Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ra Biển câu cá giải trí - Ký sự VietHoa

    Khoảng chục năm nay, một số du khách câu cá giải trí không còn bó mình và bằng lòng trong cái tĩnh lặng của câu hồ và với sông suối. Họ chuyển qua câu trên biển. Họ mê là phải bởi nơi ấy, có sóng, có gió, có nắng rát và hoàng hôn với đêm đen, sự vật lộn và thử thách của con người không chỉ với thiên nhiên mà còn với những con cá hình thù ấn tượng, màu sắc đa dạng, rất mạnh mẽ tạo cho con người bao bất ngờ và luôn ắp đầy cảm xúc. Cảm xúc có nhiều khi đẩy con người ta đến đỉnh điểm của hồi hộp và kể cả tâm trạng khủng khiếp trước tạo hóa…
.
Bởi lẽ ấy, với biển, những giờ phút lênh đênh buông cần giữa bao la trời nước kia không dành cho những người yếu tim. Thế nhưng, thực tế cho thấy càng ngày càng có những du khách say mê với môn câu cá mạo hiểm này. Đối với những người câu cá biển tại địa phương, việc ra biển thật giản đơn khi chỉ cần chiếc guồng với ngọn tâm vông, ít sải cước, đôi miếng cá đối phi lê để làm mồi câu. Người câu chỉ cần đứng trong bờ, ném mồi ra xa chờ cá cắn câu.
Nhưng với những anh em sâu trong đất liền, ở thành phố, thị xã… vv thì một chuyến du câu ngoài biển là cả quá trình chuẩn bị. Nhất là từ ngày chính phủ cho phép mỗi tuần có thể tới 2 ngày nghỉ thì những vùng có cảng và tàu bè thuận tiện như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…số người tập kết về đi biển câu giải trí càng đông thêm.
Câu biển có nhiều cách câu và nhiều kiểu câu, một bài viết ngắn không thể đề cập dù là khái quát. Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh đến hai kiểu câu mà du khách thường ngồi trên tàu hoặc thuyền buông cần xuống; đó là câu rạng và câu khơi. Biển ven đảo Phú Quốc, cùng với tuyến du lịch thường có dịch vụ câu cá kèm theo. Tuy nhiên, câu cá kết hợp như vậy chỉ như làm phong phú thêm cho chuyến đi chơi vì chỉ đi trên những con thuyền câu gần bờ, câu những con cá nhỏ và mực nhỏ.Ưu điểm là bà già, phụ nữ, trẻ em đều có thể câu tuốt và dễ dính cá bởi mật độ cá khá đông. 

Ở Nha Trang, với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ với ngần ấy rạng san hô; nhiều vùng nước lặng, sâu hình thành những thảm cá phong phú. Cá rạng biển Nha Trang thường không lớn nhưng đa dạng về chủng loại và nhiều nơi sặc sỡ về màu sắc. Mỗi ngày, các cảng Nha Trang có hàng trăm thuyền câu đón khách du câu đi tìm cảm giác ngoài khơi. Có những du khách liên hệ thuê thuyền, tàu từ trước, có những du khách bất chợt xuất hiện lồng ghép với từng nhóm. Thật lạ kỳ cho môn câu cá: dù xa lạ, dù chưa từng gặp gỡ nhưng đã cùng cầm cần câu lên tàu thì chả mấy chốc họ đã trò chuyện và thân thiện, trải lòng cùng nhau…

Với Vũng Tàu, rạng ít hơn nhưng cá không hề nhỏ. Nổi tiếng nhất vẫn là mũi Nghinh Phong. Đây là nơi thường xuyên hứng những cơn sóng và đợt gió. Nghiệt ngã nhưng bù lại, cá ở mũi Nghinh Phong rất đáng nể. Có những con cá Vược tới vài chục ký. Trong một lần cùng anh Ba Lịnh (chủ tàu câu và là một ngư thủ xuất sắc trong làng câu giải trí Vũng Tàu) buông câu ở đây. Tôi được chứng kiến những con Vược hàng chục ký bị khuất phục trong lúc con tàu câu lắc lư làng xàng như muốn lật ụp tới nơi vì sóng lớn…
Theo anh Ba, dân câu biển nặng lòng và nhớ Mũi Nghinh Phong không chỉ vì nơi này cho cá lớn mà còn ở chỗ nó luôn luôn diễn ra những tình huống cần xử lý thật bản lĩnh. hầu như có đến 80% những con cá lớn tại đây cắn mồi lao về phía bờ. Phía ấy, có những vòm hang ăn sâu vào lòng núi cho nên tỷ lệ đứt dây, gãy cần câu vì cá lớn rất cao... 

LÊNH ĐÊNH NHƯ CHIẾC LÁ 

Câu khơi kỳ công hơn. Đó là những chuyến đi dài ngày đòi hỏi những chuẩn bị cá nhân kỹ lưỡng hơn nhiều. Tàu câu dùng cho câu khơi cũng phải đảm bảo các yếu tố an toàn và hiệu quả. Trên tàu câu, người ta thường trang bị những thiết bị như máy dò cá, radio, máy định vị tòan cầu, hệ thống cuốn neo phụ trợ..vv 

Vùng biển mà các cần thủ say mê nhất có lẽ là Côn Sơn. Biển Côn Sơn cách xa đất liền hơn khoảng 200 cây số và đi mất 3 giờ đồng hồ nếu chạy bằng tàu cao tốc hoặc chưa đầy nửa giờ máy bay cất cánh tại Tân Sơn Nhất. Biển Côn Sơn có nhiều đảo và rạng đảo nhiều cá lớn và mật độ cá khá dày.

Sắp xếp và chuẩn bị mãi, chúng tôi mới có một chuyến câu biển Côn Sơn như mơ ước. Con tàu đón chúng tôi tại cầu tàu Côn Đảo là tàu câu chuyên nghiệp, đa chức năng. Nó có thể chạy cơ động với 12 cây số/ giờ chuyển quân từ địa phận hòn đảo nọ sang địa phận hòn đảo kia trong vòng 1 giờ đồng hồ. Đêm xuống, tàu có thể bật cả giàn đèn sáng lung linh để dụ mực vào câu với bẫy ghẹ ..vv.

Chúng tôi đi câu biển cạnh một tiểu đội thuỷ thủ phong trần rám nắng tay chân cuồn cuộn như chão cày. Thuyền trưởng Khánh –con cá kình của Côn Sơn vừa giới thiệu từng thuỷ thủ vừa hài hài hước khen lính của mình rằng: họ quay guồng thu dây câu dẻo như múa chămpa, tết thẻo câu cá dữ đẹp hơn làm hàng mây tre đan xuất khẩu và uốn lưỡi câu khéo léo như thợ kim hoàn...

Rất chiều khách, Thuyền trưởng Khánh cho biết anh em muốn câu ở vùng rạng đảo nào cũng thu xếp được. Ví như hòn Dừa, câu cá Hồng bạc, Hoắc, Đốm, Mú.., hòn Vung câu cá Nhồng, Thu... mạo hiểm hơn thì đến hòn Dù–nơi nước chảy kinh khủng từng làm lật nhiều thuyền câu do chủ quan hay đi sai luồng lạch nhưng có thể được đôi công năm ăn năm thua với những con Cam Đòn, Bớp, Sọc dưa khổng lồ. Lãng mạn hơn, anh em có thể đến hòn Vua- gọi như vậy vì nơi đây ngày xưa là chỗ Hoàng Đế Gia Long thường ra ngồi ngắm biển và câu cá- Nơi ấy, hang ở của cá Lão, Hoắc và nhất là cá Tràm Bì- loại cá bào ra làm món chả cá ngon tuyệt vời!
Như vậy, chúng tôi được lênh đênh trên biển 2 ngày - Một vùng biển qui tụ nhiều những con cá có tiếng hung dữ (nhưng cũng nổi tiếng về ngon thịt) như Sọc dưa, Mú các loại, Cam đòn, Quỵt... Những con cá mà khi ta dính câu dù khấu hay vợt lên boong tàu rồi nhưng nếu chỉ sơ ý là chúng vẫn vươn người táp ngọt cả ngón tay hoặc bắp chân ta.

Khác với vùng biển đảo Nha Trang, cá ở vùng biển Côn Sơn trọng lượng rất lớn, khi dính câu đủ tạo cho những cần thủ có cảm xúc đến từng centimét và vã mồ hôi toàn thân thể. 

Tàu ra khơi. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sóng và gió! Với sóng, gió thường trực (Biển Côn Sơn chẳng bao giờ nguôi sóng và gió). Cần câu biển phải dùng loại chuyên với hệ thống máy ngang thật khoẻ, thiết bị chống mặn, có dây đeo lên cổ phụ trợ. Thân cần cứng, nơi thắt lưng người câu còn có đai để tựa đốc cần. Với trang bị như vậy, người câu có sức khoẻ có thể tức thì “nhổ” cả con cá Mú ra khỏi hang khi chúng vừa rút mồi (nếu chậm, vách đá sẽ cứa dứt dây cước ngay). Mồi câu của chúng tôi là mực sống và cá Đổng với cá Trích. Mực được câu lên vào ban đêm, giộng vào trong kiệt cho sống khoẻ khi câu móc vào lưỡi câu thẻo kép. Tùy từng vùng biển có loại cá ăn nổi hay ăn đáy mà gắn cục chì cho phù hợp.

Nếu ai hỏi tôi rằng: công việc vất vả nhất của đời bạn là gì, tôi sẽ không ngần ngại trả lời là câu Đáy trên biển! Vâng! với 50 thước nước, cục chì gần nửa ký, khi con cá dăm ký lô cắn mồi phóng ghì bạo liệt tìm đường bứt phá thì tay cần không nhẹ nhàng chút nào. Chiếc máy câu bị ghì lại khiến cho chúng chậm chạp hơn bình thường, khi mang được con cá lên bờ, việc đầu tiên là...chống cần mà thở!

Những con cá ăn nổi như Bớp, Thu, Nhồng, Bè Trang... nom to lớn vậy nhưng không khó khăn lắm. Bác H, một cần thủ dạn dày sóng gió của vùng biển này hôm nay cũng có mặt trên chuyến câu. Đúng là không hổ danh cao thủ! Đang ngồi trầm ngâm thấy anh chúi nhẹ, mông nhổm lên và lập tức chân thang choãi ra. Con cá phía dưới giăng dây chạy phừng phừng. Máy câu xả rè rè như gió rít. Chiếc cần daiwa chuyên dụng cong vòng như cạp thúng. Các thuỷ thủ lành nghề nhận định chắc là một con Thu lớn. Lập tức, toàn bộ cần câu trên thuyền thu dây lại nhường sân. Nhường vì cuộc chơi này ý nghĩa kinh tế đứng sau luồng cảm xúc. Bác H vọt lên ca bin tàu, mặc cho con cá sàng ngang sàng dọc. Có lúc, nó xé nước tung người lên nom như một cái đòn gánh khổng lồ ném vào nắng biển. Sau 15 phút, con cá bị khuất phục. Những thuỷ thủ phụ giúp anh khấu cá, đập đầu và chiếc cân điện tử báo : 20 ký lô hơn!

Chúng tôi di chuyển về địa phận biển hòn Đá Gù với cái nao nức muốn gặp những con cá lớn và dữ. Trời xanh mịn, đôi chỗ bông lên vài cuộn mấy trắng như sắp sà xuống những đỉnh sóng đá gà của biển Côn Sơn. Bỗng nhiên…xa trước mặt, gần sau lưng, ven hông tàu nước biển cứ như sôi lên và những đàn cá ăn sóng rầm rĩ ép phê đến quặn lòng. Chiếc tàu câu của chúng tôi đang trườn với vận tốc bình thường thì thấy trước mặt cả một vùng khoảng hai chục mẫu tây nước biển như lặng ngắt nhưng bọt sàu lên tựa như ông giời đang đun nồi cám lợn khổng lồ. "cá Bè trang!" ... Thuyền trưởng Khánh thảng thốt hô và anh em chúng tôi được các chú thuỷ thủ phụ giúp móc những con cá đổng vào lưỡi câu. Nhẹ nhàng nhé! Không cần thêm chì mà chỉ cần con đổng chịu bơi ngang là ổn! Vút! Vút! Vút! Những chiếc cần chuyên nghiệp thảy dây điệu nghệ đón đầu đàn cá. Dây câu tà xuống thành một đường hy-pec-bôn mềm mại. Nhưng kìa, nó chỉ mềm mại trong tích tắc và hình như chúng tôi nghe thấy cả tiếng tốc độ xé nước của những con cá lao tới giành xé con mồi. Phụp! Ụp! Hự! Đó là những tiếng kêu như mặc định của cá táp trúng con mồi. Dây câu căng phừng phừng, chiếc cần câu biển cong vòng hình chữ C, tiếng drag máy câu xả rèn rẹt...

Những mệnh lênh như bát sang, xả dây, khấu cá và tiếng hò reo vang cả một góc biển. Những con Bè trang xoè vây, vảy ánh ngà đẹp mê hồn, con nào con nấy nặng từ 5- 7 ký được cẩu lên tàu!

Chợt đến và chợt đi, đàn cá đột nhiên biến mất như có phép thần. Biển trở lại những lùm sóng quen thuộc. Chúng tôi sôi nổi bình luận về đàn cá. Thuyền trưởng Khánh cho biết: Đàn cá Bè trang này ít “truyền”, nếu đi biển gặp đàn cá Thu, cá Nhồng sẽ dễ dàng thấy nó “truyền”. Truyền là thuật ngữ của người câu biển khi trong đàn có con cá mắc câu thay đổi thế bơi, yếu đi và đàn cá kia lao vào giằng xé đồng loại. Động tác này gọi là “truyền”. Người câu khi ấy mang lên chỉ còn là một cái đầu cá Thu tươi hoặc nửa con cá Nhồng có mắc lưỡi.

Chúng tôi nhìn nhau: một chuyến đi bội thu và may mắn nhưng vẫn thiếu một chữ “truyền”!..

Đã vài lần đi câu biển, tôi hiểu rằng lúc này mọi người đang say biển. Nhưng mai về lên bờ rồi, cái cảm giác chòng chành, chếnh choáng còn đeo đẳng đến 2 ngày, trạng thái ấy gọi là...say đất! 

MỘT SÂN CHƠI ĐẦY TIỀM NĂNG 

Nếu ai đã từng ôm cần đi câu biển ngoài khơi, đều sẽ nhận thấy rằng: con cá biển cùng trọng lượng nhưng nó giằng câu khỏe gấp 2-3 lần con cá trong hồ bởi nhiều lẽ: độ sâu, lực cản của nước, sức mạnh trì níu toàn cơ bắp của con cá (cá biển hầu như không có mỡ). Những pha giằng xé, bứt phá, phóng lên, bay ngang của con cá đã tạo cho người câu những cảm giác không bao giờ quên.

Chính vì mê câu biển, chỉ trong vòng 10 năm, lượng du khách tham gia câu biển tăng vọt lên nhiều lần. Tuy nhiên, chững chuyến câu đa phần chỉ là tự phát và gói gọn trong phạm vi những người bạn bè cùng sở thích. Cũng đã có vài công ty du lịch tổ chức cho khách câu cá giải trí nhưng mới chỉ làm phong phú chương trình chứ chưa thực sự tạo cho du khách cảm giác mạnh. Ở những vùng biển như Nha Trang, Hạ Long cũng đã có các khu bảo tồn phục vụ du khách nhưng cung không theo kịp cầu.

Nước ta có chiều dài biển tới 3000 km, vùng biển nào cũng có cá và cũng có thể tổ chức câu cá. Những địa danh như Cồn Cỏ, Giàn Khoan, Ba Hầm, Trường Sa...chỉ cần nhắc đến tên thôi, những tay câu biển đã nhen lên trong lòng những mơ ước tiếp cận. Bởi vì những nơi ấy, không chỉ cá thật nhiều mà còn là nắng, gió, sóng dồn và lòng người còn nhen lên cả niềm tự hào đang ở những tọa độ đặc biệt, oai hùng của Tổ Quốc 

Đã đến lúc, ngành du lịch cần có các động thái kết hợp cùng các hội câu cá trong nước để môn câu cá giải trí bổ sung phong phú cho các hoạt động của mình. Đồng thời, những vấn nạn như đánh thuốc nổ, rải độc tố xianua, bắn thuốc mê, cào điện... cần phải được xử lý nghiêm khắc. Có như vậy, nguồn tài nguyên biển của chúng ta  mới trở lại dồi dào...
Bài và ảnh:VietHoa
 Hình Ảnh: (xem đầy đủ hình các chuyến đi tại Đây)
 
 
 
 
 
 
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất