Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Kỷ niệm sinh nhật - Thật khó quên (bút ký)

VietHoa xin gửi lại anh em một bài viết về những người bạn chúng tôi cách nay 10 năm. Sau bao nhiêu chuẩn bị, giao lưu, trao đổi và chia sẻ những điều cùng sở thích. Một ngày đẹp trời, hơn trăm con người chúng tôi cùng gặp nhau theo một lịch trình tự nguyện và tự phát. Chúng tôi du câu. Chúng tôi vươn mình ra câu biển sau những năm tháng câu nhỏ lẻ trong sông hồ.
.
 Kỷ niệm thật vui và thật đẹp. Cho đến hôm nay, mặc cho những người bạn trong chuyến du câu xưa đã thành đạt, đã danh toại và mỹ mãn cuộc đời tới cỡ nào. Nhưng có lẽ, anh em chẳng bao giờ quên kỷ niệm xa xôi ấy. Cảm ơn cuộc sống thật nhiều. Với tôi, dù Nguyễn Anh Nguyên bây giờ đã là một quan chức, một Ceo lẫy lừng hàng đầu của Đông Nam Á; một Đặng Thọ Dũng là chủ tịch Hội đồng Quản trị của một doanh nghiệp TNHH Một Thành Viên; Một Quốc Vận trở thành quản trị của một đơn vị lớn; Một Đàm Hà Phú làm Tổng giám đốc của một Tổng công ty thiết kế nổi tiếng; Một Tuấn Hàng Xanh nhẹ nhàng bước lên thềm ông chủ và…biết bao nhiêu anh tài tôi không có dịp gặp lại, không có ai nói cho mà biết về các bạn bởi cuộc đời thời gian cứ trôi nhanh, trôi nhanh…tất bật đến quên cả mình chợt tuổi ngoại 60!!!!

Tự nhiên nhớ về một kỷ niệm. Tết gửi mọi người đọc lấy vui

Tôi cứ nghĩ mãi về cách viết bài bút ký về chuyến câu kỷ niệm 1 năm ngày thành lập trang web này. Bởi vì, chuyến đi thực sự đã làm nức lòng tất cả những ai ham câu cá và hơn hết đó là sự thắng lợi mỹ mãn của tinh thần cộng đồng và chia sẻ – một chuyến đi đại hoành tráng, tầm qui mô quá sức mong đợi trong phạm vi vùng miền.

Có điều,  các bạn đừng ngại nó dài, đừng e các trường đoạn, đừng phân vân vì sao ai đó được đề cập đến nhiều lần, đừng khó tính khi người viết ngắt ngang mạch văn để xoay sang đồng hiện hoặc bình phẩm tưng ngang bằng đôi từ hơi uốn éo … Đừng nhé và đừng nhé ! Vì tất cả nó là chúng ta ! Là thực ! Dẫu hãn hữu có chỗ ngoa ngôn thêm một tý …

Xin bắt đầu …

Đoàn xe của nhóm 4so9 (gọi là Nhóm vì lúc ấy chúng tôi vốn thế) lắc lư bò chậm chạp trên những khúc đường sậm màu đất đỏ của quê hương chị Võ Thị Sáu. Quẹo nữa và quẹo nữa ! Chiếc xe buýt khổ lớn 48 chỗ chúng tôi ngồi lắc lư kinh nhất. Gần 3 tiếng đồng hồ rồi còn gì ? Bộ khung ọp ẹp của tôi có nguy cơ nhã nhừ. Hộp xôi nếp trên tay tôi (và một số người) cứ như muốn bật văng ra. Ăn sáng ư ? Đói lắm rồi mà chưa thể được ! Cơn cớ này không khéo xôi chưa vô bụng lại thốc ra không chừng ! Con xe khổng lồ của chúng tôi không cần biết điều đó mà cứ trườn tròng chành một cách nhẫn nại qua sa mạc cát. Xà ! Hiếm có nơi nào địa tầng và sinh vật phong phú như vùng này. Rừng rậm, rừng lá thấp và các trảng cát cứ như xen nhau thật khó tả. Đèo và cua có đấy nhưng chỉ 10 thước lên cao 10 thước xuống. Càng gần đến biển Hồ Cốc, cát càng mịn và trắng ra. Những bụi cây Kim Ngân lè tè viền như nhiều nét vẽ tiếp nối và những bụi Sầm Sọng xanh đanh cứng cỏi đỡ những dây leo rung rinh hoa tím, hoa vàng. Đường rừng vắng quá! Vắng đến cô liêu …

 

Nhưng chỉ sau ít phút, khu du lịch Hồ Cốc hiện ra khá bề thế và nhộn nhịp. Xe dừng lại và kìa ! Cả khu Hồ Cốc có vẻ sững sờ ! Dân tình bình … loạn: Những cái xe đời mới này ghé đây xưa nay chả thiếu thế nhưng lạ nhất là trong ruột xe bung ra lắm điều ngạc nhiên. Gần 100 con người trang bị kỹ đến tận răng mà lạ hoắc. Lạ ở chỗ không giống bất cứ đoàn khách du lịch nào. Lạ từ những cái nón vàng sậm giống anh giai Pa Thét nhưng nhóm thì kính đen ngầu nghệ, nhóm thì kính trắng thư sinh, mỗi người trên cổ tòn teng một thẻ bài ghi tên họ oách cứ như Si-Gêm tiền trạm, nhất là vai ai cũng khoác bao vũ khí, đầu bu thò ra tròn xoe như “Họng súng hửi trời” của nhà thơ Quang Dũng !

- Cái gì thế ? Đi đâu thế hả các bác?
- Đi câu ! Mà câu thi đấy !
- Ố là là và eo ơi ! Cần câu kia ư, máy câu kia ư ! Thế mà thằng cháu nhà tôi nó bảo tòan là ăng ten di động (!). Nói các bác bỏ quá chứ dân tình chúng tôi thoạt đầu ngỡ các bác là … biệt kích tinh nhuệ đi diễn tập chứ câu với kéo gì mà rầm rộ như ra trận thế !

Chưa hết! Hai vợ chồng ông chủ quán đồ câu Ngọc Kề (Long Đất) bốn mắt tròn như bốn con ốc nhồi khi nghe Mai Hương yêu cầu bán ngay cho đoàn 60 bịch trùn biển. Bà Ngọc Kề trợn mắt hỏi gấp: ”Mấy em mua trùn về làm món trùn nấu chao chữa bệnh dinh dưỡng hay sao mà nhiều thế ??”. Đến khi yêu cầu thêm 20kg chì loại 100-120gr có râu kẽm neo mồi thì bà Ngọc Kề khoái tỉ ra mặt: ”Mấy mươi năm theo nghiệp bán đồ câu chưa có ông khách nào mua hàng kinh như thế ! Các bảc nhẩy ! Kỷ lục nầy đã nơi nào bị phá ?”. Ngay lập tức, ông Ngọc Kề triệu tập toàn gia quyến mỗi người 1 cần câu, đóng cửa hiệu và … theo nhóm 4so9 cùng câu !!! Trước khi vung tay cần, ông ta cứ lắc nỏm độc thoại câu: ”Hôm nay tôi sướng ! Hôm nay tôi sướng !”. Bất giác, tôi nhìn sang Nguyễn Anh và nhớ lại câu nói hôm đi tiền trạm của anh: ”Cực một tý nhưng mà vui !”.

( Đoạn này cũng chưa phải Vĩ Thanh: Mười năm sau, khi tôi chủ trì vài cuộc chơi tại Hội Câu Những Người Bạn tại TP Hồ Chí Minh. Các cuộc chơi đương nhiên vui vật vã. Nhưng trái đất quả rất tròn và màn hình bắt đầu rất phẳng: tôi gặp lại người con thứ Hai của ông chủ quán Ngọc Kề. Ban đầu tôi chẳng nhớ ai vào ai nhưng người thầy giáo mê câu mà nhiệt tình giúp đỡ bạn bè tên là Nguyễn Ngọc Thanh tự giới thiệu tôi mới nhớ. Nhìn anh Ngọc Thanh, tôi chợt thấy những nét lãng mạn và nụ cười dễ mến của ông chủ Ngọc Kề hơn 10 năm trước…. Có lẽ, những kỷ niệm và tình thân này sẽ được tôi biên vào một đoản khúc khác…)

Nhớ lại những chuyến đi tiền trạm.

Sau chuyến tiền trạm trên Lộc Quang (Bình Phước), những người đi tiền trạm chúng tôi xác định với nhau: “Lộc Quang có thiên nhiên, khí hậu trong lành, có hồ câu rộng rãi thế nhưng điều lôi cuốn và hấp dẫn nhất là CÁ thì không khả thi. Chúng ta đã hơn 1 lần ra quân và những cái được dẫu nhiều song không thỏa mãn !” Thế là chương trình đi câu thi hồ Lộc Quang tạm gác lại.
 
 

Lần tiền trạm thứ 2 với ý kiến tham mưu của anh Hưng & anh Phú nhóm Tuấn Hàng Xanh cùng nhóm Dũng Diệu. Theo như Dũng Điệu khẳng định thì hồ Bố Lá cá rất nhiều. Thực tế, nhóm tiền trạm đã chạm trán ở hồ Bố Lá bên Bình Dương nhiều vấn đề còn ấn tượng hơn cả cá. Đây là 1 cái hồ khỏang 3 hecta do 1 cán bộ công an về hưu nhận thầu, nằm gần ngay trại giam Bố Lá ! Mật độ cá ở đây rất dày. Cá Chép khỏi nói khi thính vừa thả xuống đã thấy những đường tim xì xì ủi ủi đúng điệu cá Gáy quê choa. Thi thoảng, những chú mè Vinh cả kg trồi lên mặt nước hứng tình ngửa họng dòm anh em tiền trạm ra vẻ thân quen. Những con Trắm cỏ đen trùi trũi, thân lẳn như đùi Phạm Văn Mách dính câu chạy ào ào như ma đuổi. Đặc biệt, trong ao nhiều cá Lóc lưu cữu. Hàng ngày thường có khoảng 4-5 tay câu rê cá lóc dáng vẻ vô cùng chuyên nghiệp lang thang trong góc hồ kiếm mỗi ngày 2-3 con lóc lẻ đàn …

Hồ Bố Lá nằm giữa khung cảnh đẹp, hữu tình nhưng nhóm tiền trạm hơi băn khoăn vì chiều dài hồ thì có mà chiều rộng thì hẹp. Hẹp thế này với sức ném câu của Bảo Cương thì bao nhiêu chì, mồi văng lên bờ bên kia bằng hết. Từng đàn vịt xiêm lùi lũi cứ như những xe tăng nước kia chắc chắn sẽ gây khó khăn cho những người câu phao bơm nổi. Thăm nước xong, Tuấn Hàng Xanh tuyên bố xanh rờn rằng: ”Nếu chúng ta rải mồi đúng điệu, câu cẩn thận nguyên ngày thì … xe hơi cũng không còn chỗ mà chứa cá !”. Chúng tôi gặp chủ hồ, đây là 1 ông anh luống tuổi dễ mến và cực kỳ chiều khách. Coi, ổng hô một tiếng là con cháu quăng thòng lọng tóm những con xiêm bánh tẻ béo nần nẫn buộc chân, khóa cánh sẵn sàng. Tiết canh nhé ! Lẩu chao nhé ! Nướng nhé rồi hầm măng nhé ! Tình thiên lý tha hương ngộ cố tri mà ! Vâng tất cả ! Nhóm tiền trạm mang vào chòi những gì mình có. Rượu ngả ra, phao thả xuống, tay cầm cần, tay nâng ly hai con mắt nhìn hai nơi vì ai cũng sướng cả câu nổi lẫn câu chìm … 

Nhưng mà không thể ! Khi chúng tôi đặt vấn đề câu cho cả nhóm thì ông chủ hồ ngán thực sự. Nhìn nét câu lành nghề của Dũng Diệu, suy diễn ra gần 100 tay câu lành nghề cỡ thế và hơn thế dăng ngang thì … buốt ruột lắm. Hoãn binh và xem lại là ý định của chủ hồ. Qua cung cách, chúng tôi tạm hiểu rằng: ”Choa mến khách lắm, vui tính lắm, chia sẻ lắm nhưng chỉ vài người như mấy chú thì vô tư chớ nguyên sê ri bầu đoàn thê tử cả trăm con người thì … xót cá lắm ! Kịch !Ực !“. Ly rượu gạo mật gấu càng nóng chát. Chúng tôi hiểu ông bác băn khoăn và cả những băn khoăn của chúng tôi ! Vâng ! Tạm biệt và mình sẽ bàn sau. Chia tay là đương nhiên rồi vì cái chúng tôi cần là làm sao có chỗ cho toàn thể anh em 4so9 phía Nam vui vẻ, thoải mái 1-2 ngày, chứ không chỉ là dăm mạng đánh lẻ thế này !
 

Lên rừng không xong thì ta xuống biển ! Ừ ! Tại sao không là vùng biển Hồ Tràm và Hồ Cốc ? Một toán tiền trạm và đương nhiên là anh Hồ Văn Hán không lạ gì biển những nơi này. Ba chiếc xe hơi với quân số nhiều hơn dự kiến chuyển bánh cấp kỳ. Có thể nói, chuyến tiền trạm này có ý nghĩa quyết định đến thành công rực rỡ của ngày ra quân rầm rộ 10/8/2003. Bãi biển khu vực Hồ Cốc tương tự như bãi bên Phước Hải. Tại đây cũng có những ghềnh và gộp đá sát mí biển mà đứng trên đó có thế quăng chì ra rất xa. Rút kinh nghiệm lần câu bên Phước Hải, lần này nhóm tiền trạm cứ … bám thắt lưng dân địa phương mà câu theo. Té ra, khác nhiều với câu truyền thống trong sông hồ, câu biển thẻo phải dài tới hơn 1m, chì phải có râu kẽm để neo cứng vào cát chống sóng trôi. Ngay chuyện móc mồi câu, các thợ câu biển cũng không hà tiện quấn trùn lá thành cục mồi thật to. Họ giải thích rằng có như thế mới hấp dẫn được cá. Những dân câu địa phương liên tục kéo lên những con Tráp (tương tự như cá Hanh trong sông) và rất nhiều cá Ngát. Nôn nao quá! Rồi ! Giọng reo nữ cao của Mai Hương cũng vút lên khi nàng kéo ve ve lên bờ 1 chú cá Ngát chừng nửa ký. Nhìn con cá nâu sậm uốn giãy trên thảm cát trắng phau, những người đi tiền trạm nhìn nhau và cùng ý tưởng: ”Không đâu bằng đây !”. Tuy vậy, nhóm tiền trạm cũng dành nguyên 1 ngày chờ nước lớn, nước rút để ghi chép, đánh dấu những kè đá, hụm vũng, kinh nghiệm … để phổ biến sơ bộ trên web cho anh em chuẩn bị. Khá khen ông trời còn thử thách thêm 1 trận mưa nhẹ với đôi ba ánh chớp … thế là CHƯƠNG TRÌNH CÂU BIỂN HỒ CỐC ra đời !

Công tác chuẩn bị

Ngay sau khi chương trình được thông báo, Ban Tổ Chức bắt đầu bận mê tơi. Số lượng người đăng ký tăng dồn dập. Suốt mấy tuần lễ Nguyễn Anh và nhóm Mai Hương ngổn ngang bao nhiêu là việc. Nàng có vẻ như sụt ký nhưng thon thả và tươi tắn thêm nhiều. Nhìn cô bạn say mê cùng công việc, tôi mới thấm thía đôi lời ghen tỵ của vài sĩ phu Bắc Hà trên diễn đàn hôm nào là chính xác. Có ai đó đã bảo rằng: ”Đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của phụ nữ…” sao mà thấm thía. Tôi không có ý định viết về mình nhưng nếu mấy bà vợ của tôi chỉ được 1 góc tư của nàng thôi thì … thôi tôi chả dám gây chuyện nữa đâu ! 

Khung cảnh lúc 5 giờ 20 phút 10/8/2003 tại khu du lịch Văn Thánh hệt như vào lễ hội. Mai Hương bận nhất với thu tiền, phát thẻ, cấp nón, mũ. Xếp hàng cơ a ? Giời đất ạ ! Lâu lắm mới thấy vụ xếp hàng mà trong tâm trạng nao nức lịch sự như thế này ! Nguyễn Vương Lữ Bằng bảo rằng đêm qua anh không ngủ và mới 4 giờ sáng nay anh và các anh Tân, Mai Hương … đã có mặt tại nhà Nguyễn Anh để khuân vác đồ ăn, đồ uống ra xe …

Một thành công đáng kể nữa của công tác chuẩn bị là vận động tài trợ và tình nguyện tài trợ. Giải thưởng vô cùng phong phú được hãng Penn-Javis Walker, anh Tuấn chủ tiệm câu Hàng Xanh, anh Hào chủ hiệu Hào Cây Gõ và đích thân Nguyễn Anh Nguyên bổ sung được phân lọai. Anh Vũ Dương Ngọc Duy bên JVC gửi tặng mỗi cần thủ câu thi 1 áo thun và 1 nón vải mà đầu bài tôi đã nhắc. Lữ Bằng lập tức phóng to logo của 4so9, cho in ngay trên lưng áo. Nhóm Tân – Mai Hương thiết kế bảng tên đeo trước ngực đẹp hơn cả ViP hồi wơn-cớp. Anh Vũ Đình Nam, Hồ Văn Hán, Nguyễn Cao Đàm, Bá Cương … đóng góp công sức, vật chất mà trong phạm vi bài viết này không thể liệt kê hết vì dài quá.

Ðặc biệt, trong chuyến câu biển này, 2 phát minh tầm cỡ mới được ra đời mà chủ nhân của sáng chế 1 là ông chủ hiệu câu Tuấn Hàng xanh. Đó là cái giá đỡ cần câu trên biển làm bằng khúc cọc thép vạt nhọn bắt khúc ống nước để luồn chuôi cần câu vào đó. Thọat nhìn, chúng tôi thấy nó hơi… buồn cười. Thế nhưng thực tế thì cần câu dựng đứng thẳng dây căng vô cùng chắc chắn trước sóng và gió bão mà lại không dơ bẩn, nhất là con cá dẫu có bao nhiêu ký chăng nữa cũng khó lòng lôi cần đi được. Phát minh được Nguyễn Cao Đàm bỗ sung hoàn thiện bằng ý tưởng chế thêm 1 lẫy đạp chân cắm cát cho nhanh. Phát minh thứ 2 bản quyền thuộc Bảo Cương với cọng thép câu biển mà anh đặt cho thuật ngữ:  Cần Đảng ! Nhắc đến Bảo Cương cũng phải nhớ cái công của anh trong việc nêu ý kiến và đi đăng ký Bảo Hiểm Tai Nạn cho tất cả các thành viên trong nhóm câu 10-08-2003. Chu đáo lắm.

(chả biết các phát minh này đến bây giờ có còn ai áp dụng nữa không nhưng hồi ấy, cách nay hơn 10 năm thì chả khác nào các kỹ sư Xô Viết tìm ra vật liệu chế tạo cho bánh xe leo chướng ngại mặt trăng)

Nhìn từng đống dù, nước đóng chai, đồ ăn nhanh, bia ướp lạnh… mang theo, phu nhân của anh Hồ Văn Hán không bỏ lỡ dịp kẻ vẽ cánh nội trợ đàn ông: ”Sao mà các anh đóng vai nội trợ câu kéo chu đáo thế ? Ở nhà thì nhất nhất cái gì cũng vợ ơi ! Đi thế này vai trò nội còn giỏi gấp 5 lần vợ. Ông nào ông ấy khôn như … ranh (!). Đúng là mấy ông dại nhà, khôn … chợ ! Mà này nữa: Mấy ông đi câu là chúa khôn ! Vợ già thì cất ở nhà, vợ trẻ hoặc bạn gái hay em kết nghĩa thì mang theo ! Thelathenao ?” (thelathenao: @Vichto-HuyGo - những người khốn khổ). Hơ hơ ! Chả ai dại gì mà phản biện với bà chị …
(Còn 1 kỳ: Dài quá cắt đôi chứ không câu giờ)
Bài: VietHoa; hình ảnh: VietHoa, Nguyễn Cao Đàm, Lai Trí Mộc; Thiết kế ảnh: Nguyễn Anh Nguyên
hình ảnh:
 
 
 
 
 
 
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất