”. 
       Nguyễn Anh Nguyên càng lạc quan hơn; anh bảo cứ đà này chỉ 3 mùa là anh có thể thu hồi vốn và bắt đầu sinh lãi. Anh nói chắc nình nịch:” Sổ đỏ của tôi có giá trị đến...30 năm cơ mà!”. 
Đêm 22-4-2005
Không hẳn là Vĩ Thanh:
      Bài viết này tôi viết đã 8 năm. Viết trong cái cảm xúc xê dịch tuyệt tác và chuyến câu đầy kỷ niệm vừa lạ lùng, vừa hài hước. Hôm nay, post lên lại như nhớ về một kỷ niệm đẹp.
       Nhưng có lẽ chỉ đẹp cho tôi và một vài bạn. Với Nguyễn Anh, có lẽ anh cũng không muốn nhắc tới. Nhưng là người đã cầm bút. Đã khen Long Sơn thì tôi cũng cần công bằng và sòng phẳng khi thấy cần phải viết đoạn mà chưa chắc đã…Thanh này!
       Thiệt tình, nếu không có khu đầm của Nguyễn Anh thì không bao giờ chúng tôi có chuyến đi đầy kỷ niệm. Thế nhưng, đúng là niềm vui chẳng tày gang cho anh. Chỉ một thời gian ngắn sau. Sau khi anh đã đầu tư quá nhiều niềm tin và vật chất để làm nhà, để xây cống và nhất là thả tôm, thả cá. Đất và nước màu mỡ. Con Hào, con tôm, con Chẻm …lớn vùn vụt thì một ngày anh được báo tin: Vỡ đập! Vốn liếng dưới đầm coi như mất trắng. Có quá nhiều xì xầm quanh sự cố này. Nhưng thật đáng nể cho Nguyễn Anh, anh chỉ bảo: Thôi em bỏ!
       Bản thân tôi sau khi nghe câu ấy thì cũng không tìm hiểu thêm và không muốn quan tâm đến nữa vì 3 chữ ấy trịnh trọng, dứt khoát, nhẫn nhịn và trong đó có cả khí chất rất …người lớn.
        Quá đủ!
        Bài học rút ra ở đây là gì? Có lẽ đó là câu các cụ vẫn bảo: Thấy đỏ chưa chắc đã là chín! hoặc: Ba Mươi chưa phải đã là Tết nhé
Sài Gòn mồng 7 Tết Quí Tỵ hạ cây Nêu
 bài:VietHoa;Ảnh: sưu tầm
 
 
 
 

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất